CHÚA NHẬT XI MÙA THƯỜNG NIÊN
Xh 19,2-6a; Rm 5,6-11; Mt 9,36-10,8
GIÁO HỘI, CHỨNG NHÂN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật này, chúng ta có sự trình bày chính thức về Tông Đồ đoàn. Thánh Mátthêu viết:
“Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê…” (Mt 10,2).

Ở đây, có một sự xác nhận rõ ràng về vị trí ưu tiên của thánh Phêrô trong hàng ngũ các Tông Đồ. Quả thật, bản văn không nói: “Trước hết là Phêrô, thứ đến là Anrê, thứ ba là Giacôbê.” Đây không phải là vấn đề sắp xếp thứ tự theo chuỗi những con số. Nhưng đây, Phêrô được nói đến như là người đầu tiên theo một ý nghĩa mạnh mẽ, như là người lãnh đạo của những người khác, là người phát ngôn của họ, người đại diện cho họ. Chúa Giêsu sẽ chỉ rõ sau này cũng trong Tin Mừng Mátthêu, ý nghĩa về “người đứng đầu” khi Người nói:

“Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi (Mt 16,18).

Hôm nay, chúng ta không tìm hiểu về vai trò đứng đầu của Phêrô, nhưng sẽ tìm hiểu lý do tại sao Chúa Giêsu đã chọn nhóm 12 và sai họ ra đi. Thánh Mátthêu mô tả như thế này:

“Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36).

Chúa Giêsu thấy đám đông, Người động lòng thương họ. Đây là điều đã thúc đẩy Người quyết định chọn 12 Tông Đồ và sai họ đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành mọi tật nguyền và giải phóng những ai bị giam cầm.

Ở đây, chúng ta có một số thông tin đáng chú ý. Chúng ta thấy rằng Giáo Hội không hiện hữu cho chính mình, chỉ loay hoay với những mục đích của bản thân, hay chỉ vì ơn cứu độ của mình; Giáo Hội hiện hữu cho người khác, cho thế giới, cho con người, nhất là cho những ai đau khổ và bị áp bức. Công Đồng Vaticanô II đã dành toàn bộ tài liệu ‘Gaudium et Spes’ để nói về sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Văn kiện bắt đầu với những lời nổi tiếng:
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà không gieo âm hưởng trong lòng họ.”(GS 1)

“Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36).

Những người mục tử hôm nay, từ Đức Giáo Hoàng đến các linh mục ở những làng quê cuối cùng của Giáo Hội phải là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu cho con người hôm nay. Các mục tử hôm nay là những chứng nhân tiếp tục chuyển tải lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người.

Theo ý nghĩa này, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người đã trải qua 13 năm trong nhà tù Cộng Sản Việt Nam, trong một bài suy niệm trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng và Curia Romana, đã nói:

“Tôi ước mơ về một Giáo Hội là một ‘Cửa Thánh’ luôn mở rộng, một Giáo Hội ôm lấy tất cả, tràn đầy lòng thương xót, một Giáo Hội thấu hiểu những niềm đau và nỗi khổ của nhân loại, một Giáo Hội bảo vệ, an ủi và hướng dẫn mọi quốc gia tới Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta.”

Noi gương Chúa Giêsu, Giáo Hội phải tiếp tục sứ mạng của mình trong thế giới. Chúa Giêsu đã có lần nói:
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Giáo Hội cũng noi gương Chúa Giêsu để mời gọi mọi người đến với mình với những lời đó. Quả đây là khuôn mặt nhân bản nhất của Giáo Hội, một Giáo Hội hòa giải các linh hồn và tha thứ cho họ hết mọi thiếu sót và khốn cùng của họ. Cha Piô Năm Dấu đã muốn gọi một bệnh viện mà ngài thành lập ở Giovanni Rotondo là “Ngôi Nhà giảm nhẹ nỗi đau,” một tên gọi rất đẹp và tên gọi này có thể áp dụng cho toàn thể Giáo Hội. Toàn thể Giáo Hội phải là một “bệnh viện giảm nhẹ nỗi đau.” Nếu chúng ta mở mắt to ra để quan sát công cuộc bác ái và từ thiện khổng lồ mà Giáo Hội thực hiện ở trên thế giới cho những ai nghèo khổ, chúng ta sẽ thấy Giáo Hội quả thật là một ngôi nhà giảm nhẹ đau khổ con người. Giáo Hội đã mở rất nhiều trường học, bệnh viện, trợ giúp người nghèo, thăng tiến con người và cứu giúp những người gặp cảnh khó khăn… Khi làm như thế, Giáo Hội đang tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu đối với những con người đang gặp cảnh lầm than vất vả.

Dẫu thế giới hôm nay đã thay đổi, đời sống con người được cải thiện hơn, nhưng xung quanh ta vẫn còn đó những con người mà xem ra bên ngoài có vẻ đầy đủ và hạnh phúc, nhưng bên trong tâm hồn họ có nhiều nỗi buồn phiền, sự cô đơn, lo lắng, và đôi lúc là tuyệt vọng; dưới những mái nhà cao ốc, có những người nghèo khố rách áo ôm; bên cạnh những người giàu, có nhiều người không đủ ăn đủ mặc, trong một xã hội có nhiều ông chủ, nhiều kẻ nắm quyền, nhưng có bao nhiêu người trong số họ dám sẵn sàng để sống giới răn của Chúa Giêsu là cho nhưng không những gì họ đã nhận nhưng không?

Chỉ có những ai có trái tim như Chúa Giêsu, một trái tim biết chạnh lòng thương, mới có thể dám từ bỏ tất cả để dấn thân cho lý tưởng phục vụ tha nhân. Đó cũng là lời mời gọi mà Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta theo đuổi, như Chúa đã mời gọi nhóm 12 Tông Đồ hôm nay. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/