Lectio: Chúa Nhật II Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 20 Tháng 1, 2013
Phép Lạ Đầu Tiên của Chúa Giêsu
“Hễ Người bảo gì thì phải làm theo!”
Ga 2:1-12
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Tin Mừng của ngày Chúa Nhật thứ hai mùa thường niên hôm nay đặt chúng ta trước bữa Tiệc Cưới tại Cana, trong xứGalilêa. Vào thời ấy, cũng như bây giờ, mọi người thích những dịp lễ lạc: tiệc cưới hoặc lễ Rửa Tội, tiệc sinh nhật, tiệc mừng thánh Quan Thầy hoặc Bổn Mạng của Giáo Hội, lễ tất niên, tiệc và tiệc… Có một số lễ vẫn còn khắc sâu trong trí nhớ của chúng ta, và với thời gian, luôn đạt được một ý nghĩa sâu sắc hơn. Các ngày lễ khác, chúng ta quên mất. Chúng ta không còn nhớ đến nữa bởi vì chúng đã làm mất đi ý nghĩa. Tiệc cưới tại Cana, như được mô tả trong Tin Mừng của thánh Gioan (Ga 2:1-12), vẫn còn sống động trong trí nhớ của những người Kitô hữu, và nó đã cho ra một vài ý nghĩa sâu sắc hơn.
Để hiểu được sự khám phá tiến triển này về tầm quan trọng của Tiệc Cưới tại Cana, chúng ta phải nhớ rằng Tin Mừng của Gioan thì khác với các sách Tin Mừng khác. Gioan mô tả các sự kiện của cuộc đời Đức Giêsu theo một cách mà độc giả khám phá thấy trong một khía cạnh sâu xa hơn, chỉ có đức tin mới có thể cảm nhận được. Đồng thời, Gioan giới thiệu bức ảnh chụp cùng với bức hình chụp bằng quang tuyến-X. Đây là lý do tại sao trong khi đọc bài đọc, thiết tưởng chúng ta nên chú ý kỹ đến các chi tiết của văn bản, đặc biệt là hai điều sau đây: (i) về thái độ và cách cư xử của những người trong câu chuyện và (ii) về những gì thiếu thốn và những gì có dư dật trong Tiệc Cưới tại Cana.
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Ga 2:1-2: Tiệc cưới. Đức Maria có mặt, Chúa Giêsu là một trong những khách mời.
Ga 2:3-5: Chúa Giêsu và Mẹ Người trước khi rượu hết.
Ga 2:6: Những cái chum không, được dùng cho việc tẩy rửa.
Ga 2:7-8: Sáng kiến của Chúa Giêsu và của các người giúp việc.
Ga 2:9-10: Việc khám phá ra phép lạ bởi người quản tiệc.
Ga 2:11-12: Lời bình luận của Thánh Sử.
c) Tin Mừng:
1 Vào ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. 2 Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. 3 Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". 4Chúa Giêsu nói với mẹ: "Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến". 5 Mẹ Người nói với những người giúp việc: "Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo".
6 Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước.7 Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy đổ nước đầy các chum". Họ đổ đầy tới miệng. 8 Và Chúa Giêsu bảo họ: "Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!" 9 Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang 10 mà nói: "Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này".11 Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
12 Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lạiở đó ít ngày thôi.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Điểm nào trong bài Tin Mừng này đã làm bạn hài lòng nhất và gây ấn tượng với bạn nhất? Tại sao?
b) Điều gì đã làm bạn cảm kích trong thái độ và trong cách cư xử của những người trong cuộc? Tại sao?
c) Những gì đã thiếu thốn và những gì đã có dư dật trong tiệc cưới? Chi tiết này có ý nghĩa như thế nào?
d) Chúa Giêsu đã làm gì và bằng cách nào Người đã làm điều ấy để ban cho rượu được dư thừa?
e) Chúa Giêsu bắt đầu việc công bố về Nước Trời trong Tiệc Cưới. Với cửchỉ này, Người muốn dạy cho chúng ta điều gì?
f) Ngày nay, bài Tin Mừng này cho chúng ta sứ điệp gì?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a) Bối cảnh để hiểu được bức ảnh chụp và hình tia-X:
Khi chúng ta nói “bức ảnh chụp”, chúng ta cho thấy các sự kiện trong đó, giống như khi chúng xuất hiện trước mắt chúng ta. Khi chúng ta nói “hình chụp bằng tia-X”, chúng ta muốn nói đến một chiều hướng sâu xa hơn, vô hình đối với mắt chúng ta, được đính kèm trong các sự kiện mà chỉ có đức tin mới làm cho chúng ta cảm nhận được và mặc khải cho chúng ta.
Đó là cách thức mà Gioan mô tả các sự kiện ông chiếu quang tuyến-X vào những lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu. Qua các chi tiết nhỏ nhặt và điểm quy chiếu này, ông làm rõ ràng khía cạnh biểu hiệu và, trong việc này, ông giúp chúng ta đi sâu hơn vào mầu nhiệm về con người và sứ điệp của Đức Giêsu. Trong Tiệc Cưới tại Cana, xứ Galilêa, có sự biến đổi của nước dùng vào việc thanh tẩy của người Do Thái trở nên rượu cho Tiệc Cưới. Chúng ta hãy nhìn kỹ vào các chi tiết Gioan miêu tả về bữa tiệc, trong một cách mà chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa sâu sắc hơn về phân cảnh xinh đẹp và rất nổi tiếng này.
b) Lời bình luận về văn bản:
Ga 2:1-2: Tiệc cưới. Chúa Giêsu là khách mời.
Trong Cựu Ước, tiệc cưới là một biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa dành cho dân riêng của Người. Đó là những gì mọi người mong chờ trong tương lai (Hs 2:21-22; Is 62:4-5). Và chính tại bữa tiệc cưới, xung quanh gia đình và cộng đồng, Chúa Giêsu thực hiện “dấu chỉ đầu tiên” của Người (Ga 2:11). Mẹ Chúa Giêsu cũng có mặt tại bữa tiệc cưới. Chúa Giêsu và các môn đệ là khách mời. Mẹ Chúa Giêsu cũng dự phần vào tiệc cưới. Điều này tượng trưng cho Cựu Ước. Cùng với các môn đệ, Chúa là TânƯớc đang đến: Thân Mẫu Chúa Giêsu sẽ giúp để đi từ Cựu Ước sang Tân Ước.
Ga 2:3-5: Chúa Giêsu và Mẹ Người trước việc tiệc bị thiếu rượu
Ngay giữa bữa tiệc, xảy ra việc hết rượu. Mẹ Chúa Giêsu nhận ra những giới hạn của Cựu Ước và đưa ra sáng kiến, để cho Tân Ước có thể được biểu thị. Bà đến gần Chúa và nói với Người: “Họ hết rượu rồi!” Ở đây chúng ta có bức ảnh và hình chụp bằng tia-X. Bức ảnh cho thấy Mẹ Chúa Giêsu giống như một người quan tâm đến vấn nạn của người khác và nhận biết rằng việc thiếu rượu sẽ làm hỏng bữa tiệc. Bà không những chỉ nhận thấy được vấn đề, mà còn có sáng kiến hiệu quả để giải quyết nó. Tấm phim chụp bằngtia-X cho thấy khía cạnh sâu xa nhất của sự liên hệ giữa Cựu Ước (Mẹ Chúa Giêsu) và Tân Ước (Chúa Giêsu). Câu nói: “Họ hết rượu rồi!” phát xuất từ Cựu Ước, và làm thức tỉnh trong Chúa Giêsu động tác đưa ra ánh sáng cho Tân Ước. Chúa Giêsu nói “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu?” Đó là, sự liên kết giữa Cựu và Tân Ước là gì? “Giờ Con chưa đến!” Đức Maria đã không hiểu câu trả lời này theo nghĩa tiêu cực, như là một lời chối từ, bởi vì bà nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo!” Chính trong việc làm đó Chúa Giêsu dạy rằng người ta đi từ Cựu Ước sang Tân Ước! Giờ của Chúa Giêsu, trong đó việc chuyển đổi từ Cựu Ước sang Tân Ước sẽ xảy ra, là cuộc Thương Khó, sự TửNạn và Phục Sinh của Người. Việc nước hóa thành rượu là dấu hiệu dự đoán những gì mới mẻ sẽ đến từ sự Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Vào cuối thế kỷ thứ nhất, những Kitô hữu tiên khởi đã thảo luận về việc sự hợp lệ của Cựu Ước. Có người không còn muốn biết bất cứ điều gì về Cựu Ước nữa. Trong buổi gặp gỡ của các thánh tông đồ tại Giêrusalem, thánh Giacôbê đã bênh vực việc tiếp tục xử dụng Cựu Ước (Cv 15:13-21). Trong thực tế, vào đầu thế kỷ thứ hai, nhóm lạc giáo Marcione đã khước từ CựuƯớc và chỉ tin vào những sách Tân Ước. Một số người thậm chí còn khẳng định rằng sau khi Chúa Thánh Thần xuất hiện, ông Giêsu thành Nagiarét không nên được nhớ đến nữa, chúng ta chỉ nên nói về Chúa Kitô Phục Sinh mà thôi. Nhân danh Chúa Thánh Thần, họ nói: “Giêsu đáng nguyền rủa!” (1Cr 12:3).
Ga 2:6: Những chum nước dành cho việc thanh tẩy đã trống không
Đó là câu hỏi về một chi tiết nhỏ, rất quan trọng. Những chum nước thông thường là đầy nước, đặc biệt là trong một bữa tiệc. Ở đây chúng lại trống không! Tại sao vậy? Việc tuân giữ quy luật thanh tẩy, được điển hình bằng sáu chum nước, đã ráo cạn hết các khả năng của chúng. Lề luật cũ đã thành công trong việc chuẩn bị để cho người ta có thể có sự kết hợp của ân sủng và biện hộ trước Thiên Chúa. Những chum nước, Giao Ước cũ, đã cạn khô! Chúng không còn khả năng để tạo ra đời sống mới.
Ga 2: 7-8: Chúa Giêsu và những người giúp việc
Lời khuyên của Thân Mẫu Chúa Giêsu cho các người giúp việc là mệnh lệnh cuối cùng của Cựu Ước: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo!” Cựu Ước hướng về Chúa Giêsu. Từ giờ trở đi, những lời nói, cử chỉ và hành động của Chúa Giêsu sẽ là những điều chỉ hướng cho đời sống chúng ta. Chúa Giêsu cho gọi những người giúp việc và bảo họ đổ đầy nước vào sáu cái chum trống không. Tổng cộng, hơn sáu trăm lít! Ngay lập tức Người ra lệnh cho họ múc nước từ chum và đem đến cho người quản tiệc. Việc khởi xướng của Chúa Giêsu diễn ra không có sự can thiệp của người quản tiệc. Không phải Chúa Giêsu, cũng chẳng phải Đức Maria Mẹ Người, cũng không phải những người giúp việc hiển nhiên là những thân chủ. Không ai trong bọn họ đã đến xin phép người quản tiệc hoặc chú rể. Sự đổi mới trao qua cho những người không thuộc trung tâm quyền lực.
Ga 2: 9-10: Việc khám phá dấu chỉ của người quản tiệc
Người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu và nói với tân lang: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này!” Người quản tiệc, Cựu Ước, công nhận cách công khai rằng Tân Ước thì tốt hơn! Điều mà trước đó là nước dành cho nghi thức thanh tẩy của người Do Thái, giờ đây lại có dư giảrượu cho bữa tiệc. Có rất nhiều rượu! Hơn sáu trăm lít, và bữa tiệc thì sắp tàn! Đâu là ý nghĩa của sự dư giả này? Sẽ phải làm sao đây với những rượu dư thừa đó? Chúng ta đang uống rượu ấy cho đến bây giờ!
Ga 2:11-12: Lời bình luận của Thánh Sử
Đây là dấu chỉ đầu tiên. Trong sách Tin Mừng thứ tư, dấu chỉ đầu tiên diễn ra để giúp đỡ trong việc xây dựng gia đình, cộng đoàn, để hàn gắn các mối quan hệ giữa con người. Sáu dấu chỉ khác sẽ nối tiếp. Gioan không dùng chữ phép lạ, mà dùng chữ dấu chỉ. Chữ dấu chỉ cho thấy rằng các hành động của Chúa Giêsu thay mặt cho người ta mang một giá trị sâu xa hơn, mà chỉ có thể khám phá ra được với hình tia-X của đức tin. Cộng đoàn nhỏ đã được hình thành chung quanh Chúa Giêsu trong tuần đó, nhìn thấy dấu chỉ, đã sẵn sàng để cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc hơn và “tin tưởng vào Người”.
c) Phần phụ chú:
§ Một Đám Cưới nhiều chờ đợi hy vọng
Trong sách Tin Mừng Gioan, sự bắt đầu cuộc sống công khai của Chúa Giêsu xảy ra trong một tiệc cưới, giây phút của sự vui mừng lớn lao và hy vọng tràn trề. Cũng vì lý do này, tiệc cưới tại Cana có một ý nghĩa tượng trưng rất mạnh mẽ. Trong Kinh Thánh, hôn nhân là hình ảnh được dùng để biểu thị việc thực hiện sự kết hợp hoàn hảo giữa Thiên Chúa và dân của Người. Cuộc hôn nhân này giữa Thiên Chúa và dân của Người đã được mong đợi trong thời gian lâu dài, trong hơn tám trăm năm!
Chính tiên tri Hôsê (khoảng năm 750 trước Công Nguyên), lần đầu tiên, ông đã đại diện cho niềm hy vọng của cuộc hôn nhân này khi ông thuật lại dụ ngôn về sự không chung thủy của người ta trước lời hôn ước của Đức Gia-Vê . Chế độ quân chủ ở Israel đã từ bỏ Đức Gia-Vê và lòng thương xót của Ngài, dẫn đưa dân Israel hướng đến tà thần. Nhưng ngôn sứ, chắc chắn về tình yêu của Thiên Chúa, nói rằng người ta sẽ được hướng dẫn lần nữa trong sa mạc để nghe lời hứa sau đây từ Thiên Chúa: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa!” (Hs 2:21-22). Cuộc hôn nhân này giữa Thiên Chúa và dân của Người chỉ ra rằng lý tưởng của việc xuất hành sẽ đạt được (Hs 2:4-25). Khoảng một trăm năm mươi năm sau đó, tiên tri Giêrêmia dùng những lời của tiên tri Hôsê để tố cáo chế độ quân chủcủa bộ tộc Giuđa. Và ông nói rằng dân Giuđa sẽ có cùng chung sống phân như dân Israel vì lòng bất trung của họ (Gr 2:2-5; 3:11-13). Nhưng tiên tri Giêrêmia cũng hướng tới niềm hy vọng cho một cuộc hôn nhân hoàn hảo với sự mới mẻ sau đây: đó là người phụ nữ sẽ quyến luyến người chồng (Gr 31:22). Và mặc dù cuộc khủng hoảng tạo nên bởi cuộc lưu đày ở Babylon, người ta không mất hy vọng rằng có một ngày cuộc hôn nhân này sẽ diễn ra. Đấng Gia-Vê sẽ chạnh lòng thương xót với người vợ bị ruồng bỏ của mình (Is 54:1-8). Với sự trở lại của người lưu vong, “người vợ bị ruồng rẫy” một lần nữa sẽ là người vợđược chấp nhận với sự vui mừng lớn lao (Is 62:4-5).
Cuối cùng, nhìn vào việc Mới lạ đang xảy ra, Gioan Tiền Hô hướng về Chúa Giêsu, chàng rể đang được chờ đợi (Ga 3:29). Trong lời giáo huấn của Chúa và trong các cuộc trò chuyện với mọi người, Đức Giêsu nói lại dụ ngôn của tiên tri Hôsê,ước mơ về cuộc hôn nhân hoàn hảo. Người tự giới thiệu mình là chàng rể đang được mong đợi (Mk 2:19). Trong cuộc nói chuyện với người phụ nữ Samaritanô, Chúa kín đáo tự giới thiệu mình là chàng rể thật sự, là người chồng thứ bảy (Ga 4:16-17). Các cộng đoàn Kitô hữu sẽ chấp nhận Đức Giêsu như là chàng rể đang được mong đợi (2Cr 11:2; Êp 5:25-31). Tiệc cưới tại Cana muốn cho thấy rằng Đức Giêsu là chàng rể đích thực đến với đám cưới đang được chờ đợi, mang lại rượu ngon và dồi dào. Cuộc hôn nhân cuối cùng này được mô tả với những hình ảnh đẹp đẽ trong sách Khải Huyền (Kh 19:7-8; 21:1a; 22:5).
§ Thân mẫu của Chúa Giêsu trong sách Tin Mừng của Gioan
Mặc dù bà không bao giờ được nhắc đến với tên là Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu xuất hiện hai lần trong sách Tin Mừng của Gioan: vào lúc bắt đầu tiệc cưới tại Cana (Ga 2:1-5), và vào lúc kết thúc, dưới chân cây Thập Giá (Ga 19:25-27). Trong cả hai trường hợp, bà đại diện cho Cựu Ước đang chờ đợi Tân Ước đến, và trong cả hai trường hợp, bà góp phần vào sự xuất hiện của Tân Ước. Đức Maria là sự nối kết hiệp nhất giữa những gì xảy ra trước đây trong quá khứ và những gì sẽ đến sau đó. Tại Cana, Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, tượng trưng cho Cựu Ước, là người nhận thức được những hạn chế của Cựu Ước và bước tới những bước cần thiết để đạt được Tân Ước. Tại chân Thập Tự Giá, bà đứng bên cạnh của “Người Môn Đệ Chúa Yêu”. Người Môn Đệ Chúa Yêu là cộng đoàn phát triển chung quanh Chúa Giêsu, ông là người con sinh ra từ Cựu Ước. Trước lời yêu cầu của Đức Giêsu, người con, Tân Ước, nhận Đức Maria, Cựu Ước, vào trong nhà mình. Cả hai phải cùng đồng hành với nhau. Thật ra, Tân Ước không thể hiểu được mà không có Cựu Ước. Tân Ước sẽ không có nền tảng, hoặc căn bản. Và Cựu Ước mà không có Tân Ước thì sẽ không đầy đủ: một cây không có hoa trái.
§ Bảy ngày của việc Tạo Dựng Mới
Văn bản bắt đầu bằng cách nói rằng: “Vào ngày thứ ba” (Ga 2:1). Trong chương trước, Gioan đã lặp đi lặp lại câu nói: “Vào ngày hôm sau” (Ga 1:29, 35, 43). Vì điều này, nó cho chúng ta lược đồ sau đây: Việc chứng tá của Gioan Tẩy Giả về Đức Giêsu (Ga 1:19-28) xảy ra vào ngày thứ nhất. “Ngày hôm sau” (Ga 1:29), là ngày thứ hai, là ngày Chúa Giêsu chịu Phép Rửa (Ga 1:29-34). Ngày thứ ba, việc mời gọi các môn đệ và ông Phêrô xảy ra (Ga 1:35-42). Vào ngày thứ tư, Chúa Giêsu gọi ông Philíphê và Philíphê gọi ông Nathanaen (Ga 1:43-51). Cuối cùng, “ba ngày sau đó” đó là ngày thứ bảy, nghĩa là, vào ngày Thứ Bảy, dấu chỉ đầu tiên xảy ra, tại tiệc cưới ở Cana (Ga 2:1). Trong suốt sách Tin Mừng, Đức Giêsu làm ra bảy dấu chỉ.
Gioan sử dụng đề cương của một tuần lễ để trình bày việc khởi đầu hoạt động của Chúa Giêsu. Cựu Ước dùng cùng một đềcương để trình bày sự sáng tạo vũ trụ. Trong sáu ngày đầu tiên, Thiên Chúa đã tạo dựng nên mọi thứ và đặt tên cho chúng. Vào ngày thứ bảy, Người nghỉ ngơi, và không làm việc nữa (Ga 1:1-2, 4). Trong cùng một cách, Chúa Giêsu trong những ngày đầu hoạt động của mình, Người thu nhận các môn đệ và thành lập cộng đoàn, nhân loại mới. Vào ngày thứ bảy, đó là ngày Thứ Bảy, Chúa Giêsu không nghỉ ngơi, mà làm dấu chỉ đầu tiên. Trong các chương kế tiếp, từ chương 2 cho đến hết chương 19, Người làm sáu dấu chỉ khác, luôn luôn vào ngày Thứ Bảy (Ga 5:16; 9:14). Cuối cùng, vào buổi sáng Phục Sinh, khi bà Maria Mađalêna ra thăm mộ, ngày đó được viết là: “ngày thứ nhất trong tuần” (Ga 20:1). Đó là ngày đầu tiên của sự sáng tạo mới, sau ngày ThứBảy dài lê thê trong đó Chúa Giêsu đã làm bảy dấu chỉ. Bị buộc tội là làm việc trong ngày Thứ Bảy, Đức Giêsu đáp lại: “Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5:17). Qua hoạt động của Chúa Giêsu từ Cana đến cây Thập Giá, Chúa Cha hoàn tất những gì còn thiếu sót trong việc tạo dựng cũ, trong một cách thức mà sự sáng tạo mới có thể nổi bật lên trong sự Phục Sinh của Đức Giêsu.
6. Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 148
Alleluia! Ca tụng CHÚA đi, tự cõi trời thăm thẳm,
ca tụng Người, trên chốn cao xanh.
Ca tụng Chúa đi, mọi sứ thần của Chúa,
ca tụng Người, hỡi toàn thể thiên binh!
Ca tụng Chúa đi, này vầng ô bóng nguyệt,
ca tụng Người, muôn tinh tú rạng soi.
Ca tụng Chúa đi, hỡi cửu trùng cao vút,
cả khối nước phía trên bầu trời.
Nào ca tụng thánh danh ĐỨC CHÚA,
vì Người ra lệnh, là hết thảy được tạo thành;
Người định nơi cho tất cả đến muôn đời muôn thuở,
ban truyền lề luật, luật đó chẳng hề qua.
Ca tụng CHÚA đi, từ mười phương đất,
này thủy quái dị hình, này tất cả vực sâu,
lửa hồng mưa đá, tuyết trắng mây mù,
ngọn cuồng phong, cấp thừa hành lời Chúa.
Núi với đồi trùng trùng điệp điệp,
cây ăn trái và đủ loại bá hương,
thú vật rừng hoang cùng là gia súc,
loài bò sát và mọi giống chim trời.
Bậc vua chúa cũng như hàng lê thứ,
khanh tướng công hầu, thủ lãnh trần gian,
ai là nam thanh, ai là nữ tú,
khắp mặt bô lão, khắp mặt nhi đồng!
Nào ca tụng thánh danh Đức Chúa,
vì thánh danh Người cao cả vô song,
và oai phong vượt quá đất trời.
Thế lực dân Người, Người đã nâng cao.
Đó là bài ca tụng của những ai hiếu trung với Chúa,
của con cháu nhà Israel, dân gần gũi với Người.
ca tụng Người, trên chốn cao xanh.
Ca tụng Chúa đi, mọi sứ thần của Chúa,
ca tụng Người, hỡi toàn thể thiên binh!
Ca tụng Chúa đi, này vầng ô bóng nguyệt,
ca tụng Người, muôn tinh tú rạng soi.
Ca tụng Chúa đi, hỡi cửu trùng cao vút,
cả khối nước phía trên bầu trời.
Nào ca tụng thánh danh ĐỨC CHÚA,
vì Người ra lệnh, là hết thảy được tạo thành;
Người định nơi cho tất cả đến muôn đời muôn thuở,
ban truyền lề luật, luật đó chẳng hề qua.
Ca tụng CHÚA đi, từ mười phương đất,
này thủy quái dị hình, này tất cả vực sâu,
lửa hồng mưa đá, tuyết trắng mây mù,
ngọn cuồng phong, cấp thừa hành lời Chúa.
Núi với đồi trùng trùng điệp điệp,
cây ăn trái và đủ loại bá hương,
thú vật rừng hoang cùng là gia súc,
loài bò sát và mọi giống chim trời.
Bậc vua chúa cũng như hàng lê thứ,
khanh tướng công hầu, thủ lãnh trần gian,
ai là nam thanh, ai là nữ tú,
khắp mặt bô lão, khắp mặt nhi đồng!
Nào ca tụng thánh danh Đức Chúa,
vì thánh danh Người cao cả vô song,
và oai phong vượt quá đất trời.
Thế lực dân Người, Người đã nâng cao.
Đó là bài ca tụng của những ai hiếu trung với Chúa,
của con cháu nhà Israel, dân gần gũi với Người.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét