Một minh họa về việc giải thích Kinh Thánh (8)
VRNs (04.12.2012) – Hà Nội – Một câu chuyện vui kể rằng một người đạo đức kia muốn tìm ý Chúa. Ông khấn rằng ông sẽ mở ngẫu hứng cuốn Kinh Thánh và đặt tay ở câu nào thì đó là ý Chúa. Sau khi cầu nguyện, ông mở Kinh Thánh và ngón tay ông chỉ đúng Mt 27,5 nói về Giuđa sau khi bán Chúa đã “lui về rồi đi thắt cổ.” Quá kinh hãi trước “ý Chúa,” ông xin Chúa cho ông mở Kinh Thánh lần thứ hai vì ông hy vọng sẽ tìm ra ý khác. Run run mở Kinh Thánh lần hai, ngón tay ông chỉ đúng chỗ Lc 10,37 là lời Chúa Giêsu nói với thầy thông luật hãy đi bắt chước người Samari tốt lành, “Ông hãy đi và làm như vậy.” Hết thoát! Vậy là sau cả hai lần, Chúa nhất định bắt ông “hãy đi” và “làm như” Giuđa là “thắt cổ” tự tự! Các bạn nghĩ người này có theo “ý Chúa” đi thắt cổ không? Dĩ nhiên, đây chỉ là một câu chuyện vui, nhưng nó cho thấy một điều là chúng ta cần phải học hỏi để giải thích bản văn Kinh Thánh một cách đúng đắn. Trong bài này, chúng ta tiếp tục bài trước để xem xét một minh họa tiêu biểu về việc giải thích Kinh Thánh, đó là đoạn Cv 8,26-40.
“Mối tình tay ba”
“Mối tình tay ba” đó là tương quan giữa tác giả, bản văn và ý nghĩa của bản văn. Thánh Luca có ý gì khi viết “Philiphê bắt đầu từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu”? Trong suy nghĩ của Luca, liệu Philiphê có ý nói rằng ngôn sứ Isaia thực sự đã nghĩ đến Chúa Giêsu, người sống sau ông khoảng 8 thế kỷ, như Philliphê biết hay không? Ngôn sứ Isaia có thật sự nghĩ đến Chúa Giêsu hay không? Và nếu có thì theo nghĩa nào? Trong khoảng cách thời gian giữa ngôn sứ Isaia và Chúa Giêsu, lời ngôn sứ này đã được loan báo cách đặc biệt như thế nào? Hay Philipphê đang sử dụng bản văn ngôn sứ này chỉ như một “bàn đạp” hoặc “bệ phóng”? Có phải điều chính yếu mà Philipphê đang thực sự muốn nói là Chúa Giêsu hơn là giải thích ý gốc tác giả Isaia muốn trình bày? Nói cách khác, đâu là những giả định của Philipphê về mối tương quan giữa bản văn và tác giả? Đâu là mối tương quan của cả hai, bản văn và tác giả bản văn, với con người Giêsu mà Philipphê đang muốn công bố ngang qua bản văn này?
Bản văn: “nô lệ” hay “tự do”?
Trong trình thuật Cv 8,26-40, chúng ta lưu ý rằng giải thích của Philipphê không phải là giải thích duy nhất có thểđúng về bản văn ngôn sứ Isaia mà viên thái giám đang đọc. Nếu chúng ta nhìn lại quá khứ cho đến tận những ngày đầu của Ki-tô giáo, chúng ta có thế thấy rằng chúng ta đang đứng trong một dòng chảy kết tinh từ hằng trăm những chọn lựa khác nhau đã có trước chúng ta. Từ Abraham đến các ngôn sứ rồi Chúa Giê-su, tất cả đã có những chọn lựa của các Ngài và các chọn lựa đó được chuyển đến chúng ta hôm nay. Như vậy, chúng ta có thể kết luận là giải thích là một chọn lựa. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu có cái gì kiểm soát những chọn lựa đó không? Liệu người giải thích có quyền áp đặt bất cứ giải thích nào lên bản văn như thể mình là ông chủ và bản văn là nô lệ không? Hay bản văn cần được tôn trọng như một người tự do? Liệu có bất cứ hướng dẫn nào, hay la bàn nào, do bản văn cung cấp hoặc tìm thấy bên ngoài bản văn, giúp chúng ta biết chắc chắn mình đã giải thích đúng hay không? Điều gì giữ chúng ta khỏi giải thích tùy tiện chủ quan theo ý mình? Các tín hữu tin rằng Kinh Thánh cần phải được giải thích dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần và trung thành với mạc khải Thiên Chúa trao cho con người. Nhưng điều đó nghĩa là gì thì vẫn cần phải đào sâu thêm.
Tác giả: “sống” hay “chết”?
Tác giả Luca có vai trò nào trong việc giải thích Kinh Thánh của chúng ta hôm nay hay không? Ý tác giả Luca đặt vào bản văn Kinh Thánh vẫn “sống” hay đã “chết”? Nếu “sống” thì ý đó có vị trí nào trong giải thích của chúng ta hôm nay? Người giải thích cần tìm hiểu tác giả có những giả định nào? Ngài đến từ một “thế giới” nào? “Sơ yếu lý lịch” của ngài ra sao? Thánh Luca không phải người Do-thái cũng chẳng phải là một người Do-thái theo văn hóa Hy-lạp. Ngài là một người Hy-lạp có học. Vậy, ngài có ý gì khi kể lại câu chuyện này? Câu chuyện này phù hợp với các tác phẩm khác của ngài như thế nào, trước hết là Công vụ các Tông đồ, sau đó là Công vụ và Tin Mừng thứ ba xét như một tác phẩm duy nhất?
Không phải chỉ có Tin Mừng Luca và Công vụ là có liên hệ với nhau, nhưng cả 25 quyển khác của Kinh Thánh Tân Ước cũng có mối liên hệ với nhau trong một bộ sưu tập chúng ta gọi là Tân Ước (gồm 27 quyển). Bộ Tân Ước này lại được xem xét trong mối liên hệ với Kinh Thánh Cựu Ước (gồm 46 quyển). Liệu bản văn ngôn sứ Isaia mà viên thái giám đọc có nhận thêm ý nghĩa nào khác không khi Hội Thánh đặt nó vào trong mối liên hệ với các sách khác trong trọn bộ Kinh Thánh (gồm 73 quyển)?
Người giải thích: “bạn” hay “thù”?
Khi giải thích bản văn, chúng ta nên tiếp xúc bản văn như những độc giả hoặc thính giả đương thời. Chúng ta đọc hoặc nghe thấy gì khi đọc hay nghe bản văn này? Thánh Luca rõ ràng đã viết cho mọi người đọc. Ngài đang muốn thu hút độc giả vào điều gì qua câu chuyện này? Ngài có yêu cầu độc giả làm điều gì không? Chính bản văn, khi được đọc dưới ánh sáng của cả hai tác phẩm của ngài, có cho độc giả gợi ý nào để trả lời cho những câu hỏi này không? Liệu bản văn được viết cách đây gần 2000 năm có thể trả lời cho những câu hỏi mới của thời đại chúng ta hôm nay không? Chúng ta đang sống trong thời đại du hành vũ trụ và thông tin nhanh như chớp nhờ các vệ tinh. Thế giới hôm nay như một ngôi làng chung. Chúng ta có nhiều thông tin mà chẳng biết làm gì với chúng. Ki-tô giáo đã bị chia ra thành hàng trăm nhóm khác nhau. Chúng ta biết nhiều về tâm lý hơn tổ tiên,…. Vậy, điều gì xảy ra khi “thế giới” của bản văn cổ được viết cách đây gần 2000 năm tiếp xúc với “thế giới” của chúng ta hôm nay?
Nhiều “thế giới” khác nhau ảnh hưởng tiến trình giải thích
Có nhiều “thế giới” khác nhau đang cấu tạo nên hành tinh chúng ta hôm nay. Mỗi “thế giới” này lại có những câu chuyện riêng, nền văn hóa riêng, giá trị riêng, hy vọng và đấu tranh riêng. Liệu những yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế,… này có ảnh hưởng đến tiến trình giải thích bản văn hay không? Liệu cùng một bản văn nhưng ý nghĩa của nó cho một người bộ lạc Zulu khác với ý nghĩa cho một CEO ở một tập đoàn Hoa Kỳ hay không? Nếu vậy, liệu chúng ta có thể nói về “tính khách quan” khi giải thích một bản văn hay không?
Lời Chúa được linh hứng
Sau cùng, Ki-tô hữu đọc bản văn Kinh Thánh như Lời Chúa được linh hứng khác thế nào so với cách đọc của một nhà ngôn ngữ học, xã hội học, tâm lý học? Nếu các Ki-tô hữu tin rằng Thiên Chúa là tác giả của bản văn thì liệu ý của Thiên Chúa có trùng hợp với ý tác giả nhân loại trong bản văn hay không? Cái gì đảm bảo chắc chắn là giải thích của chúng ta đúng là ý Thiên Chúa muốn diễn tả? Một bản văn có một hay nhiều ý? Và điều này ảnh hưởng ra sao khi bản văn được thảo luận không phải trong bầu khí gợi hứng (như khi cầu nguyện) nhưng như tín điều?
Kinh Thánh nhiều vấn đề như thế thì ai mà hiểu nổi? Kinh Thánh quả thật có những vấn đề như thế, nhưng Kinh Thánh vẫn là nguồn lương thực bởi trời Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người, bậc thông thái cũng như người bình dân. Những vấn đề trên được nêu ra chỉ nhằm phục vụ cho tâm điểm của chương trình học tập này. Tâm điểm đó chính là tìm hiểu tác động cứu độ của Thiên Chúa đang diễn tiến trên thế gian và trong lịch sử nhờ Lời của Ngài là Chúa Kitô. Qua mọi thời, Hội Thánh không mỏi mệt nghiên cứu Kinh Thánh, để giúp các tín hữu thực sự hiểu rằng Kinh Thánh là lời yêu thương và lương thực từ trời Chúa Cha ban cho loài người. Hiến Chế Dei Verbum nói: “Thực thế, trong các sách thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ. Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội” (21).
LM. JM. Mười Một, CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét