100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH : BÀI 35
ĐIỀU RĂN THỨ SÁU VÀ THỨ CHÍN: CHỚ DÂM DỤC
Trích Sách Khởi Nguyên, ch.2
Vào ngày Thiên
Chúa làm ra đất và trời... Yavê Thiên Chúa đã nắn hình người với bụi đất lấy tự
đất đai, Ngài đã hà hơi sống vào mũi nó và nó đã thành một người sống. Thiên
Chúa đã trồng vườn cây ở Ê-đen, rồi đặt con người vào trong đó để canh tác và
giữ vườn. Trong vườn ấy, Thiên Chúa cho mọc lên mọi thứ cây coi sướng mắt và
quả thì ăn ngon lành, lại có cây sự sống ở giữa vườn cùng cây biết tốt xấu.
Trong vườn lại có những con sông phù sa phì nhiêu chảy qua.
Yavê Thiên Chúa
phán:
- Nếu người ta
chỉ có một mình, điều ấy không tốt. Ta sẽ làm cho nó cái gì trợ giúp tương xứng
với nó.
Và Yavê Thiên
Chúa đã nắn ra từ đất đai mọi thứ dã thú, mọi giống chim trời, rồi Ngài dẫn
chúng đến cho con người, xem nó
gọi làm sao, thì tên chúng là vậy. Con người đã đặt tên cho mọi giống súc vật
ấy. Nhưng còn phần riêng họ, họ vẫn không gặp được người trợ giúp tương xứng
nào. Và Thiên Chúa đã giáng xuống trên con người một giấc ngủ kỳ lạ, rồi Ngài
đã rút lấy một xương sườn của nó, đoạn lắp thịt vào. Và trên sườn đã rút tự con
người, Thiên Chúa đã làm thành người đàn bà. Đoạn Ngài dẫn đến với con người.
Thoạt thấy nàng, nó kêu lên sung sướng:
- Phen này, nàng
là xương tự xương tôi, thịt tự thịt tôi. Nàng sẽ mang danh là “đàn bà”, vì đã
được rút từ đàn ông.
Bởi thế, đàn ông
sẽ rời bỏ cha mẹ mà khắng khít với vợ mình, và chúng sẽ nên một thân xác.
* Đó là Lời Chúa! - Tạ ơn Chúa!
Suy
niệm Lời Chúa
Với bài Lời Chúa
hôm nay, ta bắt đầu học về điều răn thứ sáu. Nhưng ngay đây, xin đặc biệt lưu ý
một điều: trong vấn
đề quan trọng chừng này của cuộc đời con người - vấn đề nam nữ - ta đừng chỉ
chăm chú hỏi xem sự gì cấm, sự gì cho phép, tức là chỉ chú ý đến giới răn, điều
luật. Tất cả chúng ta, từ trẻ đến lớn, để là Kitô hữu sau Công Đồng Vatican 2,
phải có một lối nhìn đổi mới, phải “đổi mới tư duy” - như ngày nay người ta
thường nói - phải có một cái nhìn sâu xa, rộng lớn hơn phạm vi giới răn, điều
luật; phải có một thái độ Kitô giáo chân chính, đúng đắn như Kinh Thánh dạy và
Công Đồng hướng dẫn.
Muốn được như
thế, phải học hỏi nhờ Kinh Thánh và sự hướng dẫn của Công Đồng, để biết được ý muốn của Thiên Chúa thế nào, khi Ngài tạo dựng nên loài người có nam có nữ. Phải
học hỏi, phải dùi mài cho đến kỳ nhập tâm, trở thành thói quen, thành nếp sống,
thành thái độ, cử chỉ bình thường trong đời sống mình.
Những điều sẽ
nói đây, có lẽ chẳng có chi mới lạ, nhưng điều cần là nhắc lại, “ôn cố nhi tri
tân” để nhập tâm.
1/ Người khác phái không phải là mối nguy hiểm: Ta vừa nghe đọc Lời Chúa trong sách Khởi Nguyên,
điều đầu tiên Chúa dạy không phải là bổn phận bảo vệ nhân đức trong sạch. Kỳ
cục thật! Cứ nghe nói đến điều răn thứ sáu và thứ chín, là tức khắc người ta
nghĩ ngay đến cấm đoán: Chớ làm cái này! Đừng làm cái kia!... Trong bài Kinh
Thánh vừa đọc, ta thấy trái lại: Chúa nói chuyện yêu đương. Chúa cưới vợ cho
ông Ađam. Ông Ađam thấy vợ, sướng quá, ca lên, hát nên lòng biết ơn và hạnh
phúc có được một người bạn đời. Rồi Kinh Thánh nhẹ nhàng nói đến chuyện họ kết
hợp với nhau khắng khít, quí nhau, cần nhau, đến nỗi bỏ cả cha lẫn mẹ mà quấn
quít lấy nhau, thành một thân thể:
“Mình với ta xưa
hai nay một!”
Một bản văn Kinh
Thánh khác bổ cứu thêm: Thiên Chúa chúc lành cho tình yêu vợ chồng ấy và bảo:
“Hãy yêu nhau nhiều vào, để sinh con đẻ cái đầy đàn đầy đống, ngõ hầu bá chủ
trên hành tinh này, cùng muôn vật trên vũ trụ”. Đoạn Thiên Chúa khoanh tay nghỉ
việc, Ngài ung dung vuốt râu, sung sướng vì đã thành công trong việc tạo dựng.
Ngài thấy nó đẹp quá, tốt quá, không chê vào đâu được. Có thể nói, nếu Ngài
không tạo dựng, chắc Ngài không được hạnh phúc như vậy. Tạo dựng thành công,
tốt đẹp, Ngài như thêm vinh quang và hạnh phúc.
Trong cảnh tả
trên, không có gì là cấm kỵ. Vì thế, Thiên Chúa dựng nên nam nữ, trước hết
không phải để cấm trai gái, nam nữ yêu nhau, không phải để cấm nhìn, cấm nghĩ
đến nọ kia. Vì trong viễn tượng cấm kỵ,
người khác phái sẽ bị coi là một
mối nguy hiểm cho ta. Và nếu họ tự nhiên hấp dẫn ta - hấp
dẫn cách thú vị là đàng khác - họ lại vẫn là một vật mà ta cứ phải tránh lánh,
trước họ, ta phải đề phòng như một nguy cơ cho bản thân. Nhiều lần, ta còn nghe
nói độc địa thế này: Đàn bà là quỉ Satan cám dỗ đàn ông! Một câu nói, xét cho
cùng, không có tinh thần Chúa Kitô.
Do một cách dạy
đạo từ xưa quá tiêu cực, chỉ nhằm bảo vệ đức trong sạch tư riêng cá nhân về
điều răn thứ sáu và thứ chín (chớ dâm dục, chớ muốn vợ chồng người), nên ta
luôn ở vào thế phòng thủ, bảo vệ. Đành rằng điều ấy không hoàn toàn sai hay
phải bỏ đi đâu. Không! Song người ta quên nhắm đến mặt tích cực, là sự đánh
giá người phái kia, và tôn trọng họ đúng phẩm giá, chức vị và khả năng
của họ, như Kinh Thánh dạy.
Nếu ta có cái nhìn tích cực nói đây, việc tuân giữ hai giới răn 6 và 9
sẽ trở thành một việc của lòng yêu thương: ta yêu mến, tôn trọng Chúa và trật
tự Chúa đặt ra về vấn đề nam nữ, và ta yêu mến người khác phái, tôn trọng, kính
nể họ: đó là ta thi hành đức bác ái rồi vậy.
Xin lưu ý: Cái lối nhìn tích cực và cởi mở này không phải
là cấp tiến, hoặc thích bày điều mới lạ. Đúng hơn là do Giáo Hội ngày nay trở
về với Kinh Thánh, mà rút ra từ Lời Chúa dạy đó thôi.
2/ Con người một mình thì thiếu thốn, nghèo nàn:
Lời Chúa dạy cho
ta biết ý muốn của Chúa về
vấn đề này như sau:
“Con người chỉ
có một mình là điều không tốt”, tức là không đầy đủ hoàn toàn. Dựng cho con
người một vườn địa đàng, đủ mọi hoa thơm, quả lạ, đầy muông chim, cầm thú,
Thiên Chúa thấy họ vẫn chưa hạnh phúc, vẫn thiếu một cái gì sâu xa trong bản
thân họ. Nói trắng ra, họ cần có ai khác làm bầu bạn và trợ giúp. Thấu tim đen
của họ, Thiên Chúa mới nói: “Thôi được! Ta sẽ làm cho nó một người trợ giúp
tương xứng với nó”. Rồi Thiên Chúa giáng xuống cho con người một giấc ngủ kỳ
lạ, có ý nói, con người không thấy được việc Chúa làm. Đối với Ađam, việc Chúa
sắp làm đây là một mầu nhiệm: Chúa lấy một xương sườn mà làm thành người đàn
bà. Tích lấy xương sườn này phải hiểu theo nghĩa bóng, tức là người đàn bà có
đồng bản tính nhân loại, bình quyền, và đồng chức vị như đàn ông. Cho nên, khi
thấy Eva, Ađam kêu lên: “Phen này, nàng là xương tự xương tôi, thịt tự thịt
tôi!”. Viết điều ấy, Thánh Kinh có ý dạy cho các dân tộc bán khai: đừng nên coi
đàn bà như vật thấp hèn, rẻ rúng. Cách đây không lâu, có dân còn cho là đàn bà
không có linh hồn, như đồ chơi của đàn ông. Và trong những nước vùng Á Đông như
Trung Hoa, Việt Nam... các ông tậu hàng tá vợ, nàng hầu, cứ có tiền là bao
nhiêu cũng được: phụ nữ bị coi rẻ mạt. Chỉ cần nhớ đến các vua thời xưa có tam
cung, lục viện chứa hàng trăm, hàng ngàn cung nữ, cung phi. Vậy không nên hiểu
tích xương sườn như thể Thiên Chúa lấy của ông Ađam, làm cho đàn ông bầy giờ có
xương sườn cụt. Hiểu theo nghĩa đen như thế, đã đưa đến cầu chuyện “tếu” sau
đây: Có bà vợ kia, quá ghen tuông, đêm nào cũng sờ nắn xương sườn chồng, xem có
cụt thêm cái nào nữa không, sợ rằng cứ cụt thêm một cái là ông lại có thêm một
bà!
Từ xương sườn,
Thiên Chúa nắn thành người đàn bà. Chúa không nắn thêm một đàn ông thứ hai, một
người đồng chí, một người anh em, nhưng là một người đàn bà, phái nữ, để bổ túc
cho ông. Đó chính là cái ông thiếu. Vậy ra, đàn ông không đầy đủ, ông thiếu
thốn sâu xa. Thiên Chúa đem đến cho ông một bổ túc cho bản thân, cho cuộc đời
ông. Muốn bổ túc, đàn bà phải khác: khác tài, khác tâm lý, khác tính tình, khác
vóc dáng, khác năng khiếu... Nhưng bổ túc ấy phải tương xứng, tức là đồng bản tính nhân loại,
đồng chức vị, đồng quyền. Các cầm thú không tương xứng, vật chất ăn ngon, mặc
đẹp, âm nhạc, hội họa... cũng không tương xứng, nên không bổ túc cho bản thân
ông được.
Được vợ rồi, từ
đó, hai người quấn quít nhau, kết hợp với nhau: cả hai hợp lại mới thật thành
người toàn vẹn, đầy đủ.
3/ Kết luận từ đó thế nào? Rút
bài học gì cụ thể?
a/ Nếu Thiên
Chúa đã dựng nên con người tự bản chất - bên nam cũng như bên nữ - là thiếu
thốn, là bất toàn và cần
phải có người kia bổ túc, vậy thì điều trước hết là ta phải
nhận mình cần người kia.
“Con người một mình là không tốt”.
b/ Càng thấy
cần, càng phải quí. Nếu
trên mặt bản thân, không gì quí hơn người khác phái. Đó là cả một kho tàng phải
quí, phải tôn trọng, vì quà tặng đó của Thiên Chúa. Nếu mỗi bên đều nhìn bên
kia với con mắt thán phục, quí trọng, kính vì, thì cuộc đời sẽ đẹp biết bao!
Người nữ sẽ nhìn nhận nơi người nam sự khỏe mạnh, giàu nghị lực, làm rường cột,
làm người cầm cân nảy mực, có trí óc minh mẫn, thực tế, để điều khiển và tổ
chức gia đình, xã hội, nơi nương tựa cho chị em trong những lục hoạn nạn, sầu
đau. Người nam sẽ nhìn sang người nữ với lòng thán phục, vì trong họ chất chứa
cả một kho tàng phong phú tình yêu, đầy hiền từ, nhẫn nại, chịu khó, dịu đàng,
mềm mại, dễ thương, dễ mến. Không phải phụ nữ là biểu tượng của tình yêu sao?
Ông M. bị vợ
giận bỏ đi, lần này là lần thứ ba, chỉ vì ông đã nghèo mà còn nóng tính. Biết
lỗi, lần này, ông lại đi van xin vợ trở về nhà. Thấy ông có vẻ quá quị luỵ bà
vợ, hàng xóm cho ông là hèn nhát. Ông đáp lại một câu thật cảm động và có ý
nghĩa:
- Tôi phải quị
luỵ, nhún nhường tìm vợ tôi về, để có người mẹ, con cái tôi có được tình âu
yếm.
Thì ra, ông nhận
rằng: chỉ có người đàn bà mới có thể đem lại tình thương, và âu yếm là món ăn
tâm thần cần thiết cho con cái ông, mà ông không có được.
Cứ tưởng tượng
thế giới này sẽ ra sao, nếu không có phụ nữ? Chắc chắn sẽ buồn tẻ và không còn
nhân đạo, chỉ toàn tranh giành, xô xát khốc liệt. Văn chương, thi phú, ca nhạc
chẳng còn hứng nữa, sẽ biến mất. Nhà cửa bừa bãi, dơ bẩn, ngập rác rưởi đo tính
lười biếng của đàn ông... Còn sự gì sẽ xảy đến, nếu thế giới này không có đàn
ông? Các bà sẽ chẳng còn cái sung sướng tay bống tay bế, hôn hít, chắt chiu...
Thế giới sẽ vô tổ chức, vô trật tự, vì không còn luật lệ gì cả, tất cả sẽ tùm
lum, tà la, rối rít tít mù, không biết đâu mà rờ. Người ta thường nói giỡn: Ba
bà với vài con vịt đủ thành cái chợ. Thì lúc ấy, cả thế giới đàn bà sẽ om xòm
như một cái chợ vĩ đại.
Còn trong gia
đình, nếu thiếu đi người cha hoặc người mẹ, như những trường hợp ly thân, ly
dị, gia đình ấy sẽ ra sao? Kinh nghiệm đã cho thấy rõ: thật là bất hạnh! Tội
nghiệp cho mấy đứa trẻ! Ở với cha thì mất mẹ. Ở với mẹ thì thiếu cha.
c/ Thực tế, đàn
ông sẽ không cậy vào sức mạnh mà khinh bỉ
hạng liễu yếu đào tơ. Phụ nữ không đâm tự ti mặc cảm mà coi mình thấp hèn.
Đàn ông mà khinh bỉ phụ nữ, người ấy tỏ ra còn trẻ con, chưa trưởng thành, chưa
xứng mặt trượng phu. Đàn ông, con trai cậy sức mạnh, đánh đập, lấn át phụ nữ,
đó là một kẻ mọi rợ, vũ phu! Các dân văn minh luôn tôn trọng phụ nữ! Các ông
chồng hãy nghe lời Kinh Thánh dạy:
“Anh em là
chồng, thì phải biết điều mà sống cảnh gia thất với vợ hợp với thân phận mỏng
giòn, chiếu theo nữ tính của họ. Đối với họ phải kính vì, như những kẻ đồng
thừa hưởng cơ nghiệp sự sống đời đời” (1Pr 3.7).
Người đời cũng
thường nói: không nên đánh vợ, cho dù bằng một cành hoa hồng”.
đ/ Ngay từ
nhỏ, tập cho con cái biết
tôn trọng nhau, nhất là con
trai. Phụ huynh đừng nói điều gì, đừng làm hành vi nào tỏ vẻ khinh bỉ đàn bà,
con gái. Tập cho mình, cũng như cho con cái biết cách biểu lộ sự tôn trọng ra
bên ngoài bằng các cử chỉ, lời ăn, tiếng nói:
những cử chỉ lịch sự (chẳng hạn nhường chỗ cho phụ nữ), ăn nói nhã nhặn, thái
độ đứng đắn, giúp đỡ nhau tùy khả năng, sức lực (chẳng hạn con trai, đàn ông
đảm nhiệm các việc nặng nề. Sức lực của nam giới là để bảo vệ phụ nữ và tránh
cho họ những việc nặng nhọc). Những điều nói đây, ai cũng biết cả, nhưng lại
không thực hành. Lý do một phần là người Việt ta, dù đạo công giáo, song vì lâu
đời thâm nhiễm tinh thần Nho giáo: trọng nam khinh nữ (nam viết hữu, nữ viết
vô), cho nên có thái độ khinh rẻ phụ nữ. Nào là: “Bà câm đi! Đàn bà biết gì mà
nói!” - hoặc: “Cút xuống bếp đi cho rảnh!” - hoặc: “Đồ con gái, động tí là khóc
nhè!”. Chúng ta là Kitô hữu, phải sống theo Chúa Kitô dạy, chứ không theo Khống
Tử dạy. Đừng sợ rằng tôn trọng, nhường nhịn phụ nữ là nịnh đầm, thấy mắc cỡ,
nhục nhã.
2/ Sau nữa, tập biết hợp tác với nhau trong mọi lãnh vực: gia đình, đoàn thể, xã hội…
Hãy xem một bác sĩ cũng cần có người trợ tá, nữ y tá... Vì sao ngày nay các bà,
các cô ra ứng cử hội đồng, chen chân vào các tổ chức xã hội, ngay cả làm thủ
tướng? Bởi vì, tuy người nam có tài tổ chức, khéo điều khiển bộ máy, song phụ
nữ thấy nhiều điều tinh tế mà nam nhân không thấy. Như thế là bổ túc cho nhau.
Do đó, ngay trong gia đình, từ nhỏ, hãy tập cho có sự hợp tác ấy. Phân công cho
con trai, con gái là một chuyện, khuyến khích hợp tác mới mỹ mãn. Người lớn cứ
nghĩ lại mà xem, chẳng phải thường thường trong gia đình, ta luôn đề cao con
trai, hạ thấp hay coi thường con gái? Con trai thì thế nào cũng được, con gái
thì bi kèn cựa từng li từng tí,
nhân danh một tục lệ lỗi thời: “Ngày xưa, khi tao còn con gái còn nết na, nề
nếp, khép nép hơn mày bây giờ nhiều”. Đành rằng phận gái phải kín đáo, nết na,
giữ gìn hơn, điều đó rất đúng và vẫn luôn đúng; song gò bó, đóng kín và thụ
động như xưa là không còn hợp thời và hợp lý nữa. Cho nên phải đề cao khả năng
và giá trị cả hai bên, tuy mỗi bên một khác, phải khai thác và phát triển năng
khiếu, tính tình, đức tính của hai bên. Một gia đình sẽ đầy sinh lực, sẽ phong
phú cũng là nhờ biết làm chủ như thế; một xã hội sẽ giàu mạnh, tiến bộ và văn
minh cũng nhờ đó phần lớn...
Gia đình ta đọc
kinh đền tạ và cũng xin Chúa giúp sức thực hành bài Chúa dạy hôm nay.
100 BÀI GIÁO LÝ KINH THÁNH
Lm Ph. HOÀNG MINH TUẤN
Biên soạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét