Các phương pháp để giải thích Kinh Thánh (11)
VRNs (26.12.2012) – Hà Nội - Có một câu truyện vui kể về phương pháp sư phạm của một thầy giáo như sau. Một hôm thầy bước vào lớp, quần áo xộc xệch, mặt mũi hằm hằm khiến cả lớp rất lo lắng. Vừa đi tới cửa, thầy cúi xuống rút chiếc dép phải rồi ném bay vèo xuống góc trái cuối lớp. Cả lớp co rúm người. Thầy rút tiếp chiếc dép trái ra ném xuống góc phải. Học sinh hoảng hồn. Tiến lại gần bảng, thầy hỏi: “Thế nào, các cô, các cậu có sợ không?” “Thưa thầy… sợ… sợ lắm ạ!” Cả lớp đồng thanh. Thầy tiếp: “Thế nhưng vẫn chưa sợ bằng đại chiến thế giới lần thứ hai đâu. Các em lấy bút, vở ra học bài mới: ‘Đại chiến thế giới lần thứ hai.’” Dĩ nhiên, đây chỉ là một câu truyện vui. Nhưng trong thực tế, phương pháp thật sự đóng một vai trò quan trọng trong mọi lãnh vực cuộc sống. Người ta nói khi làm bất cứ chuyện gì nếu có phương pháp đúng thì đã thành công đến 90%.
Kinh Thánh: “Lương thực” cho cả “thỏ” và “lừa rừng”
Hiến Chế Dei Verbum nói: “Trong các sách thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội” (21). Vì vậy, Hội Thánh luôn kêu mời tất cả tín hữu kính trọng Lời Chúa như kính trọng bí tích Thánh Thể (x. 21). Tuy nhiên, nhìn chung, tín hữu Việt Nam chưa có lòng yêu mến Lời Chúa như yêu mến bí tích Thánh Thể. Họ nghĩ mình không thể hiểu Kinh Thánh. Thật ra, Kinh Thánh là lương thực kỳ diệu “vừa miệng” cho mọi người, cả trí thức lẫn bình dân. Trong cuốn Thiên Chúa và Trần Thế, ĐGH Bênêđictô nói: “Dĩ nhiên cần có những chuyên viên, những học giả để diễn giải những chuyện thuần lịch sử và khoa học, nhưng ý nghĩa quyết định của Kinh Thánh thì ngay tín hữu bình dân cũng hiểu được. Kinh Thánh thật sự được viết ra cho mọi người nên ai cũng hiểu được. Thánh Augustinô nói: Con thỏ và con lừa rừng đều uống từ một nguồn suối, cả hai đều đã khát. Quả thật, thỏ và lừa đều nhận được của uống phù hợp cho mình.”
Cha Raymond E. Brown hoàn toàn đồng ý với ĐGH. Cha nói Kinh Thánh có nhiều đoạn rất dễ hiểu. Thiên Chúa có thể nói chuyện trực tiếp với người đọc mà không cần xin phép các nhà giải thích Kinh Thánh. Tuy nhiên, cha nói thêm, đối với những người có học, sau khi nghe dạy về khoa học ở trường, họ sẽ thắc mắc về những gì Kinh Thánh nói, ví dụ trình thuật Sáng tạo (St 1,1-2,4a) hoặc chuyện ông Giôsuê ra lệnh cho mặt trời đứng yên (Gs 10,13). Họ có thể sẽ bối rối vì Kinh Thánh nói khác những gì họ học ở trường. Để trả lời cho những câu hỏi xuất xứ từ những kiến thức khoa học, độc giả cần phải có một kiến thức tương đương về Kinh Thánh. Họ cần tìm hiểu xem các nhà giải thích Kinh Thánh nói gì về các đoạn Kinh Thánh này.
Một số người có thể sẽ chất vấn: Nếu Hội Thánh dạy Kinh Thánh là lời Chúa Cha nói với con cái Người, như nói ở trên, tại sao chúng ta lại lệ thuộc vào sự giải thích của con người để hiểu Kinh Thánh? Tại sao chúng ta cần những người trung gian để hiểu Kinh Thánh? Cha Brown trả lời: Tất cả mọi chữ của Kinh Thánh đều do con người viết xuống. Vì thế, việc sử dụng các phương pháp của con người để tìm hiểu Kinh Thánh là điều hoàn toàn hợp lý. Theo nhận xét của cha Brown thì việc học hỏi Kinh Thánh qua một người trung gian là một bản chất nội tại trong quan điểm Do-thái giáo và Ki-tô giáo về hành động của Thiên Chúa trong lịch sử.
“Trăm hoa đua nở”
Để tìm hiểu ý nghĩa bản văn Kinh Thánh, các nhà giải thích Kinh Thánh không thể thiếu những phương pháp. Nếu không có phương pháp hoặc phương pháp không thích đáng thì sẽ hiểu và giải thích sai. Các nhà giải thích Kinh Thánh sử dụng nhiều phương pháp để giải thích Kinh Thánh gọi là các “phương pháp phê bình Kinh Thánh.”[1]Như đã nói ở bài trước, hiện nay các phương pháp để giải thích Kinh Thánh thật đa dạng, vừa cũ vừa mới, rất phong phú. Mỗi phương pháp có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Trong số đó, Hội Thánh chọn cái nào?
Hướng dẫn của Hội Thánh
Trong văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh (VGTKTTHT), Hội Thánh nhận xét rằng: Kinh Thánh có một nội dung phong phú vô tận. Tất cả các phương pháp, dù có những điểm mạnh, cũng có những điểm yếu riêng. Không có phương pháp nào một mình có thể khám phá hết ý nghĩa Kinh Thánh. Hội Thánh không chọn bất cứ phương pháp nào làm của riêng mình nhưng dạy các nhà giải thích Kinh Thánh cần sử dụng tất cả các phương pháp để bổ túc cho nhau, nhờ đó, chúng ta có thể đào sâu ý nghĩa phong phú vô tận của Kinh Thánh. Sau đây là tên gọi của các phương pháp và lối tiếp cận được bàn đến trong văn kiện VGTKTTHT.
- A. Phương pháp phê bình lịch sử (the historical-critical method)
- Phê bình văn bản (textual criticism)
- Phê bình nguồn văn (source criticism)
- Phê bình văn thể (genre criticism)
- Phê bình truyền thống (tradition criticism)
- Phê bình biên soạn (redaction criticism)
- B. Các phương pháp mới để phân tích văn chương(new methods of literary analysis)
- Cách phân tích tu từ học (rhetorical analysis)
- Cách phân tích thuật chuyện (narrative analysis)
- Cách phân tích ký hiệu (semiotic analysis)
- C. Những lối tiếp cận đặt căn bản trên truyền thống (approaches based on tradition)
- Lối tiếp cận thư quy (the canonical approach)
- Lối tiếp cận dựa vào những truyền thống giải thích của Do-thái (approach through recourse to Jewish traditions of interpretation)
- Lối tiếp cận nhờ lịch sử hiệu quả của bản văn (approach by the history of the influence of the text)
- D. Những lối tiếp cận nhờ các khoa học nhân văn(approaches that use the human sciences)
- Lối tiếp cận theo xã hội học (sociological approach)
- Lối tiếp cận qua khoa nhân học văn hóa (the approach through cultural anthropology)
- Lối tiếp cận tâm lý và phân tâm (psychological and psychoanalytical approaches)
- E. Những lối tiếp cận theo hoàn cảnh(contextual approaches)
- Lối tiếp cận giải phóng (the liberationist approach)
- Lối tiếp cận đề cao quyền phụ nữ (the feminist approach)
- F. Cách giải thích bảo thủ (fundamentalist interpretation)
Wow! Quá nhiều! Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về chúng ở các bài sau.
Lm. JM. Mười Một, CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét