GIOAN TẨY GIẢ:
NGƯỜI DỌN LÒNG MÌNH VÀ LÒNG NGƯỜI KHÁC CHO CHÚA ĐẾN
Phêrô Phạm Văn Trung
Một người đàn ông tưởng mình là Gioan Tẩy Giả. Anh ta làm náo loạn khu phố. Do vậy, vì sự an toàn của cộng đồng, anh ta bị cưỡng chế đưa đến khu tâm thần của một bệnh viện. Anh ta được đưa vào một phòng với một bệnh nhân điên khác. Anh ta bắt đầu ngay công việc của mình, “Tôi là Gioan Tẩy Giả đây! Chúa đã sai tôi làm tiền hô cho Chúa Giêsu, Đấng Mêsia!” Anh chàng kia nhìn anh ta và tuyên bố, “Còn Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ta đâu có sai ngươi đi!”
Gioan Tẩy Giả có dáng vẻ bên ngoài và một lối sống của một người “không bình thường”, “mình mặc áo lông lạc đà và ngang lưng thì thắt xiêm bằng da thú vật, và ông nuôi mình bằng châu chấu và mật ong dại” (Máccô 1: 7). Nhưng thực ra ông không hề “tâm thần” chút nào, trái lại là khác, vì “cả xứ Giuđê và tất cả dân thành Giêrusalem trẩy đến với ông và nhờ ông thanh tẩy cho trong sông Giócđan mà xưng thú tội lỗi” (Máccô 1:5).
Gioan Tẩy Giả thực hiện việc thanh tẩy do sáng kiến riêng của mình chăng, như người điên trong câu chuyện kể trên nói: “Ta đâu có sai ngươi đi!”? Gioan Tẩy Giả thực sự được Thiên Chúa sai đi làm sứ giả cho Chúa Giêsu, “Như đã viết trong (sách) tiên tri Isaia: Này ta sai thần sứ Ta đi trước mặt ngươi kẻ sẽ dọn đường cho ngươi” (Máccô 1:2).
Và sứ mạng của Gioan Tẩy Giả là “Trong sa mạc, Gioan Tẩy Giả xuất hiện rao giảng thanh tẩy hối cải, để được tha thứ tội khiên” (Máccô 1:4).
Chủ đề trung tâm của Mùa vọng là chúng ta tuyệt đối cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho “Sự trở lại” của Chúa Kitô vào tâm hồn và cuộc sống của chúng ta bằng cách ăn năn hối cải, đền tội, cầu nguyện thực sự và đổi mới đời sống của chúng ta. Chúng ta cũng được nhắc nhở rằng Chúa Giêsu đã đến cách đây 2000 năm, nhưng Ngài vẫn đến hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta qua việc cử hành Thánh Thể, qua Kinh Thánh, qua cầu nguyện cộng đoàn, và sự trở lại trong tương lai của Ngài (Đến lần thứ hai) thực sự là sự hoàn tất kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa từ muôn thuở dành cho tất cả chúng ta.
Sách Tiên tri Isaia cho chúng ta biết về những người lưu đày ở Babylon trở về quê hương của họ, Giuđa và thành thánh Giêrusalem. Isaia đảm bảo với dân của mình rằng Chúa sẽ dẫn đưa họ trong một cuộc rước lớn về quê hương của họ và chăm sóc họ như một người chăn cừu chăm sóc đàn chiên của mình:
“Phải, Giavê sẽ chạnh thương Giacóp, Người vẫn quyết chọn lấy Israel; Người sẽ cho chúng an cư nơi đất tổ. Kiều cư sẽ cùng chúng liên kết, họ sẽ hợp đoàn với nhà Giacóp. Các dân sẽ lãnh lấy chúng đưa về cố hương. Nơi thửa đất của Giavê, họ sẽ là sở hữu của nhà Israel, sung làm tôi trai tớ gái” (Isaia 14:1-2).
“Hãy an ủi, hãy an ủi dân ta, Thiên Chúa của các ngươi vừa phán. Hãy nhủ lòng cùng Giêrusalem và nhắn với nó: Dịch vụ của nó mãn rồi, trang trải rồi vạ nó đã mang.
Phải, nó đã lĩnh nơi tay Giavê gấp đôi về các lỗi lầm của nó. Có tiếng hô: "Trong sa mạc hãy bạt lối Giavê! trong chốn hoang giao hãy san bằng ngự lộ cho Thiên Chúa ta (thờ). Mọi thung lũng sẽ dâng lên, mọi núi đồi sẽ lún xuống; gồ ghề sẽ thành bình nguyên, lồi lõm sẽ hóa ra đồng bằng…. Như mục tử, Người chăn đàn chiên của Người, cánh tay Người thâu họp chúng lại; Người bồng chiên con và dìu đi cừu mẹ nuôi con” (Isaia 40:1-11).
Thánh vịnh 85 mô tả cách làm thế nào shalom, nghĩa là sự bình an trọn vẹn, sẽ trở lại cùng với sự trở lại của Chúa, chúng ta trở về nhà củng với Chúa Giêsu khi Ngài đến lần thứ hai, và Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, “về nhà” đi vào cuộc sống của chúng ta trong mùa Vọng:
“Giavê, Người đã thương đoái đất đai của Người, Người đã thương phục hồi Giacóp, Người đã cất tội vạ dân Người, Người đã vùi lấp lỗi lầm của chúng. Người đã rút lại tất cả lôi đình, Người đã thâu hồi lửa giận…Ân nghĩa, tín thành cùng nhau hội ngộ, công chính bình an áp má hôn nhau, từ đất tín thành nẩy mầm, từ trời công chính đoái lại. Chính Yavê, sẽ ban phúc lành, và đất sẽ ban hoa trái, công chính đi trước nhan Người, và bình an dõi bước theo sau!” (Thánh vịnh 85).
Thư thứ hai của Thánh Phêrô, mời gọi chúng ta chuẩn bị trở lại với Chúa Giêsu khi Ngài đến lần thứ hai. Thánh Phêrô nói với những người nghi ngờ sự tái lâm của Chúa Giêsu rằng cách đếm thời gian của Thiên Chúa khác với chúng ta và Thiên Chúa có lý do riêng để trì hoãn sự tái lâm của Chúa Kitô. Phêrô cho chúng ta sự bảo đảm rằng Chúa Giêsu chắc chắn sẽ trở lại mặc dù chúng ta không biết khi nào. Do đó, trong khi chờ đợi, chúng ta nên sống cuộc đời thánh thiện và đạo hạnh:
“Trong những ngày sau hết, sẽ xuất hiện quân nhạo báng chuyên nhạo báng; chúng đi theo các đam mê của chúng, và nói: "Nào đâu lời hứa về Quang lâm của Ngài? Vì từ ngày cha ông đã yên nghỉ, mọi sự vẫn tồn tại như từ khởi nguyên tạo thành". Vì những kẻ dám quyết như thể không nhận biết rằng: Xưa kia trời và đất đã ngoi lên tự nước và nhờ nước, bởi Lời Thiên Chúa, rồi cũng vì các nguyên do ấy mà thế gian thời bấy giờ đã bị hủy diệt dìm dưới nước lụt. Còn trời và đất bây giờ đây, thì do cũng một Lời ấy mà được tàng trữ lại dành cho lửa vào ngày phán xét và diệt vong của phường vô đạo.
Chỉ một lời này thôi, anh em thân mến, anh em đừng tự giấu mình: nơi Chúa một ngày cũng tày ngàn năm, và ngàn năm cũng như một ngày. Chúa không trì hoãn giữ điều đã hứa, như có kẻ cho đó là trì hoãn, nhưng Ngài kiên nhẫn đối với anh em, không muốn ai phải hư đi, nhưng là hết thảy có phương hối cải. Nhưng Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm; trong ngày ấy các tầng trời xèo xèo biến sạch; ngũ hành bốc cháy tiêu tan; đất và các công trình trên đất sẽ hóa [tiêu tan]. Bởi mọi sự ấy đều sẽ tiêu tan như vậy, thì [anh em] phải ra sao về đức thánh thiện, và các việc đạo đức?” (2 Phêrô 3:3-11).
Tin Mừng Máccô 1: 1-18 cho chúng ta biết rằng sự phục hồi thế giới sa ngã đã bắt đầu với sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả, sứ giả và tiền hô của Đấng Mêsia. Gioan nói về một Đấng quyền năng hơn ông - Chúa Giêsu Kitô - Đấng sẽ làm phép rửa cho chúng ta bằng Thánh Thần. Mỗi người chúng ta đã nhận được ân huệ của Chúa Thánh Thần trong Phép Rửa, và bây giờ chúng ta đang sống trong Thánh Thần mỗi ngày, chờ đợi sự trở lại của Chúa chúng ta. Vì vậy, chúng ta trở thành những người kế vị của Gioan Tẩy Giả, chuẩn bị cho sự trở lại của Chúa Kitô đem đến một thế giới mới và hoàn hảo.
Tin Mừng cho chúng ta biết theo lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả chúng ta làm thế nào để chuẩn bị để đón nhận Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ đến trong cuộc sống của chúng ta trong Mùa Vọng: bằng cách ăn năn và đổi mới cuộc sống. Gioan rao giảng rằng hành vi thích hợp cho những người chuẩn bị “con đường cho Chúa” là chịu phép rửa “khi họ thú nhận tội lỗi của mình”. Ông muốn người Do Thái chuẩn bị cuộc sống của họ cho Đấng Mêsia bằng cách lấp đầy những thung lũng của thành kiến, san bằng những ngọn núi kiêu hãnh và uốn cho ngay những con đường quanh co của họ về sự bất công và vô luân. Gioan đã đề nghị một phép rửa ăn năn ở sông Giócđan cho những người Do Thái vì họ đã quen thuộc với những việc tẩy rửa mang tính nghi thức và tượng trưng.
Hãy ăn năn và trở lại với Chúa - những ưu tiên mà Gioan đặt ra:
Có hai truyền thống mà phép rửa của Gioan có thể được bắt nguồn từ đó: Một là những việc tẩy rửa theo nghi thức mà người ta tẩy rửa mình khỏi sự ô uế tâm linh. Tắm rửa theo nghi thức đặc biệt quan trọng trong cộng đồng Qumran mà Gioan có thể có mối liên hệ nào đó. Truyền thống khác là phép rửa cho người mới vào đạo (tân tòng) dành cho dân ngoại cải đạo sang Do Thái giáo; một nghi thức làm sạch có tính khai tâm được thực hiện bằng cách ngâm mình dưới nước. Có vẻ như Gioan vay mượn từ cả hai truyền thống (tẩy rửa theo nghi thức và phép rửa dành cho người mới vào đạo) để thiết lập phép rửa ăn năn của riêng mình để được tha tội. Gioan đã đề nghị một phép rửa ăn năn ở sông Giócđan cho những người Do Thái đã quen thuộc với các việc tẩy rửa mang tính nghi thức và tượng trưng “Nhúng vật ấy vào nước, nó sẽ ra ô uế cho đến chiều, rồi sẽ được thanh sạch” (Lêvi 11: 37) “Người phong hủi được thanh tẩy sẽ cạo hết lông, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra thanh sạch…Đến ngày thứ bảy, nó sẽ cạo hết lông, cạo đầu, râu và lông mày; nó sẽ cạo hết lông, sẽ giặt áo, lấy nước tắm rửa thân thể, và sẽ ra thanh sạch” (Lêvi 14: 8-9; và toàn bộ chương 15). Người Do Thái nhấn mạnh rằng khi một người ngoại giáo nam giới trở thành người Do Thái, anh ta phải làm ba điều: i) chấp nhận phép cắt bì như dấu hiệu của dân giao ước; ii) dâng của lễ hy sinh vì anh ta cần được xóa tội, và iii) chịu phép rửa bằng cách ngâm mình trong nước, tượng trưng cho việc anh ta được thanh tẩy khỏi mọi ô nhơ. Điều đáng kinh ngạc nhất về phép rửa của Gioan là ông, một người Do Thái, đã yêu cầu những người Do Thái phục tùng điều mà chỉ một người ngoại bang mới được cho là cần. Gioan tin chắc về sự thật rằng ngay cả những người được chọn cũng cần phải ăn năn thật sự và đổi mới cuộc sống để đón nhận Đấng Mêsia mà họ mong đợi từ lâu. Chúng ta có xu hướng nghĩ về sự ăn năn là cảm thấy có lỗi về tội lỗi của mình, nhưng nó còn nhiều hơn thế nữa. Từ Hy Lạp, metanoia, có nghĩa là thay đổi ý định hoặc hướng đi. Nó liên quan đến từ tesubah trong tiếng Do Thái, được các nhà tiên tri sử dụng để kêu gọi dân Ítraen từ bỏ đường lối tội lỗi và quay trở lại với Thiên Chúa. Cả hai từ (metanoia và tesubah) đều ngụ ý “một sự thay đổi hoàn toàn về hướng tâm linh.” Phép rửa cho một người dân ngoại được kèm theo một lời thú tội với ba người khác nhau, như một dấu hiệu của sự ăn năn tội lỗi.
• Một người phải thú nhận với chính mình bởi vì bước đầu tiên của sự ăn năn là thừa nhận tội lỗi của mình với chính mình.
• Người đó phải thú tội với những người mà anh ta đã làm sai. Điều này liên quan đến sự sỉ nhục và là một thử thách về sự ăn năn thực sự vì không thể có sự tha thứ mà không bị sỉ nhục.
• Người đó phải thú nhận với Thiên Chúa vì chính khi người đó nói, "Tôi đã phạm tội", Thiên Chúa có cơ hội để nói, "Ta tha thứ."
Thông điệp của Gioan cũng kêu gọi chúng ta đối diện và thú nhận tội lỗi của mình; quay lưng lại với tội lỗi trong sự ăn năn chân thành; để nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa; và quan trọng nhất là nhìn vào Chúa Giêsu. Chúng ta có cần nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa không? Về cơ bản, có hai lý do khiến chúng ta không nhận được sự tha thứ. Thứ nhất là chúng ta không ăn năn, và thứ hai là chúng ta không tha thứ. Chúa Giêsu nói rất rõ ràng về thất bại thứ hai này trong Mátthêu 6: 14-15. Ngài nói: “Vì nếu các ngươi tha thứ cho người ta những điều gì họ sai lỗi, thì Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời, cũng sẽ tha cho các ngươi; nhược bằng các ngươi không tha thứ cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha thứ những điều các ngươi sai lỗi”. Có ai đó chúng ta cần tha thứ ngày hôm nay không? Chúng ta đừng cho phép những gì người khác đã làm phá hủy cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể được tha thứ trừ khi chúng ta tha thứ. Chúng ta hãy bỏ đi sự cay đắng đó và để Thiên Chúa làm công việc chữa lành trong cuộc sống của chúng ta. Có lẽ chúng ta cần đến gần Thiên Chúa hơn. Giống như cha của đứa con hoang đàng, Thiên Chúa sẽ chạy đến gặp chúng ta. Ngài sẽ vòng tay của Ngài quanh chúng ta và Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta và phục hồi chúng ta. Ngài sẽ nhận chúng ta làm con trai và con gái của Ngài. Hôm nay chúng ta hãy đến gần Thiên Chúa, và Ngài sẽ đến gần chúng ta.
Để Chúa tìm thấy chúng ta:
Một hiệu trưởng gọi điện đến nhà một trong những giáo viên của ông để tìm hiểu lý do tại sao anh ta không đến trường. Ông được chào đón bởi một đứa trẻ nhỏ thì thầm trong điện thoại di động của bố nó: "Xin chào?". "Bố của con có ở nhà không?" hiệu trưởng hỏi. Đứa trẻ thì thầm trả lời: “Có”. "Ta có thể nói chuyện với bố của con không?" hiệu trưởng hỏi. Giọng nhỏ đáp lại: “Không”. "Mẹ của con có ở đó không?" hiệu trưởng hỏi. Câu trả lời: “Có”. "Ta có thể nói chuyện với bà ấy không?" Một lần nữa, giọng nói nhỏ thì thầm, "Không" "Được rồi," hiệu trưởng nói, "Có ai ngoài con không?" Đứa trẻ thì thầm: “Có một cảnh sát.” "Một viên cảnh sát à? Bây giờ ta có thể nói chuyện với cảnh sát không? " Đứa trẻ thì thầm: “Không, ông ấy đang bận”. "Bận việc gì?" hiệu trưởng hỏi. Câu trả lời của đứa trẻ là: “Nói chuyện với Bố và Mẹ và người lính cứu hỏa. "Người lính cứu hỏa à? Có hỏa hoạn trong nhà hay sao? ” hiệu trưởng hỏi. đứa trẻ thì thầm: “Không”. "Vậy thì cảnh sát và lính cứu hỏa đang làm gì ở đó?" Vẫn thì thầm, giọng nói trẻ đáp lại với một tiếng cười khúc khích: “Họ đang đi tìm cháu.”
Những người cứu hộ sẽ khó mà tìm thấy đứa trẻ nếu đứa trẻ tiếp tục trốn họ.
Trong Tin Mừng Máccô, chúng ta thấy Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân miền Giuđêa hãy ra nơi đất trống và để Chúa tìm họ. Có thể ví lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả như người lính cứu hỏa gọi đứa trẻ 'thất lạc'. Đứa trẻ phải rời khỏi nơi ẩn náu của mình và đi ra ngoài để cảnh sát tìm thấy.
Sứ điệp cuộc sống:
Chúng ta cần sử dụng Mùa Vọng như một mùa suy tư và chuẩn bị. Chúng ta được Giáo hội mời gọi chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh. Giáng sinh là thời gian để suy tư và đổi mới bản thân để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chúa Giêsu trong cuộc sống của chúng ta. Qua đoạn thư mà chúng ta đọc hôm nay, Thánh Phêrô một mặt nhắc nhở chúng ta về ước muốn lớn lao của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, mặt khác, chúng ta cần phải chuẩn bị cho sự kiện đó khi nó xảy ra:
“Chỉ một lời này thôi, anh em thân mến, anh em đừng tự giấu mình: nơi Chúa một ngày cũng tày ngàn năm, và ngàn năm cũng như một ngày. Chúa không trì hoãn giữ điều đã hứa, như có kẻ cho đó là trì hoãn, nhưng Ngài kiên nhẫn đối với anh em, không muốn ai phải hư đi, nhưng là hết thảy có phương hối cải. Nhưng Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm; trong ngày ấy các tầng trời xèo xèo biến sạch; ngũ hành bốc cháy tiêu tan; đất và các công trình trên đất sẽ hóa [tiêu tan]. Bởi mọi sự ấy đều sẽ tiêu tan như vậy, thì [anh em] phải ra sao về đức thánh thiện, và các việc đạo đức? mà ngóng đợi và hối cho mau đến Ngày của Thiên Chúa, do đó các tầng trời sẽ tiêu tan trong lữa ngũ hành bốc cháy rữa tan. Nhưng chiếu theo lời hứa của Người, ta ngóng đợi trời mới đất mới, nơi đức công chính sẽ lưu lại. Bởi thế, anh em thân mến, trong lúc ngóng đợi các điều ấy, hãy gắng sao nên vô tì tích trước nhan Người, trong bình an.” (1 Phêrô 3: 8-14).
Chúng ta muốn có được sự giúp đỡ và an ủi của Thiên Chúa, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng thay đổi cách sống của mình để gia tăng sự hoán cải đúng đắn. Để Chúa đến với chúng ta, chúng ta cũng cần đến với Ngài. Chúng ta cần để cho mỗi ngày đều trở thành ngày lễ Giáng sinh và là “Ngày của Chúa” đối với mỗi người chúng ta.
Chúng ta cần chấp nhận Chúa Giêsu thay vì phớt lờ Ngài trong mùa Giáng sinh này. Chính sự kiêu ngạo và tự cao tự đại của người Do Thái, đã làm mù mắt họ và khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mà họ mong đợi từ lâu. Cũng chính sự kiêu hãnh cứng đầu, cùng ý thức cường điệu về giá trị của mình, đã làm mù trí tuệ của nhiều người trong chúng ta ngày nay, là những người không những không chấp nhận Chúa Kitô và tin mừng của Ngài, mà còn ngăn cản người khác chấp nhận Ngài. Sự đổ xô điên cuồng dành lấy những của cải và thú vui trần thế, việc phá bỏ tất cả những kiềm chế và hạn chế hợp lý vốn rất cần cho sự tồn tại của xã hội loài người, sự khước từ tất cả những gì linh thiêng trong bản chất của con người, sự kích động toàn bộ bản năng động vật trong con người - tất cả những điều này là dấu hiệu của sự từ chối Chúa Kitô. Chúng ta hãy chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Chúa của cá nhân chúng ta trong mùa Giáng Sinh này và tiếp tục là, hoặc trở thành những Kitô hữu chân chính trong hành vi hàng ngày của chúng ta. Chúng ta hãy sử dụng những ngày chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh này để sẵn sàng cho sự trở lại hàng ngày của Chúa Kitô, hãy nhớ rằng sự trở lại sẽ xảy ra cho mỗi người chúng ta vào ngày chết, hoặc vào Ngày của Chúa, bất kể việc nào đến trước.
Chúng ta cần trở thành những người rao giảng Tin mừng: Thông điệp của Gioan thách thức chúng ta xem xét liệu chúng ta có dẫn người khác đến với Chúa Giêsu hay không, hoặc hành động của chúng ta có được thúc đẩy bởi nhu cầu lôi kéo sự chú ý và tự thể hiện cái tôi hay không. Lời rao giảng của Gioan cũng nhắc nhở chúng ta về nhiệm vụ quan trọng của chúng ta là loan báo Chúa Kitô cho người khác qua đời sống của chúng ta tại gia đình và trong cộng đồng. Khi chúng ta thể hiện tình yêu thương thực sự, lòng nhân từ, lòng thương xót và tinh thần tha thứ, chúng ta đang công bố sự thật rằng Chúa Kitô đang ở với chúng ta. Vì vậy, cuộc sống của chúng ta trở thành một loại Kinh thánh mà người khác có thể đọc. Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta biến Mùa Vọng này thành một cuộc quay trở về nhà thiêng liêng thực sự bằng cách thực hiện những việc chuẩn bị cần thiết để Đấng Cứu Độ đến và bước vào cuộc đời của chúng ta.
Gioan Tẩy Giả: gương sống sứ vụ rao giảng.
Sứ vụ của Gioan có hiệu quả chủ yếu bởi vì cuộc đời ông là sứ điệp của ông: ông sống những gì ông đã rao giảng. Ông là người đến từ sa mạc. Trong nơi vắng vẻ của sa mạc, ông đã nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa, và do đó, ông có đủ can đảm để sống niềm xác tín của mình. Áo khoác bằng lông và thắt lưng bằng da của con lạc đà giống như của Êlia và các nhà tiên tri vĩ đại khác của Ítraen. Đó là một loại sợi thô, được dệt từ lông bụng của lạc đà. Thức ăn của ông cũng rất đơn giản: cào cào và mật rừng. Cào cào khô rang giòn, nhúng gia vị để ăn. “Mật rừng” dùng để chỉ trái cây được thu hoạch từ cây chà là mọc nhiều ở vùng đất mặn xung quanh Giêricô và phía nam Biển Chết. Những trái chà là mang lại cho ông sức lực cần thiết để đứng trong dòng sông đang chảy và chào đón những người đàn ông và phụ nữ xuống dòng sông nơi ông sẽ dìm họ xuống nước. Dân Ítraen đã không có một vị tiên tri trong bốn trăm năm, và dân chúng đang trông đợi một vị tiên tri. Thông điệp của Gioan có hiệu quả bởi vì ông hoàn toàn khiêm tốn. Vai trò của ông là phục vụ Chúa Giêsu và phục vụ dân chúng, “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” ông nói (Gioan 3:30). Đó là lý do tại sao ông công khai thú nhận rằng ông không xứng đáng làm nô lệ trước Đấng Mêsia. Ông thẳng thắn thừa nhận mình là sứ giả khiêm nhường và vâng lời của Đấng Mêsia, chuẩn bị một con đường thẳng cho Đấng Mêsia trong tâm hồn và cuộc sống của người Do Thái. Thông điệp của ông kết hợp ba đoạn Kinh thánh quen thuộc với người Do Thái, đó là Xuất Hành 23:20:
“Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường, và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn”. Malaki 3:1:
“Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán”, Và Isaia 40: 3:
“Có tiếng hô: "Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta”.
Đó là lý do tại sao ảnh hưởng của Gioan vẫn tiếp tục tồn tại sau khi ông qua đời. Khi sứ đồ Phaolô đến Êphêsô gần 30 năm sau, ông tìm thấy một nhóm môn đồ của Gioan:
“Trong khi ông Apôlô ở Côrintô thì ông Phaolô đi qua miền thượng du đến Êphêsô Ông Phaolô gặp một số môn đệ và hỏi họ: "Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa? " Họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói." Ông hỏi: "Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào? " Họ đáp: "Phép rửa của ông Gioan." Ông Phaolô nói: "Ông Gioan đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giêsu." Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. Cả nhóm có chừng mười hai người” (Công vụ 19: 1-7).
Cũng như Gioan, chúng ta cần chuẩn bị cho sự tái sinh của Chúa Giêsu: Chúng ta được Giáo hội mời gọi chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh bằng cách ăn năn tội lỗi và đổi mới cuộc sống để Chúa Giêsu tái sinh trong chúng ta. Chúng ta hãy nhớ đến lời thách đố nổi tiếng của Thánh Augustinô, được nhà thần bí dòng Đa Minh, Meister Eckhart, trích dẫn: “Tôi được lợi gì nếu Chúa Giêsu được sinh ra trong hàng ngàn chiếc nôi trên khắp thế giới trong lễ Giáng sinh này, nhưng không được sinh ra trong trái tim tôi và đời sống của tôi? ”
Chúng ta cần để Chúa Giêsu tái sinh trong cuộc đời của chúng ta. Mọi người chung quanh chúng ta nên nhận ra sự tái sinh của Chúa Giêsu trong cuộc đời của chúng ta bằng tình yêu thương chia sẻ, sự tha thứ vô điều kiện, trái tim nhân hậu, thương xót và tinh thần phục vụ khiêm nhường và tận tụy.
Chúng ta hãy chấp nhận lời thách đố của Gioan Tẩy Giả để biến Mùa Vọng này thành một “cuộc trở về nhà” thiêng liêng thực sự bằng cách thực hiện những chuẩn bị cần thiết cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, lại đến trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. [1]
Lạy Cha, cũng như Cha đã sai Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Chúa Giêsu, xin hãy giúp con dọn đường trong lòng con. Xin cho con thấy những điều phiền nhiễu trong cuộc sống của con ngăn cản con thờ phượng Chúa hết lòng trong Mùa Vọng này. Lạy Chúa, con mong chờ Chúa đến! Khi con cử hành Mùa Vọng - lần Chúa đến đầu tiên - Con hướng về ngày con sẽ gặp Chúa trực tiếp.
Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim mong đợi Chúa đến hàng ngày. Xin giúp con sống cuộc sống của con không ngừng tìm kiếm sự hiện diện của Chúa. Của lễ của con dành cho Chúa hôm nay là cuộc sống công bằng của con vì con biết con chỉ nên trong sạch nhờ Chúa Giêsu. Xin hãy cho con thấy ngày hôm nay con cần được thanh lọc, tẩy rửa, và tha thứ như thế nào. Xin hãy ban cho con sức mạnh để con biết xin ơn tha thứ và nhờ đó thay đổi cách sống của con. Amen.
(Nguồn: Theo Cha Anthony Kadavil, Tuyên Úy Ngôi nhà Thánh Tâm, Mobile, AL 36604)
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét