Tinh Thần Truyền Giáo Của Đức Cha François Pallu

(Sr. Têrêsa Phạm Thị Hải Đường, Ph.D.
Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, 07/10/2022)


Trong thời gian qua, trên các trang mạng của các giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội và của Hội Đồng Giám mục Việt Nam đăng tải những hình ảnh thật đẹp về kỳ thường huấn của các linh mục trong giáo tỉnh Hà Nội. Dịp thường huấn này được tổ chức tại Giáo phận Thanh Hoá từ ngày 12 tới ngày 17/09/2022, với sự tham dự của quý Đức Cha và gần 1600 linh mục, đến từ 11 giáo phận của giáo tỉnh Hà Nội. Với nhiều khuôn mặt trẻ, các ngài đang thể hiện một sức sống mãnh liệt cũng như một tương lai tươi sáng của Giáo hội Việt Nam nói chung và cách riêng của giáo tỉnh Hà Nội. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, Giáo hội Việt Nam không thể nào quên công ơn của các vị tiền bối, đặc biệt những người đã dầy công thiết lập hàng giáo sĩ và xây dựng Giáo Hội Việt Nam, cách riêng là Địa phận Đàng Ngoài, nay là giáo tỉnh Hà Nội.

Rất nhiều vị thừa sai đã có công trong việc hình thành và phát triển Giáo hội Việt Nam. Trong giới hạn của bài viết này, người viết tập trung vào vị Giám mục Đại diện Tông toà tiên khởi Đàng Ngoài, Đức cha François Pallu (1626-1684). Những đóng góp lớn lao của Đức Cha cũng như của các thừa sai Pháp cho Giáo hội Việt Nam trong giai đoạn đầu, được miêu tả rõ nét qua ngòi bút của linh Cha Louis Baudiment. Ngài viết: “Đối với chúng tôi, số các linh mục bản xứ có vẻ đặc biệt gây xúc động, vì Đức cha Pallu và các bạn đồng nghiệp của ngài đã hoàn tất sự hy sinh anh hùng của họ chỉ để thành lập một hàng tư tế địa phương.”[1] Nhưng liệu có bao nhiêu linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam đương thời, hiểu biết về ngài, cũng như những đóng góp lớn lao của ngài cho Giáo hội Việt Nam? “Người Cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo” là biệt danh mà tác giả Françoise Fauconnet-Buzelin đã đặt cho Đức cha Pierre Lambert de la Motte (1624-1679), vị Giám mục Đại diện Tông toà tiên khởi Đàng Trong, người bạn và người đồng hành của Đức cha Pallu. Biệt danh này dường như cũng hợp với vị Đại diện Tông toà tiên khởi Đàng Ngoài. Với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, chúng ta cần tìm hiểu về cội nguồn của mình để biết, để hiểu, để yêu mến, để trân quý và để tiếp nối những di sản của các bậc tiền nhân. Một cách cụ thể, bài viết này nhằm làm nổi bật tinh thần truyền giáo của Đức cha François Pallu.

Tinh thần can đảm dấn thân cho sứ vụ truyền giáo
Tinh thần can đảm của Đức cha François Pallu thể hiện qua việc ngài sẵn sàng dấn thân vào chương trình truyền giáo ở Viễn Đông, trước những thách đố và những khó khăn không thể tránh khỏi. Trước hết, sẽ hữu ích cho người đọc để tìm hiểu sơ lược về bối cảnh của Giáo hội Việt Nam lúc đó.

Sau những năm tháng truyền giáo thành công dưới những hoàn cảnh chính trị và tôn giáo rất khắc nghiệt của miền Đàng Ngoài và Đàng Trong Việt Nam, cha Đắc Lộ (1593-1660) bị trục xuất vĩnh viễn khỏi miền này vào năm 1645. Tuy nhiên, nhiệt huyết và lòng tận tuỵ đối Giáo hội Việt Nam của ngài đã không dừng lại. Trở về châu Âu, cha vận động Toà Thánh gửi các giám mục sang Việt Nam và Trung Hoa, để các ngài có thể truyền chức linh mục cho người dân bản địa. Ngài không muốn Giáo hội Việt Nam rơi vào tình thế như Giáo hội Nhật bản trước đó. Khi bách hại đạo xảy ra, tất cả các thừa sai bị trục xuất, chỉ có các linh mục bản xứ được ở lại. Tuy nhiên, không có người Kitô hữu Nhật Bản nào đã được truyền chức linh mục vào thời điểm đó. Từ một Giáo hội đang rất phát triển, Giáo hội Nhật Bản trở nên kiệt quệ khi bị bách hại, vì vắng bóng các mục tử.

Giáo hội Việt Nam ngay từ những ngày đầu và cho tới thời điểm cha Đắc Lộ bị trục xuất vĩnh viễn, luôn bị cấm cách và bị bách hại. Đối với ngài, việc gửi các giám mục sang Viễn Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, để đào tạo và truyền chức linh mục cho người bản địa, là điều cấp bách và khẩn thiết. Ngài đã trình bày và vận động Toà Thánh cho chương trình này.

Tuy nhiên, đối với bối cảnh tôn giáo và chính trị lúc đó, đây là một dự án táo bạo. Toà Thánh đã trao đặc quyền truyền giáo và độc quyền thương mại cho hai quốc gia hàng hải Công Giáo là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ năm 1494. Họ có toàn quyền quyết định về vấn đề truyền giáo cũng như về thương mại trên những lãnh thổ mà họ khám phá ra. Cả hai quốc gia này đã gầy dựng được những thành tựu đáng kể trên lãnh vực truyền giáo. Thế nhưng, dần dần, họ đặt nặng thế quyền trên thần quyền, tập trung vào thương mại hơn là truyền giáo. Hơn thế nữa, họ còn lấn quyền của Đức Giáo Hoàng cũng như của Toà Thánh trong công cuộc truyền bá Tin Mừng. Toà Thánh thấy được vấn đề và lập ra Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin vào năm 1622, nhằm lấy lại quyền hành trong việc điều khiển công cuộc truyền giáo ở những vùng đất mới. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Do đó, việc đề cử các giám mục ngoài chế độ bảo trợ sang châu Á để lo cho việc truyền giáo, là một dự án táo bạo. Chương trình này đã bị hai quốc gia trên, cũng như phần lớn các thừa sai thuộc chế độ bảo trợ kịch liệt phản đối. Vì nếu Rôma ưng thuận kế hoạch này, hai cường quốc trên sẽ mất những quyền lợi và những đặc ân đã được hưởng bấy lâu nay. Hơn nữa, điều đó cũng có nghĩa là Toà Thánh không còn tin tưởng vào chế độ bảo trợ cũng như các thừa sai dưới chế độ này. Như vậy, những ai ủng hộ và thực hiện chương trình của cha Đắc Lộ, chắc chắn cũng sẽ phải đối diện với những khó khẳn, cản trở, thậm chí bị đe doạ tới tính mạng.

Mặc dù đã tích cực vận động, cha Đắc Lộ đã không thể tiếp tục chương trình của ngài. Cha được chuyển tới Ba Tư vào năm 1655 và qua đời ở đó năm 1660. Chương trình này tưởng chừng không thể thực hiện được và dường như đã bị lãng quên. Nhưng không! nó đã được nhóm linh mục trẻ người Pháp thuộc hiệp hội Các Bạn Hiền bàn thảo lại, cũng như tích cực vận động với Rôma. Các thành viên của nhóm, trong đó có cha Pallu, đã gặp cha Đắc Lộ khi ngài tới Paris vận động cho chương trình truyền giáo ở Viễn Đông vào năm 1653. Năm 1656, cha Pallu tạm ngưng công việc Kinh Sĩ đền thờ, đích thân sang Rôma thỉnh cầu Toà Thánh cho chương trình này. Để công việc được tiến triển, ngài đã tình nguyện ở lại Rôma hơn một năm để tìm sự trợ giúp.[2] Cuối cùng, với sự kiên trì và khả năng ngoại giao của Đức Cha, cũng như sự ủng hộ nhiệt tình từ nhiều người, chương trình truyền giáo được Toà Thánh ưng thuận.

Ngày 29/07/1658, Đức Giáo Hoàng Alexander VII (1599-1667) ký đoản sắc phong cha Pallu làm giám mục hiệu toà Héliopolis và cha Pierre Lambert de la Motte làm giám mục hiệu toà Beryte.[3] Ngày 09/09/1659, Đức Giáo Hoàng ban đoản sắc Super Cathedram đặt Đức cha Pallu làm Đại diện Tông toà xứ Đàng Ngoài và Đức cha Lambert, xứ Đàng Trong.[4] Chắc chắn, Đức cha Pallu biết được điều gì có thể xảy đến với ngài trong cương vị Giám mục Đại diện Tông toà, cùng với việc thi hành những mệnh lệnh mà Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin trao cho ngài cũng như các bạn của ngài. Đó là những nhiệm vụ cao cả, nhưng khó khăn với nhiều thách đố. Điều này được phần nào phản ánh qua nhận xét của cha Đào Quang Toản: “Triều đình Bồ Đào Nha và dòng Tên lúc đó hẳn nhiên là những đối thủ đáng sợ cho cả Đức cha Pallu lẫn cho chính Thánh Bộ.”[5] Tuy nhiên, không gì có thể ngăn cản nhiệt huyết truyền giáo của ngài. Đức Cha đã can đảm đón nhận sứ vụ một cách hăng say và nhiệt thành. Tinh thần này tiếp tục được thể hiện qua sự hiến thân và phục vụ quên mình trong hai mươi sáu năm tiếp theo của Đức cha Pallu.

Tinh thần hiến thân và phục vụ quên mình

Tác giả Baudiment đã khẳng định: “Đức cha Pallu: một người đã thể hiện nơi mình, với mức độ anh hùng, những nhân đức của các thừa sai: quên mình và hiến thân cho việc mở mang Giáo hội.”[6] Trước hết, sự hiến thân quên mình của Đức Cha được thể hiện qua việc ngài dứt khoát từ bỏ chức vụ hiện tại, gia đình, bạn bè, cùng với cuộc sống ổn định để tới vùng truyền giáo xa xôi với nhiều nghịch cảnh. Đức Cha đã không muốn cho cha mẹ của ngài biết về dự định tham gia vào việc truyền giáo ở Viễn Đông của ngài, để tránh sự cản trở của họ. Ngài ghi lại trong tập hồi ký rằng khi có quyết định sai đi của Toà Thánh, ngài muốn được âm thầm chuẩn bị và lên đường cách kín đáo.[7]

Đức Cha có tinh thần hiến thân triệt để. Trước khi tới Viễn Đông, ngài đã long trọng thề hứa với Thiên Chúa là hiến dâng mạng sống của ngài cho Người, để cứu các linh hồn và hoán cải lương dân.[8] Đức Cha viết: “Tôi tự đưa ra các chân lý sau đây làm nền tảng: Một Kitô hữu chân chính và hoàn hảo phải chết với mọi sự, người ấy không còn biết ai theo xác thịt.”[9] Ngoài ra, trên hành trình tới châu Á lần đầu, Đức Cha đã ghi lại cảm nghĩ của ngài về sự hiến thân, từ bỏ vì Tin Mừng: “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ơn từ bỏ mọi sự vì lòng yêu mến Người, đồng thời dứt bỏ được những mối liên hệ thánh thiện và chặt chẽ nhất vì lợi ích của Tin Mừng.”[10] Những lời lẽ này cho thấy ý chí mạnh mẽ của Đức Cha trong việc từ bỏ những mối liên hệ thân thương nhất vì sứ vụ truyền giáo.

Hơn thế nữa, tinh thần quên mình và hiến thân của Đức cha Pallu còn được thể hiện rõ nét qua những chuyến đi và những công việc ngài phải đảm nhiệm trong vai trò Giám mục Đại diện Tông toà. Từ năm 1662 tới năm 1679, Đức Cha đã thực hiện năm cuộc hành trình đường bộ và đường biển từ châu Âu tới châu Á và ngược lại. Mỗi cuộc hành trình kéo dài ít nhất hai năm với những hoàn cảnh rất khắc nghiệt, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Trong cuộc hành trình đầu tiên tới Xiêm La, hai cha thừa sai và một giáo dân trong đoàn của Đức Cha đã bỏ mạng trên chuyến đi. Phải mất hơn hai năm, ngài và phái đoàn mới tới được Xiêm La. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, vì nhu cầu cấp bách của miền truyền giáo, Đức cha Pallu đã tình nguyện trở về châu Âu.[11]

Sự hy sinh quên mình trong hành trình trở về châu Âu lần thứ nhất

Theo tính tự nhiên, ngài muốn được ở lại và đi tới vùng truyền giáo của ngài càng sớm càng tốt. Ngài cảm thấy gắn bó với những mảnh đất truyền giáo và với trách nhiệm của ngài nơi đây. Ngài không muốn rời xa họ. Bên cạnh đó, những gian nan của cuộc hành trình trước, vẫn còn đọng lại trong tâm trí của ngài. Ngoài ra, Đức Cha cũng thấy được những khó khăn và thách đố mà ngài sẽ phải đối diện ở châu Âu trong chuyến đi này. Ngài viết:

Vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi chuỗi các khó khăn và mệt mỏi lạ thường mà tôi đã chịu đựng trong hành trình vừa qua. Lẽ ra tôi được nghỉ ngơi, nhưng tôi lại đưa thân vào chúng lần nữa. Tôi đã thấy trước các phán đoán khác nhau về tôi sẽ được đưa ra khi trở về Pháp. Cuối cùng tôi hình dung ra mọi nơi chỉ có trở ngại cho quyết định của tôi.[12]

Ý thức được gánh nặng của chuyến đi, nhưng vì nhận thấy sức khoẻ của Đức cha Lambert rất yếu, không thể chịu nổi cuộc hành trình này, nên ngài đã sẵn sàng trở về.[13] Đây là một quyết định mang đậm nét hy sinh và quên mình vì sứ vụ. Ngài có đủ lý do để khước từ trở về châu Âu. Song khi thấy các nhu cầu cấp bách của vùng truyền giáo, ngài không thể giữ thái độ “an phận thủ thường”. Ngoài ra, quyết định của ngài còn cho thấy tinh thần cảm thông sâu sắc và đồng trách nhiệm với người anh em của mình.

Tinh thần hiến thân và phục vụ quên mình vì công cuộc truyền giáo của Đức cha Pallu tiếp tục được thể hiện qua cuộc hành trình này của ngài ở châu Âu. Đức Cha đã lưu lại ở Rôma ba năm. Theo cha Đào Quang Toản, đây là “thời gian giao dịch” của ngài. Đức Cha “phải vận dụng hết khả năng để trình bày và xin Toà Thánh chuẩn nhận những điều cần thiết cho công cuộc rao giảng Tin Mừng ở Đông Nam Á.”[14] Với biệt tài ngoại giao và với ơn Chúa, chuyến đi này của Đức cha Pallu đã gặt hái được những thành công đáng kể. Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX (1600-1669) đã lập ra một uỷ ban gồm bốn vị Hồng Y để giải quyết những vấn đề Đức cha Pallu đệ trình. Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng gửi một đoản sắc cho vua Louis XIV của nước Pháp với mục đích gửi gắm Đức cha Pallu cũng như sứ vụ truyền giáo của ngài cho nhà vua.[15] Hơn thế nữa, nhờ sự trình bày của Đức Cha tại Rôma, Toà Thánh đã trao cho các giám mục Pháp cai quản Xiêm La. Trước đó, vùng đất này không thuộc về các thừa sai Pháp. Đây chỉ là nơi các ngài tạm dừng chân để chuẩn bị tới các vùng truyền giáo đã được chỉ định. Chính nơi đây các ngài đã tiếp nhận và đào tào các linh mục Việt Nam đầu tiên.[16]

Trên tất cả là sắc lệnh Speculatores, được ban hành ngày 13/09/1669. Đây là sắc lệnh quan trọng. Nó đã làm thay đổi lịch sử truyền giáo. Từ nay, tất cả các thừa sai khi tới làm việc tại các nơi mà Toà Thánh đã trao quyền điều hành cho các vị Đại diện Tông toà, phải tuyên thệ vâng phục các ngài. Thừa sai nào không thi hành sẽ bị vạ tuyệt thông.[17] Chắc chắn nhờ có sự trình bày của Đức cha Pallu về thực trạng của các miền truyền giáo, nên Toà Thánh đã đi tới quyết định trên. Sau ba năm ở Rôma và ba năm lênh đênh trên biển cả với những gian nan của cuộc hành trình, Đức Cha trở về Xiêm cùng với sáu linh mục và bốn giáo dân vào ngày 27/05/1673.[18]

Sự dấn thân trong dự định tới Đàng Ngoài và trong hành trình trở về châu Âu lần thứ hai

Đức cha Pallu là người không biết nghỉ ngơi. Ngài luôn dấn thân quên mình vì sứ vụ. Sau hành trình đầy gian truân vất vả ở châu Âu và trở về bằng đường biển với biết bao mệt mỏi, ngài lại lên kế hoạch tới Đàng Ngoài, ngay khi trở về Xiêm La. Bất chấp những dấu hiệu thời tiết không thuận hoà, lòng mong mỏi khát khao đến với vùng truyền giáo đã thôi thúc ngài lên đường. Ngày 21/08/1674, Ngài rời Xiêm La tới Đàng Ngoài. Tuy nhiên, con tàu của ngài đã bị bão đánh và trôi dạt vào cảng Cavite tại Phi Luật Tân. Thay vì giấc mơ tới Đàng Ngoài, Đức Cha đã bị bắt giữ và bị buộc tội đi truyền giáo không có phép của triều đình Tây Ban Nha.[19] Chính quyền Tây Ban Nha quyết định đem vụ việc này về xử tại kinh đô Madrid.

Thay vì tới Đàng Ngoài, ngài đã phải đi vòng quanh thế giới. Mặc dù trắng án, nhưng chính quyền Tây Ban Nha đã không bồi thường cho ngài. Sự việc này đã làm hao tổn biết bao tiền của và sức lực của Đức Cha. Những kẻ chống đối các giám mục Đại diện Tông toà đã tìm đủ mọi cách ngăn cản ngài. Tuy nhiên, Chúa Quan Phòng đã biến đổi sự dữ ra sự lành. Chính sự việc này đã tạo dịp đưa Đức Cha trở về Rôma lần nữa. Ngài đã không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để có thể làm cho công cuộc truyền giáo ở Viễn Đông nói chung và cho Giáo hội Việt Nam nói riêng được xây dựng và phát triển. Đức Cha đã lưu lại tại Rôma ba năm và hoạt động tích cực cho công cuộc truyền giáo.[20]

Ngài phải làm việc rất vất vả trong thời gian này tại Rôma. Điều đó được cha Baudiment miêu tả cách cụ thể và sống động:

Các cuộc thăm viếng, triều yết, chuẩn bị các buổi họp của uỷ ban đặc biệt, soạn những bản tường trình giúp soi dẫn uỷ ban, trả lời những báo cáo của các cha Dòng Tên hay của sứ thần Bồ Đào Nha. Ngài cố gắng không bỏ qua bất cứ điều gì có thể làm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công cuộc truyền giáo. Với ngài, không hề có chuyện nghỉ ngơi hay buông lơi công việc.[21]

Năm 1680, Đức Cha trở lại Paris sau khi đã thu xếp ổn định các công việc của ngài ở Rôma. Theo nhận định của tác giả tài liệu Tấm gương sáng ngời trong việc truyền giáo, “Đức cha Pallu đã như một cụ già, mặc dù mới bước sang tuổi 50.”[22] Chính sự hy sinh dấn thân quên mình đã làm ngài lao lực. Và, thật đáng trân quý, những lỗ lực của ngài đã sinh hoa kết trái. Điều này được thể hiện qua nhận xét của cha Đào Quang Toản: “Sự hiện diện và hoạt động của Đức cha Pallu tại Rôma, đã khiến Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin trở nên cương nghị và hiệu quả hơn bao giờ hết, kể từ khi Thánh Bộ được thành lập năm 1622.”[23] Tác giả Baudiment cũng ghi nhận rằng, trong ba năm hoạt động ở Rôma, Đức cha Pallu “đã thỉnh nguyện được 22 sắc lệnh, mà nhiều sắc lệnh bình thường cần nhiều năm nghiên cứu, tranh luận, hiệu chỉnh.”[24] Điều này cho thấy Đức Cha đã cố gắng làm tất cả những gì có thể cho vùng truyền giáo của ngài.

Hành trình tới Phúc Kiến

Đức cha Pallu được từ chức Đại diện Tông toà Đàng Ngoài ngày 15/04/1680 và được bổ nhiệm làm Đại diện Tông toà xứ Phúc Kiến ở Trung Quốc. Ngày 25/03/1681, sau khi thu xếp xong công việc ở Rôma và ở Pháp, Đức cha Pallu đã lên đường trở về Xiêm La. Với khao khát được đến với nhiệm sở mới của mình, Đức cha Pallu đã rời Xiêm La đi Phúc Kiến, vào ngày 02/07/1683. Tàu của ngài đã bị những tên cướp biển bắt giữ sáu tháng tại Đài Loan. Cuối cùng, Đức Cha đã thực hiện được giấc mơ là được “đặt chân lên mảnh đất truyền giáo” của ngài. Ngài tới Phúc Kiến vào ngày 27/01/1684. Tuy nhiên, với sức khoẻ giảm sút sau những năm dấn thân và phục vụ không biết mệt mỏi, Đức Cha đã nghỉ yên trong Chúa vào ngày 29/10/1684, chỉ chín tháng sau khi ngài tới Phúc Kiến.[25]

Tới đây, người viết như ghẹn lòng khi nhớ tới lời nhận xét về hành trình này của Đức cha Pallu: Ngài tới Phúc kiến dường như “chỉ để chết”. Thật nhói lòng và xót xa khi biết rằng cả cuộc đời truyền giáo của ngài, Đức Cha luôn khát khao mong mỏi và tìm mọi cách để đến vùng truyền giáo Đàng Ngoài, nhưng vì lý do chính trị, tôn giáo, cũng như nhu cầu giải quyết các công việc liên quan tới công cuộc truyền giáo, ngài đã không thực hiện được giấc mơ của mình. Cuối cùng, Đức Cha đã đặt chân tới Phúc Kiến, miền truyền giáo mới của ngài, nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn ngủi. Dầu vậy, trước mặt Chúa, chắc hẳn Đức Cha đã lãnh nhận vòng hoa chiến thắng mà Thiên Chúa đã trao ban cho người mục tử đã hiến thân và phục vụ quên mình tới hơi thở cuối cùng để phục vụ cho công cuộc truyền giáo. Do đâu mà Đức Cha có được tinh thần can đảm, hiến thân triệt để và phục vụ quên mình cho vùng truyền giáo như vậy?

Đời sống thánh thiện và tinh thần cầu nguyện sâu sắc
Cả cuộc đời truyền giáo của Đức Cha như đã miêu tả ở trên, là những cuộc hành trình xuyên lục địa, trong vai trò như một nhà ngoại giao. Ngài luôn bận rộn với các kế hoạch, các cuộc gặp gỡ và giải trình. Với những công việc này, ngài dường như là con người của hoạt động và thiên về hướng ngoại. Nhưng sự thật không phải vậy. Đức cha Pallu là người có đời sống nội tâm rất sâu sắc. Chính đời sống nội tâm này đã nuôi dưỡng và hướng dẫn đời sống hoạt động của ngài. Lòng can đảm, sự hiến thân và phục vụ quên mình của Đức cha Pallu bắt nguồn từ đời sống thánh thiện và đời sống cầu nguyện của ngài.

Trước hết nói về đời sống thánh thiện của Đức Cha. Ngài xuất thân từ một gia đình đạo đức. Ngay từ nhỏ, ngài đã được mệnh danh là “người nhà Chúa.”[26] Tới thời niên thiếu, đời sống đạo đức thánh thiện của ngài càng được thể hiện rõ nét hơn.[27] Là người con của Giáo hội Pháp ở thể kỷ thứ 17, “thế kỷ của các thánh”, đời sống thiêng liêng của ngài được ảnh hưởng nhiều từ môi trường này. Đức Cha là thành viên của hiệp hội Các Bạn Hiền và hiệp hội Thánh Thể. Đây là những hiệp hội nổi tiếng đạo đức thời đó.[28] Sau khi thụ phong linh mục, ngài chỉ muốn được thuộc trọn về Chúa để phụng sự Người và phục vụ Giáo Hội.[29]

Khát vọng nên thánh luôn thôi thúc tâm hồn Đức Cha. Ngài đã có nhiều suy tư về sự trọn lành của thiên chức linh mục và giám mục của ngài. Đối với ngài, đó là những bậc sống trọn lành và hoàn hảo. Ngài đã đặt câu hỏi cho chính mình là “Làm sao để có thể sống và làm trổ sinh hoa trái tốt lành với những ân sủng của Thánh chức linh mục?” Đức Cha cũng có những suy tư đượm nét thánh thiện về thiên chức giám mục của mình. Ngài tỏ bày, “Bậc giám mục mà tôi thấy mình sắp được nâng lên, là một bậc hoàn thiện, và không tự bằng lòng với những hành động thông thường… Bậc đó không đơn giản xét xem điều gì buộc phải làm…, mà chỉ chuyên tâm đến điều gì là hoàn hảo nhất.”

Quả thực, 26 năm phục vụ trong vai trò giám mục Đại diện Tông toà của ngài đã chứng minh cho những nhận định trên. Đức Cha đã tận tâm, tận lực với sứ vụ truyền giáo. Ngài nhắm tới điều hoàn hảo nhất đó là đáp lại tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho ngài. Cha Baudiment đã ghi lại tư tưởng này của Đức cha Pallu: “Cuối cùng, Thiên Chúa... đã làm quá nhiều vì tình yêu dành cho chúng ta. Tôi mắc nợ tình yêu đó và từ nay tôi không muốn có những suy nghĩ nào khác trong mọi hành động của tôi, ngoài các lợi ích của vinh quang Người.”[30] Đời sống thánh thiện của ngài còn được thể hiện qua tiêu chuẩn mà ngài đặt ra cho một nhà thừa sai. Đức Cha viết: “Nếu bạn muốn đào tạo ra các nhà truyền giáo, cần phải đào tạo ra các thánh nhân.”[31]

Bên cạnh đời sống thánh thiện đạo đức, Đức cha Pallu còn là “con người của cầu nguyện”. Chính nhờ sự liên kết mật thiết với Chúa qua cầu nguyện, Đức Cha đã kiên vững trong mọi gian nan thử thách và gặt hái được những thành công trong sứ vụ của ngài.

Ngài tỏ bày với Đức cha Lambert rằng, “Tôi đã chẳng luống công khi dành ra hai giờ mỗi sáng trước mặt Chúa mà không nghĩ gì khác ngoài chính Ngài.”[32] Khi Đức Cha lấy Chúa làm trọng tâm của đời mình, điều đó đồng nghĩa với việc ngài để Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn các công việc của ngài. Từ đó, Đức Cha có được một tâm hồn bình an và sáng suốt trước những khó khăn và sóng gió.

Cách cụ thể, cầu nguyện đã tạo nên sức mạnh cho Đức Cha trước những gian nan thử thách trong cuộc hành trình đầu tiên từ châu Âu tới châu Á. Hai thừa sai và một giáo dân trong đoàn của ngài đã chết trên đường tới Xiêm La.[33] Cũng trong chuyến đi này, ngài nhận được tin Đức cha Ignace Cotolendi (1630-1662) đã an nghỉ trong Chúa trong hành trình của ngài tới châu Á. Đức Cha đã vô cùng đau đớn trước sự ra đi của các thừa sai. Những mệt mỏi về cả thể xác và tinh thần, đôi lúc đã làm cho Đức Cha cảm thấy mất đi sự can đảm và nhiệt huyết ban đầu.[34] Tuy nhiên, ngài khẳng định rằng chính nhờ sự cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, Ngài đã tìm lại được sự bình an và nguồn sức mạnh để tiếp tục cuộc hành trình.

Đức Cha thường dành thời gian để cầu nguyện, tìm thánh ý Chúa trước các công việc và trước các quyết định. Khi đặt chân tới Xiêm La lần đầu, ngài và các thừa sai trong đoàn quyết định giữ thinh lặng trong ba ngày đầu để tạ ơn Thiên Chúa, cũng như tìm thánh ý Người trong công việc tương lai.[35] Sau đó, trước khi trở về Rôma lần đầu từ Xiêm, Đức Cha đã thực hiện cuộc cấm phòng mười ngày.[36] Trong suốt chuyến trở về châu Âu, ngài luôn giữ tâm tình cầu nguyện, bên cạnh những công việc bận rộn ngài phải giải quyết, cũng như những mệt mỏi của cuộc hành trình.

Đức Cha dành phần lớn thời gian để cầu nguyện: ngoài việc cử hành Thánh Lễ, đọc kinh Nhật tụng và các thực hành đạo đức thường ngày của một linh mục. Ngài dành ít nhất mỗi sáng hai giờ để nguyện gẫm.[37] Vào thời điểm này, Đức Cha là thành viên của Hội dòng Tông Đồ, vì vậy, ngài có thể đã dành thêm một giờ cầu nguyện nữa cho đủ ba giờ nguyện ngẫm mỗi ngày, theo quy định của Hội.[38] Cha Baudiment nhận định rằng, điều làm Đức cha Pallu cảm thấy vui trong suốt cuộc hành trình, là ngài có thể dâng Thánh Lễ vào mỗi buổi sáng sớm, trước cuộc hành trình mỗi ngày.[39]

Ngoài ra, trong vai trò giám mục Đại diện Tông toà, nhiều lần ngài đã nhắc nhở các bạn đồng hành của mình trong các buổi huấn đức, về sự ưu tiên cần thiết của đời sống nội tâm so với thừa tác vụ bên ngoài.[40] Tinh thần cầu nguyện của Đức Cha còn được thể hiện qua Bản Chỉ Dẫn cho các nhà thừa sai mà ngài cùng với Đức cha Lambert và các thừa sai Pháp đã soạn thảo trong Công nghị Ayuthaya. Theo các ngài, các nhà truyền giáo phải là những con người cầu nguyện. Chỉ khi được thánh hoá bằng lời cầu nguyện, họ mới có thể hết lòng với bổn phận. Các ngài đã khiêm tốn chỉ ra rằng, vị thừa sai chỉ là một dụng cụ bình thường của Thiên Chúa. Do đó, ngài chỉ có thể sinh lợi ích khi nhờ vào lời cầu nguyện để hợp nhất với Đấng đã hối thúc và trợ lực ngài lên đường.[41]

Sự cần thiết của việc cầu nguyện đối với nhà truyền giáo được các ngài nêu lên cách đầy đủ qua những dòng viết rất sâu sắc và thâm thuý dưới đây:

Thật vậy, làm sao ngài có thể hiểu được danh hiệu “được sai đi”, nếu vị thừa sai không lắng nghe tiếng của Đấng phái ngài đi? Làm sao ngài có thể thực hiện ý Chúa nếu ngài không đủ khả năng tìm ra trong cầu nguyện? Làm sao ngài có thể làm nhiệm vụ người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, nếu ngài không biết cách giao hòa các thụ tạo với Đấng Tạo Hoá bằng lời cầu nguyện? Làm sao ngài có thể sửa dạy các con chiên nếu ngài không lĩnh hội sự khôn ngoan của Thiên Chúa từ nguồn mạch chiêm niệm? Cuối cùng, nếu không có cầu nguyện, làm sao ngài vượt qua được mọi khó khăn, ngoài sức con người, bản chất tự nhiên con người này phải ăn nhịp với tác động của Chúa Thánh Thần, bằng đời sống khổ hạnh?[42]

Những lời lẽ này bao hàm tất cả tầm quan trọng của việc cầu nguyện đối sứ vụ của một nhà truyền giáo nói chung và với người tông đồ nói riêng. Những tư tưởng trên được đúc kết từ chính kinh nghiệm của chính Đức cha Pallu, Đức cha Lambert, và các thừa sai. Hai mươi sáu năm trong vai trò Giám mục Đại diện Tông Toà, nếu không có đời sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, làm sao Đức cha Pallu có thể đứng vững trước biết bao gian truân khổ cực của năm cuộc hành trình xuyên lục địa, trước những chống đối quyết liệt của chế độ bảo trợ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, trước những cuộc thương lượng, giải trình đầy thách đố ở Rôma và Paris. Chính nhờ đời sống cầu nguyện, Đức Cha đã có được sự can đảm để hiến thân và phục vụ quên mình cho việc xây dựng và phát triển Giáo hội Việt Nam.

Kết luận:

Cả cuộc đời truyền giáo của Đức cha François Pallu là một sự dấn thân và quên mình liên lỉ. Như bao nhà truyền giáo khác, Đức Cha mong muốn được hiện diện trực tiếp với đoàn chiên, nhất là trong bối cảnh bất ổn cả về chính trị lẫn tôn giáo như ở Việt Nam lúc đó. Khi còn sống, nhiều lần ngài đã cố gắng đến Đàng Ngoài. Vì điều này, ngài từng phải đối diện với biết bao nguy hiểm, có khi là cái chết tưởng chừng như cận kề. Nhưng rốt cuộc ngài đã không thể nào thực hiện được ước muốn cháy bỏng đó.[43] Dù không trực tiếp hiện diện, nhưng trái tim, tâm hồn và nhất là lời cầu nguyện của Đức cha François Pallu luôn luôn hướng về Đàng Ngoài. Tuy không bao giờ đặt chân được tới giáo phận của mình, Đức cha Pallu lại là người đã gầy dựng và đã đặt những viên đá vững chắc cho sự phát triển lâu dài của toàn thể Giáo hội Việt Nam.[44]

Theo cha Đào Quang Toản, trong lịch sử truyền giáo Việt Nam, chưa có vị giám mục nào đã hoạt động tại Rôma cho Giáo hội Việt Nam nhiều như Đức cha Pallu. Cha cho rằng, xây dựng Giáo hội Việt Nam vào thời điểm đó không chỉ là chuyện truyền giáo mục vụ địa phương, nhưng còn phải xử lý những vấn đề có tính cách quốc tế, cũng như các vấn đề do giáo triều Rôma quyết định.[45] Trong Giáo Hội Công Giáo, có những chuyện chỉ có Toà Thánh mới có quyền quyết định. Và để cho Toà Thánh thông hiểu vấn đề, thì cần có người đích thân đến báo cáo, trình bày, cắt nghĩa, giải thích và thúc giục. Chính Đức cha Pallu đã đảm nhiệm công tác này.

Ngài đã dành hai mươi sáu năm trong trong vai trò Giám mục Đại diện Tông toà để xây dựng và đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành và phát triển của Giáo hội Việt Nam. Để làm được điều đó, ngài đã kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, đã can đảm dấn thân, hy sinh, phục vụ quên mình cho miền truyền giáo. Theo con số thống kê vào năm 2021, Giáo hội Việt Nam có 3 giáo tỉnh với 27 giáo phận, trên 120 giám mục, hơn 4.000 linh mục, 2.803 chủng sinh, gần 35.000 tu sĩ và hơn 7 triệu giáo dân.[46] Đây là một bằng chứng về sự phát triển của hạt giống mà Đức cha Pallu đã góp công vun trồng. Tuy nhiên, chúng ta không nên dừng ở đó. Là con cái thiêng liêng của ngài, mỗi người hãy tự đặt câu hỏi: Tôi phải làm gì trong vai trò của mình để tiếp tục tinh thần truyền giáo của Đức cha François Pallu?






[1] Louis Baudiment, François Pallu, Principlal Foundateur des Missions Étrangères (1626-1684), dịch giả Cao Kỳ Hương (Nhà xuất bản Tôn giáo, 2022), tr. 598.

[2] Lm. Đào Quang Toản, Đức Cha Pallu (Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2020), tr. 13.

[3] Jean Guennou, Missions Étrangères de Paris (Paris: Fayard, 1968), tr. 62, 67.

[4] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine: Documents Historiques I (1658-1823) (Paris: Téqui,

1923), tr. 9-10; Jean De Bourges, Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Giám Mục Hiệu Toà Bérythe, trans. Đào

Quang Toản, 1996, tr. 33.

[5] Lm. Đào Quang Toản, sđd., tr. 38.

[6] Louis Baudiment, sđd., tr. 594.

[7] Mémoire anonyme, tr. 12.

[8] Louis Baudiment, sđd., tr. 49.

[9] Louis Baudiment, sđd., tr. 76.

[10] Louis Baudiment, sđd., tr. 48.

[11] Lous Baudiment, sđd., tr. 230.

[12] Mgr Pallu, Relation abrégée des missions et des voyages des evesques françois, envoyez aux royaumes de la Chine, Cochinchine, Tonquin, & Siam (Paris: Deneys Bechet, 1668), tr. 49.

[13] Mgr Pallu, sđd., tr. 48-49.

[14] Lm. Đào Quang Toản, sđd., tr. 24-25.

[15] Lm. Đào Quang Toản, sđd., tr. 25.

[16] Lm. Đào Quang Toản, sđd., tr. 28.

[17] Lm. Đào Quang Toản, sđd., tr. 24-25.

[18] Lm. Đào Quang Toản, sđd., tr. 31.

[19] Lm. Đào Quang Toản, sđd., tr. 34.

[20] Lm. Đào Quang Toản, sđd., tr. 36.

[21] Louis Baudiment, sđd., tr. 377.

[22] Lm. Nguyễn Văn Diễm, “Tấm gương sáng ngời trong việc truyền giáo” (Lưu hành nội bộ).

[23] Lm. Đào Quang Toản, sđd., tr. 37.

[24] Louis Baudiment, sđd., tr. 428.

[25] Lm. Nguyễn Văn Diễm, sđd.

[26] Louis Baudiment, sđd., tr. 18.

[27] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tiểu sử Đức cha François Pallu và Đức cha Pierre Lambert de la Motte (Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo, 2020), tr. 12.

[28] Lm. Đào Quang Toản, sđd., tr. 7-8.

[29] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, sđd., tr. 14.

[30] Louis Baudiment, sđd., tr. 76.

[31] Thư ngày 19.07.1667, A. Launay, Lettres, t. I, tr. 78.

[32] Louis Baudiment, sđd., tr. 403.

[33] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, sđd., tr. 26.

[34] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, sđd., tr. 27.

[35] AMEP, tập 121, tr. 567.

[36] AMEP, vol. 101, tr. 243.

[37] AMEP, vol. 101, tr. 245.

[38] AMEP, vol. 101, tr. 245; tr. 253; tr. 243.

[39] Louis Baudiment, sđd., tr. 233.

[40] Louis Baudiment, sđd., tr. 221.

[41] François Pallu & Pierre Lambert de la Motte, Monita Ad Misionarios- Nhắn nhủ các thừa sai, Công đồng Yuthia 1664, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, bản dịch của Địa phận Kontum, chương 2, tiết 2.

[42] François Pallu & Pierre Lambert de la Motte, Monita Ad Misionarios, chương 2, tiết 2.

[43] Louis Baudiment, sđd., tr. 591.

[44] Louis Baudiment, sđd., tr. 591.

[45] Lm. Đào Quang Toản, sđd., tr. 39-40.

[46] Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng, “Công cuộc truyền giáo của hai Giám mục tiên khởi tại giáo hội Việt Nam”, đăng tải ngày 22/10/2021tại https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/cong-cuoc-truyen-giao-cua-hai-giam-muc-tien-khoi-tai-giao-hoi-viet-nam-42925
 
Vietcatholic News