Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Người Samari nhân hậu, tấm gương để theo khi chúng ta ở trên mạng xã hội

 



Người Samari nhân hậu, tấm gương để theo khi chúng ta ở trên mạng xã hội

Hình minh họa

fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2023-05-30

Ngày thứ hai 29 tháng 5, Bộ Truyền thông xuất bản một tài liệu có tựa đề “Hướng tới sự hiện diện toàn diện”, đưa ra một phản ánh về việc người tín hữu kitô dùng các mạng xã hội, đặc biệt lấy hình ảnh người Samari nhân hậu làm tấm gương để theo.

Người Samari nhân hậu đã “chạnh lòng thương” khi thấy kẻ cướp bỏ mặc một người nửa sống nửa chết bên vệ đường, sau đó còn bị một thầy tư tế, một thầy Lêvi tránh đi (Lc 10, 25-37), tấm gương có thể tác động tích cực đến hành vi của chúng ta trên mạng xã hội. Dù bây giờ không phải là con đường Giêricô nhưng là “xa lộ kỹ thuật số” như Facebook, TikTok hay Instagram, thì thách thức gặp gỡ người lân cận mình vẫn không thay đổi.

Phần mở đầu tài liệu viết: “Câu chuyện dụ ngôn tạo cảm hứng cho các mối quan hệ trên mạng xã hội vì nó cho thấy khả năng có một cuộc gặp có ý nghĩa sâu sắc giữa hai người hoàn toàn xa lạ.” Tài liệu dài 20 trang được công bố ngày 29 tháng 5 do ông Paolo Ruffini, bộ trưởng Bộ Truyền thông, và Đức ông Lucio Ruiz, thư ký của Bộ ký, mời gọi người đọc suy nghĩ về cách “sống trong thế giới kỹ thuật số như những cục nam châm gần nhau, thực sự hiện diện và quan tâm đến nhau”.

Văn bản, được dịch sang năm thứ tiếng, dành cho những ai dùng Internet. “Tất cả chúng ta nên nên xem trọng ‘ảnh hưởng’ của mình. Không phải chỉ có những người có tầm vóc ảnh hưởng lớn, có lượng độc giả nhiều, mà ngay cả những người có tầm vóc ảnh hưởng nhỏ cũng có tác động. Mỗi tín hữu kitô đều là người có ảnh hưởng nhỏ. Mỗi người có thể áp dụng thái độ như thái độ của người Samari nhân hậu khi họ đăng hoặc phản hồi bình luận trên mang.

1. Tự hỏi ai là người anh em của chúng ta trên mạng xã hội

Như người Samari nhân hậu, chúng ta tự hỏi: “Ai là người anh em của tôi?”, tài liệu mời gọi chúng ta đặt câu hỏi ‘ai là người anh em của mình trên mạng’. Trên mạng, đã có rất nhiều người bị tổn thương vì chia rẽ và hận thù. Chúng ta không thể giả vờ xem như chuyện này là không có. Chúng ta không thể chỉ là những người qua đường im lặng.

Nhận ra “anh em” ở thế giới kỹ thuật số có nghĩa là nhận biết đời sống của mỗi người liên quan đến đời sống chúng ta. Điều này đi xa hơn việc lướt xem video hay like một bức hình, không cho chúng ta tiếp xúc trực tiếp với nỗi đau khổ, lo lắng, niềm vui của người khác và với sự phức tạp trong kinh nghiệm cá nhân của họ. Gần gũi trên mạng xã hội là hiện diện trong câu chuyện của người khác, đặc biệt là những người đang đau khổ.

2. Cảnh giác với tình trạng chỉ thu hẹp giữa người mình với nhau và thái độ thờ ơ

Các thuật toán có khả năng kết nối những người có cùng sở thích, cùng lãnh vực họ quan tâm… Mặt khác mặt trái của nó là tạo ra các cộng đồng gồm những người giống nhau, ngăn cản họ thực sự gặp gỡ người khác, người khác biệt. Nguy cơ của các nhóm này là có thể tạo ra thái độ thờ ơ với người khác, giống như thái độ của thầy tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn. Nhưng thu mình trong lợi ích riêng không thể là cách để mang lại hy vọng. Ngược lại, con đường phía trước là tạo một văn hóa gặp gỡ, thúc đẩy tình bạn và hòa bình giữa những người khác nhau. Để gặp gỡ, cần có nhu cầu cấp thiết là hình dung ra một cách sử dụng khác, bằng cách vượt ra khỏi thế giới của mình, để nhóm những người tương tự của mình gặp những người khác.

3. Lắng nghe và tối thiểu có một chút lòng trắc ẩn

Lắng nghe là bước đầu tiên để gặp người kia. Giao tiếp tốt bắt đầu bằng việc lắng nghe và nhận ra người khác đang ở trước mặt tôi. Như vậy, lắng nghe và nhận thức này nhằm mục đích thúc đẩy gặp gỡ và vượt qua những trở ngại, đặc biệt là những trở ngại của thái độ thờ ơ. Lắng nghe là một bước thiết yếu trong việc tham gia đối thoại với người khác. Tuy nhiên, không có cuộc đối thoại nào giữa người bị thương và người Samari. Theo tài liệu của bộ, đó là lắng nghe bằng đôi tai của trái tim, mở lòng mình ra với người khác bằng tất cả con người của mình. Chính sự mở lòng đã tạo nên sự gần gũi.

Người Samari nhân hậu không xem người bị đánh đập như một “người khác” mà là người cần được giúp đỡ. Ông thấy thương cảm, đặt mình vào vị trí người kia và đã hết lòng giúp với thì giờ, nguồn lực của mình để lắng nghe và đồng hành với người mà ông gặp. Đây là thái độ mà người Samari mời gọi tất cả chúng ta khi chúng ta dùng các trang mạng xã hội. Đó là bước đầu tiên nhìn nhận giá trị cũng như phẩm giá của mỗi người.

4. Tham gia vào các cộng đồng thúc đẩy sự gần gũi kỹ thuật số

Người Samari nhân hậu, quan tâm và sẵn sàng gặp gỡ những người bị thương, đã động lòng trắc ẩn để hành động và chăm sóc người bị thương. Ông chăm sóc vết thương cho nạn nhân và đưa người này đến quán trọ để điều trị. Tương tự như vậy, mong muốn biến mạng xã hội thành một không gian quan hệ và nhân bản hơn, chúng ta phải chuyển qua thái độ cụ thể và có hành vi sáng tạo.

Chia sẻ ý tưởng là cần thiết, nhưng chỉ có ý tưởng thôi thì không hiệu quả; ý tưởng phải nên “thực”. Người Samari không chỉ cảm thấy thương xót; ông không giới hạn mình chỉ băng bó vết thương cho người xa lạ. Ông còn đi xa hơn, đưa người bị thương đến quán trọ và sắp xếp để người này được tiếp tục chăm sóc.

Làm thế nào để thực hiện điều này trong thế giới kỹ thuật số? Bộ đưa ra ví dụ các cộng đồng chăm sóc đã tập hợp nhau lại để hỗ trợ cho các trường hợp bệnh tật, tang chế hoặc giúp đỡ tài chính cho người có nhu cầu hoặc cung cấp dịch vụ xã hội và tâm lý.

5. Có thời gian ngắt kết nối

Tài liệu nhấn mạnh đến sự cần thiết phải dành thời gian thinh lặng, tránh xa điện thoại, tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ với những người thân yêu và phát triển đời sống nội tâm. Không có sự im lặng và không gian để suy nghĩ chậm rãi, sâu sắc và có chủ đích, chúng ta có nguy cơ mất đi không chỉ khả năng nhận thức mà còn cả chiều sâu của các tương tác giữa con người và thần thánh.

Sự im lặng ở đây có thể so sánh với thời gian “giải độc kỹ thuật số”, không chỉ là kiêng khem, mà còn là cách để thiết lập mối liên hệ sâu sắc hơn với Chúa và với người khác.

6. Truyền thông sự thật

Bộ mời gọi chúng ta thận trọng trên các mạng và dành thì giờ để phân định tin thật tin giả. Để truyền sự thật, trước tiên chúng ta phải đảm bảo chúng ta đang truyền tải thông tin trung thực; không chỉ khi chúng ta viết nội dung mà cả khi chúng ta chia sẻ nội dung. Chúng ta cần đảm bảo, chúng ta là nguồn đáng tin cậy.

Hơn nữa, tài liệu nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung: “Để truyền đạt điều tốt đẹp, chúng ta cần nội dung chất lượng, một thông điệp nhằm mục đích giúp đỡ chứ không gây hại; thúc đẩy hành động tích cực, không lãng phí thời gian thảo luận vô ích.

7. Kể một câu chuyện hơn là tranh luận

Theo tài liệu của Bộ, một câu chuyện có giá trị hơn tranh luận dài dòng trên Twitter. Giống như Chúa Giêsu kể dụ ngôn, kể một chuyện có thể trả lời một cách đầy đủ và tích cực. Các câu chuyện cung cấp bối cảnh giao tiếp đầy đủ hơn so với những bài đăng hoặc những câu tweet bị cắt ngắn. (…) “Thể hiện” hơn là một lập luận đơn giản, tinh tế hơn là những phản ứng hời hợt và cảm tính thường gặp trên mạng, chúng giúp khôi phục mối quan hệ giữa con người với nhau bằng cách cung cấp cho mọi người khả năng truyền tải câu chuyện của họ hoặc chia sẻ những câu chuyện đã thay đổi họ.

8. Suy nghĩ chín chắn và không phản ứng

Tài liệu của Bộ cảnh báo việc đăng nội dung “có khả năng gây hiểu lầm, làm trầm trọng thêm sự chia rẽ, kích động xung đột và đào sâu thành kiến”. Ngoài sự thận trọng cần thiết trước khi đăng, nội dung cũng phải có phong cách kitô giáo: “Phong cách kitô giáo trên mạng xã hội phải có tầm vóc suy nghĩ và không phản ứng.”

“Người Kitô hữu chúng ta nên nổi tiếng là sẵn sàng lắng nghe, phân định trước khi hành động, đối xử tôn trọng với mọi người, trả lời bằng câu hỏi thay vì phán xét, giữ im lặng hơn là gây tranh cãi và “mau nghe, chậm nói, chậm giận” (Gc 1:19). Đó là cả một hành trình.

9. Làm chứng cho niềm vui Chúa ban cho chúng ta

Chúng ta không có mặt trên mạng xã hội để bán sản phẩm. Chúng ta không quảng cáo, nhưng chúng ta truyền đạt cuộc sống, cuộc sống đã được trao cho chúng ta. Vì thế, mọi kitô hữu đều được mời gọi làm chứng nhân. Một cách để trở thành môn đệ truyền giáo trực tuyến. Đức tin trước hết có nghĩa là làm chứng cho niềm vui mà Chúa ban cho chúng ta.

Theo nghĩa này, người có ảnh hưởng đầu tiên là Đức Trinh Nữ Maria. “Nói cho người khác biết lý do chúng ta hy vọng và làm như vậy với sự dịu dàng và tôn trọng” (1 Pr 3:15) là dấu hiệu của lòng biết ơn. Đó là phản ứng của một người, nhờ lòng biết ơn, trở nên dễ bảo với Thần Khí và vì thế họ được tự do. Đó là trường hợp của Mẹ Maria, người không muốn hoặc không cố gắng, nhưng đã trở thành người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử.

Một niềm vui được chia sẻ có thể gây tò mò, hoặc làm cho người khác đặt câu hỏi. Đó là tất cả những gì Chúa yêu cầu chúng ta. Theo logic của Tin Mừng, tất cả những gì chúng ta phải làm là đặt ra một câu hỏi để đánh thức cuộc tìm kiếm. Phần còn lại là công việc ẩn giấu của Chúa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

https://phanxico.vn/2023/06/03/nguoi-samari-nhan-hau-tam-guong-de-theo-khi-chung-ta-o-tren-mang-xa-hoi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét