Việc giải thích trong các ngành chuyên môn (3)
VRNs (30.10.2012) – Hà Nội – Một câu chuyện vui kể rằng có một cô gái kia đến gặp một bác sĩ để nhờ đọc hộ lá thư của người yêu. Bác sĩ ngạc nhiên hỏi: “Cô không biết chữ sao?” Cô gái đáp: “Em biết chữ nhưng đọc không hiểu lá thư viết gì vì người yêu em cũng là bác sĩ.” Dĩ nhiên đây chỉ là một câu chuyện vui nhưng câu chuyện này phần nào cho thấy một thực tế là các bác sĩ hiểu các hạn từ và vấn đề chuyên môn trong ngành y dễ hơn người ngoài ngành.
Theo John H. Hayes và Carl R. Holladay, trong văn hóa chúng ta cũng có những loại tài liệu và văn chương đòi phải có những kỹ năng chuyên nghiệp mới hiểu được. Thật vậy, không phải chỉ có trong lãnh vực Kinh Thánh, nhưng trong xã hội cũng có những nghề nghiệp chuyên biệt tập chú vào việc chú giải và giải thích các bản văn. Nhu cầu này xuất phát từ chính bản chất của các bản văn cũng như việc chúng sử dụng các hạn từ và nội dung chuyên môn. Các nghề nghiệp trong ngành luật, các luật sư và thẩm phán chẳng hạn, phải dành nhiều thời gian cho việc chú giải luật và các bộ luật cũng như nghiên cứu lịch sử giải thích và áp dụng các luật đó. Một người không học ngành luật sẽ “bó tay” khi đọc các tài liệu về luật pháp.
Vì vậy, trong dòng lịch sử, con người đã cố gắng đưa ra những phương tiện cần thiết để giải thích bản văn. Những phương tiện này thay đổi khác nhau tùy theo bản chất của bản văn cũng như mối tương quan của bản văn với tình trạng thông tin thời bấy giờ. Một số bản văn đọc là hiểu ngay, ví dụ thông báo tăng giá xăng, giá điện. Các bản văn khác thì đòi hỏi phải phân tích rất chi tiết, ví dụ văn bản hướng dẫn quy trình hoạt động của nhà máy điện hạt nhân. Một số bản văn dùng ngôn ngữ, văn phạm, cấu trúc thông thường hằng ngày, ví dụ thông báo “Thầy T. bệnh. Hôm nay lớp được nghỉ.” Số khác sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ và biểu tượng, ví dụ câu thơ trong Truyện Kiều “Đầu xanh có tội tình gì.” Số khác tìm cách sử dụng ngôn từ để giới hạn phạm vi của ý nghĩa cũng như mức độ có các giải thích và hiểu lầm khác. Một số bản văn tìm cách thuyết phục, ví dụ tờ rơi quảng cáo bán sản phẩm nào đó. Số khác chỉ thông tin gì đó, ví dụ thông báo giờ cơ quan làm việc. Một số bản văn nhắm giải trí, ví dụ chuyện cười. Số khác nhắm khơi lên sự đáp trả và hành động nào đó, ví dụ “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Hưng Đạo.
Nhìn chung, mức độ dễ hay khó trong việc giải thích các bản văn, và cả thông tri truyền khẩu, tùy thuộc vào hai yếu tố căn bản sau:
1. Thế giới đàm thoại và kinh nghiệm chung giữa người gửi (hạn như người nói, tác giả, hoặc người biên tập/sưu tập) và người nhận (hạn như người nghe hoặc người đọc). Người gửi và người nhận càng gần nhau trong thế giới đàm thoại và kinh nghiệm chung thì càng dễ hiểu nhau, càng xa nhau trong thế giới đàm thoại và kinh nghiệm chung thì càng khó hiểu nhau. Khi hai người nói chuyện hoặc viết thư cho nhau bằng cùng một ngôn ngữ thì gặp rất ít vấn đề về giải thích. Việc thông tri giữa họ thật xuôn sẻ. Nhưng nếu họ có những kinh nghiệm khác nhau, sử dụng những kiểu thông tri khác nhau thì họ sẽ khó hiểu nhau. Ví dụ một người Việt Nam với một người Hoa Kỳ, người nông thôn với người thành thị,… Cũng vậy, những chia sẻ, tâm sự, đau khổ, mơ ước, comment, thậm chí “ném đá” nhau trên internet giữa các teen thế hệ Y hôm nay thì chỉ các teen hiểu được, còn thế hệ 7x (híc híc quá già như tôi!) thì nhiều phen cũng “bó tay!” Nhiều khi tôi không thể hiểu hiểu ý các teen muốn nói gì khi nói và viết như vậy, ví dụ: “Xoắn!” Thời chúng tôi không nói hoặc viết như vậy. Khi viết những dòng này, tôi cũng tự nhủ nỗi lòng ai có “chia sẻ cùng một bầu trời tư tưởng và kinh nghiệm” mới hay! Cũng vì vậy trong xã hội và các gia đình mới xảy ra tình trạng “nói ít hiểu nhiều, nói hoài không hiểu!”
2. Mối liên hệ giữa nội dung và hình thức diễn đạt, giữa việc thông tri và hình thức diễn đạt. Ví dụ những lá thư hoặc email gia đình có hình thức khác với lá thư hoặc email của các chuyên viên kỹ thuật hướng dẫn chu trình hoạt động của máy bay. Lá thư gia đình sẽ có cách diễn đạt tự do hơn, không cần thứ tự trang trọng, ngôn ngữ tình cảm hơn, nhắc nhiều đến kỷ niệm chung hơn, nói chung là dễ giải thích, dễ hiểu, không cần nhiều công sức hoặc chuyên môn. Còn những lá thư về chuyên môn, hạn như của kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật, thì ngôn ngữ phải chính xác, thứ tự thao tác phải chuẩn, đòi hỏi người nhận phải giải thích cách chuyên nghiệp, cẩn thận, bằng không sẽ nguy hiểm vô cùng, thay vì hạ cánh lại giải thích là cất cánh thì “tiêu.” Cũng vậy, một bài luận về vẻ đẹp của chiếc áo dài Việt Nam sẽ ít vấn đề cho giải thích hơn so với bài luận về ảnh hưởng của chế độ phong kiến trên đời sống người Việt thế kỷ 19.
Nhìn chung, trong xã hội có những ngành đòi hỏi sự giải thích chuyên nghiệp do bản chất đặc biệt của bản văn như vừa kể trên. Trong Hội Thánh cũng vậy. Bản văn có bản chất đặc biệt, độc nhất vô nhị, đó là Kinh Thánh. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng hơn bản chất đặc biệt của Kinh Thánh ở các bài sau. Ngành giải thích các bản văn Kinh Thánh một cách chuyên nghiệp và khoa học được gọi là “exegesis” (chú giải). “Exegesis” có gốc từ Hy Lạp “exegeomai” (“rút ra”). Khi áp dụng vào bản văn, “exegesis” bao hàm việc “đọc cho ra ý nghĩa của bản văn.” Vì vậy, “exegesis” có thể bao hàm “giải thích” hoặc “diễn giải.” Trong văn kiện “Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh” (1993), Ủy ban Kinh Thánh Giáo Hoàng thường dùng “exegesis” hoán đổi với “giải thích.” Tuy nhiên, một cách truyền thống, “exegesis” thường ám chỉ việc nghiên cứu bản văn Kinh Thánh cách khoa học và chuyên môn. “Exegesis” cũng nhắm đến những môn học nghiên cứu ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh. Nhìn chung, “exegesis” là việc giải thích ý nghĩa của một bản văn Kinh Thánh như các độc giả ban đầu hiểu bản văn đó, do đó có tính khách quan. Ngược với “exegesis” là “eisegesis” (“đưa ý của mình vào bản văn”), do đó có tính cách chủ quan.
Tuy nhiên, “exegesis” không phải là độc quyền của các nhà chú giải Kinh Thánh. Như đã nói ở bài trước, việc giải thích cũng là hoạt động thường ngày của mọi người. Bất cứ khi nào chúng ta đọc một bản văn hoặc nghe một tuyên bố và chúng ta “tìm cách hiểu và giải thích” thì chúng ta đang làm một “exegesis” rồi. Vì thế, nếu được trình bày rõ ràng thì mọi tín hữu đều có thể tiến hành “exegesis” Kinh Thánh. Điều này không chỉ đơn giản mà thật sự còn thú vị nữa.
Lm. JM. Mười Một, CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét