Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Lời Chúa Mỗi Ngày Thứ Hai Tuần I TN, Năm lẻ




Suy Niệm:
Sám hối và tin vào Tin Mừng
Trong sưu tập về các thánh ẩn tu trong sa mạc, có kể giai thoại như sau: Có hai tội nhân quyết tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội. Nguyên một năm ròng rã, mỗi người giam mình trong một túp lều riêng, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện và đánh tội. Ngày ngày các tu sĩ của cộng đoàn nọ đem thức ăn đến tận căn lều riêng cho từng người. Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người: một người thì vui vẻ, khỏe mạnh; một người thì ốm o buồn phiền. Cả hai đến trình diện trước Bề Trên cộng đoàn để chờ xem họ có xứng đáng được gia nhập cộng đoàn hay không. Khi được hỏi suốt một năm qua, họ đã suy niệm về những gì.
Người ốm o buồn sầu cho biết:
- Trong năm qua, ngày ngày tôi nhớ lại những tội đã phạm, từng giây từng phút tôi nhớ đến những hình phạt sẽ gánh chịu, tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ.
Ðến lượt mình, người vui vẻ khỏe mạnh trả lời:
- Suốt một năm qua, từng giây từng phút, tôi hằng cảm tạ Chúa vì đã tha thứ cho tôi: tôi luôn nghĩ tới tình yêu của Ngài.
Các tu sĩ trong cộng đoàn rất cảm kích trước tâm tình của người vui tươi khỏe mạnh vì lòng sám hối của anh đã biến thành lời ca cảm tạ tri ân tình yêu Chúa.
Sám hối là khởi đầu của sự nên thánh. Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc phải là những tội nhân, nhưng tất cả đều phải bắt đầu với ý thức về tội lỗi và sự yếu hèn của mình. Càng ý thức về con người tội lỗi, bất toàn của mình, con người càng cảm nhận được tình yêu của Chúa. Ðó là cảm nhận của vua Ðavít, của thánh Phêrô, của thánh Augustinô và của tất cả các vị đại thánh trong lịch sử Giáo Hội.
Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài chính là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người Chúa Giêsu Kitô. Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là ngõ tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải qua cuộc sống và nhất là qua cái chết của Ngài, là một người Cha muốn được con cái yêu mến hơn là sợ hãi. Ðạo mà Chúa Giêsu thiết lập không phải là đạo của buồn phiền, của khổ đau, nhưng là đạo của Tin Mừng, của tình yêu, của hân hoan và hy vọng. Ðành rằng Thập giá là biểu tượng của Kitô giáo, nhưng người Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, khổ đau, buồn phiền; trái lại họ luôn được mời gọi để nhìn thấy ánh sáng, hy vọng, tin yêu và sự sống bên kia Thập giá.
Ước gì Lời Chúa hôm nay ban sức sống để chúng ta không bị đè bẹp dưới sức nặng của tội lỗi, của yếu hèn. Xin cho chúng ta luôn tiến bước trong hân hoan và tin tưởng, vì biết rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, không ngừng nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta.
(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần I TN, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Cùng nhau làm việc.

Người Việt Nam chúng ta rất thành công khi làm việc một mình; nhưng thất bại khi phải làm việc chung với người khác. Lý do: chúng ta sợ! Sợ vì mất quyền hành, sợ người khác hơn mình, sợ vì phải san sẻ lợi lộc cho người khác. Để có thể làm việc chung, chúng ta phải tin tưởng các cộng sự viên của mình trước khi họ chứng minh họ xứng đáng niềm tin của chúng ta. Chúng ta phải nhìn thấy những mối lợi do sự làm việc chung mang lại hơn là những gì chúng ta phải mất.

Hơn nữa, để làm việc chung có hiệu quả, trước khi trao công việc, chúng ta phải: (1) huấn luyện để các cộng sự viên biết và có khả năng làm những gì chúng ta trao cho họ; (2) trao việc là phải trao quyền hành; cộng sự viên là những người đại diện chúng ta để giải quyết vấn đề, chúng ta cần cho họ biết trước những giới hạn về quyền hành nếu có; và (3) phải giúp mọi phương tiện, để họ có thể thi hành sứ vụ được trao phó.

Các Bài đọc hôm nay cho thấy sự làm việc chung của Chúa Cha và Chúa Con. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa Cha làm việc chung với các tiên-tri, thiên-thần, và với Con của Ngài. Trong quá khứ, Người dùng miệng các tiên-tri mà loan báo cho mọi người những gì Ngài muốn. Khi thời gian viên mãn, Người đã dùng chính Người Con để mặc khải và dạy dỗ con người. Trong Phúc Âm, sau khi nhận lãnh sứ vụ từ Chúa Cha, Chúa Giêsu mời gọi 4 môn đệ đầu tiên để Ngài huấn luyện, trước khi sai họ đi để tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa làm việc chung với các tiên tri, với Con, và với các thiên thần.
1.1/ Thiên Chúa làm việc với các tiên tri: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ.” Thánh Thomas Aquinô đưa ra nguyên tắc nền tảng: Thiên Chúa làm mọi sự cho con người qua cách thức của con người. Vì nếu không theo cách thức đó, con người sẽ không thể hiểu được. Ví dụ, để con người hiểu được những gì Chúa muốn, Chúa dùng miệng các tiên tri để các ngài dùng tiếng nói của con người mà nói những gì Chúa muốn. Dĩ nhiên, trước đó Chúa phải cho các tiên tri biết Chúa muốn nói gì; có thể bằng thị kiến, có thể bằng tác động trên trí não, miệng lưỡi … Trong Cựu Ước, Thiên Chúa không làm việc trực tiếp với dân, nhưng qua các thiên-thần, các Tổ-phụ, các Thủ-lãnh, và các tiên-tri. Tác giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến hai đặc thù của sự làm việc qua các tiên-tri:
(1) Nhiều lần: Tiếng Hy-Lạp phải dịch đúng hơn “nhiều phần,” vì con người không đủ khả năng để lĩnh hội một lần tất cả, nên Thiên Chúa phải chia ra nhiều phần, mỗi tiên tri một phần; ví dụ: Amos, công bằng xã hội, Isaiah, sự thánh thiện của Thiên Chúa…
(2) Nhiều cách: Các tiên tri dùng các cách khác nhau để thông báo sứ điệp của Thiên Chúa: cách thông thường nhất là dùng miệng, nhưng cũng có người dùng hành động như đóng kịch như Jeremiah.
1.2/ Thiên Chúa làm việc với Người Con: “Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.”
(1) Trong tất cả mọi việc: tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc. Như Tin Mừng của Gioan, tác giả Thư Do-Thái tin Người Con làm việc tích cực với Chúa Cha trong ba công việc này. Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
(2) Sự cao trọng của Người Con: “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa.” Người là ánh sáng và là hình ảnh của Thiên Chúa đến độ như Ngài nói: “hễ ai thấy Con là cũng thấy Cha.”
Người Con không những cao trọng hơn các tiên-tri vì Ngài mặc khải cho con người mọi sự nơi Thiên Chúa, mà còn cao trọng hơn các thiên thần vì tất cả quyền năng, danh dự, và vinh quang của Thiên Chúa tập trung trong Ngài. “Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi vượt hơn họ bấy nhiêu.” Và “Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.” Điều đặc biệt là với Người Con, từ nay con người có thể liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, mà không cần qua các tiên tri hay thiên sứ như thuở xưa nữa.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên.
2.1/ Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá: Trình thuật hôm nay bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu sau 30 năm ẩn mình tại Nazareth. Sứ điệp của Chúa Giêsu cho mọi người: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Hai điều quan trọng Chúa muốn nhấn mạnh đến:
(1) Thời giờ đã điểm, triều đại của Thiên Chúa đã đến: Giống như Thư Do-Thái, Marcô nhấn mạnh đến sự xuất hiện quan trọng của Chúa Giêsu: vẫn có sự liên tục trong Kế Họach Cứu Độ, nhưng được Chúa Giêsu mang đến chỗ tòan hảo.
(2) Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Đây là điều kiện để con người được hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.
Nhưng để kiếm người cộng tác loan truyền sứ điệp, Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Ngài không xa lạ gì với Hồ Galilee và dân chài lưới, có thể Ngài đã từng dạo chơi chung quanh, và đã nói chuyện với họ; nhưng hôm nay, Ngài mời gọi họ bỏ mọi sự để cất bước theo Ngài. Nghề đánh cá là nghề khó nhọc và đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn: phải thả lưới bắt cá khi nào cá đi tìm mồi, chứ không phải muốn thả lúc nào thì thả. Thời giờ bắt cá thường là đêm tối cho đến lúc tảng sáng, đó là giờ ngủ của con người. Chúa Giêsu chỉ hứa hẹn với các ông một điều: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Nói cách khác, Ngài sẽ huấn luyện các ông để cứu vớt linh hồn của người ta. Ngài muốn cho các ông nhận ra ý nghĩa của cuộc đời bằng chính việc các ông đang làm: Đánh cá để kiếm của ăn sinh sống không quan trọng cho bằng việc đánh cá để cứu linh hồn các con người đang cần đến các ông.
2.2/ Thái độ của các môn đệ khi được Chúa Giêsu gọi:
(1) Simon và Anrê: Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Thái độ của hai ông đáp trả rất can đảm và dứt khóat. Can đảm vì phải bỏ nghề nghiệp sinh sống, các ông không chút thắc mắc “giải nghệ rồi làm gì ăn?” Dứt khóat vì quyết định rất nhanh chóng, không tiếc nuối chút nào cả.
(2) Giacôbê và Gioan: Các ông bỏ cha mình là ông Zebedee ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người. Hai ông không những bỏ nghề mà còn bỏ cả cha, đấng sinh thành ra mình. Chúa Giêsu phải có điều gì lôi cuốn các ông hơn nghề nghiệp và tình cảm gia đình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa có thể làm tất cả một mình, nhưng Ngài muốn sự cộng tác của con người.
- Chúng ta cần phản ứng tích cực trước lời mời gọi của Thiên Chúa; nhất là trong việc rao giảng Tin Mừng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét