Daniel Marguerat: “Thánh Phaolô là nhà thần học của tương lai, chứ không phải của quá khứ”
cath.ch, Raphaël Zbinden, 2023-06-23
Thần học gia tin lành Daniel Marguerat dạy Tân Ước tại Đại học Lausanne từ 1984 đến 2008 | © Raphaël Zbinden
“Thánh Phaolô có một tham vọng cho kitô giáo, rằng cộng đoàn kitô hữu vẫn chưa được thực hiện”. Đó là xác tín của mục sư Daniel Marguerat. Nhân dịp phát hành quyển sách mới nhất, Phaolô thành Tarse. Nét đặc thù của Kitô-giáo. (Paul de Tarse. L’enfant terrible du christianisme, nxb. Seuil, phát hành tháng 4-2023) trang Công giáo Thụy Sĩ đã gặp mục sư tại nhà của mục sư. Thần học gia, kinh thánh gia nêu bật sức mạnh của sứ điệp Tông đồ Dân ngoại qua một trong những đoạn chính của Thánh Phaolô, chương XIII Thư gởi tín hữu Rôma.
“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.” (Rm, 13:8). Câu này có ý nghĩa như thế nào với tư tưởng của Thánh Phaolô?
Mục sư Daniel Marguerat: Khi viết câu này, Thánh Phaolô hoàn toàn đặt mình trong địa vị người thừa kế của Chúa Giêsu. Ngài nhắc lại đoạn Tin Mừng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực”. Và “Hãy yêu người như mình vậy,” ngài nhấn mạnh “không có điều răn nào khác lớn hơn những điều răn này.” Vì thế Thánh Phaolô giải thích luật do thái từ mệnh lệnh phải yêu thương người khác. Với ngài, đó là bản tóm tắt kinh Torah mà Chúa Giêsu đã mạnh mẽ áp dụng. Đó là yếu tố trọng tâm của thần học Thánh Phaolô. Như Chúa Kitô, Thánh Phaolô không muốn thay thế Luật, nhưng muốn mang lại ý nghĩa thực sự cho Luật.
Thánh Phaolô viết câu này trong bối cảnh nào?
Rất quan trọng để bối cảnh hóa các bài viết của Thánh Phaolô. Làm được điều này, chắc chắn sẽ giúp chúng ta hiểu vì sao ngài nói những câu như vậy vào những thời điểm như vậy. Nói chung, Thơ gởi tín hữu Rôma viết khi ngài chuẩn bị đi truyền giáo cho Tây Ban Nha. Vì thế ngài xin cộng đồng thủ đô đế chế Rôma giúp đỡ cả vật chất và tinh thần thần cho công việc này.
“Trước tiên, Thánh Phaolô phủ nhận mình là ‘người phá vỡ kinh Torah’”
Để làm việc này, có thể nói ngài đã dùng “danh thiếp” của ngài. Với các thư khác, ngài bàn đến việc phân xử những bất đồng trong các giáo hội khác nhau khi họ mới thành lập, nhưng trong thư đặc biệt này, ngài đưa ra những cân nhắc tổng quát hơn. Biết mình đã lớn tuổi và sắp kết thúc hoạt động truyền giáo, theo một cách nào đó, ngài lượng định tổng kết thần học của ngài.
Ngài đã làm như thế nào?
Trong tám chương đầu tiên, ngài mở ra một “bức tranh” về lịch sử Ơn Cứu độ. Để chứng minh lịch sử thế giới đã đảo lộn, vì Chúa Kitô đã đến với kỷ nguyên của ân sủng, của Thần Khí. Trong các chương 9 đến 11, ngài đề cập đến số phận của Israel. Ngài lý giải sự thật dân tộc do thái vẫn là dân tộc được Thiên Chúa lựa chọn dù hầu hết họ từ chối sứ điệp của Đấng Thiên sai gởi đến cho họ. Trong các chương 12 đến 14, ngài đề cập đến các vấn đề đạo đức và luân lý, ngài áp dụng thần học của ngài vào các ứng xử của con người.
Chủ yếu ngài muốn chứng tỏ gì?
Trước hết, ngài muốn phủ nhận mình là “kẻ phá Torah”, điều mà nhiều lần ngài bị cáo buộc. Ngài đã giảng phúc âm cho người do thái và người lương dân nhưng không bao giờ đòi hỏi họ phải tôn trọng Luật do thái với tất cả các nghi thức của Luật. Câu trả lời của ngài là: “Tôi không vi phạm Luật chút nào, vì kinh Torah chủ yếu nói về việc yêu người anh em, và khi chúng ta làm điều này, chúng ta đang thực hiện điều chủ yếu của Luật.
Bức tranh tượng trưng cho Thánh Phaolô trên thuyền của ngài, nhà thờ Thánh Phaolô ở Cologny (GE), họa sĩ Maurice Denis (1916) | © Raphặl Zbinden
Nhưng Thánh Phaolô cũng muốn tôn trọng sự nhạy cảm của địa phương…
Đúng, thực sự ngài không cách mạng. Ngài là thần học gia thực tế, tinh tế và mưu mô. Trước hết, ngài nhận ra “sự bấp bênh” của các cộng đồng tín hữu kitô mới và đặc biệt là ở thủ đô của đế chế la-mã. Người rôma thực sự rất khoan dung với các cộng đồng tôn giáo, ngược với những gì người ta có thể nghĩ. Họ ít quan tâm đến bất cứ điều gì có thể gây rối trật tự công cộng. Rất có thể giữa những dòng viết của Thánh Phaolô, có một quan tâm để không làm đảo lộn trật tự đã được thiết lập.
Chúng ta cũng có thể hiểu theo nghĩa này trong phần mở đầu thư Rôma XIII: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập.” (Rm, 13:1)
Chắc chắn. Bối cảnh buộc ngài phải cẩn thận chọn chữ và cách đặt câu. Vì vậy, phải thích ứng để chú giải bằng cách đưa vào câu sau: “(…) Vì chính quyền là người thừa hành của Thiên Chúa để giúp bạn làm điều thiện (Rm, 13:4). Vì thế mệnh lệnh phục tùng trở thành điều kiện dựa trên thực tế, chính quyền đáp ứng ơn gọi của mình là phục vụ Chúa và khuyến khích điều tốt.
“Tôi tin chắc, chúng ta đã tạo hình ảnh Thánh Phaolô như một ‘thế phẩm’.
Cách hiểu cổ điển được bảo vệ từ lâu trong việc phục tùng chính quyền một cách mù quáng là tổng hợp và không tinh tế. Ở thế kỷ 21, trong nhiều trường hợp, chúng ta đã thấy các nhà cầm quyền chính trị đã tìm cách bảo vệ quyền lực của họ, họ không nhận mình phục vụ Thiên Chúa, cũng như không theo mệnh lệnh làm điều tốt. Trong trường hợp này, thuần phục trở nên không đủ. Nhưng phải mất một thời gian dài để cái nhìn thần học trở nên sắc bén.
Một trong những điều mục sư tố cáo trong quyển sách là “những định kiến” khi đọc Thánh Phaolô…
Tuyệt đối. Tôi tin chắc, chúng ta đã tạo hình ảnh Thánh Phaolô như một ‘thế phẩm’, như một ‘vật gì đã bị dùng rồi’, hình ảnh này đã được sàng lọc qua 2000 năm đọc sách kitô giáo. Truyền thống đọc này ngược với ý nghĩa các bài viết của Thánh Phaolô. Thánh Phaolô bị bắt làm con tin để bảo vệ các nguyên nhân ý thức hệ, đặc biệt là chủ nghĩa gia trưởng đã dựa các xác tín của họ ở đây nhiều hơn các nơi khác. Chẳng hạn nói Thánh Phaolô là chống nữ quyền là một cách đọc hoàn toàn phản tác dụng.
Kitô giáo có bị đau khổ vì sự hiểu sai này không?
Theo tôi, kitô giáo trước hết nhấn mạnh đến tình yêu Thiên Chúa hơn tình yêu tha nhân. Nhưng, như Thánh Phaolô nhắc, trên cơ sở Tin Mừng, tình yêu Thiên Chúa sẽ không có giá trị nếu không có tình yêu tha nhân. Lịch sử kitô giáo thường không nêu bật khía cạnh này, thậm chí lại thường cho thấy ngược lại. Người ta đề cao các xác tín giáo điều để giết ai họ cho là dị giáo. Phải chấp nhận chúng ta có một lịch sử mù mờ. Ngay cả khi có một số ánh sáng như Thánh Phanxicô Assisi. Kitô giáo không nên sống bằng sự trung thành với truyền thống, nhưng nên sống bằng sự trung thành với Tin Mừng. Vấn đề là, bản chất của bất kỳ thể chế nào là duy trì quyền lực của họ. Và điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn với chính những nguyên tắc đã hình thành nên nó.
Xin mục sư mô tả ngắn gọn vai trò của Thánh Phaolô trong Kinh thánh và trong kitô giáo như thế nào?
Tôi muốn nói ngài là người quan phòng. Trên hết, ngài giúp cho kitô giáo thoát khỏi địa vị là một giáo phái do thái để mở ra với tính phổ quát. Ngài là người đầu tiên hình thành bản sắc kitô giáo bên ngoài thế giới văn hóa do thái.
Nhưng ngài cũng là thần học gia thiên tài. Suy nghĩ của ngài không bị bóp méo bởi những diễn giải, suy nghĩ của ngài rất mạnh và rất tận căn, đến mức ngài không đặt mình ở phía sau mà ở phía trước chúng ta. Ngài là thần học gia của tương lai chúng ta, không phải thần học gia của quá khứ. Chỉ cần đơn cử một ví dụ: ngài thành lập các cộng đồng trong đó tất cả những người đã được rửa tội, dù nam hay nữ, đều bình đẳng về phẩm giá và về quyền. Ai là người bảo thủ ngày nay? Như tôi đã nói trong phần kết luận quyển sách: Thánh Phaolô có một tham vọng cho cộng đoàn kitô hữu, một cộng đoàn kitô hữu, điều mà cả công giáo và tin lành vẫn chưa thực hiện được.
Marta An Nguyễn dịch
https://phanxico.vn/2023/06/27/daniel-marguerat-thanh-phaolo-la-nha-than-hoc-cua-tuong-lai-chu-khong-phai-cua-qua-khu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét