Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần II TN, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Cũ và mới
Xung đột giữa cái cũ và cái mới thường xảy ra ở mọi nơi và mọi thời: các chính thể, tôn giáo, cách cư xử, thời trang và vóc dáng. Ví dụ: Phong trào canh tân của Nhóm Tự Lực Văn Đòan vào đầu thế kỷ 20, điển hình trong tác phẩm Đọan Tuyệt của Khái Hưng. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng phải đương đầu với người Do-Thái khi mang ra những mặc khải mới của Thiên Chúa đến cho con người. Câu hỏi đặt ra: Cái nào tốt hơn?
Các Bài Đọc hôm nay cũng xoay quanh sự xung đột giữa cũ và mới. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do-Thái dùng tiêu chuẩn cũ để chứng minh Đức Kitô là Thượng Tế mới có khả năng đem Thiên Chúa đến cho con người và đem con người về cho Thiên Chúa; vì Ngài vừa có kinh nghiệm của Thiên Chúa, vừa có kinh nghiệm của con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng câu hỏi của những người thuộc thời đại cũ để giúp họ nhận ra thời đại mới đã bắt đầu; họ cần có tâm hồn mới để lãnh nhận giáo lý mới của Ngài mang đến.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúa Giêsu là Thượng Tế. Bản văn chúng ta nghiên cứu hôm nay, Heb 5:1-10, được tác giả sắp xếp theo cấu trúc hình nón, với chóp đỉnh là Thượng Tế Aaron của Cựu Ước. Mục đích của tác giả là chứng minh Chúa Giêsu là Thượng Tế của Tân Ước. Để làm điều này, tác giả dùng một tam đọan luận: trước tiên, tác giả liệt kê 3 đặc tính của chức Thượng Tế; sau đó, tác giả chứng minh Chúa Giêsu hội đủ 3 điều kiện này; cuối cùng, tác giả kết luận: “Thiên Chúa tôn xưng Chúa Giêsu là Thượng Tế theo phẩm trật Melkisedech.”
1.1/ Ba đặc tính của Thượng Tế:
(1) Thượng Tế đại diện cho con người: “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.”
(2) Thượng Tế phải cảm thông với con người: “Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.”
(3) Thượng Tế phải được Thiên Chúa gọi: “Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aaron đã được gọi.”
1.2/ Chúa Giêsu là Thượng Tế:
(1) Chúa Giêsu được chọn làm Thượng Tế: “Cũng vậy, không phải Đức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Melkisedech.”
(2) Chúa Giêsu cảm thông với con người: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.”
(3) Chúa Giêsu đại diện cho con người: “và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Melkisedech.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bảo vệ môn đệ của mình.
2.1/ Tại sao môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay? “Bấy giờ các môn đệ ông Gioan và các người Pharisees đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giêsu: "Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisees ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?"
Giao thời giữa Cựu và Tân Ước là thời gian người Do-Thái gia tăng việc chay tịnh và khổ chế, không những chỉ có trong những giáo phái, mà còn phổ thông trong dân như các việc đạo đức. Chay tịnh, cùng với cầu nguyện và làm phúc, được coi là ba trụ chính của đời sống đạo đức (Tob 12:8). Sách Judith coi chay tịnh là cách để xin ơn lành từ Thiên Chúa (Jdt 4:9). Lối sống chay tịnh và khổ chế của Gioan Tẩy Giả trong sa mạc là muốn đề cao lối sống đơn giản và sự tùy thuộc hòan tòan vào Thiên Chúa.
2.2/ Câu trả lời của Chúa Giêsu nhấn mạnh đến 2 điểm chính:
(1) Lý do ăn chay: Ăn chay phải có mục đích rõ ràng. Chúa cho biết lý do tại sao các môn đệ của Ngài chưa ăn chay: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.” Chúa Giêsu nhận Ngài chính là chàng rể, và khách dự tiệc cưới, bạn hữu của chàng rể là các môn đệ.
(2) Thời gian ăn chay: Chay tịnh có lúc của nó, không phải lúc nào cũng ăn chay. Chúa Giêsu cho biết khi nào các môn đệ của Ngài sẽ ăn chay: "Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.”
2.3/ Phải có tâm hồn mới để lãnh nhận đạo lý mới: Chúa Giêsu là mốc thời gian để phân biệt giữa cái cũ và mới. Những người Pharisees và môn đệ của Gioan đại diện cho lớp người cũ, các môn đệ của Chúa Giêsu đại diện cho lớp người mới. Để có thể lãnh nhận những đạo lý mới được giảng dạy bởi Đức Kitô, một người cần có tâm hồn mới: rộng đủ để nhận ra những bất tòan của đạo lý cũ; đồng thời biết đón nhận những đạo lý mới để làm cho con người ngày càng tòan hảo hơn. Nếu không có tâm hồn mới, con người sẽ ngoan cố thủ cựu những điều cũ; đồng thời họ sẽ khước từ những giáo lý mới của Đức Kitô.
Để giúp họ nhận ra sự quan trong của một tâm hồn mới, Chúa Giêsu dùng 2 ví dụ rất quen thuộc với khán giả:
(1) Áo và miếng vá: “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.”
(2) Rượu và bầu da: “Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!"
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Kitô là Thượng Tế mới của giao ước mới hòan hảo hơn. Chúng ta hãy chạy đến với Ngài để học hỏi những mặc khải mới của Thiên Chúa; và mời Ngài đồng hành với chúng ta.
- Chúng ta cần mở rộng tâm hồn để đón nhận những điều mới lạ từ Thiên Chúa và tha nhân. Một tâm hồn khép kín và thái độ hay chỉ trích sẽ không làm cho chúng ta tiến xa được.
- Dĩ nhiên chúng ta không đón nhận tất cả các cái mới và lọai bỏ các cái cũ; nhưng biết dùng trí khôn để thích ứng với hòan cảnh: giữ lại những gì tốt, thâu nhận những gì mới, và cải tiến để làm cho tốt hơn.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét