Trang

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 32 THƯƠNG LINH HỒN BẢY MỐI



THƯƠNG LINH HỒN BẢY MỐI

Trích lược Sách tiên tri Yô-na, ch.l

Yavê truyền cho tiên tri Yô-na rằng: Hãy chỗi dậy, đi sang Ni-ni-vê, kinh thành vĩ đại, mà loan báo cho chúng hình phạt sắp đổ xuống trên đầu do các tội lỗi, ác nhân ác đức của chúng đã lên thấu tai Ta.

Nhưng Yô-na run sợ, ông nghĩ:

Dân Ni-ni-vê là dân đại gian, đại ác, lại là kẻ thù không đội trời chung của dân tộc mình. Nay mình sang rao giảng, nhỡ ra họ ăn năn trở lại và Thiên Chúa thì nhân từ sẽ tha, không giáng phạt cho họ, thì lời loan báo hình phạt của mình là dởm, thiên hạ sẽ cười mình chết. Hơn nữa, chúng là kẻ đại gian, đại ác, cứ để chúng bị phạt chết tiệt nòi, tiệt chủng đi là đáng kiếp.

Nghĩ thế rồi, ông không tuân lệnh Chúa, trốn chạy nhiệm vụ. Thay vì xuống tàu sang phía đông đến Ni-ni-vê, ông xuống tàu đi ngược phía tây, tưởng lánh xa được mặt Chúa. Ai dè, đang lênh đênh trên mặt biển thì Thiên Chúa làm nổi dậy phong ba. Tàu muốn vỡ tan vì sóng nhồi, gió táp. Thủy thủ và mọi người trên tàu khiếp vía, ai nấy cầu khẩn thần linh của mình. Họ quăng đồ đoàn xuống biển cho tàu nhẹ bớt, nhưng nguy hiểm càng lúc càng lớn. Còn Yô-na chui xuống hầm tàu ngủ li bì. Thuyền trưởng lài gần đánh thức ông:

- Này! Dậy đi mà kêu khấn thần linh của ngươi!

Nhưng cầu khấn mãi mà nguy hiểm không giảm. Họ bảo nhau:

- Giữa chúng ta, chắc có một kẻ tội phạm nào đó chọc giận thần linh, làm cớ cho các vị thần đổ tai họa xuống cho ta. Ta hãy bắt thăm để biết.

Họ đã gieo thăm. Thăm lại nhằm đúng Yô-na. Yô-na đành phải xưng:

- Tôi là dân Hipri (tức Do thái), thần linh tôi thờ là Yavê Chúa trên trời. Ngài dựng nên biển khơi cũng như đất liền.

Nghe vậy, họ rất đỗi khiếp sợ. Họ hỏi:

- Vậy ngươi đã làm gì xúc phạm đến Ngài?

Yô-na thú tội là ông trốn nhiệm vụ Yavê trao. Họ hỏi bây giờ phải làm thế nào để biển yên sóng lặng. Yô-na nói:

- Hãy quăng tôi xuống biển, thì các ông qua khỏi hiểm nghèo. Bởi tôi biết chính vì tôi đã xúc phạm đến Yavê, mà cơn bão này xảy đến cho các ông.

Thoạt đầu, họ không dám làm, họ ra sức chèo chống để vào đất liền, nhưng vô phương, bão càng thêm hung dữ. Cuối cùng, họ đành khấn vái Yavê, xin đừng bắt tội họ vì mang Yô-na, rồi họ quăng tùm ông xuống biển. Tức thì, biển trở lại yên như tờ. Mọi người kính sợ Yavê và dâng tế lễ kính Ngài.

(Chuyện Yô-na còn tiếp, sẽ kể vào dịp khác)

* Đó là Lời Chúa! Tạ ơn Chúa!

Suy niệm Lời Chúa

Vì sao Yô-na trốn chạy việc rao giảng cho dân Ni-ni-vê? Anh chị em nào đáp thử xem có đúng không? (để họ nói...). Bây giờ, ta thử đọc lại Lời Chúa, ở mấy dòng đầu có lời giải đáp (xin đọc lại mấy dòng đầu).

Tóm lại, thứ nhất, ông sợ người ta chê cười. Đi loan báo hình phạt sắp xảy đến, mà nhỡ ra họ ăn năn trở lai, thì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng ái tuất, kẻ đại gian, đại ác đến mấy mà thống hối, ăn năn, Ngài cũng tha thứ và thôi phạt; như vậy, hoá ra lời loan báo của ông là láo, loan báo điều không xảy ra. Thứ hai, ông không có lòng thương linh hồn kẻ tội lỗi, mặc kệ cho Chúa phạt chúng chết đi. Đáng tội!

Biết đâu nhiều người trong chúng ta cũng là Yôna trốn chạy việc cứu giúp linh hồn người ta, vì sợ cái này, cái nọ! Là thành phần của Hội Thánh truyền giáo, ta mặc kệ người ta chết mất linh hồn mà không thò một ngón tay ra cứu vớt sao?

Trong đời bạn, đã có lần nào giúp một người khác bỏ đàng tội lỗi trở về đàng chánh chưa? Đã một lần nào, bạn đưa một tâm hồn đến tin vào Chúa, hoặc đưa một người lương đến chịu phép Rửa tội chưa? Nếu đã được ít ra một lần, thì cũng tốt lắm rồi, thế là bạn đã cầm chắc phần rỗi của chính bạn, vì có lời Kinh Thánh dạy : “Hãy biết rằng : kẻ làm cho một người tội lỗi trở lại, bỏ đường lầm lạc, là sẽ cứu linh hồn mình khỏi chết và phủ lấp muôn vàn tội lỗi mình” (Gc 5.20).

Dầu vậy, cứu một linh hồn là quá ít. Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê bôn ba bốn bể năm châu, sang Ấn độ, đến Trung quốc, vào Nhật bản, lặn lội nơi rừng thiêng nước độc, đến cùng những bộ lạc hung tợn ăn thịt người... để rao giảng, dạy đạo, khuyên bảo mọi người hãy tin vào Chúa, hầu được cứu rỗi; nên thánh nhân đã cứu được cả triệu linh hồn đưa về với Chúa.

Vậy cái gì là động cơ thúc đẩy lo phần rỗi cho người khác? Thưa:

Thứ nhất: lòng yêu thương: “Mến Chúa thì cũng thương anh em mình. Phàm ai yêu mến Đấng Sinh thành, tất yêu mến cả những kẻ bởi Ngài mà sinh ra”, Thánh Kinh dạy vậy (1Ga 4.21 và 5.1). Không chỉ thương xác như đã xem ở các kỳ trước, mà còn thương phần linh hồn. Cứ xem gương Đức Giêsu đủ rõ: Ngài đã làm những gì để cứu linh hồn chúng nhân? Ở đây, chúng ta không bàn rộng, đợi dịp khác, chỉ cần nhớ một điều: cho dù chỉ có một linh hồn tội lỗi trên thế gian, Chúa Giêsu cũng từ bỏ đời xuống thế, rao giảng, hi sinh chịu chết làm của lễ đền tội cho người đó. Dụ ngôn người chăn chiên bỏ 99 con trên rừng, để đi tìm một con chiên lạc bầy, đã cho phép ta nghĩ như thế.

Ngày xưa, Thày Mạnh Tử nói: “Người ta ai cũng có tính thiện trong người: đó là cái lòng trắc ẩn. Chứng cớ là đây: giá thình lình thấy đứa bé sắp ngã xuống giếng, thì ai trông thấy cũng có lòng bồn chồn, xót thương mà chạy lại cứu giúp. Xem như vậy, ai không có lòng trắc ẩn, thương xót, thì không phải là người” (chương Công Tôn Sửu) Cũng vậy, linh hồn tội lỗi là một kẻ sa xuống giếng, đã là con người ai cũng xót thương mà đến cứu giúp. Há người Kitô hữu lại khống biết xót thương? Hay là họ không còn là người nữa? Hay họ không có trái tim? Kitô hữu nào không xót thương linh hồn người ta, không phải là Kitô hữu thật.

Thứ hai: một lý do nữa thúc đẩy lo cứu các linh hồn là nhận định xác đáng về hạnh phúc đời đời. Ta có một báu vật gì, nếu mất đi, ta tiếc xót, đau khổ, buồn rầu, mất ăn, mất ngủ, có khi đến loạn óc, và nếu còn hi vọng, ta sẽ ra công tìm kiếm không quản khó nhọc. Do đó, nếu nhận định xác đáng hạnh phúc đời đời, cuộc sống với Chúa, với Đức Mẹ cùng các thần thánh nơi cõi trời mới, đất mới là cao quí, tốt đẹp và vui sướng vô ngần; ta sẽ cẩn thận không để mất nó, và thấy ai sắp mất, ta sẽ giúp họ gìn giữ. Hỏi giá trị một linh hồn là bao nhiêu? Thưa: cả vũ trụ này cũng không bằng. Đức Giêsu đã nói: “Nào ích gì cho người ta khi chiếm lấy cả thế gian làm sở hữu mà lại đánh mất sự sống linh hồn mình! Người ta sẽ lấy gì để chuộc lại sự sống linh hồn mình?” (Mt 8.36-37).

Đức Mẹ đã hiểu hạnh phúc đời đời là thế nào: Tuy Đức Mẹ cũng là con cháu Adong, Evà như ta mọi đàng, song nay thì Người đang nếm hưởng phúc vô cùng trên trời với cả hỗn lẫn xác. Khi Mẹ thấy loài người cứ ham mê các vật thế gian tạm bợ, mau qua, chóng tàn, mà phạm tội mất lòng Chúa, bỏ mất phần phúc vô cùng lớn lao, cao quí kia, và xô nhau xuống hoả ngục đau đớn, quằn quại, nghiến răng, khóc lóc đời đời; thì Mẹ như cuống cuồng, rối rít lên... Cho nên, Mẹ hiện ra lia lịa, nơi nọ nơi kia: nào Lộ Đức, nào Fatima, bây giờ đang hiện ra bên Mễ Du… để cảnh tỉnh, để thúc giục người ta ăn năn trở lại, đừng dại dột chuốc lấy hoả ngục vô cùng đau đớn... Và để làm bằng chứng cho người ta thấy hoả ngục là có thật, thì ở Fatima, Mẹ cho ba em nhỏ - trong đó có Lu-xi-a, nay còn sống - được thấy hoả ngục và các quỉ dữ cùng các linh hồn trầm luân, đau đớn gào thét trong đó... Mới đây, ở Mễ Du, Đức Mẹ lại cho các thanh thiếu niên Mẹ tuyển chọn, được chứng kiến cảnh thiên đàng, rồi hoả ngục...

Theo gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh, ta không thể sống dửng dưng, mặc anh em ta sa xuống đó, và tự nhủ mình: “Tôi có phải là người canh giữ anh em tôi đâu! Họ sao kệ họ, tôi không biết !” Lời Thánh Kinh dạy ta : Thiên Chúa trao cho mỗi người phận sự lo lắng phần rỗi và ích lợi thiêng liêng cho anh em đồng loại, chứ không chỉ lo cho mình thôi. “Mắt không thể bảo tay: Tôi không cần anh! Hay đầu không thể bảo chân: Tôi không cần các anh! Song Thiên Chúa đã xếp đặt các bộ phận của thân thể... để các bộ phận vì ích chung mà đùm bọc nhau. Cho nên, một bộ phận đau thì hết các bộ phận đều đau chung. Một bộ phận được vinh, thì hết các bộ phận đều vinh chung...” (1Cr 12,21-26).

Sau khi nói như trên dành cho người lớn, chúng ta còn muốn nhắm đến các thanh thiếu niên nam nữ, con em chúng ta. Các em còn trẻ dễ uốn nắn, dễ tập biết lo ích lợi thiêng liêng cho tha nhân.

Cha mẹ, phụ huynh tập cho con em mình thế nào? Trước tiên là bằng gương sáng, bằng lời nói và đời sống mình. Nếu ngay từ nhỏ, các em được phụ huynh nói với các em về Chúa, khuyến khích yêu mến, làm đẹp lòng Chúa, và cùng cầu nguyện với cặc em, đưa các em đi nhà thờ, dạy các em biết cách lo lắng cho linh hồn tha nhân, thúc giục các em giúp đỡ các kẻ có tội, và cầu nguyện, hi sinh cho họ, tập cho các em biết làm việc tông đồ, truyền giáo bằng lời nói, việc làm, bằng chính gương hăng hái tông đồ của phụ huynh... các em sẽ tiêm nhiễm thói quen tốt lành đó, lúc lớn lên các em có thể tự động làm lấy một mình.

Nhưng buồn thay! Nhìn vào gia đình công giáo, rất ít gia đình làm như vậy. Thành ra, các tính tốt tiềm tàng nơi các em bị mai một, chôn vùi đi. Phần nhiều, phụ huynh chỉ lo nghĩ đến các chuyện làm ăn, sinh sống vật chất: lo sức khoẻ, lo cho đi học, thi đỗ, thành công, có công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng, có tiền xài..., toàn lo cho có những cái hay, các đẹp trước mắt người đời! Nếu có phụ huynh nào lo lắng về việc đạo của con em, thì quanh đi quẩn lại chỉ nghe thúc giục đi nhà thờ, dự lễ, đi xưng tội, hoặc dạy cầu xin những điều vật chất... Thảm hơn nữa, nhiều con em chỉ nhìn thấy phụ huynh đưa ra những lời nói, những cử chỉ vô đạo, hoặc lãnh đạm với Chúa, với phần rỗi... Chưa kể các em luôn thấy trước mắt những gương xấu tham tiền tham bạc, tham công ăn việc làm, chẳng có chút chi đạo hạnh. Nói tóm, con em chỉ thấy trong gia đình một lối sống ngoại đạo... được che phủ bằng vài phút đọc kinh nghêu ngao, chán chường lúc sáng tối... Còn cả ngày, Thiên Chúa hình như vắng bóng, không một ai nhắc nhở đến Ngài. Thế là đến lúc lớn lên, các em cứ theo đường lối ấy mà sống..., đến đời con, đời cháu chúng nó là mất đạo, chứ đừng nói gì đến việc cứu linh hồn người khác.

Ngoài ra, phụ huynh cũng như con em còn phải chịu biết bao ảnh hưởng ngoại đạo chung quanh thấm nhập vào... Ảnh hưởng của quần chúng len lỏi khắp nơi, mọi ngõ ngách, cách nhẹ nhàng mời ngày một tí, rất tinh vi; nó âm thầm hay công khai phi bác đạo, các mầu nhiệm thiêng liêng... Rồi lại thêm sách báo, phim ảnh, câu lạc bộ... nhạc, băng, cát-xét, vi-đê-ô... lôi cuốn cách riêng giới trẻ rời xa không khí thiêng liêng, đạo đức, chạy theo các thị hiếu vật chất và chán điều thiêng liêng...

Trong tình trạng nguy ngập này, mọi người phải nỗ lực cấp tốc sửa chữa lại... Phải đánh thức lương tâm dậy với bổn phận tông đồ, lo mưu ích thiêng liêng cho người khác... bắt đầu với các người đồng trang lứa, đang xa Chúa, đang sống bê bối... như đã nói trên kia. Phương thế tốt nhất để đánh thức, hun đúc sự lo lắng cho phần rỗi linh hồn tha nhân nơi các em, đó là thúc đẩy các em đi học Thánh Kinh, đi chia sẻ Lời Chúa. Cái gì phụ huynh đã cố gắng mà còn thiếu sót hay không đủ khả năng, Lời Thiên Chúa sẽ bù đắp mà dạy dỗ, huấn luyện, lôi cuốn các em, đúng như lời Thánh Phaolô dạy: “Kinh Thánh tất cả được Chúa Thánh Thần soi sáng, linh ứng, và có ích để dạy dỗ..., để tu chỉnh, để giáo huấn trong đàng công chính; ngõ hầu người của Thiên Chúa (tức là con cái Thiên Chúa) được trang bị sẵn sàng cho mọi công việc lành thánh” (1Tm 3.16).

Phụ huynh sẽ thấy: các thanh thiếu niên, con em chúng ta không thiếu thiện chí; trái lại, có sấn một tấm lòng giàu đại độ mà ta không ngờ, chỉ tội từ lâu ta đã để chôn vùi, mai một, không khai thác cho Chúa và cho tha nhân được nhờ.

Tích truyện

Ba em Xê-xi-li-a (Cécilia) là một công nhân, phải đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Má lo nội trợ song bà rất bác ái, hiền hậu, nên cả xóm đều quí mến. Em Cécilia mới ít tuổi mà học giáo lý rất giỏi. Em rất hãnh diện về gia đình mà em cho là rất hạnh phúc. Em còn nghĩ đến Chúa bị bỏ rơi trong các người bị áp bức, đau khổ. Nhưng ai dè, một hôm, thật bất ngờ như gáo nước lạnh dột vào mặt, một đứa bạn nói:

- Này, Xê-xi-li-a, mẹ mày thực tốt, nhưng khốn khổ vô cùng!

Xê-xi-li-a kêu lên:

- Sao thế?

- Mày đừng tưởng gia đình mày hạnh phúc, vì ba mày đêm nào cũng về đến nhà đã say sưa be bét, rồi đánh đập, chửi mắng mẹ mày, hàng xóm nhà nào cũng nghe, mày không tin cứ rình xem!

Tối hôm ấy, Xê-xi-li-a học bài xong, không đi ngủ như thường lệ, em chờ ba về, nấp kỹ sau bức màn và hồi hộp rình xem... Một cảnh tượng hãi hùng diễn ra trước mắt: ba em đầu bù tóc rối, hơi thở nồng nặc rượu; miệng tuôn ra hàng loạt câu chửi tục tĩu, nhiếc mắng mẹ em. Bà mẹ cúi mặt làm thinh, vừa ăn, vừa khóc. Lát sau, ba Xê-xi-li-a lùa nguyên cả mâm cơm sống nền nhà, chén bát vỡ tan tành... Chưa vừa ý, ông còn tặng vợ những cú đấm đá tàn nhẫn. Sau bức màn, Xê-xi-li-a chết lịm...

Em suy nghĩ và cầu nguyện. Một hôm, em được Chúa soi sáng làm một diệu kế. Từ nay, tối nào em cũng thức đợi ba, lúc ba về, em chạy ra đón, ôm hôn ba, cất mũ áo cho ba, rồi quay sang giúp mẹ dọn bàn cơm. Suốt bữa, em ngồi bên ba má, ríu rít kể những chuyện vui ở trường, hỏi thăm ba công việc ở sở. Thoạt đầu, ba em lấy làm lạ, càu nhàu, khó chịu; nhưng dần dần đành chịu thua con, lại thấy trong lòng vui vui... Nhiều lúc, Xê-xi-lì-a còn đứng lên vỗ tay ca hát giữa nhà. Dần dà, bầu khí gia đình trở nên nhẹ nhàng. Tuy vẫn còn ngà ngà say, nhưng ông cũng lấy làm cảm động, có lần choàng tay ôm hôn con âu yếm.

Rồi một hôm, Xê-xi-li-a xin phép ba kể lại điều em đã thấy, đã nghe về sự bất hoà giữa ba má mỗi tối, khi ba say. Xê-xi-li-a thú thực là em rất thương ba má, nhưng cũng rất đau khổ vì thấy Chúa bị bỏ rơi, bị khinh miệt trong cảnh gia đình xào xáo như vậy, nên em muốn đem Chúa về lại trong gia đình. Nghe kể vậy, ba má em cảm động. Họ mừng mừng tủi tủi, không ngờ con mình thương cha mẹ như thế. Ba em hứa từ nay sẽ chừa bỏ uống rượu để gia đình hoà thuận, hạnh phúc như xưa, và Xê-xi-li-a khỏi phải thức khuya đợi ba về nữa.

100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH
Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN

Biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét