Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 90 - Thiên đàng hỏa ngục hai bên
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 90: THIÊN ĐÀNG HỎA NGỤC HAI BÊN
Hỏi: Con nghe người ta nói là năm 1999 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng tuyên bố: Thiên đàng không ở trên chín tầng mây, hỏa ngục cũng không ở trong lòng đất. Nếu thế, không lẽ Đức Cố Giáo Hoàng đi ngược lại với Giáo lý Công giáo? Hơn nữa, còn mâu thuẫn với bí mật thứ nhất Fatima khi ba trẻ được Đức Mẹ cho thấy hỏa ngục dưới lòng đất?
Trả lời:
Câu hỏi này sẽ được trả lời theo hai bước. Thứ nhất, thay vì nghe “người ta nói”, chúng ta thử lục lại xem thật sự Đức Cố Giáo Hoàng đã nói gì. Tiếp đó, chúng ta sẽ cùng phân tích chính những điều Đức Cố Giáo Hoàng đã nói, để xem liệu có thật những điều Ngài nói đi ngược với Giáo lý Công giáo (GLCG) hay ngược với bí mật thứ nhất của Fatima không nhé!
Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói gì?
Điều mà bạn “nghe người ta nói” có vẻ như có liên hệ đến hai bài nói chuyện của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong buổi tiếp kiến khách hành hương tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào hai ngày thứ Tư cuối tháng 7 năm 1999. Đức Cố Giáo Hoàng đã dựa trên nền tảng Kinh Thánh và các suy tư thần học để quảng diễn về ý nghĩa của thiên đàng và hoả ngục. Có thể tìm đọc hai bài này ở trang web chính thức của Vatican.
Đây là tựa đề của bài nói chuyện ngày 21 tháng 7: John Paul II, General Audience, link[1]. Có thể tạm tóm lược điều ngài nói như sau:
Được làm người, con người nào cũng có một cùng đích tối hậu là được thông hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự thông hiệp trọn vẹn này được gọi là “thiên đàng”. Tư tưởng này được Đức Cố Giáo Hoàng trích từ sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo: “Thiên đàng là cùng đích tối hậu và là thành toàn của khát vọng sâu thẳm nhất trong mọi trái tim con người, là tình trạng hạnh phúc tối cao và viên mãn” (GLCG, số 1024).
Đức Giáo Hoàng còn quãng diễn rằng: Theo dòng văn chương Kinh thánh, thiên đàng là một lối nói ẩn dụ để chỉ về “nơi” Thiên Chúa ngự. Nhưng nơi ấy không được hiểu theo nghĩa không gian địa lý. Ngài lại trích dẫn Giáo lý của Giáo hội Công giáo: “Thiên đàng là cộng đoàn của tất cả những ai hoàn toàn được tháp nhập trong Đức Kitô, được hưởng nhờ Ơn Cứu Độ từ Đức Kitô” (GLCG, số 1026).
Như thế, thiên đàng không phải là một khái niệm trừu tượng nay một nơi chốn địa lý nào đó trên chín tầng mây, nhưng là một mối tương quan sống động và cá vị với chính Ba Ngôi Thiên Chúa.
Còn đây là bài nói chuyện ngày 28 tháng 7: John Paul II, General Audience, link[2]. Có thể tạm tóm lược điều ngài nói như sau:
Hỏa ngục là nơi dành cho những người chủ ý từ khước tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, tự tách mình ra khỏi sự kết hiệp hạnh phúc với Ngài. Đây là điều mà Giáo hội gọi là “sự kết án đời đời”, là Hoả Ngục. Đức Cố Giáo Hoàng lại trích dẫn Giáo Lý của Giáo hội Công giáo: “Chết trong tình trạng còn mang tội trọng, lại từ chối hoán cải và từ chối chấp nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng nghĩa với việc tự do chọn xa cách Thiên Chúa mãi mãi. Tình trạng tự mình loại mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa như thế được gọi là hỏa ngục” (CLCG, số 1033). Như thế, hỏa ngục không phải là một hình phạt do Thiên Chúa áp đặt trên con người, nhưng là hậu quả tất yếu của lựa chọn tự do của con người khi phạm tội và tự cách ly mình khỏi Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi niềm vui và hạnh phúc.
Như vậy, hỏa ngục không phải là một nơi nào đó dưới lòng đất, nhưng là tình trạng của những người chọn lựa từ chối tình yêu và lòng thương xót của Chúa, thậm chí trong chính giây phút cuối cùng của đời mình.
Điều Đức Cố Giáo Hoàng nói có đi ngược với GLCG?
Bạn thấy đấy, trong cải hai bài nói chuyện, để quãng diễn về hình ảnh thiên đàng và Hoả Ngục, Đức Cố Giáo Hoàng đều dựa trên nền tảng Kinh thánh và những suy tư thần học. Đặc biệt, ngài minh nhiên trích dẫn GLCG. Vậy, nếu dựa vào chính điều Đức Cố Giáo Hoàng đã nói, liệu bạn có thể kết luận rằng ngài đi ngược với GLCG không?
Thiên đàng không ở trên chín tầng mây, theo nghĩa như là một nơi chốn địa lý cụ thể nào đó cách xa khỏi trần gian này. Ấy là một tuyên bố đúng đắn. Não trạng bình dân hay nghĩ về thiên đàng như một nơi chốn trên trời cao. Nhưng đó là lối nói ẩn dụ, chứ không thể hiểu theo nghĩa đen được. Có bao giờ bạn nghe nói về những thiên đàng tại thế không? Ấy là những thời khắc mà người ta được sống trong tâm trạng bình an, hoan lạc, hạnh phúc, chẳng hạn như khi người ta cảm nghiệm được sự kết hợp ngọt ngào với Thiên Chúa trong cử hành Thánh Lễ, được kết hợp với Chúa qua Bí tích Thánh Thể, cảm nghiệm được sự an ủi thiêng liêng của Ngài, cảm nghiệm được sự hiện diện gần gũi và thân mật của Ngài. Đó có thể chỉ là những giây phút ngắn ngủi. Nhưng trong những giây phút ấy, có thể nói rằng con người được cảm nếm thiên đàng tại thế rồi.
Cũng vậy, hỏa ngục dưới lòng đất cũng chỉ là một lối nói ẩn dụ dân gian. Sự phát triển của khoa học ngày nay cho thấy trong lòng đất làm gì có một nơi chốn gọi là Hoả Ngục. Thật ra, đâu cần phải xuống tận sâu lòng đất với những lò lửa cháy hừng hực thì mới gọi là hoả ngục. Trong cuộc sống thường ngày, đâu hiếm những trường hợp cuộc sống của người ta trở thành Hoả Ngục. Chẳng phải bạn vẫn từng nghe “cuộc sống như địa ngục” đấy sao? Đó không phải là một nơi chốn cụ thể, nhưng là một tình trạng, một cảnh huống bi thảm và đau khổ.
Cuối cùng, cần thấy rằng điều Đức Cố Giáo Hoàng nói hoàn toàn không có gì trái ngược với điều được gọi là “bí mật thứ nhất của Fatima”, như được kể lại trong nhật ký của nữ tu Lucia dos Santos. Để hiểu thấu đáo hơn về bí mật Fatima, có lẽ bạn nên đọc lại văn kiện chính thức của Giáo hội, với sự trích dẫn nguyên văn và bút tích của sơ Lucia dos Santos. Bạn có thể tìm đọc ở đây: The Message Of Fatima[3].
Theo đó, điều được gọi là “bí mật” thật ra là một thị kiến về Hoả Ngục. Sơ Lucia dos Santos đã viết lại trong nhật ký của mình kinh nghiệm về hỏa ngục bằng ngôn ngữ của thị kiến. Chúng ta biết rằng, những người có thị kiến là những người được cho thấy về những điều vốn vượt quá sức hiểu biết và khả năng diễn đạt của con người. Bởi thế, để diễn tả về thị kiến, những hình ảnh ẩn dụ dân gian thường được sử dụng. Sơ Lucia đã mô tả hình ảnh kinh sợ của hỏa ngục như là một biển lửa có vẻ như ở dưới lòng đất. Đây hoàn toàn không phải là một Mạc Khải về đức tin nhằm khẳng định rằng hỏa ngục là một nơi ở dưới lòng đất. Hình ảnh “biển lửa”, “có vẻ như ở dưới lòng đất”, “tiếng than khóc rên la”… là những hình ảnh ẩn dụ mà con người có thể hiểu được, để nói về những đau khổ khốn cùng không cách nào diễn đạt trọn vẹn của Hoả Ngục, tình trạng của những người tội nhân bị vĩnh viễn kết án xa rời Thiên Chúa. Hơn nữa, sứ điệp chính của thị kiến này cũng không chỉ dừng lại ở việc mô tả hỏa ngục mà là lời kêu gọi việc sùng kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, như là một sứ mạng cầu nguyện được gởi đến cho mọi người, nhằm xin ơn cứu rỗi cho những linh hồn đang khổ đau vì tình trạng bị lìa xa Thiên Chúa.
Thay lời kết
Trước khi kết thúc, chúng ta thử phân tích thêm một chút về cách đặt câu hỏi của bạn nhé.
Bạn khởi đầu câu hỏi của mình bằng cụm từ “con nghe người ta nói”. Đây là cách đặt câu hỏi thường thấy trong giới trẻ ngày nay. Chúng ta thường bắt đầu câu hỏi của mình bằng những thông tin “nghe người ta nói”. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông mở ra cho chúng ta một thế giới bao la. Thật tốt khi chúng ta chịu khó đọc, chịu khó lượm lặt thông tin về Giáo hội và về đức tin, chịu khó “nghe người ta nói”…
Nhưng bạn biết không, cái biết từ việc nghe người ta nói là một cái biết rất đại khái. Trong cuộc sống thường ngày, có nhiều điều chúng ta “nghe người ta nói”, nhưng đâu phải điều gì người ta nói cũng đều đúng, phải không? Một người cẩn trọng là người phải tìm cách kiểm chứng rõ ràng điều mình “nghe người ta nói”, trước khi đặt niềm tin vào đó và dựa vào đó để suy diễn thêm. Trong câu hỏi của mình, bạn đã không thật sự dựa vào điều Đức Giáo Hoàng nói, chỉ dựa vào điều “người ta nói” rằng Đức Cố Giáo Hoàng đã nói. Giả như “người ta” ở đây là những người có ác ý, muốn công kích Đức Cố Giáo Hoàng, thì sao nhỉ? Nếu người ta nói theo hướng cắt xén và lèo lái lời của ngài để tấn công ngài, thì sao nhỉ? Liệu có phải cái phản ứng của bạn cũng đang bị người ta lèo lái và định hướng không?
Như thế, cái lạ của bạn nằm ở chỗ này: khởi đi từ một điều “nghe người ta nói” chưa được kiểm chứng rõ ràng, bạn lại có xu hướng đi đến một kết luận đầy tính nghi nan: liệu Đức Cố Giáo Hoàng có đi ngược lại với Giáo lý Công giáo không? Nếu là một người được sinh ra trong lòng Giáo hội Công giáo, tại sao bạn lại chọn nghe và tin điều “người ta” xa lạ nào đó nói về điều Đức Giáo Hoàng đã nói, và phản ứng theo hướng đặt nghi nan về phía Đức Giáo Hoàng, là “người nhà” của mình? Đây là một điều dở, phải không? Nếu thật sự là một người tín hữu, mang trái tim của một người con trong Giáo hội, bạn vẫn có thể chọn đứng về phía Đức Giáo Hoàng để chất vấn ngược lại điều “người ta nói” mà, đúng không?
Chúc bạn tiếp tục phát huy nét đẹp của việc thích tìm tòi và học hỏi, nhằm đào sâu hiểu biết về Giáo hội và đức tin của mình. Đồng thời, chúc bạn luôn mang một trái tim tin tưởng và bình an của một người con trong Giáo hội.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét