Những vị Thánh của Iraq
Theo chiều kim đồng hồ từ trên cùng bên trái: Edêkien, Ápraham, Giôna, Tông đồ Giuđa (Tađêô) và Tông đồ Tôma đều đi ngang qua vùng đất thánh này. (ảnh: Miền công cộng)
NHỮNG VỊ THÁNH CỦA IRAQ
Edward Pentin (NCR)
Tú Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
TGPSG / NCR (05.3.2021) -- Kể từ thời Cựu Ước, vùng đất có truyền thống đức tin lâu đời này đã sản sinh ra nhiều đấng tiên tri và nhiều vị thánh.
Là một trong những cộng đoàn Kitô hữu lâu đời nhất trên thế giới, các Kitô hữu Iraq - mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm từ ngày 5 đến 8/3/2021 - đã không chỉ mang lại cho thế giới một di sản Giáo hội phong phú về văn hóa, mà còn cống hiến cho Giáo hội vô số các vị thánh vĩ đại, nhiều đấng trong số đó là các vị Tử Đạo.
Thánh Tông đồ Tôma và Thánh Tông đồ Giuđa (Tađêô) đã mang đức tin đến đất nước này vào thế kỷ thứ nhất, lúc bấy giờ là vùng Lưỡng Hà. Thánh Tôma đã thành lập Giáo hội Đông Phương ở đó; và Thánh Giuđa ngay sau đó nối bước, trở thành người lãnh đạo Giáo hội và tông du qua vùng Lưỡng Hà, Libya, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư, nơi cùng với Thánh tông đồ Simon Nhiệt Thành, ngài đã rao giảng và dẫn đưa nhiều tâm hồn đến với Đức Kitô.
Nhưng ngay cả trước khi các Tông đồ đến, Iraq cổ đại đã là vùng đất linh thánh: Đây là quê hương của các nhà tiên tri vĩ đại trong Cựu ước được tôn kính như các vị thánh trong Giáo hội Công giáo Đông Phương và Chính Thống giáo.
Những người này bao gồm Thánh tiên tri Êdêkien, con trai của Buzi, sinh ra ở Iraq vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Thánh Êdêkien đã nói tiên tri về sự sụp đổ của Giêrusalem và sự phục hồi của đất nước Israel.
Một người khác là Thánh Ezra, nhà tiên tri, thầy tư tế, kinh sư và được gọi là “tổ phụ Do Thái giáo” hay “Môsê thứ hai”, đã rời Babylon vào năm 5 trước Công nguyên và tái thiết cộng đồng Do Thái trên nền tảng kinh Torah. Thánh nhân đã làm cho luật lệ trở thành trung tâm của Do Thái giáo, khiến người Do Thái có thể tồn tại như một cộng đồng trải dài trên toàn thế giới.
Tiếp đó là Thánh tiên tri Giôna, người được Thiên Chúa sai đến với thành Ninivê và cảnh báo dân chúng về cơn thịnh nộ thần thánh sắp xảy ra, nhưng thay vì làm như thế, ông lại lên tàu đến Tácsít, rồi bị sóng gió cuốn đi và bị một con cá nuốt chửng. Cuối cùng vì Giôna vâng lời đến Ninivê, nên con cá đã nôn ông lên bờ, và ông đã thuyết phục được dân thành Ninivê ăn năn sám hối.
Sau khi biến cố Phục Sinh và Phúc âm bắt đầu được rao giảng ở Iraq cổ đại, các vị thánh nổi tiếng khác bắt đầu xuất hiện.
Những vị này gồm thánh Polychronius - Giám mục của Babylon, người đã bị bắt trong cuộc bắt Đạo của Hoàng đế Decius vào thế kỷ thứ 3. Cùng với 3 linh mục (Parmenius, Helimenas, Chrysotelus) và 2 phó tế (Luke và Mocius), Thánh Polychronius bị bắt và được lệnh phải dâng của lễ thờ ngẫu tượng - điều mà ngài kiên quyết từ chối. Thánh Polychronius cứ im lặng trong khi bị thẩm vấn, khiến Decius buộc phải dùng đá đập vào miệng cho đến chết. Các linh mục và phó tế kể trên cũng đã chết vì đạo.
Xuất hiện ngay sau Thánh Polychronius là Thánh Julian Saba (Saba có nghĩa là ‘ông già’ trong tiếng Aram), một ẩn sĩ nói tiếng Syriac ở bờ sông Euphrates, người đã đi tu từ năm 8 tuổi. Thánh Julian được biết đến là người đã cứu giúp những Kitô hữu ở Đế quốc Phương Đông trong thời kỳ bị Hoàng đế Julian Bội Giáo tiếp tục bức hại trở lại. Thánh nhân sống khổ hạnh và thành lập một số tu viện trước khi chết vào năm 367.
Một vị thánh khác của Iraq từ thời đó là Thánh Marolus của Milan, sinh ra gần Babylon trên bờ sông Tigris. Có lẽ vì các cuộc bách hại, nên Thánh Marolus đã lớn lên ở Syria và sau đó chuyển đến Rôma, ở đây ngài kết thân với Đức Giáo hoàng Innocent I. Cuối cùng, ngài chuyển đến Milan, được phong Giám mục vào năm 408 và điều hành giáo phận giúp đỡ các nạn nhân và người tị nạn khi người Visigoth xâm lược. Thánh nhân mất năm 423 và được chôn cất tại Milan.
Thánh Mátthêu ẩn tu - được các Kitô hữu Iraq đặc biệt yêu mến và gọi ngài là Mar Matta - là một linh mục thế kỷ thứ 4, sinh ra tại một ngôi làng phía bắc Amida, miền bắc Lưỡng Hà. Trong cuộc bách hại của Hoàng đế Julian Bội Giáo, Mátthêu và các tu sĩ khác đã chạy trốn đến vùng núi Alfaf ở miền bắc Iraq, nơi ngài sống khổ hạnh và trở nên nổi tiếng do các phép lạ ngài thực hiện. Hoàng tử Benham - con trai của vua Sinharib của Assur - biết đến khả năng làm phép lạ của ngài nên đã đến thăm Thánh nhân và thỉnh cầu ngài về Assur để chữa lành cho em gái Sarah của mình. Mátthêu lên đường đến Assur, chữa lành cho em gái hoàng tử khỏi bệnh. Behnam, Sarah, cùng 40 nô lệ sau đó đã trở thành Kitô hữu. Sau khi rửa tội cho họ, thánh nhân trở lại núi Alfaf, nhưng vua Sinharib đã phát hiện ra nhóm cải đạo và kết quả là tất cả phải chịu tử Đạo khi họ cố gắng trốn đến núi Alfaf. Nhà vua bỗng hoá điên, nên nhờ hoàng hậu mang ông đến tận nơi các vị Tử Đạo bị xử tử. Ở đó, họ gặp Thánh Mar Matta, và Thánh nhân đã chữa cho vua Sinharib hết bệnh điên, rồi rửa tội cho nhà vua và hoàng hậu này. Thuận theo yêu cầu của Thánh Mar Matta, nhà vua đã cho xây một tu viện trên núi Alfaf, và sau này nơi đây trở thành Tu viện Thánh Mátthêu, nơi thánh nhân đã sống cho đến cuối đời và được chôn cất ở đây.
Ít lâu sau, xuất hiện một vị thánh nổi tiếng ở Iraq là Isaac thành Ninivê, được người Iraq gọi là “Ishaq Ninivê”. Sinh ra vào khoảng năm 613 ở vùng Beth Qatraye ở Đông Nam Lưỡng Hà gần Qatar ngày nay, vị thánh ở thế kỷ thứ 7 này là Giám mục Syriac của Ninivê và được biết đến với những bài viết về sự khổ hạnh và thần học Kitô giáo. Khi ngài làm Giám mục, các công việc quản lý không phù hợp với bản chất nghiên cứu học thuật và trầm tính của mình, nên thánh nhân đã xin thoái vị chỉ sau 5 tháng. Sau đó, ngài sống một cuộc đời khổ hạnh cô tịch trong nhiều năm, để lại cho hậu thế một kho tác phẩm phong phú về đời sống thiêng liêng.
Các vị thánh được yêu mến khác ở Iraq đã được biết đến như Mar Miskinta, Mar Eilya, Mar Pythion, Mar Ahodymmi, Mar Attqen, Mar Bena và Mar Boya (Mar là từ chỉ vị thánh, thánh thiêng hoặc được kính trọng trong tiếng Ả Rập).
Đức cha Michael Najeeb Moussa, dòng Đa Minh, Tổng Giám mục Giáo phận Mossul của người Canđê cho biết: “Không phải tất cả các vị thánh của đất nước Iraq đều được Vatican phong thánh, nhưng chúng tôi biết trong lịch sử có hàng ngàn vị thánh như vậy. Họ làm phép lạ, cầu nguyện, họ là những người đàn ông và phụ nữ thánh thiện, có thể không biết chữ, sống ẩn mình trên núi - sống đơn giản như là dấu chỉ của các vị thánh thực sự."
Còn về các vị Tử Đạo thời hiện đại, những người đã hy sinh mạng sống của họ nhân danh Chúa Kitô khi đối mặt với đạo Hồi, chúng ta có 48 tín hữu bị những người Hồi giáo sát hại tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Giáo hội Công giáo Syriac ở Baghdad vào năm 2010 (tiến trình phong Chân phước cho họ đang được xét duyệt); Nữ tu Cecilia Moshi Hanna - bị giết một cách dã man ở Baghdad năm 2002; Cha Ragheed Ganni - linh mục thuộc Giáo hội Công Giáo Canđê, người đã học ở Rôma vào những năm 2000, và 3 phó tế của cha, tất cả đều bị những kẻ khủng bố Hồi giáo ở Mosul bắn chết vào năm 2007; và Tổng Giám mục Faraj Raho - người tiền nhiệm của Tổng Giám mục Najeeb ở Mosul - đã bị bắt cóc và giết chết vào năm 2008.
Mặc dù Vatican vẫn chưa chính thức phong thánh cho các vị ấy, Đức Tổng Giám mục Najeeb - bạn của Cha Ganni và Đức Tổng Giám mục Raho - không nghi ngờ về sự thánh thiện của họ vì họ đã “bị giết nhân danh Chúa Giêsu” giống như những gì đã diễn ra nơi Giáo hội Iraq cách đây 2000 năm.
Đức Tổng Giám mục Najeeb nói với tờ Register khi nhớ lại các cuộc tấn công của các tay súng Al-Qaeda hay các thành viên IS: "Tôi thấy rất nhiều, rất nhiều Kitô hữu bị giết chỉ vì họ là Kitô hữu. Tất cả những người ấy tức khắc trở thành những vị thánh."
Đức Tổng Giám mục nói: chứng tá của họ là vô giá cho thế hệ hôm nay, “để làm gương về thái độ không sợ hãi cho các thế hệ tương lai. ISIS buộc chúng tôi phải lựa chọn giữa 3 điều: lưu vong không mang theo bất cứ thứ gì, cải đạo sang Hồi giáo, hoặc là chết. Tất cả mọi người đều chọn lưu vong - tôi thấy nhiều người, già trẻ lớn bé, ra đi chỉ với bộ quần áo mặc trên người, và không ai từ bỏ đức tin của họ. Đó là cuộc sống của một vị thánh."
Đức Tổng Giám mục nói: Kết quả là Kitô giáo ở Iraq “mạnh mẽ hơn xưa, đức tin của chúng tôi mạnh hơn trước vì Chúa đã ban cho chúng tôi một sức mạnh, niềm đam mê và hy vọng vào tương lai, và đó là lý do tại sao chúng tôi trở lại Ninivê và Mosul.”
Do đó, Đức Tổng Giám mục hy vọng Đức Giáo hoàng sẽ mang đến một “bất ngờ tốt lành” khi đến thăm Iraq cuối tuần này và chính thức phong thánh cho một số vị đã chịu tử đạo và các vị khác.
“Đó sẽ là điều tuyệt vời và mang lại cho chúng tôi rất nhiều sức mạnh,” Đức Tổng Giám mục nói. "Tôi mơ ước về điều đó."
Nguồn:
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhung-vi-thanh-cua-iraq-41552
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét