Trang

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Giải thích Kinh Thánh kiểu “tự sát” (14)


Giải thích Kinh Thánh kiểu “tự sát” (14)



VRNs (15.01.2013) – Hà Nội – Có người hài hước về chữ “Tử” như sau: Bị mái nhà sập đè chết gọi là… Tôn tử. Bị người khổng lồ giết chết thì gọi là… Khổng tử. Đang đọc báo mà chết thì là… Báo tử. Té từ trên trời xuống chết thì gọi là… Thiên tử. Nóng nực mà chết thì gọi là… Bức tử. Tinh nghịch quá bị chết gọi là… Nghịch tử. Điện giật mà chết gọi là… Điện tử. Bị chấy rận cắn chết gọi là… Chí tử. Bị đánh bầm dập mà chết gọi là… Nhừ tử. Chết một cách lãng xẹt gọi là… Lãng tử. Chúng tôi xin thêm: Và đọc Kinh Thánh lối duy văn Tự gọi là… “Tự tử.” Tại sao?
Văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh (VGTKTTHT)[1] gọi lối đọc Kinh Thánh duy văn tự (fundamentalism) là “nguy hiểm” và “tự tử” về tri thức. Có thể nói căn bản như sau: Dù có “ý ngay lành” là muốn trung thành với Kinh Thánh, nhưng vì không chấp nhận những mầu nhiệm linh hứng Kinh Thánh và Nhập Thể cũng như bám chặt vào một ý niệm sai lạc về Đấng Tuyệt Đối, nên chủ trương duy văn tự hiểu Kinh Thánh theo sát mặt chữ, khẳng định rằng Kinh Thánh rõ ràng và đơn giản, do đó không cần bất cứ sự giải thích hoặc nỗ lực nghiên cứu tri thức nào để hiểu rõ ý nghĩa của Kinh Thánh. Trường phái này cũng nhìn Kinh Thánh như phương thế độc nhất để đạt đến chân lý, không coi trọng Hội Thánh và các Bí tích.
Theo văn kiện VGTKTTHT, hiện nay, ngày càng có nhiều người trong các nhóm tôn giáo và giáo phái cũng như người Công giáo đọc Kinh Thánh theo lối này.[2] Sau đây là “dung mạo” và những khiếm khuyết của lối đọc Kinh Thánh duy văn tự:
Ơn linh hứng và giải thích sát mặt chữ  
Lối đọc Kinh Thánh duy văn tự khởi đi từ nguyên tắc cho rằng Kinh Thánh vì là Lời Thiên Chúa, đã được linh hứng và không vướng sai lầm, nên phải được đọc và giải thích sát chữ trong mọi chi tiết.[3] Nhưng “giải thích sát chữ” ở đây hiểu là một cách giải thích sơ đẳng, cứ mặt chữ, nghĩa là loại bỏ bất kỳ cố gắng nào nhằm tìm hiểu Kinh Thánh mà có để ý đến nguồn gốc lịch sử[4] và sự phát triển của Kinh Thánh.[5] Như thế lối giải thích này đi ngược lại việc sử dụng phương pháp phê bình lịch sử,[6] cũng như bất cứ phương pháp khoa học nào nhằm giải thích Kinh Thánh.[7]
Cho dù lối giải thích này có lý khi nhấn mạnh đến ơn linh hứng của Kinh Thánh, sự vô ngộ của Lời Chúa, cũng như các chân lý khác của Kinh Thánh được gói ghém trong năm điểm căn bản,[8] nhưng cách trình bày các chân lý này lại bắt nguồn từ một ý thức hệ phi Kinh Thánh, bất chấp những người chủ trương lối tiếp cận này nói là có. Bởi vì ý thức hệ này đòi phải không ngừng theo những quan điểm có tính cách giáo điều, cứng ngắc, và áp đặt một cách đọc Kinh Thánh chối bỏ mọi thứ tra vấn và mọi nghiên cứu có tính cách phê bình, như thể đó là nguồn giáo huấn độc nhất liên quan đến đời sống Kitô giáo và ơn cứu độ.[9]  
Nguyên tắc khiếm khuyết trên đây đã dẫn đến những hệ luận khác. Xin xem bài sau.
LM. JM. Mười Một, CSsR



[1] Nội dung bài này trích từ văn kiện VGTKTTHT (bản dịch Việt ngữ không ghi dịch giả). Để tiện theo dõi, chúng tôi xin tạm đặt những tựa đề nhỏ, dù các ý tưởng có phần đan xen nhau. Nội dung của các chú thích chủ yếu theo Peter S. Williamson. Các tác giả khác thì sẽ nêu từng trường hợp.
[2] Theo văn kiện, lối đọc Kinh Thánh duy văn tự đã lan tràn nhiều nơi trên thế giới. Các tín hữu Việt Nam có lẽ cũng nên quan tâm vấn đề này sớm. Cha Raymond E. Brown đã đưa ra tám (8) đề nghị để đối phó với nhóm chủ trương lối đọc này. Xin xem Kinh Thánh, Trả Lời 101 Câu Hỏi, Trần Hùng Lân, SJ. dịch.
[3] Nội dung chú thích này trích từ Handbook for Lay Readers của Peter Schineller, SJ., Công Tùng, SJ. dịch. Từ đây xin viết tắt là “Peter Schineller, SJ.” Những người theo trường phái duy văn tự tuyên bố rằng họ nói về Kinh Thánh chân thật nhất, trung thành nhất. Họ dường như đọc Kinh Thánh theo nghĩa mặt chữ. Để chứng minh tuyên bố trên là hoàn toàn bất khả thi, phiến diện, chúng ta hãy liệt kê một số đoạn Kinh Thánh mà mọi Kitô hữu, cho dù họ theo trường phái duy văn tự hay không, đều cảm thấy khó hiểu. Rõ ràng ngày nay, người Kitô hữu không theo sát những lời thánh Phaolô nói về vấn đề nô lệ, hoặc sẽ không chặt đứt tay phải của chúng ta nếu nó làm cớ vấp phạm: “Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục” (Mt 5,30), “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại” (Lc 6,29-30), “Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy, hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng” (1Tm 2,12),…
[4] Ngành giải thích Kinh Thánh Công giáo, trái lại, nhấn mạnh khía cạnh lịch sử trong việc đọc hiểu Kinh Thánh. Khía cạnh lịch sử giúp các Kitô hữu tránh hai thái độ cực đoan: (1) Thái độ cực đoan phủ nhận hoặc hiểu sai khía cạnh lịch sử của linh hứng Kinh Thánh, như lối đọc Kinh Thánh duy văn tự chẳng hạn, như nói ở đây và xin xem thêm những đoạn nói về ngôn ngữ và khoa học lịch sử. Thái độ cực đoan này hiểu theo mặt chữ tất cả những gì liên quan đến những biến cố lịch sử hoặc những chân lý được giả thiết là có tính khoa học trong Kinh Thánh. Thật ra, cả hai lối đọc Kinh Thánh của Công giáo và duy văn tự giống nhau ở chỗ nhấn mạnh bản văn Kinh Thánh mang chứng từ về một thực tại lịch sử. Nhưng khác nhau ở chỗ là Công giáo cũng còn nhấn mạnh việc giải thích bản văn đó dưới ánh sáng lịch sử, những hình thức văn chương của Kinh Thánh, và nhờ đó mà có thể giải thích Kinh Thánh cách rõ rảng hơn, (2) Thái độ cực đoan cho rằng bản văn Kinh Thánh không thể giúp chúng ta đạt đến thực tại mà bản văn Kinh Thánh muốn chuyển cho chúng ta. Thái độ cực đoan này tập trung hoàn toàn vào cấu trúc câu chữ trong bản văn mà thôi, hạn như phương pháp phân tích ký hiệu (semiotic analysis).     
[5] Khía cạnh lịch sử của quá trình hình thành và phát triển của bản văn Kinh Thánh sẽ được bàn riêng ở một mục sau.      
[6] Văn kiện VGTKTTHT dạy rằng phương pháp phê bình lịch sử đóng vai trò “không thể thiếu” để có thể hiểu ý nghĩa Kinh Thánh. Phương pháp này đặt căn bản trên niềm tin vững chắc vào đặc tính lịch sử của mạc khải Kinh Thánh. Mặc dù KinhThánh không phải là một cuốn sách lịch sử theo nghĩa hiện đại và có chứa đựng những văn thể hạn như thơ ca, ngôn ngữ biểu tượng và tưởng tượng, thì Kinh Thánh vẫn mang chứng tá về một thực tại lịch sử, nghĩa là những hành động cứu độ của Thiên Chúa đã xảy ra trong quá khứ và vẫn còn có những hệ luận cho con người hôm nay. Vì vậy, các tín hữu cần đọc Kinh Thánh trong bối cảnh văn hóa lịch sử khi nó ra đời để có thể hiểu ý nghĩa sứ điệp của nó cho con người thời bấy giờ, cũng như cho chính mình hôm nay. Tuy vậy, dù nhấn mạnh khía cạnh lịch sử, các tín hữu cũng không theo não trạng “duy sử” hẹp hòi, vốn chỉ chấp nhận những phân tích lịch sử khách quan, mà chối bỏ khía cạnh mầu nhiệm siêu việt của Kinh Thánh, hoặc coi kiến thức lịch sử là đủ để hiểu Kinh Thánh. Không phải. Phương pháp phê bình lịch sử không đủ. Các tín hữu cũng còn cần cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, cùng với Hội Thánh khi cử hành phụng vụ, các anh chị em mình,… Nói chung, các tín hữu cần tôn trọng cả hai: khía cạnh lịch sử và khía cạnh mầu nhiệm siêu việt. Không thể thiếu một trong hai.
[7] Vì vậy, “fundamentalism” chỉ đơn giản là một lối/cách đọc Kinh Thánh và được dịch sang tiếng Việt là “chủ trương bảo thủ” hoặc “duy văn tự.” Vì không chấp nhận giải thích Kinh Thánh theo phương pháp, nên “fundamentalism” không được xếp vào nhóm các phương pháp và lối tiếp cận để giải thích Kinh Thánh.
Peter Schineller, SJ. đưa ra những ví dụ cho thấy phương pháp giải thích là điều cần thiết đối với những bản văn khó hiểu và có vẻ không nhất quán. Ai giết Go-li-át? Đa-vít (x.1Sm 17) hay En-kha-nan (x. 2Sm 21,19)? Chúa Giêsu muốn nói gì khi dạy chúng ta phải “ghét cha mẹ”? Những người theo trường phái cực đoan nghĩ rằng họ có những câu trả lời thật đơn giản cho những vấn đề này, trong khi thật ra phải nghiên cứu văn hóa Sêmít cổ xưa mới hiểu đúng ý nghĩa của từ “ghét” này. Văn hóa chúng ta hôm nay và người Sêmít cổ rất khác nhau. Tương tự như thế còn có những đoạn Kinh Thánh khó hiểu khác nữa cũng cần phải nghiên cứu tìm hiểu kỹ lưỡng mới hiểu đúng được.
Văn kiện VGTKTTHT nói chính Kinh Thánh chứng nhận việc đọc hiểu Kinh Thánh không phải là điều dễ dàng. Ngoài những bản văn sáng sủa, Kinh Thánh còn có nhiều đoạn tối nghĩa. Khi đọc một số bản văn sấm ngôn của ngôn sứ Giêrêmia, ông Đanien đã phải suy nghĩ lâu để xem ý nghĩa của những sấm ngôn đó là gì (x. Đn 9,2). Sách Công vụ 8:30-35 ghi lại trường hợp một viên thái giám người Êthióp không thể hiểu sách ngôn sứ Isaia ông đang đọc. Thư 2 Phêrô nói rõ là “không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh” (2Pr 1,20). Đàng khác, thư ấy còn quả quyết rằng trong các thư của tông đồ Phaolô “có những chỗ khó hiểu, những chỗ ấy cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy họa diệt vong” (3,16).
[8] Năm điểm căn bản đó là: 1) Thần tính của Chúa Giêsu, 2) Chúa Giêsu sinh ra từ Đức Maria đồng trinh, 3) Sự cứu chuộc ngang qua cái chết hiến tế của Đức Giêsu, 4) Thân xác của Chúa Giêsu phục sinh và 5) Việc Chúa Giêsu lại đến trong ngày sau hết.
[9] Chỉ gói gọn trong năm điểm căn bản nêu trên, trường phái này không đề cập gì đến Hội Thánh, Công Đồng, các tín điều, như Chúa Ba Ngôi chẳng hạn, hay các bí tích vốn là những điều quan trọng đối với người Công giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét