Trang

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Lời Chúa Mỗi Ngày Ngày 3 tháng 1 GS




Ðây Chiên Thiên Chúa

Vào một buổi tối năm 1741, người ta thấy người nhạc sĩ giả Hallmen lang thang trong một phố nghèo lênh đênh bên Anh Quốc. Người nhạc sĩ già như đang nuốt từng nỗi đắng cay mà triều đình đã dành cho ông. Từ hơn 40 năm qua, ông đã đem tất cả tài năng và sự hăng say của mình để phục vụ triều đình. Thế nhưng, giờ đây ông cảm thấy mình giống như một trái chanh đã vắt hết nước.
Bốn năm trước đó, ông đã bị chứng xuất huyết não làm cho ông bị bại hẳn một bên, khiến ông không còn đi đứng bình thường và sáng tác được. Nhưng dần dần nhờ ý chí sắt đá, ông đã thu hồi được khả năng đi lại và bắt đầu sáng tác lại. Nhưng giờ đây với cái tuổi 60 và với khí trời lạnh như cắt của nước Anh, ông cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Tình cờ, khi đi qua một ngôi Thánh Ðường, ông bỗng nghe vọng lên trong tâm hồn ông chính tiếng kêu của Chúa Giêsu: Lạy Chúa con, lạy Chúa trời con. Sao Chúa bỏ con".
Như có một sự thôi thúc lạ lùng, người nhạc sĩ quay về nhà, trong đám giấy vứt ngổn ngang trên bàn làm việc, ông đọc được câu Kinh Thánh như sau: "Người đã bị khinh bỉ và bị mọi người phế bỏ". Nguồn cảm hứng tưởng đã cạn nay lại trải cuộn trên từng trang giấy, hết trang này đến trang khác, những nốt nhạc cứ thế mà tuôn trào. Sau hai mươi bốn ngày làm việc liên lỉ, nhạc sĩ Hallmen đã hoàn thành tác phẩm để đời tựa đề là: "Ðấng Cứu Thế". Từ đó, cứ mỗi dạo Giáng Sinh và Phục Sinh người ta lại có dịp nghe được tác phẩm tuyệt trác để đời.
Anh chị em thân mến!
Người ta thường ví sự chào đời của một tác phẩm với sự cưu mang, cũng như một người mẹ mang nặng đẻ đau thì nhà nhạc sĩ cũng cưu mang ý tưởng để rồi với không biết bao nhiêu nhọc công và cố gắng, tác phẩm mới được chào đời. Hơn bất cứ ai trong trường hợp nào, tiếng khóc Ðấng Cứu Thế đã được nhạc sĩ Hallmen cưu mang để rồi sinh ra với muôn nghìn đớn đau của ông. Hơn ai hết, chính khi cảm nghiệm được thế nào là sự bỏ rơi để có thể diễn tả được tâm tình ấy, đúng hơn ông đã để cho chính sự bỏ rơi của Chúa Giêsu được nhập thể trong tâm hồn ông, nên một với nỗi lòng của ông.
Tin Mừng hôm nay có lẽ cũng mời gọi chúng ta hãy cưu mang những tâm tình ấy. Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với chúng ta hai tước hiệu tóm gọn với tước hiệu Nhập Thể: "Chúa Giêsu vừa là Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian vừa là Con Thiên Chúa". Chúa Giêsu, Người là Ðấng Cứu Thế bởi vì Ngài vừa là Con Người, vừa là Thiên Chúa. Ðó là mầu nhiệm trọng đại mà chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm trong suốt Mùa Giáng Sinh này. Thiên Chúa đã trở thành một con người, Thiên Chúa đã sống trọn vẹn kiếp sống của con người, Thiên Chúa đã từng cảm nghiệm được những niềm vui nỗi khổ của con người và cuối cùng Ngài đã chết như một con người.
Ðó là tất cả những gì chúng ta có thể nói khi suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể. Mầu nhiệm Nhập Thể một cách nào đó cũng được hiểu qua cuộc sống của người tín hữu. Thánh Phaolô đã diễn tả tuyệt hảo chân lý đó khi Ngài nói: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Ðể cho Chúa Giêsu sống trong chúng ta, có nghĩa là kết hiệp với Ngài qua các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Ðể cho Ngài sống trong chúng ta có nghĩa là trong từng tâm hồn, từ những suy nghĩ và hành động, chúng ta luôn mặc lấy chính tâm tình của Ngài. Một cách cụ thể trong mỗi một phút giây, người tín hữu nên một với Ðức Kitô đến độ luôn tự hỏi: Nếu Ðức Kitô là tôi thì trong giây phút này đây Ngài sẽ làm gì, suy nghĩ gì và hành động như thế nào?
Nguyện cho Ðấng đã sinh ra cách đây 2,000 năm cũng sinh lại trong tâm hồn chúng ta để chúng ta cùng được lớn lên với Ngài và đạt được tầm mức viên mãn của Ngài. Amen.
 (Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 3 tháng 1 GS

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta nhiệt thành làm chứng cho Ngài.

            Dựa vào câu tục ngữ: “Con cái nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh,” người ta có thể biết bố mẹ của một người tốt hay xấu. Người con có thể làm vinh danh cha bằng những việc tốt lành hay làm ố danh cha bằng những việc tội lỗi.
            Các Bài đọc hôm nay tập trung vào bổn phận phải làm vinh danh Thiên Chúa của các Kitô hữu. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan nhắc lại cho các tín hữu họ đã trở thành con Thiên Chúa, và bổn phận của họ phải trở nên giống Thiên Chúa bằng đời sống thánh thiện và tinh tuyền, và bằng cách tránh xa tội lỗi. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả làm gương cho chúng ta về bổn phận làm chứng cho Thiên Chúa bằng lời nói cũng như trong cách sống theo sự thật.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I:
             1.1/ Người Kitô-hữu trở thành con Thiên Chúa bằng niềm tin vào Đức Kitô: Thánh Gioan đã nói rõ ràng trong Tin Mừng của ngài, chương 1: “Tất cả những ai tin vào Đức Kitô, Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa” (Jn 1:13). Ở đây, ngài nhắc lại điều này: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” Cũng trong chương đầu tiên đó, Chúa Giêsu đã đến nhà các gia nhân Người, nhưng các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người (Jn 1:11), Vì thế, mặc dù sự thật “chúng ta là con Thiên Chúa,” nhưng thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.
            Nhìn thấy Thiên Chúa như Thiên Chúa là, hay “diện đối diện,” là niềm mong mỏi của các Kitô hữu; nhưng để đạt được ước mong này, người Kitô hữu phải sống thanh sạch, vì chỉ có những ai thanh sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa (Mt 5:8). Con người tội lỗi chỉ có thể trở nên thanh sạch nhờ Đức Kitô, Ngài tẩy trừ con người khỏi tội và ban ơn thánh hóa để con người có thể trở nên công chính và được nhìn thấy Thiên Chúa.

            1.2/ Làm vinh danh Chúa bằng cách tránh xa tội lỗi: Thánh Gioan cũng suy luận giống như Thánh Phaolô về sự liên hệ giữa Lề Luật với tội lỗi, và vai trò của Đức Kitô trong việc xóa bỏ tội lỗi và làm cho con người trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Ngài nói: “Phàm ai phạm tội thì cũng chống lại luật Thiên Chúa, vì tội lỗi chống lại luật Thiên Chúa. Thế mà anh em biết: Đức Giêsu đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi. Phàm ai ở lại trong Người thì không phạm tội. Còn ai phạm tội thì đã không thấy Người, và cũng chẳng biết Người.”

2/ Phúc Âm: Hai lời chứng của Gioan Tẩy Giả về Đức Kitô:
            2.1/ Lời chứng thứ nhất của Gioan: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”: Chỉ trong một câu làm chứng ngắn ngủi, Gioan đã mặc khải cho con người biết sứ vụ chính yếu của Chúa Giêsu khi đến trần gian: Ngài phải hy sinh chịu sát tế để đền tội cho con người. Ba hình ảnh “Con Chiên” của Cựu Ước là nền tảng của “Chiên Thiên Chúa” mà Gioan nói tới hôm nay:
            (1) Con Chiên Vượt Qua: Trước biến cố Xuất Hành của Do-Thái ra khỏi Ai-Cập, mỗi gia đình phải sửa sọan giết một con chiên, và lấy máu của nó bôi trên cửa ra vào. Đêm đó, các thiên thần được lệnh đi tàn sát tất cả các con đầu lòng của người Ai-Cập. Gia đình nào có máu bôi trên cửa, các thiên thần sẽ đi ngang qua và không tàn sát con trẻ đầu lòng trong đó (Exo 12:11-13). Biến cố Vượt Qua này luôn được coi là hình ảnh báo trước Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, Chiên Thiên Chúa (Jn 2:13).
            (2) Con dê của Ngày Xá Tội: Trong Ngày này, dân chúng sẽ chuẩn bị 2 con dê để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ xá tội cho con người. Một con sẽ được các tư tế, sau khi cầu nguyện và đặt các tội của dân trên vai nó, phóng thích cho chạy vào sa mạc cho quỉ Azazel. Một con sẽ bị giết và lấy máu của nó rảy trên dân chúng (Lev 16:7-30).
            (3) Con chiên sát tế trong Đền Thờ: Mỗi sáng và chiều trong Đền Thờ Jerusalem, các người phục vụ trong đó phải sát tế một con chiên một tuổi để làm lễ vật hy sinh xóa tội cho con người theo Luật ấn định (Exo 29:38-42).
            “Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi”: Chúa Giêsu trong thân phận con người, tuy ra đời sau Gioan, nhưng Ngài có trước từ đời đời trong bản tính Thiên Chúa. Không phải Chúa Giêsu chỉ có trước, nhưng Ngài quan trọng và uy quyền hơn Gioan gấp bội, vì Ngài mang trong mình uy quyền của Thiên Chúa. Gioan nói rõ nhiệm vụ của mình là chuẩn bị đem mọi người tới Thiên Chúa: Gioan không là gì cả, nhưng Đức Kitô là mọi sự. Vì thế, khi gặp được Đức Kitô, Gioan chỉ và ra lệnh cho 2 môn đệ của ông đi theo Đức Kitô, ông không giữ lại cho mình điều gì cả.
            Đây phải là bài học cho con người: không phải ai sinh sau hay đến sau cũng thua người sinh hay đến trước, không phải cha mẹ là luôn hơn con cái, vì “con hơn cha là nhà có phúc.” Điều quan trọng là con người phải biết tôn trọng sự thật; và người có tài hơn không phải để kiêu căng, hống hách, nhưng phải biết khiêm nhường và phục vụ những người kém tài hơn mình.

            2.2/ Lời chứng thứ hai của Gioan: “Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”
            Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa cho thấy thị kiến Thánh Thần hiện xuống tựa chim bồ câu khi ông làm Phép Rửa cho Chúa Giêsu trong sông Jordan. Bên Palestine, chim bồ-câu là chim thánh; con người không được săn và không được ăn chim bồ câu. Các Rabbi thường nói Thánh Thần di chuyển và bay lượn như chim bồ câu trên những vùng hoang dã vô trật tự thuở xa xưa để thở sinh khí vào và mang trật tự cùng huy hòang cho nó (Gen 1:2). Thánh Thần hiện xuống và ở lại trên Đức Kitô khi Ngài chịu Phép Rửa để mang quyền năng và chuẩn bị cho Ngài trong sứ vụ rao giảng sắp tới. Với thị kiến này, Gioan không còn nghi ngờ gì nữa, ông chứng thực Đức Kitô chính là Người được Thiên Chúa tuyển chọn để mang Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa tới thành công.
           
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
            - Tất cả chúng ta là con cùng một Cha trên trời; nhiệm vụ của chúng ta là lo chung một mối lo âu với Cha là làm sao cho tất cả nhân lọai tin vào Đức Kitô, Người luôn luôn làm theo ý Chúa Cha, để được sống muôn đời.
            - Để đạt được mục đích này, chúng ta phải gạt bỏ mọi ghen tị và ham muốn quyền lực, để cùng nhau lo việc của Cha trên trời. Khi thấy người khác có tài lôi kéo mọi người về với Chúa, chúng ta phải vui mừng và cộng tác với họ để Nước Chúa càng ngày càng mở rộng.
            - Chúng ta càng ngày càng phải nhỏ đi thì Chúa mới càng ngày càng lớn lên được, trước là trong ta, và sau đó đến mọi người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét