Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Lời Chúa Mỗi Ngày Ngày 5 tháng 1 GS



Thinh Lặng Chiêm Ngắm Máng Cỏ

Thi hào người Tây Ban Nha Migele des Punamuno, sinh năm 1864 và qua đời năm 1936 có để lại dòng suy tư sau đây:
Báo chí không hề đá động đến cuộc sống âm thầm của những người không làm nên lịch sử. Hằng ngày, từng giờ trên khắp thế giới, cứ mỗi khi mặt trời lên, họ lại thức giấc ra đồng để làm công việc âm thầm và tăm tối mỗi ngày và muôn thuở. Một công việc như thế cũng giống như công việc của những tảng san hô chìm sâu giữa lòng đại dương. Ðây là công việc xây nền đắp móng để cho những hòn đảo của lịch sử được nhô lên. Chính trong thinh lặng mà âm thanh mới được sống lọt. Chính từ cái khối người bao la thinh lặng ấy mới trồi lên được những người có tiếng nói trong lịch sử.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Những dòng suy tư trên đây của thi hào Migele des Punamuno không thể không gợi lên cho chúng ta khung cảnh thinh lặng trong máng cỏ, nơi Hài Nhi Giêsu đang ngủ say dưới ánh mắt chiêm ngắm của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Thinh lặng là luật của máng cỏ. Cả ba nhân vật mà chúng ta chiêm ngắm bên máng cỏ đều thinh lặng.
Quả thực, nếu đặt vào trong cuộc sống 33 năm của Ngài, thì phần lớn quãng đời của Ngài chỉ là thinh lặng. Là Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người. Chúa Giêsu nói bằng thinh lặng nhiều hơn bằng những lời rao giảng của Ngài. Phải chăng cũng chỉ trong thinh lặng mà con người mới có thể nghe được lời của Chúa. Thinh lặng cũng là luật sống của Mẹ Maria. Thánh Luca đã tóm gọn cuộc sống của Mẹ trong câu: Và Mẹ Maria đã ghi nhớ tất cả mọi sự và suy niệm trong lòng. Nếu Tin Mừng còn ghi lại một vài câu nói của Mẹ Maria thì tất nhiên hoàn toàn thinh lặng là những lời phát biểu của Thánh Cả Giuse. Ngay giữa lúc được thiên thần hiện đến trong giấc mộng để báo tin về Mẹ Maria cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa. Thánh Giuse xem chừng cũng không nói một lời nào, và nhất là Ngài cũng âm thầm biến khỏi cuộc đời còn lại của Mẹ Maria và Chúa Giêsu lúc nào cũng không ai hay biết.
Thánh Cả Giuse quả là vị thánh của thinh lặng. Chiêm ngắm Chúa Hài Nhi bên cạnh Mẹ Maria và thánh cả Giuse có lẽ chúng ta cũng được mời gọi để sống thinh lặng. Chỉ trong thinh lặng của máng cỏ chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của cuộc sống âm thầm từng ngày của chúng ta. Chúng ta thuộc về cái khối người thinh lặng bao la, ngày ngày lặng lẽ sống mà không hề được ai nhắc tới. Không được ai nhắc tới nhưng nếu không có cái khối người âm thầm lặng lẽ ấy thì cũng chẳng bao giờ có lịch sử. Thi hào Migele des Punamuno gợi lên cho chúng ta hình ảnh cái khối san hô chìm sâu dưới lòng đại dương. Ngày qua ngày, trong âm thầm lặng lẽ, khối san hô ấy tích tụ lớn dần và trổi lên thành những hòn đảo xanh tươi giữa lòng đại dương. Lịch sử nhân loại được hình thành từ những công lao âm thầm của khối người vô danh mà mỗi người chúng ta là thành phần. Như hạt giống được âm thầm gieo vào lòng đất, những vất vả phấn đấu và khổ đau từng ngày của chúng ta là nền móng vững chắc cho lịch sử của nhân loại được hình thành và tiến tới. Chỉ trong niềm tin, chúng ta mới nhận ra được những đóng góp âm thầm ấy. Chỉ trong ánh sáng của máng cỏ chúng ta mới nhìn thấy được giá trị của những hy sinh âm thầm của con người. Chỉ trong thinh lặng của máng cỏ, chúng ta mới lắng nghe được những hạt giống của tin yêu và hy vọng đang nảy mầm.
Lạy Chúa, xin cho ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể chiếu rọi vào tâm trí của chúng con. Và nhờ những thực tại chóng qua ở đời này, chúng con biết nhận ra những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời.
Xin cho những hạt giống chúng con âm thầm gieo vải từng ngày được trổ bông chín vàng trong ngày mùa sau hết. Amen.

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 5 tháng 1 GS

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Yêu ai là mong muốn và làm điều tốt nhất cho người mình yêu.
Tình yêu là động lực chính giúp con người vượt qua mọi trở ngại trong cuộc đời. Con người muốn yêu và khao khát được yêu. Nhưng đâu là sự yêu thương đích thực?
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra đâu là tình yêu đích thực. Trong bài đọc I, Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài bằng việc cho chúng ta người con một của Ngài xuống trần chịu chết để đền tội thay cho chúng ta. Để chứng tỏ tình yêu của chúng ta, chúng ta cũng phải tỏ bày bằng hành động qua việc tuân giữ các giới răn của Ngài, nhất là giới luật yêu thương. “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” Trong Phúc Âm, Philip yêu Nathanael và mời ông đến gặp Đức Kitô, để nhận được ơn cứu độ. Chúa Giêsu yêu Nathanael và mặc khải cho ông nhiều điều bí ẩn ông chưa từng có kinh nghiệm trong cuộc đời..

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.
2.1/ Sự quan trọng của giới luật yêu thương:
(1) Phải yêu thương bằng việc làm. Ngài viết: "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa." Chỗ khác Ngài viết: "Ai nói mình yêu thương Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, là kẻ nói dối, và sự thật không có nơi người ấy." Theo Gioan, yêu thương và sự thật không thể tách rời nhau.
(2) Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta: "Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa." Đây là 2 câu khó hiểu, và có ít nhất 2 cách hiểu: Thứ nhất, nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta vì Ngài biết mọi sự; có nghĩa tội của chúng ta không thể tránh khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thứ hai, nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta; có nghĩa Thiên Chúa không chỉ biết tội của chúng ta, nhưng Ngài còn biết tình yêu, ước muốn, yếu đuối, bệnh tật của chúng ta; vì thế, Ngài hiểu biết và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Thomas à Kempis phân tích sự khác nhau giữa Thiên Chúa và con người: "Con người nhìn kết quả, Thiên Chúa biết ý định." Ví dụ, tuy vua David không được phép xây nhà cho Thiên Chúa, nhưng ông đã xây nhà cho Ngài bằng ước muốn (1 Kgs 8:17-18). Châm ngôn Pháp có câu: "Biết tất cả là tha thứ tất cả." Nếu trong trái tim của chúng ta có yêu thương, chúng ta có thể tự tin khi đến với Ngài. Chỗ khác, Gioan cũng nói: "Yêu thương là đền bù mọi tội lỗi."

2.2/ Phải giữ các giới răn của Người: Gioan viết: "Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta." Nếu chúng ta để ý các Sách của Gioan, tin Đức Kitô và yêu thương là hai chủ đề chính của Ngài. Con người phải tin Đức Kitô mới có sự sống đời đời, và phải yêu thương nhau nếu muốn làm môn đệ của Ngài. Giữ giới răn của Thiên Chúa không gì khác hơn là giữ giới luật yêu thương, hay "Mến Chúa yêu người." Khi chúng ta giữ giới răn Thiên Chúa, hai điều này được bảo đảm cho chúng ta: Thứ nhất, bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người. Thứ hai, ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.

2/ Phúc Âm: "Cứ đến mà xem!"
2.1/ Phải trút bỏ thành kiến để học hỏi những điều mới lạ: Thánh Thomas Aquinas nói: "Yêu ai là mong muốn sự tốt lành cho người ấy." Trong quãng đời công khai rao giảng của Đức Kitô, chúng ta thấy kiểu mời gọi này: Khi đã nhận biết Đức Kitô, Gioan Tẩy Giả giới thiệu Ngài cho hai môn đệ đi theo (Jn 1:35-37). Một trong hai môn đệ là Anrê đã giới thiệu Đức Kitô cho em mình là Phêrô (Jn 1:40-42). Trong trình thuật hôm nay, Philip mời gọi ông Nathanael đến gặp Chúa và nói: "Đấng mà sách Luật Moses và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth." Ông Nathanael liền bảo: "Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?" Ông Philíp trả lời: "Cứ đến mà xem!"
Thành kiến giam hãm và ngăn cản con người không nhìn ra sự thật. Hai điều có thể ngăn cản Nathanael không đến với Chúa: Thứ nhất, sự cạnh tranh giữa các làng mạc: Nathanael quê ở Cana; giữa Cana và Nazareth có thể có sự cạnh tranh vì hai làng rất gần nhau. Thứ hai, theo Kinh Thánh, Đấng Thiên Sai sẽ xuất hiện tại Bethlehem là quê hương của vua David, chứ đâu xuất hiện tại Nazareth, một làng quê mùa phía Bắc như vậy. Đứng trước nhận định khinh thường như thế, Philip không nản chí, nhưng vẫn khuyến khích bạn: thì cứ thử đến mà xem! Nathanael có lẽ vì nể tình bạn với Philip, nên đi đến gặp Đức Kitô.

2.2/ Cuộc hạnh ngộ giữa Đức Kitô và Nathanael.
(1) Đức Kitô khơi dậy niềm tin nơi Nathanael: Đức Giêsu thấy ông Nathanael tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối." Đây là ý tưởng của Thánh Vịnh 32:2, "Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà." Phản ứng trước tiên của Nathanael là sửng sốt vì ông chưa gặp Ngài bao giờ, thế mà Ngài lại thấu suốt cuộc đời của ông. Ông Nathanael hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?" Đức Giêsu trả lời: "Trước khi Philíp gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi." Lại một ngạc nhiên nữa, Chúa Giêsu có khả năng nhìn thấy mọi nơi, điển hình là lúc ông đang nói chuyện với Philip dưới gốc cây vả. Biết mình không còn gì có thể giấu Chúa Giêsu, ông khiêm nhường thú nhận: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!"
(2) Đức Kitô hứa sẽ cho Nathanael thấy những điều kỳ diệu hơn nữa: Đức Giêsu đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa." Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."
+ Thị kiến chiếc thang của Jacob: Cụm từ "Thiên thần lên lên xuống xuống" nhắc nhở chúng ta thị kiến chiếc thang trong giấc mơ của tổ-phụ Jacob tại Bethel (Gen 28:12-13). Đức Kitô giải thích Ngài là chiếc thang nối kết giữa Trời và Đất, các sứ thần của Thiên Chúa sẽ không ngừng lên xuống để dâng lời cầu nguyện của con người lên Thiên Chúa, và chuyển ơn thánh từ Thiên Chúa xuống cho con người.
+ Ai là Nathanael mà Gioan đề cập đến ở đây? Có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau: (1) một hình ảnh lý tưởng tượng trưng cho con cái Israel; (2) có người cho là Phaolô hay người "môn đệ được Chúa yêu;" và (3), là tông-đồ Bartholomew mà Tin Mừng Nhất Lãm đề cập tới. Sự kiện chúng ta mừng lễ thánh Bartholomew chứng tỏ Giáo Hội chấp nhận cách giải thích số (3).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa đã làm mọi sự để chứng tỏ Ngài yêu thương chúng ta.
- Chúng ta cần đáp lại tình yêu Thiên Chúa qua việc tuân giữ các điều răn của Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét