Trang

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Hai lối giải thích Kinh Thánh không thích đáng (12)


Hai lối giải thích Kinh Thánh không thích đáng (12)



VRNs (02.01.2013) – Hà Nội – Có một người đàn ông kia được gọi là “nhà Kinh Thánh lỗi lạc” vì ông nói gì cũng dùng Kinh Thánh. Đức Giám Mục gởi một linh mục đến điều tra. Vị linh mục đến trước nhà nhìn qua cánh cửa hé mở thấy “nhà Kinh Thánh” đang ngồi nhậu nên đứng ngoài quan sát. Một lát sau, “nhà Kinh Thánh” ngà ngà lên tiếng gọi vợ: “Này bà, họ hết rượu rồi” (x. Ga 2,3). Bà vợ đáp: “Ngày nào cũng nhậu hết. Ông muốn mua thêm mấy lon bia nữa hả?” – “Một hòm bia” (x. Xh 25,10). Bà vợ trợn mắt: “Một hòm bia lận hả? Ngày mai lấy tiền đâu mua đồ ăn cho con chứ.” – “Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (x. Mt 6,34). Bà vợ cằn nhằn: – “Ông không lo, nhưng tôi lo. Tôi không đi.” – “Đi mau lên” (x. 1Sm 9,12). “Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” (x. Cv 26,14). Vị linh mục:!!!???
Câu truyện vui cho thấy phần nào thực tế con người có thể sử dụng các câu Kinh Thánh cho mục đích riêng của mình. Điều này không phải luôn luôn sai. Vấn đề ở chỗ là trước hết cần hiểu đúng ý nghĩa của câu Kinh Thánh đó. Làm sao ta có thể hiểu đúng một câu Kinh Thánh?
Cha Raymond E. Brown nhận xét: Khi tìm hiểu bản văn Kinh Thánh, chúng ta đương đầu với một thực tại dường như mâu thuẫn, đó là mạc khải của Chúa trong ngôn ngữ loài người. Kinh Thánh là lời Chúa được diễn tả trong ngôn ngữ loài người. Điều này tương tự như chính mầu nhiệm con người Chúa Giêsu Kitô: vừa thật sự là Chúa vừa thật sự là người. Vì vậy, như mầu nhiệm Chúa Kitô đã bị “tấn công” trong suốt ba thế kỷ đầu của Kitô giáo thì bản văn Kinh Thánh cũng luôn đối diện nguy cơ bị hiểu lầm và giải thích không đúng. Như các lạc giáo xưa đã không nhận ra sự kết hợp nhiệm lạ của mầu nhiệm Nhập Thể nên hoặc đề cao thiên tính Chúa Kitô mà hạ thấp nhân tính của Người, hoặc ngược lại, thì các lối giải thích Kinh Thánh không thích đáng xưa và nay cũng làm như thế đối với bản văn Kinh Thánh. Để giải quyết thách đố này, như Công Đồng Chalcedon (451) đã tuyên bố Chúa Giêsu Kitô vừa thật sự là Thiên Chúa vừa thật sự là người, hai bản tính dù khác biệt nhưng không tách biệt, thì Hiến Chế Dei Verbum và văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh (VGTKTTHT) đã dạy các nhà giải thích Kinh Thánh Công giáo phải trung thành với sự hòa quyện hợp nhất của hai khía cạnh trong Sách Thánh, Thiên Chúa và con người. Cả hai dù khác biệt nhưng không thể tách biệt.
Văn kiện VGTKTTHT kêu gọi các nhà giải thích Kinh Thánh Công giáo phải giữ sự cân bằng với cả hai yếu tố “lời” và “Chúa” của diễn từ “lời Chúa.” Nghĩa là họ cần sử dụng tất cả các phương pháp để giải thích Kinh Thánh. Chỉ có sự cân bằng đó mới thúc đẩy nhà giải thích Kinh Thánh sử dụng tất cả các phương pháp để bổ túc cho nhau, và nhờ đó khám phá tất cả sự thật của bản văn Kinh Thánh. Những lối giải thích nào không trung thành với sự hòa quyện hợp nhất mà chỉ nhấn mạnh một trong hai khía cạnh đều không thích đáng. Nhìn chung có hai hướng như sau:
Nhấn mạnh “lời” và coi nhẹ “Chúa”
Lối giải thích này không thích đáng vì tập trung nghiên cứu yếu tố “lời” của bản văn Kinh Thánh, nghĩa là coi Kinh Thánh như một tài liệu của quá khứ giống như tất cả tài liệu khác của con người, và coi nhẹ yếu tố thần linh (linh hứng), thậm chí, ở mức độ nào đó, nghịch lại đức Tin. ĐGH Gioan Phaolô II nói đôi khi đây là trường hợp của phương pháp phê bình lịch sử. Dù không thể thiếu cho ngành giải thích Kinh Thánh Công giáo vì có những đóng góp rất quan trọng để hiểu chính xác ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh, phương pháp phê bình lịch sử cũng có những giới hạn vì, cách này cách khác, không nhấn mạnh đủ khía cạnh thiêng liêng của bản văn Kinh Thánh, không đi dưới ánh sáng đức Tin đủ, không đem lại hoa trái cho đời sống thiêng liêng, không giúp cho người đọc hôm nay hiểu sứ điệp tôn giáo của bản văn Kinh Thánh, hậu quả là không giúp họ đi vào sự hiệp thông thiết thân với Thiên Chúa ngang qua bản văn Kinh Thánh.
Có lẽ hiện tượng này chỉ phổ biến ở các nước “nhiều chữ nghĩa” như Âu Mỹ, nghĩa là các nước có nền nghiên cứu Kinh Thánh cao. Một số học giả Kinh Thánh đã sa đà vào nghiên cứu khía cạnh lịch sử quá khứ của bản văn Kinh Thánh và có những tuyên bố “gây sốc” đối với những niềm tin đã được chấp nhận dễ dàng. Hậu quả là họ chỉ gây bối rối cho các tín hữu.  
Ở Việt Nam có lẽ chưa thấy hiện tượng này nhiều nhưng có hiện tượng ngược lại.
 Nhấn mạnh “Chúa” và coi nhẹ “lời”
Lối giải thích này không thích đáng vì quy hết mọi chuyện cho Chúa cách dễ dàng và xem nhẹ yếu tố con người của bản văn Kinh Thánh. Hậu quả là có nguy cơ hiểu sai ý của các bản văn Kinh Thánh. ĐGH Gioan Phaolô II nêu lối giải thích văn tự (fundamentalism) làm ví dụ.
Theo cha Brown, những người chủ trương lối giải thích văn tự là để giúp cho người đọc dễ hiểu Kinh Thánh. Phương pháp này hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen và coi những sự kiện trong Kinh Thánh là những sự kiện thật sự đã xảy ra trong lịch sử. Phương pháp này đơn giản. Tuy nhiên, trên đời này những giải pháp quá đơn giản thường không có tác dụng trong những vấn đề rắc rối, phức tạp. Cha Brown đưa ra một thí dụ điển hình. Sau khi đọc những sách dạy tu sửa nhà cửa, một người thử đi sửa ống nước, hoặc sửa đường dây điện, nhưng làm mãi không được và đâm ra bực mình. Rốt cuộc, họ phải gọi thợ chuyên môn đến. Khi giải thích cho người thợ về những gì họ đã làm, họ phàn nàn rằng lẽ ra nếu đúng như sách vở chỉ dạy thì họ phải thành công chứ tại sao lại thất bại. Người thợ sẽ trả lời: “Đúng như thế, nhưng trường hợp này phức tạp hơn vì nó có những yếu tố mà bạn không biết đến.” Cha Brown tự hỏi không hiểu tại sao chúng ta lại dễ dàng chấp nhận những phức tạp trong việc sửa ống nước, điện năng hoặc hàng ngàn thứ khác trên đời, nhưng lại khó chịu khi gặp sự phức tạp trong Kinh Thánh.
Để hiểu ý nghĩa bản văn Kinh Thánh cho đúng, các tín hữu cần học hỏi khía cạnh “lời” cách nghiêm túc, nghĩa là tìm hiểu những yếu tố liên quan đến con người tác giả, thời đại tác giả sống, thể văn,… Dường như có những tín hữu lười biếng nên chọn lối văn tự cho khỏe. Cha Brown nhận xét có những người Công giáo Hoa Kỳ hiểu Kinh Thánh theo lối văn tự một cách vô thức. Dường như những tín hữu này cũng có thể tìm thấy ở Việt Nam. Nhiều tín hữu Việt Nam cũng hiểu các trình thuật sáng thế và tận thế đã và sẽ xảy ra đúng như Kinh Thánh viết. Những ngày xôn xao mua nến rồi xin làm phép chờ tối ba ngày ba đêm vừa qua là một ví dụ. Nếu họ học hiểu các ý nghĩa sâu xa của các trình thuật Kinh Thánh đó thì đức Tin của họ sẽ tích cực hơn là chỉ lo đi mua nến hoặc gạo muối nước mắm. Những lời trách cứ xuất hiện trên mạng trong những ngày đó quy trách nhiệm cho người Công giáo gây ra sự xôn xao tận thế phần nào đúng.
Nếu học hỏi đúng khía cạnh “lời” của Kinh Thánh, các tín hữu cũng sẽ giải tỏa được những thắc mắc khác về các “sai lầm” hoặc “không chính xác” trong Kinh Thánh. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm ở các bài sau.
LM. JM. Mười Một, CSsR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét