Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, Phần Ba: Nghiên cứu việc Phục Sinh, Chương Mười Một: Bằng chứng Y khoa
Vũ Văn An
Phần Ba: Nghiên cứu việc Phục Sinh, Chương Mười Một: Bằng chứng Y khoa
Cái chết của Chúa Giêsu có phải là một mưu đồ bất lương và sự sống lại của Người là một trò lừa bịp không?
Tôi dừng lại để đọc tấm bảng treo trong phòng đợi của một văn phòng bác sĩ: "Hãy ngừng trò chuyện. Hãy để tiếng cười bay đi. Đây là nơi mà cái chết thích thú được giúp đỡ người sống."
Hiển nhiên, đây không phải là một bác sĩ bình thường. Tôi cũng đến gặp bác sĩ Robert J. Stein, một trong những nhà nghiên cứu bệnh học pháp y hàng đầu thế giới, một thám tử y tế ưa khoa trương, có giọng nói khàn khàn, người thường kể cho tôi nghe những câu chuyện về những manh mối bất ngờ mà ông đã khám phá ra khi khám nghiệm tử thi. Đối với ông, những người chết quả có kể những câu chuyện - thực thế, những câu chuyện thường mang lại công lý cho người còn sống.
Trong suốt nhiệm kỳ dài của mình trong tư cách giám định viên y tế của Hạt Cook, Illinois, Stein đã thực hiện hơn hai mươi nghìn ca khám nghiệm tử thi, mỗi lần đều tìm kiếm một cách tỉ mỉ những thông tin chi tiết về hoàn cảnh xung quanh cái chết của nạn nhân. Nhiều lần con mắt sắc bén của ông đối với chi tiết, kiến thức bách khoa về giải phẫu con người và trực giác điều tra kỳ lạ của ông đã giúp điều tra viên y tế này dựng lại được cái chết dữ dội của nạn nhân.
Đôi khi những người vô tội được minh oan nhờ những phát hiện của ông. Nhưng thường xuyên hơn, công việc của Stein là chiếc đinh cuối cùng trong quan tài của bị cáo. Đó là trường hợp của John Wayne Gacy, người đã đối diện với đao phủ sau khi Stein giúp kết án anh ta về 33 vụ giết người ghê rợn.
Đó là cách bằng chứng y khoa có thể chủ yếu như thế nào. Nó có thể xác định liệu một đứa trẻ chết vì bị lạm dụng hay do tai nạn ngã. Nó có thể xác định xem một người chết vì nguyên nhân tự nhiên hay bị sát hại bởi ai đó đã pha thạch tín vào cà phê của họ. Nó có thể duy trì hoặc hủy bỏ bằng chứng ngoại phạm của bị cáo bằng cách xác định chính xác thời điểm chết của nạn nhân, sử dụng một quy trình khéo léo để đo lượng kali [potassium] trong mắt của người quá cố. Và vâng, ngay cả trong trường hợp một người nào đó bị hành quyết dã man trên thập giá của người La Mã cách đây hai thiên niên kỷ, bằng chứng y học vẫn có thể thực hiện một đóng góp chủ yếu: nó có thể phá hủy một trong những lập luận dai dẳng nhất được sử dụng bởi những người tuyên bố rằng sự sống lại của Chúa Giêsu, vốn là minh chứng tối cao cho lời tuyên bố của Người về thiên tính của Người, không gì khác hơn là một trò lừa bịp tinh vi.
Phục sinh hay hồi sinh?
Ý tưởng cho rằng Chúa Giêsu chưa bao giờ thực sự chết trên thập giá có thể đọc thấy trong kinh Koran (1), được viết vào thế kỷ thứ bảy - thực thế, những người Hồi giáo Ahmadiya cho rằng Chúa Giêsu thực sự đã trốn sang Ấn Độ. Cho đến ngày nay, có một ngôi đền được cho là đánh dấu nơi chôn cất thực sự của Người ở Srinagar, Kashmir (2)!
Khi thế kỷ 19 mới ló dạng, Karl Bahrdt, Karl Venturini và những người khác đã cố gắng giải thích sự Phục sinh bằng cách gợi ý rằng Chúa Giêsu chỉ ngất đi vì kiệt sức trên thập giá, hoặc Người đã được cho uống một loại thuốc khiến Người có vẻ như sắp chết, và sau đó Người được hồi sinh nhờ không khí mát mẻ và ẩm ướt của ngôi mộ (3).
Những người theo thuyết âm mưu củng cố giả thuyết này bằng cách cho rằng Chúa Giêsu đã được cho một ít chất lỏng trên miếng bọt biển khi ở trên thập giá (Mc 15:36) và Philatô có vẻ ngạc nhiên về việc Chúa Giêsu chết nhanh như thế (Mc 15:44). Do đó, họ nói, việc Chúa Giêsu tái xuất hiện không phải là một sự phục sinh kỳ diệu mà chỉ là một sự hồi sinh ngẫu nhiên, và ngôi mộ của Người trống rỗng vì Người vẫn tiếp tục sống.
Trong khi các học giả bác bỏ điều gọi là lý thuyết ngất đi này, thì nó vẫn tiếp tục tái xuất hiện trong nền văn chương bình dân. Năm 1929, D. H. Lawrence đã lồng chủ đề này vào một câu chuyện ngắn, trong đó ông cho rằng Chúa Giêsu đã trốn sang Ai Cập, nơi Người đem lòng yêu nữ tư tế Isis (4).
Năm 1965, cuốn sách bán chạy nhất của Hugh Schonfield, The Passover Plot [Âm mưu Lễ Vượt qua], cho rằng chỉ có việc lính La Mã đâm Chúa Giêsu ngoài ý muốn mới làm thất bại kế hoạch phức tạp của Người muốn thoát khỏi thập giá mà vẫn còn sống, mặc dù Schonfield thừa nhận, "Chúng tôi không hề cho... rằng [cuốn sách] đại diện cho những gì đã thực sự xảy ra." (5)
Theo chuyên gia về Phục sinh Gary Habermas (6), giả thuyết ngất đi lại xuất hiện một lần nữa trong cuốn sách The Jesus Scroll [Sách Cuộn Chúa Giêsu] năm 1972 của Donovan Joyce, cuốn sách "chứa đựng một chuỗi bất cái nhiên còn ít đáng tin hơn cả của Schonfield". Trong Holy Blood, Holy Grail [Máu Thánh, Chén Thánh] năm 1982, có thêm tình tiết cho rằng Phôngxiô Philatô đã bị mua chuộc để cho phép tháo Chúa Giêsu khỏi thập giá trước khi Người chết. Mặc dù vậy, các tác giả thú nhận, "Chúng tôi không thể-và vẫn không thể-chứng minh tính chính xác của kết luận của chúng tôi." (7)
Gần đây nhất là vào năm 1992, một học giả ít được biết đến từ Úc, Barbara Thiering, đã gây xôn xao dư luận khi làm sống lại thuyết ngất xỉu trong cuốn sách Jesus and the Riddle of the Dead Sea Scrolls (Chúa Giêsu và Bí ẩn về các Sách Cuộn Biển Chết) của bà, cuốn sách đã được một nhà xuất bản có uy tín của Hoa Kỳ giới thiệu rất rầm rộ, sau đó bị học giả Luke Timothy Johnson của Đại học Emory bác bỏ một cách chế nhạo là "thuốc phiện thuần khiết nhất, sản phẩm của trí tưởng tượng cuồng nhiệt hơn là phân tích cẩn trọng." (8)
Giống như một huyền thoại đô thị, lý thuyết ngất xỉu tiếp tục phát triển. Tôi luôn nghe điều đó khi thảo luận về Sự Phục sinh với những người tìm kiếm tâm linh. Nhưng bằng chứng thực sự đã thiết lập được gì? Điều gì thực sự đã xảy ra tại biến cố Đóng đinh? Nguyên nhân cái chết của Chúa Giêsu là gì? Có cách nào để Người có thể sống sót qua thử thách này không? Đó là những loại câu hỏi tôi hy vọng bằng chứng y khoa có thể giúp giải quyết. Vì vậy, tôi đã bay đến miền nam California và gõ cửa một bác sĩ nổi tiếng, người đã nghiên cứu sâu rộng các dữ kiện lịch sử, khảo cổ học và y học liên quan đến cái chết của Chúa Giêsu thành Nadarét, mặc dù, do việc thi thể bị mất tích một cách bí ẩn, nên chưa có cuộc khám nghiệm tử thi nào từng được thực hiện.
Cuộc phỏng vấn thứ mười: Alexander Metherell M.D., Ph.D.
Khung cảnh sang trọng hoàn toàn không phù hợp với chủ đề chúng tôi đang thảo luận. Chúng tôi ở đó, đang ngồi trong phòng khách của ngôi nhà thoải mái ở California của Metherell vào một buổi tối mùa xuân dịu mát, những cơn gió biển ấm áp thổi qua cửa sổ, trong khi chúng tôi đang nói về một chủ đề tàn bạo không thể tưởng tượng nổi: một vụ đánh đập dã man đến mức khiến lương tâm chấn động, và một hình thức tử hình đồi bại đến mức nó là bằng chứng tồi tệ cho sự vô nhân đạo của con người đối với con người.
Tôi đã tìm đến Metherell vì tôi nghe nói rằng ông sở hữu các chứng tín khoa học và y tế để giải thích về Việc Đóng đinh. Nhưng tôi cũng có một động lực khác: tôi được biết rằng ông có thể thảo luận chủ đề này một cách vô tư cũng như chính xác. Điều đó quan trọng đối với tôi, bởi vì tôi muốn sự thật tự nó nói lên điều đó, không dùng ngôn ngữ cường điệu hoặc buộc tội có thể thao túng cảm xúc.
Như bạn mong đợi từ một người có bằng y khoa (Đại học Miami ở Florida) và bằng tiến sĩ công nghệ (Đại học Bristol ở Anh), Metherell nói với sự chính xác khoa học. Ông được Hội đồng quang tuyến X Hoa Kỳ chứng nhận về chẩn đoán và đã từng là cố vấn cho Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia thuộc Viện Y tế Quốc gia của Bethesda, Maryland.
Từng là nhà khoa học nghiên cứu giảng dạy tại Đại học California, Metherell là biên tập viên của năm cuốn sách khoa học và đã viết cho các ấn phẩm từ Aerospace Medicine tới Scientific American. Óc phân tích khéo léo của ông về sự co cơ đã được đăng trên tạp chí The Physiologist and Biophysics Journal. Thậm chí, trông ông giống như vai trò của một thẩm quyền y khoa nổi tiếng: Ông là một nhân vật uy nghiêm với mái tóc bạc và phong thái lịch sự nhưng trang trọng.
Thành thật mà nói: đôi khi tôi tự hỏi điều gì đang xảy ra bên trong con người Metherell. Với sự dè dặt khoa học, nói chậm rãi và có phương pháp, ông không để lộ bất cứ sự rối loạn nội tâm nào khi ông bình tĩnh mô tả các chi tiết rùng rợn về cái chết của Chúa Giêsu. Bất kể điều gì đang xảy ra bên dưới, bất kể điều gì khiến ông trong tư cách một Kitô hữu đau khổ khi phải nói về số phận nghiệt ngã xảy ra với Chúa Giêsu, ông đều có thể che đậy bằng tư cách chuyên nghiệp phát sinh từ hàng chục năm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ông chỉ cho tôi biết các sự kiện - và xét cho cùng, đó là điều mà tôi đã đi nửa vòng đất nước mong có được.
Cuộc tra tấn trước thập giá
Thoạt đầu, tôi muốn có được từ Metherell một mô tả căn bản về các sự kiện dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu. Nên, sau một hồi hàn huyên, tôi đặt ly trà đá xuống, ngồi thẳng người trên ghế đối diện với ông, và hỏi, "Ông có thể vẽ một bức tranh về những gì đã xảy ra với Chúa Giêsu?".
Ông hắng giọng, nói, “Nó bắt đầu sau Bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi đến Đồi Ôliu, cụ thể là đến Vườn Diệtsimani. Và tại đó, nếu ông còn nhớ, Người đã cầu nguyện suốt đêm. Lúc này, trong diễn trình đó, Người dự ứng những sự kiện sắp xảy ra vào ngày hôm sau. Vì Người biết mức độ đau khổ Người sẽ phải chịu đựng, Người đã trải qua rất nhiều căng thẳng tâm lý một cách tự nhiên."
Tôi giơ tay ngăn ông lại, nói với ông, "Chà, đây là chỗ những người hoài nghi có cơ thắng lợi," tôi nói với ông như thế. "Các sách Tin Mừng nói với chúng ta rằng Người bắt đầu đổ mồ hôi máu vào thời điểm này. Nào, thôi nào, há đó không phải chỉ là sản phẩm của một số trí tưởng tượng hoạt động thái quá hay sao? Há điều đó không đặt câu hỏi về tính chính xác của những người viết sách Tin Mừng hay sao?" Không hề bối rối, Metherell lắc đầu, đáp, “Không hề. Đây là một tình trạng y tế được gọi là hematidrosis [mồ hôi máu]. Nó không phổ biến lắm, nhưng nó có liên quan đến mức độ căng thẳng tâm lý cao.
“Điều xảy ra là sự lo lắng nghiêm trọng gây ra việc phóng ra các hóa chất làm vỡ các mao quản trong các tuyến mồ hôi. Kết quả có một lượng nhỏ máu chảy vào các tuyến này và mồ hôi chảy ra có lẫn máu. Chúng ta không nói tới một lượng máu nhiều; nó chỉ là một lượng rất, rất nhỏ."
Mặc dù hơi bị giũa, tôi cố nài, "Cái này có tác dụng gì khác đối với cơ thể không?"
"Điều được điều này làm là khiến lớp da cực kỳ mỏng manh để khi Chúa Giêsu bị lính La Mã đánh vào ngày hôm sau, da của Người sẽ rất, rất nhạy cảm."
Chà, tôi nghĩ, câu chuyện đến lúc hấp dẫn đây. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho những hình ảnh nghiệt ngã mà tôi biết sắp tràn ngập tâm trí tôi. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều xác chết trong tư cách một nhà báo - nạn nhân của các vụ tai nạn xe hơi, hỏa hoạn và sự trừng phạt của tổ chức tội phạm - nhưng có điều gì đó đặc biệt đáng sợ khi nghe tin về một người nào đó bị những kẻ hành quyết cố ý hành hạ dã man, quyết tâm gây ra sự đau khổ tột cùng.
Tôi nói, "Xin ông cho tôi biết việc đánh đòn ra sao?"
Đôi mắt của Metherell không bao giờ rời khỏi tôi. "Những vụ đánh đòn của người La Mã được biết đến là vô cùng tàn bạo. Họ... thường bao gồm ba mươi chín đòn roi nhưng thường thì nhiều hơn thế, tùy thuộc vào tâm trạng của người lính khi ra đòn. Người lính sẽ sử dụng một chiếc roi da bện với những quả bóng kim loại đan vào chúng. Khi roi quất vào da thịt, những quả bóng này sẽ gây ra những vết thâm tím hoặc vết bầm tím, những vết thâm tím hoặc vết bầm tím này sẽ vỡ ra khi bị đánh thêm. Và chiếc roi cũng có những mảnh xương sắc nhọn, có thể cắt da thịt rất nặng. Lưng sẽ bị xé toạc đến nỗi một phần của xương sống đôi khi lộ ra bởi những vết cắt sâu, thật sâu. Các đòn roi sẽ đi từ vai xuống lưng, mông và mu bàn chân. Nó thật kinh khủng."
Metherell dừng lại. Tôi nói, "xin ông tiếp tục".
"Một bác sĩ đã nghiên cứu về cách đánh đập của người La Mã cho biết, 'Khi việc đánh đòn tiếp tục, các vết rách sẽ xé toạc các cơ xương bên dưới và tạo ra những dải thịt chảy máu run rẩy. ' Một nhà sử học ở thế kỷ thứ ba tên là Eusebius đã mô tả việc đánh đòn bằng cách nói: 'Các tĩnh mạch của nạn nhân bị lộ ra, và chính các cơ bắp, gân và ruột của nạn nhân đều lộ ra ngoài.'
“Chúng ta biết rằng nhiều người sẽ chết vì kiểu đánh đập này thậm chí trước khi họ có thể bị đóng đinh. Ít nhất, nạn nhân sẽ trải qua cơn đau khủng khiếp và rơi vào tình trạng kích sốc vì giảm thể tích máu." Metherell đã đưa vào một thuật ngữ y học mà tôi không biết, tôi hỏi, "Kích sốc giảm thể tích máu [hypovolemis sock] nghĩa là gì?"
Ông giải thích, "Hypo có nghĩa là 'thấp', vol chỉ thể tích, còn emic nghĩa là máu, nên kích sốc hypovolemic nghĩa là người này chịu hiệu quả của việc mất nhiều máu. Hiện tượng này tạo ta 4 điều. Đầu tiên, tim đập nhanh để cố gắng bơm máu không có ở đó; thứ hai, huyết áp giảm, gây ngất xỉu hoặc suy sụp; thứ ba, thận ngừng sản xuất nước tiểu để duy trì lượng nước tiểu còn lại; và thứ tư, người đó trở nên rất khát nước vì cơ thể thèm chất lỏng để thay thế lượng máu đã mất”.
“Ông có thấy bằng chứng của điều này trong các câu chuyện của Tin Mừng không?"
Ông trả lời, "Có, hoàn toàn chắc chắn. Chúa Giêsu bị kích sốc do giảm thể tích máu khi Người loạng choạng trên đường đến nơi hành quyết ở đồi Canvariô, khiêng thanh ngang của thập giá. Cuối cùng Chúa Giêsu ngã xuống đất, và người lính La Mã ra lệnh cho Simong vác thập giá cho Người. Sau đó, chúng ta đọc thấy rằng Chúa Giêsu nói "Ta khát", lúc đó người ta mời ngài một ngụm giấm. Vì những hậu quả khủng khiếp của việc đánh đòn này, không nghi ngờ gì nữa, Chúa Giêsu đã ở trong tình trạng nguy kịch ngay cả trước khi những chiếc đinh đóng vào tay và chân Người."
Hấp hồi trên thập giá
Dù mô tả về việc đánh đòn hết sức ghê sợ, nhưng tôi biết chứng từ ghê rợn hơn vẫn chưa đến. Đó là vì các nhà sử học đều nhất trí rằng Chúa Giêsu đã sống sót sau trận đòn ngày hôm đó và tiếp tục lên đường tới thập giá, đó mới là vấn đề thực sự. Ngày nay, khi những tội phạm bị kết án bị trói và chích thuốc độc, hoặc bị trói vào một chiếc ghế gỗ cho điện giật, các tình huống được kiểm soát chặt chẽ. Cái chết đến nhanh chóng và có thể đoán trước được. Các giám định viên y khoa cẩn thận xác nhận nạn nhân đã qua đời. Từ những nhân chứng cận kề xem xét kỹ lưỡng mọi điều từ đầu đến cuối.
Nhưng cái chết bằng hình thức hành quyết thô bạo, chậm chạp và khá thiếu chính xác được gọi là đóng đinh này chắc chắn đến mức nào? Thực thế, hầu hết mọi người không chắc cây thập giá giết chết nạn nhân của nó như thế nào. Và nếu không có một giám định viên y khoa được đào tạo chính thức chứng thực rằng Chúa Giêsu đã chết, liệu Người có thể thoát khỏi trải nghiệm bị hành hạ dã man và chảy máu nhưng vẫn còn sống không?
Tôi bắt đầu tháo gỡ những vấn đề này, tôi hỏi, "Điều gì đã xảy ra khi Người đến địa điểm bị đóng đinh?"
"Người sẽ bị đặt nằm xuống, và hai tay của Người sẽ bị đóng đinh ở tư thế dang rộng vào thanh ngang. Thanh ngang này được gọi là patbulum, và ở giai đoạn này, nó tách biệt với thanh dọc, được đặt sẵn trên mặt đất."
Tôi gặp khó khăn trong việc hình dung điều này; Tôi cần thêm chi tiết, nên hỏi, "Đóng đinh bằng cái gì? Đóng đinh ở đâu?"
"Người La Mã sử dụng những chiếc đinh nhọn dài từ 5 đến 7 inch và vót thuôn thành một đầu nhọn. Chúng được đóng xuyên qua cổ tay," Metherell nói như thế, cho biết khoảng một inch hoặc hơn dưới lòng bàn tay trái của Người”.
Tôi ngắt lời “Khoan đã. Tôi nghĩ những chiếc đinh đâm vào lòng bàn tay của Người. Đó là điều mọi bức tranh đều mô tả. Thực thế, nó đã trở thành một biểu tượng tiêu chuẩn đại diện cho việc đóng đinh."
Metherell nhắc lại, "Qua cổ tay. Đây là một tư thế chắc chắn sẽ khóa chặt bàn tay; nếu những chiếc đinh xuyên qua lòng bàn tay, sức nặng của Người sẽ khiến da bị rách và Người sẽ rơi khỏi cây thập giá. Vì vậy, những chiếc đinh xuyên qua cổ tay, mặc dù điều này được coi là một phần của bàn tay trong ngôn ngữ thời đó.
“Và điều quan trọng là phải hiểu rằng chiếc đinh sẽ đi qua nơi mà dây thần kinh giữa chạy. Đây là dây thần kinh lớn nhất đi ra bàn tay và nó sẽ bị nghiền nát bởi chiếc đinh đang được đóng vào."
Vì tôi chỉ có kiến thức sơ đẳng về giải phẫu cơ thể người nên tôi không chắc điều này có nghĩa gì, nên tôi hỏi, “Điều này tạo nên loại đau đớn nào?”
Ông trả lời, “Hãy để tôi nói cách này. Ông có biết cảm giác đau đớn như thế nào khi ông đập khuỷu tay và đánh vào chiếc xương ngộ nghĩnh của mình không? Đó thực sự là một dây thần kinh khác, gọi là dây thần kinh trụ [ulna nerve]. Nó vô cùng đau đớn khi ông vô tình va vào nó.
“Thì cứ hình dung lấy một chiếc kìm và siết chặt và nghiền dây thần kinh đó,” ông nói thế và nhấn mạnh chữ siết chặt khi ông vặn một chiếc kìm tưởng tượng. "Hiệu quả đó sẽ tương tự như những gì Chúa Giêsu đã trải qua."
Tôi nhăn mặt trước hình ảnh đó và vặn người trên ghế.
Ông nói tiếp, "Cơn đau hoàn toàn không thể chịu đựng được. Thực thế, không thể diễn tả bằng lời theo nghĩa đen; họ phải phát minh ra một chữ mới: excruciating [cực kỳ đau đớn]. Theo nghĩa đen, excruciating có nghĩa là 'ra khỏi thập giá'. Ông hãy nghĩ về điều đó: họ cần phải tạo ra một từ ngữ mới, bởi vì không có từ ngữ nào trong ngôn ngữ có thể diễn tả nỗi thống khổ tột độ gây ra trong lúc bị đóng đinh.
“Ở điểm này, Chúa Giêsu bị dựng đứng lên vì thanh ngang đã được gắn vào thang dọc, và các cây đinh đã đóng thâu qua bàn chân của Chúa Giêsu. Một lần nữa, các dây thần kinh ở chân của ngài sẽ bị nghiền nát, và sẽ có một loại đau đớn tương tự."
Dây thần kinh bị nghiền nát và đứt lìa chắc chắn đã đủ tồi tệ rồi, nhưng tôi cần biết về ảnh hưởng của việc bị treo trên thập giá đối với Chúa Giêsu. "Điều này sẽ gây ra những căng thẳng gì cho cơ thể của Người?"
Metherell trả lời: "Đầu tiên, cánh tay của Người sẽ ngay lập tức bị kéo dài ra, có thể dài khoảng 6 inch, và cả hai vai sẽ bị trật khớp - Ông có thể xác định điều này bằng các phương trình toán học đơn giản."
“Điều này đã ứng nghiệm lời tiên tri của Cữu Ước trong Thánh vịnh 22, một Thánh vịnh đã tiên báo việc đóng đinh cả hàng trăm năm trước khi nó diễn ra và nói, ‘toàn thân con xương cốt rã rời.'
Còn 1 kỳ
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét