Tinh thần và định hướng việc học Kinh Thánh
Nội dung
1. Mục đích
2. Tinh thần học
3. Tự học
4. Định hướng việc tìm hiểu Kinh Thánh
1. Mục đích
Mục đích của việc học Kinh Thánh là nhận ra rằng:
- Lời Chúa là kho tàng phong phú, hấp dẫn, thu hút và có ích lợi thiết thực cho cuộc sống hiện tại.
- Lời Chúa vừa soi sáng, vừa hướng dẫn cuộc sống, vừa là nguồn khích lệ trong hoàn cảnh khó khăn, vừa là lương thực dồi dào cho đời sống tâm linh.
Nhờ đó những ai yêu mến học hỏi Lời Chúa có thể sống dồi dào và sống có ý nghĩa cuộc sống hiện tại. Cho dù cuộc sống nhiều khó khăn, phức tạp và bấp bênh đến đâu đi nữa, người yêu mến Lời Chúa vẫn có bình an và niềm vui của Đức Giê-su ban tặng. Bình an và niềm vui ấy hiện diện ở nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn. Nhờ thế, người yêu mến học hỏi Lời Chúa có khả năng đứng vững và có sức mạnh để vượt qua mọi gian nan thử thách.
Nhờ biết phương pháp đọc và phân tích bản văn Kinh Thánh, mọi người có thể tự mình tìm hiểu bản văn để thưởng thức Lời Chúa và áp dụng vào cuộc sống hiện tại.
2. Tinh thần học
- Học vì yêu thích, không học vì bị ép buộc.
- Vì yêu thích nên vui vẻ sắp xếp thời gian để học.
- Học để mở trí, mở lòng ra đón nhận và sống giáo huấn của Đức Giê-su.
- Học để xét duyệt lại và cập nhật những kiến thức đã biết.
- Học để canh tân và đổi mới cách suy nghĩ và hành động.
- Học để biết là mình chưa biết đủ về Đức Giê-su.
- Học để nhận ra sự hiểu biết tiến triển không ngừng.
- Học để biết chiêm ngắm và sống với Lời Chúa.
3. Tự học
Với sự hỗ trợ của sách vở và các lớp học, mọi người có thể trau dồi việc học. Chẳng hạn để học hỏi Tin Mừng Gio-an có thể tiến hành các bước sau:
1) Đọc chậm rãi và kỹ lưỡng toàn bộ sách Tin Mừng Gio-an. Ghi nhận những điểm khó hiểu và thắc mắc nếu có. Có thể tìm giải đáp thắc mắc qua các tác giả và tài liệu đáng tin cậy hoặc qua trao đổi với người khác.
2) Có ba cách chính để tiếp cận bản văn Kinh Thánh:
a) Phân tích đoạn văn.
b) Phân tích đề tài.
c) Phân tích nhân vật.
Sau khi đọc kỹ Tin Mừng Gio-an, có thể chọn một trong các đề tài gợi ý sau để tìm hiểu:
1. Chọn một đoạn văn trong Tin Mừng Gio-an để phân tích.
2. Chọn một đề tài trong Tin Mừng hay trong một đoạn văn để phân tích.
3. Liệt kê các nhân vật trong Tin Mừng Gio-an, sau đó xếp loại một số nhân vật:
- Nhân vật đứng về phía Đức Giê-su.
- Nhân vật chống đối Đức Giê-su.
- Nhân vật không tin rồi tin.
- Nhân vật tin rồi không tin.
- Nhân vật có chuyển biến phức tạp.
- Nhân vật không thay đổi lập trường trong bản văn.
4. Chọn một (hay một nhóm) nhân vật gây ấn tượng trong Tin Mừng Gio-an để phân tích.
5. Phân tích từ ngữ. Mỗi từ trong sách Tin Mừng có thể trở thành đề tài học hỏi.
4. Định hướng việc tìm hiểu Kinh Thánh
Trước khi tìm hiểu Kinh Thánh, có thể nêu lên một số định hướng việc học như sau:
1. Tôn trọng nội dung bản văn Kinh Thánh. Mục đích là đi tìm ý nghĩa của bản văn chứ không dùng bản văn làm phương tiện để minh họa cho suy nghĩ có trước của độc giả.
2. Chỉ áp dụng ý nghĩa của bản văn vào cuộc sống sau khi hiểu (một phần nào đó) ý nghĩa của bản văn; đồng thời ý thức rằng việc tìm hiểu ý nghĩa của bản văn không bao giờ kết thúc, vì bản văn tương quan mật thiết với cuộc đời và kinh nghiệm sống của độc giả.
3. Biết rõ những chi tiết bản văn nói tới và những chi tiết bản văn không nói tới. Từ đó tập trung phân tích những chi tiết bản văn cung cấp cho độc giả.
4. Có thể giả định về cách hiểu đoạn văn, nhưng cần kiểm chứng trong khi phân tích bản văn. Những kết luận rút ra từ bản văn cần trả lời thỏa đáng câu hỏi này: Dựa vào đâu trong bản văn để rút ra kết luận như thế?
5. Mục đích của việc học hỏi Kinh Thánh không chỉ là để hiểu biết mà quan trọng hơn là để sống với bản văn, để chiêm ngắm ý nghĩa của câu chuyện như chiêm ngắm một bức tranh đẹp và nhiều ý nghĩa. Nhờ đó Lời Chúa sẽ biến đổi cuộc đời và làm cho độc giả thêm vững mạnh.
Ngày 05 tháng 09 năm 2013.Giuse Lê Minh Thông, O.P.
Email: josleminhthong@gmail.com
Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2013/09/tinh-than-va-inh-huong-viec-hoc-kinh.html
Email: josleminhthong@gmail.com
Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2013/09/tinh-than-va-inh-huong-viec-hoc-kinh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét