Trang

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Sám hối trong Thánh Kinh Cựu Ước

Sám hối trong Thánh Kinh Cựu Ước


http://vi.radiovaticana.va/global_images/x.gif
http://vi.radiovaticana.va/global_images/x.gif
Trong thế giới tục hóa duy vật ngày nay thật khó mà nói tới viêc sám hối hay đền tội. Trước hết bởi vì con người ngày nay đã đánh mất ý thức về tội và nhiều người không còn biết phân biệt thiện ác, lành dữ, tốt xấu nữa. Đây là thảm cảnh của rất nhiều người phải sống dưới chế độ duy vật vô thần lâu năm, đặc biệt là người trẻ.

Thứ hai từ sám hối thường khiến cho người ta nghĩ tới các hình phạt khác nhau mà tín hữu phải lãnh nhận để đền tội. Lý do là vì trong qúa khứ người ta đã qúa nhấn mạnh trên khía cạnh tiêu cực cùa từ này và hầu như tuyệt đối nêu bật dấn thấn của con người trong việc sám hối, hay đền tội. Hậu qủa là nó làm méo mó chiều kích tin mừng của cuộc sống Kitô. Phần còn lại liên quan tới cái nhìn tiêu cực đối với việc sám hối phát xuất từ sự phân chia qúa rõ ràng giữa sám hối được hiểu như thế với việc cử hành sám hối trong Giáo Hội. Chính vì thế cần cấp thiết phục hồi ý nghĩa đúng đắn của việc sám hối trong qúa cũng như trong cuộc sống thường ngày hiện nay và cũng cần phải tái hội nhập nó vào việc sám hối của toàn Giáo Hội và trong việc cử hành sự hòa giải.

Trước hết là một số dữ kiện kinh thánh liên quan tới việc sám hối. Sám hối giả thiết một sự hoán cải, một thay đổi nội tâm triệt để, toàn diện. Khi tầm nguyên từ hoán cải ”teshuva” trong tiếng Do thái và ”metanoia” trong tiếng Hy lạp, chúng ta thấy hoán cải teshuva có nghĩa là đổi hướng 180 độ, bỏ hướng đang đi để quay trở lại đàng sau: hoán cải là đang rời xa Thiên Chúa thì quyết định đổi hướng quay trở về với Người. Hoán cải metanoia có nghĩa là nghĩ cao hơn, xa hơn, nghĩ khác đi: thay đổi tâm trí thay đổi cung cách suy tư, nói năng và hành xử. Sám hối là thay đổi nội tâm một cách triệt để, toàn diện. Đó là sự trở về lớn của cá nhân và của cộng đoàn.

Hoán cải, sám hối, trở về với Giavê Thiên Chúa đã là lời kêu mời liên lỉ các ngôn sứ cựu ước hướng tới dân Do thái, bỏ Thiên Chúa để tôn thờ các thần ngoại. Ngay trong chương 1 ngôn sứ Isaia đã ghi lại lời Thiên Chúa đau đớn trách cứ Israel như sau: ”Trời hãy nghe đây, đất lắng tai nào, vì Đức Chúa phán: ”Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta. Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì. Khốn thay dân tộc phạm tội, dân chồng chất lỗi lầm, giống nòi gian ác, lũ con hư hỏng! Chúng đã bỏ Đức Chúa, đã khinh Đức Thánh của Israel, mà quay lưng đi” (Is 1,2-4). Và Thiên Chúa thúc giục dân Israel: ”Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho qủa phụ... Tội các ngươi dầu có đỏ như son cũng hóa trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,16-17.18).

Vì Israel là dân riêng Chúa chọn và ký kết giao ước tình yêu nên tội bỏ Giavê Thiên Chúa để tôn thờ các thần ngoại bị các ngôn sứ coi như tội ngoại tình. Ngôn sứ Giêrêmia tố cáo dân Israel: ”Thế rồi trên khắp các đồi cao, dưới mọi lùm cây rậm, ngươi uốn mình như một con điếm (Gr 2,20-21). ”Và ngươi, ngươi đã đàng điếm với bao nhiêu tình nhân ... Ngước mắt lên các đồi trọc mà xem, có nơi nào ngươi đã chẳng trao thân cho người khác! Ngươi ngồi đợi chúng bên vệ đường như tên A rập ngồi rình trong sa mạc. Ngươi đã làm cho xứ sở ra ô uế vì những chuyện điếm đàng và gian ác của ngươi... Và ngươi cứ mặt dầy mặt dạn như con đĩ, mà chẳng biết xấu hổ là gì” (Is 3,1-2). Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên tâm thiết tha kêu mời Israel trở về với Ngài: ”Trở về đi hỡi Israel phản bội. Ta sẽ không nghiêm nét mặt với các ngươi nữa, vì Ta giầu lòng thương xót, và Ta không giận dữ mãi đâu” (Gr 3,12). ”Thế nhưng người đàn bà thất trung với bạn minh làm sao, thì hỡi nhà Israel, các ngươi cũng thất trung với Ta như vậy... Trở về đi, hỡi lũ con phản bội, Ta sẽ chữa lành tội phảm bội của các ngươi” (Gr 3,20-22). Việc hoón cải cải Israel sẽ thay đổi tương quan của họ với Thiên Chúa và biến đổi cả tương quan của chư dân nữa: ”Nếu ngươi trở về, hỡi Israel, nếu ngươi trở về với Ta, nếu ngươi loại bỏ khỏi mặt Ta các thần ghê tởm và không còn đi lang bạt, nếu ngươi kêu ”Đức Chúa hằng sống”, mà thề cách trung thực, ngay thẳng và công chính, thì chư dân cũng sẽ lấy danh Người mà cầu phúc cho nhau, và nơi Người chư dân cũng sẽ hãnh diện” (Gr 4,1-2).

Nhưng Israel đã không trở về với Thiên Chúa. Trái lại còn đem cả các thần ngoại vào Đền Thờ và cúng bái dâng hương cho chúng trong đó, đến độ Giavê Thiên Chúa phải bỏ Đền Thờ, như ngôn sứ Êdêkiel ghi trong chương 8 và chương 10. Và hình phạt đã được báo trước nhiều lần là biến cố dân Do thái bị đạo binh của đế quốc Babilonia do vua Nabuchodonosor thống lĩnh xâm lăng. Giêrusalem bị bao vây, đân chúng bị tàn sát vì gươm giáo, và đói khát đến nỗi phải ăn thịt lẫn nhau, và sau cùng bị lưu đầy biệt xứ.

Trong các chương 4 và 5 ngôn sứ Hosea tố cáo tội lỗi của mọi giới trong dân Israel từ tư tế cho tới các vua quan, ngôn sứ và thường dân: ”Qủa thật trong xứ này, chẳng có tín thành, chẳng có ân nghĩa, cũng chẳng có sự hiểu biết Thiên Chúa. Chỉ có bội thề, dối trá, sát nhân và trộm cưởp, áp bức với ngoại tình, các cuộc đổ máu cứ nối tiếp nhau. Chính vì thế mà xứ sở tang thương, dân cư tàn tạ, ngay thú vật ngoài đồng cũng như chim trời cá biển, tất cả đều chết hết” (Hs 4,1-3). Và trong chương 14 ngôn sứ ghi lại lới Thiên Cha tha thiết kêu gọi Israel hối cải như sau: ”Hỡi Irael, hãy trở về với Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Chính vì tội ác của ngươi mà ngươi đã vấp ngã. Hãy trở về với Đức Chúa, mang theo lời cầu nguyện. hãy thưa với Người: ”Xin thứ tha mọi gian ác, xin vui nhận lời ngợi khen chúng con dâng lên Ngài làm lễ vật thay thế bò tơ” (Hs 14,2-3).

Ngôn sứ Gioel cũng mời gọi dân Israel sám hối như sau: ”Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van”. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giầu tình thương. Người hối tiếc vì đã giáng họa” (Ge 2,12-13). Còn ngôn sứ Amos thì khuyến cáo dân: ”Hãy tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ, rồi các ngươi sẽ được sống, và như vậy Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh sẽ ở cùng các ngươi như lời các ngươi nói. Hãy ghét điều dữ và chuộng điều lành, nơi cửa công hãy thiết lập công lý; biết đâu Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, sẻ dủ lòng thương số sót của Israel” (Am 5,14-15).

Tuy cứng đầu cứng cổ, nhưng tín hữu cũng nhận biết các tội lỗi của họ. Vào cuối chương 1 và đầu chương 2 ngôn sứ Barúc ghi lại lời nguyện diễn tả tâm tình thống hối của những người lưu đầy như sau: ”Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi qủa là Đấng công minh; còn chúng tôi, những người Giuđa và cư dân Giêrusalem, các vua và thủ lãnh, tư tế và ngôn sứ cũng như các bậc cha ông, chúng tôi phải hổ ngươi bẽ mặt như ngày hôm nay thì cũng đáng, vì tất cả chúng tôi đã phạm tội trước nhan Đức Chúa, đã bất tuân, không nghe tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, không vâng theo các mệnh lenh Đức Chúa đã đề ra trước mắt chúng tôi. Từ ngày Đức Chúa đưa cha ông chúng tôi ra khỏi Ai Cập cho tới ngày nay, chúng tôi vẫn bất tuân lời Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, vẫn làm ngơ không chịu nghe tiếng Người cho nên như sự việc đã xảy ra hôm nay đây, những bất hạnh và lời nguyền rủa vẫn đeo đuổi chúng tôi, đúng như Đức Chúa đã tuyên bố với ông Môshê tôi tớ Người, ngày Người đưa cha ông chúng tôi ra khỏi Ai Cập để ban cho chúng tôi miền đất tràn trề sữa và mật. Chúng tôi đã không vâng nghe tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, không tuân giữ mọi lời các ngôn sứ Người đã sai đến nói với chúng tôi. Mỗi người chúng tôi đã cứ theo lòng dạ xấu xa ngoan cố của mình mà phục dịch các thần khác, và làm điều dữ trước mắt Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi. Vì thế Đức Chúa thi hành lời đã phán liên quan đến chúng tôi, đến các thẩm phán lãnh đạo Israel, đến các vua và thủ lãnh của chúng tôi, đến người Israel và Giuđa. Dưới cả vòm trời này, chưa hề xảy ra điều gì giống như điều Người đã thực hiện tại Giêrusalem, như đã chép trong Luật Môshê: đến độ trong chúng tôi, kẻ ăn thịt con trai, người ăn thịt con gái của mình. Người còn bắt các ngài lụy phục các vương quốc chung quanh chúng tôi, khiến các ngài nên trò ô nhục, nên đồ ghê tởm, giữa mọi dân chung quanh, nơi Đức Chúa đã phân tán các ngài đến... Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi qủa là Đấng công minh, còn chúng tôi cũng như cha ông chúng tôi có phải hổ ngươi bẽ mặt như ngày hôm nay thì cũng đáng. Tất cả những tai họa Đức Chúa sẽ dùng mà trừng phạt chúng tôi, đã xảy đến cho chúng tôi rồi. Thế mà chúng tôi chẳng cầu xin tôn nhan Đức Chúa giúp mỗi người từ bỏ những tư tưởng xấu xa trong tâm hồn. Cho nên Đức Chúa đã canh chừng và đã giáng những tai họa ấy xuống trên chúng tôi; vì trong mọi việc Đức Chúa đã khiến xảy ra cho chúng tôi, Người thật là Đấng công minh. Còn chúng tôi đã không nghe tiếng Người, không vâng theo các mệnh lệnh Đức Chúa đã đề ra trước mặt chúng tôi” (Br 1,15-2,10).

Văn bản trên đây của ngôn sứ Barúc giúp chúng ta nhận ra các tâm tình thống hối của dân Israel. Họ nhận biết vá xưng thú các tội lỗi của họ đối với Thiên Chúa, đồng thời cũng nhận ra sự chính đáng của các hình phạt họ phải gánh chịu như hậu qủa cuộc sống tội lỗi của họ. Thiên Chúa đối xử công minh, vì chính thái độ chai lì của họ đã dẫn đưa họ tới thảm cảnh này.

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1165)

Linh Tiến Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét