Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

GIÁO LÝ PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXVI QUANH NĂM, NĂM C



GIÁO LÝ PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT XXVI QUANH NĂM, NĂM C
Sách Tiên Tri Amos 6, 1a.4-7; Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi Timôtê 6.11-16
và Phúc Âm Thánh Luca 16.19-31

I.                 Giáo Huấn P.Â.:   

Chúa là chủ tối cao của của cải vật chất, chúng ta chỉ là quản lý.

Chúa ban của cải cho chúng ta không phải để chúng ta tự do xử dụng tùy theo sở thích của mình, nhưng để ban phát và chia sẻ cho người nghèo đói. Chúng ta là người quản lý trung thành được mô tả trong Phúc Âm Luca 12.42  "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần lúa thóc đúng giờ đúng lúc?”

Ladarô có nghĩa “Thiên Chúa giúp đỡ!” Chúng ta nên trông cậy vào Chúa. Chúa tồn tại vĩnh cửu, tình yêu thương Ngài vô tận. Không nên như người phú hộ trông cậy vào của cải tạm bợ, chóng qua ở đời nầy.

II.     Vấn nạn P.Â.    

Tại sao Ông phú hộ bị phạt trong hỏa ngục đời đời và tại sao Ladarô nghèo đói được hưởng hạnh phúc thiên đàng vĩnh cửu.

Đây là một dụ ngôn, tức câu chuyện không có thật được xử dụng làm thí dụ để giáo huấn dân chúng. Bách Khoa tự điển Công Giáo liệt kê 24 dụ ngôn trong Phúc Âm Luca, 18 dụ ngôn trong Phúc Âm Matthêô và có 23 dụ ngôn trong Phúc Âm Thánh Matcô. Không có dụ ngôn trong Phúc Âm Thánh Gioan.

 Nói như thế không có nghĩa Phúc Âm có đến 65 dụ ngôn khác nhau. Thực ra chỉ có chừng 33 dụ ngôn được Chúa dùng. Tuy nhiên, trong Phúc Âm Nhất Lãm, Phúc Âm Matcô có trước tiên, làm nền cho hai Phúc Âm còn lại. Nên một số khá lớn dụ ngôn trong Phúc Âm Matthêô và Luca được lập lại từ Phúc Âm Matcô.

Dụ ngôn bày ra hai cảnh sống trái ngược:

Ông Phú hộ giàu có, ăn uống linh đình thừa mứa, vui chơi hưởng thụ suốt ngày đêm.

Anh nghèo Ladarô ngồi ăn xin ngay trước cửa nhà ông phú hộ, anh không có được cả miếng bánh thừa từ bàn rơi xuống.

Họ sống thật gần nhau. Nhưng hoàn cảnh thật đối nghịch và thành xa lạ.

Cả hai cùng chết và tiếp tục cảnh sống trái ngược:

Ông phú hộ bị phạt trầm luân trong hỏa ngục, đau khổ triền miên.

Ladarô ngồi trong lòng Abraham hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

Ông phú hộ bị phạt trong hỏa ngục, vì ông tưởng rằng: Ông là chủ của những của cải vật chất ông có, ông muốn xử dụng sao tùy ý. Ông quên vai trò quản lý của ông là phân phát những gì Chúa ban cho người khác, đó là người nghèo Ladarô đói khổ ngay trước nhà ông. Chia sẻ cho người nghèo đói không là một “tùy hỉ” hay tùy hứng nhưng là luật buộc của Chúa, là Ông chủ tối cao. Như vậy chúng ta không nên kết luận là: người giàu sẽ xuống hỏa ngục và không nên giàu có. Không! Chúng ta nên làm giàu hay cầu xin Chúa cho mình có đời sống sung túc, không vì cho bản thân nhưng để có phương tiện mà phân phát cho người nghèo.

Ladarô nghèo khổ được thưởng không vì nghèo, nhưng vì “Thiên Chúa giúp đỡ!” Ladarô chấp nhận cảnh lầm than đói khổ, không than thân trách phận, không hận đời chửi bới, nhưng tin rằng Chúa là chủ tối cao sẽ phân xử công bằng. Chúng ta cũng không nên chủ trương sống nghèo khổ thiếu thốn để xin Chúa giúp. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã cố gắng làm lụng vất vả, nhưng kiếp nghèo vẫn đeo đuổi, chúng ta vui lòng chấp nhận và sống bình an trong sự cậy trông vào Chúa như Ladarô.

Tại sao tổ phụ Ábraham có mặt trong dụ ngôn và tại sao tổ phụ không chấp thuận chuyện cho phép Ladarô từ cõi chết trở về cảnh cáo 5 anh em của Ông phú hộ còn sống?

Sách Sáng Thế Ký chương 15.1-6; 17.3-5, 15-16 và 21.1-7 thuật rằng: Abraham rời bỏ quê hương ở Ur xứ sở của người Chaldee, phía bắc vùng Mesopotamia – nay là đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Abraham đi đến Harran, rồi cùng vợ là Sara và người cháu tên Lot, cùng các tôi tớ tiếp tục cuộc di cư đến xứ CanaanThiên Chúa kêu gọi Abraham đi đến "xứ mà ta sẽ chỉ cho", và hứa ban phước cho ông và làm cho dòng dõi ông trở nên một dân tộc vĩ đại : “đông như sao trời cát biển” . Tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa, Abram đi xuống Shechem, tại cây dẻ ông nhận lãnh lời hứa mới "Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này". Sau khi "lập một bàn thờ cho Chúa, là Đấng đã hiện đến cùng người", Abram đi đến một địa điểm ở giữa Bethel và Ai, tại đây ông lập một bàn thờ cho Thiên Chúa và cầu khẩn danh Ngài.

Nhưng rồi thực tế là tuổi đời đã cao mà con nói dõi vẫn không có. Ông trù tính theo cách thức của mình: Ăn ở với nàng hầu Hagar và có con trai Ismael. Nhưng vẫn không là con của lời hứa. Sau cùng ông được toại nguyễn, Chúa ban cho ông con trai Isaac. Nhưng ước mơ chưa tròn, ông phải vâng lệnh Chúa hiến tế con mình. Chúa chấp nhận lòng tin vâng phục của ông, tha chết cho Isaac và cho ông đất đai và dòng dõi đông đức như lời hứa.

Hình ảnh tổ phụ Abraham được trưng dẫn trong Phúc Âm người phú hộ và Ladarô hôm nay, vì Abraham có nghĩa là “Father of Multitudes” Cha của số đông hay Cha của nhân loại. Người Do Thái nào cũng thuộc nằm lòng câu chuyện Abraham. “Ladarô trong lòng tổ phụ” có nghĩa là Ladaro đã sống theo gương của tổ phụ Abraham. Dù đời gặp nhiều gian nan thử thách, có lúc gần như khó hiểu hay mất đức tin, nhưng vẫn trung thành và sống đúng tên gọi “Thiên Chúa giúp đỡ!” Ông phú hộ bị phạt cũng nhận ra Abraham là tổ phụ mình và ông biết lý do tại sao ông không ở trong lòng Abrhaam. Ông sinh ra từ dòng dõi Abraham, nhưng nếp sống giàu có và tin tưởng vào của cải vật chất đã tạo một vực thẩm giữa ông và tổ phụ.

Tổ phụ Abraham không đồng ý cho Ladarô từ cõi chết trở về cảnh cáo 5 anh em của ông phú hộ vì “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó!” Môsê là thủ lãnh được Chúa sai đến hướng dẫn dân chúng. Ngôn Sứ là những tiên tri, những người lãnh vai trò giáo huấn, ban truyền chỉ thị của Chúa. Nên anh em của Ông phú hộ có những gì cần để sống đời sống tốt, biết những gì phải giữ và phải làm, không cần phải có người từ cõi chết hiện về răn bảo.

Nói cụ thể: Như chúng ta là người Công Giáo, chúng ta có giáo lý, có Lời Chúa, có linh mục hướng dẫn, có bí tích thánh hóa đời sống… nếu chúng ta không biết tận dụng là do lỗi chúng ta. Nếu chúng ta bị phạt như ông phú hộ thì đừng đổ thừa là không có nhận được một cảnh cáo nhãn tiền nào cả.

“Lạy tổ phụ Abraham, xin thương xót con và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” Tại sao yêu cầu đơn giản nầy bị từ chối?

Phúc âm Thánh Luca cho chúng ta một so sánh về hai yêu cầu rất đơn giản mà không được đáp trả: “Lại có một người nghèo khó tên Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no” cũng không có được.

Khi còn tại thế, sống trong giàu sang dư dật, một nhu cầu rất đơn giản của người nghèo đói là mụn bánh thừa mà ông cũng không màng ban phát, thì giờ đây một giọt nước nhỏ xuống ông thèm khát cũng không có. Rất đơn giản và dễ dàng, nhưng ông đã không ban phát thì chuyện đời sau, rất đơn giản và dễ dàng nhưng ông cũng không nhận được. Đã không cho thì làm sao có mà nhận.

Người ta nhiều khi phải khốn khổ vì những cái nhỏ nhặt và đơn giản. Chỉ cần cho một quan tâm và giúp đỡ nhỏ cho người nghèo, làm dịu bớt không biết bao nhiêu đau khổ mà nhiều người đã từ chối thì phải nhận chịu sự đau khổ cùng cực và lớn lao vì những từ chối đơn giản và nhỏ nhặt trong đời sống.

Thí dụ cho dễ hiểu: Nhiều người chìu con mình quá đáng, mua thừa mứa những thức ăn nhiều khi không cần thiết. Chúng ăn phí phạm ăn một phần nhỏ, phần còn lại vất sọt rác. Đang khi đó chỉ cần một đồng một ngày thôi cũng có thể giúp cho một trẻ em nghèo đi học. Chuyện nhỏ! Mang tương lai cho một em học sinh nghèo, nhưng đã không làm… thì hậu quả có thể là: vì sự nuông chìu thái quá, con cái mình thành hư đốn và thành bất hạnh cho đời mình. Tất cả bắt đấu bằng chuyện nhỏ và đơn giản. 

III.       Thực hành P.Â.:

1.     Cho một quan tâm

Một hiền nhân hỏi các đồ đệ. Tại sao khi người ta giận nhau hay bất bình với nhau thì người to tiếng, nhiều người hét to lên dù người kia đang ở bên mình?

Đệ từ trả lời: Vì họ nóng nảy nên mất bình tĩnh.

Bậc hiền nhân trả lời: Không phải đâu! Khi hai người đang giận nhau thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật  to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.”

Bậc hiền nhân tiếp: Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào?  Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao?  Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau.  Khoảng cách giữa họ rất nhỏ…” Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt đó họ đã biết đối phương nghĩ gì, muốn gì ..” Hiền nhân kết luận: Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề.  Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau… Nếu không thì có một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thì các con sẽ không còn tìm ra được đường quay trở về !”

Ông phú hộ giàu có trong Phúc Âm hôm nay đã không nói nhỏ mà cũng không hét to với anh Ladarô nghèo đói. Tâm tình hay thì thầm thì là gần gũi. Hét to dù không hay cũng có chút quan tâm. Đàng này: Không hét, không nói, không thì thầm… tức vô tâm. “Mày chả là cái thá gì cả!”

Xin hãy cho một quan tâm đơn giản cho người cận thân: Một câu chào hỏi, một lời khen hay một ân cần chăm sóc như có cần gì không? Tôi có thể giúp gì được không?

Một quan tâm! Thật cần thiết biết bao? Nhiều người đàn ông bỏ vợ nhà đi chung chạ với một phụ nữ khác. Không vì cô ấy đẹp hay làm có nhiều tiền hơn vợ mình. Nhưng vì cô ấy biết quan tâm chăm sóc đến mình. Chỉ cần câu hỏi bình thường: Sao anh trông mệt vậy? Anh có gì buồn khó nói… anh có thích chiếc áo em đang mặc không…. Thật đơn giản, nhưng tỏ một quan tâm… Đang khi đó, cô vợ ở nhà thì “dường như không thấy tôi hiện diện!”

2.     Đừng tạo nên quãng cách xa.

Nhân dịp dâng lễ ở thành phố Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi linh mục tu sĩ chỉ nên xử dụng những chiếc xe đơn giản không quá nhiều tiền. Có quá nhiều người nghèo cần tiền để sinh sống. Linh mục tu sĩ nên gần gũi và đồng cảnh với người dân hơn là tạo quãng cách xa xôi và đầy phân biệt giữa người đang đói và người đi xe hiện đại đắt tiền

Lm. Phêrô Trần thế Tuyên 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét