Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

KHI LỜI BỪNG CHÁY XVIII



KHI LỜI BỪNG CHÁY
XVIII
NHỮNG PHỤ ÂM NẢY LỬA

Lectio divina phải lặp lại cho chúng ta kinh nghiệm của Bụi Gai cháy rực: những từ trong Kinh Thánh, như đá lửa chạm nhau liên lỉ, luôn bừng ra ánh lửa mới .    (    “Không bao giờ Thần Khí để cho mặt chữ diễn tả mình được nằm yên. Trái lại, Thần Khí khơi dậy trong mặt chữ những ý nghĩa mới”, E. Levinas, Quatre lectures talmudiques.)   
Sách Thánh là một cuốn sách của những tia lửa. Thiên Chúa của chúng ta là “một ngọn lửa đốt cháy” (Đnl 4, 24). Nên khi đọc Kinh Thánh, ta phải nhìn ra được ngọn lửa của Thần Khí đốt cháy, đốt cháy mà không thiêu hủy, nhìn ra được cách phát âm từ miệng Thiên Chúa, và trước cảnh tượng những phụ âm nảy lửa, ta sẽ cùng đồng thanh với Mô-sê, đầy tính hiếu kỳ: “Ta phải đến xem” (Xh 3, 3). Chữ viết phải được tô nét vàng bằng “đất thánh”, nơi mà ta chỉ tiến vào được khi cởi bỏ giầy dép ra khỏi chân ( x. Xh 3, 5).
Là Trải nghiệm vẫn luôn mãi hiện thực của Bụi Gai cháy rực và núi Sinai, Lectio divina cũng còn là trải nghiệm của đỉnh Ta-bô-rê: đó là cuộc hiển linh của Đức Ki-tô. Khi việc đọc Sách Thánh của ta luôn được phát xuất từ cầu nguyện và lại sẵn sàng trở về với cầu nguyện (x. Lc 9, 29), nó sẽ được kiện toàn dưới “đám mây sáng rực” của Thần Khí (x. Mt 17, 5), ánh mắt của ta không dừng trên những chữ viết, mà trên một Gương Mặt. Đối với chúng ta, nếu hướng về gương mặt Đức Ki-tô, thì “tấm khăn phủ” sẽ được cất đi, và ta đọc được “khuôn mặt trần” như trong “tấm gương vinh quang của Chúa”, là chính Kinh Thánh (x. 2 Cr 3, 15-17). Lúc ấy, đoạn văn là chính khuôn mặt Đức Ki-tô cho chúng ta. Và trong trải nghiệm “hiển dung” của chữ viết là Lectio divina, thì trọn Văn Bản Kinh Thánh – Lề Luật, các Ngôn Sứ, và Thánh vịnh – bắt đầu “đàm đạo” (x. Lc 9, 30: Mô-sê và Ê-li-a) với khuôn mặt trung tâm là Đức Ki-tô. Và các vị “đàm đạo” với nhau về Biến Cố trọng tâm của Mạc Khải là cuộc “xuất hành”, Vượt Qua của Thầy Giê-su và của chúng ta nữa.
Ta có thể gọi “hiển dung” của chữ viết, vì Kinh Thánh cũng nằm trong kế hoạch “Nhập Thể”, và vì thế thông dự vào những đặc tính của Ngôi Lời Nhập Thể , vào sự hạ mình và vinh quang của Ngôi Lời. Qua việc hạ mình của chữ viết, cũng như qua thân phận con người của Thầy Giê-su, chúng ta vào trong vinh quang của Ngôi Lời, của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Trong ‘vụ xử’ người phụ nữ ngoại tình, theo trình thuật của Gio-an, “Đức Giê-su cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất” (Ga 8, 6). Trong những nét vẽ bí ẩn của Thầy, chúng ta không thể nhìn như một hình ảnh của Sách Thánh được viết ra cho chúng ta bởi Ngôi Lời, trong cùng một động tác của sự hạ cố đã khiến Ngôi Lời mặc xác phàm sao? Khi Thần Khí vén mở cho chúng ta ý nghĩa giấu ẩn dưới chữ viết, thì Kinh Thánh, như “áo choàng của Ngôi Lời” , bắt đầu rực sáng như áo và da thịt của Đức Ki-tô. “Chiếc áo dài không có đường may” của Thầy Giê-su (Ga 19, 23) là sự đồng nhất của Kinh Thánh; là những nét vẽ của lòng Thương Xót Chúa trên mặt đất của chúng ta (Ga 8, 6), chính là sự hạ mình của Kinh Thánh.
Đây chính là những Phụ-âm-thánh cho chúng ta; Ta đã có dịp so sánh chúng với những khối xương khô của Ê-dê-ki-en: chúng nào không phải là những khúc xương của Chiên Con, mà “người ta sẽ không đánh giập một cái nào” đó sao? (x. Ga 19, 36; Xh 12, 46).
Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét