Trang

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

Tông thư nhân dịp 400 năm ngày sinh của triết gia Blaise Pascal

 Tông thư nhân dịp 400 năm ngày sinh của triết gia Blaise Pascal

Ngày thứ hai 19 tháng 6, Đức Phanxicô công bố tông thư nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của triết gia Blaise Pascal. Bày tỏ lòng kính trọng với con người của khoa học và đức tin, Đức Phanxicô muốn nhấn mạnh đến sự vĩ đại cũng như nỗi khốn cùng của con người.

la-croix.com, Christopher Henning, 2023-06-19



 Tông thư Vĩ đại và khốn cùng của con người, Sublimitas et miseria hominis. STEFANO SPAZIANI/PICTURE ALLIANCE

“Vĩ đại và khốn cùng của con người là nghịch lý ở trọng tâm suy tư và thông điệp của Blaise Pascal”. Đó là lời đầu tiên trong tông thư của Đức Phanxicô nói về những chất vấn của triết gia Pháp Blaise Pascal.

Tông thư Sublimitas et miseria hominis (Vĩ đại và khốn cùng của con người) được công bố ngày thứ hai 19 tháng 6 tràn ngập sự ngưỡng mộ và nhiệt tình. Trong các tác phẩm của triết gia, giáo hoàng rút ra những bài học cho thế kỷ 21, đối diện với nghi ngờ và khát vọng toàn năng của con người. Kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Pascal là dịp để Đức Phanxicô “khuyến khích giáo dân thời nay và tất cả những ai thiện chí muốn đi tìm hạnh phúc đích thực”.

Với tông thư mục vụ thứ tám này, triết gia Pascal ở trong danh sách những nhân vật đã truyền cảm hứng cho Đức Phanxicô như Thánh Giuse, Thánh Jérôme, Thánh Phanxicô Salê hay thi hào Dante. Công nhận “trí thông minh phi thường” của Pascal, ngài kêu gọi giáo dân nên tự hỏi: “Là tín hữu kitô, chúng ta phải tránh xa cám dỗ cho rằng đức tin của chúng ta là chắc chắn không thể chối cãi, phải áp đặt lên tất cả mọi người”, ngài nhắc lại “người tín hữu có được đức tin là nhờ ân sủng của Thiên Chúa, được trái tim tự do đón nhận”.

Khoa học và đức tin

Tông thư này là dịp để một lần nữa chúng ta nhìn lại cuộc tranh luận giữa đức tin và lý trí: “Ở điểm này, Blaise Pascal cực kỳ kích thích, ông nhắc chúng ta về sự vĩ đại của lý trí con người và mời gọi chúng ta dùng lý trí để giải mã thế giới xung quanh chúng ta”. Trích lời các vị tiền nhiệm Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, ngài nhấn mạnh: “Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa ẩn giấu, (…) lý trí chúng ta dù được ân sủng soi sáng cũng không bao giờ khám phá Ngài cho đủ.”

Tính cấp tiến của phúc âm

Đức Phanxicô chứng minh con người trí thức này cũng là con người của hành động: “Tình yêu mãnh liệt dành cho Chúa Kitô và việc phục vụ người nghèo không phải là dấu hiệu của một đứt đoạn trong tinh thần của người môn đệ táo bạo này, nhưng đó là dấu hiệu của việc đào sâu đến tính cấp tiến của phúc âm.”

Suy niệm về Tư tưởng của Pascal, Đức Phanxicô tìm thấy ở đây một xác nhận về điều mà ngài đã nói trong tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium, đó là “thực tế vượt trội hơn ý tưởng”. Ngài chỉ trích “chủ nghĩa thuần túy thiên thần” cho đến “chủ nghĩa trí thức không minh triết”, ngài tố cáo “các hệ tư tưởng chết người mà chúng ta tiếp tục gánh chịu trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhân chủng học hoặc đạo đức đã cầm chân những người theo chúng trong bong bóng của niềm tin, nơi ý tưởng đã thay thế thực tế”. Ngài nói nhiều đến “Đêm lửa” mà Pascal đã chứng nghiệm ngày 23 tháng 11 năm 1654, một trải nghiệm thần bí xúc động ông ghi lại, khâu trong áo lót của ông và được tìm thấy khi ông qua đời. Đức Phanxicô đã nói đến việc trở lại của Pascal trong bài giáo lý ngày tháng 6 năm 2020: “Pascal làm chứng điều này cho toàn thể Giáo hội cũng như cho bất cứ ai đi tìm Chúa: đó không phải một Thiên Chúa trừu tượng hay Thiên Chúa vũ trụ. Ngài là Thiên Chúa của một con người, của một lời kêu gọi, Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và Giacóp, Thiên Chúa của xác tín, của cảm xúc, của niềm vui.”

Thị kiến thần nghiệm đã biến đổi Blaise Pascal

Port-Royal

Đức Phanxicô cũng đề cập đến đến cuộc khủng hoảng chống nhau giữa các tu sĩ Dòng Tên và người Giăngxen ở Port-Royal, những người này được Pascal hỗ trợ. Không muốn “khui lại câu chuyện”, cùng với Pascal, Đức Phanxicô tố cáo “thuyết lạc giáo Pêlagiô chủ trương không cần ơn Chúa, cho rằng tất cả đều tùy thuộc vào cố gắng của con người (…), nó làm chúng ta say sưa với giả định cứu rỗi là do nỗ lực của chính chúng ta có được”, một công thức ngài đã dùng trong tông thư về thi hào Dante.

Với tông thư về Pascal, Đức Phanxicô – giáo sư văn học khi còn ở Argentina –  cho thấy ngài mến chuộng các tác giả Pháp như Léon Bloy, Georges Bernanos hay Charles Péguy. Tông thư dành cho triết gia Pascal không phải là dịp đầu tiên ngài đề cập đến nhà toán học triết gia. Năm 2017, trong một phỏng vấn trên nhật báo La Repubblica Ý, ngài nghĩ rằng Pascal có thể được phong chân phước. Theo lẽ thủ tục sẽ được giáo phận Paris đưa ra, nhưng vẫn chưa làm.

Đức Phanxicô ủng hộ việc phong thánh triết gia Pháp Blaise Pascal

Một trích dẫn

“Triết học của Pascal, đầy những nghịch lý, xuất phát từ một cái nhìn vừa khiêm tốn vừa sáng suốt, tìm cách đạt được ‘thực tế được làm sáng tỏ bằng lý luận’. Ông bắt đầu từ nhận xét con người giống như một người xa lạ với chính mình, vĩ đại và khốn cùng. Lớn lao ở lý trí, ở khả năng chế ngự đam mê của mình, ‘ở cả những gì con người nhận biết mình khốn cùng’. Nhất là con người khao khát một điều gì đó khác hơn là để thỏa mãn bản năng của mình hoặc để cự lại chúng, ‘vì những gì là tự nhiên đối với động vật thì chúng ta gọi là khốn cùng ở con người.’ Có một sự bất cân xứng không thể kham nổi giữa một bên là ý chí vô tận của chúng ta muốn được hạnh phúc và muốn biết sự thật, và bên kia là lý trí hạn chế và sự yếu đuối về thể chất của chúng ta, những điều sẽ dẫn đến cái chết.”

Vĩ đại và khốn cùng của con người, tông thư Sublimitas et miseria hominis, nxb. Le Cerf.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét