Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Niềm đam mê rao giảng Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. Nhân Chứng: Thánh Mary MacKillop
Vũ Văn An
Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 28 tháng 6 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới chứng tá của Thánh Mary McKillop, vị thánh đầu tiên và hiện duy nhất của Úc. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Hôm nay chúng ta phải kiên nhẫn một chút, với sức nóng này – và cảm ơn anh chị em đã đến, với sức nóng này, với mặt trời này: cảm ơn anh chị em rất nhiều vì đã ghé thăm.
Trong loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ này – chúng ta đang nói về điều này – chúng ta bắt gặp một số gương mẫu của những người nam nữ ở mọi thời và mọi nơi, những người đã hiến mạng sống mình cho Tin Mừng. Hôm nay chúng ta sẽ đến Châu Đại Dương – rất xa phải không? - một lục địa được tạo thành từ nhiều hòn đảo lớn nhỏ. Đức tin vào Chúa Kitô, mà rất nhiều người di cư châu Âu đã mang đến những vùng đất này, đã sớm bén rễ và sinh nhiều hoa trái (x. Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Ecclesia in Oceania[Giáo hội tại Châu Đại Dương], 6). Trong số đó có một nữ tu phi thường, Mary MacKillop (1842-1909), người sáng lập Dòng Nữ tu Thánh Giuse Thánh Tâm, người đã cống hiến cuộc đời mình cho việc đào tạo trí thức và tôn giáo cho người nghèo ở vùng nông thôn Úc.
Mary MacKillop sinh ra gần Melbourne với cha mẹ di cư đến Úc từ Scotland. Khi còn là một thiếu nữ, ngài cảm thấy được Thiên Chúa kêu gọi để phục vụ Người và làm chứng cho Người không chỉ bằng lời nói, nhưng trên hết bằng một cuộc sống được biến đổi bởi sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Evangelii gaudium[Niềm vui Tin Mừng], 259). Giống như Maria Mađalêna, người đầu tiên gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh và được Người sai đi loan báo Tin Mừng cho các môn đệ, Mary xác tín rằng mình cũng được sai đi để loan báo Tin Mừng và thu hút người khác đến gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.
Khi khôn ngoan đọc các dấu hiệu của thời đại, ngài hiểu rằng đối với ngài, cách tốt nhất để làm điều đó là thông qua việc giáo dục giới trẻ, với sự hiểu biết rằng giáo dục Công Giáo là một hình thức truyền giáo. Đó là một hình thức truyền giáo tuyệt vời. Theo cách này, nếu chúng ta có thể nói rằng “Mỗi vị thánh là một sứ mệnh, được Chúa Cha hoạch định để phản ảnh và hiện thân, vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử, một khía cạnh nào đó của Tin Mừng” (Tông huấn Gaudete et Exsultate[Hân hoan Nhẩy mừng], 19) thì Mary McKillop đặc biệt như vậy thông qua việc thành lập các trường học.
Một đặc điểm thiết yếu trong lòng nhiệt thành của ngài đối với Tin Mừng là quan tâm đến người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Và điều này rất quan trọng: trên con đường nên thánh, tức là con đường Kitô giáo, người nghèo và bị gạt ra bên lề là những nhân vật chính, và một người không thể tiến tới sự thánh thiện nếu người ấy cũng không tận hiến cho họ, bằng cách này hay cách khác. Nhưng họ là sự hiện diện của Chúa, những người đang cần sự giúp đỡ của Chúa. Có lần tôi đọc được một cụm từ khiến tôi kinh ngạc; nó nói: “Nhân vật chính của Lịch sử là người ăn xin. Họ là những người thu hút sự chú ý đến sự bất công lớn này, đó là sự nghèo đói lớn trên thế giới”. Tiền được dùng để sản xuất vũ khí, không cung cấp bữa ăn. Và đừng quên: không có sự thánh thiện nếu bằng cách này hay cách khác không quan tâm đến người nghèo, người túng thiếu, những người phần nào ở bên lề xã hội. Sự quan tâm dành cho người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội này đã thúc đẩy Mary đi đến những nơi mà những người khác không muốn hoặc không thể đến. Vào ngày 19 tháng 3 năm 1866, lễ Thánh Giuse, bà mở trường học đầu tiên ở một vùng ngoại ô nhỏ của Nam Úc. Tiếp theo là nhiều trường khác được ngài và các nữ tu của ngài thành lập tại các cộng đồng nông thôn trên khắp nước Úc và Tân Tây Lan. Nhưng chúng được nhân thừa lên, lòng nhiệt thành tông đồ là như thế: nó nhân thừa công việc.
Mary MacKillop tin chắc rằng mục đích của giáo dục là sự phát triển toàn diện con người với tư cách là một cá nhân và là một thành viên của cộng đồng; và điều này đòi hỏi sự khôn ngoan, kiên nhẫn và bác ái từ phía mỗi giáo viên.
Thật vậy, giáo dục không bao gồm việc lấp đầy đầu bằng những ý tưởng: không, không chỉ có thế, nhưng: giáo dục cấu thành cái gì? Đồng hành và khích lệ các em trên con đường trưởng thành nhân bản và thiêng liêng, cho các em thấy tình bạn với Chúa Giêsu Phục Sinh mở rộng tâm hồn và làm cho cuộc sống nhân bản hơn ra sao. Giáo dục và giúp đỡ suy nghĩ tốt, cảm nhận tốt (ngôn ngữ của trái tim) và làm điều tốt (ngôn ngữ của đôi tay). Viễn kiến này hoàn toàn phù hợp với ngày nay, khi chúng ta cảm thấy cần có một “hiệp ước giáo dục” có khả năng đoàn kết gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Lòng nhiệt thành rao truyền Tin Mừng cho người nghèo của Mary MacKillop cũng khiến ngài đảm nhận một số công việc từ thiện khác, bắt đầu với “Ngôi nhà Quan phòng” được mở ở Adelaide để tiếp nhận người già và trẻ em bị bỏ rơi. Mary rất tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa: ngài luôn tin tưởng rằng trong mọi tình huống, Thiên Chúa đều chu cấp. Nhưng điều này không ngăn cản ngài khỏi những lo lắng và khó khăn phát sinh trong công việc tông đồ của mình, và Mary có lý do chính đáng cho việc này: ngài phải trả các hóa đơn, thương lượng với các giám mục và linh mục địa phương, quản lý trường học và chăm sóc sự đào tạo nghề nghiệp và tinh thần của các nữ tu của ngài; và sau đó, ngài gặp vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, qua tất cả, ngài vẫn bình thản, kiên nhẫn vác thập giá vốn là thành phần cấu tạo ra sứ mệnh.
Vào một dịp kia, tức lễ Suy tôn Thánh Giá, Mary đã nói với một nữ tu của mình: “Hỡi con gái, trong nhiều năm mẹ đã học biết yêu mến Thánh Giá”. Trong nhiều năm, mẹ đã học biết yêu mến Thánh Giá. Ngài đã không bỏ cuộc trong những lúc thử thách và tăm tối, khi niềm vui của ngài bị dập tắt bởi sự chống đối hoặc khước từ. Anh chị em hãy nhìn điều này: tất cả các thánh đều gặp phải sự chống đối, ngay cả trong Giáo hội. Điều này khá kỳ lạ. Và ngài cũng phải đối đầu với nó. Ngài vẫn tin chắc rằng ngay cả khi Chúa ban cho bà “bánh của nghịch cảnh và nước của hoạn nạn” (Is 30:20), thì chính Chúa sẽ sớm đáp lại tiếng kêu cầu của ngài và bao phủ ngài bằng ân sủng của Người. Đây là bí mật của lòng nhiệt thành tông đồ: mối quan hệ liên tục với Chúa.
Anh chị em thân mến, chớ gì tư cách môn đệ truyền giáo của Thánh Mary MacKillop, sự đáp ứng sáng tạo của ngài đối với những nhu cầu của Giáo hội vào thời của ngài, và sự dấn thân của ngài vào việc đào tạo toàn diện giới trẻ, truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta ngày nay, những người được kêu gọi trở thành men Tin Mừng trong các xã hội đang thay đổi nhanh chóng của chúng ta. Xin cho gương sáng và lời chuyển cầu của ngài nâng đỡ công việc hàng ngày của cha mẹ, thầy cô, giáo lý viên và tất cả những nhà giáo dục, vì lợi ích của giới trẻ và vì một tương lai nhân bản và đầy hy vọng hơn. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét