KINH NGUYỆN VÀ PHỤNG VỤ KITÔ GIÁO HỘI NHẬP TRONG BỐI CẢNH VĂN HÓA TÂY NGUYÊN
Dẫn nhập:
Nhân kỷ niệm 75 năm văn bản Plane Compertum Est của Bộ Truyền Giáo và 50 năm
Thông Báo của HĐGM MIỀN NAM, HĐGM VN đã có nhã ý tổ chức một cuộc hội thảo với
chủ đề LÕNG TÔN KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN VÀ CÁC ANH HÙNG TỬ SĨ QUỐC GIA.
Đây quả là một chủ đề rất quan trọng đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chúng ta nói
riêng, vì cho đến tận bây giờ, ngộ nhận “Đi đạo là bỏ ông bỏ bà” vẫn còn đậm nét nơi một số
không nhỏ anh chị em lương dân. Với văn bản Hướng Dẫn áp dụng Thông Báo nói trên vào
năm 1972 của HĐGM Miền Nam, thì vấn đề được đẩy đi xa hơn, với những bước hội nhập văn
hóa về phụng vụ được đưa vào trong Sách Lễ Rôma. Nói như thế không có nghĩa là vấn đề hội
nhập văn hóa ở Việt Nam mới có từ năm 1972, vì tiến trình hội nhập văn hóa đã bắt đầu với
các vị thừa sai học tiếng Việt, sáng tác ra chữ quốc ngữ, dịch kinh nguyện ra tiếng Việt và in
sách giáo lý cho người bản xứ.
Trong cùng bối cảnh như thế, giáo phận Kontum cũng đã được hình thành sau quá trình
truyền giáo cho các sắc tộc miền Tây Nguyên. Do đó việc phải hội nhập văn hóa là điều tất
yếu. Nhân dịp kỷ niệm này, giáo phận Kontum chúng ta cũng nên ngồi lại suy nghĩ về luận đề:
KINH NGUYỆN VÀ PHỤNG VỤ KITÔ GIÁO HỘI NHẬP TRONG BỐI CẢNH VĂN HÓA
TÂY NGUYÊN.
Chúng ta có thể ôn lại các nỗ lực thích nghi và hội nhập văn hóa theo giòng lịch sử giáo
phận trước khi bàn về cách thức hội nhập và nêu ra các khó khăn cùng nguy cơ trong tiến trình
hội nhập trong giáo phận nhà. Vậy chúng ta sẽ lần lượt khảo sát:
I. Các nỗ lực hội nhập trong giòng lịch sử giáo phận
1. Giai đoạn hình thành Miền Truyền Giáo xứ Thượng (Mission des pays Moys) 1848-
1932.
2. Giai đoạn giáo phận tông tòa 1932-1960.
3. Giai đoạn giáo phận chính tòa 1960-1975.
4. Từ 1975 đến nay.
II. Các cách thức hội nhập văn hóa bản địa trong kinh nguyện và Phụng Vụ
III. Khó khăn và nguy cơ trong việc hội nhập
I. Các nỗ lực hội nhập trong giòng lịch sử giáo phận
1. Giai đoạn hình thành Miền Truyền Giáo xứ Thượng 1848-1932
Sau nhiều lần cố xâm nhập Miền Tây Nguyên từ Quảng Trị cho đến Phú Yên của các
đoàn truyền giáo mà chỉ gặp thất bại, năm 1848, Thầy Phó tế Nguyễn Do, vâng lệnh Đức Cha
Stêphanô Cuenot Thể, Giám Mục Tông Tòa Đông Đàng Trong, sau này là Qui Nhơn, lại lên
đường tiến lên miền Tây Nguyên theo ngả Bình Định. Thầy Sáu Do đã thành công tiến vào
vùng núi trong vai người phu khuân vác cho đoàn lái buôn. Với kinh nghiệm học được, năm
1850, Thầy Sáu Do đã đưa được hai vị linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris là Cha Combes và
Cha Fontaine, và bảy Thầy Giảng người Việt lên Tây Nguyên. Chúa quan phòng cho Thầy Sáu
Do được „kết nghĩa anh em‟ với một thủ lãnh có thế lực thuộc sắc tộc Bahnar tên là Bok Kiơm.
Cũng trong năm đó, lại có thêm hai vị thừa sai khác lên nhập đoàn là Cha Dégouts và Cha
Dourisboure. Chính nhờ sự che chở của Bok Kiơm mà các vị thừa sai mới có thể tìm ra „miền 2
đất hứa‟ mà Đức Cha Cuenot Thể đã tiên đoán. Qua năm 1851, từ nơi hầm trú, Đức Cha đã có
thể phân chia lãnh vực phụ trách mục vụ cho các thừa sai Miền Truyền Giáo Tây nguyên. Đức
Cha thiết lập 4 Trung Tâm Truyền Giáo:
1) Trung Tâm Kon Kơxâm: Cha Combes, Bề trên Miền, phụ trách truyền giáo cho bộ
tộc Bahnar-Jơlơng.
2) Trung Tâm Plei Rơhai: Cha Dégouts và Thầy Sáu Do đặc trách truyền giáo cho bộ
tộc Bahnar-Rơngao.
3) Trung Tâm Kon Trang: Cha Dourisboure đặc trách truyền giáo cho bô tộc Xêđăng.
4) Trung Tâm Plei Chứ: Cha Fontaine đặc trách truyền giáo cho bộ tộc Jrai.
Để có thể truyền giáo cho người sắc tộc thì phải biết ngôn ngữ của họ. Việc trước tiên
phải làm là học tiếng. Cha Dourisboure, tác giả cuốn Dân Làng Hồ, kể lại kinh nghiệm như
sau: “Trên đời này, ít có điều gì khó hơn là học một ngôn ngữ mà không có sách vở, không có
tự điển, không có sách ngữ pháp, không có người thông dịch; và nhất là những người nói ngôn
ngữ đó lại là những người dân khốn khổ, hiểu biết hạn chế, trí khôn chậm phát triển1
”. Vậy
phải bắt đầu từ đâu? Cha Dourisboure viết tiếp: “Chúng tôi lên nhà rông để học vài ba từ
Bahnar. Mỗi người cầm bút chì và một mảnh giấy, ngay khi tưởng là đã nắm được nghĩa của
một từ thì vội ghi lại. Đến lúc anh em dân tộc đã đi rẫy hoặc đi ngủ, thì ba anh em chúng tôi
họp lại để so sánh những điều đã ghi lại, và thống nhất những điều mà chúng tôi đã học được,
hoặc tưởng là đã hiểu được2
”. Các vị thừa sai đã dùng mẫu tự La tinh để sáng chế ra chữ viết.
Việc học tiếng Bahnar chỉ là bước đầu, về sau, với các Trung Tâm truyền giáo cho các sắc tộc
khác nhau, các vị thừa sai cũng phải học cho biết các phương ngữ khác nữa.
Năm 1853, tức là sau 2 năm mày mò học tiếng, các thừa sai đã có những bản kinh và
giáo lý cho các dự tòng đầu tiên. Tác giả Dân Làng Hồ khoe: “Tôi đã bắt đầu biết kha khá thổ
ngữ thông dụng ở Kon Trang. Còn Cha Combes đã soạn xong tập giáo lý nhỏ bằng tiếng
Bahnar và đã dịch xong các kinh mà mỗi Kitô hữu phải biết và phải đọc. Đến lượt mình, tôi
dịch lại công trình nhỏ bé của ngài sang tiếng Xêđăng3
”. Và cứ như thế, các cộng đoàn kitô
giáo dần dần phát triển trên Miền Truyền Giáo Tây Nguyên.
2. Giai đoạn giáo phận tông tòa 1932-1960
Năm 1932, Tòa Thánh quyết định nâng Miền Truyền Giáo xứ Thượng lên Giáo phận
Tông Tòa, tách ra khỏi Qui Nhơn. Thật vậy, đầu thế kỷ XX, Miền Truyền Giáo đã lớn mạnh.
Năm 1901, nguyên số giáo dân Bahnar đã là 8.000. Năm 1908, một trường đào tạo Yao Phu
được thành lập do sáng kiến táo bạo của Cha Martial JANNIN. Yao Phu là giáo lý viên và còn
hơn thế nữa. Có thể so sánh Yao Phu với Thầy Giảng của người Việt, với khác biệt là Yao Phu
có thể lập gia đình. Năm 1911, phát hành nguyệt san “Hlabar Tơbang” cho Yao Phu. Đó là
một tờ thông tin đề cập đến nhiều vấn đề đạo cũng như đời. Các Yao Phu được lập thành Hội
có quy củ và luật lệ nghiêm ngặt. Quyển “Luơt ‘De Chu Yao Phu4
” được giáo quyền phê chuẩn
năm 1915.
Đến khi trở thành Giáo Phận Tông Tòa năm 1932 với vị Đại Diện Tông Tòa tiên khởi là
Đức Cha Martial JANNIN PHƯỚC, Kontum có 23.000 tín hữu với 24 linh mục cả Pháp lẫn
Việt. Cũng trong năm đó, 3 Thầy thuộc sắc dân Bahnar được thụ phong linh mục. Với trường
Yao Phu và sự hiện diện của các linh mục bản xứ Bahnar đẩy nhanh hơn và xa hơn tiến trình
Hội nhập văn hóa trong kinh nguyện và Phụng vụ. Trước đây các vị thừa sai chế biến các bài
hát bằng cách ráp lời Bahnar vào nhạc các bài hát La-tinh hay Pháp. Việc này tương đối dễ, vì
tiếng bản địa không có dấu lên giọng xuống giọng như tiếng Việt, nên bài hát nào cũng có thể
dệt lời vào được. Nay các Thầy Yao Phu đã có khả năng sáng tác các bài hát dùng trong Phụng 3
Vụ bằng tiếng bản xứ với cung bậc và nhịp điệu của người bản xứ, phù hợp với tiếng đệm của
giàn cồng chiêng. Về Kinh Thánh, Cha Antôn „DEN, một trong 3 linh mục Bahnar tiên khởi,
đã miệt mài hoàn thành bản dịch cuốn Tân Ước.
Để việc hội nhập đức tin vào văn hóa bản địa đi sâu vào dân chúng, Đức Cha Jean
SION, kế vị Đức Cha JANNIN PHƯỚC vào năm 1942, đã có cái nhìn sâu sắc và đã thuyết
phục được Tòa Thánh cho phép lập một Tu Đoàn Nữ Tử Ảnh Phép Lạ cho người sắc tộc vào
năm 1947, theo kiểu mẫu Tu Đoàn Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn. Lý luận của Đức Cha
SION KHÂM thế này: muốn có người Kitô hữu tốt, muốn có ơn gọi tu trì nơi người bản xứ,
cần phải có những gia đình tốt. Mà muốn cho gia đình người sắc tộc tốt thì phải quan tâm đến
người mẹ, vì đa phần họ theo mẫu hệ. Một trong những mục đích chính của Tu Đoàn Ảnh
Phép Lạ là chăm lo cho các thiếu nữ, cho giới bà mẹ, để chuẩn bị cho họ trở thành những
người mẹ tốt, có khả năng giáo dục con cái.
Một vấn đề lớn gây bận tâm cho vị Đại Diện Tông Tòa thứ 3 của Kontum. Đức Cha
Paul SEITZ KIM, kế vị Đức Cha SION KHÂM vào năm 1952, nhận thấy bộ tộc Jrai vẫn còn
lạnh nhạt và xa cách với Kitô giáo sau hơn 100 năm truyền giáo. Chính vì thế mà ngài đã tìm
được một vị thừa sai chính hiệu có khả năng xây dựng từ số không một Trung Tâm truyền giáo
và một cộng đoàn Kitô hữu Jrai giữa lòng sắc dân có tiếng là thù nghịch. Vị thừa sai đó là Cha
Jacques DOURNES5
. Trước đó, ngài đã tiếp xúc và có nhiều kinh nghiệm với người sắc tộc
khi sống với người Srê ở Kala, gần Di Linh, nay thuộc tỉnh Lâm Đồng. Ngài có kiến thức uyên
bác về thần học. ngôn ngữ học và nhân chủng học. Được Đức Cha SEITZ thả xuống Cheo Reo
năm 1955, vùng đất của người Jrai, vùng giáp ranh với Phú Yên, ngài đã mày mò học tiếng,
làm tự điển, soạn kinh, soạn sách giáo lý, dịch Kinh Thánh, làm bài hát Thánh Vịnh Jrai với
nhạc bình ca. Điểm nổi bật là, dù ở thời tiền Công Đồng Vaticanô II, ngài đã có cái nhìn “tiên
tri” với chương trình chuẩn bị cho các dự tòng rất chu đáo, điều mà ngày nay Giáo Hội khuyến
khích phải thực hiện trong nghi thức gia nhập Kitô giáo cho các dự tòng ở tuổi trưởng thành,
nghĩa là phải qua các „giai đoạn‟ và „những thời gian‟ tiệm tiến.
Công trình của Cha Jacques DOURNES bị dang dở và Dòng Chúa Cứu Thế được mời
gọi lên Tây Nguyên để tiếp nối việc truyền giáo cho anh chị em Jrai Miền Gia Lai – Phú Bổn.
3. Giai đoạn giáo phận chính tòa từ 1960-1975
Năm 1960, Tòa Thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam và như vậy các giáo phận
Tông Tòa trở thành các giáo phận chính tòa. Đây là giai đoạn trưởng thành của giáo phận
truyền giáo Kontum. Đức Cha Paul SEITZ KIM đã nỗ lực rất nhiều vào việc đầu tư cơ sở vật
chất và đào tạo nhân sự. Một trong những việc góp phần vào chương trình hội nhập văn hóa
cách tích cực là nhà in của giáo phận. Từ đó các sách báo được phổ biến rộng rãi và mau
chóng hơn. Đáng kể nhất phải kể đến sách giáo lý (Hlabar Pơdơk6
), sách Tân Ước và những
phần chính yếu của Cựu Ước bằng tiếng Bahnar (năm 1969)7
. Cũng năm đó cuốn Nghi Thức
Thánh Lễ (Khop Plang Xoi Mixa) được in ra sau khi Tòa Thánh phê chuẩn vào năm 1968 (X.
Prot. A 418/68). Một cuốn sách Kinh-Hát rất thân thiết với các tín hữu sắc tộc vùng Kontum là
cuốn Hlabar Khop, một tuyển tập đã được phép Imprimatur của Đấng bản quyền năm 1973.
Vì thời cuộc chiến tranh nên chỉ được in tại Pháp năm 1977.
Về phía Jrai, các Cha Dòng Chúa Cứu Thế cũng dịch và cho in cuốn Tân Ước đầu tiên,
xuất bản qua Nhà Sách Đức Mẹ Sài Gòn năm 19738
.
4. Từ 1975 đến nay4
Biến cố thay đổi chế độ năm 1975 đem lại nhiều khó khăn cho giáo phận Kontum. Tất
cả các linh mục và cả giám mục thừa sai Pháp bị trục xuất. Dân chúng bị phân tán, hoặc đi di
tản hoặc trở về làng cũ. Trước đây giáo phận đã thiếu nhân sự thì nay lại càng thiếu hơn. Linh
mục và nữ tu không được rời khỏi địa bàn mình sống. Đời sống tôn giáo của các làng xa kể
như bị bỏ rơi. Chính trong hoàn cảnh bi đát này, Thiên Chúa đã tác động đến năng lực và sự
can đảm của các Yao Phu. Các Yao Phu đóng vai trò như các phó tế vĩnh viễn. Họ hướng dẫn
cộng đoàn, chủ tọa các buổi kinh, nghi thức an táng, Phụng vụ Lời Chúa, dạy giáo lý, được
phép ban Bí Tích Rửa Tội cho trẻ em và cả chứng hôn. Do hoàn cảnh, việc hội nhập văn hóa
không còn trên lãnh vực trừu tượng, nhưng đi vào cụ thể.
Những năm gần đây, với thời mở cửa về kinh tế, đời sống cũng đỡ khổ hơn, các linh
mục và tu sĩ có thể được bổ nhiệm về các vùng sâu vùng xa. Giáo phận Kontum đã trở lại tiếp
nối công trình của các bậc tiền bối. Giàn cồng chiêng đã được Đấng Bản Quyền cho phép dùng
trong Phụng Vụ để đệm các bài hát có âm điệu của người bản địa. Điệu múa xoang, rất thân
thiết với chị em sắc tộc cũng đã khéo léo và nhẹ nhàng ứng dụng để đi kèm theo, khi hát Bộ lễ
do chính người Bahnar dệt nhạc theo cung cách của người sắc tộc.
Đã có những Ban Dịch Thuật để xem lại và hoàn chỉnh những cuốn Tân Ước Bahnar và
Jrai đã có; và cũng đang dịch tiếp bộ sách Cựu Ước cho trọn bộ Kinh Thánh Bahnar và Jrai..
Năm 2010, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã phê chuẩn bản dịch tiếng Bahnar để Bộ Sách
Bài Đọc được phép dùng trong Phụng Vụ (X. Prot. N.8/10/L).
Ngoài ra, bộ tộc Xêđăng cũng được chú ý đến, mặc dù phương ngữ của họ không thống
nhất, vì có sự khác biệt ít nhiều từ làng này sang làng khác. Hiện nay Đấng Bản Quyền đã cho
dịch sách Tân Ước9
và cho dùng thử sách kinh bằng tiếng Xêđăng10
.
II. Cách thức hội nhập văn hóa bản địa trong kinh nguyện và Phụng Vụ
Cũng giống như mọi nơi khác, muốn đức tin ăn sâu vào tâm khảm vào một sắc dân, cần
phải dùng chính những nét văn hóa của họ để diễn tả và chuyển tải đức tin đó cho họ. Trước
khi chúng ta đề cập đến việc soạn kinh nguyện, ca nhạc và cách vận dụng nét văn hóa vào các
bí tích, thiết tưởng cũng nên nói qua về bối cảnh truyền giáo ở Kontum.
Từ buổi đầu công cuộc truyền giáo cho đến giữa thế kỷ XX, việc truyền giáo chỉ dành
ưu tiên cho các sắc dân ở vùng Kontum, dọc theo con đường dẫn xuống Bình Định và 3 con
sông chính là sông Dak Bla, sông Pơkô và sông Dak Pơsi. Vì có rất nhiều bộ tộc khác nhau,
như Bahnar, Jơlơng, Rơngao, Xêđăng, Xơdră, Jrai Arap, v.v., nên các vị thừa sai đã thống
nhất dùng một thư tiếng trong Phụng Vụ là tiếng Bahnar, gọi là tiếng phô thông. Cũng nói
thêm rằng trong bộ tộc Jrai cho đến lúc ấy rất ít người theo Kitô giáo, chỉ có nhóm Jrai Arap ở
phía Bắc Pleiku và Tây Nam Kontum. Và các vị thừa sai hầu như ngã lòng với bộ tộc này, vì
cho rằng nền luân lý buông thả của họ trong lễ hội bỏ mả không phù hợp với Kitô giáo. Sau
này các bản dịch Jrai và việc sử dụng tiếng Jrai mới khởi sắc bắt đầu từ Cha Jacques
DOURNES và nở rộ với các Cha Dòng Chúa Cứu Thế. Như vậy cuối cùng có 2 phương ngữ
chính được dùng trong kinh nguyện : tiếng Bahnar cho các sắc tộc vùng Kontum và tiếng Jrai
cho anh em Jrai ở Gia Lai.
1. Về kinh nguyện
Đối với nhóm sử dụng tiếng Bahnar, ngoài những kinh hôm kinh mai ngày thường và
kinh ngày Chúa Nhật được dịch ra tiếng bản xứ, các vị thừa sai còn đặt ra nhiều kinh cho nhiều
tình huống khác nhau, phù hợp với tín ngưỡng và lòng sùng mộ của họ. Các ngài nhận thấy họ 5
rất mê tín và có rất nhiều điều cấm kỵ vì rất sợ các yang (=thần) trừng phạt. Thần lành thì ít mà
thần dữ thì rất nhiều. Làm gì cũng phải khấn vái và cúng tế, nhỏ thì con gà, lớn thì heo, dê
hoặc trâu, nếu không sẽ bị yang „bắt‟, như gặp tai họa hay ốm đau dịch tễ, v.v. Lòng mê tín của
họ rất dễ bị đám bơjâu (=phù thủy) lợi dụng và lường gạt. Các thừa sai không xóa bỏ nỗi sợ
tôn giáo đó nhưng hoán đổi nó. Các ngài giới thiệu cho họ một vị Thần khác vĩ đại hơn và tốt
lành vô cùng, đó là Bă Yang (=Cha-Thần), vừa là Thần vừa là Cha. Vị Thần này là Thiên
Chúa, không đòi phải đổ máu con vật, chỉ cần tấm lòng thành. Từ đó các ngài đặt ra kinh
nguyện cho từng sự việc quan trọng mà cứ sự thường là phải cúng kiến rất tốn kém. Trong
những việc có tầm mức quan trọng11, như làm rẫy, dựng nhà mới, làm vọt nước hay lò rèn,
hoặc khi bị đau ốm hoặc khi sợ bị dịch tễ12, anh em sắc tộc được dạy phải đi dâng thánh lễ cầu
nguyện trước, rồi đến nơi đã chọn, đọc kinh đã soạn cho từng hoàn cảnh, rảy nước thánh, rồi
mới bắt tay vào việc.
Rút kinh nghiệm của các vị thừa sai đến trước, Cha DOURNES còn soạn ra một nghi
thức long trọng trong lễ cầu mùa13. Phải biết rằng việc nương rẫy mùa màng đối với anh em
sắc tộc là việc rất quan trọng, vì thế nghi thức được diễn ra trong 3 ngày, luôn vào tháng 5, bắt
đầu với những trận mưa đầu tiên. Ngài kể: “Chúng tôi ra khỏi nhà nguyện với những giáo lý
viên, cầm Thánh giá, đèn hầu, bình và dùi rảy nước thánh. Chúng tôi đến đám ruộng đầu tiên.
Người chủ ruộng đến đón chúng tôi ở hàng rào, nhận Thánh giá, hai người trong gia đình cầm
lấy cây nến. Đoàn kiệu đi qua đồng ruộng. Những lời kinh cầu được hát bằng tiếng Jrai, nhắc
cho họ những lời cầu khẩn truyền thống dâng lên các bậc Tổ Tiên (Printha). Do đó, khi về đến
nhà họ cảm thấy thoải mái. Cuối đám ruộng, bài hát chấm dứt […]. Chúng tôi đi ngang qua
khu rừng thưa cho tới một đám ruộng kế tiếp, ở đó người chủ ruộng, tới lượt mình, đến nhận
thánh giá và đưa chúng tôi đi ngang qua đám ruộng của ông ta. Và cứ như vậy, nhóm chúng tôi
lại tăng lên với gia đình có ruộng vừa được làm phép. Phụ nữ đi theo mang phần ăn của mình.
Khi mệt mỏi và trời quá nóng, chúng tôi ngừng lại. Trong những lúc dừng chân như vậy ở
trong rừng, vị chủ tế giảng một bài; rồi tiếp tục đi – Te rogamus audi nos (=Xin Chúa nghe lời
chúng con)
14”.
Trong các lời kinh, các vị thừa sai còn để ý hội nhập vào cách nói của người sắc tộc.
Người Việt nói: „cầu nguyện cho ông bà cha mẹ‟ thì người sắc tộc Bahnar nói: „cầu nguyện
cho mẹ cha bà ông‟ (Khop kơ me bă yă ‘bok).
Cha Dournes khám phá ra có sự giống nhau nào đó giữa Do-thái và Jrai trong quan
niệm sống, có lẽ cùng là dân Châu Á với nhau. Có những từ ngữ tương đương đáng kinh ngạc,
như từ jwa (=hơi thở, sức, tinh thần) trong tiếng Jrai tương đương với ruah Do-thái dùng để
chỉ Chúa Thánh Thần; hay từ pơnhu (=dìm xuống nước) để chỉ Phép Rửa, v.v. Ngài còn để ý
hội nhập cả giờ giấc đọc kinh nữa. Ngài viết: “[…] Người Jrai cho đến nay không dám hành lễ
giữa lúc mặt trời lặn và mặt trăng lên. Các giờ khác đều được, nhưng buổi chiều là thời gian
cúng tế tốt nhất. Đó là diều bình thường ở thôn quê. Tôi phải lưu tâm đến điều đó và, khi có
hội họp vào buổi chiều, tôi cũng phải ngoan ngoãn đợi đến xế chiều, chứ không phải đồng hồ
của tôi làm chuẩn đúng giờ, giờ như họ hiểu15.”
2. Về ca nhạc
Theo nhận xét chung, người sắc tộc yêu thích ca múa và bẩm sinh có giọng hát trong
trẻo khỏe khoắn. Và như trên đã nói, tiếng nói của họ không bị gò bó bởi các dấu như tiếng
Việt, nên có thể dễ dàng dệt lời cho bất cứ bản nhạc ngoại quốc nào. Chính vì thế trong tuyển
tập Kinh-Hát Hlabar Khop, có những bài hát với ba hay bốn bè của những tác giả nổi tiếng 6
như GOUNOD, HAYDN, BACH, v.v. Các Thánh Vịnh được hát theo cung của Thánh Vịnh
Pháp như các cung của Cha GELINEAU. Bộ lễ La-tinh De Angelis với lời Bahnar được hát
lên nghe rất du dương. Điều đáng nói là các bài này không phải là dành cho các ca đoàn mà cả
cộng đoàn cùng hát. Rất tiếc hiện nay không còn giữ được truyền thống tốt đẹp này nữa. Bù lại
nhạc cồng chiêng và điệu múa xoang được chú ý đến nhiều hơn trong những lúc đi rước và cả
trong thánh lễ. Những thích nghi nhẹ nhàng làm cho buổi lễ nên gần gũi và không làm biến thể
nghi lễ Rôma.
3. Về các Bí Tích
Các Bí tích được các vị thừa sai chú ý trong việc hội nhập văn hóa, đặc biệt trong Bí
Tích Rửa tội. Để có thể được rửa tội, người dự tòng phải có một cuộc đổi đời, thề hứa từ bỏ ma
quỷ, ngẫu thần và tin theo Chúa Ba Ngôi và Hội Thánh. Như trên đã nói, người sắc tộc từ bao
đời sống trong sự hiếp sợ các thần linh. Đụng đến thần sẽ bị thần trừng phạt chẳng những cá
nhân mình mà có khi còn liên quan đến tập thể. Trong buổi đầu của Miền Truyền Giáo, các dự
tòng đã bị giằng co rất nhiều khi chấp nhận theo đạo, vì họ phải từ bỏ tà thần, cụ thể là các linh
vật. Liệu có chết không đây nếu yang trả thù? Để củng cố lòng tin yếu ớt của họ, các vị thừa
sai đã mạnh mẽ và quyết liệt đương đầu với các yang. Cha Christian SIMONNET mep (1912-
2002) cho diễn lại việc này trong cuốn phim do ngài thực hiện La Mission des GrandsPlateaux:
vị thừa sai dẫn các dự tòng lên nhà rông (=nhà hội của làng), đích thân ngài giựt bỏ
các linh vật treo trên vách trước sự nhảy dựng của họ vì sợ hãi. Sau đó thì mọi sự đều bình an,
không ai chết cả. Việc làm này gọi là pái yang (=phá bỏ hay hạ bệ thần linh). Từ bỏ tà thần
phải cụ thể như thế chứ không phải giả vờ hay hứa suông. Về sau, những nố theo đạo chỉ cần
đem linh vật đến cho linh mục để ngài ném chúng xuống sông.
Cha DOURNES thì tế nhị hơn, vì không muốn xúc phạm niềm tin tôn giáo của các dự
tòng đã có đối với các linh vật. Ngài nói với họ đưa linh vật cho ngài giữ cho, nếu sau này
không muốn theo đạo nữa thì đến lấy lại. Ngài kể: “ Chiều áp lễ nhập khóa, chính những người
dự tòng tương lai đến Điểm Truyền Giáo trao cho chúng tôi các linh vật của họ, chúng tôi đón
nhận cách trân trọng, để khỏi làm tổn thương tâm hồn tôn giáo của họ, vì tâm hồn ấy đã gắn
vào các linh vật đó những giá trị thiêng liêng không thể thay thế được, nhưng tâm hồn ấy vẫn
cần một sự nâng đỡ. Chính sự nâng đỡ này hay ít ra là ý nghĩa của nó là cái mà chúng ta phải
thay đổi; phá đổ nó có thể sẽ tạo nên một tổn thương tâm thần không thể sửa chữa được, hay
lúc đó, vì bản năng tự vệ, người Jrai sẽ chỉ mang đến cho chúng tôi những đồ chơi, còn những
đồ thật thì cất giữ ở nhà. Biết rằng những vật linh sẽ được cất giữ nơi ông Cha bao lâu họ
muốn, và họ có thể lấy lại nếu họ không bền chí (trong thực tế điều đó chưa bao giờ xảy ra), họ
tin tưởng trao cho chúng tôi tất cả: vòng có khắc những lời cầu phúc và tăng sức, nhẫn sự
sống, đèn thờ, đĩa đựng đồ cúng cho các yang, lá bùa bằng thạch anh, dây biểu tượng cho
những con vật đã được hiến tế, những miếng bông tẩm nước mắt voi, đá thiêng, sừng tê giác và
cả ngà voi nữa16”.
Cha DOURNES cũng để ý đến Bí Tích Giải tội. Theo ngài, người sắc tộc không có ý
niệm về tội cho bằng là về lỗi. Mà lỗi chỉ là vi phạm điều cấm kỵ. Muốn xóa lỗi thì chỉ cần đền
bù cho người ta hay cúng tế cho thần linh là xong, có khi rất tốn kém. Nếu chưa đền bù thì vẫn
còn lo sợ sự trả thù. Dựa vào đó, có người bị cám dỗ muốn đốt giai đoạn trong truyền giáo, khi
đưa ra mối lợi vật chất, như kiểu nói: “Theo đạo đi, có lợi lắm, khỏi cúng nữa, đỡ tốn kém!”.
Cha DOURNES nhận xét: “Người Jrai có một niềm tin. Tấn công niềm tin ấy, không phải là
xây dựng Hội Thánh Công Giáo, mà cùng lắm là một bước đầu tiên đưa tới vô thần17”, hoặc
“hướng về tiền bạc như hướng về một yang mới18”. Vị thừa sai phải đổi mới quan niệm của họ 7
về sám hối: “[Người Jrai] có những lễ nghi đền bù công khai, gây ấn tượng và tốn kém; họ
luôn sẵn lòng làm việc đó. Chúng tôi cần phải đổi mới tinh thần cho những lễ nghi đó: từ
„những đền bù mang tính hình thức‟, chúng sẽ trở thành những việc đền tạ sám hối19”. Vì thế
đôi khi ngài cũng bắt làm việc đền tội khắt khe. Ngài giải thích: “Nếu không có việc đền bù
tốn kém, chính họ và những người ngoại trong làng sẽ khinh chê đạo, như họ chê một thứ
thuốc cho không – „vậy nên điều đó chẳng có giá trị gì!‟. Một việc đền tội khắt khe sẽ làm cho
họ thấy sự nghiêm túc của việc trở lại, ý thức về sự cao cả của Thiên Chúa; họ biết đánh giá
cao điều đó bởi vì họ đã được chuẩn bị20”.
Hiện nay, về phía sắc tộc Xêđăng, cụ thể là làng Kon Hring, phía Bắc Kontum, một tục
lệ vẫn được duy trì, là sau khi xưng tội xong, hối nhân tùy ý bỏ ít tiền vào giỏ. Tục lệ này phải
chăng là muốn thể hiện cách cụ thể việc đền bù sám hối của mình ?
III. Khó khăn và nguy cơ trong việc hội nhập
1. Các khó khăn
Việc hội nhập văn hóa tại giáo phận Kontum gặp nhiều khó khăn. Trước tiên là sự kiện
có rất nhiều bộ tộc khác nhau trên địa bàn với ngôn ngữ khác nhau, và trong mỗi bộ tộc cũng
có những khác biệt từ vùng này sang vùng khác, thậm chí từ làng này sang làng khác. Thứ đến
nhiều bộ tộc chưa có chữ viết hoặc chưa thống nhất được chữ viết; mỗi người tự sáng chế theo
cách riêng của mình. Tiếp đến, để khởi đầu một bản dịch, phải xem nên chọn ngôn ngữ của
vùng nào, thường là ưu tiên cho vùng có số dân đông nhất, nhưng không vì thế mà không lưu
tâm đến từ ngữ của các vùng chung quanh. Vì thế việc dịch thuật mất rất nhiều thời gian. Lại
nữa, chuyển dịch không phải là cứ tìm từ tương đương rồi ráp lại với nhau, một kiểu nói tiếng
Pháp hay tiếng Anh mà người Pháp hay người Anh không hiểu, ví dụ như no star where
(=không sao đâu). Cha DOURNES cũng đồng ý như thế khi ngài nói người ta có thể dịch từ
La-tinh bằng tiếng Jrai, việc đó chẳng bao giờ làm nên tiếng Jrai21. Đó là điều mà các vị thừa
sai trong bước đầu truyền giáo hay vấp phải, chính vì thế mà phải chỉnh sửa bản dịch với thời
gian. Theo kiểu nói của J.-M. de LACHAGA, phải làm sao đi từ phiên dịch ở mức cấp 1 (về
mặt ngôn ngữ) sang phiên dịch ở mức cấp 2 (au second degré) (về mặt tâm thức), nghĩa là có
sự nhập thể trong khung cảnh văn hóa của một bộ tộc cụ thể22
.
2. Các nguy cơ
* Bất cập
Việc hội nhập văn hóa đòi hỏi phải có những nhà chuyên môn hiểu biết về ngôn ngữ và
văn hóa bản địa. Mà các vị thừa sai không phải ai cũng là nhà chuyên môn. Họ được sai đi
truyền giáo mang theo Tin Mừng của Chúa cùng với lòng nhiệt thành yêu mến các linh hồn.
Chắc chắn có những vị tài giỏi và có năng khiếu đem lại nhiều lợi ích cho việc truyền giáo,
những vị khác bằng lòng sử dụng lại những gì những người khai phá tìm tòi được. Có khi vì sự
bằng lòng đó mà việc nghiên cứu và đào sâu bị bỏ bê. Bản thân người sắc tộc, vì thói quen bị
gò bó bởi tập thể và trói buộc bởi truyền thống bộ tộc, cũng ngại và sợ sự thay đổi. Chính vì
thế đã có lúc việc hội nhập văn hóa đã bị khựng lại. Nhất là từ sau 1975, vì thiếu nhân sự
chuyên môn, không có nhiều nỗ lực đào sâu thêm về ngôn ngữ Bahnar, mà xem ra bằng lòng
với những gì „xưa bày nay làm‟. Những bản văn trong kinh, lễ, hầu như không hề được cập
nhật. Ngay cả linh mục và Yao Phu cũng ngại thay đổi những gì đã thành thói quen. Đành rằng
những phương ngữ rất nghèo từ ngữ trừu tượng, và thuở ban đầu sự khôn ngoan buộc phải làm
như thế, nhưng đã hơn 160 năm truyền giáo, vẫn còn dùng những từ ngữ La-tinh lạc lõng trong 8
kinh nguyện và bài hát phụng vụ, vì cho rằng không có từ tương đương và nhất là vì đã quen
như thế rồi: ví dụ anjơlê (=thiên thần), arkanjơlê (=tổng lãnh thiên thần), graxia (=ân sủng),
xantô (=thánh nam), xanta (=thánh nữ), apôxtôlê (=tông đồ), martir (= tử đạo), prophet (=tiên
tri), Xakramentô (=Bí Tích Thánh Thể), v.v. Thậm chí có những từ đã thông dụng rồi mà cũng
không tìm cách thay thế, như đã có Yang Ai (=Chúa Thánh Thần), nhưng khi hát vẫn dùng
Yang Xipiritô Xantô; hoặc Bôl Dieng (=Hội Thánh) lại vẫn hát Bôl Ekledia)
23
. Đối với Cha
Jacques DOURNES, ngài không đồng ý như thế. Ngài viết: “Ngày xưa, các sách giáo lý của
các vị thừa sai thì được nhét đầy những từ La tinh mà không bao giờ được đồng hóa […].
Ngoại trừ những hạn từ được sử dụng phổ quát như chữ Amen, halleluia, tôi không cần dùng
tới một từ ngoại quốc nào cả, bởi vì tôi tìm thấy trong phương ngữ Jrai tất cả những gì cần
phải có để chuyển tải điều Thiên Chúa muốn nói với họ24”.
* Thái quá
Bên cạnh nguy cơ bất cập, cũng có một nguy cơ khác theo chiều hướng ngược lại, là
muốn hội nhập nhanh quá, bất chấp cả nghi lễ phụng vụ. Có nơi vì tinh thần hội nhập mà có
những thêm bớt làm cho người chỗ khác đến tham dự thấy buổi lễ hơi „khác khác‟ với nghi
thức Rôma. Đã có nơi vì muốn làm cho sống động và cụ thể nghi lễ gia nhập đạo cho anh chị
em Jrai, nên đã đưa ra bờ sông để làm „Phép Dìm‟. Nên biết rằng những kỷ luật phụng vụ rất
khắt khe, mọi tự biên tự diễn đều không được phép. Ngay cả các bản dịch dùng trong Phụng
Vụ cũng phải được Tòa Thánh phê chuẩn, dù là tạm thời hay thử nghiệm25. Thậm chí khi chọn
một ngôn ngữ nào đưa vào Phụng Vụ, Hội Đồng Giám Mục cũng phải xem xét, thu thập ý kiến
gửi về Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích để được phê chuẩn trước khi thực hiện bất cứ một
công việc phiên dịch nào26
.
Giáo Phận Kontum năm 2009 trình lên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam để xin Tòa
Thánh phê chuẩn cuốn cập nhật Nghi Thức Thánh Lễ (Ordo Missae) tiếng Bahnar và phê
chuẩn cuốn Nghi Thức Thánh Lễ tiêng Jrai. Trong thư trả lời của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí
tích, ngày 26/11/2010, thì phải gửi lại cho Bộ bản dịch công thức truyền phép trên bánh và
rượu của tiếng Bahnar từng chữ một (mot à mot) ra tiếng Pháp để được Đức Thánh Cha chuẩn
nhận. Về tiếng Jrai, Bộ Phụng Tự nói rằng đã chưa bao giờ có sự nhìn nhận (recognitio) việc
sử dụng tiếng Jrai trong Phụng Vụ. Mà sự nhìn nhận là điều tiên quyết trước khi xin phê chuẩn
một bản văn phụng vụ bằng tiếng địa phương. Ấy thế mà cách đó nhiều năm, đã có một buổi lễ
phong chức linh mục trọng thể bằng tiếng Jrai, trong đó đa số các vị đồng tế và các khách mời
hoàn toàn không hiểu gì.
Phải hội nhập văn hóa, đúng, nhưng như thế nào ? Đó là vấn đề khó. Ngay sau Công
Đồng Vaticanô II, có sự lạc quan thái quá, khi có trào lưu muốn bãi bỏ tiếng La-tinh và thay
thế rượu nho bằng rượu làm bằng gạo hay bắp, và thay bánh từ bột lúa mì bằng thứ ngũ cốc
khác. Điều này đã không hề xảy ra. Trong Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ, Thánh Giáo
Hoàng Gioan-Phaolô II cảnh báo: “Kết cục, hội nhập văn hóa phải là công việc của tất cả Dân
Thiên Chúa chứ không phải chỉ là của một vài nhà chuyên môn, bởi vì đã rõ là Dân Thiên
Chúa phản ảnh cảm thức chân thực của đức tin, điều mà ta không bao giờ được quên. Quả
thực, việc hội nhập văn hóa phải được hướng dẫn và khuyến khích, nhưng không được gò ép
để khỏi gây ra những phản ứng tiêu cực nơi các Kitô hữu: đó phải là cách diễn tả sinh hoạt
cộng đoàn, tức là phải chín muồi giữa lòng cộng đoàn chứ không chỉ là kết quả của những tìm
kiếm uyên bác”27. Thực sự ra sự hội nhập văn hóa trong Giáo Hội La-tinh xem ra mới dừng lại 9
ở việc thích nghi hơn là nhập thể, để không làm biến thể nó hay đi tới chỗ tạo nên một Lễ nghi
mới. Huấn thị thứ IV Varietates Legitimae ngày 25/1/1994 cũng xác nhận như thế28
.
Hội nhập văn hóa không phải là dễ. Những kinh nghiệm của lễ nghi Za-ia và Ấn Độ cho
thấy điều đó. Về thánh lễ theo lễ nghi Za-ia (rite zairois), có nhận xét rằng: với chủ tế đầu đội
mũ có sừng có gạc và lưng mang rìu mang rựa, giúp lễ thì trang bị gươm đao, chẳng thấy vai
trò của Vị Mục Tử Nhân Lành đâu cả29
. Và còn nhận thấy trong buổi lễ, vì quá nhấn mạnh đến
tính cách lễ hội tập thể và đề cao sự náo nhiệt ồn ào, nên người ta ao ước có thêm bầu khí tĩnh
lặng cần thiết cho sự cầu nguyện cá nhân30. Về việc hội nhập Bí Tích Thánh Thể ở Ấn Độ, thì
Rôma cho phép sử dụng thái độ và cử chỉ của người Ấn, cách dùng hương, hoa và đèn, việc
thích nghi chén và áo lễ, v.v., nhưng lại từ chối việc sáng tác một Kinh Nguyện Thánh Thể
mới cho Ấn Độ31
.
Kết:
Việc hội nhập văn hóa đã có từ lâu trong lịch sử, mặc dù danh xưng mới có gần đây.
Vấn đề hội nhập là vấn đề khó và tế nhị nên cần nhiều thời gian, chứ không phải là công việc
một sáng một chiều. Cần phải có những người chuyên môn và nhiệt huyết, am hiểu về văn hóa
bản địa, biết khơi trong gạn đục, để qua đó có thể diễn tả Tin Mừng của Chúa cho những người
thuộc nền văn hóa đó. Nói như thế để thấy rằng còn nhiều việc phải làm đối với việc hội nhập
văn hóa ở Tây Nguyên nói chung và ở Kontum nói riêng.
Lm Aloysius Nguyễn Hùng Vị
Tết Trung Thu 2014
1 DOURISBOURE, Dân Làng Hồ, NXB Đà Nẵng, 2014, trg 77.
2
Sđd trg 79.
3
Sđd trg 122.
4
“Luơt ‘De Chu Yao Phu” = Luật Các Chú Yao Phu.
5 X. Jacques DOURNES, Thiên Chúa yêu thương muôn dân, Nhà xuất bản tôn giáo, 2011; nguyên tác Dieu aime les
Paiens.
6 Do Đức Cha Martial JANNIN biên soạn cho người Bahnar.
7 X. Hlabar Tơgươt Nao, Hlabar Tơgươt Xo.
8 X. Hră Hiap Ơi Adei Bruă Jiang-Mah Brau.
9 Trước đây Cha Simon Phan Văn Bình và một số Yao Phu cũng đã có những cố gắng dịch Tin Mừng ra tiếng Xêđăng,
nhưng công việc còn dang dở và chữ viết cũng chưa thống nhất.
10 X. Hlá Mơ-éa Khôp, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2012.
11 X. Hlabar Khop, Imprimerie Saint-Paul, 2e édition, France, 1977, trg 94-101: từ khi chọn đất (rơih teh), chặt cây (kăl
long), đốt rẫy (xoh muih), gieo hạt (choi), cầu trời mưa (khop apinh dak mi), cầu trời tạnh (khop apinh kơ prăng), đến khi
làm kho lẫm mới (xum nao), gặt lúa (kech ba).
12 Sđd trg 104-106.
13 X. Jacques DOURNES, Thiên Chúa yêu thương muôn dân, Nhà xuất bản tôn giáo, 2011; nguyên tác Dieu aime les
Paiens, trg 135-137.
14 Sđd, trg 136.
15 Sđd, trg 124.
16 Sđd, trg 198.
17 Sđd, trg 76.
18 Sđd, trg 76.
19 Sđd, trg 203.
20 Sđd, trg 204.
21 “On peut traduire du latin en mots jrai, cela ne fera jamais du jrai.” X. Jacques DOURNES, Le Père m’a envoyé:
réflexions à partir d’une situation missionnaire, Paris, NXB Cerf, 1965, trg 124.10
22 “[…] l‟incarnation dans le contexte culturel d‟une ethnie bien concrète”. X. J.-M. de LACHAGA, Eglise particulière et
minorités ethniques, jalons pour l’évangélisation des peuples minoritaires, Paris: Le Centurion, 1978, trg 214-215.
23 Cũng phải công bằng mà nói rằng một vài người như Đức Cha Phêrô Thần Thanh Chung, Cha Giuse Nguyễn Thanh Liên
rất tha thiết với việc tìm những từ ngữ mới để thay thế cho các chữ gốc La-tinh, nhưng không phải không gặp khó khăn và
ngờ vực trong việc phổ biến.
24 Thiên Chúa yêu thương muôn dân, Nhà xuất bản tôn giáo, 2011, trg 180-181.
25 “Việc phê chuẩn các bản văn phụng vụ, hoặc chung cục, hoăc tạm thời, hay để thử nghiệm cần phải được thực hiện bằn
một sắc lệnh”. X. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH, Về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các
sách phụng vụ Rôma, Huấn thị thứ năm, Rôma, 2001, số 79.
26 Sđd, số 15.
27 Thánh Giáo Hoàng GIOAN-PHAOLÔ II, Thông điệp Đấng Cứu Độ, 1991, Bản rônêô, số 54.
28 X. Documentation Catholique, số 2093, 1/5/1994, trg 440 : “La recherche d‟inculturation ne vise pas la création de
nouvelles familles rituelles; en répondant aux besoins d‟une culture déterminée, elle aboutit à des adaptations, qui font
toujours partie du rite romain”.
29 “Dès les premìeres célébrations du rite zairois, le peuple, presque unanime, marqua une nette réticence vis-à-vis des
insignes portés par le célébrant (un couvre-chef à trois ou quatre cornes et une serpette) et par les servants (lances). On n‟y
a pas perçu le rôle du Bon Pasteur…” X. LONDI BOKA DI MPASI, “Inculturation de l‟Eucharistie au Zaire”, trong
eucharistia, Encyclopédie de l’ Eucharistie, Chủ nhiệm M. Brouard, s.s.s., Paris: Cerf, 2004, trg 359.
30 “A l‟heure actuelle, un souhait persiste principalement de la part des adultes: ménager un peu plus de temps de calme,
pour une prìère personnelle, afin de tempérer la dimension communautaire qui, de prépondérante, risque d‟être unilatérale”.
Sđd. trg 360.
31 P.PUTHANANGADY, “Inculturation de l‟Eucharitie en Inde”, trong trong eucharistia, Encyclopédie de l’ Eucharistie,
Chủ nhiệm M. Brouard, s.s.s., Paris: Cerf, 2004, trg 365: “Dans cette prière [eucharistique] on proclamait, en même temps
que les merveilles de l‟histoire du salut judéo-chrétienne, les interventions salvatrices de Dieu dans l‟histoire et la vie du
peuple de l‟Inde. Mais, malheureusement, cette prière n‟a pas reçu l‟approbation de l‟autorité romaine et, par conséquent,
elle n‟a jamais été officiellement utilisée dans aucune de nos célébrations eucharistiques”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét