TÓM LƯỢC VÀ GIẢI THÍCH SÁCH CHỈ NAM VỀ DẠY GIÁO LÝ
Phần lớn bài này được viết phỏng theo bài Commentary on the General Directory for Catechesis của Đức Hồng Y Raymond L. Burke, Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện, Tòa Thánh Vatican, và một số ít được viết theo General Directory For Catechesis của Thánh Bộ Giáo Sĩ.
Vào Đề
Việc dạy Giáo Lý luôn luôn được đặt làm nền tảng cho đời sống Hội Thánh. Nhiệm vụ chính yếu của Hội Thánh là truyền lại tín lý và việc thực thi Đức Tin bằng các giáo huấn. Trong khi nói về Tân Phúc Âm hoá, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của việc dạy Giáo Lý đúng cách để tạo nên một năng lực và sự hăng say mới trong việc giáo dục và sống Đức Tin Công Giáo.
Hội Thánh đã đặc biệt quan tâm đến việc Dạy Giáo Lý. Sáu năm sau Công Đồng Vaticanô II, Tòa Thánh đã cho ấn hành cuốn Sách Chỉ Dẫn Chung về Dạy Giáo Lý vào năm 1971. Từ ngày cuốn Sách Chỉ Nam đầu tiên này ra đời, Huấn Quyền của Hội Thánh đã đưa ra nhiều tài liệu hướng dẫn phong trào đào luyện Đức Tin mới này như các Thông Điệp "Phúc Âm Hóa trong Thế Giới Hiện Đại - Evangelii nuntiandi" (1975), "Việc Dạy Giáo Lý trong Thời Đại Chúng Ta - Catechesi tradendae" (1979), "Sứ Vụ của Đấng Cứu Thế - Redemptoris Missio" (1990) và Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (1992). Sau cùng Thánh Bộ Giáo Sỹ đã dựa trên các văn kiện kể trên để duyệt lại và ấn hành cuốn Sách Chỉ Nam Giáo Lý mới tên là "Sách Chỉ Dẫn Chung về Dạy Giáo Lý". Trong bài này, chúng tôi cố gắng tóm tắt những điểm chính yếu của cuốn Sách Chỉ Nam Giáo Lý mới để giúp các Giáo Lý viên và những ai có trách nhiệm về dạy Giáo Lý biết rõ về ơn gọi, sứ mạng, vai trò và trách vụ của mình trong việc dạy Giáo Lý.
Mục đích của Sách Chỉ Nam này là đưa ra những nguyên tắc thần học và mục vụ được rút ra từ Huấn Quyền và từ Công Đồng Vaticanô II để làm nền tảng vững chắc cho việc giảng dạy về Đức Tin. (Số 9)
Mục tiêu chính của Sách Chỉ Nam này trước hết là cho các Đức Giám Mục dùng trong việc đào tạo các Linh Mục và các Giáo Lý viên, đồng thời cũng cho tất cả những ai có trách vụ trong việc dạy Giáo Lý (Số 11). Sách Chỉ Nam này còn được dùng trong việc soạn các Sách Chỉ Nam Giáo Lý và các sách Giáo Lý của các Giáo Hội địa phương.
Phần Mở Đầu
Dạy về Đức Tin trong Thế Giới Hôm Nay (14-23)
Trong dụ ngôn Người Gieo Giống (Mc 4:3-8), Chúa Giêsu đã dạy chúng ta về khả năng của hạt giống, là Lời Chúa, trong việc sinh hoa trái, là ơn Cứu Độ, và sự quan trọng của thửa đất là mỗi người nghe Lời Chúa, mà hạt giống được rơi trên đó. Các giáo huấn của Tin Mừng đã và đang tiếp tục giúp cho "nền văn minh Đức Ái" được phát triển trên thế gian. Tuy nhiên, việc dạy Giáo Lý chỉ có kết quả khi Tin Mừng được lãnh nhận bởi những tâm hồn sẵn sàng đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống hàng ngày.
Sách Chỉ Nam Giáo Lý nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan niệm của chúng ta về thế gian trong khi thi hành sứ vụ dạy Giáo Lý. Quan niệm này sẽ ảnh hưởng đến việc chúng ta đón nhận và truyền thụ các giáo huấn về Đức Tin thế nào. Nếu chúng ta hiểu rõ thế gian như Thiên Chúa đã tạo dựng và cứu chuộc nó, thì chúng ta sẽ sẵn lòng và giúp người khác cũng sẵn lòng như thế để nghe Lời Chúa đến với chúng ta qua Thánh Kinh và Thánh Truyền. Việc các Giáo Lý viên suy nghĩ về quan niệm của mình về thế gian không những quan trọng để làm tròn việc tông đồ của mình, một việc tông đồ cần thiết cho đời sống Hội Thánh, mà còn sửa soạn lòng trí họ đón nhận chân lý, tình yêu mà Thiên Chúa thông ban qua việc dạy Giáo Lý.
Sách Chỉ Nam Giáo Lý nhắc nhở chúng ta rằng có ba yếu tố quan trọng trong quan niệm Kitô giáo về thế gian.
“Người Kitô hữu biết rằng mọi biến cố của nhân loại, đúng hơn là mọi thực thể, đều được đánh dấu bởi các hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa mà qua đó Ngài truyền thông sự tốt lành cho mọi người; chính quyền lực của tội lỗi đã giới hạn và làm cho con người bị tê liệt; và từ sự Phục Sinh của Đức Kitô phát sinh ra động lực…” (Số 16).
Mỗi khi dạy Giáo Lý, chúng ta cần nhớ ba yếu tố chính của chân lý về thế gian:
1) Thế gian tốt lành vì đến từ Thiên Chúa;
2) Sự tốt lành của thế gian đã bị tội lỗi, tội Tổ Tông và tội cá nhân của chúng ta, làm cho ra hư hỏng;
3) Sự sống được Đức Kitô Phục Sinh ban cho chúng ta trong Hội Thánh để chiến thắng tội lỗi trong đời sống chúng ta và sửa soạn chúng ta mỗi ngày và để đón Ngày Đức Kitô Trở Lại Lần Sau Hết, khi mà mọi sự sẽ phục hồi tình trạng tốt lành mà Thiên Chúa Cha đã muốn cho chúng.
Trên hết, trong khi thi hành sứ vụ tông đồ dạy Giáo Lý, quan niệm của Hội Thánh về thế gian còn có mục đích cổ võ một một trật tự công bằng là nền tảng của nền hòa bình trên thế giới, và của việc sửa soạn cho “Trời Mới và Đất Mời” (xem KH 21:1). Công việc dạy Giáo Lý tự nhiên gây cảm hứng cho Giáo Lý viên và học viên đáp lại ân sủng của sự Phục Sinh bằng cách hoạt động cho công lý vì những người nghèo đói nhất. Đức Thánh Cha gọi cảm hứng căn bản này là “ưu tiên hay là thương yêu người nghèo.”
Sự quan tâm của Hội Thánh trong việc cổ võ một trật tự công bằng trong đời sống cá nhân, xã hội và thế giới đã đưa Hội Thánh đến chỗ cổ võ việc tôn trọng nhân phẩm và bảo vệ nhân quyền (quyền sống, làm việc, được giáo dục, gầy dựng gia đình, tham gia vào đời sống công cộng và tự do tôn giáo), là những quyền giúp con người chu toàn bổn phận của họ trên thế gian như là con cái Thiên Chúa, và anh chị em của Con Một Thiên Chúa. Sự quan tâm của Hội Thánh về con người và về nhân quyền là quan tâm Công Giáo chính đáng, nghĩa là quan tâm đến mọi phương diện của đời sống con người, kể cả phương diện văn hóa và tôn giáo. “Điều mà Hội Thánh quan tâm hơn cả là sự phát triển toàn diện con người và mọi người” (Số 18). Trong khi thi hành với sự chú tâm đến cái nhìn của Hội Thánh về thế gian, một sứ điệp chính của việc dạy Giáo Lý của Hội Thánh là mặc khải về “sự bất khả xâm phạm của phẩm giá mỗi người.”
Cần phải có sự chạm trán giữa những quan niệm quần chúng và quan niệm của Hội Thánh về thế gian để có thể truyền thông Lời Chúa cách hiệu quả. Hội Thánh tìm kiếm những gì là tốt lành trong nền văn hóa hiện đại, những gì có thể giúp cho việc truyền thụ và hấp thụ Lời Chúa. Đồng thời, Hội Thánh cũng phải thành thật nhận chân những mặt khác của xã hội tương phản với giáo huấn và việc hấp thụ Lời Chúa.
Trong số những yếu tố của văn hóa thuận lợi hay cản trở việc truyền thụ Lời Chúa, Sách Chỉ Nam Giáo Lý ghi nhận một vài dữ kiện tôn giáo và luân lý. Về phương diện tôn giáo, trong xã hội và văn hóa ngày nay, con người rõ ràng là được lôi cuốn bởi những sự thánh. Việc được các sự thánh thu hút là điều tích cực trong việc truyền thụ Đức Tin, nhưng có thể bị đặt sai chỗ hay thao túng bởi những tà phái hay những phong trào tôn giáo sai lạc, thí dụ như phái cơ bản hay cái gọi là linh đạo Đời Mới . Đây cũng là một lý do cần thiết hơn nữa để cung cấp Giáo Lý chân chính có thể thỏa mãn sự ao ước sự thánh của nền văn hóa của chúng ta bằng chân lý của Lời Chúa như được dạy trong Hội Thánh. Các dữ kiện tôn giáo cản trở việc dạy Giáo Lý là: 1) Một sự “lan tràn không ngừng của thái độ thờ ơ về tôn giáo” (Số 22), mà qua đó chúng ta không nhìn thấy, hoặc coi thường bàn tay của Thiên Chúa đang hoạt động trong mọi thụ tạo và mọi hành động của con người; và tệ hơn nữa là 2) Việc hoàn toàn chối từ sự hiện hữu của Thiên Chúa hoặc vô thần. Sự từ chối này thường tiềm ẩn trong một chủ nghĩa hoàn toàn thế tục mà trong đó chúng ta tin rằng chúng ta có thể hiểu được thế gian mà không cần biết đến nguồn gốc hay số phận của nó trong Thiên Chúa.
Về mặt luân lý, nền văn hóa của chúng ta bị đánh dấu bởi những mập mờ về chân lý, về con người, và về sự tự do của con người. Như sự thờ ơ về tôn giáo làm cho con người ra không còn biết chân lý về sự liên hệ giữa Thiên Chúa và mọi thực thể thế nào, thì sự tương đối về luân lý cũng làm cho chúng ta đui mù mà không thấy Luật Thiên Chúa, nhất là về phương diện xã hội và chính trị của đời sống chúng ta, là những gì giúp chúng ta hành động trong chân lý và đức ái.
Ưu Điểm và Yếu Điểm của Môn Giáo Lý Hiện Đại (24-33)
Hội Thánh Trong Liên Quan với Thế Giới
Vì Kitô hữu là men trong thế gian, nên không tránh được bị ảnh hưởng của thế gian trong việc truyền thụ Đức Tin. Về mặt tích cực, việc dạy Giáo Lý cho trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành ở thời đại chúng ta đã làm nảy sinh trong các Kitô hữu cảm nghiệm về sự phong phú của lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, phục hồi sự hiểu biết về Mầu Nhiệm Nhập Thể (Thiên Tính và Nhân Tính của Chúa Giêsu Kitô), ý thức về nhiệm vụ của tất cả chúng ta trong việc truyền giáo của Hội Thánh, và ý thức cao về công bằng xã hội như là một điều cơ bản của Đức Tin Công Giáo (Số 24).
Mặt khác, thuyết thế tục và thuyết tương đối về luân lý lan tràn khắp nơi trong nền văn hóa của chúng ta cũng ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy Giáo Lý. Có những người chỉ là Công Giáo trên danh nghĩa chứ không trên thực hành, tuy họ vẫn còn cảm giác nào đó thuộc về Hội Thánh.Những người này cần phải được đánh thức để họ hiểu Giáo Lý Công Giáo và thực hành. Còn vô số những phần tử của Hội Thánh thực tâm đạo đức, nhưng không hiểu biết về những điều căn bản của Đức Tin. Lại có những người khác có một trình độ hiểu biết về Đức Tin còn ấu trĩ, chưa trưởng thành. Những người này cần học hỏi để hiểu biết về Đức Tin của mình dưới nhãn quan của một người trưởng thành trong thế giới hôm nay. Sau cùng, có những người Công Giáo, hoặc vì muốn cổ võ việc đối thoại với các nền văn hóa hay các tôn giáo khác, hoặc vì quá dè dặt nên không dám sống trong xã hội hiện đại như những người có Đức Tin. Họ đã không làm chứng cách hùng hồn về Đức Tin rằng Chúa Giêsu Kitô đang sống cho chúng ta trong Hội Thánh. Cho nên, để thắng vượt những ảnh hưởng tiêu cực của nền văn hóa trên đời sống Kitô, thì chúng ta chỉ còn một cách dạy Giáo Lý và qua việc Tân Phúc Âm hóa, một cách trình bày Đức Tin và phương cách thực hành Đức Tin cho trẻ em, giới trẻ và người trưởng thành (số 25-26).
Các Liên Hệ Trong Hội Thánh
Các liên hệ trong Hội Thánh có một ảnh hưởng sâu xa đến việc dạy Giáo Lý. Chúng ta có thể hiểu rõ đời sống nội tại của Hội Thánh qua việc các giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II được đón nhận thế nào, nhất là các giáo huấn trong các tài liệu quan trọng như: Hiến Chế Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concillium), Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh (Lumen gentium),Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum), Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes).
Các kết quả tích cực của việc đón nhận giáo huấn của Công Đồng có thể được thấy trong việc hiểu biết rằng Phụng Vụ Thánh là “nguồn mạch và tột đỉnh” của đời sống chúng ta trong Hội Thánh, trong việc “ý thức rõ ràng” về ơn gọi tư tế chung của tất cả những ai đã được Rửa Tội và kết quả của ơn gọi nên thánh của mọi người, trong việc phục hồi việc đề cao Thánh Kinh, trong việc nhiều người Công Giáo sẵn sàng dấn thân trong sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh, kể cả việc Phúc Âm hóa thế gian (Số 27).
Nhưng các giáo huấn của Công Đồng đã không luôn được đón nhận với những kết quả tích cực. Những ảnh hưởng tiêu cực của Công Đồng thường là do việc không chịu nghiên cứu kỹ lưỡng các giáo huấn của Công Đồng theo khuôn khổ của các giáo huấn và tập tục cố hữu của Hội Thánh. Từ sau Công Đồng, có những khuynh hướng coi Hội Thánh như một cơ chế tách rời khỏi Mầu Nhiệm Đức Kitô đang sống động trong Hội Thánh qua tác động của Chúa Thánh Thần. Có những nhóm người chủ tâm giải thích sai lạc các văn kiện Công Đồng để truyền bá những chủ trương riêng của họ, mà không đếm xỉa gì đến sự toàn vẹn của giáo huấn, và vì thế gây chia rẽ trong Hội Thánh. Chúng ta có thể thấy rõ ảnh hưởng này trong việc chia Hội Thánh ra thành phe “bảo thủ” và “cấp tiến”. Sự chia rẽ này trong Hội Thánh đã gây thiệt hại cho việc Phúc Âm hóa, làm trở ngại cho Hội Thánh trong việc chứng tỏ rằng thật sự có sự hiệp thông giữa các phần tử của Hội Thánh với Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và với nhau như là con cái Thiên Chúa trong Chúa Con Nhập Thể (số 28).
Tình Trạng của Việc Dạy Giáo Lý: Sự Sinh Động và Những Khó Khăn (29-30)
Sự sinh động của việc dạy Giáo Lý trong những năm gần đây được chứng tỏ bằng nhiều phương diện tích cực, mà những điểm chính là:
· Rất nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tận lực phục vụ cách hăng say vào sứ vụ dạy Giáo Lý, một hoạt động quan trọng nhất của Hội Thánh.
· Tính cách truyền giáo của “việc dạy Giáo Lý hiện đại” đã đưa nhiều người chưa rửa tội và nhiều người không được đào luyện về Giáo Lý vào Hội Thánh.
· Có nhiều Giáo Phận đã có những chương trình mục vụ Giáo Lý quan trọng và vai trò của nhiều nhóm hay phong trào Giáo Lý trong Hội Thánh.
· Phẩm chất và chiều sâu của việc dạy Giáo Lý gần đây cũng được phát triển khả quan hơn.
Tuy nhiên, Sách Chỉ Nam cũng nêu lên một số trở ngại và đề ra những giải pháp:
· Cần phải giúp cho các Giáo Lý viên hiểu rằng dạy Giáo Lý là “Trường Dạy Đức Tin” giúp học viên đào sâu toàn thề đời sống Kitô hữu về mọi phương diện.
· Cần phải đặt việc dạy Giáo Lý trên nền tảng của cả Thánh Kinh lẫn Thánh Truyền, có nghĩa là việc dạy Giáo Lý phải nhắc đến đến những kinh nghiệm và suy tư của Hội Thánh trong hai ngàn năm qua.
· Cần phải luôn quy chiếu về mục đích của việc Dạy Giáo Lý là hiệp thông với Đức Chúa Giêsu Kitô, cho nên phải trình bày Đức Tin một cách trọn vẹn, nhất là toàn thể chân lý về mầu nhiệm Đức Kitô.
· Cần phải nêu lên sự thiếu sót trong việc trình bày một số chân lý Đức Tin, thí dụ, chân lý về sự liên quan giữa Thiên Chúa và con người, về tội lỗi và ân sủng, về Cánh Chung. Cần phải chắc chắn rằng các sách giáo khoa về Giáo Lý không trình bày một chiều, làm tổn thương đến sự vẹn toàn của sự hiểu biết về Đức Tin.
· Cần phải liên kết việc dạy Giáo Lý “với Phụng Vụ” cách hoàn toàn, để các cử chỉ, biểu tượng, nghi thức, và kinh đọc trong Phụng Vụ trở thành một phần của việc trình bày Đức Tin.
· Cần phải vượt qua sự giằng co giả tạo giữa phương pháp và nội dung của môn Giáo Lý và tìm những phương pháp dạy Giáo Lý cho phù hợp với sự toàn vẹn của tín lý.
· Cần phải trình bày Đức Tin cho phù hợp với nền văn hóa của học viên.
· Cần phải coi việc đào luyện các tông đồ Giáo Lý cho việc truyền giáo là một công tác trọng yếu của việc dạy Giáo Lý.
Đọc Các Dấu Chỉ của Thời Đại (31-32)
Để đọc cách chính xác Thánh Ý Thiên Chúa ở thời đại và nền văn hóa của chúng ta, Hội Thánh phải phân tích hoàn cảnh của mình “trong phối cảnh của lịch sử Cứu Độ.” Sự phân tích này luôn dựa trên ánh sáng của Đức Tin và những khám phá khoa học hiện đại.
Các Thách Đố trong Việc Dạy Giáo Lý (33)
Việc dạy Giáo Lý hôm nay phải đương đầu với những thách đố và những đường hướng sau:
- Phải phục vụ sứ mạng Phúc Âm hóa của Hội Thánh với những sứ vụ rõ ràng.
- Phải trình bày cho trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành;
- Phải dựa vào gương dạy Giáo Lý thời các Giáo Phụ, nhắm đến việc đào luyện đời sống Kitô hữu của học viên;
- Phải trình bày những chân lý căn bản của Kitô giáo, nhấn mạnh đến “đời sống trong Đức Kito như là trọng tâm của đời sống Đức Tin”; và
- Phải đặt việc sửa soạn và đào luyện Giáo Lý viên trong sự phong phú vô cùng của Đức Tin làm trách vụ chính.
Tổng Lược về Sách Chỉ Nam
Sách Chỉ Nam này được chia thành năm phần.
Phần Thứ Nhất tên là “Việc Dạy Giáo Lý trong Sứ Vụ Truyền Giáo của Hội Thánh”. Phần này diễn tả đặc tính đúng đắn của việc Dạy Giáo Lý trong toàn thể mục vụ giảng dạy Lời Chúa.Hiểu đúng về việc dạy Giáo Lý là điều thiết yếu, vì cách một người hiểu việc dạy Giáo Lý sẽ quyết định cách người ấy dạy Giáo Lý.
Phần Thứ Hai, “Sứ Điệp Tin Mừng,” trình bày nội dung Đức Tin được dạy qua Giáo Lý. Phần này diễn tả nguồn gốc của Giáo Lý là Lời Chúa, chứa đựng trong Thánh Truyền và Thánh Kinh, và tiêu chuẩn để trình bày Lời Chúa trong việc dạy Giáo Lý. Phần này cũng diễn tả nội dung Giáo Lý như đã được trình bày trong sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố ngày 11 thánh 10 năm 1992.
Phần Thứ Ba trình bày việc dạy Giáo Lý trước hết và trên hết là việc làm của Chúa Thánh Thần, rồi sau đó phân tích những phương pháp khác nhau trong việc dạy Giáo Lý.
Phần Thứ Tư dành để trình bày sự đa dạng của những người mà việc dạy Giáo Lý nhằm đến, đa dạng về tuổi tác, về việc phát triển Đức Tin và đời sống Đức Tin, về các hoàn cảnh đặc biệt của đời sống , và phạm vi văn hóa.
Sau cùng, Phần Thứ Năm trình bày các phương diện quan trọng của việc dạy Giáo Lý trong các Giáo Hội địa phương, thí dụ như các giáo phận. Phần này nói về:
1) Nhiệm vụ của các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ và các tín hữu giáo dân;
2) Việc đào luyện các Giáo Lý viên;
3) Các địa điểm để dạy Giáo Lý; và
4) Các phương diện thực dụng của việc dạy Giáo Lý có hệ thống.
Việc Dạy Giáo Lý trong Sứ Vụ Truyền Giáo của Hội Thánh
Mặc Khải của Thiên Chúa
Phần Thứ Nhất bàn về các sáng kiến của Thiên Chúa là nền tảng của việc dạy Giáo Lý. Nếu Thiên Chúa không tự tỏ mình ra cho chúng ta trước thì không có việc dạy Lời Chúa. Để hiểu đầy đủ Phần Thứ Nhất, chúng ta cần học hỏi giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II chứa đựng trong Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa “Dei Verbum”.
Mặc Khải của Thiên Chúa là sự truyền thông của Chính Thiên Chúa cho chúng ta. Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta qua việc Ngài dựng nên mọi sự và giữ cho tất cả tồn tại. Khi chúng ta suy nghĩ về bản chất sâu thẳm của tất cả mọi sự, chúng ta có thể nhận thức rằng Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của tất cả mọi sự. Trong việc tạo dựng Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta ý Ngài muốn liên lạc với chúng ta bằng cách ban cho một mình chúng ta khả năng nhận biết và yêu mến Ngài, mà không cho các tạo vật khác.
Thiên Chúa Cha thể hiện trọn vẹn sự truyền thông của Ngài cho chúng ta bằng cách gửi Con Một Ngài xuống mặc lấy bản tính nhân loại nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, Thiên Chúa muốn chúng ta chia sẻ càng trọn vẹn càng tốt chính sự sống của Ngài. Ngài thực hiện ý muốn ấy bằng cách gửi Con Một Ngài xuống thế gian như là anh của con cái Ngài, là những người mà Ngài đã dựng nên giống hình ảnh Ngài.
Chúng ta gọi lịch sử Cứu Độ là sự thực hiện cách tiệm tiến chương trình thừa nhận chúng ta làm nghĩa tử trong Con Một Ngài. Thiên Chúa mặc khải chính Mình và tình yêu Cứu Độ của Ngài cho chúng ta trong không gian và thời gian, qua lời nói và việc làm, qua các biến cố và các lời được linh hứng để giảí thích các biến cố này cho chúng ta. Hiến chế về Mặc Khải của Thiên Chúa của Công Đồng Vaticanô II nói rõ cho chúng ta rằng việc làm và Lời Cứu Độ của Thiên Chúa không thể tách rời nhau được:
“Như là một kết quả, các công trình mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử Cứu Độ tỏ lộ và phát sinh các giáo thuyết và các thực tại biểu thị bằng lời nói; còn lời nói thì công bố các công trình và làm sáng tỏ mầu nhiệm hàm chứa trong các công trình này” (DV 2)
Không thể nào biết Thiên Chúa như Ngài muốn tỏ mình ra cho chúng ta nếu không biết lịch sử Cứu Độ.
Cách mà Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta cũng chính là cách mà chúng ta công bố tình yêu Cứu Độ của Ngài, mà chúng ta gọi là Phúc Âm hóa. Như thế, Phúc Âm hóa phải bằng cả lời nói lẫn việc làm, làm chứng sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta và loan báo sự sống mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Hội Thánh. Trong toàn thể công cuộc Phúc Âm hóa, việc dạy Giáo Lý trước hết là truyền lại các công trình và lời nói của Mặc Khải của Thiên Chúa.Việc dạy Giáo Lý trình bày Mặc Khải của Thiên Chúa không phải chỉ trong khía cạnh lịch sử, tức là các công việc và lời Cứu Độ của Thiên Chúa trong quá khứ, nhưng trong thực tại, chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa như đang tiếp tục được thể hiện trong cuộc đời của người học Giáo Lý.
Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, sự sung mãn của mặc khải của Thiên Chúa Cha, phải làtrọng tâm của việc dạy Giáo Lý, và Tin Mừng là các sách giải thích các việc làm và lời Cứu Độ của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, phải luôn luôn là đỉểm để chúng ta tham chiếu.
“Theo sự hiểu biết thông thường thì trong các sách được linh ứng, ngay cả Tân Ước, các sách Tin Mừng có một vị thế đặc biệt, và đúng thế, vì các sách này là nguồn chính viết về đời sống và giáo huấn của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Cứu Độ chúng ta” (DV 18).
Hội Thánh là nhiệm thể Đức Kitô, được Đấng Cứu Độ chúng ta lập ra để mang các công trình và lời Cứu Độ của Người đến cho mọi dân tộc ở mọi nơi và mọi thời đại. Hội Thánh được khai sanh qua việc được đầy Thánh Thần khi Chúa Giêsu Phục Sinh. Hội Thánh được thành lập trên nền tảng các Tông Đồ, là những vị mà Đấng Cứu Độ đã ban Thánh Thần cho để rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. “Các Tông Đồ, bằng lời nói, việc làm và văn tự đã thành tín thi hành công tác này” (Số 43). Mọi phần tử của Hội Thánh có nhiệm vụ bảo vệ và truyền lại các giáo thuyết Đức Tin của các Tông Đồ và sự vẹn toàn của việc thực thi các giáo thuyết này.Như vậy, Chúa cũng đã trang bị cho Hội Thánh để Hội Thánh trung thành tuân giữ và truyền lại Truyền Thống của Các Tông Đồ:
“Tin Mừng được bảo tồn cách toàn vẹn và toàn thể trong Hội Thánh: các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô không ngừng suy nghĩ và suy niệm về Tin Mừng này; họ sống Tin Mừng ấy hằng ngày trong đời họ; họ công bố Tin Mừng này trong các hoạt động truyền giáo của họ” (Ibid).
Sự xác thật của việc bảo toàn và truyền thụ Mặc Khải của Thiên Chúa, tức là lời của Thiên Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, được đảm bảo. Huấn Quyền hay chức vụ giáo huấn của Hội Thánh, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, phục vụ toàn thể Hội Thánh như cơ quan giải thích xác đáng Lời Chúa.
“Nhưng nhiệm vụ giải thích cách xác đáng Lời Chúa, dù dưới hình thức văn tự hay hình thức Truyền Thống, đã chỉ được trao phó cho cơ quan giáo huấn sống động của Hội Thánh. Quyền hành của Huấn Quyền được thực thi nhân danh Đức Chúa Giêsu Kitô. Nhưng Huấn Quyền không cao trọng hơn Lời Chúa, mà chỉ là đầy tớ của Lời Chúa. Huấn Quyền chỉ được dạy những gì đã được truyền lại. Qua lệnh của Thiên Chúa và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Huấn Quyền lắng nghe, bảo vệ Lời Chúa cách tuyệt đối và suy nghĩ về Lời Chúa cách trung thành. Tất cả những gì được đề ra để tin là được Thiên Chúa tỏ ra đều được rút từ kho tàng Đức Tin Duy nhất này” (DV, 10).
Thật là chính đáng khi gọi Hội Thánh gọi là “nhiệm tích Cứu Độ phổ quát”, vì Hội Thánh truyền lại Mặc Khải của Thiên Chúa qua việc Phúc Âm hóa. Qua việc Phúc Âm hóa, Hội Thánh vừa dạy về chương trình của Thiên Chúa để Cứu Độ chúng ta, vừa thông ban ơn Cứu Độ qua việc phân phát các Bí Tích.
Việc Dạy Giáo Lý và Việc Phúc Âm Hóa (46-59)
Việc dạy Giáo Lý là một phần của tiến trình Phúc Âm hóa sinh động của Hội Thánh. Phúc Âm hóa chính là lý do của sự tồn tại của Hội Thánh, là đem Tin Mừng đến cho anh chị em của chúng ta, ở mọi nơi, mọi lúc, để Tin Mừng có thể bén rễ trong lòng họ và làm cho nền văn hóa tình thương được mọc lên theo chương trình của Thiên Chúa. Việc Phúc Âm hóa được thực hiện nhiều cách: bằng việc rao giảng Tin Mừng, làm chứng nhân cho Tin Mừng, giảng dạy các tín lý, ban phát các Bí Tích, và yêu thương tha nhân. Phúc Âm hóa không thể được thu tóm vào bất cứ cách nào trong các cách này nhưng phải bao gồm tất cả: “làm chứng và rao giảng, lời nói và bí tích, thay đổi nội tâm và biến cải xã hội” (Số 46)
Tiến trình Phúc Âm hóa sinh động gồm những thời điểm này (số 47-49):
1) hoạt động truyền giáo nhằm vào những người chưa biết Thiên Chúa hay thờ ơ với Đức Tin và việc sống đạo.
2) dạy Giáo Lý khai tâm cho những người đã đón nhận Đức Tin và những người đang trong tiến trình hoàn tất việc khai tâm Đức Tin;
3) hoạt động mục vụ dành cho các phần tử đã trưởng thành trong Đức Tin của Hội Thánh
Thừa tác vụ Lời Chúa là điều căn bản trong việc Phúc Âm hóa, vì nếu Tin Mừng được đem đến cho tất cả mọi người, thì phải nêu Danh và dạy về Đức Chúa Giêsu Kitô. Thừa tác vụ Lời Chúa, mà trong đó Chúa Thánh Thần là tác nhân chính, truyền thông Mặc Khải của Thiên Chúa bằng ngôn ngữ loài người (số 50).
Sách Chỉ Nam về Dạy Giáo Lý nói về nhiệm vụ chính của thừa tác vụ Lời Chúa trong tiến trình Phúc Âm hóa sinh động như sau:
· Việc rao giảng đầu tiên cho những người chưa có Đức Tin, những người đã bỏ Đức Tin, hoặc sống “bên lề đời sống Kitô hữu”, và những người theo các tôn giáo khác; việc rao giảng này cũng bao gồm “việc đánh thức con cái của gia đình Kitô về tôn giáo”;
· Khai Tâm Kitô mà qua đó những người nhờ ơn Chúa quyết định theo Đức Kitô được dẫn nhập vào tín lý, vào đời cầu nguyện và phụng tự, và vào đời sống nhân chứng của đời nhân đức;
Việc khai tâm Kitô được hoàn thành nhờ việc dạy Giáo Lý có liên quan đến việc lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm (Thánh Thẩy, Thêm Sức và Thánh Thể); việc dạy Giáo Lý này dành cho những người trưởng thành chưa được rửa tội đang là dự tòng, những người trưởng thành đã được rửa tội, nhưng chưa hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo, và những người Công Giáo cần hoàn tất việc khai tâm, hay trở lại sống Đức Tin, và những trẻ em hay thanh thiếu niên đã được rửa tội đang lớn lên trong sự hiểu biết và thực thi Đức Tin Công Giáo. Việc giáo dục và đào luyện Công Giáo có thể xảy ra tại gia đình, tại các trường Công Giáo hay trong các chương trình giáo dục tôn giáo thuộc về phần vụ của tác vụ Lời Chúa;
· Việc Dạy Giáo Lý Thường Trực cho những người đã được hoàn toàn khai tâm vào Đức Tin để giúp họ đào sâu kiến thức và thực thi Đức Tin suốt đời;
· Phụng Vụ Thánh mà một phần trong đó là tác vụ Lời Chúa; phần quan trọng nhất là bài giảng; cũng gồm cả những lời chỉ dẫn trong khi sửa soạn và cử hành các Bí Tích; chính việc tham dự Thánh Lễ phải được coi là “một phương tiện chính trong việc giáo dục Đức Tin”.
· Việc học Thần Học Thánh mà qua đó chân lý Đức Tin được nghiên cứu một cách có hệ thống và khoa học để có thể hiểu các chân lý này cách tường tận hơn (số 51).
Tự bản chất, Phúc Âm hóa mời gọi người ta hoán cải trở về với Đức Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó “người tín hữu kết hợp với cộng đoàn các môn đệ và đạt đến Đức Tin của Hội Thánh” (số 53). Việc hoán cài trở về với Đức Kitô vừa là “phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa” và “đồng ý hoàn toàn trong tin yêu tất cả những gì mà Ngài đã mặc khải cho chúng ta” (số 54). Hoán cải trở về với Đức Kitô bao gồm mọi khía cạnh của đời sống một người, và thấm nhập tận thâm tâm của con người. Qua việc hoán cải trở về với Đức Kitô, người Kitô hữu “tìm thấy điều mà mình luôn tìm kiếm và tìm thấy nó một cách dồi dào”, đó là chân lý về Thiên Chúa, về chính mình, và về số phận của mình trong Thiên Chúa (số 55).
Việc hoán cải trở về, cũng giống như việc Phúc Âm hóa, là một tiến trình sống động được đánh dấu bằng những thời điểm chắc chắn:
· Sự quan tâm đến Tin Mừng được đánh thức bằng việc rao giảng và mời gọi vào Đức Tin; với sự giúp đở của ơn Chúa, người chưa có Đức Tin hay thờ ơ hay một người thuộc tôn giáo khác được thu hút bởi Đức Tin Công Giáo, nhưng chưa quyết định dứt khoát;
· Quyết định chắc chắn theo Tin Mừng sau khi đã tìm Chân Lý, được Chúa Thánh Thần linh hứng và việc rao giảng những biến cố Cứu Độ.
· Việc tuyên xưng Đức Tin tiếp theo việc dạy Giáo Lý đã dẫn người tín hữu hiểu biết sâu xa về Đức Tin và cách sống đời Kitô giáo.
· Cuộc hành trình đến toàn thiện mà trong đó việc tuyên xưng Đức Tin là căn bản, được nuôi dưỡng bằng Giáo Lý cho người trưởng thành, mà trong đó các bài giảng trong Thánh Lễ đóng vai trò chủ yếu (số 56-57).
Việc trình bày dạy Giáo Lý như là một phần của tiến trình sinh động của Phúc Âm hóa được kết thúc bằng việc trình bày các hoàn cảnh xã hội tôn giáo khác nhau mà trong đó việc Phúc Âm hoá được thực hiện. Sách Chì Nam Giáo Lý phân biệt ba trường hợp căn bản mà việc Phúc Âm hóa cần phải đáp ứng:
· Trong hoàn cảnh thứ nhất, người ta hoàn toàn không biết Đức Chúa Giêsu Kitô, hay cộng đoàn Kitô hữu chưa được phát triển đầy đủ để có thể làm chứng và rao truyền Đức Tin Công Giáo cho người khác. Cách đáp ứng của Hội Thánh đối với hoàn cảnh thứ nhất này là hoạt động truyền giáo nhắm đến các người trẻ và trưởng thành. Hội Thánh nhắm đến những người chưa được rửa tội và mời gọi họ trở lại. Việc dạy Giáo Lý ở đây được thực hiện trong phạm vi dự tòng.
· Trong hoàn cảnh thứ hai, Hội Thánh đã được thành lập vững chắc và các phần tử của Hội Thánh “tha thiết sống Đức Tin và đời Kitô hữu” (số 58). Các đáp ứng của Hội Thánh là các sinh hoạt mục vụ hoàn toàn khai triển để các phần tử của Hội Thánh có thể lớn lên trong sự hiểu biết và sống Đức Tin. Về hoàn cảnh thứ hai, Sách Chỉ Nam viết: “Trong hoàn cảnh như thế, điều tối hệ là việc dạy Giáo Lý cho trẻ em, thiếu niên, giới trẻ phải khai triển những cách thức ăn khớp với việc khai tâm Kitô giáo để những người ấy có thể trưởng thành về Đức Tin khi khôn lớn và như thế làm cho những người đã được Phúc Âm hóa trở thành những người rao giảng Phúc Âm” (số 58).
· Trong hoàn cảnh thứ ba, còn gọi là hoàn cảnh lưng chừng, “toàn thể những nhóm người đã được rửa tội nhưng không còn cảm giác gì về Đức Tin, hay không còn coi mình là phần tử của Hội Thánh và sống một cuộc sống hoàn toàn rời xa Đức Kitô và Tin Mừng của Người.” (ĐTC Gioan Phaolô II, Tông Thư Redemptoris mission, Số 33). Hội Thánh đáp ứng lại hoàn cảnh thứ ba này bằng ‘Tân Phúc Âm hóa” nhắm đến những người thuộc mọi lứa tuổi đã được rửa tội, mà đối với họ, Tin Mừng và Đức Tin không còn ở trong tâm hồn họ nữa.
Như Sách Chỉ Nam vạch ra, ngày nay cả ba hoàn cảnh trên có thể xảy ra trong cùng một địa phương (số 59). Vì thế cần phải phân biệt ba cách trả lời của Hội Thánh và sử dụng chúng cho thích hợp: Hội Thánh cần phải thi hành sứ vụ truyền giáo cho những người chưa được rửa tội.Việc dạy Giáo Lý cho người dự tòng là khuôn mẫu cho tất cả các hình thức dạy Giáo Lý khác.Việc dạy Giáo Lý cho người lớn phải được coi là “hình thức dạy Giáo Lý chính” mà các hình thức dạy Giáo Lý khác cần phải hướng về. Nói cách khác, điều cần thiết và căn bản là việc dạy Giáo Lý cho trẻ em và giới trẻ phải hướng về việc hiểu biết và sống Đức Tin khi trưởng thành.
Chỉ hiểu được việc dạy Giáo Lý trong phạm vi Phúc Âm hóa; nó là thời điểm thiết yếu của tiến trình Phúc Âm hóa sinh động. Như một thời điểm của Phúc Âm hóa, nó có bản chất truyền giáo và là cách căn bản để Hội Thánh chu toàn nhiệm vụ truyền giáo mà Đức Chúa Giêsu Kitô đã trao phó.
Việc Dạy Giáo Lý và Những Yếu Tố Khác của Phúc Âm Hóa (60-76)
Vì việc dạy Giáo Lý là thành phần của việc Phúc Âm hóa, nên chỉ được hiểu rõ trong tương quan với những yếu tố khác của Phúc Âm hóa: việc rao giảng đầu tiên xảy ra trong hoạt động truyền giáo; việc cử hành các Bí Tích Khai Tâm; đời sống bình thường; hoặc các sinh hoạt mục vụ; và việc giáo dục về tôn giáo tại nhà trường.
Việc Dạy Giáo Lý và Việc Rao Giảng Đầu Tiên
Yếu tố đầu tiên của Phúc Âm hóa là việc rao giảng đầu tiên, nhằm đến những người chưa tin, hay những người dửng dưng với Đức Tin. Mục đích là rao giảng Tin Mừng, đồng thởi kêu gọi người ta hoán cải.
Việc dạy Giáo Lý bổ túc cho việc rao giảng đầu tiên, vì nó “khuyến khích và làm cho việc trở lại ban đầu được trưởng thành, nó giáo huấn người trở lại trong Đức Tin, và hội nhập họ vào cộng đồng Kitô hữu” (Số 61). Việc rao giảng đầu tiên đáp lại lệnh của Chúa là: “Hãy đi khắp thế gian mà rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Mt 16:15 ). Việc dạy Giáo Lý đáp ứng nhu cầu cần được thụ huấn thêm về Đức Tin và thực hành Đức Tin trong khi sửa soạn cho việc khai tâm Kitô của người trở lại: “Người nào tin và chấp nhận rửa tội sẽ được cứu rỗi…” (Mk 16:16).
Sách Chỉ Nam về Dạy Giáo Lý vạch ra rằng không dễ dàng mà “xác định ranh giới của những hoạt động trên” (Số 62). Đôi khi những người đang được học Giáo Lý cũng cần hoán cải, vì thế Hội Thánh cần có một giai đoạn tiền dự tòng để chắc chắn rằng người được học Giáo Lý chấp nhận Đức Tin trước đã. Mặc dầu một giáo phận tổ chức lớp Giáo Lý với ý định dạy tiền Giáo Lý, thì cũng cần phải thiết lập một chương trình rao giảng đầu tiên cho những người chưa tin hay vẫn còn thờ ơ với tôn giáo.
Việc Dạy Giáo Lý và Các Bí Tích Khai Tâm
Việc dạy Giáo Lý đi theo sau việc rao giảng đầu tiên và trở lại, và nó sửa soạn người trở lại đón nhận các Bí Tích Khai Tâm bằng cách đưa họ vào “mầu nhiệm Cứu Độ và một cách sống theo Tin Mừng” (số 63). Việc dạy Giáo Lý cung cấp cho họ một nền tảng vững chắc mà trên đó mọi sự phát triển về hiểu biết và sống Đức Tin được xây dựng. Nếu không có việc dạy Giáo Lý, thì các cố gắng truyền giáo hay việc rao giảng đầu tiên thành vô hiệu, và mọi sinh hoạt mục vụ của Hội Thánh sẽ thiếu nền tảng.
Đức Tin cần Phép Rửa. Chúa ra lệnh cho chúng ta làm cho muôn dân thành môn đệ và rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Xem Mt 28:18). Việc dạy Giáo Lỳ sửa soạn cho người chưa rửa tội tuyên xưng Đức Tin cần cho Bí Tích Rửa Tội. Nhờ việc trình bày các giáo thuyết Đức Tin cách có hệ thống và đầy đủ qua việc học Giáo Lý, người được học Giáo Lý sẵn sàng tuyên xưng Đức Tin và lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy. Sách Chỉ Nam Giáo Lý liệt kê các đặc tính sau đây của việc dạy Giáo Lý để sửa soạn cho người chưa rửa tội lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm:
· Việc dạy Giáo Lý phải bao hàm toàn diện và có hệ thống, vì mục đích của việc dạy Giáo Lý là dẫn đưa học viên vào toàn thể mầu nhiệm Cứu Độ trong Đức Kitô;
· Việc dạy Giáo Lý phải đầy đủ, bằng cách cung cấp cho họ “giáo dục và sự hiểu biết về Đức Tin và vào đời sống Đức Tin” (số 67); nói cách khác, nó không được chỉ là những chỉ dẫn, mà phải là sự dẫn đưa vào việc đi theo Đức Kitô trong đời sống thường nhật;
· Việc d
ạy Giáo Lý phải chú tâm vào những điều thiết yếu và căn bản của Đức Tin và việc sống Đức Tin, vì Đức Tin và việc thực thi Đức Tin của cá nhân được phát triển nhờ những hoạt động mục vụ của Hội Thánh.
Việc Dạy Giáo Lý và Sự Đào Luyện Đức Tin cách Liên Tục
Sau khi việc dạy Giáo Lý đạt được mục đích là một giáo huấn căn bản về Đức Tin và dẫn đưa học viên đến việc thực thi Đức Tin, thì cộng đồng Kitô hữu có nhiệm vụ giúp người đã học Giáo Lý tiếp tục gia tăng sự hiểu biết của mình và thực hành Đức Tin, cùng tiếp tục việc hoán cải suốt đời (Số 69). Việc tiếp tục đào luyện Đức Tin được nuôi dưỡng cách chính yếu qua việc tham dự Thánh Lễ, lắng nghe Tin Mừng và chia sẻ hy lễ của Đức Kitô. Rõ ràng là bài giảng trong Thánh Lễ Chúa Nhật và các Thánh Lễ khác là phương thế chính mà nhờ đó sự hiểu biết và thực thi Đức Tin đã nhận được qua việc học Giáo Lý được đào sâu và phát triển.
Các hình thức khác của việc tiếp tục dạy Giáo Lý hay đào luyện Đức Tin là:
1) Việc học Thánh Kinh, nhất là qua lectio Divina (Việc đọc và suy niệm Lời Chúa, và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày).
2) Cách các Kitô hữu đọc các biến cố, nhất là qua việc học hỏi về học thuyết Xã Hội của Hội Thánh.
3) Giáo Lý Phụng Vụ mà qua đó học hỏi về cầu nguyện, các dấu hiệu và cử chỉ trong Phụng Vụ Thánh, và hướng về sự tham dự trọn vẹn hơn vào Phụng Vụ Thánh.
4) Những lớp Giáo Lý bất thường về một phương diện hay hoàn cảnh đặc biệt của đời sống gia đình hay đời sống Hội Thánh hoặc xã hội.
5) Các sáng kiến đào luyện tâm linh nhằm đến việc đào sâu đời cầu nguyện và nhân chứng qua việc thực thi công lý.
6) Học hỏi về Thần Học để trang bị đầy đủ hơn cho các tín hữu để họ có thể trả lời về Đức Tin của họ (số 71).
Như sách Chỉ Nam về Dạy Giáo Lý nêu lên, cần phải có sự liên kết giữa việc dạy Giáo Lý Khai Tâm Kitô giáo và việc dạy Giáo Lý bổ túc (Số 72).
Việc Dạy Giáo Lý và Dạy về Tôn Giáo ở Học Đường
Sách Chỉ Nam về Dạy Giáo Lý nói đến liên quan giữa việc dạy Giáo Lý và dạy về tôn giáo tại học đường ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Hoa Kỳ, việc dạy về tôn giáo tại học đường chỉ có thể xảy ra ở các trường Công Giáo. Việc dạy về tôn giáo ở các trường Công Giáo là Giáo Lý nhưng còn hơn thế, nó là việc dùng Tin Mừng và Giáo Lý Đức Tin mà soi chiếu toàn thể chương trình giáo dục của học sinh. Trên cả hai bình diện, điều rất quan trọng là việc dạy về tôn giáo tại các trường Công Giáo phải được thi hành với cùng một sự nghiêm chỉnh và đầy đủ như sự giáo huấn về các môn khác. Việc dạy về tôn giáo không được coi là thứ yếu, nhưng phải chiếm một vị thế ngang hàng với các môn học khác, để việc học hỏi đa nghành được thực hiện (số 73). Việc dạy về tôn giáo ở các trường trung học Công Giáo phải được kèm theo bằng các lớp Giáo Lý, bài giảng, Giáo Lý Phụng Vụ, v.v…
Đối với những học sinh có Đức Tin, việc dạy về tôn giáo tại các trường Công Giáo giúp các em đào sâu sự hiểu biết của các em về Giáo Thuyết Đức Tin. Đối với những em đang khủng hoảng Đức Tin, giáo dục về tôn giáo cho các em dịp để biết cách chắc chắn rằng “Đức Tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô là gì, Hội Thánh trả lời ra sao về những thắc mắc của các em, và cho các em một dịp để xét lại sự chọn lựa của các em một cách sâu xa hơn” (Số 57). Đối với những học sinh chưa có Đức Tin, mục đích chính của việc dạy tôn giáo là rao giảng Đức Tin.
Sách Chỉ Nam về Dạy Giáo Lý kết luận phần thảo luận về việc dạy Giáo Lý như một phần của việc Phúc Âm hóa bằng các nêu lên nhiệm vụ của từng giáo phận phải đưa ra những nguyên tắc chỉ dẫn về việc giáo dục và thực hành Đức Tin cho trẻ em, thiếu niên, giới trẻ qua đời sống gia đình Kitô giáo, qua việc dạy Giáo Lý, và qua các trường Công Giáo. Điều quan trọng là nhiệm vụ đào luyện Đức Tin của gia đình, của các chương trình Giáo Lý và của trường Công Giáo phải được đề ra trong sự tương quan với nhau.
Bản Chất, Mục Tiêu và Nhiệm Vụ của Việc Dạy Giáo Lý (77-91)
Bản Chất của Việc Dạy Giáo Lý
Dạy Giáo Lý là công việc của Hội Thánh mà qua đó Hội Thánh tiếp tục sứ vụ giảng dạy của Chúa Giêsu, dưới sự hướng dẫn và quyền năng của Chúa Thánh Thần. Hội Thánh là mẹ chúng ta; chúng ta được sinh ra là con cái Thiên Chúa trong Hội Thánh. Như người mẹ, Hội Thánh cũng là Thầy: vì Hội Thánh truyền cho con cái mình “Đức Tin mà chính Hội Thánh sống”. Hội Thánh truyền lại Đức Tin bằng cách dẫn đưa học viên đến việc đào sâu Đức Tin và canh tân đời sống trong Đức Kitô. Thực thi công việc dạy Giáo Lý là đáp trả lại sự sống của Chúa Thánh Thần trong chúng ta qua Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, và được nuôi dưỡng nhờ Bí Tích Thánh Thể, bằng cách truyền thụ Đức Tin và cách sống Đức Tin cho học viên. Còn học viên Giáo Lý thì được ân sủng Chúa Thánh Thần ban qua Bí Tích Rửa Tội thúc dục họ đáp lại việc truyền thụ và thực hành Đức Tin (Số 78-79)
Mục Tiêu của Việc Dạy Giáo Lý
Dạy Giáo Lý tìm cách củng cố và phát triển sự hiệp thông giữa học viên và Đức Chúa Giêsu Kitô. Nhờ Bí Tích Rửa Tội, người được học Giáo Lý đã có sự sống trong Đức Kitô; họ đã trở nên con cái Thiên Chúa trong Con Một Ngài. Việc dạy Giáo Lý giúp họ biết Đức Kitô cách trọn vẹn hơn. Khi biết Đức Kitô cách trọn vẹn hơn cũng có nghĩa là biết Thiên Chúa Cha là Đấng đã sai Người xuống thế gian, và Chúa Thánh Thần, là món quà mà Chúa Cha và Chúa Con ban cho chúng ta trong Hội Thánh, cách trọn vẹn hơn. Như thế cũng có nghĩa là biết Hội Thánh là Nhiệm Thể Đức Kitô cách trọn vẹn hơn. Hơn nữa, nó cũng có nghĩa là biết anh chị em trong gia đình nhân loại, là những người mà Đức Kitô xuống để cứu chuộc, và phục hồi sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, cách trọn vẹn hơn.
Mục tiêu của môn Giáo Lý là sự hiệp thông trọn vẹn hơn với Đức Chúa Giêsu Kitô. Mục tiêu này đạt được qua việc tuyên xưng Đức Tin bằng việc mỗi ngày một hiểu biết và gắn bó nhiều hơn với Đức Tin. Việc tuyên xưng Đức Tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô luôn luôn cũng là tuyên xưng Đức Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Biết Chúa Giêsu cách sâu xa hơn cũng là biết Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nhiều hơn. Bằng cách giúp chúng ta tuyên xưng Đức Tin bằng cả tâm hồn, môn Giáo Lý cũng giúp chúng ta biểu lộ Đức Tin của chúng ta vào Bí Tích Thánh Thể và các Bí Tích khác, và sống “những quyết tâm mà Đức Tin đòi hỏi” (Số 82).
Khi chúng ta tuyên xưng Đức Tin vào Thiên Chúa, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta nói rõ rằng lòng mến Chúa yêu người là trọng tâm của đời sống và hoạt động của chúng ta. Việc tuyên xưng Đức Tin giải thoát chúng ta khỏi việc thờ các tà thần: “thấn thánh hay ma quỷ, quyền hành, thú vui, chủng tộc, ông bà, quốc gia, tiền bạc,…(GLCG 2113).
Đức Tin được tuyên xưng cách cá nhân nhưng trong và nhờ Hội Thánh. Tuyên xưng Đức Tin nghĩa là cùng tất cả các anh chị em của chúng ta trong Hội Thánh, chấp nhận sứ vụ của Hội Thánh, dù phải chịu ngược đãi hay chịu chết (Số 83).
Nhiệm Vụ của Dạy Giáo Lý
Chúng ta đạt được mục tiêu của việc dạy Giáo Lý bằng cách thi hành những nhiệm vụ rõ ràng, mà tất cả đều cần thiết và liên quan với nhau. Sách Chỉ Nam nói rằng các nhiệm vụ của việc dạy Giáo Lý được thấy trước hết trong sứ vụ của Chúa Giêsu, là Thầy. Người dạy các môn đệ cầu nguyện, Người khắc vào tâm trí các ông các nhân đức của Tin Mừng, và Người sửa soạn các ông để đem Tin Mừng đến cho người khác (Số 87 và 88).
· Gíáo Lý phải làm gia tăng sự hiểu biết về Đức Tin. Các người được học Giáo Lý, trước hết phải có sự hiểu biết về Đức Kitô, ao ước được biết Người mỗi ngày một hơn qua việc học hỏi Thánh Truyền và Thánh Kinh. Nhiệm vụ này là đào sâu lời Tuyên Xưng Đức Tin hay Kinh Tin Kính. Sự hiểu biết sâu xa về Đức Tin không những giúp học viên sống trọn vẹn hơn trong Đức Kitô, nhưng cũng sửa soạn cho học viên ấy cắt nghĩa về Đức Tin cho người khác (Số 85a).
· Giáo Lý phải dẫn đến việc tham dự Phụng Vụ Thánh cách đầy đủ, ý thức và tích cực. Qua môn Giáo Lý, học viên được giáo dục về cuộc gặp gỡ Đức Kitô cách đặc quyền nhất trong Hội Thánh: đó là trong Phụng Vụ Thánh, nhất là trong các Bí Tích. Việc hiểu biết sâu xa hơn về Đức Tin phải dẫn đến sự hiểu biết về cách biểu lộ Đức Tin trong Phụng Vụ Thánh (Số 85b).
· Giáo Lý phải dạy về việc đào luyện về luân lý. Sự hiểu biết về Đức Kitô đòi hỏi chúng ta phải theo Chúa trên Đường Thánh Giá, con đường về nhà cùng Đức Chúa Cha. Việc dạy Giáo Lý sửa soạn học viên làm chứng cho Người trong đời sống thường nhật. Bài Giảng Trên Núi mà qua đó Đức Kitô dạy ý nghĩa hoàn hảo của Thập Giới. Bài giảng này phải luôn luôn là điểm qui chiếu cho việc đào luyện về luân lý của môn Giáo Lý (Số 85c).
· Giáo Lý phải dạy cách cầu nguyện. Tình bằng hữu nghĩa thiết với Đức Chúa Giêsu Kitô có nghĩa là cầu nguyện với Người, nhất là bằng những lời mà Chính Người đã dạy chúng ta: Kinh Lạy Cha. Tất cả cảm xúc mà Chúa Giêsu biểu lộ trong Kinh Lạy Cha đều được dạy trong Giáo Lý: “thờ phượng, chúc tụng, cảm tạ, tin tưởng như con cái, cầu xin và kính sợ vinh quang [của Chúa Cha]” (Số 85d)
· Giáo Lý phải gíáo dục để sống đời sống cộng đồng. Việc dạy Giáo Lý ghi khắc vào tâm trí học viên các nhân đức nuôi dưỡng đời sống Hội Thánh: “tinh thần đơn giản và khiêm nhường…; chăm sóc cho những người thấp hèn nhất trong anh em…; nhất là những người bị ruồng bỏ…; sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ…; cầu nguyện chung…; tha thứ cho nhau (Số 86b).
Việc giáo dục để sống cộng đồng gợi lên lòng ao ước hiệp nhất Kitô giáo. Việc dạy Giáo cổ võ một sự đại kết thật sự đến độ trang bị cho học viên bằng sự trình bày giáo huấn của Hội Thánh một cách rành mạch và đầy đủ. Việc trình bày giáo huấn của Hội Thánh phải bao gồm “những yếu tố của Đức Tin” mà Hội Thánh Công Giáo cùng chia sẻ với các giáo hội hay cộng đồng Kitô khác.
· Giáo Lý chuẩn bị cho việc dẫn nhập vào việc truyền giáo. Việc dạy Giáo Lý sửa soạn cho học viên trở thành nhân chứng hữu hiệu cho Chúa Giêsu Kitô trong thế gian: trong sở làm hay trong đời sống nghề nghiệp, trong các hoạt động giải trí và văn hóa. Đồng thời, nó cũng dẫn học viên đến việc trực tiếp phục vụ Hội Thánh theo ơn gọi của họ trong đời sống.
Trong việc dẫn đưa học viên vào việc truyền giáo của Hội Thánh, môn Giáo Lý cũng phải khuyến khích ơn gọi linh mục và đời thánh hiến dưới nhiều hinh thức khác nhau, để những học viên mà Thiên Chúa Cha mời gọi vào những ơn gọi này được giúp đỡ đáp trả để xây dựng Nhệm Thể Đức Kitô.
Giáo dục cho việc truyền giáo phải bao gồm việc sửa soạn cho việc đối thoại với những người khác tín ngưỡng một cách kính trọng. Về việc đối thoại với những tôn giáo khác, cần phải nhắc nhở học viên về nhiệm vụ tuyên xưng Niềm Tin vào Đức Kitô của họ (Số 86c).
Việc dạy Giáo Lý sử dụng hai phương tiện chính để làm tròn những nhiệm vụ đó: “truyền thụ sứ điệp Tin Mừng và cảm nghiệm đời sống Kitô hữu” (So 87).
Kết Luận
Mặc dù việc dạy Giáo Lý cho những người đã rửa tội khác biệt rất nhiều với việc dạy Giáo Lý tiền rửa tội, sách Chỉ Nam về Dạy Giáo Lý cho chúng ta thấy các giai đoạn của dự tòng là sự gợi hứng cho tính chất tiệm tiến của việc dạy Giáo Lý: sự song đôi quan trọng của việc dạy Giáo Lý và các Bí Tích Khai Tâm; nhiệm vụ của toàn thể cộng đoàn trong việc dạy Giáo Lý; vị trí trọng tâm của mầu nhiệm Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Chúa Giêsu Kitô trong tất cả môn Giáo Lý; sự liên quan giữa Đức Tin và hoàn cảnh thật sự của học viên hay hội nhập văn hóa; và việc dạy Giáo Lý là một trường dạy Đức Tin thật sự, được thể hiện cách hệ thống và từ từ (Số 88-91).
Nguồn Mạch của Môn Giáo Lý và các Tiêu Chuẩn để Trình Bày Giáo Lý (92-118)
Nguồn Mạch của Môn Giáo Lý
Nguồn mạch của môn Giáo Lý luôn luôn phải là Lời Thiên Chúa được truyền lại qua Thánh Truyền và Thánh Kinh, cùng được cắt nghĩa bởi Huấn Quyền. “Kho tàng Đức Tin” như Thánh Phaolô gọi, là kết quả của việc liên tục suy niệm của Hội Thánh, cho nên phải được giữ gìn cẩn thận và rao giảng trung thành.
Thánh Truyền truyền lại trọn vẹn Lời Thiên Chúa mà Đức Chúa Giêu Kitô và Chúa Thánh Thần đã trao phó cho các Thánh Tông Đồ. Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa được viết lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Huấn Quyền cung cấp cho chúng ta sự giải thích trung thực Lời Chúa trong Hội Thánh. Đó là ba nguồn mạch chính của môn Giáo Lý (Số 94-95).
Ngoài ra những nguồn mạch phụ của môn Giáo Lý cũng được khai triển: 1) Từ việc suy niệm Lời Chúa của dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền. 2) từ việc cử hành Phụng Vụ Thánh mà trong đó Lời Chúa được công bố; 3) từ các nhân chứng Kitô giáo và các Thánh qua hơn hai ngàn năm lịch sử Hội Thánh; 4) từ các nghiên cứu thần học giúp cho các tin hữu đào sâu sự hiểu biết về Đức Tin; và 5) từ các nguyên tắc tôn giáo và luân lý nảy sinh từ xã hội và văn hóa (Số 95-96).
Các Tiêu Chuẩn để Trình Bày Giáo Lý
Các tiêu chuẩn để trình bày Giáo Lý liên hệ mật thiết với nhau vì được phát sinh từ cùng một nguồn, là Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (Số 97).
Trước hết, sứ điệp phải được đặt trọng tâm vào Đức Chúa Giêsu Kitô là Đấng không những chỉ thông truyền Lời Thiên Chúa nhưng chính là Lời Thiên Chúa Nhập Thể. Mọi hoạt động Giáo Lý phải dẫn học viên đến việc đào sâu sự hiểu biết và sự kết hợp mật thiết với con người Đức Chúa Giêsu Kitô. Cũng thế, các bài Giáo Lý cố gắng trình bày Đức Kitô là trung tâm của lịch sử Cứu Độ. Bởi vì Đức Kitô là trọng tâm của Giáo Lý, Giáo Lý viên phải xác quyết là mình luôn trình bày những gì mà Đức Kitô dạy về Thiên Chúa, về con người, hạnh phúc, đời sống luân lý, sự chết,… mà không được thay đổi tư tưởng của Người một chút nào” (Số 98d). Vì thế các Tin Mừng phải là trọng tâm của việc dạy Giáo Lý (Số 98).
Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Con Thiên Chúa. Vì môn Giáo Lý đặt trọng tâm vào Đức Kitô, nên cũng phải đặt trọng tâm vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự hiểu biết và yêu mến Đức Kitô đồng thời cũng là sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa Cha, Đấng sai Người xuống thế gian, và Chúa Thánh Thần là Đấng xừc dầu cho Người, và cùng Thiên Chúa Cha và Người xức dầu mọi tín hữu. Môn Giáo Lý dạy về đời sống mật thiết nhất của Thiên Chúa và dẫn đưa học viên đến việc tuyên xưng Đức Tin trong Thiên Chúa, giải phóng họ để họ tuân phục Thánh Ý Thiên Chúa. Sự hiểu biết về đời sống của Chúa Ba Ngôi cũng dạy cho chúng ta rằng chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống Đức Kitô, và được mời gọi làm anh chị em của nhau như là con cái của Thiên Chú trong Chúa Con (Số 99).
Môn Giáo Lý truyền đạt sứ điệp được giải thoát khỏi tội lỗi và được hưởng niềm vui ân sủng mà Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta để chúng ta có thể làm những gì là đúng và tốt lành trong những ngày chúng ta còn lữ hành nơi dương thế, để chúng ta được cùng ở với Ngài trên Thiên Quốc trong cuộc đời mai hậu. Chính nhờ việc công bố sự công chính của Thiên Chúa mà lương tâm được uốn nắn một cách đúng đắn, và niềm hy vọng vào sự sống đời đời được nuôi dưỡng (Số 103).
Sứ điệp được giải thoát khỏi tội lỗi trong Giáo Lý cũng là một “sứ điệp giải phóng” nhắm đến những người nghèo cùng với một sự cảm thông như chính Thầy Chí Thánh. Giáo huấn Tin Mừng đưa người ta đến việc luôn chú tâm đến những người phải trải qua những kinh nghiệm nghèo khó, đói khát, và đau khổ. Nó gợi lên trong những người được dạy Giáo Lý “một sự lưu tâm đặc biệt đến người nghèo”, lan rộng đến toàn thể Hội Thánh. Không nên hiểu sự giải phóng chỉ về mặt kinh tế, xã hội, chính trị hay giáo điều, nhưng về con người toàn diện, kể cả liên quan của họ với Thiên Chúa (Số 104).
Môn Giáo Lý còn có Hội Thánh tính, có nghĩa là xảy ra trong Hội Thánh. “Dạy Giáo Lý không phải là cái gì khác với tiến trình truyền thụ Tin Mừng, như cộng đồng Kitô hữu đã nhận được nó, hiểu nó, cử hành nó, sống và truyền thông nó bằng nhiều cách” (Số 105). Đức Tin được truyền lại qua Giáo Lý là Đức Tin của tất cả các thánh: Các Thánh Tông Đồ, tử đạo, các bậc thầy vĩ đại về Đức Tin và các nhà truyền giáo. Nó là một Đức Tin mà nhờ sự truyền thụ của nó nuôi dưỡng sự hiệp nhất của tất cả mọi tín hữu (Số 105-106).
Môn Giáo Lý tôn trọng đặc tính lịch sử của mầu nhiệm Cứu Độ. Môn Giáo Lý phải có tính Thánh Kinh để trình bày lịch sử Cứu Độ. Giáo Lý về Tín Lý trình bày Kinh Tin Kính và Luân Lý Kitô giáo, phải chú ý đến lịch sử Cứu Độ được viết mỗi ngày trong đời sống của các tín hữu. Cũng vậy, việc trình bày các Bí Tích cũng phải nhắc đến các biến cố vĩ đại của lịch sử Cứu Độ được làm sống lại trong đời sống Kitô hữu. Tóm lại, môn Giáo Lý phải dạy Đức Tin là Đức Tin bày tỏ sự tự mặc khải của Thiên Chúa trong dấu chỉ Nhập Thể, trong dấu chỉ Hội Thánh, và trong “dấu chỉ của thời đại” (Số 107-108).
Môn Giáo Lý hội nhập văn hóa vào Tin Mừng. Nó đưa chân lý Tin Mừng vào những thực tại thâm sâu nhất của cá nhân và văn hóa của họ. Nó thu lượm những gì thích hợp trong văn hóa, nhưng nó cũng phải thanh lọc và biến đổi những gì không phù hợp với với Tin Mừng. Hội nhập văn hóa qua việc dạy Giáo Lý là một điều tế nhị và phải được thực thi cách từ từ bởi những Giáo Lý viên có một Đức Tin vững chắc và hiểu biết tường tận về nền văn hóa đó, bởi các Giáo Lý viên địa phương, bởi các viện Giáo Lý, và qua minh giáo (hộ giáo), là những gì đem Đức Tin ra đối thoại với văn hóa (Số 109-110).
Môn Giáo Lý trình bày Tin Mừng cách trọn vẹn. Giáo Lý viên phải tránh trình bày các Giáo Lý Đức Tin cách từng phần hoặc méo mó. Toàn thể sứ điệp Tin Mừng phải được trình bày cách tiệm tiến thích hợp với khả năng thu nhận của học viên. Tiêu chuẩn này đòi hỏi Giáo Lý viên không được làm giảm thiểu chân lý Tin Mừng để tránh bị bác bỏ, nhưng cũng không được thổi phồng chân lý của Tin Mừng bằng cách áp đặt trên học viên những gánh nặng mà Tin Mừng không đề ra. Sự liên quan mật thiết giữa việc hội nhập văn hóa vào Tin Mừng và sự tôn trọng sự toàn vẹn của Tin Mừng thì thật rõ ràng. Chính phương diện truyền giáo của Đức Tin sẽ giữ cho Giáo Lý viên trung thành với Tin Mừng “mà không rơi vào sự khép kín cứng ngắt hay dễ dàng nhượng bộ làm yếu Tin Mừng và trần tục hóa Hội Thánh” (Số 111-113).
Sứ điệp được truyền đi phải toàn diện và có thứ tự. Các chân lý của Đức Tin được xây dựng trên nhau. Có những chân lý có tầm quan trọng hơn vì những chân lý khác lệ thuộc vào chúng. Việc trình bày lịch sử Cứu Độ chỉ có thể hiểu được trong tương quan với Đức Chúa Giêsu Kitô. Kinh Tin Kính của các Tông Đồ là một suy nghĩ tuyệt diệu về nấc thang chân lý của Đức Tin. Trong việc trình bày các Bí Tích, “Bí Tích Thánh Thể chiếm địa vị độc đáo mà xoay quanh đó các Bí Tích khác được lập ra” (Số 115). Trong trật tự luân lý, giới răn trọng nhất là mến Chúa yêu người giữ địa vị cao nhất. Trong việc trình bày về cầu nguyện, Kinh Lạy Cha tỏ lộ các ý định và ước muốn của người đang cầu nguyện (Số 114-115).
Môn Giáo Lý cũng tỏ lộ con người cho con người. Trong khi đưa học viên đến sự hiệp thông trọn vẹn hơn với Chúa Giêsu, người Giáo Lý viên cũng nêu lên sự liên quan giữa những kinh nghiệm của học viên như một con người với kinh nghiện của Con Thiên Chúa Nhập Thể. Trong những bài Giáo Lý đầu tiên, cần phải cho học viên thấy Tin Mừng thỏa mãn những ước vọng thầm kín nhất của lòng người thế nào. Trong Giáo Lý Thánh Kinh, cách giải thích các biến cố hiện tại được tìm thấy trong các biến cố trong lịch sử Cứu Độ, nhất là trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế và trong Hội Thánh Sơ Khai. Trong khi dạy về Kinh Tin Kính, Giáo Lý viên sẽ trình bày các Giáo Lý Đức Tin như là “nguồn sự sống và ánh sáng” cho đời sống hằng ngày (Số 117). Giáo Lý về Luân Lý liên hệ Mười Điều Răn và Tám Mối Phúc Thật với các đức tính của con người. Giáo Lý Phụng Vụ liên hệ các dấu chỉ và biểu tượng trong phụng vụ với những cảm nghiệm sâu xa nhất của con người (Số 116-117).
Việc trình bày giáo điều nào của Đức Tin trước hay sau là tùy vào cộng đồng giáo hội địa phương, là cộng đồng có nhiệm vụ trình bày toàn thể Tin Mừng theo các phương pháp thích hợp nhất với hoàn cảnh và thời thế của địa phương (Số 118).
Nội Dung của Môn Giáo Lý (119-136)
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Một Sách Tổng Hợp về Đức Tin
Ngay từ ban đầu, Hội Thánh đã đặt ra những công bố ngắn về những chân lý căn bản của Đức Tin. Những công bố này được thấy trong Tin Mừng, trong những lời tuyên xưng Đức Tin cổ xưa và trong các bản văn Phụng Vụ. Trong lịch sử Hội Thánh, đã hai lần Hội Thánh chính thức soạn ra các sách bao gồm toàn thể các điều chính yếu của Đức Tin được khai triển và truyền lại từ nhiều kỷ nguyên thành sách có hệ thống gọi là sách Giáo Lý. Sách Giáo Lý đầu tiên được soạn bởi Công Đồng Trent , và được dùng trong Hội Thánh cho đến thời đại chúng ta. Ngày 11 tháng 10 năm 1992, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố cuốn sách Giáo Lý thứ hai cho Hội Thánh Hoàn Vũ, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Sách này đóng vai trò quantrọng trong việc dạy Giáo Lý khi được lan rộng mọi nơi trong Hội Thánh trên khắp thế giới (Số 119).
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo cung cấp cho các Giáo Lý viên một trình bày trọn vẹn về Đức Tin của Hội Thánh mà họ đang tìm để truyền lại cho học viên. Đây là một trình bày về Đức Tin được phong phú hóa bằng những trích dẫn từ Thánh Kinh, Truyền Thống các Tông Đồ, Huấn Quyền, và các nhà thần học và các tác giả linh đạo có thẩm quyền. Sách Giáo Lý này được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II coi như là “một điểm tựa để tra cứu việc trình bày cách xác thực nội dung của Đức Tin” (Số 120b). Nó phải là tài liệu tối yếu trong các tài liệu tham khảo của các Giáo Lý viên, vì nó được trình bày cho toàn thể Hội Thánh bằng quyền kế vị các Thánh Tông Đồ của Đức Thánh Cha.
Sách Chỉ Nam về Dạy Giáo Lý phải đi song song với Sách Giáo Lý. Sách Giáo Lý đưa ra những tiêu chuẩn cho nội dung của môn Giáo Lý, Sách Chỉ Nam về Dạy Giáo Lý đề ra những tiêu chuẩn cho những phương pháp dạy Giáo Lý. Khác với sách Chỉ Nam ấn hành năm 1971, sách Chỉ Nam này chỉ đưa ra một tổng hợp của nội dung của môn Giáo Lý, còn chi tiết thì cho biết phải tham chiếu câu nào trong sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Số 119-120).
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo
Sách Giáo Lý là sách trình bày giáo huấn của Hội Thánh về tín lý và luân lý một cách có hệ thống. Sách này nhằm đáp ứng một số mục đích quan trọng trong đời sống Hội Thánh. Sách cổ võ sự hiệp nhất của Hội Thánh bằng cách giúp các phần tử của Hội Thánh tuyên xưng Đức Tin một cách đầy đủ và mạch lạc. Sách cung cấp cho tất cả các tín hữu một trình bày sáng sủa, chính xác, và đáng tín cậy về những điều Hội Thánh tin. Về điểm này, sách Giáo Lý là “một điểm tựa để tra cứu cho việc dạy Giáo Lý” (Số 121a). Sách cũng là bản văn để tham khảo trong việc soạn thảo các sách Giáo Lý địa phương, mà trong đó bao gồm các hoàn cảnh lịch sử và văn hóa địa phương. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo là sách chung thích hợp cho toàn thể Hội Thánh trên khắp thế giới. Các sách Giáo Lý địa phương thích hợp cho Hội Thánh ở một địa phương và một thời đại (Số 121).
Sách Giáo Lý theo một cấu trúc dựa theo bốn khía cạnh của đời sống chúng ta trong Đức Kitô: Những gì chúng ta tin hay Kinh Tin Kính (Tin Thiên Chúa – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và chương trình Cứu Độ của Ngài); cử hành và hiệp thông vào điều chúng ta tin trong các Bí Tích (đời sống nhiệm tích mà qua đó chúng ta lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa); cách chúng ta hành động dựa theo điều chúng ta tin hay Mười Điều Răn (đời sống luân lý: kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức và yêu tha nhân như chính mình); và chúng ta phải cầu nguyện thế nào theo những gì chúng ta tin hay là Kinh Lạy Cha (đời cầu nguyện hằng ngày trong cuộc lữ hành dương thế của chúng ta mà chúng ta hy vọng sẽ gặp Thiên Chúa ở cuối đời). Như đã thấy, cấu trúc của Sách Giáo Lý làm cho sách này rất thích hợp để tiến hành những công tác căn bản của việc dạy Giáo Lý (Số 122).
Sách Giáo Lý được cảm hứng bởi sự mặc khải trọn vẹn của Chúa Ba Ngôi trong sự Nhập Thể của Ngôi Hai trong lòng Trinh Nữ Maria. Trọng tâm của sách là Con Thiên Chúa Nhập Thể, Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đồng thời sách cũng được cảm hứng bởi mầu nhiệm con người được mời gọi thông phần phần vào sự sống của Thiên Chúa. Thực ra, mầu nhiệm về con người cũng được mặc khải trong việc Nhập Thể của Chúa Giêsu (Số 123).
Sách Giáo Lý là một bản văn chính thức mà trong đó Hội Thánh trình bày những điều mình tin, cử hành, sống và cầu nguyện bằng những công thức ngắn, gọn và chính xác. Sách chỉ trình bày những gì “căn bản và chung” cho Đức Tin Công Giáo; sách không trình bày ý kiến haynhững quan điểm riêng của một trường phái tư tưởng thần học nào. Sau cùng, sách này có tính hoàn vũ, cho chúng ta thấy một hình ảnh đầy đủ của Đức Tin Công Giáo, sát nhập các giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II, đặc biệt là những lo âu về tôn giáo và luân lý của thời đại chúng ta. Sách không đưa ra những thích nghi phù hợp với văn hóa, thời điểm, sự trưởng thành tâm linh hay điều kiện xã hội hay Giáo Hội của học viên. Các thích nghi này thuộc phạmvi của các sách Giáo Lý địa phương (Số 124).
Sách Giáo Lý có liên hệ đặc biệt với điều mà Công Đồng Vaticanô II gọi là “Kho tàng Đức Tin Kitô quý giá”. Sách giúp truyền lại một Giáo Lý Đức Tin hoàn toàn và tinh tuyền. Như thế, sách giúp người học Giáo Lý cầu nguyện bằng Thánh Kinh. Cho nên, môn Giáo Lý cần phải phong phú về các trích dẫn Lời Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh. Nhờ sách Giáo Lý, người Giáo Lý viên biết cách trình bày Lời Chúa trong toàn bộ chân lý như thế nào (Số 125-128).
Sách Giáo Lý cũng trích dẫn nhiều từ các Giáo Phụ, giúp học viên thấy Giáo Lý Đức Tin đã được giảng dạy, cử hành và thực hành như thế nào trong quá khứ. Các lời của các Giáo Phụ giúp chúng ta thấy việc dạy Giáo Lý phải tiến hành qua từng giai đoạn như thế nào, để theonhững giai đoạn đi đến Đức Tin này, từ rửa tội và đời sống trọn vẹn trong Hội Thánh. Đặc biệt là nhờ các Giáo Phụ mà chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc chấp nhận chân lý Đức Tin của trí khôn và ý chí, cùng với những khía cạnh khác của đời sống Đức Tin: Kinh Tin Kinh, các Bí Tích, Mười Điều Răn, và Kinh Lạy Cha (Số 129-130).
Các Sách Giáo Lý Địa Phương
Các sách Giáo Lý địa phương được soạn thảo và công bố bởi từng Đức Giám Mục hay Hội Đồng Giám Mục địa phương. Mục đích là trình bày đầy đủ Giáo Lý Đức Tin cho nền văn hóa và hoàn cảnh khác nhau cũng như tuổi tác của những học viên Giáo Lý. Sách Giáo Lý địa phương cố gắng trình bày Đức Tin bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất, nhưng không làm tổn thương đến chân lý hay tính chất trọn vẹn của Đức Tin (Số 131).
Văn của sách Giáo Lý địa phương cũng là loại văn chính thức vì nó được soạn bởi các Giám Mục địa phương. Cũng như sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, nó trình bày tổng hợp của toàn thể Giáo Lý Đức Tin. Nó cũng là điểm tựa cho việc tra cứu Giáo Lý (Số 132).
Tổng hợp Đức Tin phải biểu lộ sự thích nghi mà “sự khác biệt về văn hóa, tuổi tác, trưởng thành về tâm linh, và điều kiện xã hội và giáo hội giữa những người mà sách này nhắm đến” đòi hỏi (Số 132). Vì thế nó sẽ thường xuyên nhắc đến kinh nghiệm của học viên, đến liên quan giữa Đức Tin sồng động và nền văn hóa, điều kiện xã hội, và hoàn cảnh cụ thể của Hội Thánh địa phương.
Sách Giáo Lý địa phương sẽ luôn tham chiếu sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Mục tiêu của sách Giáo Lý địa phương là sẽ thích ứng cách trình bày toàn thể nội dung sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Việc soạn thảo các sách Giáo Lý địa phương biểu lộ bản tính Công Giáo của Đức Tin chúng ta. Nó trình bày Đức Tin cho mọi nền văn hóa. Nó cũng nói lên sự hiệp nhất của tất cả mọi Hội Thánh địa phương vớ Hội Thánh Duy Nhất mà Đức Kitô đã thiết lập, đồng thời cũng diễn tả sự hiệp thông giữa các Giám Mục. Sau hết, sách Giáo Lý địa phương, cùng với sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, là “một men mới của việc dạy Giáo Lý trong Hội Thánh” (Số 133-136).
Nghệ Thuật Dạy về Đức Tin (137-147)
Phần Thứ Ba của Sách Chỉ Nam Giáo Lý trình bày nghệ thuật dạy về Đức Tin hay sư phạm Đức Tin.
Dạy về Đức Tin là công việc của Chúa Thánh Thần, vì Giáo Lý viên cộng tác vào việc truyền thông chân lý và tình yêu của Thiên Chúa Cha cho các con cái của Ngài. Ngài thực hiện việc này một cách hoàn hảo nhất bằng cách sai Con Một Ngài xuống thế gian để Cứu Độ chúng ta. Tiêu chuẩn của tất cả môn Giáo Lý là sự mặc khải của Thiên Chúa Cha cho chúng ta trong Con của Ngài, là Đức Chúa Giêsu Kitô của chúng ta. Các Giáo Lý viên được chia sẻ sứ vụ của Đức Kitô trong việc tỏ lộ tình yêu của Thiên Chúa Cha cho các con cái của Người (Số 137-138).
Thiên Chúa Cha dạy các con cái của Ngài bằng cách chấp nhận chúng trong thực trạng của chúng. Ngài tìm cách để giải thoát chúng khỏi tội lỗi và kéo chúng đến cùng Ngài. Thiên Chúa Cha hoạt động qua các biến cố trong đời sống mỗi người để tỏ mình ra và tạo nên mối dây yêu thương chung thủy với mỗi người.
Phương pháp sư phạm hay nghệ thuật dạy học của Giáo Lý viên cũng phải bắt chước phương pháp sư phạm của Thiên Chúa. Giáo Lý viên phải giúp học viên nhìn thấy bàn tay của Thiên Chúa hoạt động trong các biến cố của đời họ. Qua môn Giáo Lý, học viên nhận thức sâu sắc mối dây liên hệ của mình với Thiên Chúa (Số 139).
Đức Chúa Giêsu Kitô đã làm gương cho chúng ta về nghệ thuật giảng dạy của Thiên Chúa Cha.Các môn đệ đã kinh nghiệm trực tiếp cách giảng dạy của Đức Kitô qua lời nói và việc làm của Người. Các ngài đã cho chúng ta thấy hình ảnh của cách giảng dạy của Người trong Tin Mừng.
· Chúa Giêsu luôn đón nhận những người khác, nhất là người nghẻo khổ và tội lỗi, “như những người được Thiên Chúa yêu thương và tìm kiếm”;
· Người luôn trình bày chân lý và tình yêu của Thiên Chúa Cha mà không nhân nhượng;
· Người luôn tỏ ra nhạy cảm và yêu thương mãnh liệt để giúp người khác chiến thắng tội lỗi, và kính trọng cùng nuôi dưỡng sự sống;
· Người luôn mời gọi và thúc dục người khác “sống một cuộc sống được nuôi dưỡng bằng việc Tin vào Thiên Chúa, hy vọng vào Nước Trời và bác ái với tha nhân”;
· Người dùng nhiều cách để truyền thông với người khác, thí dụ: “lời nói, im lặng, phép ẩn dụ, hình ảnh, thí dụ, và nhiều dấu hiệu khác nhau” (Số 140)
Khi Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đi theo Người với hết lòng và hết trí khôn, Người truyền lại cho các ngài nghệ thuật giảng dạy của Người như một phương thế căn bản để chia sẻ sứ vụ Cứu Độ của Người.
Đến lượt Hội Thánh cũng theo nghệ thuật giảng dạy của Thiên Chúa Cha và của Chúa Giêsu Kitô. Theo một nghĩa nào đó, toàn thể đời sống Hội Thánh là một giáo trình Đức Tin. Hội Thánh là Mẹ và là Thầy chúng ta. Sau bao nhiêu kỷ nguyên Kitô, chúng ta tìm thấy phương pháp sư phạm Giáo Lý phong phú trong Hội Thánh: đời sống của các thánh và các Giáo Lý viên; những cách sống Đức Tin Kitô, cách truyền thụ Đức Tin khác nhau cho tha nhân, thí dụ, các sách Giáo Lý, và nhiều sưu tập các cách dạy Giáo Lý và các sách giáo khoa về Giáo Lý.
Chúng ta có thể khám phá ra nghê thuật dạy Giáo Lý của Thiên Chúa Cha nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các học viên Giáo Lý. Chúa Thánh Thần dẫn đưa họ đến gần Chúa Cha bằng việc giúp họ trở nên mỗi ngày một giống Chúa Con. Mục đích tối hậu của việc dạy Giáo Lý là đưa đến sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Cha bằng cách trở nên giống Đức Kitô nhiều hơn. Mức độ giống Đức Kitô của mỗi người tùy thuộc vào việc người ấy làm theosự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần trong mình. Sách Chỉ Nam về Dạy Giáo Lý kết luận “Vì lý do đó, không ai có thể thành thầy dạy Đức Tin, trừ các môn đệ vững tin và trung thành với Đức Kitô cùng Hội Thánh Người” (Số 142).
Nghệ thuật dạy về Đức Tin theo gương Thiên Chúa có những đặc tính sau:
· Nó giúp học viên trong mối liên hệ với Thiên Chúa mà qua đó Ngài cứu chúng ta khỏi tội lỗi và giải thoát chúng ta để chúng ta được tự do kính mến Ngài và yêu mến tha nhân. Nghệ thuật này nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa tự nguyện yêu thương chúng ta trước, đến phẩm giá con người như những kẻ đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và đáp trả lại tình yêu mà Thiên Chúa đòi hỏi;
· Nó tôn trọng mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Cha với nhân loại: nguồn gốc thiêng liêng và việc thích ứng vào hoàn cảnh của mỗi người và mỗi nền văn hóa (Số 143).
· Nó coi trọng kinh nghiệm Đức Tin trong Hội Thánh;
· Nó bắt nguồn từ sự liên hệ giữa người với người, và tự tạo ra một tiến trình đối thoại;
· Nó dùng dấu hiệu, liên kết lời nói với việc làm, giảng dạy với cảm nghiệm;
· Nó diễn tả “tình yêu vô biên của Thiên Chúa”, mà ở đó nó tìm thấy quyền năng.
Tóm lại, nghệ thuật dạy Giáo Lý chú tâm đến việc làm cho học viên nên giống Đức Kitô, với Chúa Thánh Thần là Đấng Trợ Giúp và Hướng Dẫn. Làm như thế, nghệ thuật dạy về Đức Tin là nghệ thuật giúp người khác trở về với Thiên Chúa Cha trong đời sống thương yêu và thánh thiện.
Việc dạy Giáo Lý được thực thi bởi con người với những phương tiện của nhân loại, nhưng lại là sự hợp tác vào sứ vụ Cứu Độ của Đức Kitô, và hành động Cứu Độ của Thiên Chúa Cha.Cho nên, các Giáo Lý viên phải ý thức rằng mình trình bày chân lý Đức Tin, chứ không phải tư tưởng của mình hay một ý thức hệ nào khác. Các Giáo Lý viên sẽ dùng một nghệ thuật giảng dạy giúp họ khuyến khích học viên gắn bó với Thiên Chúa và với nội dung của sứ điệp Kitô, là sứ điệp giúp họ có thể gắn bó hoàn toàn với Thiên Chúa. Các Giáo Lý viên cũng giúp họ phát triển về mọi phương diện của Đức Tin: sự hiểu biết, cầu nguyện và phụng tự, và sống đời nhân đức. Sau cùng, các Giáo Lý viên giúp các học viên hiến mình cho Thiên Chúa, nhất là trong “những ơn gọi mà Chúa kêu mời họ” (Số 144). Về điểm này, việc dạy Giáo Lý là điều căn bản của việc tông đồ ơn gọi mà nhờ đó, Hội Thánh giúp các người trẻ biết ơn gọi của mình trong đời sống và hết lòng ấp ủ nó.
Để kết luận, việc dạy Giáo Lý phải tìm cách bắt chước phương pháp sư phạm của Thiên Chúa Cha là Đấng đã tìm cách truyền thông cùng con cái Ngài qua những kinh nghiệm khác nhau của đời sống. Thách đố lớn nhất của việc dạy Giáo Lý là tìm ra những cách truyền thông hoàn toàn tôn trọng chân lý Đức Tin và hoàn cảnh cụ thể của người học Giáo Lý. Làm như thế, việc dạy Giáo Lý giúp học viên biến cuộc đời họ thành món quà tình yêu chân thành dâng lên Thiên Chúa Cha và hiến cho tha nhân.
Phương Pháp Dạy Giáo Lý (148-162)
Nhiều Phương Pháp Khác nhau
Trong khi dạy về Đức Tin, Hội Thánh không dùng một phương pháp nào duy nhất, mà dùng nhiều phương pháp miễn là chúng phù hợp với phương pháp sư phạm của Thiên Chúa, nghĩa là gắn bó với Giáo Lý Đức Tin được giảng dạy. Qua nhiều kỷ nguyên Kitô, nhiều phương pháp khác nhau đã được sử dụng tùy theo tài năng của các Giáo Lý viên và các học viên. Dù dùng phương pháp nào đi nữa thì mục đích của việc dạy Giáo Lý vẫn không thay đổi: là đào luyện học viên trong Đức Tin.
Liên Quan giữa Phương Pháp và Nội Dung
Nếu việc dạy Giáo Lý phải thích hợp với Lời Chúa và với học viên, thì phương pháp và nội dung của môn Giáo Lý phải liên hệ mật thiết với nhau. Thật là sai lầm khi cho rằng phương pháp không liên hệ gì với nội dung của Đức Tin được truyền đạt. Phương thức truyền thụ Đức Tin phải “đầy đủ so với bản chất, nguồn gốc, và ngôn ngữ của sứ điệp, với hoàn cảnh cụ thể của từng cộng đoàn Hội Thánh cũng như hoàn cảnh của các tín hữu mà việc dạy Giáo Lý nhằm đến” (Số 149a).
Có một phương pháp đóng vai trò quan trọng cả trong lịch sử dạy Giáo Lý lâu dài lẫn ngày nay. Đó là phương pháp tài liệu được trình bày trong Thánh Kinh, các Kinh Tin Kính, Phụng Vụ và trong Hội Thánh. Phương pháp này có thể được dùng cách hiệu quả bằng những phương tiện truyền thông đại chúng.
Phương Pháp Quy Nạp và Tổng Hợp
Khi nói về cách dạy Giáo Lý, người ta thường nói đến phương pháp quy nạp và tổng hợp.Bằng phương pháp quy nạp, các dữ kiện, như lịch sử Cứu Độ, các nghi thức Phụng Vụ, lịch sử Hội Thánh, và các biến cố thời đại, được trình bày để khám phá ra sự liên quan của chúng với mặc khải của Thiên Chúa cho chúng ta. Phương pháp này còn được gọi là “phương pháp Công Bố Tin Mừng (kerygmatic)” bởi vì nó thích hợp với việc trình bày chương trình của Thiên Chúa trong việc Cứu Độ chúng ta. Trong phương pháp “Công Bố Tin Mừng” các biến cố Cứu Độ được công bố trước, rồi sau đó được áp dụng vào đời sống.
Phương pháp tổng hợp cố gắng trình bày các dữ kiện và giải thích chúng theo căn nguyên của chúng. Phương pháp này không đối nghịch với phương pháp quy nạp, nhưng trong việc dạy Giáo Lý, hai phương pháp bổ túc cho nhau. Tuy nhiên lý luận mà thôi thì không đủ để hiểu mặc khải của Thiên Chúa.
Cảm Nghiệm của Con Người trong Việc Dạy Giáo Lý
Chúng ta phải phân tích và định giá cẩn thận vai trò của kinh nghiệm của con người trong việc dạy Giáo Lý. Việc dạy Giáo Lý phải giúp học viên ý thức hơn về các kinh nghiệm của mình và lượng giá chúng dựa trên giáo huấn của Hội Thánh. Nếu không, chúng ta sẽ không giúp gì cho học viên trong việc sống một đời có trách nhiệm trước nhan Thiên Chúa.
Kinh nghiệm giúp người ta hiểu Giáo Lý Đức Tin dễ dàng. Hãy nhớ lại Chúa Giêsu dùng nhiều kinh nghiệm khác nhau để dạy về chân lý của Tin Mừng. Thiên Chúa cũng tỏ mình ra cho mỗi người qua kinh nghiệm sống của họ. Giáo Lý viên có nhiệm vụ giúp học viên nhìn đến các kinh nghiệm sống hằng ngày dưới lăng kính của Tin Mừng và giáo huấn Hội Thánh. Chỉ có như thế việc dạy Giáo Lý mới dẫn đến một cuộc sống nội tâm Kitô sâu xa.
Vai Trò của Học Thuộc Lòng trong Giáo Lý
Qua việc dạy Giáo Lý, Hội Thánh truyền lại ký ức sống động của mình. Việc học thuộc lòng giúp học viên thu nhận vào bản thân các chân lý Đức Tin.
Phải nhớ những gì? Các công thức chính yếu của Đức Tin là ngôn ngữ và văn hóa chung của mọi tín hữu. Việc học thuộc lòng các công thức này rất hiệu quả sau khi đã hiểu tường tận chúng. Trong số các công thức của Đức Tin, học viên cần phải nhó những đoạn Thánh Kinh chính, các kinh quan trọng trong Phụng Vụ, và các kinh thường nhật (Dấu Thánh Giá, Kinh Tin Kính của các Tông Đồ, Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Ăn Năn Tội,…).
Sách Chỉ Nam Giáo Lý coi việc học thuộc lòng các công thức của Đức Tin như là những chùm hoa sẽ nở ra khi học viên hiểu biết hơn về Đức Tin. Các công thức này sẽ nhắc cho học vỉên các kinh nghiệm cá nhân hay cộng đoàn mà chúng liên quan đến.
Vai Trò của Giáo Lý Viên
Không có phương pháp nào có thể thay thế thừa tác vụ của Giáo Lý viên. Giáo Lý viên đem đến cùng với phương pháp ơn Chúa Thánh Thần, là một đời sống tâm linh, nhân chứng và nhân đức vững chắc. Giáo Lý viên là một công cụ quan trọng mà Thiên Chúa dùng để vươn tới chúng ta. Cho nên “cái nhìn về văn hóa, điều kiện xã hội, và cách sống của Giáo Lý viên không được biến thành trở ngại trên cuộc hành trình Đức Tin” (Số 156b). Một Giáo Lý viên tốt sẽ ý thức về sự cần thiết phải nuôi dưỡng Đức Tin của mình bằng cách học hỏi, và trên hết là cầu nguyện.
Ngoài ra liên hệ cá nhân giữa Giáo Lý viên và học viên sẽ có ảnh hưởng sâu đậm.
Sự Tham Gia Tích Cực của Học Viên
Nếu việc dạy Giáo Lý muốn đạt được kết quả cao quý là làm cho học viên hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa một cách thâm sâu hơn, thì học viên phải được mời gọi và khuyến khích tích cực đáp trả lại tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ. Có một số hình thức tham gia tích cực trong việc học Giáo Lý là: cầu nguyện, cầu nguyện chung, tham dự các Bí Tích khác, làm việc cho công lý và hòa bình, sống đời nhân đức. Việc dạy Giáo Lý phải giúp học viên sống những gì họ học.
Vai Trò của Cộng Đồng và Nhóm trong Giáo Lý
Cộng đồng các tin hữu hiển nhiên là “điểm quy chiếu cụ thể của cuộc hành trình Đức Tin của từng cá nhân” (Số 158). Các học viên Giáo Lý nhìn vào cộng đoàn để tìm các nhân chứng của chân lý Đức Tin. Trong tương quan với cộng đồng, cần có những giao thiệp cá nhân “người với người” trong những phương diện chính của đời sống Kitô.
Nhóm có thể giúp nhiều trong việc học hỏi Đức Tin. Với trẻ em, các nhóm giúp các em biết sống đời xã hội. Các nhóm cũng giúp các em phát triển nhân cách. Sau cùng, toàn thể việc học hỏi Đức Tin mở ra nhiệm vụ mà chúng ta là một thân thể chia sẻ để Cứu Độ thế gian.
Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội
Đối với nhiều người, truyền thông đại chúng “là phương tiện chính để thông tin và giáo dục, hướng dẫn và khuyến khích họ trong cách cư xử giữa cá nhân, trong gia đình và ngoài xã hội” (Số 160). Cho nên, việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng (truyền thanh, truyền hình, báo chí, thu băng, quay phim, và băng, đĩa nhạc…) phải được dùng chung với bất cứ phương pháp dạy Giáo Lý nào. Có những phương tiện đắt tiền, nhưng nếu nhiều giáo xứ cùngchung nhau dùng thì giá sẽ trở nên phải chăng.
Việc sử dụng các phương tiện truyền thông phải dựa trên kiến thức, khả năng và sự sửa soạn của Giáo Lý viên. Về phương diện này, thách đố lớn lao nhất là phải làm sao cho chân lý thấm nhuần nền văn hóa mà các phương tiện truyền thông tạo ra.
Những chuyên gia truyền thông phải được khuyến khích để dùng tài năng của họ mà trình bày Tin Mừng. Cũng cần phải giúp các gia đình sử dụng phương tiện tryền thông để xây dựng đời sống gia đình, và tránh dùng những phương tiện chống phá gia đình. Những người trẻ lớn lên với các phương tiện truyền thông hiện đại thường bị ảnh hưởng bởi chúng. Phải giúp các em dùng chúng cách nào để giúp các em lớn lên trong Đức Tin và sống Đức Tin.
Những Học Viên Giáo Lý (163-175)
Phần Thứ Tư của Sách Chỉ Nam về Dạy Giáo Lý đề cập đến việc thích nghi cách dạy Giáo Lý với hoàn cảnh của các học viên mà môn Giáo Lý nhắm đến. Đức Chúa Giêsu Kitô, ngay từ những ngày đầu của đời công khai đã công bố rằng sứ điệp Cứu Độ của Người là cho mọi người, “bắt đầu từ những người yếm thế nhất”. Trước khi về Trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha, Người đã sai các môn đệ đi giảng dạy muôn dân (Số 163). Suốt dòng lịch sử cũng như ngày nay, Hội Thánh đã dùng nhiều phương pháp để dạy Đức Tin cho biết bao nhiêu người với nhiều hoàn cảnh sống khác nhau.
Vì người chịu phép rửa được mời gọi để lớn lên và phát triển về Đức Tin và sống Đức Tin, nên họ có quyền được học Giáo Lý cách đầy đủ. Hội Thánh có nhiệm vụ cung cấp cho họ một chương trình Giáo Lý thích hợp. Quyền được học Giáo Lý đầy đủ của mỗi người được rửa tội cũng là quyền của toàn thể cộng đồng Đức Tin, là cộng đồng lệ thuộc vào việc giáo dục Đức Tin để được tồn tại và phát triển.
Đức Tin hay Lời Chúa được truyền thông chì là một, nhưng những người được truyền thông lại sống trong các hoàn cảnh và văn hóa khác nhau. Nếu việc dạy Giáo Ly là chất dinh dưỡng thật cho Đức Tin của những người học Giáo Lý, thí các Giáo Lý viên phải sử dụng năng lực và óc sáng tạo để trình bày Đức Tin cho những người khác nhau về văn hóa, tuổi tác, trình độ trưởng thành tâm linh và sự liên quan của họ với Hội Thánh. Điều quan trọng nhất là các Giáo Lý viên phải quan tâm đến những gì thầm kín trong nội tâm của người học Giáo Lý: các thắc mắc, hy vọng và nhu cầu nằm tận đáy lòng họ (Số 170).
Dạy Giáo Lý theo Tuổi
Cần phải thích nghi việc dạy Giáo Lý theo tuổi của học viên, bởi vì học viên càng lớn lên thì Đức Tin càng được tăng trưởng trong họ. Đồng thời ở mỗi lứa tuổi có những thách đố riêng về Đức Tin mà Giáo Lý viên phải giúp học viên đương đầu. Trong lúc tìm cách thích nghi việc dạy Giáo Lý với từng lứa tuổi, nên dùng việc dạy Giáo Lý cho người trưởng thành làm tiêu chuẩn, vì đó là mục đích mà mọi cách dạy Giáo Lý khác phải nhắm đến.
Người Trưởng Thành
Các học viên Giáo Lý trưởng thành có thể ở nhiều tình trạng:
· Người trưởng thành đang sống và muốn đào sâu Đức Tin.
· Người trưởng thành đã được rửa tội nhưng chưa lãnh hội đầy đủ Giáo Lý, chưa làm phát triển đầy đủ món quà Đức Tin đã lãnh nhận khi lãnh Bí Tích Rửa Tội, hay Thêm Sức, hoặc đã bỏ bê việc sống đạo.
· Người trưởng thành chưa được rửa tội.
· Các người trưởng thành đến từ các Cộng Đồng Kitô hữu chưa hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo.
Trong việc dạy Giáo Lý cho người trưởng thành, phải ý thức rằng họ có nhiệm vụ phải làm cho món quà Đức Tin mà họ nhận được trong Bí Tích Thánh Tẩy trở nên trưởng thành. Cũng vậy, họ phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của họ và đời sống xã hội, và sẽ trải qua những thay đổi cũng như khủng hoảng cá nhân và xã hội. Cho nên Đức Tin của người trưởng thành cần phải thăng tiến, phát triển và bảo vệ luôn. Trong khi trình bày Đức Tin cho người lớn, phải để ý đến những khó khăn và kinh nghiệm của họ; đến ơn gọi nên thánh riêng biệt của họ như một tín hữu, đó là ơn gọi thánh hóa mọi phương diện của đời sống thế trần. Cũng phải để ý đến cộng đoàn là cơ quan khuyến khích và nuôi dưỡng sự lớn lên trong kiến thức về Đức Tin và thực hành Đức Tin; và các việc mục vụ cho họ, cùng việc họ tham gia Phụng Vụ Thánh và vào việc làm chứng cho Hội Thánh bằng đức ái.
Phải trình bày trọn vẹn Đức Tin cho người lớn, để giúp họ có thể trả lời về chân lý Đức Tin cho “những khó khăn, nghi ngờ, hiểu lầm, thành kiến, và chống đối thời nay” (Số 175). Việc học Giáo Lý phải giúp chúng ta lớn lên trong Đức Tin qua việc tham dự vào các Bí Tích, linh hướng và tĩnh tâm. Đồng thời, việc học Giáo Lý người trưởng thành giúp chúng ta nhìn vào văn hóa của chúng ta bằng con mắt Đức Tin. Nó giúp chúng ta định giá đúng điều gì là tốt cho đời sống xã hội, và điều gì hủy diệt nó, để trả lời cho những thắc mắc về luân lý ở thời đại chúng ta, để biết áp dụng giáo huấn của Hội Thánh vào các hoàn cảnh sống hằng ngày, và giúp chúng ta thấy sự hợp nhất của Đức Tin và lý trí để tránh những cách giải thích Đức Tin cách cơ bản hay chủ quan hoặc độc đoán.
Việc dạy Giáo Lý cho người lớn có nhiều hình thức khác nhau. Luôn luôn cần có những lớp trình bày trọn vẹn Đức Tin cách có hệ thống cho người lớn. Thêm vào đó là những lớp dự tòng cho những người chưa được rửa tội; các lớp Giáo Lý theo chu kỳ Phụng Vụ; các lớp Giáo Lý chuyên môn cho các thừa tác viên có trách nhiệm tông đồ khác nhau trong Hội Thánh; các lớp Giáo Lý thích hợp với các biến cố của đời sống, thí dụ như Hôn nhân hay Rửa Tội trẻ em, hay những giây phút trọng yếu của đời sống như đau ốm, các biến cố hay kinh nghiệm đặc biệt, như đi lính hay di dân; các lớp Giáo Lý về việc dùng thời giờ rảnh rỗi hay du lịch của Kitô hữu; và Giáo Lý cho những biến cố đặc biệt của đời sống Hội Thánh hay xã hội.
Ấu Nhi và Trẻ Em
Những người sinh con và đưa con đến nhà thờ để rửa tội có nhiệm vụ nuôi dưỡng và phát triển hồng ân Đức Tin trong các em. Có một số điểm cần phải giữ trong việc dạy Giáo Lý cho ấunhi và trẻ em.
· Tuổi thơ ấu là thời gian dứt khoát cho va chạm xã hội đầu tiên trong gia đình, học đường và Hội Thánh.
· Việc dẫn đưa con em vào đời sống Hội Thánh qua các Bí Tích Khai Tâm (Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể), cùng Bí Tích Hòa Giải.
· Việc uốn nắn con người là điều quan trọng để lớn lên trong đời sống Đức Tin, thí dụ, phát triển lòng tin tưởng, hy sinh, chia sẻ….
· Dạy các em cầu nguyện và làm quen các em với Thánh Kinh.
· Gia đình và học đường là hai nơi quan trọng nhất cho việc giáo dục và dạy Giáo Lý, nhất là vai trò không thể thay thế được của gia đình.
Về điểm cuối cùng, việc dạy Giáo Lý ở các trường Công Giáo hay các lớp Giáo Lý ở các giáo xứ chỉ có hiệu quả khi có sự tham gia tích cực của gia đình. Các mục tử và các Giáo Lý viên phải đặt ưu tiên vào việc làm sao cho các phụ huynh cộng tác vào vỉệc dạy Giáo Lý cho con em họ. Về phương diện này, việc dạy Giáo Lý cho trẻ em cũng là dịp tốt cho cha mẹ học Giáo Lý.
Sau cùng, Hội Thánh cũng phải đặc biệt lưu tâm đến các em không được gia đình giúp đỡ trong việc lớn lên trong Đức Tin và thực hành Đức Tin, hay những em không có gia đình. Ngày nay có nhiều trẻ em còn không được rửa tội. Nhiều em khác đã rửa tội, nhưng không được giúp đỡ để hạt giống Đức Tin trong các em được lớn lên.
Việc Dạy Giáo Lý cho Người Trẻ và Người Lão Thành, và Các Trường Hợp Đặc Biệt (177-214)
Dạy Giáo Lý cho Người Trẻ
Khi nói về việc dạy Giáo Lý cho người trẻ, sách Chỉ Nam Giáo Lý nhận xét rất đúng rằng giới trẻ là vừa thành phần dễ bị ảnh hưởng bởi những khủng hoảng đang đầy dẫy trên thế gian, đồng thời cũng là kho tàng chứa đầy hy vọng cho việc canh tân Hội Thánh và thế giới (Số 181). Việc dạy Giáo Lý cho người trẻ là việc rất quan trọng để giúp các em đương đầu với những thách đố của Đức Tin trong xã hội và văn hóa của chúng ta, và giúp các em phát triển các nhân đức để nhờ đó các em sẽ trở thành những phần tử vững mạnh của Hội Thánh và những công dân tốt.
Trong việc dạy Giáo Lý cho tuổi trẻ, phải nhận ra ba giai đoạn khác nhau của sự phát triển con người: tuổi thiếu niên, tuổi vị thành niên và tuổi thanh niên. Sách Chỉ Nam Giáo Lý nhấn mạnh sự cần thiết phải lưu tâm đặc biệt đến tuổi thiếu niên được gọi là “lứa tuổi chối từ”, vì các em sẵn sàng nhạy cảm với những quyến rũ của thế tục và vật chất, và dễ bỏ việc thực hành Đức Tin. Sách Chỉ Nam tuyên bố: “Dạy Giáo Lý cho tuổi trẻ phải được canh tân và tái sinh tận gốc” (Ibid).
Việc dạy Giáo Lý cho giới trẻ có nghĩa là trình bày Đức Chúa Giêsu Kitô bằng ngôn ngữ mà người trẻ có thể hiểu và nhạy cảm với những khó khăn mà các em đang gặp phải. Không nên chỉ nhìn những người trẻ như là “mục tiêu của việc dạy Giáo Lý”, nhưng cũng phải nhìn các em như những đề tài của Giáo Lý, đề cập đến ơn Thiên Chúa Cha gọi các em làm nhân chứng cho Đức Kitô trên thế gian (Số 182).
Sách Chỉ Nam Chung cũng đòi các Sách Chỉ Nam địa phương nói lên những phương tiện thích hợp để dạy Giáo Lý cho tuổi trẻ bằng cách đi theo các đường hướng sau:
· để ý đến sự đa dạng của điều kiện tôn giáo của tuổi trẻ: những em chưa rửa tội, những em chưa hoàn tất việc Khai Tâm Kitô; những em đang bị khủng hoảng về Đức Tin; những em bỏ Đức Tin và cần giúp đỡ về tâm linh;
· để ý đến hoàn cảnh xã hội và giáo dục của tuổi trẻ để việc học Giáo Lý là một phần của việc chăm sóc mục vụ cho các em;
· việc dùng những sinh hoạt nhóm, nhất là những hội đoàn trẻ đang hoạt động, bao gồm việc linh hướng “như một yếu tố quan trọng” (Số 184).
Sau cùng, những hình thức dạy Giáo Lý cho tuổi trẻ có thể bao gồm: việc dạy Giáo Lý dự tòng cho các em chưa rửa tội; dạy Giáo Lý Khai Tâm cho các em chưa Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu hay chưa Thêm Sức; dạy Giáo Lý về những đề tài đặc biệt; dạy Giáo Lý trong phạm vi các buổi họp giới trẻ. Dù dạy Giáo Lý dưới hình thức nào đi nữa, thì nó cũng trên hết phải giúp các em lớn lên trong sự tự do Kitô, huấn luyện lương tâm ngay thẳng, và một “sự giáo dục về tình yêu”. Việc dạy Giáo Lý như thế sẽ nuôi dưỡng sự đáp trả lại ơn gọi, là một công tác trọng yếu nhất mà người trẻ phải đối diện, và diễn tả diện truyền giáo của mỗi ơn gọi.
Dạy Giáo Lý cho Người Lão Thành
Không được coi các người lão thành là những “vật thụ động” nhưng là những phần tử hoạt động của Hội Thánh với quyền được học Giáo Lý. Trong việc dạy Giáo Lý cho họ, phải chú ý đến tình trạng họ có thể bị “cô lập” hay bị “bỏ ra lề” (Số 186). Trên thực tế, việc dạy Giáo Lý là phương thế cho người lớn tuổi tránh bị cô độc và bị bỏ ra lề, và tiếp tục tham gia tích cực vào đời sống Hội Thánh.
Theo “điều kiện Đức Tin” của người lão thành, việc dạy Giáo Lý có thể củng cố “một Đức Tin phong phú và vững chắc” thêm, hay là thời điễm để canh tân việc sống Đức Tin giữa những người vì một lý do nào đó đã trở nên thờ ơ. Đồng thời cũng để chữa lành những đau buồn mà một số người già đang mang theo mình và cần phải được hòa giải.
Cuối cùng, việc học Giáo Lý của những người lớn tuổi giúp họ lãnh trách nhiệm là Giáo Lý viên cho trẻ em và giới trẻ là những người coi họ như những bậc đáng kính. Việc dạy Giáo Lý cho người lớn tuổi cổ võ việc “đối thoại giữa các thế hệ” (Số 188).
Dạy Giáo Lý cho Những Trường Hợp Đặc Biệt
Sách Chỉ Nam Giáo Lý đưa ra một số trường hợp đặc biệt mà việc dạy Giáo Lý cần bén nhậy.
Việc dạy Giáo Lý cho những người có nhu cầu đặc biệt cần phải đầy đủ và thích ứng với cá nhân, cùng phải được giảng dạy bởi các Giáo Lý viên đã được chuẩn bị đặc biệt (Số 189).
· Việc dạy Giáo Lý cho những người ngoài lề xã hội (những người di dân, tản cư, du mục, đi xa nhà, bệnh hoạn thường xuyên, nghiện ngập và tù đày) phải được thi hànhtheo giáo huấn của Dụ Ngôn Phán Xét Chung (Số 190).
· Nên dạy Giáo Lý cho những nhóm đặc biệt (công nhân, chuyên gia, nghệ sĩ, khoa học gia, và sinh viên đại học), cần phải có những Giáo Lý viên đã được chuẩn bị cho mục vụ này (Số 191).
· Các Giáo Lý viên phải lưu tâm đến những môi trường đặc biệt của học viên, dù là ở thành thị hay thôn quê (Số 192).
Về phạm vi tôn giáo xã hội, phải để ý đến những điều sau:
· Việc dạy Giáo Lý phải đương đầu với những thách đố gây ra bởi một xã hội và văn hóa quá thế tục. Đức Tin “cần phải được nuôi dưỡng và duy trì không ngừng” (Số 193). Dạy Giáo Lý cách hiệu quả nhắc nhở các học viên tất cả những điều căn bản của Đức Tin, khuyến khích hoán cải, và giúp học viên làm chứng về những gì mình tin cho người khác.
· Việc dạy Giáo Lý cũng vun xới và đề cao những mặt tích cực của các việc đạo đức phổ thông, nhất là việc sùng kính Đức Mẹ, và để tâm đến việc thanh luyện những tiêu cực, như “những sai lầm hay quá khích, mê tín, pha lẫn tôn giáo, hay không biết gì về tôn giáo” (Số 195-196).
· Việc dạy Giáo Lý cũng phải để ý đến đại kết, bằng cách trình bày Đức Tin Công Giáo cách trọn vẹn, để giúp học viên hiễu sự phân chia đáng buồn giữa các giáo hội Kitô và các cộng đồng hội thánh, sự liên quan đặc biết của Đức Tin Công Giáo với Do Thái giáo, và những yếu tố riêng biệt của các tôn giáo khác (Số 197-200)
· Việc dạy Giáo Lý phải giúp học viên đương đầu với các phong trào tôn giáo mới, mà giáo thuyết và cách sống “không phù hợp với nội dung của Đức Tin Kitô” (Số 201).
Về phạm vi xã hội văn hóa, việc dạy Giáo Lý chạm trán với việc hội nhập văn hóa của Đức Tin.Việc hội nhập văn hóa đòi hỏi nhận thức sâu xa về các nền văn hóa khác nhau mà trong đó học viên đang sống để Tin Mừng đạt được mục đích tối hậu là biến cải và nâng cao nền văn hóa ấy.Việc hội nhập văn hóa chứng tỏ sự siêu việt của Đức Tin mà không một nền văn hóa nào có thể hoàn toàn diễn tả được. Nó làm nảy sinh những cách diễn đạt Đức Tin mới theo sự đa dạng của văn hóa. Trong bất cứ trường hợp nào, vẫn cần phải luôn duy trì sự vẹn toàn của Đức Tin (Số 202-205).
Rõ ràng là các phương tiện truyền thông đóng vai trò thiết yếu trong công tác hội nhập văn hóa bởi vì khả năng chuyên môn của các phương tiện này trong việc truyền đạt Tin Mừng (Số 209).
Để đáp lại với những thách đố của việc hội nhập văn hóa, Sách Giáo Lý Công Giáo là một công cụ cần thiết và là tiêu chuẩn (Số 210). Trong một nền văn hóa như nền văn hóa của chúng ta, mà trong đó Đức Tin đã được dạy qua nhiều thế hệ, hội nhập văn hóa có nghĩa là tân Phúc Âm hóa, một cách dạy Đức Tin “có nhiệt tình, các phương pháp và các cách diễn tả mới” (ĐTC Gioan Phaolo II, Tông Huấn “Hội Thánh ở Mỹ Châu”, ngày 22 tháng 1 năm 1999, số 6).
Các Giám Mục có nhiệm vụ hướng dẫn các cố gắng hội nhập văn hóa. Các ngài làm thế bằng cách cổ võ một chương trình dạy Giáo Lý càng sâu rộng càng tốt để “khắc phục sự thiếu hiểu biết và tuyên truyền sai lầm, một trở ngại lớn nhất cho mọi cố gắng hội nhập văn hóa”; bằng cách có các chương trình hội nhập văn hóa thử nghiệm dưới sự giám sát cẩn thận, bằng cách cung cấp các sách chỉ nam Giáo Lý bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau của tín hữu; và bằng cách cung cấp các việc truyền thông và hiệp thông trong giáo phận, với các giáo phận khác và với Tòa Thánh, nhờ đó bảo đảm “một cách hội nhập văn hóa chắc chắn và cập nhật hóa” (Số 214)
Việc Dạy Giáo Lý trong Giáo Hội Địa Phương: Những Người Phụ Trách Dạy Giáo Lý (215-232)
Giáo Hội Địa Phương hay Giáo Phận
Phần Thứ Năm của Chỉ Nam Giáo Lý nói đến địa điểm mà việc dạy Giáo Lý được thi hành, đó là giáo phận hay các địa hạt tương đương, thi dụ như quân đội. Giáo Hội địa phương được Hội Thánh hoàn vũ thành lập và làm cho Hội Thánh hoàn vũ hiện diện khắp nơi trên thế giới. Cũng như trong Hội Thánh hoàn vũ, trong Giáo Hội địa phương, rường cột để xây dựng đời sống Hội Thánh là giáo huấn của Tin Mừng và cử hành Thánh Lễ (Số 217).
Việc dạy Giáo Lý là căn bản của đời sống của Hội Thánh trong giáo phận. Qua việc dạy Giáo Lý, giáo phận cung ứng cho tín hữu và những người đang tìm Đức Tin một sự giáo dục và đào luyện để giúp họ biết Đức Tin, cử hành và sống Đức Tin trong thế gian (Số 218).
Việc Dạy Giáo Lý trong Giáo Hội Địa Phương hay Giáo Phận
Việc dạy Giáo Lý có một địa vị quan trọng căn bản trong toàn thể giáo phận. Nó có những đặc tính sau.
· Toàn thể cộng đồng Kitô có nhiệm vụ giúp dạy Giáo Lý. Việc dạy Giáo Lý là tác vụ rõ ràng của các linh mục, các phó tế, các tu sĩ và giáo dân hiệp thông với Đức Giám Mục. Sự khác biệt giữa các ơn gọi của những người phụ trách việc dạy Giáo Lý làm cho nó thêm phong phú.
· Việc dạy Giáo Lý là căn bản cho việc phát triển của Hội Thánh. Nó được thực hiện nhân danh toàn thể Hội Thánh, chứ không phải là hoạt động riêng rẽ hay hoàn toàn cá nhân.
· Việc dạy Giáo Lý có đặc tính riêng được bắt nguồn từ nhiệm vụ của Giáo Lý viên như thầy dạy về Đức Tin. Nhiệm vụ của Giáo Lý viên khác nhiệm vụ của những người lo các hoạt động phụng vụ, từ thiện hay xã hội trong Hội Thánh. Đồng thời, việc dạy Giáo Lý liên quan đến tất cả các sinh hoạt khác.
· Các Giáo Lý viên trong giáo phận cần những người có trách nhiện đào tạo Giáo Lý viên, và xuất bản các tài liệu Giáo Lý.
Toàn thể cộng đồng Kitô hữu phải chú tâm theo đuổi việc dạy Giáo Lý để nó có thể làm tròn nhiệm vụ làm chứng cho Đức Tin. Chính cộng đồng Tín Hữu đón nhận người mới lãnh nhận Đức Tin lần đầu tiên hay Đức Tin đang phát triển. Qua mục vụ dạy Giáo Lý không những chỉ các học viên được nên trưởng thành về tâm linh, mà cả cộng đoàn cũng nên trưởng thành hơn.
Giám Mục, Giáo Lý Viên Chính của Giáo Phận
Qua Bí Tích Truyền Chức, Giám Mục nhận đặc sủng chân lý để thi hành một trong những trách vụ quan trọng nhất của ngài là dạy về Đức Tin. Cho nên Giám Mục phải vạch ra đường hướng cho việc dạy Giáo Lý trong giáo phận của mình. Một số những trách nhiệm của Giám Mục là.
· Giám Mục phải chắc chắn là việc dạy Giáo Lý chiếm một vị thế ưu tiên nhất trong các việc tông đồ của giáo hội địa phương.
· Giám Mục phải can thiệp trực tiếp vào việc dạy Giáo Lý bằng cách tỏ ra quan tâm, nhất là đảm bảo sự trung thực của các giáo huấn Đức Tin và chắc chắn rằng các sách giáo khoa và các phương tiện dạy Giáo Lý khác phù hợp với Đức Tin.
· Giám Mục phải tích cực tổ chức việc tông đồ dạy Giáo Lý trong Giáo Phận vì đó là điều thiết yếu nhất của toàn thể đời sống Giáo Phận.
· Giám Mục phải chắc chắn rằng các Giáo Lý viên được đào luyện đúng cách, đặc biệt là về tín lý và phương pháp sư phạm.
· Giám Mục phải tổ chức chương trìng Giáo Lý của giáo phận để đáp ứng mọi nhu cầu của các giáo xứ (Số 222-223).
Các Linh Mục
Nhờ Bí Tích Truyền Chức, các linh mục là hình dạng của Đức Kitô, là Đầu của Nhiệm Thể Người, là Hội Thánh. Thừa tác vụ của linh mục hình thành cộng đồng, và phối hợp cùng củng cố các thừa tác vụ khác trong Hội Thánh. Cho nên, việc tham gia tích cực của linh mục là điều thiết yếu cho việc tông đồ Giáo Lý. Một số những trách nhiệm của linh mục là.
· Linh mục có nhiệm vụ nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm chung của cả cộng đoàn Kitô hữu đối với việc dạy Giáo Lý.
· Linh mục cung cấp chương trình cơ bản cho việc dạy Giáo Lý bằng cách tìm người huấn luyện các Giáo Lý viên và chắc chắn rằng các Giáo Lý viên được huấn luyện đầy đủ.
· Linh mục phải tìm kiếm những người được Chúa gọi làm Giáo Lý viên và khuyến khích họ lãnh nhận trách nhiệm dạy Giáo Lý.
· Linh mục phải tháp nhập mục vụ dạy Giáo Lý với mục vụ sửa soạn lãnh nhận các Bí Tích và cử hành Phụng Vụ Thánh.
· Linh mục phải nưôi dưỡng mối dây hợp nhất bằng cách khuyến khích các Giáo Lý viên đi theo chương trình mục vụ của giáo phận
Cha Mẹ, là Những Nhà Giáo Dục Đầu Tiên của Con Em
Kinh nghiệm đầu tiên của trẻ em với Hội Thánh được thể hiện trong tương quan giữa các em và cha mẹ. Không gì có thể thay thế được việc đào luyện Đức Tin mà cha mẹ cung ứng ở gia đình.Sự hiểu biết và đời sống Đức Tin bắt đầu từ gia đình và được đào sâu qua việc dạy Giáo Lý có hệ thống và đầy đủ của giáo xứ. Bí Tích Hôn Phối phú cho cha mẹ ân sủng cần thiết để giáo dục Kitô giáo cho con cái. Cha mẹ phải được giúp đỡ để chu toàn nhiệm vụ đào luyện con cái trong Đức Tin qua việc tiếp xúc trực tiếp với linh muc và Giáo Lý viên, cùng qua các buổi hội họp, khóa học và các chương trình Giáo Lý cho người trưởng thành (Số 226-227).
Các Tu Sĩ
Các người đã được thánh hiến đem lại sự phong phú cho mục vụ dạy Giáo Lý bởi vì nghề nghiệp của họ là các lời khuyên Phúc Âm hay lời khấn khó nghèo, trong sạch và vâng lời để theo sát Đức Kitô hơn. Sự đóng góp của họ vào các công tác dạy Giáo Lý của Hội Thánh không thể thay thế bằng các linh mục hay giáo dân. Nhiều dòng tu được thành lập với mục đích chính là phục vụ việc dạy Giáo Lý, và đã trổi vượt trong công tác dạy này. Các đặc sủng khác nhau của các dòng tu được tìm thấy trong các hoạt động dạy Giáo Lý của các tu sĩ để phong phú hoá đời sống tâm linh của người học Giáo Lý (Số 228-229).
Các Giáo Dân
Các giáo dân cũng đóng góp một phần đặc biệt vào việc dạy Giáo Lý vì họ được gọi để sống Tin Mừng trong thế gian và biến đổi nó trong Đức Chúa Giêsu Kitô. Các giáo dân có ơn đặc biệt để giúp học viên áp dụng Đức Tin vào đời sống hằng ngày. Giáo dân được ơn dạy Giáo Lý qua Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức là những Bí Tích cho họ được thông phần vào sứ vụ ngôn sứ của Đức Kiô. Thêm vào những nhiệm vụ chung mà tất cả mọi giáo dân đều có trong việc dạy Giáo Lý, một số Giáo Dân được Thiên Chúa gọi để trở thành Giáo Lý viên. Các giáo dân có thể có những mức độ quyết tâm khác nhau. Một số có thể thỉnh thoảng mới phục vụ được hay chỉ phục vụ một thời gian nào đó. Tuy nhiên vì tầm quan trọng của việc dạy Giáo Lý, cần phải có một số giáo dân và tu sĩ “được công nhận và dành trọn thì giờ cho việc dạy Giáo Lý” (Số 230-231).
Các Loại Giáo Lý Khác nhau.
Công việc dạy Giáo Lý có nhiều hình thức khác nhau. Tùy theo nhu cầu của học viên. Giáo Lý truyền giáo dành cho những người chưa được dạy về Tin Mừng. Trong nhiều Hội Thánh đã có truyền thống Kitô giáo lâu đời, cần phải có chương trình Giáo Lý tương tự như Giáo Lý truyền giáo bởi vì thiếu linh mục và những lý do khác. Trong nhiều xứ đã có truyền thống Kitô giáo, cần phải tân Phúc Âm hoá: Cần phải dạy Giáo Lý cho người trẻ cũng như người trưởng thành, cần phải dạy Giáo Lý cho trẻ em và thiếu niên. Cũng cần có chương trìnhGiáo Lý cho tiền – Bí Tích cho người lớn và đôi khi cho con cái họ để họ nhận lãnh các Bí Tích. Đồng thời cũng phải đào luyện các Giáo Lý viên để dạy Giáo Lý cho người cao niên, cho những người có nhu cầu đặc biệt, và cho dân di cư hay những người bị sống ngoài lề xã hội.
Sau cùng, các trường hợp đặc biệt trong các giáo hội địa phương có thể cần phải khai triển các hình thức dạy Giáo Lý khác (Số 232).
Đào Luyện Giáo Lý Viên (233-252)
Việc Mục Vụ cho Giáo Lý Viên
Vì sứ vụ căn bản và không thể thay thế được của Giáo Lý viên trong Hội Thánh, Hội Thánh chăm lo việc mục vụ cho họ một cách thích đáng. Trước hết, Hội Thánh phải khuyến khích các tín hữu dấn thân phục vụ việc dạy Giáo Lý. Phải tuyển nhiều loại Giáo Lý viên khác nhau. đểcung cấp những loại dạy Giáo Lý khác nhau.
Thêm vào số nhiều Giáo Lý viên làm việc bán phần, Hội Thánh cần một số Giáo Lý viên làm việc toàn phần. Các Giáo Lý viên làm việc toàn phần bỏ hết tâm lực ra để đào sâu việc phục vụ môn Giáo Lý, cho nên họ là những nguồn tài nguyên cần thiết cho các Giáo Lý viên bán phần.Cũng cần phải quân bình số công việc của các Giáo Lý viên theo nhiều nhu cầu Giáo Lý khác nhau.
Phải cung cấp một chương trình đào luyện căn bản và một chương trình đào luyện tiếp tục cho các Giáo Lý viên. Hội Thánh cũng cần lưu tâm đến các nhu cầu cá nhân và tinh thần của các Giáo Lý viên. Đặc biệt là trong một nền văn hóa hoàn toàn thế tục, thừa tác vụ của các Giáo Lý viên là một phục vụ cam go nhất và đòi hỏi Giáo Lý viên phải có một sức mạnh nội tâm sâu xa. Chỉ những Giáo Lý viên nào được cung cấp phương tiện canh tân và phát triển tâm linh mới có thể đáp ứng được những thách đố trong việc dạy về Đức Tin hôm nay.
Sau cùng, cần phải phối hợp việc phục vụ của các Giáo Lý viên với toàn bộ chương trình mục vụ của Giáo Xứ, thí dụ dự bị hôn nhân với thăng tiến hôn nhân, cử hành Phụng Vụ, hoạt động cho công lý và hoà bình…(Xem Số 233).
Sự Quan Trọng của Việc Đào Tạo các Giáo Lý Viên
Đương nhiên là chỉ có những Giáo Lý viên “thực sự có khả năng và được huấn luyện” mới có thể sử dụng các phương tiện dạy Giáo Lý các hiệu quả (Số 234). Trong toàn bộ công cuộc canh tân Giáo Lý, việc đào luyện Giáo Lý viên phải được đặt lên hàng đầu. Chỉ khi đó, việc xuất bản các sác giáo khoa mới và soạn thảo lại học trình mới đem lại kết quả.
Việc đào luyện các Giáo Lý viên giáo dân phải đi đôi với chương trình đào luyện các linh mục về dạy Giáo Lý trong chương trình ở chủng viện trước khi thụ phong và qua các chương trình huấn luyện tiếp tục sau khi thụ phong (Số 234)
Bản Chất và Mục Đích của việc Đào Luyện Giáo Lý Viên
Mục đích rõ ràng của việc đào luyện các Giáo Lý viên là “giúp các Giáo Lý viên có khả năng truyền thông” chân lý Đức Tin (Số 235a). Nếu một Giáo Lý viên có thể truyền thông Tin Mừng, người ấy phải biết và yêu mến Đức Chúa Giêsu Kitô cách sâu xa. Sau đó người ấy có thể đưa ra một hành trình Giáo Lý cần thiết cho học viên Giáo Lý: Đức Chúa Giêsu Kitô; Cuộc đời của Người trong toàn thể lịch sử Cứu Độ; mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người vì chúng ta; và sự hiệp thông của người học Giáo Lý với Đức Kitô qua việc lãnh nhận các Bí Tích.
Giáo Lý viên nhân danh toàn thể Hội Thánh mà thông truyền Tin Mừng, cho nên người ấy phải luôn suy nghĩ và hành động với Hội Thánh. Chống đối không có chỗ đứng nào trong việc dạy Giáo Lý (Xem Số 235b).
Các Tiêu Chuẩn cho việc Đào Luyện Giáo Lý Viên
Sau đây là những tiêu chuẩn cho việc đào luyện Giáo Lý viên.
· Việc đào luyện theo nhu cầu Phúc Âm hóa trong hoàn cảnh văn hóa và lịch sử thật sự. Điều này đòi hỏi một Đức Tin sâu xa, một đặc tính Kitô và Hội Thánh rõ rệt, và một sự nhạy cảm về xã hội.
· Việc đào luyện theo khái niệm dạy Giáo Lý và đào luyện cá nhân Kitô hữu, nghĩa là giúp các Giáo Lý viên không những chỉ truyền thụ giáo huấn mà còn truyền thụ cả một Đức Tin sống động.
· Việc đào luyện phải tránh “các khuynh hướng xé lẻ một chiều” bằng cách cung cấp một Giáo Lý toàn vẹn. Giáo Lý viên phải biết nối kết các chiều kích của chân lý và ý nghĩa của Đức Tin, chính tín và chính đạo, ý nghĩa Hội Thánh và xã hội. Việc đào luyện phải góp phần vào việc thăng tiến các yếu tố trên thay vì tạo ra căng thẳng giữa chúng.
· Việc đào luyện phải thích hợp với hoàn cảnh sống của giáo dân, “việc huấn luyện về tông đồ của họ đòi hỏi một đặc tính chính xác bắt nguồn từ bản tính thế tục của tình trạng giáo dân và từ loại linh đạo thích hợp”
· Sau cùng, phương pháp sư phạm dùng trong việc đào tạo Giáo Lý viên rất quan trọng. Như một tiêu chuẩn tổng quát, cần phải nhấn mạnh đến sự kết hợp giữa phương pháp sư phạm dùng trong việc đào luyện Giáo Lý viên với phương pháp sư phạm dùng để dạy Giáo Lý. Khó lòng mà một Giáo Lý viên có thể ứng biến về cách thức hay cảm thức trong các hoạt động của họ về những gì mà họ không được học trong khi họ được đào luyện.
Các Chiều Kích của Đào Luyện: cá tính, hiểu biết và khéo léo
Việc đào luyện Giáo Lý viên có nhiều chiều kích. Chiều kích thâm sâu nhất là con người Giáo Lý viên, là chiều kích nhân loại và Kitô của họ. Trên hết mọi sự, việc đào luyện phải giúp họ trưởng thành như một người, một tín hữu và một tông đồ. Đây cũng là điều mà Giáo Lý viên cần biết để làm tròn bổn phận của mình. Chiều kích này cần phải thấm nhuần bẳng việc gia tăng quyết tâm của người ấy với sứ điệp và với con người. Nó đòi hỏi Giáo Lý viên phải có đủ kiến thức về sứ điệp mà mình truyền lại, về những người mà họ sẽ truyền sứ điệp cho và hoàn cảnh xã hội mà họ đang sống. Sau đó là chiều kích khôn khéo, nghĩa là biết cách truyền thông sứ điệp. Việc đào luyện Giáo Lý viên làm cho họ trở thành “nhà giáo của con người và đời sống con người.
Sự Trưởng Thành của Giáo Lý Viên như Một Người, Một Kitô Hữu, và Một Tông Đồ
Trên nền tảng việc bắt đầu trưởng thành của con người, trong khi dạy Giáo Lý, nhờ việc chọn lựa và định giá liên tục, cho phép Giáo Lý viên lớn lên lớn lên trong các nhân đức cần thiết để dạy Giáo Lý. Điều này bao gồm lòng yêu thương những người học Giáo Lý, một sự quân bình và một cái nhìn phán đoán, sự liêm chính, khả năng liên kết, để khuyến khích đối thoại, để có một tinh thần xây dựng, và biết sinh hoạt nhóm. Nó sẽ giúp họ lớn lên trong việc kính trọng và yêu thương học viên. Việc đào luyện Giáo Lý viên cũng giúp cho Giáo Lý viên lớn lên như một tín hữu, nuôi dưỡng đời sống tâm linh của họ, để họ hoạt đông trong chân lý qua chính đời sống nhân chứng của họ.
Việc đào luyện luôn nuôi dưỡng ý thức tông đồ của Giáo Lý viên, nghĩa là ý thức rằng mình là một người rao giảng Tin Mừng. Phương thức tốt nhất để nuôi ý thức này là đồng hóa với Đức Kitô, là thầy và Người đào luyện các môn đệ bằng cách tìm kiếm và đạt được lòng nhiệt thành như Chúa Giêsu đã nhiệt thành đối với Nước Trời. Bắt đầu từ việc dạy Giáo Lý, ơn gọi tông đồ Giáo Lý được nuôi dưỡng bằng việc tiếp tục đào luyện, sẽ tiến đến trưởng thành.
Việc Đào Luyện Giáo Lý Viên về Thánh Kinh và Tín Lý
Ngoài việc làm nhân chứng, một Giáo Lý viên cũng là môt thầy dạy về Đức Tin. Việc đào luyện về tín lý cần phải bao gồm những yếu tố sau.
· Ba thời đại quan trọng của lịch sử Cứu Độ: Cựu Ứớc, cuộc đời Đức Kitô, và lịch sử Hội Thánh.
· Trọng tâm của sứ điệp Kitô: Kinh Tin Kính, Phung Vụ, đời sống luân lý và cầu nguyện.
Thánh Kinh là trung tâm của việc đào luyện Giáo Lý viên, và Sách Giáo Lý Công Giáo vẫn là điểm quy chiếu chính yếu của Giáo Lý viên (Số 240).
Việc Đào Luyện về Khoa Học Nhân Văn
Một hiểu biết tường tận về con người qua việc học tâm lý và các khoa học xã hội khác sẽ giúp Giáo Lý viên thông truyền Đức Tin và việc thực hành Đức Tin cách hiệu nghiệm hơn. Cũng thế một hiểu biết sâu rộng về giáo dục và truyền thông sẽ rất hữu ích. Phải tôn trọng phương pháp của khoa học nhân văn, những quan niệm triết học làm nền tảng cho chúng phải được làm sáng tỏ để chắc chắn rằng chúng phù hợp với sứ điệp Tin Mừng và sự truyền thông sứ điệp này. Mục đích chính của việc dạy khoa học nhân văn là để biết thích hợp chúng vào việc truyền thông Tin Mừng.
Đào Luyện về Sư Phạm
Giáo Lý viên cần phải phát huy khả năng truyền thụ Đức Tin. Ở đây, Giáo Lý viên phải ý thức rằng sứ vụ của mình là vun trồng Đức Tin, một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho người học Giáo Lý. Phương pháp sư phạm Giáo Lý chú tâm đến cá nhân và được xắp đặt để trình bày sứ điệp Tin Mừng một cách thích đáng cho người học Giáo Lý.
Trường Giáo Lý và các Trung Tâm Cao Đẳng Giáo Lý
Sau cùng, cần phải có những trường và trung tâm cao đẳng Giáo Lý để cung cấp việc đào luyện Giáo Lý viên, cho cả những người dạy Giáo Lý lẫn những người có trách nhiệm về Giáo Lý, như các linh mục, tu sĩ, và các trưởng ban cũng như phối hợp viên Giáo Lý. Các trường cũng như trung tâm này sẽ được độc quyền dùng để đào luyện Giáo Lý viên, cung cấp một cách trình bày và thực hành Đức Tin có hệ thống và đầy đủ, đồng thời cũng cung cấp sự đào tạo thích hợp về khoa học nhân văn và sư phạm.
Địa Điểm Dạy Giáo Lý (253-265)
Địa Điểm Dạy Giáo Lý
Giáo Lý được dạy ở trong cộng đồng Kitô hữu mà Đức Kitô lập ra qua sự Thương Khó, sự Chết và Phục Sinh của Người. Cộng đồng Kitô hữu được thể hiện trong Hội Thánh hoàn vũ, trong Hội Thánh địa phương hay Giáo Phận, và trong những cộng đoàn Kitô hữu khác nhau và trung cấp là gia đình, giáo xứ, trường Công Giáo, các hội đoàn tín hữu và các phong trào của Hội Thánh, và các cộng đồng Hội Thánh căn bản. Việc dạy Giáo Lý tiên khởi và tiếp tục được tổ chức ở tất cả các nơi này (Số 253).
Cộng đồng Kitô hữu dưới hình thức hoàn vũ cũng như riêng biệt không những chỉ là các lớp Giáo Lý được tổ chức, mà còn là nguồn gốc và mục tiêu của Giáo Lý. Nói cách khác, đầu tiên Tin Mừng được rao giảng trong cộng đồng Kitô giáo, lôi kéo chúng ta đến để nhận biết và theoĐức Kitô cách trọn vẹn hơn. Đồng thời, sự hiểu biết thâm sâu hơn về Đức Tin và việc sống Đức Tin đưa chúng ta đến việc tham gia cách đầy đủ hơn vào cuộc sống của cộng đoàn Kitô hữu.
Gia Đình
Hội Thánh không ngừng nhắc nhở rằng cha mẹ “là các nhà giáo dục Đức Tin chính yếu”. Chính trong gia đình mà Tin Mừng được công bố đầu tiên, được suy niệm và đem ra thực hành. Gia đình là “Hội Thánh tại gia”, vì chúng ta tìm thấy trong gia đình những yếu tố căn bản của đời sống Hội Thánh: truyền giáo, dạy Giáo Lý, cầu nguyện và làm nhân chứng. Gia đình là nơi đặc biệt để dạy Giáo Lý vì nền tảng nhân sinh sâu xa của nó: “nhận thức về Thiên Chúa; bước đầu cầu nguyện; gíao dục lương tâm về luân lý; đào luyện ý thức Kitô về tình yêu thương nhân loại, được hiểu như phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng Tạo Hóa (Số 255)>
Lớp Giáo Lý Tân Tòng
Trong lớp Giáo Lý Tân Tòng, những người chưa được rửa tội nhưng đã chấp nhận và sửa soạn lãnh nhận bằng cả tâm hồn và hết trí khôn để Tuyên Xưng Đức Tin. Cho nên các lớp Giáo Lý Tân Tòng phải cung ứng một cách trình bày đầy đủ và mạch lạc Giáo Lý về Đức Tin và luân lý.Hội Thánh ấp ủ những người dự tòng và chăm sóc cho họ như họ đã là thành phần của Hội Thánh. Nghi Thức Khai Tâm Kitô Giáo cho Người Trưởng Thành diễn tả một ít phương thế quan trọng mà trong đó cộng đồng Kitô hữu tham gia vào tiến trình đang xảy ra trong lớp Giáo Lý Tân Tòng (Số 256).
Giáo Xứ
Giáo xứ là nơi quan trọng nhất mà ở đó cộng đồng Kitô hữu được thành hình. Trong giáo xứ, “tất cả mọi khác biệt giữa con người tan biến đi và được tan biến vào tính phổ quát của Hội Thánh.” Giáo xứ thường là nơi nuôi dưỡng sự tiến triển của Đức Tin của chúng ta. Để gíúp giáo xứ chu toàn nhiệm vụ dạy Giáo Lý của mình, sách Chỉ Nam Giáo Lý đưa ra những điều kiện phải được chu toàn:
1) Phải đặt ưu tiên vào việc dạy Giáo Lý cho người trưởng thành qua Giáo Lý Tân Tòng và Giáo Lý hậu rửa tội;
2) Phải rao giảng Đức Tin cho những người đã bỏ đời sống Đức Tin hay nguội lạnh, nhất là trong phạm vi các buổi họp dự bị Hôn Nhân, Rửa Tội và Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu, và Thêm Sức;
3) Một số lưu tâm đến vấn đề mục vụ liên quan đến việc dạy Giáo Lý được trao phó cho những Tín Hữu trưởng thành;
4) Phải tổ chức dạy Giáo Lý cho trẻ em, thiếu niên và giới trẻ, được nuôi dưỡng bởi việc dạy Giáo Lý cho người trưởng thành.
Các Trường Công Giáo
Trường Công Giáo là nơi quan trọng nhất cho việc dạy Giáo Lý trong cộng đồng nhà trường là ban giám hiệu, thầy cô, nhân viên, các người thiên nguyện, các linh mục trong giáo xứ, phụ huynh và con cái họ. Việc dạy Giáo Lý không những cố gắng dạy về Đức Tin cách toàn vẹn, mà còn cử hành Đức Tin qua các Bí Tích và cầu nguyện, cùng cố gắng đem Đức Tin ra thực hành. Trong trường Công Giáo, có thể dạy về Đức Tin dưới nhiều hình thức khác nhau, như rao giảng Đức Tin lần đàu, các lớp về tôn giáo, Giáo Lý và bài giảng. Quan trọng nhất là những bài học về tôn giáo và Giáo Lý. Trong khi các trường Công Giáo đóng góp một phần căn bản cho toàn thể cộng đồng bằng cách đào luyện các học sinh về văn hóa và trí thức, nhưng sự đóng góp quan trọng nhất là về công tác Phúc Âm hóa của Hội Thánh (Số 259-260).
Các Đoàn Thể Giáo Dân và Phong Trào trong Hội Thánh
Mục đích của các đoàn thể giáo dân và các phong trào trong Hội Thánh là để giúp càc đoàn viên phát huy sự hiểu biết và sống đạo trong nhiều phương diện khác nhau. Các đoàn thể này thường nỗ tâm làm việc bác ái, vun trồng sự hiện diện của Kitô hữu trong những cố gắng trần thế, cổ võ đời sống đạo đức, và phát triển đời sống tâm linh tùy theo ơn gọi của mình. Đương nhiên là các hoạt động của họ đòi hỏi một ít học hỏi Giáo Lý hay canh tân việc học hỏi Giáo Lý giữa các hội viên. Việc học hỏi Giáo Lý này, thường được đặt nền tảng trên các bài Giáo Lý căn bản dành cho các phần tử của Hội Thánh, thật là có hiệu quả cho cá nhân và cho cộng đồng Kitô hữu nói chung. Có ba phương diện của việc học hỏi Giáo Lý trong các đoàn thể và phong trào giáo dân cần phải được nhấn mạnh là:
1) Cần phải chú ý đền sự phong phú của môn Giáo Lý nói chung về ba phương diện tín lý, phụng tự và làm nhân chứng;
2) Việc học hỏi Giáo Lý trong các hội đoàn hay phong trào phải được coi như là một sự phát triển tự nhiên của việc đào luyện mà tất cả các phần tử của Hội Thánh nhận được;
3) Các đoàn thể hay phong trào này không thay thế cho giáo xứ trong việc dạy Giáo Lý (Số 261-262).
Các Cộng Đoàn Hội Thánh Căn Bản
Các phần tử của Hội Thánh thành lập các cộng đoàn Hội Thánh căn bản để sống Đức Tin Công Giáo cách mãnh liệt hơn và cảm nghiệm đời sống Hội Thánh một cách mật thiết hơn là có thể tìm thấy được trong một giáo xừ lớn. Trong các cộng đoàn Hội Thánh căn bản, Lời Chúa được công bố, tình huynh đệ được phát triển, và mầu nhiệm Kitô giáo được cử hành và các hội viên lãnh nhận trách nhiệm biến đổi xã hội. Các cộng đoàn Hội Thánh cũng cổ võ những đặc điểm khác của con người và nhân đức: “tình bằng hữu, công nhận cá nhân, tinh thần trách nhiệmchung, óc sáng tạo, đáp trả ơn gọi, chú tâm đến các vấn đề của thế giới và Hội Thánh” (Số 263). Để thực sự là một cộng đoàn Hội Thánh căn bản, cộng đoàn này phải sinh hoạt trong sự hiệp thông với Hội Thánh hoàn vũ và Hội Thánh địa phương, hay giáo phận, cùng hoàn toàn chia sẻ tính chất truyền giáo của Hội Thánh, tránh “cô lập hay lạm dụng về ý tưởng” (Số 263-264).
Tổ Chức Việc Dạy Giáo Lý trong Hội Thánh Địa Phương (265-285)
Tác Vụ Dạy Giáo Lý trong Giáo Phận
Hội Thánh hoàn vũ được biểu hiện trong các vùng theo địa dư gọi là giáo phận, trong một số trường hợp, các lãnh thổ giống như giáo phận. Mỗi biểu hiện này được gọi là Hội Thánh địa phương. Biểu hiện thông thường nhất là giáo phận. Việc tổ chức Giáo Lý trong Hội Thánh địa phương rất cần thiết nếu nó biểu hiện thật sự Hội Thánh hoàn vũ. Trong Giáo Phận, Đức Giám Mục là thủ lãnh của cộng đồng tín hữu và là thầy dạy Đức Tin chính cho họ. Ngài chịu trách nhiệm về thừa tác vụ dạy Giáo Lý. Ngài chu toàn bổn phận của mình qua văn phòng Giáo Lý giáo phận (Số 265).
Các nhiệm vụ chính của văn phòng Giáo Lý giáo phận là:
· Điều nghiên tình trạng dạy Giáo Lý trong giáo phận, và nhận ra những nhu cầu của việc dạy Giáo Lý;
· Soạn thảo một chương trình để đáp ứng lại những nhu cầu này;
· Cổ võ việc đào luyện Giáo Lý viên;
· Cung cấp các tài liệu và dụng cụ cần thiết cho việc dạy Giáo Lý (Sách Giáo Lý, sách chỉ nam, các chương trình cho các lứa tuổi khác nhau, cẩm nang Giáo Lý viên, tài liệu cho học viên, học cụ thính thị, v.v…) cho các giáo xứ;
· Khuyến khích các công tác của giáo phận có liên quan đến Giáo Lý nhất là cho người dự tòng, và cho các nhóm hay đoàn thể và các Giáo Lý viên trong các giáo xứ;
· Cải tiến nhân lực cũng như tài nguyên của Giáo Phận trong việc dạy Giáo Lý;
· Cộng tác với Văn Phòng Phụng Vụ Thánh của Giáo Phận vì sự liên hệ mật thiết giữa Phụng Vụ Thánh và Giáo Lý (Số 266)
Để làm tròn các nhiệm vụ quan trọng được trao phó, văn phòng Giáo Lý giáo phận phải có đầy đủ nhân viên (Số 267).
Sự Cộng Tác Liên Giáo Phận
Khi hai hay nhiều giáo phận trong cùng một địa dư và có dân chúng tương tự nhau, có thể thăng tiến tác vụ dạy Giáo Lý bằng cách cùng chia sẻ nhân lực và tài nguyên. Nhiều việc tốt có thể hoàn thành khi nhân viên của nhiều văn phòng Giáo Lý họp lại để chia sẻ kinh nghiệm trong việc thi hành sứ vụ Giáo Lý (Số 268).
Hội Đồng Giám Mục
Hội Đồng Giám Mục cũng có thể thành lập văn phòng Giáo Lý để giúp các giáo phận. Thí dụ, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có một văn phòng giám sát việc dùng Sách Giáo Lý Công Giáo.Văn phòng này thật hữu dụng trong việc tìm ra những yếu điểm trong việc dạy Giáo Lý, trong việc nghiên cứu các sách giáo khoa và các tài liệu phụ thêm khác nhau xem chúng có phù hợp với Sách Giáo Lý Công Giáo hay không. Tổng quát, văn phòng Giáo Lý của Hội Đồng Giám Mục có hai nhiệm vụ:
· Đáp ứng các nhu cầu dạy Giáo Lý của các giáo phận bằng các giám sát việc xuất hành những tài liệu quan trọng trên toàn quốc, các đại hội Giáo Lý, và liên hệ với các phương tiện truyền thông;
· Đáp ứng các nhu cầu dạy Giáo Lý của các giáo phận bằng cách cung cấp và phân phối các tài liệu về các chương trình Giáo Lý với mục đích giúp đỡ các giáo phận thiếu phương tiện.
Hội Đồng Giám Mục cũng có thể lãnh thêm các trách nhiệm khác về Giáo Lý, nhưng luôn luôn là để phục vụ các Giáo Phận.
Tòa Thánh
Đức Thánh Cha với vai trò là Giám Mục của Hội Thánh hoàn vũ, có nhiệm vụ căn bản là dạy Giáo Lý. Ngài chu toàn bổn phận này bằng việc giảng dạy. Đức Thánh Cha trả lời các câu hỏi và thắc mắc đặc biết về Giáo Lý qua Thánh Bộ Giáo Sĩ, một trong nhiều văn phòng giúp Đức Thánh Cha trong việc mục vụ của ngài.
Nhiệm vụ về Giáo Lý mà Đức Thánh Cha trao phó cho Thánh Bộ Giáo Sĩ là:
· Cổ võ việc giáo dục về tôn giáo cho các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi và điều kiện sống;
· Đề ra các tiêu chuẩn cho các bài học Giáo Lý để chúng được dạy theo đúng chương trình;
· Giám sát các cách dạy Giáo Lý xem có thích hợp không;
· phê chuẩn các sách Giáo Lý và các ấn bản liên quan đến việc dạ Giáo Lý với sự ưng thuận của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin.
· Sẵn sàng giúp đỡ các văn phòng Giáo Lý và các sáng kiến quốc tế về giáo dục tôn giáo, mà Thánh Bộ Giáo Sĩ phối hợp các hoạt động, và nếu cần thì giúp đỡ
Sự Quan Trọng của Phối Hợp Việc Dạy Giáo Lý
Nếu sự hợp nhất về Đức Tin được truyền đạt qua môn Giáo Lý, thì sự phối hợp về việc dạy Giáo Lý trong Hội Thánh thật là cần thiết. Khi việc dạy Giáo Lý được phối hợp một cách hữu hiệu, sự hợp nhất của Hội Thánh địa phương với Hội Thánh hoàn vũ được bảo đảm và phổ biến cho mọi người.
Trên bình diện giáo phận hay Hội Thánh địa phương, cần phải phối hợp hai việc:
1) “Một tiến tình duy nhất, mạch lạc cho Giáo Lý Khai Tâm cho trẻ em, thiếu niên và thanh niên,”
2) “một chương trình Giáo Lý cho người lớn” (Số 274).
Hai chương trình này phải được tổ chức một cách phối hợp với nhau trong cách trình bày Đức Tin trong khắp giáo phận. Nếu chương trình Giáo Lý cho người lớn được tổ chức kỹ càng, nó sẽ là chìa khóa và hướng đi cho việc tổ chức Giáo Lý cho trẻ em, thiếu niên và thanh niên (Số 275).
Tổ chức Giáo Lý giáo phận là chià khóa để thực thi công tác Tân Phúc Âm hóa cho những người đã được rửa tội và đã lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm (Rửa Tội, Thâm Sức và Rước Lễ Lần Đầu). Điều quan trọng cần nhắc nhở là khi dạy Giáo Lý cho người trưởng thành, thí dụ như để sửa soạn cho con cái họ chịu các Phép Bí Tích, thì cũng cần lưu tâm đến nhu cầu cần có một cách dạy Đức Tin lần đầu mới (Tân Phúc Âm hoá). Việc dạy Giáo Lý truyền giáo cho những người chưa phải là phần tử của Hội Thánh và việc tân Phúc Âm hóa cho các phần tử Hội Thánh phải được phối hợp với nhau qua một chương trình Phúc Âm Hóa duy nhất (Số 276-277).
Trong việc dạy Giáo Lý qua các chương trình giáo dục của giáo xứ, của giáo hạt hay của giáo phận, điều quan trọng là tất cả các tiêu chuẩn về dạy Giáo Lý đều phải được thống nhất theo sự hiệp nhất về Đức Tin và thực hành (Số 278).
Ở cấp giáo phận, điều chính yếu là văn phòng Giáo Lý phải biết rõ các nhu cầu của việc dạy Giáo Lý trong giáo phận một cách cụ thể và phải được cập nhật hóa thường xuyên. Sách Cẩm Nang Giáo Lý vạch ra rằng, phải ý thức rõ ràng về:
1) việc dạy Giáo Lý đóng vai trò gì trong tiến trình Phúc Âm hóa;
2) sự quân bằng giữa các phạm vi Giáo Lý khác nhau (trẻ em, thiếu niên, thanh niên, người trưởng thành, và lão thành);
3) phối hợp việc dạy Giáo Lý với giáo dục Kitô giáo trong gia đình, ở nhà trường và ở những nơi khác;
4) nội dung và phương pháp Giáo Lý sử dụng;
5) các đặc tính của Giáo Lý viên và việc đào luyện họ.
Để chu toàn bổn phận, văn phòng Giáo Lý giáo phận phải biết tình trạng sống đạo của giáo dân trong giáo phận, và cũng phải hiểu hoàn cảnh xã hội và văn hóa của họ (Số 281-283).
Sau cùng, Sách Chỉ Nam Giáo Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc soạn thảo các sách Giáo Lý, là một học cụ quan trọng nhất để thi hành công tác dạy Giáo Lý. Hiện nay, đang có thảo luận về việc soạn sách Giáo Lý khắp các Hội Đồng Giám Mục. Như đã đề cập ở trên, hai tài liệu phải được tham khảo trong việc soạn các sách Giáo Lý địa phương là Sách Giáo Lý Công Giáo về nội dung và Sách Nam Giáo Lý về phương pháp. Để bảo toàn sự thống nhất về ĐứcTin, các sách Giáo Lý địa phương cần được Tòa Thánh phê chuẩn trước khi ấn hành (Số 284-285).
Kết Luận
Đáp ứng lại những thách đố của việc dạy Giáo Lý là điều căn bản cho sự kiên vững của đời sống Đức Tin của Hội Thánh. Các thách đố mà các văn phòng Giáo Lý của giáo phận, của giáo hạt và giáo xứ, các linh mục và Giáo Lý viên gặp phải hằng ngày. Chúng ta hãy nhân danh Hội Thánh mà cầu xin cùng Chúa Ba Ngôi.
“Hội Thánh, là cơ quan có nhiệm vụ dạy Giáo Lý cho mọi tín hữu, khẩn cầu Thần Khí của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, xin Ngài ban sức mạnh nội tâm và kết quả cho sự khó nhọc để vun trồng Đức Tin và sự kết hợp với Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (Số 290).
Hơn bao giờ hết, những người làm trong vườn Giáo Lý, phải quay về phiá Đức Mẹ, xin Mẹ cầu bầu. Họ sẽ tìm thấy nơi Mẹ một mẫu gương tinh thần trong việc thực thi và củng cố việc canh tân Giáo Lý hôm nay trong Đức Tin, Cậy, Mến. Chính qua sự chuyển cầu của “Đức Nữ Trinh Ngũ Tuần” mà một sức mạnh mới được phát sinh trong Hội Thánh, sinh ra các con cái trong Đức Tin, và giáo dục chúng trở nên giống như Đức Kitô (số 291).
Mùa Chay 2007
GLV Phaolô Phạm xuân Khôi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét