Trang

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

Tầm nhìn của FABC về Đức tin và Hội nhập Văn hóa suốt những năm qua

 

Tầm nhìn của FABC về Đức tin và Hội nhập Văn hóa suốt những năm qua

 
  •  
  •  


TẦM NHÌN CỦA FABC VỀ ĐỨC TIN VÀ HỘI NHẬP VĂN HÓA SUỐT NHỮNG NĂM QUA

Tác giả: Linh mục James H. Kroeger, MM.
Chuyển ngữ: Linh mục Giuse Trịnh Tín Ý

WHĐ (8.12.2020) – Linh Mục James H. Kroeger, dòng Maryknoll Mission, đã phục vụ tại châu Á từ năm 1970 (Philippines và Bangladesh), tiến sĩ ngành Truyền giáo tại Đại học Gregoriana (Roma). Hiện ông là giáo sư thần học hệ thống, truyền giáo học và Hồi giáo tại Viện Thần Học Jesuit Loyola, Manila, Philippines. Ông là Chủ tịch Hội các nhà Truyền giáo Công giáo Philippines (PACM), là Cố vấn Văn phòng Phúc Âm hóa thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu.

Các cuốn sách mới nhất của ông mang tên Tương Lai Các Giáo Hội Châu Á (2002), Trở Nên Giáo Hội Địa Phương (2003), và Ngày Xửa Ngày Xưa Ở Á Châu: Những Câu Chuyện Về Hòa Hợp và Hòa Bình (2006) [Manila: Claretian Publications]. Có thể liên lạc với ông qua jhkroeger@gmail.com hoặc Jkroeger@admu.edu.ph.

Đôi dòng giới thiệu Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC)

Trước khi trình bày về hội nhập văn hóa, chủ đề đặc biệt của bài viết này, cần một thoáng nhìn về bối cảnh FABC. Đây là một cơ cấu các giám mục liên quốc gia đã quy tụ mười bốn hội đồng giám mục từ các quốc gia thành viên thường trực: Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Hàn Quốc, Lào - Cam Bốt, Malaysia-Singapore-Brunei, Myanmar (Burma), Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. FABC có mười một thành viên không chính thức như Đông Timor, Hồng Kông, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Ma Cao, Mông Cổ, Nepal, Siberia, Tadjikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan. Như thế, tổng cộng, FABC có đại diện của hai mươi tám quốc gia, và đã có cuộc hội kiến lịch sử giữa một trăm tám mươi Giám mục Công giáo Á châu với Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong chuyến viếng thăm châu Á năm 1970.

Cạnh cơ cấu tổ chức trung tâm đơn giản, FABC có chín văn phòng, nơi thực hiện nhiều dự án và kế hoạch thực tế. Các văn phòng chủ trương đặt rải rác tại nhiều quốc gia Á châu, chú trọng về truyền giáo, truyền thông xã hội, giáo dân, phát triển nhân sinh, tuyên úy giáo dục và sinh viên, những vấn đề đại kết và liên tôn, thần học, giáo sĩ, và đời sống thánh hiến. Mỗi văn phòng hỗ trợ các hoạt động đa dạng nhằm đẩy mạnh phát triển của các Giáo hội địa phương Á châu.

Tổ chức cao nhất của FABC là Hội Nghị Khoáng Đại, họp khoảng bốn năm một lần. Các chủ đề, địa điểm và thời gian của tám hội nghị khoáng đại đã tổ chức trước đây là: “Loan báo Tin Mừng tại Á châu ngày nay” (Đài Bắc, Đài Loan: 1974); “Cầu nguyện và Đời Sống Giáo Hội tại Á châu” (Calcutta, Ấn Độ: 1978); “Giáo hội, Cộng đoàn Đức Tin Tại Á Châu (Bangkok, Thái Lan: 1982); “Ơn Gọi và Sứ Vụ Giáo Dân trong Giáo Hội và Giáo Hội tại Á Châu” (Tokyo, Nhật Bản); “Đồng Hành Vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba” (Bandung, Nam Dương, 1990); “Sứ Vụ Tông Đồ của Kitô Hữu Á Châu Hôm Nay: Phục Vụ Sự Sống” (Manila, Phi Luật Tân: 1995); “Một Giáo Hội Canh Tân tại Á Châu: Sứ Vụ Tình Yêu và Phục Vụ” (Samphran, Thái Lan: 2000); “Gia Đình Á Châu Hướng Về Văn Hóa Sự Sống” (Daejeon, Hàn Quốc: 2004). Hội Nghị Khoáng Đại lần thứ 9 năm 2009 tại Bangalore, Ấn Độ mang chủ đề “Sống Bí Tích Thánh Thể tại Á Châu”.

Những văn bản nền tảng của các hội nghị khoáng đại và kế hoạch của những văn phòng FABC có thể tìm trong bốn số Vì Các Dân Tộc Châu Á [For All the Peoples of Asia - FAPA] (Manila, Claretian Publications). Báo FABC, liên tục xuất bản từ năm 1976, có thể tìm thấy qua các ấn bản và trên trang nhà UCANews qua đường link FABC Papers; xin xem nội dung chi tiết trong số 100. Bốn bộ FAPA và Báo FABC được đánh số riêng là nguồn tài liệu không thể thiếu trong văn bản của FABC; cả hai được sử dụng liên tục trong bài viết này. Ba mươi bốn tác giả được trích dẫn trong thư mục chọn lọc; đặc biệt đối với FABC và chủ đề hội nhập văn hóa là các tác giả: Bevans, FABC:TAC, Kroeger, Nemet, Phan Đình Cho, Tan và Wilfred. Đến thời điểm 2008, 26 luận án tiến sĩ đã được thực hiện về nhiều chủ đề của FABC.

Các Hội nghị của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (Federation of Asian Bishops - FABC) vẫn là cơ cấu nhiều ảnh hưởng nhất trong Giáo hội châu Á kể từ Công đồng Vatican II. Cơ cấu này đã củng cố những mối hiệp thông giữa các cộng đoàn Công giáo với vị giám mục của mình, và đóng góp phát triển với tầm nhìn chung của Giáo hội và mục vụ truyền giáo tại Á châu. FABC xác định, đường lối Giáo hội tại Á châu muốn khám phá căn tính đích thực của mình cần phải tiếp tục dấn thân trong cuộc đối thoại ba tầng: với các sắc dân Á châu (đặc biệt dân nghèo) [phát triển đồng bộ], các nền văn hóa Á châu [hội nhập văn hóa], và các tôn giáo Á châu [đối thoại liên tôn]. Tầm nhìn mang tính thảo chương này của “cuộc đối thoại ba tầng” vẫn hướng dẫn hữu hiệu FABC trong ba thập niên qua. Nói cách khác, có thể vững vàng xác định FABC thực sự là “Công đồng Vatican II nối dài tại Á châu.”

Viễn ảnh của FABC về Hội nhập văn hóa

Các Giáo hội địa phương Á châu ý thức, mình nhiệt tâm và dấn thân trước thách thức nền tảng và dấn thân cho nhiệm vụ hội nhập niềm tin Kitô giáo vào môi trường văn hóa châu Á. Đây là khẳng định bài viết này muốn khai triển. Những nhà hoạt động nơi Giáo hội “Á châu”, cả người châu Á bản xứ lẫn các nhà truyền giáo xa quê, đều nhận ra cuộc hội nhập văn hóa của đức tin Kitô giáo là sứ vụ đặc biệt và cũng là một dấn thân mục vụ. Một tuyên cáo FABC đưa ra từ ba thập niên trước đã mô tả trung thực hướng nhìn của FABC: “Hiện tượng mới và dứt khoát với Kitô giáo tại Á châu sẽ là cuộc trỗi dậy của những cộng đoàn Kitô hữu Á châu chân thực, Á châu trong cách suy tư, cầu nguyện, cách sống, lối thông truyền kinh nghiệm Kitô hữu của mình với các anh chị em… Nếu các Giáo hội châu Á không khám phá ra căn tính của mình, sẽ đánh mất cả tương lai” (PAPA I, 70). Trích dẫn này đã tóm gọn tầm quan yếu cấp bách của cả công trình xây dựng lẫn củng cố của mỗi Giáo hội địa phương, như Hội nghị FABC lần thứ nhất năm 1974 mô tả, “một Giáo hội nhập thân nơi dân chúng, một Giáo hội bản xứ và hội nhập văn hóa” (FAPA I, 14).

Nắm vững tầm nhìn của FABC, trải dài gần bốn thập niên từ lúc khởi đầu năm 1970 hẳn là nhiệm vụ khó khăn cho một bài viết có chiều dài khiêm tốn này. Người viết chọn định tính mười chủ đề “hội nhập văn hóa” chính yếu làm cách nắm vững phần cốt lõi đầy ấn tượng của những tài liệu FABC, những tài liệu phong phú không ngờ, một tầm nhìn đáng ngạc nhiên và thấm đậm cảm hứng. Mỗi chủ đề phù hợp với phần trình bày riêng, được giới thiệu bằng lời dẫn hay tựa đề ngắn gọn. Cạnh phần giới thiệu ngắn về tác giả, những tài liệu của FABC rất đáng tự hào. Các trích dẫn chính chiếm đa phần trong bài viết, sẽ làm cho tầm nhìn tươi mới, sáng tỏ của FABC và các Giáo hội Á châu nổi bật lên. Độc giả cần đánh giá tinh thần thấm nhuần trong mỗi chủ đề và khám phá tác động của “Thánh Linh tình thân” (befriending Spirit) luôn thúc đẩy các cộng đoàn Kitô hữu chân thực xuất hiện tại Á châu. Người viết xác nhận do hội nhập văn hóa, các Giáo hội Á châu khám phá ra căn tính của mình, và đang hướng tới một tương lai rạng sáng, đầy hy vọng! FABC tiếp tục khích lệ “Ngày Lễ Hiện Xuống Á Châu”!

1. Tầm quan yếu cấp bách.

Một chuyện nhỏ là từ ‘hội nhập văn hóa’ (inculturation) được sử dụng lần đầu tiên trong cách nói của Giáo hội tại Á châu. Năm 1970, khi các giám mục Á châu hội kiến Đức Thánh Cha Phaolô VI tại Manila, các vị đã suy nghĩ về “cuộc hội nhập văn hóa trong đời sống và sứ điệp Tin Mừng tại Á châu” (văn bản kết thúc, FAPA I, 6). Từ cuộc hội kiến lịch sử này và do cuộc hội kiến này, cuối cùng FABC ra đời khiến niềm tin bắt rễ trên mảnh đất Á châu vẫn là điệp khúc luôn vang vọng trong những quan tâm và suy tư của FABC. Các cộng đoàn Kitô giáo Á châu tiếp tục kiếm tìm những phương cách thích hợp để giúp Giáo hội trở thành Công giáo đích thực và Á châu đích thực. Cuộc đấu tranh nhằm hòa nhập đức tin vào đời sống liên đới đến tiến trình Giáo hội tự khám phá về mình. Như đã ghi nhận ở trên, ước vọng của người dân Á châu muốn trở nên “Á châu trong cách suy tư, cầu nguyện, cách sống, cách chia sẻ kinh nghiệm Kitô hữu của riêng họ với các anh chị em,” vì họ được thuyết phục, nếu “không khám phá căn tính của chính mình, họ sẽ đánh mất tương lai” (FAPA I, 70). Họ phải cấp thiết “đào sâu đối thoại tại Á châu giữa Tin Mừng và văn hóa, để đức tin được hội nhập văn hóa và văn hóa được phúc âm hóa” (FAPA III, 27). Một điệp khúc thường xuyên trong văn chương FABC về truyền giáo là ước muốn “tăng cường nỗ lực, đặc biệt trong lãnh vực hội nhập văn hóa” (FAPA III, 215). Cũng cần ghi nhận: với FABC, vấn đề hội nhập đức-tin-và-văn-hóa trước tiên bị đụng độ trong cụ thể và trong mục vụ khi các Giáo hội địa phương tiếp xúc với dân chúng và với mọi thực tại đời sống ở Á châu. Giáo hội bị nhìn nhận là “người lạ”, đây là chuyện quan trọng, khẩn thiết với các Kitô hữu Á châu.

Cuộc hội ý thần học của FABC năm 1991 xác nhận thách thức này rất cam go: “Là một thực thể xã hội, trong nguồn gốc thuộc địa, Giáo hội được cảm nhận như phần ngoại thân, đang khi các tôn giáo khác trên thế giới không bị cảm nhận như thế… Bóng ma thực dân vẫn thấp thoáng đâu đó… Giáo hội thỉnh thoảng còn bị nhìn như một vật cản hay một mối đe dọa cho cuộc hội nhập quốc gia và căn tính tôn giáo văn hóa… Giáo hội vẫn là ngoại quốc trong lối sống, cơ chế tổ chức, lối thờ phượng, trong cách lãnh đạo được đào luyện theo Tây phương và trong thần học của Giáo hội. Những lễ nghi Kitô giáo thường vẫn quy củ, không tự phát, cũng không mang đặc nét Á châu… Các cuộc đào tạo tại chủng viện thường làm cho chủng sinh lạ lẫm với dân chúng. Những môn thần học Thánh Kinh, thần học hệ thống, thần học lịch sử được giảng dạy thường thiếu tính mục vụ và đặc nét Á châu” (FAPA II, 195-196).

Khi thành thật nhìn nhận thách thức này rất cam go, Kitô hữu Á châu nhận biết mình đang đứng trước những cơ hội đầy ý nghĩa. “Khi Á châu bước ra khỏi thời kỳ thuộc địa, người dân ý thức hơn về căn tính đất nước mình. Họ có cảm thức mới mẻ về lòng tự hào trước những giá trị văn hóa và tôn giáo… Nhìn lại đời sống Giáo hội tại Á châu từ thời Vatican II, có thể thấy những Giáo hội tại châu Á đang nhận ra tầm quan yếu bất khả thế của hội nhập văn hóa như lối đi của sứ vụ. Điều này được các văn bản chính thức của FABC và các Hội đồng Giám mục Quốc gia liên tiếp nhắc lại… Cuộc ra đời của nền thần học bản xứ, linh đạo, đời sống đạo, tính sáng tạo trong các cử hành phụng vụ… là bằng chứng rõ ràng về cuộc dấn thân, các Giáo hội địa phương đã thể hiện để đạt tới mục tiêu này (rao giảng Tin Mừng hội nhập văn hóa)” (FAPA III, 217). Tuy nhiên chuyện cốt thiết này vẫn còn cấp thiết.

2. Một định nghĩa mô tả.

Sẽ uổng công nếu đi lục tìm trong văn bản FABC một định nghĩa cố định về văn hóa và hội nhập văn hóa. Thí dụ, nơi những văn bản thuở đầu của FABC, các từ “thích ứng”, “nhập thân”, “hòa nhập văn hóa”, “bản địa hóa”, và “hội nhập văn hóa” thường được sử dụng thay thế nhau. Tuy thế, việc thiếu thuật ngữ đặc trưng này (inculturation) đã mang lại nhiều mô tả đa dạng cho tiến trình hội nhập văn hóa, trong đó một số mang tính thi vị. Những mô tả này có thể thiếu chính xác về mặt xã hội học hay thần học nhưng lại mở ra một tầm nhìn, hay ước mơ về sứ vụ cần hoàn thành. Năm 1970 các giám mục Á châu tự cam kết “phát triển ngành thần học bản địa và thực hiện những gì có thể để đời sống và ý nghĩa Tin Mừng thành nhập thân hơn bao giờ trong những nền văn hóa phong phú sử tính của Á Châu, để … Kitô giáo Á châu có thể góp phần phát triển hết những gì là ‘nhân bản chân thực trong các nền văn hóa này’” (FAPA I, 9).

Hội nghị khoáng đại FABC năm 1974 tuyên bố: “Cuộc địa phương hóa khiến các giáo hội địa phương thực sự có mặt trong đời sống và văn hóa của các sắc dân chúng ta. Qua đó, cả thực tại nhân sinh của họ được thăng hoa trong đời sống của Thân mình Đức Kitô, để toàn vẹn Thân mình Đức Kitô được gột rửa và chữa lành, hoàn thiện và viên mãn”. Cũng hội nghị này đã đề cập nhiều nhiệm vụ cốt yếu trong việc rao giảng Tin Mừng tại Á châu, và một trong những nhiệm vụ đó là “Hội Nhập Văn Hóa, tiến trình giúp Giáo hội địa phương có mặt trong cuộc sống người dân chúng ta” (FAPA I, 16, 23).

Hội nghị truyền giáo năm 1979 tại Manila dành một hội thảo chính xác về hội nhập văn hóa như nhiệm vụ truyền giáo tại Á châu. Những suy tư sáng suốt đã lộ diện. “Hội nhập văn hóa không chỉ là thích ứng Kitô giáo có sẵn vào một tình thế nào đó, nhưng đúng hơn, là làm cho Ngôi Lời hiện thân một cách sáng tạo trong Giáo hội địa phương. Đây là tiến trình căn bản và nền tảng của tiến trình hội nhập văn hóa… Trong tiến trình này, một dân tộc tiếp nhận Ngôi Lời, lập Ngôi Lời thành nguyên lý đời sống, giá trị, thái độ sống và niềm khát vọng. Như thế họ trở nên Thân mình Đức Kitô vào thời điểm và nơi chốn đặc biệt này của một Giáo hội địa phương… Một cộng đoàn tìm thấy căn tính mới, sẽ chẳng mất gì trong di sản văn hóa phong phú, nhưng kết hợp cả hai thành một thể thống nhất mới và trở nên bí tích tình yêu đầy tự do và sống động của Thiên Chúa giữa con người” (FAPA I, 138). Khi tầm nhìn của FABC về hội nhập văn hóa qua năm tháng đã chín mùi, lối nhìn xưa cũ “đơn phương” [từ đức tin vào văn hóa] rõ ràng đã được thay thế bằng niềm cảm thông đối thoại. “Hội nhập văn hóa là tiến trình gặp gỡ đối thoại được hiểu trong ý nghĩa sâu xa nhất, ý nghĩa khởi từ tác động giải phóng con người của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì trên hết, loan báo Tin Mừng chính là cuộc đối thoại giữa sứ điệp Tin Mừng và một thực tế sẵn đó” (FAPA I, 138-139). “Những Luận Đề về Giáo hội địa phương” của Ủy Ban Cố Vấn Thần Học thuộc FABC ghi nhận, tính hỗ tương là thiết yếu trong hội nhập văn hóa. Như thế, một Giáo hội hội nhập văn hóa sẽ “hiện hữu và được xây dựng nhờ cuộc gặp gỡ thắm đậm hỗ tương giữa Tin Mừng và một dân tộc với văn hóa và truyền thống đặc thù của họ…

Hội nhập văn hóa không chỉ bao gồm việc diễn tả Tin Mừng và đức tin Kitô giáo qua môi trường văn hóa, nhưng còn gồm kinh nghiệm, thông hiểu cũng như thích ứng Tin Mừng và đức tin Kitô giáo nhờ cội nguồn văn hóa của một dân tộc. Kết quả là mô hình cụ thể của Giáo hội địa phương, một mặt được điều kiện hóa do văn hóa, mặt khác văn hóa được phúc âm hóa bằng đời sống và chứng tá của Giáo hội địa phương” (Báo FABC 60, 18).

Một phân tích minh bạch những tài liệu phong phú của FABC cho thấy qua thời gian và kinh nghiệm, lối nhìn toàn cảnh về văn hóa và hội nhập văn hóa ra đời. Cả hai yếu tố này cần được hiểu trong cảm quan thống nhất. Cả hai hợp thành “mọi thực tế đời sống” của một sắc dân. Cả hai bao gồm “hết những gì thực sự thuộc về sắc dân ấy: những ý nghĩa, giá trị, khát vọng, suy tư và ngôn ngữ của họ, âm nhạc và nghệ thuật của họ, ngay cả những khiếm khuyết, thất bại họ có thể vướng phải, để họ cũng được chữa lành” (FAPA I, 14). Vì văn hóa sống động, hội nhập văn hóa sẽ hướng tới “những nền văn hóa đang trội lên của Á châu, một hợp thể gồm nhiều thành phần đa dạng của nền văn minh hiện đại, nhưng vẫn bắt rễ từ những giá trị truyền thống địa phương” (FAPA II, 198). Trong viễn ảnh của FABC, luôn cấp thiết có mặt Chúa Thánh Linh do văn hóa và thách thức hội nhập văn hóa luôn đa phức (FAPA I, 73, 130).

3. Một phương pháp đối thoại.

FABC đã đặc biệt minh bạch khi tuyên bố, mình thâm tín về phương thức cần thiết để bắt rễ đức tin tại Á châu. “Đối thoại là phương cách và con đường chính yếu của hội nhập văn hóa” (FAPA I, 142). “Chúng ta hiểu đối thoại như điều kiện và công cụ cần thiết để hội nhập văn hóa” (FAPA I, 249). Những xác nhận này phù hợp với lối nhìn toàn diện của FABC về sứ vụ và loan báo Tin Mừng. “Có thể thấy sứ vụ là điểm cấp thiết nhất tại Á châu và cũng thấy nơi lục địa của chúng ta một kiểu mẫu đối thoại đặc biệt… Sứ vụ tại Á châu, qua đối thoại cũng sẽ giúp phục vụ mục tiêu hiệp nhất các sắc dân châu Á, được đánh dấu bằng nét đa dạng của các tín ngưỡng, các nền văn hóa và thể chế chính trị xã hội” (FAPA I, 281-282). “Các Giáo hội địa phương tại châu Á sẽ công bố Đức Giêsu Kitô cho anh chị em mình bằng phương cách đối thoại” (FAPA I, 346). Đối thoại là con đường duy nhất có thể đưa ta đi tới trong thực tế đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, đa tôn giáo của Á châu, lục địa lớn nhất trên địa cầu và là nơi cư trú của gần hai phần ba dân số thế giới. Một phương thức đối thoại như thế không chỉ là phương pháp ngoại tại, Giáo hội tại châu Á sẽ thích ứng nhưng chính Giáo hội cũng được gọi là “cộng đoàn đối thoại. Kiểu mẫu đối thoại này thực sự là nẻo đi mới để Giáo hội là Giáo hội”

Là cộng đoàn đối thoại, Giáo hội địa phương “không bao giờ đặt trọng tâm vào chính mình nhưng chú trọng giấc mơ của Thiên Chúa về thế giới đang biến thành hiện thực” (FAPA I, 333). Một Giáo hội dấn thân như thế “sẽ được chuyển đổi nhất thiết theo đúng tiến trình. Nói khác, Giáo hội sẽ trở nên hội nhập văn hóa ở mức độ bao gồm nhưng chưa đi sâu hơn những thay đổi về nghi thức và biểu tượng. Một Giáo hội như thế cuối cùng có thể là Giáo hội của Á châu nhưng không đơn giản chỉ là Giáo hội tại Á châu. Giáo hội có thể sẽ không còn bị cảm nhận như kẻ lạ mặt. Nơi kiểu mẫu này của Giáo hội, những hoạt động đối thoại, giải phóng, hội nhập văn hóa và rao truyền không là gì khác hơn những góc cạnh khác nhau của cùng một thực tại” (FAPA I, 333).

Con đường đối thoại bắt nguồn từ những ngọn nguồn xưa nhất của FABC. Văn bản cương lĩnh, “Loan Báo Tin Mừng Tại Á Châu Hôm Nay”, từ Hội nghị khoáng đại lần thứ nhất năm 1974, FABC đã sơ phác loại hình đặc biệt về đối thoại. Văn bản này ghi chú, việc xây dựng một Giáo hội địa phương đích thực nghĩa là một Giáo hội “bản xứ và hội nhập văn hóa,” đòi hỏi một cộng đoàn đức tin biết “khiêm nhường và đầy tình thương, liên tục đối thoại với những truyền thống sống động, với các nền văn hóa và tôn giáo, vắn tắt là đối thoại với mọi thực tại đời sống của dân tộc. Nơi dân tộc Giáo hội bắt rễ sâu xa, đồng thời lịch sử và đời sống của dân tộc ấy được Giáo hội vui mừng nhận làm lịch sử và đời sống của chính mình” (FAPA I, 14). Mẫu “đối loại ba trục” này từng được xác nhận trong những hội nghị FABC kế tiếp. Hội nghị khoáng đại FABC lần thứ bảy năm 2000 ghi nhận “đối thoại ba trục” được FABC phát triển “ba mươi năm qua… vẫn còn giá trị đến hôm nay” (FAPA III, 4). Phương thức đối thoại xoay quanh ba trục chính: Giáo hội địa phương, đối thoại, và các sắc dân Á châu với thực tại của họ. Gần như rất đơn giản, mẫu này có thể được trình bày trong lược đồ:


Có thể chỉ ra rằng các mũi tên hai bên của từ “đối thoại” hướng ra hai phía. Chắc chắn, điều này cho thấy phương thức đối thoại luôn là tiến trình hai tầng của một giao dịch sôi nổi và luôn củng cố hỗ tương nhau. Nghĩa là khi Giáo hội ảnh hưởng trên một dân tộc, tác động vào văn hóa và tôn giáo của họ, chính Giáo hội đồng thời cũng được tạo hình và uốn nặn. Nói cách nào đó, tính năng động của cuộc hội nhập văn hóa luôn luôn hoạt động. Khuôn mẫu thực tế này của công trình phúc âm hóa toàn diện (phương thức “đối thoại ba tầng”) là chìa khóa dẫn giải để hiểu rõ và đánh giá tiến trình hội nhập văn hóa tại châu Á hôm nay. Đây là cách Giáo hội “sống và hít thở” tại Á châu. Ở đây có thể thấy Thánh Thần hoạt động. Đây chính là Công đồng Vatican II tại Á châu được chân thực đón nhận và tiếp nối.

4. Diễn viên chính: Giáo hội địa phương.

Khảo sát bất kỳ văn bản quan trọng nào ra đời từ suy tư sâu rộng của FABC, bạn có thể gặp được nhiều lối nhìn sáng tạo về Giáo hội địa phương trong bối cảnh Á châu. Năm 1970 chính chuyến thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phaolô VI với các giám mục Á châu đã tạo ra lực đẩy cho các Giáo hội địa phương bắt đầu hình thành tầm nhìn về Giáo hội và sứ vụ truyền giáo đáp ứng với “thế giới mới đang chào đời” tại Á châu trong thời kỳ hậu thuộc địa. Các Giáo hội tự vấn: Làm thế nào Giáo hội thể hiện được chuyển động dứt khoát“quay lại với lịch sử” và “quay về với Tin Mừng” trong dòng lịch sử “cho mọi sắc dân châu Á”? Làm thế nào FABC trình bày được rõ ràng tầm nhìn tổng quát, tầm nhìn thu tóm được lời đáp cho vấn nạn “Là Giáo hội tại Á châu hôm nay” thực sự có nghĩa gì? Đây là bối cảnh để đánh giá vai trò của Giáo hội địa phương trong tiến trình hội nhập văn hóa.

Hội nghị khoáng đại FABC lần thứ năm họp tại Indonesia năm 1990 đã thêm nét sáng tỏ và tiêu điểm mới khi tuyên bố chính Giáo hội địa phương là “chủ thể hoạt động của sứ vụ”. Văn bản kết thúc: “Việc canh tân nhận thức của chúng ta về truyền giáo sẽ có nghĩa … chủ thể hoạt động truyền giáo là Giáo hội địa phương đang sống và hoạt động, hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ. Chính Giáo hội địa phương và các cộng đoàn có thể nhận thức và khai triển (qua đối thoại với nhau và với những ai thiện chí) lối rao giảng Tin Mừng tốt nhất, phương cách tổ chức Giáo hội, các giá trị của Nước Thiên Chúa được nhận ra trong nơi chốn và thời điểm của Giáo hội” (FAPA I, 281).

Tuyên bố này tiếp tục: “Thực sự, qua việc đáp trả và phục vụ nhu cầu của các sắc dân Á châu, các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau đích thực đang trở nên các Giáo Hội địa phương. Một Giáo hội địa phương, chủ thể hoạt động của sứ vụ rao giảng, là dân Thiên Chúa trong một môi trường xác định, nghĩa là toàn thể cộng đoàn Kitô giáo: giáo dân, linh mục và tu sĩ. Đó là toàn thể giáo phận, giáo xứ, Cộng đoàn Giáo hội cơ bản và mọi đoàn nhóm khác. Thời của họ đã đến với châu Á” (FAPA I, 281).

Khi FABC tuyên bố Giáo hội địa phương là “chủ thể hoạt động của sứ vụ,” FABC đồng thời xác tín, Giáo hội địa phương cũng là “chủ thể hoạt động của hội nhập văn hóa,” vì hội nhập văn hóa là chính yếu trong sứ vụ rao truyền thời đương đại. Hơn nữa, khi Giáo hội địa phương là toàn thể dân Chúa, tiên trình hội nhập văn hóa đòi hỏi mọi thành viên trong cộng đoàn Kitô hữu dấn thân. Hội nhập văn hóa đích thực mong muốn, ngay cả đòi hỏi cộng đoàn Kitô hữu cộng tác toàn diện. Văn bản FABC phong phú những tuyên bố xác định vai trò chính yếu của Giáo hội địa phương trong hội nhập văn hóa. “Cuộc đối thoại với các nền văn hóa hay hội nhập văn hóa diễn ra khi Giáo hội địa phương sống đức tin và Tin Mừng trong hạn kỳ của những nền văn hóa thuộc các sắc dân của Giáo hội. Giáo hội trở nên phong phú nội tại nhờ những nền văn hóa này và đối lại Giáo hội cũng chuyển biến các nền văn hóa đó từ trong lòng mình” (FAPA I, 266). “Các Giáo hội địa phương phục vụ và hội nhập văn hóa là chủ thể của sứ vụ loan báo Tin Mừng” (FAPA II, 202). Là tế bào sống của Giáo hội địa phương, Cộng đoàn Giáo hội cơ bản hoặc Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ cần phục vụ Giáo hội địa phương như “mảnh vườn hội nhập văn hóa” (FAPA III, 110).

Trong viễn ảnh của FABC, một nhiệm vụ khẩn thiết tại Á châu hôm nay là trở nên Giáo hội địa phương đích thực, đòi hỏi “ngày càng nhiều Giáo hội địa phương tại châu Á phải thấy mình là tác nhân có trách nhiệm tự nhận biết Giáo hội… Chúng ta hiểu rõ chút gì đó về ý nghĩa của Giáo hội địa phương và biết hội nhập văn hóa trong bối cảnh này. Những ai không thể hiểu điều này sẽ thất bại khi đáp ứng với dấu chỉ thời đại, và nhịp tim của các dân tộc chúng ta” (Báo FABC số 60, 52). “Các Giáo hội Á châu rồi phải trở nên Á châu thực sự trong mọi lãnh vực. Nguyên tắc của cuộc hóa thành bản địa và hội nhập văn hóa nằm ở cội nguồn cuộc hành trình về với bản chất riêng của mình. Tác vụ của các Giáo hội châu Á, nếu là tác vụ chân thực, phải thích ứng với các xã hội Á châu. Về phía các Giáo Hội, điều này đòi các Giáo hội tính độc đáo, sáng tạo và sáng kiến, vững mạnh và can đảm” (FAPA I, 72-73). Thực sự, “nếu các Giáo hội Á châu không khám phá ra căn tính của mình, sẽ đánh mất tương lai” (FAPA I, 70).

5. Một Kết Hợp Liên Tôn.

Phần trước của bài viết này đã dành cho phương thức đối thoại quan yếu trong cuộc hội nhập văn hóa nơi môi trường Á châu. Phần đó đề cập đến mẫu “đối thoại ba trục” của FABC và ghi nhận, các tôn giáo châu Á là một trong những thành viên đối thoại chính yếu của Giáo hội địa phương. Dựa trên những thảo luận đó, phần này hướng đến vị trí của những tôn giáo đáng kính tại Á Châu trong tiến trình hội nhập văn hóa.

Tám mươi lăm phần trăm đạo hữu đang đeo đuổi những niềm tin khác nhau (trừ Kitô giáo) là người gốc Á châu. Gần ba phần trăm trong tổng số dân tại Á châu là Kitô hữu. Tóm lại, trừ Philippines và Đông Timor, Kitô hữu là thiểu số nhỏ. Số giáo dân Hồi giáo tại Á châu đông hơn giáo dân Kitô giáo bảy lần. Bốn quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới nằm tại châu Á (2007): Indonesia (216 triệu), Pakistan (161 triệu), Ấn Độ (147 triệu), Bangladesh (122 triệu). Những thống kê ngắn gọn này về Hồi giáo (chưa nói đến Phật giáo và Ấn giáo) là thực tế cụ thể đang đối mặt với Giáo hội, với tầm nhìn và định chế của Giáo hội. FABC ý thức rõ về cuộc thách thức do những đặc điểm thống kê dân số học đó. Hơn nữa tại châu Á “giữa tôn giáo với văn hóa có mối tương quan mạnh mẽ” và nữa “Á châu thường có khuynh hướng đồng hóa dân tộc tính, tôn giáo và văn hóa” (FAPA II, 194). “Tôn giáo, đưa con người tiếp cận với Thần Thiêng là linh hồn của văn hóa” (FAPA II, 21). “Mỗi nền văn hóa cống hiến môi trường để hiểu biết thực tại và diễn tả niềm tin tôn giáo” (FAPA II, 23). Một câu hỏi cốt lõi xuất hiện: FABC nhìn thế nào về các tôn giáo châu Á đối với cuộc hội nhập văn hóa?

Tóm kết, FABC chọn phương cách tích cực đối với các tôn giáo, thúc đẩy việc góp tay xây dựng, đối thoại, và triệt để hợp tác. Hiện diện của “hạt giống Lời Chúa” và hoạt động của Thánh Linh trong những tôn giáo này đã được khẳng định. Như thế, họ có thông tuệ, giá trị và đức hạnh là những gì có thể thấm nhuần vào tiến trình hội nhập văn hóa của Giáo hội. Không thể và cũng không cần đề cập chi tiết của nhiều lần hội thảo và hoạt động liên tôn của FABC, chỉ cần nhạy cảm lắng nghe những dự phóng của FABC, nhận biết cách thế FABC có thể ảnh hưởng tích cực đến hội nhập văn hóa chiều sâu.

Hội nghị khoáng đại lần thứ nhất năm 1974 mở ra con đường hướng tới các tôn giáo trong tuyên bố kết thúc. Định hướng được diễn tả trong nét thanh lịch thi vị. Hội nghị xác định việc xây dựng Giáo hội địa phương đích thực “liên đới tới cuộc đối thoại với các truyền thống tôn giáo lớn của các dân tộc. Trong cuộc đối thoại này chúng ta chấp nhận các truyền thống như thành phần tích cực và đầy ý nghĩa trong nhiệm cục cứu độ. Chúng ta nhận thức và tôn trọng những ý nghĩa và giá trị đạo đức cũng như tinh thần nơi các truyền thống. Qua nhiều thế kỷ những truyền thống này đã là kho báu chất chứa trải nghiệm tôn giáo của tổ tiên chúng ta. Từ kho tàng này, thế hệ hôm nay không ngừng tìm thấy ánh sáng và sức mạnh. Những truyền thống này từng diễn tả (và tiếp tục diễn tả) chân thực những niềm mong chờ cao quí nhất trong cõi lòng người, và là nơi cư trú của những lời cầu nguyện, chiêm niệm. Những truyền thống này góp phần định hình lịch sử và văn hóa của các đất nước” (FAPA I, 14).

Khởi đi từ đánh giá tích cực này, các vị giám mục tiếp tục: “Như thế làm sao chúng ta có thể không dành cho truyền thống niềm nể trọng và danh dự? Hay có thể không thừa nhận, Thiên Chúa đã kéo các dân tộc chúng ta đến với Người qua truyền thống? Chỉ trong đối thoại với những tôn giáo, chúng ta mới khám phá ra truyền thống là nơi các tôn giáo có hạt giống Lời Chúa (Ad Gentes, c.I, 9). Cuộc đối thoại giúp chúng ta chạm đến lối diễn bày và thực tại về bản chất sâu xa nhất của các dân tộc, và cũng giúp tìm ra con đường sống chân thực và lối diễn tả đức tin Kitô giáo. Đối thoại còn mở ra cho chúng ta những nét phong phú thuộc niềm tin của mình, những nét phong phú này có lẽ chúng ta không thấu cảm được. Như thế đối thoại có thể trở nên mối chia sẻ thân thương con đường đi tìm Chúa và các anh chị em, con cái Chúa. Cuối cùng, đối thoại sẽ chỉ cho chúng ta con đường mà lòng tin nơi Đức Kitô sẽ hướng dẫn chúng ta đi, con đường khởi từ những truyền thống tôn giáo. Đối thoại cũng dạy chúng ta những gì cần được thanh tẩy, chữa lành, hợp nhất, trong ánh sáng Lời Chúa” (FABC I, 14-15).

Đối thoại với các truyền thống tôn giáo Á châu cũng là cơ hội cho chúng ta làm chứng niềm tin Kitô hữu: “Phần chúng ta, chúng ta có thể cống hiến món quà, mình tin rằng chỉ mình Giáo Hội có trách vụ tặng chia và mừng vui chia tặng cho tín hữu các tôn giáo và cho mọi anh chị em mình: đó là nên một với Cha trong Đức Giêsu Con của Cha, là các phương cách lãnh nhận ơn thánh do Đức Kitô mang đến cho chúng ta trong Tin Mừng và các bí tích của Người. Món quà này cũng là tình huynh đệ của cộng đoàn đang tìm cách sống trong Đức Kitô và là lòng hiểu biết giá trị con người và các chiều kích xã hội của ơn cứu độ con người” (FABC I, 15). Thực sự, đây là bản đánh giá mang tính quân bằng tuyệt vời về các tôn giáo tại Á châu và cũng là lối phân tích rõ ràng nhằm liên kết các tôn giáo trong nỗ lực đẩy mạnh cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội.

6. Một phương pháp mục vụ Á châu.

Như đã trình bày ở trên, tại châu Á “cuộc hội nhập đức-tin-và-văn-hóa” được FABC ứng phó trước tiên trong cụ thể và mục vụ, hơn là trên lý thuyết hay thần học. Thực tế này được diễn tả trong chính những văn bản của FABC. Đó cũng là một cách phân nhánh khác liên quan đến phương pháp mục vụ được FABC phát triển. Để giúp một Giáo hội địa phương dễ dàng đẩy mạnh hội nhập văn hóa, FABC gợi ý một phương cách đặc thù về mục vụ. Phương cách “Á châu” bốn bước được đặt tên “Vòng Xoáy Mục Vụ” (FAPA I, 231-232).

Tiến trình này bắt đầu bằng phơi bày và nhấn chìm (exposure-immersion), cũng có thể gọi là “nhập dòng đối thoại-sự sống. “Phơi bày và nhấn chìm” được áp dụng theo nguyên lý căn bản của mầu nhiệm Nhập Thể. Các Kitô hữu địa phương tìm cách chia sẻ cuộc sống thường ngày của xóm giềng và cộng đoàn. Qua kinh nghiệm và giao lưu trực tiếp, họ tìm cách hiểu và đánh giá tình cảnh cuộc sống được các đạo hữu Hồi giáo, Phật giáo, Ấn giáo và Kitô giáo chung chia. Nói cách nào đó, mọi người được mời gọi thực hành môn “bán anh em xa mua láng giềng gần” (good neighbor-rology).

Bước tiếp theo là phân tích xã hội. Các cộng đoàn nỗ lực đánh giá những hệ thống trong xã hội: kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo. Họ quan sát và phân tích các sự kiện và các đường hướng, biện phân tầm ảnh hưởng do những biến động xã hội nhanh chóng tác động trên cuộc sống con người. Họ thẩm định dấu chỉ của thời hiện đại, những sự kiện lịch sử, những nhu cầu và khát vọng của dân chúng cũng như các cộng đoàn. Đó là nỗ lực liên tôn nhằm thấu hiểu những thực tại đang định hình cuộc sống.

Người Á châu từng thấy tầm quan yếu phải kết hợp phân tích xã hội (bước thứ nhì) với chiều kích chiêm niệm (bước thứ ba) về toàn cảnh công trình Tin Mừng hóa. Bước thứ ba về suy niệm đức tin sẽ xuất hiện từ di sản văn hóa và tôn giáo của Á châu. Qua thái độ chiêm niệm này, con người khám phá thấy Thiên Chúa có mặt và hoạt động bên trong những thực tại xã hội. Ở đây chúng ta không chỉ nhận thức những góc cạnh xã hội tiêu cực và tù túng, nhưng còn nhận thức cả những góc tích cực, đẫm tính ngôn sứ của đời sống. Góc tích cực này có thể khơi hứng một linh đạo và một ý thức đích thực về Thiên Chúa. Bước thứ ba trong toàn bộ tiến trình được minh chứng rất hiệu quả. Thí dụ, bước đi này giúp người nghèo đóng góp phần đặc trưng của mình vào cuộc hội nhập văn hóa và cũng giúp tín hữu cố gắng cầu nguyện và thực thi linh đạo.

Bước thứ ba tiếp tục suy tư về thần học-linh đạo dẫn vào bước thứ tư mang tên hoạch định mục vụ nhằm tìm cách phiên giải ba bước trước thành các kế hoạch hành động thực sự và khả thi về sứ vụ. Thực sự, những chương trình cụ thể về sứ vụ rao giảng Tin Mừng hội nhập văn hóa trở nên vô cùng cần thiết, nhưng các chương trình này sẽ được hình thành tốt hơn nhờ tiến trình Á châu này, tiến trình tích cực biện phân điều Thiên Chúa của lịch sử đang thách thức các Giáo hội phải trở thành, phải thực hiện.

Nên ghi nhận: tiến trình này là một vòng xoáy, phải được lập lại thường xuyên. Hy vọng, ở mỗi vòng xoáy tiến trình lại được nâng cao hơn và vượt tới trước hơn. FABC, cam kết phương thức Tin Mừng hóa qua hội nhập văn hóa, đã phát triển mạnh hơn qua các chương trình AsIPA [As = Asian, Á Châu, I = Integral, Kết Hợp, P = Pastoral, Mục Vụ, A = Approach, Phương Thức] (FAPA II, 107-111; FAPA III, 107-112). Những khởi đầu này lời đáp cụ thể cho chỉ trích: “Đôi khi nỗ lực hội nhập văn hóa của chúng ta còn quá lý thuyết và đã thất bại không gây được tiếng vang với dân tộc ngay ở mức độ căn bản” (FAPA III, 216).

Có thể thêm vào “Chú thích” cuối cùng vắn gọn để liên kết vòng xoáy mục vụ của FABC và các chương trình AsIPA cùng với phương pháp “Xem, Xét, Làm”. Theo truyền thống, các chương trình này kết nối với những chương trình Hoạt Động Công Giáo. Phương thức chuyển đổi xã hội này khuyến khích Kitô hữu “Xem” (quan sát những thực tế xã hội cụ thể), “Xét” (phân tích và thẩm định những thực tế này), và “Làm” (quyết định và thực hiện các bước cụ thể nhằm thay đổi thực tế). FABC từng trình bày một phương thức tương tự, được mô tả bằng chuyên từ “3-D”. Các Giáo hội Kitô giáo phải “đối thoại” (Dialogue) với các thực tại đời sống, sau đó trong cầu nguyện “phân định” (Discern) hoàn cảnh trong đức tin, rồi cuối cùng, dấn thân vào những “thành tựu”(Deeds) thích hợp và giống Đức Kitô nhằm thay đổi tình thế (FAPA I, 281-285). Sau hết còn nhiều phương thức song song giữa những phương thức mục vụ qui nạp (dù được gọi tên thế nào). Tất cả đều có chung yếu tố quyết định là cộng đoàn Kitô hữu được lòng tin vào Tin Mừng thúc đẩy và làm vững tâm giữa những tình huống của cuộc sống cụ thể, vẫn tích cực dấn thân vào tiến trình thay đổi thế giới. Thành quả là cuộc hội nhập văn hóa đích thực, thứ thành quả của định chế tràn đầy lòng tin.

7. Quan tâm mục vụ và sứ vụ.

Suy tư thần học mục vụ của FABC dứt khoát mang tính qui nạp, khởi đi từ những thực tế sống cụ thể. Kết quả là nhiều văn bản của FABC thường định tính những quan tâm mục vụ cụ thể, vì không chỉ lý thuyết nhưng thực sự Giáo hội nhắm trở thành “Giáo hội của người nghèo”, “Giáo hội của giới trẻ”. Giáo hội cũng chia sẻ những thăng trầm của “Giáo hội thầm lặng” tại nhiều phần đất Á châu (FAPA III, 9-11) và ưu tiên mục vụ của Giáo hội chú tâm những di dân (tỵ nạn hay di dân), phụ nữ và các bé gái, giới trẻ, công nhân, gia đình, sắc tộc bản xứ… (FAPA III, 9-11). Khi Giáo hội đề cập những quan tâm đặc biệt này, Giáo hội cố phát triển ngành thần học và định chế, sẽ thành “dịch vụ phục vụ sự sống”. Giáo hội cũng “khởi đầu và phát triển tiến trình hội nhập văn hóa” (FAPA II, 236-237). Khi xét đến nhiều lãnh vực trong mối quan tâm mục vụ, Giáo Hội Á châu được mời gọi dấn bước vào cuộc dấn thân đầy thương cảm, FABC năm 1977 đã tổ chức rất thành công Hội thảo Á châu về Tác vụ trong Giáo hội [ACMC] (FAPA I, 67-92). FABC ghi nhận mối dây thân tình giữa những quan tâm mục vụ và các tác vụ cần thiết để đáp ứng chính những mối quan tâm này. Như thế, ACMC đã khảo sát “môi trường thần học và thực tế thể nghiệm của những tác vụ Giáo hội”. Hội thảo nhấn mạnh “nỗ lực giúp các tác vụ của Giáo hội thích ứng hơn với thời đại chúng ta và thích đáng hơn để đáp ứng nhu cầu của các dân tộc chúng ta” (FAPA I, 67-68). Cuộc hội thảo diễn tiến với ý thức mỗi Giáo hội địa phương khi được Thiên-Chúa-Phục-Vụ hướng dẫn “phải khám phá ra thời điểm và tái khám phá những tác vụ nào hoặc những cơ cấu tác vụ nào Giáo hội đòi hỏi để hoàn tất sứ vụ, nhằm góp tặng xã hội con người ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô” (FAPA I, 72). Nói cách khác, ACMC hướng về phát triển “những tác vụ đã được hội nhập văn hóa”. Cuộc gặp gỡ này quyết liệt khẳng định “các Giáo hội Á châu rồi đây phải trở nên Á châu thực sự trong mọi chiều kích” (FAPA, 72), kể cả những tác vụ và các cơ cấu tác vụ trong Giáo cội.

ACMC không nhằm tìm thêm nhân công cho các sứ vụ tông đồ của Giáo hội. Trọng tâm của hội thảo là phát triển những tác vụ “thích đáng”, những tác vụ đã hội nhập văn hóa. ACMC ghi chú: “Giáo hội-phục vụ không bao giờ thực hiện được tốt đẹp tác vụ của mình dưới một thể thức duy nhất của tác vụ”. Giáo hội chu toàn sứ vụ “nhờ tạo lập những thể thức tác vụ mới; ngay cạnh những tác vụ hiện hành… Thể thức chính xác của những tác vụ này tùy thuộc vào tầm vươn rộng trong những tình huống địa phương tại các quốc gia” (FAPA I, 78).

Hội nghị FABC năm 1988 ghi nhận: “Với chúng ta, có vẻ không thể thiếu cuộc hội nhập văn hóa để chuẩn bị cho những cộng đoàn Kitô hữu và giới lãnh đạo tiến tới đối thoại… Theo đó, chúng ta gợi ý tiến trình hội nhập văn hóa nơi các cộng đoàn Kitô hữu cần được đào sâu và giới đào tạo (mục tử, giáo sư đại chủng viện, giáo lý viên, các chuyên viên tổ chức cộng đoàn) cần được huấn luyện cụ thể về hội nhập văn hóa…” (FAPA I, 311). Và tiến trình nuôi dưỡng những tác vụ hội nhập văn hóa tại Á châu vẫn là cam kết của FABC.

8. Liên kết với linh đạo.

Hội nghị khoáng đại FABC lần thứ hai năm 1978 nhấn mạnh, “Cầu nguyện là đời sống Giáo hội Á châu”, được tổ chức tại Calcutta, Ấn Độ, mảnh đất của những trung tâm nguyện cầu và hành hương, nơi phong trào tĩnh tâm Kitô giáo (ashram: tĩnh tâm theo người Ấn Độ) thịnh hành trong những năm gần đây. Tuyên ngôn kết thúc Đại hội năm 1978 là nguồn liệu dồi dào để đánh giá cách thế Giáo hội vừa cho đi vừa nhận lại từ kho tàng linh đạo của những tôn giáo đáng kính tại Á châu. Đây là mảnh đất màu mỡ đối với hội nhập văn hóa.

Các giám mục Á châu ghi nhận: “Khi gắn bó với nhiệm cục Nhập Thể…, đời sống cầu nguyện của các Giáo hội địa phương nên ‘tiếp nhận những kho tàng phong phú của các quốc gia, kho tàng đã được trao cho Đức Kitô làm di sản.’ Quan trọng nhất, trong bối cảnh hiện tại là những phương cách cầu nguyện từng được các bậc thầy bản xứ của các dân tộc phát triển… Chúng ta ngày càng tin nhận mãnh liệt Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn chúng ta trong thời đại của mình, không phải để đi tới một thứ hòa đồng tôn giáo mơ hồ (chúng ta đã từ bỏ), nhưng Ngài dẫn đến cuộc hợp nhất trong tính chất sâu xa chặt chẽ, sự hợp nhất của những gì tốt đẹp nhất trong phương cách cầu nguyện và thờ phượng truyền thống, hướng về kho tàng di sản Kitô giáo” (FAPA I, 34-35).

“Á châu có dư đầy để đóng góp vào linh đạo chân thực của Kitô giáo: lời cầu nguyện được phát triển phong phú của con người toàn vẹn, nhất thống tâm-thân-trí (body-psyche-spritit), lời cầu nguyện sẵn đó nơi cõi thẳm lòng người. Đó là những truyền thống khổ chế và quên mình, những lối chiêm niệm gặp nơi các tôn giáo đông phương xưa, những hình thức nguyện cầu đơn giản và các lối diễn tả đức tin phổ thông và lòng đạo đức của những cõi tâm, những trí tuệ luôn sẵn sàng hướng về Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Đây là món quà cầu nguyện của châu Á dành cho Giáo hội” (FAPA I, 42). Ủy ban Cố vấn Thần học thuộc FABC đã trình bày về “tiềm năng hội nhập văn hóa” nơi các tôn giáo Á châu: “Cuộc sống trong Thánh Linh là linh đạo phải hòa nhịp với và phản chiếu lại kinh nghiệm về Thánh Linh do một sắc dân trong văn hóa và truyền thống của họ, vì chúng ta biết Thánh Linh luôn có mặt và hoạt động nơi các sắc dân Á châu, qua dòng lịch sử, truyền thống, văn hóa và tôn giáo của họ. Hội nhập văn hóa như thế sẽ là cuộc gặp gỡ của Thánh Linh với Thánh Linh. Hội nhập văn hóa nuôi dưỡng mối dây hiệp thông và tình đoàn kết thiêng liêng với một dân tộc, và giữa dân tộc này Giáo hội địa phương sống và phát triển. Những nét phong phú thiêng liêng và những giá trị tôn giáo đã nuôi dưỡng các dân tộc của lục địa chúng ta nhiều thiên niên kỷ và thế kỷ phải chảy vào cuộc sống của Giáo hội địa phương để làm giàu có cho cuộc sống này” (Báo FABC 60, 29).

9. “Nẻo đi của Á châu” để là Giáo hội.

Hội nghị khoáng đại FABC lần thứ năm tại Indonesia sử dụng cụm từ từng khơi sống dậy trí tưởng tượng của nhiều Kitô hữu Á châu. Các giám mục trong tuyên bố kết thúc đã đề cập, “nẻo đi mới để là Giáo hội.” Cụm từ này muốn mường tượng “những cách thế luân phiên để là Giáo hội tại Á châu những năm 1990.” Nhiều chiều kích cốt yếu của cộng đoàn “mới” này được ghi nhận: Giáo hội phải là một “cuộc hiệp thông các cộng đoàn”, một “Giáo hội hợp tác”, một “dấu chỉ ngôn sứ”, một “cộng đoàn tràn đầy Thánh Thần” (FAPA I, 287-288).

Nếu không quen với tầm lớn mạnh của các Giáo hội địa phương tại Á châu sau Vatican II, cụm từ “Nẻo Đi Mới Để Là Giáo Hội” có thể gợi lên nhiều vấn nạn. Cụm từ này không ngầm chối bỏ các chiều kích chính yếu trong Giáo hội học nhưng cố gắng gói ghém nguyện vọng của những Kitô hữu Á châu muốn sống đức tin trong cộng đoàn Kitô giáo theo “Nẻo Đi Của Á Châu.” “Nẻo Đi Mới Để Là Giáo Hội… không là gì khác hơn, cũng không kém hơn cuộc đi theo Đức-Giêsu-trong-sứ-vụ, một thái độ làm môn đệ chân thực trong bối cảnh châu Á… Vì linh đạo của Nẻo Đi Mới Để Là Giáo Hội cũng là linh đạo của những ai đặt tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa. Cuộc sống của họ được đánh dấu bằng “Những giá trị của Tin Mừng luôn vang vọng sâu xa nơi những nền văn hóa Á châu” (FAPA I, 288). Nói cách khác, cụm từ nói trên diễn tả mơ ước sâu xa của Giáo hội được là cộng đoàn Kitô giáo hội nhập văn hóa.

Xây dựng trên Hội nghị khoáng đại FABC lần thứ năm và tầm nhìn của hội nghị này trong “Nẻo Đi Mới Để Là Giáo Hội,” Hội nghị khoáng đại FABC lần thứ bảy năm 2000 nhắc đến “Thách thức của cuộc Biện Phân Nẻo Đi Của Á Châu.” Khi ghi nhận, “Châu Á là vùng văn hóa ghép mảng, rực rỡ nhờ tính đa dạng, phong phú”, các giám mục Á châu khẳng định lập trường: “Chúng ta dấn thân vào cuộc phát khởi đặc tính Á châu nơi Giáo hội tại Á châu. Nghĩa là Giáo hội phải trở nên hiện thân của viễn ảnh Á châu và những giá trị của cuộc sống, đặc biệt Giáo hội phải là hiện thân của nội tâm, của lòng hài hòa, và hiện thân của một phương cách toàn vẹn và bao hàm mọi góc cạnh đời sống” (FAPA III, 8).

Các giám mục nhận định: “Trong ba mươi năm [từ khi FABC thành lập năm 1970], khi nỗ lực tái trình bày căn tính Kitô hữu tại Á châu, chúng ta từng xử trí nhiều vấn đề khác nhau, hết vấn đề này tới vấn đề khác… Những vấn đề này không là những chủ đề thảo luận riêng biệt, nhưng là những góc cạnh của một phương thức hòa hợp với Sứ Vụ Yêu Thương và Phục Vụ. Chúng ta cần cảm nhận và hành động ‘thống nhất’… Hội nhập văn hóa, đối thoại, công lý, và chọn đứng về phía người nghèo là các lãnh vực của mọi công trình chúng ta thực hiện.” Mừng vui trong “Nẻo đi của Á châu” để là Giáo hội và nhận ra đó là món quà của Thánh Linh, các vị giám mục tuyên bố: “Chúng ta ý thức đặc tính Á châu này được thiết lập trên các giá trị vững vàng, là món quà đặc biệt thế giới đang mong đợi” (FAPA III, 8-9), món quà Á châu gửi đến toàn thể Giáo hội.

10. Những chủ đề đặc biệt - Không thể đánh mất.

Thực sự, phần cuối cùng này là một sưu tầm nhiều bài suy tư ngắn hơn về hội nhập văn hóa từ viễn ảnh của FABC. Chúng ta sẽ không gặp được “một nền thần học hội nhập văn hóa” được khai triển trong sách vở của FABC, đã được ấn định dứt khoát cho lãnh vực định hướng mục vụ. Tuy nhiên, ở đây cũng có những trụ cột thần học vững chãi trong nhiều văn bản FABC và một số “suy tư thần học gạo cội” tuy ngắn gọn.

Theo dòng lịch sử, Giáo hội là Giáo hội hành hương “cần khuôn theo Đức Kitô và Triều đại Người, để phẩm chất những chứng từ của Giáo hội không bị phai tàn… Tương tự với bước đi của Giáo hội theo Thầy là nền móng quyết định cho thần học về hội nhập văn hóa nơi các Giáo hội địa phương” (FAPA II, 201). Đặc biệt, nền móng này liên hệ đến nền thần học Nhập Thể (FAPA I, 14, 34, 46). Ở nhiều đoạn FABC ghi nhận, cuộc hội nhập văn hóa sẽ theo mẫu mầu nhiệm Vượt Qua. “Theo đó mầu nhiệm Vượt Qua thiết lập lề luật và ý nghĩa sự sống cũng như sứ vụ của Giáo hội. Như thế tiến trình nhập thể, hội nhập văn hóa kêu gọi tiến trình chết và phục sinh, để Giáo hội, và Giáo hội địa phương vào thời điểm và nơi chốn của mình, có thể thực sự trở thành dấu chỉ và dụng cụ đích thực… [của] Chúa Chịu Đóng Đinh Và Sống Lại” (Báo FABC 60, 34). FABC đã ghi nhận tiến trình hội nhập văn hóa “Tiến trình cần thiết nhưng đau đớn và phức tạp này là thập giá và cũng là cuộc phục sinh của hội nhập văn hóa” (FAPA I, 150-151). Tiến trình này cũng “đòi hỏi việc từ bỏ theo mẫu Đức Kitô [và] … Từ Bỏ hàm ý chết và phục sinh” (FAPA I, 331).

Còn nhiều chủ đề nữa liên hệ đến lãnh vực hội nhập văn hóa xuất hiện trong kho tài liệu của FABC. Có thể thấy ở đây điểm nhấn về nền thần học hòa nhập (FAPA I, 249, 317-322; FAPA II, 163-164, 229-298). Theo đó, đặc biệt Giáo hội cần quan tâm bảo tồn những sắc thái văn hóa nơi các dân tộc bản địa Á châu (FAPA III, 227-229). Giáo hội trân trọng nhiệm vụ thăng tiến nền văn hóa về sự sống toàn vẹn (FAPA IV, 18) và thách thức Tin Mừng hóa văn hóa (FAPA IV, 33-34). Giáo hội cần chú ý tới động lực “văn hóa-đức tin” (FAPA III, 28-29). Ngoài ra cũng nên ghi nhận những đề tài khác của FABC đề cập đến hội nhập văn hóa, riêng những đề tài nêu đây tưởng đã đủ để nhấn mạnh vai trò tiếp nối của các Giáo hội năng nổ tại Á châu trong toàn bộ tiến trình hội nhập văn hóa.

Kết Luận

Bài viết này chú trọng đến cuộc đối thoại giữa đức tin và văn hóa tại Á châu. Cuộc đối thoại dàn trải ra mười chủ đề suy tư của FABC. Trong nỗ lực này, xuất hiện hành trình các Giáo hội châu Á trở thành những “Giáo hội địa phương đích thực” và “đích thực Á châu trong mọi mặt. Đây là cuộc tranh đấu để nhập thân “một nẻo đi mới để là Giáo hội” tại Á châu trong thiên niên kỷ thứ ba.

Hành trình gần bốn thập niên này, từ những ngày đầu của FABC năm 1970, từng được diễn tả sâu sắc trong văn bản kết thúc của Hội nghị khoáng đại FABC lần thứ bảy năm 2000. “Lời kêu gọi của Thánh Linh dành cho những Giáo hội địa phương tại Á châu … trở nên những Giáo hội địa phương hội nhập văn hóa đích thực” có thể được hiểu như “hòa điệu của một chuỗi những phong trào hướng đến một Giáo hội canh tân,” gồm tám phong trào tổng hợp.

FABC nhìn thấy sự lớn mạnh của mình như: (1) phong trào hướng đến Giáo hội của người nghèo và Giáo hội của giới trẻ; (2) phong trào hướng đến “Giáo hội địa phương đích thực”, hướng đến Giáo hội “nhập thể nơi một dân tộc, Giáo hội bản xứ và hội nhập văn hóa”; (3) phong trào hướng đến cộng đoàn cầu nguyện và nội tâm sâu xa; (4) phong trào hướng đến cộng đoàn đức tin chân thực; (5) phong trào hướng đến sứ vụ tin mừng hóa toàn vẹn và tích cực, hướng đến ý thức mới về sứ vụ; (7) phong trào hướng tới phục vụ sự sống tại Á châu và (8) phong trào đối thoại ba trục với những người khác niềm tin, người nghèo và những nền văn hóa Á châu.

Phong trào tám nếp này đang lớn mạnh tại các Giáo hội địa phương thuộc FABC trong vùng Á châu, đặc biệt trong thời đại Vatican II đúng là: “Tin Mừng từ Á châu”. Đó là chuyện kể đầy hứng cảm về đức tin và phục vụ, là chứng từ sâu xa về hoạt động ân cần của Thánh Linh tại Á châu. Đó là chuyện kể về Giáo hội canh tân trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, là tường thuật về tình yêu nhập thể của Thiên Chúa, chuyện kể về hội nhập văn hóa.


Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 76 (Tháng 5 & 6 năm 2013)


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tam-nhin-cua-fabc-ve-duc-tin-va-hoi-nhap-van-hoa-suot-nhung-nam-qua-41076

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét