100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 34
THƯƠNG LINH HỒN BẢY MỐI (TIẾP)
Sách Kinh Thánh kỳ trước thuật
chuyện tiên tri Yô-na bỏ trốn sứ vụ rao giảng, hôm nay, Kinh Thánh cho ta nghe
chuyện ơn kêu gọi làm tiên tri của Ysaia. Ngược với Yô-na, Ysaia lại tự dâng
mình đi rao giảng cho dân.
Trích sách Tiên
tri Ysaia, ch.6
Tiên tri Ysaia kể rằng: “Lối năm
-742, Vua Ô-zy-a chết, tôi đã được thấy Thiên Chúa: Người ngự trên ngai cao
thẳm, hoàng bào của Người xoà lấp Đền Thờ. Chung quanh Người có những thần
Sê-ra-phim chầu hầu, mỗi vị có sáu cánh: hai cánh phủ mặt (kẻo trông thấy Thiên
Chúa uy nghi mà phải chết), hai cánh che mình, hai cánh còn lại để bay (mà đi
thi hành lệnh Chúa). Các vị ấy luôn luôn đối đáp nhau mà tung hô Thiên Chúa
rằng:
- Chúa là Đấng Thánh, Cực Thánh,
ngàn trùng Chí Thánh! Yavê các cơ binh, trời đất đầy vinh quang Chúa!
Tiếng hoan hô, chúc tụng vang rền, làm các cửa Đền Thờ rung rinh và
Đền Thờ nghi ngút khói. Ysaia run sợ than:
- Tôi chết mất, các thiên thần còn
không được nhìn mặt Chúa, mà tôi đã được thấy Người. Tôi là kẻ tội lỗi, môi
miệng đầy nhơ uế!
Bấy giờ, một vị Sê-ra-phim bay đến,
gắp một cục than hồng trên hương án Đền Thờ, đụng vào miệng lưỡi tôi mà nói:
- Lửa hồng này đã tẩy sạch miệng
lưỡi ngươi, tất cả tội lỗi của ngươi được tha.
Ngay đó, tiếng Yavê phán:
- Ta
sẽ sai ai đi rao giảng lời Ta cho dân chúng?
Ysaia
sốt sắng thưa ngay:
- Này
tôi đây! Người cứ sai tôi!
Yavê
phán:
- Vậy
ngươi hãy đi rao giảng cho dân! Nhưng hãy nhớ rằng: đừng ngã lòng, dân này cứng đầu, nó nghe mà không hiểu,
nhìn mà không thấy, chúng không trở lại mà được tha thứ.
Tôi
hỏi:
- Sự
ấy sẽ kéo dài đến bao giờ?
Chúa
đáp:
- Cho
đến khi các thành chúng bị tàn phá tan hoang, nhà không người ở, đất không ai
trồng!...
* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy niệm Lời Chúa
Được
sai, thế là Ysaia đi rao giảng, ông đã trở thành một tiên tri lớn nhất. Mặc dù
dân chúng không nghe, không tin lời giảng, ông cứ thi hành nhiệm vụ, ngày đêm
bất kể, vì nhiệt thành lo phần rỗi linh hồn người ta. Nhiều lúc, thấy dân chúng
và vua quan cứng lòng, chai đá, ông giận run lên, hét những lời đe doạ nẩy lửa.
Lúc khác, thấy trước cảnh tàn phá, thành hoang, đất trống, dân chúng sẽ bị lưu
đầy khốn khổ vì tội lỗi mà không ăn năn hối cải, ông đau đớn thốt lên những lời
than ai oán xé tâm can.
Chúng
ta cũng vậy, mỗi người hãy là một Ysaia khác hiến thân rao giảng Lời Chúa khi
có dịp, tuỳ khả năng và thời giờ của mình, vì vinh quang Thiên Chúa và vì phần
ích thiêng liêng cho người đời.
Trong
tinh thần ấy, ta đọc tiếp các mối thương linh hồn.
Mối thứ ba: Răn bảo kẻ mê muội:
Không
kể tội lỗi, ngày nay còn một khốn khó khác là sự trí khôn mê muội, dốt nát về
tôn giáo, không thông giáo lý. Còn về mặt lương tâm và luân lý thì mù mờ, không
biết cái gì làm được, cái gì không được phép làm: cái này có tội không, cái kia
có tội không? Tỉ dụ: cột buồng trứng có tội không? Ngừa thai là điều làm được
hay bị cấm? Viết lý lịch mà gạch bỏ chữ Thiên Chúa giáo đi có là chối đạo hay
chưa? Mà trong số những người mê muội, họ không phải như thời Ysaia đều cứng cổ
cả đâu! Trái lại, có rất nhiều tâm hồn thiện chí, khao khát biết sự thật. Và có
khi các kẻ mê muội lại chính là người nhà của mình: chồng, vợ, con cháu, Nếu
không noi gương Ysaia, đến khai sáng cho họ hiểu đường lối của Chúa, thì tội
nghiệp biết bao!
Ta hãy
nghe chuyện Phúc Âm: Một hôm, Chúa Giêsu bảo: “Hãy đi ra một nơi hiu quạnh,
thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!” Vậy thày trò lên đò đi đến một nơi vắng vẻ.
Ai ngờ, dò biết được các ngài đến đó, dân từ khắp các làng xóm chung quanh rủ
nhau kéo đến, và còn đến trước các ngài nữa. Vừa lên khỏi đò, Chúa Giêsu thấy
dân chúng đông đảo, thì Ngài chạnh lòng thương xót họ, vì họ như
cừu chiên không có người chăn dắt, dạy dỗ. Và dù mỏi mệt, chưa ăn uống gì, Ngài cũng lên tiếng giảng dạy
cho họ... dạy mãi đến tận chiều, các tông đồ phải đến xin Chúa cho họ giải tán
đi vào thôn xóm xung quanh mua thức ăn. Nhưng hôm ấy, Chúa thương đã làm phép
lạ nuôi họ no nê cả phần xác nữa, bằng việc hoá bánh ra nhiều (Mc 6.30-44).
Sau
Chúa Giêsu, đến lượt các tông đồ cũng vậy, lo chia tay nhau mỗi người một
phương giảng dạy kẻ mê muội, lầm đường lạc lối. Có cái hay là Kinh Thánh thuật
lại việc các giáo dân cũng lo việc dạy dỗ ấy. Như ông A-pô-lô, ông vốn là người
Do thái nên thông thạo Kinh Thánh; sau khi học biết đạo Chúa Giêsu, tâm hồn ông
nồng nhiệt mến Chúa, thương linh hồn, nên dù là giáo dân, ông cũng tìm mọi dịp
giảng dạy về Chúa Giêsu một cách xác đáng. Lại có cặp vợ chồng Pri-ki-la và
A-ki-la, cũng là bạn với Thánh Phaolô, nghe tin ông A-pô-lô như vậy, đã đến gặp
ông và trình bày cặn kẽ hơn về đạo Chúa Kitô... (x. Cv 18.24-28). Ôi, chớ gì xứ
đạo chúng ta ngày nay mà có được một số người, nam nữ, trẻ già như mấy người
ấy, thì thật là phúc lớn!
Mối thứ tư: An ủi kẻ âu lo:
Trong
cuộc sống náo nhiệt ngày nay, nhìn cảnh quần áo chưng diện đúng mốt thời trang,
cảnh ăn uống lu bù quán nọ, tiệm kia, cảnh xô nhau ào ào đi mua sắm đồ đạc,
nhất là những nét mặt hớn hở của những người được thùng đồ tiếp tế ngoại quốc
gửi về..., tưởng chừng ai cũng sung sướng, hạnh phúc. Có nhìn kỹ hơn mới thấy:
con người thường bị bao nỗi buồn bã làm tê liệt tâm hồn. Khỏi cần kể, ai cũng
biết các điều ấy rồi! Đời là bể dâu mà! Mỗi người mỗi cảnh, mỗi đời một cơn đau
: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay !”.
Thánh
Phaolô cũng trải qua nhiều kinh nghiệm đau đớn, nên ông mới nghiệm ra rằng :
“Thiên Chúa là Cha đầy thương xót và là Chúa mọi nguồn an ủi. Người an ủi ta
trong mọi cơn gian truân, khốn khó, ngõ hầu ta có thể an ủi kẻ khác” (2Cr
1.3-4). Cái hay trong câu ấy của Thánh Phaolô là ông đã được kinh nghiệm thấy
trong bao nỗi gian truân, Thiên Chúa đã an ủi và thương xót ông, nên ông mời ta
hãy nhớ lại bao lần trong các khốn khó, đau khổ của đời ta, ta đã nếm được sự
an ủi và thương xót của Chúa, thì ông nói : đến lượt ta, ta cũng hãy an ủi kẻ
đau buồn như vậy. Thiên Chúa an ủi ta, ta đem niềm an ủi ấy biếu cho người
khác, và cứ thế, dòng sông tình yêu chảy xuôi mãi xuống, tràn lan ra...
Nhiều
lúc, đứng trước đau khổ lớn lao tràn ngập tâm hồn của một người, chẳng hạn một
cái chết của người họ yêu thương, ta cảm thấy bất lực, không biết nói lời gì an
ủi - lời nói của ta, thấy nó quá nhạt nhẽo... Lúc ấy, chỉ còn cách: im lặng và
cầu nguyện cho họ: xin Cha là nguồn an ủi đến an ủi họ thay ta. Có một cách
nữa: lấy một vài Lời Chúa hợp tình cảnh mà nâng đỡ tâm hồn họ. Ví dụ, trong
cảnh có người thân chết, lấy lời Chúa dạy về cuộc phục sinh, và Chúa đến lại.
(x. 1Tx 4.18; 5.9-11,14). Cần
nhất đừng để các người âu sầu ở một mình, lẻ loi, cô độc... Khi có thể, ta làm
họ nguôi ngoai bằng cách cứ để họ khóc cho đã; lúc khác, bằng cách xin họ kể cho mình nghe duyên cớ làm
họ buồn, hoặc hỏi xem họ có cần ta giúp đỡ gì không, hoặc tích cực nữa là làm
họ giải trí, quên đi nỗi sầu, chẳng hạn mời họ đi dạo, đi xem phim hay cho mượn
một cuốn truyện hấp dẫn...
Mối thứ năm: Tha kẻ dể ta:
Đây là
một việc thương xót người ta hơn cả: sự tha thứ! Thoạt nghe cũng lấy làm lạ, vì
ta thường nghe giảng dạy: bổn phận phải tha thứ...; còn ở đây lại nói là một sự
thi thố lòng thương xót. Thực ra, cả hai đều đúng, tuỳ người ta xét theo góc
cạnh nào. Trước hết, nếu xét theo góc cạnh Thiên Chúa, thì phải nói chúng ta có
bổn phận phải tha thứ những điều người ta đã xúc phạm đến ta, như chính Chúa đã
tha thứ cho ta muôn vàn tội lỗi. Chính Chúa Giêsu đã lấy một dụ ngôn rất hay mà
giảng về điều đó: Có một ông quan lớn kia, mắc nợ vua một vạn nén vàng (cỡ 100
triệu đồng). Thật là một món nợ khổng lồ! Vì không có để trả, nên nhà vua ra
lệnh bán ông ta cùng vợ con làm nô lệ và tịch thu gia sản để trả nợ. Ông ta quì
xuống, khẩn khoản van xin vua khoan hồng, để ông tìm cách góp nhặt mà trả. Động
lòng thương, Vua thả ông ta, lại còn tha bổng cho cả món nợ. Vài ngày sau, đi
chơi ngoài phố, ông bắt gặp một bạn đồng nghiệp nợ ông vỏn vẹn có 100 đồng. Ông
ta liền túm lấy áo, đè xuống đất quát:
- Nợ
đâu, trả đây!
Người
bạn năn nỉ xin thư thả sẽ trả hết, nhưng ông ta không chịu, bắt bạn bỏ tù cho
đến khi trả xong. Bạn bè thấy ông cư xử tồi tệ quá như vậy, mới kể lại sự việc
cho Vua nghe. Đùng đùng nổi giận, Vua sai bắt ông ta vào triều mà mắng:
- Đồ
bất nhân bất nghĩa! Trẫm đã tha bổng cho ngươi, vì ngươi nài xin trẫm. Há ngươi
không phải thương xót và tha cho bạn ngươi, như trẫm đã thương và tha cho ngươi
sao?
Phán
xong, Vua sai lý hình bỏ tù và hành hạ y cho đến chết. Kể xong dụ ngôn, Chúa
Giêsu kết luận:
- Cũng
vậy, Cha Ta, Đấng ngự trên trời, sẽ xử với các ngươi như thế, nếu mỗi người
không thật lòng tha cho anh em mình (Mt 18.23-33).
Lời
Chúa dạy quá rõ, chẳng cần thêm gì; trong thực tế, chỉ xin nhớ điều này: Nếu
trong lòng ta còn cưu hờn, tích oán bất kỳ ai, người dưng hay người thân trong
gia đình, họ hàng, mà không tha thứ tự đáy lòng, thì ta có đi xưng tội cả chục
lần, các tội ta vẫn không được tha, dù cha giải tội có lầm không biết mà cứ ban
phép giải tội. Nếu đi rước lễ sau đó, lại thêm phạm sự thánh. Mọi việc đọc
kinh, lần hạt, việc lành phúc đức lúc ấy đều vô giá trị trước mặt Chúa. Cách
đây ít năm, có bà kia đi dự khoá Thánh Linh, thấy các người khác được đầy các
ơn lạ lùng: nào vui mừng, bình an, nào nói tiếng lạ có người được Chúa ban ơn
an ủi đến ngây ngất...; còn mình thì cứ trơ trơ ra, lạnh như đá, như đồng. Bà
buồn quá, đến hỏi Cha hướng dẫn khoá cầu nguyện, thì Cha bảo:
- Cố
xét mình xem con còn mắc kẹt gì không?
Về
nhà, bà xét mình: chẳng thấy nợ nần ai, chẳng lấy của ai, không gian tham,
không dâm ô, không bỏ lễ... Mãi vài hôm sau, chợt nhớ mình còn giận chồng, hận
con... Như một ánh sáng bởi trời soi thấu nỗi u ẩn, bà đầy lòng hối hận, ăn
năn, đi xưng tội và quyết lòng tha thứ tất cả. Quả nhiên, hôm sau, lúc giờ cầu
nguyện, bà được Chúa ban xuống cho bà muôn hồng ân, bình an, vui mừng và cho bà
được ân tứ cầu nguyện bằng tiếng lạ nữa. Ôi! Kể sao xiết nỗi vui mừng!
Bây
giờ, ta đứng góc cạnh người đã xúc phạm tới ta mà xét, thì có thể nói: tha thứ
là một việc thi hành lòng thương xót. Vì sao? Hãy xem lại dụ ngôn trên: ông
quan đã cư xử ra sao với người bạn? Thưa: ông bỏ tù bạn! Thế nếu ông tha thứ
thì ông sẽ làm gì? Thưa: sẽ thả bạn ra và tha bổng cho bạn. Vậy đó, chung phải
là thi hành lòng thương xót sao? Phần ta, tha thứ cho người khác, tức cũng như
thả họ ra khỏi tù vậy.
Mối thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta:
Mối
này hơi khác với mối trước. Không còn là chuyện tha thứ, song là nhịn nhục,
nhẫn nại, chịu đựng những cử chỉ, những thái độ, tính nết, lời ăn, tiếng nói
của kẻ khác làm ta khó chịu, đau đớn, khổ sở... Tha thứ thì chỉ đôi khi xảy ra,
chứ nhịn nhục thì xảy ra hàng ngày. Vì đã sống chung thì có đụng chạm. Mỗi
người mỗi tính, mỗi người mỗi ý riêng, quyền lợi riêng, sở thích riêng, nên dễ
va chạm, dễ làm mất lòng nhau. Thánh Phaolô dạy: “Hãy vác gánh nặng của nhau,
và như thế, anh em sẽ giữ trọn luật của Chúa Kitô” (Gl 6.2) - “Hãy chịu đựng
lẫn nhau trong lòng mến, với hết lòng khiêm nhường và hiền từ... Hãy hăm hở duy
trì sự hiệp nhất của Thần Khí, trong sự hoà thuận (Ep 4.2-3) - “Ai có lòng bác
ái thật thì sẽ chịu đựng được mọi sự, bao dung mọi sự, kiên nhẫn trong mọi sự”
(1Cr 13.7). Hãy noi gương Thiên Chúa, vì Kinh Thánh nói: “Bất chấp các tội phạm
trước kia của loài người (kể từ tội của Ađam, suốt bao nghìn năm), Thiên Chúa
vẫn cầm mình nhẫn nại... cho đến thời Người sai Đức Giêsu đến để cứu kẻ nào có
lòng tin” (Rm 3.26). Đó, chính Thiên Chúa cũng phải cầm mình nhẫn nại, vì Người
cũng đau buồn vì tội lỗi loài người lắm chứ! Kinh Thánh cho biết: “Yavê thấy sự
dữ của loài người đã ra nhiều..., suốt ngày họ chỉ mưu tính sự độc dữ. Và Yavê
đã phải đau phiền trong lòng...” (Kn 6.5-6). Thế mà “Ngài đã cầm mình lại,
khoan dung, chịu đựng ta” (Rm 9.22), còn ta, Kinh Thánh ví như “cái bình thịnh
nộ, sẵn chờ hư đi”, nghĩa là ta ví như cái bình chất đầy tội lỗi bên trong, tức
là chứa đầy thịnh nộ của Thiên Chúa, chờ ngày nổ tung tiêu diệt ta hư đi đời
đời. Thế mà, Thiên Chúa đã nhẫn nhịn, chờ ta ăn năn hối cải để được cứu. Đến
lượt ta cũng phải nhẫn nhịn chịu đựng anh chị em ta như thế.
Kể ra
tha thứ hoặc nhịn nhục rất khó. Tại sao? Tại ta nhìn vào ta nhiều quá, ta thấy
ta bị xúc phạm, quyền lợi ta bị thiệt thòi, hoặc vì ta nhìn chằm chằm vào các
lỗi lầm nơi anh chị em khác, càng thấy sai trái, càng thấy thái độ, càng nghĩ
đến lời ăn, tiếng nói xúc phạm của họ, ta càng bừng bừng tức giận,.. Nhưng nếu
ngược lại, ta nhìn lên Thánh giá, Chúa đang chịu đóng đinh giữa vô vàn khổ đau,
Ngài đã thốt lên lời van: “Xin Cha tha thứ vị họ lầm chẳng biết”..., ắt ta sẽ
múc được sức mạnh mà nhịn nhục, chịu đựng và tha thứ cho người đời.
Tích truyện
Người
ta kể chuyện nhạc sĩ Bét-tô-ven, một hôm đi ngang qua nhà kia, từ trong nhà
vẳng ra tiếng nức nở nghe vô cùng não nuột, thương tâm. Dừng lại nghe một lát,
tâm can ông bùi ngùi xúc động. Nhạc sĩ không cầm lòng nổi, ông nhè nhẹ mở cửa
bước vào. Một cảnh tượng buồn thảm hiện ra trước mắt: một bà mẹ trẻ đang khóc
thương trước thi hài đứa con trai độc nhất của bà, đang còn phủ khăn liệm. Nỗi
đau thương bi luỵ ấy, ai có lời nào an ủi nổi. Chợt nhạc sĩ thấy loé ra trong
đầu một sáng kiến. Ông êm ả đến cạnh chiếc đàn organ (phong cầm), nhẹ nhàng
chơi một bản êm đềm, thánh thót: ông để tất cả tâm tình cảm thông vào các phím
đàn, ông muốn nhờ đàn diễn tả tất cả những lời an ủi, mà lời nói không sao tả
được... Tiếng nhạc khi trầm, khi bổng, êm ái, du dương... Và cứ thế, người ta
thấy bà mẹ dần dần vơi buồn, bớt khóc than và khô giọt lệ, đôi mắt bà mẹ nhìn
lên trời với tất cả lòng biết ơn thầm lặng... Rồi nhạc sĩ đậy nắp đàn, êm ả rút
lui, không một tiếng động, để lại trong nhà một bà mẹ, tim bừng sáng niềm trông
cậy...
100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH
Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN
Biên soạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét