Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Bí mật về cầu thang thánh Giuse

 


Câu chuyện ly kỳ về chiếc thang thánh Giuse của thành phố Santa Fe đã tạo niềm cảm hứng cho vô số tiểu thuyết và phim ảnh.
 

Nằm lọt thỏm trong miền tây nam nước Mỹ là Santa Fe, được mệnh danh là thành phố của đức tin. Vào đầu thế kỷ 19, cũng chính tại nơi này, một nhóm 7 nữ tu đã thiết lập một ngôi trường dành cho nữ sinh, và đến thời điểm phù hợp, họ xây một nhà nguyện. Đó cũng là cột mốc đánh dấu cho khởi đầu của huyền thoại về cầu thang thánh tại nhà thờ Loretto.

Những bí ẩn chưa có lời giải

Cầu thang của nhà nguyện Loretto ở thành phố Santa Fe, bang New Mexico, nổi tiếng với nhiều bí mật: danh tính của người đã tạo ra nó và điểm đặc biệt về vật lý trong cấu trúc của tác phẩm. Cho đến nay, vẫn chưa có ai đủ sức giải thích tại sao cấu trúc này có thể đứng vững mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào. Có lẽ còn thêm một bí ẩn khác về cầu thang thánh: dù bậc thang được làm từ gỗ vân sam, nhưng không ai có thể xác định đích xác là loài cây nào thuộc chi vân sam, cũng như bằng cách nào loại gỗ đó xuất hiện bên trong nhà nguyện.


Vào năm 1852, nhà nguyện Đức Mẹ Soi Sáng (tên chính thức của nhà thờ Loretto) đã được xây dựng theo lệnh của Giám mục giáo phận Santa Fe lúc đó là Đức cha Jean Baptiste Lamy và được giao cho dòng Nữ tu Loretto chăm sóc. Khi nhà nguyện được xây xong, các thợ xây dựng phát hiện họ đối mặt một vấn đề không ngờ đến: không thể nào leo từ gian giữa của giáo đường lên chỗ ngồi của ca đoàn ở tầng hai. Hay nói cách khác, bản thiết kế ban đầu bị lỗi, trong khi chủ nhân bản vẽ là kiến trúc sư Antonio Mouly chẳng thể nào can thiệp được, vì ông đã qua đời. Khi các nữ tu bày tỏ ý định muốn xây cầu thang, nhóm thợ một mực khuyên họ nên từ bỏ ý định do không khả thi, một phần do nhà nguyện quá nhỏ không đủ chỗ để xây cầu thang bình thường. Cuối cùng, phía nhà thầu khuyên nên phá bỏ gác đàn của ca đoàn.

Thay vào đó, các nữ tu quyết định dâng lễ cầu nguyện với thánh Giuse, vị thánh bổn mạng của nghề mộc, với hy vọng ngài có thể giải quyết khó khăn này. Theo lời kể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác từ giữa thế kỷ 19, khi kết thúc thánh lễ, một người đàn ông đã xuất hiện ở cổng nhà nguyện, cho biết mình có thể xây cầu thang như ý nguyện của các nữ tu, với một điều kiện duy nhất: ông phải được trao toàn quyền thực hiện công trình trong vòng bí mật. Các nữ tu đã đồng ý. Trong suốt 3 tháng, người lạ mặt nhốt mình bên trong nhà nguyện với một cây cưa, một cây thước và vài món dụng cụ đơn giản. Ông nhanh chóng biến mất sau khi xong việc mà không màng đến thù lao.


Chiếc cầu thang cao khoảng 6m, chỉ có 33 bậc thang nhưng xoắn đến 2 vòng. Con số 33 được cho là biểu tượng mầu nhiệm, vì đó chính là thời gian Chúa Giêsu ở trần thế. Cầu thang được đóng và đứng sừng sững nơi đó mà không cần bất kỳ cây đinh hoặc keo dán nào, cũng như chẳng cần phải có trục trung tâm hoặc đà ngang làm điểm tựa. Người thợ mộc chỉ dùng các chốt gỗ để đảm bảo các bậc thang gắn lại với nhau. Có thể nói, sự tồn tại của chiếc cầu thang đi ngược lại mọi quy tắc vật lý, và hầu như ai mới nhìn thấy cũng nghĩ rằng chẳng sớm thì muộn nó cũng đổ sụp. Cầu thang nguyên bản cũng chẳng có tay vịn, và một số nữ tu ban đầu sợ đến nỗi không dám đi thẳng lưng mà bò trên hai chân và hai tay. Phải đến năm 1887, tức 10 năm sau, các nữ tu cho gắn thêm phần tay vịn, còn vòng xoắn bên ngoài được tựa vào cây cột gần đó.

Người thợ biến mất
 

Theo truyền thuyết, khi các nữ tu liên lạc với những nhà mua bán gỗ địa phương với hy vọng có thể tìm ra tông tích của người thợ bí ẩn, không ai cung cấp được thông tin nào khả dĩ. Chẳng hề có hóa đơn bán hàng nào được tìm thấy, loại gỗ được sử dụng làm cầu thang cũng không phải xuất xứ bản địa, điểm gần nhất có thể xuất hiện loại gỗ này phải ở tận Alaska, tức cách đó khoảng 5.700 km. Thế là từ đó, cầu thang này được cho là nhờ phúc lành của thánh Giuse, và được đặt theo tên của vị thánh.

Tuy nhiên, theo trang historicmysteries.com, một sử gia tên Mary J. Straw Cook đã bỏ công sức nghiên cứu về thang thánh ở Sante Fe suốt 7 năm dài. Bà đã thu thập đủ chứng cứ cho thấy danh tính có thể của người thợ mộc bí ẩn, và qua đó viết thành cuốn sách tựa đề: “Loretto: The Seven Sisters and Their Santa Fe Chapel” (tạm dịch: “Loretto: Bảy nữ tu và nhà nguyện Santa Fe”), xuất bản năm 1984. Nữ tác giả cho hay đã tìm được một dòng trong sổ sách của các nữ tu vào năm 1881, theo đó họ đã trả tiền mua gỗ cho một người tên Rochas. Một bài viết trên tờ báo The New Mexican cũ cho thấy ông Rochas bị bắn trúng ngực khi đang ở nhà, và có thể ông chính là người thợ lành nghề đóng chiếc thang huyền thoại. Theo bà Cook, ông Rochas là người Pháp, đã đến Mỹ chỉ vì muốn đóng chiếc thang cho nhà nguyện ở Santa Fe với gỗ nhập từ quê nhà. Ông Rochas đã được chôn cất tại nghĩa trang Đức Mẹ Soi Sáng.
 

Bất chấp những thông tin trái chiều, sự tồn tại của chiếc thang vẫn được công nhận là điều kỳ diệu cho đến ngày nay. Nó trở thành đề tài của vô số tiểu thuyết, và thậm chí có cả bộ phim The Staircase chiếu rạp vào năm 1998 dựa trên câu chuyện huyền thoại về thang thánh. 

http://giaophanvinhlong.net/bi-mat-ve-cau-thang-thanh-giuse.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét