Trang

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Những yếu tố khiến cho tiến trình giải thích phức tạp (6)


Những yếu tố khiến cho tiến trình giải thích phức tạp (6)



VRNs (20.11.2012) – Hà Nội – Báo Tuổi Trẻ Online ngày thứ Bảy, 05.11.2011 đăng bài phản ánh dư luận có nhiều phản ứng khác nhau khi phát hiện văn bản truyện cổ tích Tấm Cám trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 đã sửa lại đoạn cuối. Cụ thể, theo sách giáo khoa ngữ văn lớp 10, ở đoạn cuối truyện, khi Cám hỏi: “Chị làm thế nào mà đẹp thế?”, Tấm hỏi lại: “Có muốn đẹp không để chị giúp?”, sau đó “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết.” Trong khi đó, các bản Tấm Cám trước đây có phần kết với nội dung sau khi Cám chết, Tấm đem làm mắm và gửi dì ghẻ ăn. Cũng có dị bản nói rằng sau cùng Tấm tha thứ cho mẹ con Cám nhưng cả hai mẹ con lại bị sét đánh chết trên đường đi.
Dù ở đây chúng tôi không có ý tham gia tranh luận là có nên sửa truyện cổ tích hay không và đâu là kết thúc nguyên thủy của câu chuyện, nhưng sự kiện báo Tuổi Trẻ đăng cho thấy một thực tế là, theo dòng thời gian, truyện cổ tích Tấm Cám đã “tam sao thất bản.” Trong bài này, chúng ta tiếp tục xem xét thêm hai yếu tố sau cùng cần phải lưu ý khi giải thích các bản văn cổ, đó là (6) Một tài liệu nhưng lại có nhiều dị bản khác nhau (tam sao thất bản), và (7) Một số bản văn được xem là thánh và vì vậy có hình thức khác biệt.

6. Một tài liệu nhưng lại có nhiều dị bản khác nhau
Thông thường có hai hoặc hơn hai dị bản của cùng một tài liệu với những khác biệt lớn nhỏ. Ở đây, người giải thích gặp vấn đề phải xác định từ ngữ cần được giải thích. Những điểm khác biệt giữa các dị bản của cùng một tác phẩm rất thường thấy ở các tác phẩm cổ xưa hơn các tác phẩm thời nay. Tuy vậy, ngay cả khi đã có máy in, chuyện “tam sao thất bản” vẫn xảy ra. Ví dụ, nhiều vở kịch của Shakepeare có sự khác nhau đáng kể. Do đó, việc nghiên cứu các bản văn về các vở kịch của Shakepeare là một lãnh vực nhiều tranh cãi và phức tạp dần theo thời gian. Trước khi có máy in, các bản sao được sao chép bằng tay. Bản chép tay thường có nhiều lỗi, ví dụ đánh vần sai, bỏ sót một hoặc nhiều từ, lặp lại,… Chúng ta có rất ít bản văn cổ trong hình thức gốc. Cái chúng ta có thường chỉ là bản sao của nhiều bản sao của bản gốc. Vì không có một bản sao nào thật sự khớp với bản sao khác của cùng một tài liệu, nên người giải thích phải giải quyết vấn đề đâu là bản văn trong hình thức gốc của nó. Truyện cổ tích Tấm Cám ở trên chẳng hạn.
Vấn đề có nhiều dị bản của cùng một tài liệu có thể càng trở nên phức tạp hơn khi sự khác biệt giữa các tài liệu cũng có mặt trong nhiều ngôn ngữ. Nếu sự khác biệt giữa các dị bản xuất hiện giới hạn trong cùng một ngôn ngữ thì vấn đề đơn giản hơn. Nếu các dị bản của cùng một tác phẩm nhưng xuất hiện ở nhiều ngôn ngữ thì điều này gây nên nhiều khó khăn khác. Những dị bản của Aristole chẳng hạn xuất hiện trong tiếng Hy-lạp, La-tinh và Ả-rập. Chỗ nào có sự khác biệt quan trọng giữa các ngôn ngữ này thì người giải thích phải tìm cách vượt qua rào cản ngôn ngữ để khám phá bản nào “có vẻ” là gần với bản gốc nhất.
Áp dụng vào giải thích Kinh Thánh
Như hầu hết các tài liệu cổ xưa, những bản thảo Kinh Thánh cổ xưa nhất chúng ta có chỉ là những bản sao xuất hiện khá lâu sau khi những tài liệu gốc được viết. Bản thảo hoàn chỉnh cổ xưa nhất của Kinh Thánh Híp-ri đã được xác định từ thời Trung Cổ (bản sao này được làm vào năm 1008 Công nguyên). Bản thảo hoàn chỉnh cổ xưa nhất của Tân Ước được xác định từ thế kỷ thứ tư Công nguyên. Người ta biết đến khoảng 5.000 bản bảo khác bằng tiếng Hy-lạp hoặc những mảnh Kinh Thánh Tân Ước. Trong số này, không có hai bản nào giống nhau hoàn toàn. Số lượng bản thảo của Kinh Thánh Híp-ri thì ít hơn. Tuy nhiên, gần đây, những mảnh cổ xưa hơn và những bản thảo khá hoàn chỉnh của một số sách trong Cựu Ước đã được tìm thấy trong các hang và nơi khác ở vùng Biển Chết xứ Palestine. Một số trong đó có những khác biệt đáng kể so với bản Kinh Thánh Híp-ri chuẩn.
Vì Kinh Thánh được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, hạn như Sy-ri, La-tinh và Coptic, khá sớm, nên các ấn bản này cũng được xem xét để xác định bản văn của các sách. Điều này đặc biệt đúng với Cựu Ước vốn được dịch sang Hy-lạp và A-ram trong vòng những thế kỷ cuối cùng trước Công nguyên cũng như các thế kỷ đầu Công nguyên. Dĩ nhiên, điều này có nghĩa là việc nghiên cứu văn bản là điều không thể thiếu đối với ngành giải thích Kinh Thánh.  

7. Một số bản văn được xem là thánh và vì vậy có hình thức khác biệt
Nghiên cứu một bản văn được xem là thánh thì không chỉ là xem nó như một áng văn chương hoặc một tác phẩm cổ điển.
Một bản văn thánh có thể có một số hoặc tất cả đặc tính của một tác phẩm cổ điển. Tuy nhiên, nhiều chiều kích khác xuất hiện khi tác phẩm này được xếp vào phạm trù “thánh.” Trong các tác phẩm cổ điển, người ta ghi lại những ý kiến; trong các bản văn thánh, người ta chuyển trao những xác tín. Bản văn thánh thuộc về phạm trù “thánh kinh.” “Thánh kinh” có nhiều đặc tính như sau: (a) Thánh kinh có một thẩm quyền vượt quá những điều kiện bình thường đối với một số người hoặc nhóm người nào đó. Điều này đúng, dù cho người ta đang nói một cách ám dụ (metaphorically) về “bible” của những nhà sưu tập tem hoặc những người săn bắn hay câu cá, hoặc là người ta đang nói cách hiện thực (realistically) về kinh Koran Hồi giáo hoặc Kinh Thánh Do-thái hoặc Ki-tô giáo. (b) Như những tài liệu có thẩm quyền, thánh kinh có một vị trí chính thức trong đời sống của cộng đoàn xem nó như thánh kinh. Các bản văn này là nguồn để người ta viện dẫn. Nội dung của nó hướng dẫn cách đặc biệt lối sống của cộng đoàn và các thành viên trong đó. (c) Thánh kinh được xem như chất chứa một sự hiểu biết và suy tư đúng hơn và tốt hơn về thực tại so với các tác phẩm khác. (d) Chính thực tại hoặc giọng nói, tư tưởng hoặc lời của Chúa được tin là có liên hệ với Kinh Thánh theo cách thức các tác phẩm khác không có được.
Chính vì bản chất “thần linh” của nó mà Kinh Thánh mang một mối tương quan đặc biệt với những cộng đoàn xem nó là thánh. Những cộng đoàn này thường can dự vào sự hình thành của bản văn Kinh Thánh đó. Sự thánh thiêng của Kinh Thánh dựa trên thực tế là các cộng đoàn đã quyết định cho Kinh Thánh một địa vị và một vai trò đặc biệt. Ngoài ra, cách thức mà cộng đoàn đã hiểu và giải thích Kinh Thánh của họ cũng có một ảnh hưởng quyết định trong việc Kinh Thánh được đánh giá như thế nào. Xung quanh Kinh Thánh cũng phát triển những giả định và hệ thống tư tưởng được xem như vừa là kết quả của việc giải thích của Kinh Thánh vừa như tiêu chuẩn cho việc giải thích Kinh Thánh hoặc như lăng kính cho việc đọc Kinh Thánh. Xung quanh Kinh Thánh cũng phát triển một truyền thống những gì bản văn nói và cách đọc bản văn đó như thế nào. Người giải thích bản văn thánh vì vậy đứng trong một truyền thống lịch sử lâu dài trong đó bản văn đã hòa nhập vào truyền thống và truyền thống hòa nhập vào bản văn.
Áp dụng vào giải thích Kinh Thánh
Kinh Thánh được xem là thánh là điều không cần bàn cãi nữa. Tuy nhiên, có hai điều, một tích cực và một tiêu cực, cần được lưu ý. Cách tích cực, ngành giải thích Kinh Thánh hôm nay đã có lịch sử kéo dài hằng thế kỷ với nhiều quan niệm và suy nghĩ. Cách tiêu cực, Kinh Thánh như bản văn thánh đã bị/được bao quanh bởi các truyền thống và cách giải thích truyền thống khác nhau. Người giải thích hôm nay thường bị cám dỗ đọc bản văn dưới ánh sáng của các truyền thống có sẵn đó mà không có sự phê bình nhận định riêng của cá nhân mình, hoặc không để cho bản văn nói tiếng nói riêng của nó. Như đã nói ở bài trước, làm như thế là “eisegesis” (áp đặt ý mình vào bản văn cách chủ quan) chứ không phải là “exegesis” (đọc cho ra ý nghĩa của bản văn cách khách quan).  
Những xem xét trên đây cho thấy việc giải thích Kinh Thánh là một công việc khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Điều này đúng nếu chúng ta chỉ có bản bảo Kinh Thánh hoặc phải học tất cả ngôn ngữ Kinh Thánh, chuẩn bị mọi công cụ, và nghiên cứu hết mọi vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, người giải thích Kinh Thánh không cần phải làm mọi chuyện đó. Qua bao thế kỷ, hàng ngàn người đã giải thích Kinh Thánh, đã chuẩn bị công cụ sẵn sàng cho người giải thích hôm nay cũng như đã phát triển những phương pháp tiếp cận các vấn đề liên quan. Có lẽ không có cuốn sách nào đã được nghiên cứu như cuốn Kinh Thánh, không có các công cụ nào đã được các học giả dành trọn cả đời để chuẩn bị cho bằng ngành giải thích Kinh Thánh.
Tóm lại, qua các bài trên, chúng ta đã thấy “exegesis” là một hoạt động hằng ngày của mọi người khi họ giải thích những bản văn viết hoặc trong đối thoại. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy có một số hoàn cảnh và bản văn đòi phải có những cố gắng đặc biệt để giải thích và như thế “exegesis” cũng là một ngành đặc biệt. Sau cùng, chúng ta đã thấy một số yếu tố có thể làm cho tiến trình giải thích trở nên phức tạp cũng như sự cần thiết phải có những đào tạo chuyên môn cũng như những công cụ chuyên nghiệp thích hợp.      
LM. JM. Mười Một, CSsR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét