Joseph Ratzinger và tầm nhìn sáng tạo về người từ Makêđônia trong Công vụ Tông đồ
Vũ Văn An
Ai cũng biết đoạn Công vụ Tông đồ 16:6-10, trong đó, có nhắc đến thị kiến của Thánh Phaolô về “một người từ Makêđônia”: “Các ông đi qua miền Phyghia và Galát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Axia. Khi tới sát ranh giới Myxia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Đức Giêsu không cho phép. Các ông bèn đi qua miền Myxia mà xuống Trôa. Ban đêm, ông Phaolô thấy một thị kiến: Một người miền Makêđônia đứng đó, mời ông rằng: “Xin ông sang Makêđônia giúp chúng tôi!” Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Makêđônia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ”.
Tiến sĩ Jennifer Roback Morse, sáng lập viên và chủ tịch của Viện Ruth, chuyên giúp các nạn nhân của cuộc Cách mạng Tình dục phục hồi từ trải nghiệm của họ và trở thành những người cổ vũ các thay đổi tích cực, vẫn suy nghĩ nhiều về đoạn văn trên. Bà nhớ đã gặp nó lần đầu tiên khi đọc các trước tác của thần học gia Joseph Ratzinger và từ đó, lần nào đọc nó, bà cũng đầy một cảm thức bái phục. Mời bạn đọc đọc tiếp những gì bà vừa viết trên trang mạng National Catholic Register:
Xem ra nó không giống như một đoạn văn có tầm quan trọng về thần học. Nó cũng chẳng có vẻ gì đặc biệt về triết học. Vậy thì Joseph Ratzinger đã chỉ ra điều gì về đoạn văn đó trong Công vụ Tông đồ để biến một câu chuyện du hành xem ra ngắn gọn và vô tình trong Kinh thánh thành một điều gì đó rất giàu ý nghĩa đối với các triết gia Công Giáo?
Trong đoạn văn này, việc Giáo hội đến Hy Lạp dường như được Thiên Chúa sắp xếp. Đầu tiên, Chúa Thánh Thần ngăn cản Thánh Phaolô đến Axia và giữ ngài cùng những người bạn đồng hành của ngài ở lại vùng đất của người Hy Lạp. Sau đó, trong câu 7, họ cố gắng đi đến Bithynia, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Thần Khí của Chúa Giêsu ngăn cản họ.
Trong khi họ ở Myxia và Trôa, cũng ở Tiểu Á, họ vẫn chưa hiểu rõ vấn đề. Vì vậy, Chúa Cha gửi cho Thánh Phaolô một thị kiến trong một giấc mơ mà ngài không thể bỏ qua. Người đàn ông đến từ Makêđônia đặc biệt nói với họ, “Hãy đến Makêđônia và giúp chúng tôi.” Như để nhấn mạnh điểm này, câu 10 nói rằng thánh Phaolô kết luận rằng Thiên Chúa kêu gọi ngài và những người bạn đồng hành của ngài “rao giảng Tin Mừng cho họ”. Nghĩa là người Makêđônia. Nghĩa là người Hy Lạp.
Thánh Phaolô và những người bạn đồng hành của ngài tin rằng họ đang giúp đỡ những người mà họ rao giảng. Và quả họ đã làm như vậy. Họ ít biết được người Hy Lạp cuối cùng sẽ giúp đỡ Giáo hội xiết bao! Kitô giáo hóa người dân Hy Lạp có nghĩa là Kitô giáo sẽ gặp gỡ nền triết học Hy Lạp.
Cuộc gặp gỡ này có nghĩa là Giáo hội đã “chiếm hữu” các khía cạnh của Platông và Aristốt, trong khi ít nhiều làm ngơ Epicurus và các nhà Khắc kỷ. Chủ nghĩa Tân Platông của Thánh Augustinô được nhiều người biết đến, cũng như chủ nghĩa Aristốt của Thánh Tôma Aquinô. Đây chắc chắn là một câu chuyện phức tạp. Nhưng Kitô giáo, đặc biệt là ở phương Tây, đã chấp nhận các công cụ triết học Hy Lạp, chẳng hạn như luận lý học, luật không mâu thuẫn, sự hiểu biết phức tạp về quan hệ nhân quả và nhiều hơn nữa.
Đạo Công Giáo đã sử dụng tốt các thuật ngữ có ý nghĩa triết học chính xác, bao gồm mô thức, chất thể, bản thể, tiềm năng, hiện thể và nhiều thuật ngữ khác. Tất cả những điều này là do Thiên Chúa Ba Ngôi đã ngăn cản Thánh Phaolô đến Axia!
Có lần tôi đến thăm một chủng viện Công Giáo và hỏi các thanh niên xem họ đang học gì. Tất nhiên, họ đang học triết học, theo thông lệ đối với các chủng sinh Công Giáo khi bắt đầu việc đào tạo của họ. Một trong số họ nói với tôi rằng giáo sư của họ đã nói với họ: “Bạn không cần phải là người theo học thuyết Tôma hay Aristốt. Nhưng nếu bạn không phải là một người theo chủ nghĩa hiện thực triết học thuộc một loại nào đó, bạn sẽ không thể vượt qua được giai đoạn chủng viện.”
Là một nhà kinh tế học, cá nhân tôi không được đào tạo chính thức về triết học. Nhưng thực ra, điều đó không hoàn toàn đúng. Tôi thuộc lòng Sách Giáo Lý Baltimore vào năm lớp bốn, để chuẩn bị cho lễ Thêm Sức. Chỉ nhiều năm sau, tôi mới nhận ra rằng Sách Giáo lý Baltimore là Tổng luận Thần học của Thánh Tôma, được điều chỉnh cho trẻ em. Vì vậy, sẽ đúng hơn nếu nói rằng quá trình đào tạo triết học chính thức của tôi kết thúc vào năm lớp bốn.
Mặc dù nghiên cứu một ngành khoa học duy vật như kinh tế học, nhưng tôi đã ghi nhớ trong đầu mình một tập hợp khá phức tạp các phạm trù triết học. Tôi biết ơn các sơ đã dạy tôi cuốn giáo lý đó. Họ đã giúp tôi không rơi vào bất cứ quá trình suy nghĩ điên rồ nào mà thế giới của chúng ta đầy rẫy.
Tất cả “những người đàn ông da trắng đã chết” đó đã cho chúng tôi những công cụ giúp chúng tôi suy nghĩ cẩn thận và chính xác. Bây giờ chúng ta giả thiết phải tấn công và loại bỏ những đóng góp của những người đàn ông này, những người đã làm cho nền văn minh tiên tiến của chúng ta trở nên khả hữu. Nhưng xin lưu ý: Những người đang yêu cầu chúng ta lên án “những người đàn ông da trắng đã chết” không có gì có giá trị tương đương để thay thế ý tưởng của họ. Những người này đang yêu cầu chúng ta chấp nhận những điều phi luận lý, vô lý và một loạt niềm tin mâu thuẫn lẫn nhau.
Linh mục Dòng Tên Frederick Copleston, một trong những học giả vĩ đại của thế kỷ 20, đã viết một bộ Lịch sử Triết học đồ sộ. Tập 1 dĩ nhiên bao trùm Hy Lạp và La Mã. Dòng kết thúc của Cha Copleston trong tập sách đó đã nắm bắt được tầm quan trọng trong cuộc gặp gỡ của Kitô giáo với Hy Lạp:
“Tất nhiên, Kitô giáo không phải là kết quả của triết học cổ thời theo bất cứ nghĩa nào, cũng không thể gọi nó là một hệ thống triết học, vì nó là tôn giáo mạc khải và tiền thân lịch sử của nó được tìm thấy trong Do Thái giáo; nhưng khi những người theo Kitô giáo bắt đầu làm triết học, họ đã tìm thấy sẵn trong tay một nguồn tài liệu phong phú, một kho công cụ biện chứng cũng như các khái niệm và thuật ngữ siêu hình, và những người tin rằng Sự quan phòng thần thiêng đang hoạt động trong lịch sử sẽ khó có thể cho rằng việc cung cấp tài liệu đó và sự soạn thảo của nó qua nhiều thế kỷ chỉ đơn giản và duy nhất là một tình cờ.”
Tôi chắc chắn không tin rằng đây là một tình cờ theo bất cứ nghĩa nào. Và tôi, cùng với Joseph Ratzinger, căn cứ vào Công vụ 16 để xác nhận niềm tin đó.
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét