Việc giải thích trong đời sống hằng ngày (2)
VRNs (24.10.2012) – Hà Nội – Trước khi tìm hiểu việc giải thích trong lãnh vực Kinh Thánh (KT), chúng ta cùng xem xét việc giải thích trong đời sống hằng ngày. Một câu chuyện vui kể rằng có một gia đình nọ, một hôm ông chồng bị bệnh. Bà vợ đưa ông chồng đến bệnh viện. Bác sĩ khám xong đề hai chữ “BT”. Bà vợ không hiểu nhưng thấy ông chồng hết bệnh nên bà không quan tâm gì. Hai năm sau, bệnh lại tái phát. Bà vợ đưa ông chồng đến ông bác sĩ hôm nọ. Khám xong, bác sĩ lại đề hai chữ “BT”. Về nhà, bà vợ tưởng giống như lần trước nên cũng thảnh thơi không lo gì. Hai ngày sau, ông chồng lăn đùng ra chết. Bà vợ thấy lạ lên hỏi bác sĩ. Bác sĩ nói: Tôi quên giải thích cho bà. Hai chữ “BT” lần trước có nghĩa “bình thường”, nhưng hai chữ đó là xưa rồi. Bây giờ hai chữ “BT” lần này có nghĩa là “bó tay”.
Câu chuyện vui cho thấy phần nào thực tế là việc giải thích là một hoạt động hằng ngày của con người, chứ không phải chỉ khi chúng ta đọc bản văn Kinh Thánh. Tự bản chất là người, chúng ta đã thực hành việc giải thích từ nhỏ, ví dụ ý nghĩa của nụ cười trên gương mặt người cha người mẹ. Lớn lên, khi không hiểu điều ai đó nói, chúng ta hỏi “Ông/bà/anh/chị có ý gì vậy?” Đó là lúc chúng ta yêu cầu một sự giải thích. Tương tự như thế khi chúng ta đọc một bản văn. Nhiều sách phải có chú thích để giúp người đọc dễ hiểu ý tác giả hơn. Ví dụ nếu đọc Truyện Kiều hôm nay mà không đọc chú thích thì có lẽ chúng ta không thể hiểu ý của Cụ Nguyễn Du. Nguyên nhân có thể vì một từ xa lạ, một thành ngữ, một điển tích, hoặc vì ám chỉ đến một câu chuyện ta chưa nghe bao giờ. Chúng ta cần sự giải thích. Nếu có điều kiện chúng ta có thể tự tìm hiểu một mình. Chỉ khi có sự giải thích như thế chúng ta mới có sự thông đạt và hiểu ý của tác phẩm.
1. Việc giải thích trong đối thoại
Khi nói chuyện với ai, chúng ta thường làm rất nhiều việc giải thích (dù thường là không ý thức rõ ràng). Khi chúng ta nghe một người nói, chúng ta thường tự suy xét: “Người kia nói gì vậy?” và “Điều đó có ý nghĩa gì?” Một cách tự động, chúng ta có một số câu hỏi về điều đã được nói, ví dụ: Đó là một câu hỏi hay một tuyên bố? Có phải người nói đang muốn thông tri một điều gì đó? Nếu phải, đó là gì? Những lời đó được hiểu theo nghĩa mặt chữ hay đó là những tuyên bố biểu tượng hoặc quy ước? Là người nghe, tôi có cần phải trả lời không? Người nói đang muốn chuyển tải tư tưởng gì? Trong hình thức nào? Có phải người nói đang kể chuyện cười? Tường thuật tin tức? Có một đòi hỏi? Yêu cầu thông tin? Phát biểu? Cố gắng bán một sản phẩm? Nhìn chung, vì đã quá quen với việc nói và nghe, nên chúng ta thường đi qua tiến trình giải thích không mấy khó khăn, thậm chí, một cách vô thức.
Người Việt Nam có câu, “Ông nói gà bà nói vịt” để chỉ sự hiểu lầm nhau. Có một bạn đưa một dẫn chứng vui (xem ra có vẻ không ăn nhập lắm) đó là đoạn chế bài “Trăng khuyết”: Sao anh lại ngỏ lời / Vào một bên tai điếc / Để bây giờ thầm tiếc / Cuộc tình duyên không tròn! Xã hội cũng như nhiều gia đình hôm nay đang lâm vào khủng hoảng vì “nói hoài không hiểu!” Dường như hôm nay con người nói quá nhiều nhưng hiểu quá ít.
“Hiểu” là một tiến trình bao gồm bốn yếu tố. Bốn yếu tố này góp phần quan trọng giúp hai người hiểu nhau khi nói chuyện. Đó là (1) người nói, (2) lời nói, (3) bối cảnh và (4) người nghe. Cả bốn tạo nên một tiến trình thông tri. Chúng ta có thể đánh giá bối cảnh và ý hướng của người nói cũng như phân tích lời được phát biểu. Bối cảnh giúp chúng ta xác định sự phức tạp lớn hơn trong đó sự kiện thông tri diễn ra và nhờ đó hiểu lời được phát biểu. Ví dụ: Đó có phải là bề trên/viên chức đang ra lệnh, đưa ra chỉ dẫn, cung cấp thông tin hoặc đề nghị? Đó có phải là một hoàn cảnh nghiêm túc mà lời phát biểu phải được hiểu cách nghiêm túc hoặc đó chỉ là hoàn cảnh thông thường hoặc chỉ là cuộc trao đổi giữa hai người bạn? Như vậy, tiến trình hiểu một thông tin truyền khẩu liên quan đến khung cảnh và hoàn cảnh của lời nói. Ví dụ: Trong khung cảnh lãng mạn của ngày Tình Nhân, chàng trai nói với người yêu: “Anh sẽ vì em làm thơ tình ái / Anh sẽ gom mây kết hình lâu đài / Đợi chờ một đêm trăng nào tới / đợi chiều vàng hôn lên làn tóc / đợi một lần không gian đổi mới / đón hai đứa chúng ta mà thôi…” Nếu ai nào đó bên ngoài chất vấn họ làm sao có thể “gom mây kết hình lâu đài” thì người này thật “dở hơi cám lợn.”
2. Việc giải thích khi đọc chữ (bản văn)
Trường hợp giải thích một bản văn thì phức tạp hơn so với đối thoại. Khi đọc bản văn hoặc chữ viết, chúng ta cũng tiến hành việc giải thích tương tự như trong trường hợp đối thoại, dù cả hai không đồng nhất. Tôi còn nhớ nhiều năm trước, khi anh trai tôi đi chiến trường K (Campuchia), một ngày nọ gia đình chúng tôi nhận được lá thư của anh từ chiến trường. Lá thư rất quan trọng đối với gia đình tôi thời bấy giờ vì biết chắc chắn anh tôi còn sống. Khi đọc thư chúng tôi không thể hiểu một chỗ, đó là đoạn nói về con rắn to hoặc cái giếng gì đó. Chỉ đến khi anh xuất ngũ về chúng tôi mới đưa lá thư ra hỏi và anh giải thích đoạn ấy cho chúng tôi hiểu.
Trong trường hợp bản văn, các chữ (từ được viết ra trong bản văn) có một tầm mức quan trọng hơn so với thông tin truyền khẩu, bởi vì người viết thường không hiện diện khi chúng ta đọc bản văn, như trường hợp anh tôi vừa kể ở trên. Vì vậy, bây giờ nếu có thắc mắc câu “Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” nghĩa là gì, chúng ta không thể gặp Cụ Nguyễn Du để hỏi vì cụ không còn nữa. Để vượt qua “âm dương cách trở” này, chúng ta cần sử dụng trí tưởng tượng và kiến thức có sẵn. Bằng trí tưởng tượng và kiến thức có sẵn, người đọc thường có thể tái tạo trong trí mình cái gì đó của người viết và bối cảnh trong đó bản văn được viết ra. Ví dụ: nếu một giáo sư văn học đọc Truyên Kiều, thì kiến thức ông có sẵn sẽ giúp ông hiểu Truyện Kiều dễ hơn học sinh cấp II và III. Cũng vậy, khi chúng ta nhận được lá thư của bạn hữu hoặc người thân, nếu chúng ta đã có một số kiến thức về người đó và hoàn cảnh của người đó rồi, thì kiến thức này sẽ soi sáng việc chúng ta đọc những chữ trong lá thư đó. Ví dụ, một bà mẹ quê ở nhà đọc thư con đang học ở thành phố gửi về đến chỗ “Xa quê hương nhớ mẹ hiền,” bà hiểu ngay ý của cậu con là “Lâu lâu mẹ nhớ gửi tiền cho con.” Bà hiểu ý lá thư vì bà là mẹ và bà hiểu hoàn cảnh con của mình đang đi học xa, mỗi lần viết thư chủ yếu là để xin tiền đóng học phí hoặc chi tiêu hằng ngày. Dù vậy, ngay cả khi đọc những lá thư của bạn hữu hoặc thành viên gia đình, chúng ta cũng phải có hành vi giải thích. Chúng ta tìm xem lá thư nói gì và điều đó có ý nghĩa gì. Chúng ta phải giải thích các từ để hiểu điều người viết muốn nói.
Một khó khăn chung khi giải thích bản văn là chúng ta có rất ít kiến thức về người viết. Ví dụ mỗi ngày đọc rất nhiều bài báo trên mạng, nhưng chúng ta đâu biết các tác giả là ai, ngoại trừ cái tên, mà nhiều khi không phải tên thật mà chỉ là bút danh. Ví dụ khi đọc bài này, các bạn đâu có biết tôi là ai, trông ra sao, đang ở đâu, làm gì, thích gì, ghét gì,… ngoại trừ cái bút danh “LM. JM. Mười Một, CSsR”. Vì vậy, việc thông tin xảy ra chủ yếu giữa bản văn và người đọc. Còn người viết, khác người nói trong thông tin truyền khẩu, thì ít quan trọng hơn.
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận rằng người viết và người đọc thường chia sẻ một thế giới chung, một phạm vi hiểu biết nào đó chung, và việc sử dụng ngôn ngữ chung. Trong mức độ này thì người viết và người đọc không xa cách nhau lắm. Ví dụ: Khi chúng ta đọc một bảng chỉ đường thì chuyện ai là người viết không thành vấn đề với chúng ta. Tất cả những gì quan trọng cần phải có đó là người đọc và dòng chữ trên tấm bảng có cùng một phạm vi hiểu biết chung về ngôn ngữ để hiểu bảng chỉ đường kia có ý nghĩa gì. Các chỉ dẫn được viết trên tấm bảng hoặc các biểu tượng được dùng chỉ cần có ý nghĩa với người đọc và có phân tích thích hợp là đủ. Tuy vậy, các bảng hướng dẫn cũng có thể gây ra những khó khăn, ngộ nhận. Một chuyện cười kể rằng một người kia lái xe vào ngôi làng nọ. Ở đầu làng cắm tấm bảng ghi “Tốc Độ 40km.” Người này làm theo hướng dẫn. Sau đó một lúc thì gặp tấm bảng khác ghi “Tốc Độ 30km.” Cứ vậy, 20km rồi 10km. Đi tiếp. Sau cùng, người này gặp tấm bảng ghi “Đây rồi! Chào Mừng Quý Khách Đến Với Quán Tốc Độ!” Bó tay!
Sau cùng, hằng ngày, chúng ta thường đọc và giải thích nhiều hình thức bản văn viết khác nhau. Ví dụ một lá thư gửi cho bạn bè sẽ có kiểu loại thông tin khác với lá đơn xin việc. Khi đọc báo hằng ngày, chúng ta cũng thấy có sự khác biệt giữa bài khảo luận lịch sử, bài bình luận và thông báo kết quả trận bóng đá, kết quả xổ số, ai tín, quảng cáo bán nhà,… Chúng ta sẽ có cách đánh giá thông tin tùy theo hình thức của mỗi loại thông tin đó. Cũng vậy, một sinh viên có thể đọc sách khoa học, chuyện ngắn, bài thơ, nhãn trên hộp thực phẩm, thông báo họp và các hoạt động khác, báo chí, thư, tờ rơi quảng cáo, danh bạ điện thoại, vv… Tất cả những bản văn này có những hình thức thông tin khác nhau và cho thấy những loại hoặc văn loại tài liệu khác nhau. Vì những bản văn này là một phần trong nền văn hóa của chúng ta nên chúng ta đã được xã hội hóa và giáo dục để có thể đọc và hiểu chúng trong tất cả sự đa dạng của chúng. Nhìn chung, chúng ta không đọc và giải thích một bài thơ, ví dụ Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du, theo cách đọc và giải thích một công thức làm bánh hoặc thông tin bất động sản trên báo.
Những gì chúng ta vừa bàn ở trên trong đời sống hằng ngày cũng sẽ xảy ra khi chúng ta đọc và giải thích bản văn Kinh Thánh. Ví dụ, tất cả các tác giả viết Sách Thánh đều đã qua đời từ lâu, chúng ta không thể tìm gặp các ngài để hỏi ý câu này hoặc câu kia trong Sách Thánh. Vậy, làm sao chúng ta biết chắc chúng ta đang giải thích đúng những gì các ngài viết? Nếu có nhiều ý kiến khác nhau giải thích cùng một bản văn Kinh Thánh thì chúng ta biết chọn ý nào? Đâu là tiêu chuẩn để chọn ý kiến đó?… Những vấn đề này sẽ được đề cập đến trong các bài sau.
LM. JM. Mười Một, CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét