Những kỳ diệu của Lời
(dongten.net)
Lm. Giuse Nguyễn Công Ðoan, S.J.
Trong những khả năng liên lạc của con người, Lời là khả năng lớn nhất và mạnh nhất, sâu nhất và rộng nhất, sắc bén nhất và bao la nhất, kỳ diệu nhất và cũng ghê gớm nhất, đáng yêu nhất và cũng đáng sợ nhất…
Tất cả những tính chất ấy xoay quanh hai chức năng của Lời là diễn tả và truyền đạt hay “nói về” và “nói với”.
I. LỜI NGƯỜI
1. Lời “nói về”
Lời đầu tiên em bé học được là những lời ngọt ngào nhất, êm đềm nhất, diễn tả những người nâng niu em bằng tình yêu: ba, má, bà, và những âm điệu dịu dàng của tình yêu: âu, ạ … Những lời đơn sơ ấy diễn tả những con người, những thực tại mà suốt đời sẽ là to lớn nhất, dịu dàng nhất, cần thiết nhất, gần gũi nhất. Và cứ như thế qua lời mẹ ru, mẹ dạy, em bé mở rộng khả năng tiếp nhận và diễn tả bằng lời. Những con người, những sự vật, những thực tại bên ngoài dần dà được biết thành lời để em bé sử dụng. Và quá trình ấy cứ tiếp tục suốt cuộc đời. Nhà bác học thì thâu gồm cả vũ trụ bao la thành lời, phóng những vật cực kỳ nhỏ bé thành lời để cho mọi người có thể bắt nắm được những gì mắt mình không thể thấy, tay mình không thể đo.
Em bé không chỉ học diễn tả và tiếp nhận những thực tại bên ngoài bằng lời, mà còn học diễn tả chính nội tâm mình bằng lời. Bắt đầu từ những cảm giác và những nhu cầu: bú, đau, gãi, nóng, ngon… cho tới những tình cảm: thương ba, thương má, thương nội… Ðến mức cao nhất là những văn hào, thi sĩ diễn tả được những tình cảm sâu xa, phức tạp của con người như nỗi lòng của người cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc, nỗi lòng của Người Chinh Phụ, của những nhân vật trong Truyện Kiều… và suốt lịch sử, con người luôn say mê phát triển khả năng diễn đạt bằng lời: dân tộc nào, thời đại nào cũng yêu thích văn chương, thi ca là những trình độ diễn tả cao nhất bằng lời. Từ khi chưa biết dùng chữ viết thì con người đã có văn chương và thi ca, và ngày nay với những kỹ thuật điện tử tân tiến nhất, con người vẫn cần và càng quí văn chương và thi ca, vì không gì thay thế được lời người trong lãnh vực diễn tả. Các phương tiện điện ảnh, ghi âm chỉ là những công cụ và những trợ lực cho lời người.
2. Lời “nói với”
Nếu chiều sâu chiều rộng của chức năng “nói về” là kỳ diệu, thì chức năng “nói với” của lời còn mãnh liệt hơn vạn lần. Từ lời ru của mẹ làm trẻ thơ đi vào giấc ngủ êm đềm tới những lời ru ngủ cả một dân tộc, cả một thế hệ. Từ lời mẹ gọi làm trẻ thơ thức tỉnh cho tới những lời làm thức tỉnh cả một dân tộc, và những lời xô đẩy cả một thế giới đi vào chém giết tương tàn, có vô số cấp độ khác nhau trong sức truyền đạt của lời “nói với”: lời Kim Trọng mà Kiều “lặng nghe lời nói như ru” (câu 347), lời Kiều mà Kim Trọng “được lời như cởi tấm lòng”; lời đường mật của Sở Khanh mà “nghe lời nàng đã sinh nghi” đến lời “đầu hàng” của Kiều làm cho Tú Bà đắc thắng “được lời mụ mới tùy cơ” và những lời “dạy nghề” của Tú Bà làm cho Kiều “những nghe nói, đã thẹn thùng”; những lời của Hoạn Thư “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao” làm cho Thúc Sinh “hồn lạc phách xiêu”, “gan héo ruột đầy” và Thúy Kiều “một mình âm ỉ đêm chày, – đĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh”. Rồi lời của Kiều lúc đền ân báo oán làm cho Thúc Sinh “mồ hôi chàng đã như mưa ướt dầm” và “Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu” và lời của Hoạn Thư làm cho Kiều “khen cho thật đã nên rằng – Khôn ngoan rất mực, nói năng phải lời”… và “truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”. Lời của Từ Hải “vội truyền sửa tiệc quân trung – muôn binh nghìn tướng hội đồng tẩy oan – Thừa cơ trúc chẻ ngói tan – Binh uy từ đấy sấm ran trong ngoài”; rồi lời của Hồ Tôn Hiến làm cho Kiều “lễ nhiều nói ngọt, nghe lời dễ xiêu”, và lời của Kiều “bàn ra nói vào” làm cho Từ Hải “nghe lời nàng nói mặn mà, – thế công, Từ mới trở ra thế hàng” để rồi cuối cùng Kiều phải ân hận đập đầu tự vận bên xác Từ Hải “bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này”… Tất cả những tình tiết từ lâm ly bi đát đến cao cả hùng tráng của một câu chuyện đều liên kết với nhau bằng lời, và cuối cùng đều là lời mà tác giả khiêm tốn tự phê: “Lời quê góp nhặt dông dài, mua vui cũng được một vài trống canh”. Thật sự thì nó chẳng phải chỉ để mua vui một vài trống canh mà đã làm cho bao thế hệ vừa não lòng vì câu chuyện vừa kính phục tài năng của Nguyễn Du, và làm cho tên tuổi nhà thơ trở thành bất diệt trong lịch sử văn học của dân tộc.
Trên đây là một thí dụ tập hợp rất nhiều mẫu tác động của lời “nói với”. Thực ra lời nào cũng mang cả hai chức năng “nói về” và “nói với”. Chức năng “nói về” cho ta một nội dung, còn chức năng “nói với” gây cho ta một “phản ứng” đối với nội dung hoặc đối với người nói, hoặc đối với cả hai. Ở mức độ cao nhất của sự phối hiệp giữa hai chức năng này là lời của tình yêu; vì ở đây “nội dung” và “người nói” là một. Lời tỏ tình bộc lộ ý hướng và toàn thể con người của người nói đang nghiêng về phía người được nói với, và mời gọi đón nhận người nói. Và ở đây thì đón nhận lời là đón nhận người. Lời trở thành một hình thức hiện diện và thâm nhập của người nói trong người đón nhận. Con người bằng xương bằng thịt không thể nhập vào nhau, nhưng con người “biến thành lời” thì thâm nhập được và ở lại mãi trong trong người đã tiếp nhận. Lời tỏ tình được tiếp nhận sẽ lớn lên và trở thành lời thề thốt, lời thề thốt chân thật thâu tóm và điều khiển cả cuộc đời hai người “một lời đã trót thâm giao, – dưới dày có đất, trên cao có trời, – dẫu rằng vật đổi sao dời, – tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh”.
Lời thề của tình yêu không chỉ ứng dụng cho hai người nam nữ, mà cũng còn có những đối tượng cao cả hơn nữa, như lời thề với Tổ Quốc của Trần Hưng Ðạo: “không dẹp xong giặc Nguyên, thì không về đến khúc sông này nữa”. Lời thề ấy không chỉ tác động đến một người, mà đến cả một đoàn quân, cả một dân tộc.
Chính vì lời là một hình thức hiện diện của người nói trong người tiếp nhận, nên ta thường thấy lòng tưởng nhớ một người được thâu gọn trong một lời nào đó của người ấy: cha mẹ xa con thường nhớ lời cuối cùng của con, và ngược lại cũng thế. Và khi lời ấy bày tỏ một ước nguyện, thì nó tác động vô cùng mãnh liệt. Ước nguyện của Kiều trước khi ra đi được cha ghi nhận: “Lời con dặn lại một hai, – dẫu mòn bia đá dám sai tấc vàng”. Còn lời của Nguyễn Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi thì đã thay đổi cả cuộc đời Nguyễn Trãi, mở cho ông cả một chân trời, và còn bao người khác đã vươn tới những tầm kích cao cả nhờ một lời của người yêu, người bạn, người đồng chí.
Ngay trong cuộc sống hằng ngày ta đều có kinh nghiệm về sức tác động của lời. Lời có thể gây dựng tình yêu hay hận thù, có thể hàn gắn một tình yêu đang rạn nứt hay phá vỡ một tình yêu đang tốt đẹp, lời có thể gây được những tình cảm tốt đẹp nhất, mà cũng có thể gây nên những tình cảm xấu xa nhất. Vì thế mà chúng ta có câu tục ngữ: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, còn nhà thơ ngụ ngôn nỗi tiếng của Hylạp là Êdốp đã diễn câu chuyện món ngon nhất và món tồi nhất: Êdốp là một người trí thức bị bắt làm nô lệ, chủ bảo ông ra chợ mua miếng thịt ngon nhất. Ông mua cái lưỡi đem về làm món ăn. Hôm sau chủ bảo đi mua miếng thịt dở nhất, ông cũng mua cái lưỡi… Chủ hỏi tại sao miếng ngon nhất cũng là cái lưỡi, miếng tồi nhất cũng là cái lưỡi, thì ông trả lời: “Vì từ cái lưỡi xuất phát những điều tốt nhất và cũng từ cái lưỡi xuất phát những điều xấu nhất”. Thánh tông đồ Giacôbê thì dành một đoạn dài trong bức thư của ngài để nói về cái lưỡi, vì nó như cái bánh lái của con tàu, tuy nhỏ mà điều khiển cả con tàu theo ý người lái tàu, như tia lửa có thể làm bốc cháy cả một khu rừng… Loài vật nào con người cũng thuần hóa được, nhưng cái lưỡi thì không người nào thuần hóa được (x.thư Gia-cô-bê 3,3-12).
Trước khi kết thúc phần này ta có thể ghi nhận một điều về sức sáng tạo của lời. Với chức năng “nói về” lời có thể tạo nên những phong cảnh, những nhân vật, những câu chuyện trong trí người đọc. Còn với chức năng “nói với” thì sức sáng tạo của lời thật kinh khủng, cả tích cực lẫn tiêu cực: lời có thể tạo nên những tâm tình tốt đẹp, những cuộc đời, những con người, cả một xã hội, cả một thế giới: ngược lại lời cũng có thể phá hủy tất cả, những tình cảm, những cuộc đời, những con người, cả một xã hội, cả một thế giới. Ðiều này ngày nay chúng ta thấy được rõ hơn với nguy cơ chiến tranh hạt nhân: một lời của người có quyền ra lệnh dùng vũ khí hạt nhân là cả hành tinh này thành tro bụi!
Chính cái sức mạnh vô hình kỳ diệu của lời người là một sự tham dự vào quyền năng tạo dựng siêu vượt của Thiên Chúa, nên Thiên Chúa cũng đã dùng lời người để nói với con người và cho con người được dùng lời diễn tả Thiên Chúa và nói với Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa cũng có hai chức năng “nói về” và “nói với”. Lời Thiên Chúa “nói về” Thiên Chúa là mặc khải, “nói về” vạn vật là tạo dựng; cả hai lời mặc khải và lời tạo dựng đều là “nói với” loài người. Chức năng “nói với” của Lời Thiên Chúa là Lời Tình Yêu mời gọi và dẫn đưa con người vào tận cõi sâu thẳm nhất của Thiên Chúa, tức là thông dự chính cuộc sống mật thiết của Ba Ngôi Thiên Chúa.
II. LỜI CHÚA
1. Lời “nói về”
Lời người là khả năng trí tuệ con người thâu bắt ngoại vật và nội tâm vào một hình thức riêng để giữ lấy và có thể diễn đạt, truyền thông cho người khác mà vẫn giữ được tính “vô hình” của trí tuệ. Chính vì thế mà ý niệm lời đã được dùng để diễn tả cách hành động của Thiên Chúa đối với ngoại vật: lời tạo dựng. Ngoài Thiên Chúa không có gì hết, cái gì có đều là do quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa. Thiên Chúa hành động bằng lời tạo dựng, nghĩa là Thiên Chúa phát biểu ý tưởng và ý muốn của Ngài khiến cho những gì Ngài muốn trở thành thực tại. Chúng ta nhìn sự vật đang có mà gọi tên nó, còn Thiên Chúa gọi tên mà làm cho có nó: “Chúa gọi tên các vì sao, chúng liền thưa ‘có mặt’”. Chương đầu sách Khởi Nguyên đã vận dụng ý niệm lời tạo dựng này để nói về hành động quyền năng của Thiên Chúa làm cho muôn loài xuất hiện, theo công thức: Chúa phán: hãy có… tức thì… xuất hiện.
Trong Phúc Âm, lời tạo dựng cũng được dùng để diễn tả quyền năng của Chúa Giêsu trong câu chuyện đại đội trưởng đến xin Chúa chữa bệnh cho người đầy tớ. Ông đi từ quyền năng giới hạn của ông khi ra lệnh cho tôi tớ, lính tráng dưới quyền: “Tôi bảo người này đi, thì nó đi, bảo người kia lại, thì nó lại”. Và ông thưa với Chúa Giêsu: “Ngài chỉ cần phán một lời thì đầy tớ của tôi lành bệnh ngay”. Ðó cũng là một hình thức của Lời Tạo Dựng: tái tạo sức khỏe.
Nhưng Thiên Chúa cũng nói về chính mình nữa. Lời Tạo Dựng làm cho vạn vật xuất hiện ngoài Thiên Chúa, còn Lời Thiên Chúa nói về chính mình là “hình ảnh hoàn hảo của Thiên Chúa”. Thánh Gioan đã vận dụng ý niệm Lời để nói về Con Thiên Chúa như thế. Lời tự diễn tả của Thiên Chúa chính là Con Thiên Chúa. “Từ nguyên thủy đã có Lời. Lời vẫn ở nơi Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa”. Vì thế ta quen gọi là Ngôi Lời, tức là Ngôi thứ hai, Ngôi Con trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con, và Thánh Thần. Lời chúng ta nói về mình không bao giờ diễn tả hết chính mình. Còn Lời Thiên Chúa nói với mình thì diễn tả trọn vẹn Thiên Chúa, nên thánh Phaolô nói Con Thiên Chúa là “hình ảnh hoàn hảo của Thiên Chúa”. Lời chúng ta nói về mình chỉ tồn tại trong trí nhớ chúng ta, còn Lời Thiên Chúa nói về chính mình thì tồn tại như một Ngôi Vị, một chủ thể đối thoại với Cha. Câu “Lời vẫn ở nơi Thiên Chúa” trong lời mở đầu Phúc Âm theo thánh Gioan cũng có nghĩa là “Lời vẫn hướng về Thiên Chúa”. Ðồng thời Lời này cũng “đồng bản tính với Cha”: “Lời là Thiên Chúa”. Khi Chúa Giêsu tuyên bố: “Ta và Cha là một” chính là nói về tư cách của Ngài là Thiên Chúa, đồng bản tính với Ðức Chúa Cha; còn với tư cách là Con, hằng ở trong lòng Cha và hướng về Cha thì Ngài nói: “Cha lớn hơn Ta”. Vì thế, Ngài là Ðấng thừa kế mọi sự của Thiên Chúa: “Mọi sự của Cha là của Con”.
Lời Thiên Chúa nói về chính mình diễn tả hết Thiên Chúa và mọi tư tưởng của Thiên Chúa, nên tất cả mọi vật được tạo thành thì trước hết đã được chất chứa trong lời Thiên Chúa nói về mình. Vì thế thánh Gioan viết: “Nhờ Người muôn vật đã được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3). Thư Hípri cũng nói tương tự: “Vào những ngày này là những ngày sau hết, Thiên Chúa đã nói với chúng ta nơi một người Con mà Ngài đã đặt làm Ðấng thừa kế mọi sự và nhờ người Con ấy, Ngài đã tạo thành vũ trụ. Người là phản ánh vinh quang Thiên Chúa và là hình ảnh chân thật của Thiên Chúa, Người nâng đỡ vũ hoàn bằng Lời quyền năng của Người” (1,2-3). Như thế thì Con Thiên Chúa vừa là Lời Thiên Chúa nói về mình, vừa là Lời tạo dựng và cũng là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta. Ðiều này cũng cho ta hiểu tại sao kế hoạch của Thiên Chúa là “thâu gồm mọi sự về một đầu mối là Ðức Giêsu Kitô” (Ep 1,10), và sứ mạng của Ðức Kitô là đem mọi sự đặt dưới chân Cha “để Thiên Chúa nên tất cả trong vạn sự” (1 Cr 15,28): cũng như Con do Cha sinh ra hằng hướng về Cha; thì mọi sự đã được trao cho Con cũng phải hướng về Cha; cũng như “Con ở trong Cha và Cha ở trong Con” thì mọi sự đã được trao cho Con cũng phải ở trong Cha và Cha ở trong tất cả. Cái làm cho thọ tạo xa Thiên Chúa là tội lỗi và sự chết, nên Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đến tiêu diệt tội lỗi và sự chết. “Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là cái chết” (x. 1 Cr 15,26).
2. Lời Thiên Chúa nói với chúng ta
Lời tạo dựng cũng là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta, vì vạn vật phơi bày trước mắt chúng ta là thành quả của Lời Tạo Dựng, là phản ánh sự phong phú vô cùng của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa muốn gần chúng ta hơn nữa, Ngài nói với chúng ta bằng Lời Người: “Xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta nhiều lần nhiều cách qua các ngôn sứ, nhưng vào những ngày này là những ngày sau hết, Thiên Chúa đã nói với chúng ta nơi một Người Con…” (Hipri 1,1-2). Sự kỳ diệu của Thiên Chúa là ở chỗ đó: Ngài dùng những con người để nói với con người và lời những con người trung gian ấy là Lời của Thiên Chúa. Và cuối cùng, Ngài cho Con Một Yêu Dấu của Ngài, Lời Tuyệt Hảo Ngài tự phát biểu chính mình, đến làm người ở giữa chúng ta để nói với chúng ta: “Lời các anh em nghe không phải là lời của Ta, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Ta” (Ga 14,24). Lời Thiên Chúa nói qua các ngôn sứ là công trình của Thánh Thần: “Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”, và Lời Thiên Chúa nói trong Người Con của Ngài cũng là công trình của Thánh Thần, do đó chỉ có Thánh Thần mới làm cho các môn đệ nhớ lại và hiểu thấu những lời ấy.
Lời Thiên Chúa nói với chúng ta qua các ngôn sứ và trong Người Con là lời bộc lộ kế hoạch và tâm tình của Thiên Chúa đối với chúng ta, là Lời Thiên Chúa giãi bày Tình Thương của Ngài đối vói chúng ta và mời gọi chúng ta đón nhận Ngài. Lời Chúa bộc lộ cho ta cõi sâu thẳm nhất của Thiên Chúa và đưa chúng ta vào tận đáy lòng Thiên Chúa, cho ta được thông phần vào chính cuộc sống mật thiết giữa Cha, Con và Thánh Thần (x 1 Ga 1,1-3). Chính Thánh Thần xuất phát từ Cha và Con đưa ta vào trong lòng Cha cùng với Con để chúng ta cũng được làm con Thiên Chúa. Lời cuối cùng Thiên Chúa nói với chúng ta là chính Lời Thiên Chúa tự phát biểu, là phản ánh vinh quang và là hình ảnh chân thật của Ngài! Vì thế mà Chúa Giêsu tuyên bố: “Ta là Ðường Ði, là Sự Thật và là Sự Sống” và “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha rồi” (Ga 14, 5-10). Ngài vừa là Ðường Ði vừa là Sự Thật, nên không phải đi hết con đường mới gặp được Cha, mà đến với Ngài là đến với Cha, gặp Ngài là gặp được Cha rồi, vì “Ta ở trong Cha Ta và Cha Ta ở trong Ta”, và như thế là đã được sự sống đời đời rồi, vì “sự sống đời đời là biết Cha là Thiên Chúa thật, duy nhất và Ðức Giêsu Kitô mà Cha đã sai đến” (17,3).
Trong Ga 14-17, ta thấy vai trò của Lời Chúa là đưa ta vào sự thông hiệp cuối cùng với Cha và Con. Ta hãy đọc lại 4 chương này và để ý tới hai từ “Lời” và “lệnh truyền”, nếu ta dịch lệnh truyền là “Lời Cha truyền” hoặc “Lời Thầy truyền” thì dễ theo hơn: vì lệnh truyền cũng là lời vậy.
Sau khi khẳng định “Lời Thầy trao cho các con, Thầy không tự mình mà nói, nhưng Cha ở trong Thầy thực hiện các việc của Ngài” (14,10). Chúa Giêsu nói: “Nếu các con yêu mến Thầy thì hãy tuân giữ Lời Thầy truyền”, và “Thầy sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con Ðấng phù trợ khác để ở với các con mãi mãi, là Thánh Thần của Sự Thật… Ngài ở với các con và ở trong các con” (14,15-17). Kết quả đầu tiên của việc đón nhận Lời Chúa Giêsu là được Thánh Thần. “Thánh Thần sẽ dạy chúng con tất cả” (14,26), “sẽ đưa chúng con vào tất cả sự thật” (16,13). Chính vì thế mà “ngày ấy các con sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy và các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con. Ai có Lời Thầy truyền và tuân giữ Lời ấy là người yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Cả Thầy cũng yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình cho người ấy” (14, 20-21). Ðón nhận và tuân giữ Lời Chúa là đi vào cuộc đối thoại của tình yêu, và trong cuộc đối thoại tình yêu thì ngày càng được vào sâu hơn trong lòng Thiên Chúa. Bởi vậy Chúa Giêsu nói thêm: “Bất cứ ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến thăm và ở lại trong người ấy” (14,23). Thế là Lời Chúa không chỉ cho ta biết về Thiên Chúa, mà cho ta biết Thiên Chúa, nghĩa là đưa ta vào sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa, nhờ tác động của Thánh Thần. Chính Chúa Giêsu đã chứng thực tình yêu của Ngài đối với Cha bằng cách làm theo Lời Cha truyền: “Thầy hành động như thế để cho thế gian nhận biết rằng Thầy yêu mến Cha và làm theo đúng Lời Cha truyền” (14,31). Chúa Giêsu vẫn lấy quan hệ giữa Ngài với Cha làm kiểu mẫu cho chúng ta về quan hệ giữa ta với Ngài và với Cha, vì chúng ta chỉ được ở trong Cha theo mức độ chúng ta ở trong Chúa Giêsu. Ðiểm này sẽ được triển khai nhiều hơn ở chương 15.
Chương 15 nói nhiều hơn về vai trò của Lời Chúa Giêsu trong quá trình đưa chúng ta vào trong Chúa Giêsu và làm cho chúng ta được thông hiệp trọn vẹn với Ngài, tiếp nhận sức sống của Ngài. Chúa Giêsu lấy ví dụ cây nho và cành nho để nói về quan hệ giữa Ngài với môn đệ. Cành nho sinh trái thì được tỉa sạch để sinh trái nhiều hơn. Các môn đệ là những cành đã được tỉa sạch nhờ Lời Chúa Giêsu đã nói với họ (15,2-3). Vấn đề quan trọng là cành phải ở liền với cây thì mới sinh trái được. Làm sao môn đệ ở liền với Chúa Giêsu như cành liền cây? Chúa Giêsu cho biết bí quyết: “Nếu các con ở lại trong Thầy và Lời Thầy ở lại trong các con…” (15,7). “Các con sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy nếu các con tuân giữ Lời Thầy truyền cũng như Thầy đã giữ Lời Cha Thầy truyền và ở lại trong Tình yêu của Ngài” (15,10). Tuân giữ Lời Chúa thì được hiệp thông với Chúa và được ở lại trong Chúa, được trở nên bạn hữu của Chúa: “Các con là bạn hữu của Thầy nếu các con làm theo Lời Thầy truyền… Thầy gọi các con là bạn hữu vì Thầy đã cho các con biết mọi điều Thầy đã nghe được ở Cha Thầy” (15,10-15).
Ở chương 17, Chúa Giêsu xác nhận các môn đệ là những người đã đón nhận Lời của Cha do Ngài nói lại (17,6-8). Và chính vì thế mà thế gian ghét môn đệ của Chúa (17,14). Ngay ở chương 14, Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ Lời Thầy” (14,23-24). Thế là Lời Chúa trở thành mốc phân chia loài người và là tiêu chuẩn xác định ai thuộc về Chúa. Ðiều này đưa ta trở lại điều Chúa Giêsu phán: “Không phải cứ gọi Ta “lạy Chúa, lạy Chúa”, là được vào Nước Trời, mà chỉ có ai làm theo ý Cha Ta, Ðấng ngự trên trời mới được vào”, và “sao các người gọi Ta “lạy Chúa, lạy Chúa” mà không làm theo Lời Ta” (Lc 6,46). Cũng vì thế mà Chúa Giêsu phán: “Mẹ Ta, anh em Ta là những ai nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa”, và khi có người phụ nữ ca ngợi hạnh phúc của người được cưu mang và nuôi dưỡng Chúa Giêsu, thì Ngài bảo: “Ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa thì có phước hơn” (Lc 11,27-28). Bởi vì nghe và giữ Lời Thiên Chúa thì được cả Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong lòng mình và được sống đời đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét