Trang

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

NGƯỜI CÔNG GIÁO LẤY NGƯỜI NGOÀI CÔNG GIÁO LY DỊ

NGƯỜI CÔNG GIÁO LẤY NGƯỜI NGOÀI CÔNG GIÁO LY DỊ
 


Lấy người ngoài Công Giáo ly dị?
Em là người Công giáo chưa từng lập gia đình, bạn em là người ngọai đạo đã ly dị. Vui lòng cho em hỏi, em và anh ấy có thể kết hôn và cử hành hôn lễ ở nhà thờ theo đúng luật Công giáo không nếu anh ấy rửa tội theo đạo?
Cám ơn,
L. Anh

Đáp:
Cô là người Công Giáo lần đầu lập gia đình, và người bạn trai của cô là người ngoài Công Giáo đã ly dị. Câu hỏi của cô là có thể cử hành hôn phối trong thánh đường theo lễ nghi Công Giáo không, nếu anh ấy rửa tội theo đạo?!   

Rửa tội, theo đạo và làm đám cưới:

Vấn đề rửa tội để lấy chồng, lấy vợ thì cả cô và người ấy phải hiểu rằng, đây là hành động tự nguyện, ý thức và có trách nhiệm. Một hành động trưởng thành đến từ sự tìm hiểu sâu xa và yêu mến một tôn giáo. Trở lại đạo hay không trở lại đạo không ngăn cản việc hai người lấy nhau và cử hành hôn lễ theo lễ nghi Công Giáo.

Nhưng việc trở lại đạo để lấy vợ, lấy chồng vẫn là một đề tài từng gây nhiều tranh cãi, rắc rối và nhức nhối cho những ai cưỡng bức người khác phải theo đạo, hoặc những ai giả vờ theo đạo với mục đích kết hôn. Hậu qủa của những cuộc theo đạo gượng ép và gian dối thường là “bỏ đạo” và gây đau khổ cho người “có đạo”. Kinh nghiệm này của cha ông đã cho thấy: “Lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi, tôi lấy được vợ, tôi thôi nhà thờ”. Thôi “nhà thờ” đồng nghĩa với bỏ đạo, bỏ đức tin, bỏ thực hành niềm tin Công Giáo. 

Vì thế, nếu người bạn trai của cô chưa sẵn sàng, hoặc chưa cảm thấy bị thuyết phục bởi giáo lý Công Giáo, đừng vội bắt họ phải học đạo, rửa tội rồi mới làm đám cưới. Đây là một lối hành xử thiếu khôn ngoan, thiếu tế nhị, và cũng thiếu trưởng thành của nhiều cha mẹ Công Giáo, vì sợ mất mặt, vì muốn chứng tỏ con mình thế này, thế khác nên đã ép buộc hoặc ra điều kiện người kia phải theo đạo. Kết qủa là sau khi lấy vợ hoặc lấy chồng xong, đạo cũng bỏ và còn tỏ ra coi thường bí tích hôn nhân Công Giáo. Hơn thế nữa, nếu sau này chuyện tình duyên không lành, đứt gánh giữa đường, cả hai còn bị ràng buộc bởi bí tích hôn phối và phải qua những thủ tục hết sức khó khăn, phức tạp để xin tiêu hôn theo giáo luật.
Tóm lại, cô lập gia đình lần đầu, người kia lập gia đình với cô sau khi ly dị nhưng vì anh ta là người ngoài Công Giáo, nên nếu anh ấy thật lòng (tôi nhắc lại chữ thật lòng) muốn trở về với Công Giáo rửa tội và kết hôn theo Công Giáo thì việc cử hành thánh lễ hôn phối trong nhà thờ không có gì căn trở. Hoặc nếu chưa sẵn sàng, cô và người ấy cũng vẫn có thể cử hành hôn phối theo lễ nghi Công Giáo là đạo ai nấy giữ, dĩ nhiên phải tuân theo một số điều kiện của Giáo Hội Công Giáo.
 
Cử hành hôn phối theo nghi thức Công Giáo:

Trường hợp người ấy chưa sẵn sàng trở lại Công Giáo, thì cả hai bắt buộc phải ký một bản xác nhận nuôi dậy con cái theo Công Giáo. Nhưng trong Matrimonia Mixta, năm 1970 Đức Thánh Cha Phaolô VI đã thay đổi điều này. Hiện nay, người ngoài Công Giáo không phải ký hoặc hứa gì liên quan đến tôn giáo. Ngược lại, người Công Giáo phải ký hai văn bản:

 1.     1.Xác tín đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, và quyết tâm sống theo đức tin Công Giáo, và
2.      2.Hứa bằng với tất cả quyền hạn của mình chia sẻ đức tin với con cái bằng cách rửa tội và giáo dục con cái như người Công Giáo. (Catholic Q&A. John J. Dietzen)
Trong khi chuẩn bị hôn phối, vị linh mục phải giúp cho người không Công Giáo hiểu và xác nhận mình đã được học hỏi, và ý thức về những đòi hỏi của người Công Giáo, đồng thời tôn trọng đức tin Công Giáo của người phối ngẫu.

Đòi hỏi này trước tiên nhắc nhở cho người Công Giáo và đặt nặng trách nhiệm loan truyền đức tin của mình cho người bạn đường mình. Đồng thời cũng cho người không phải Công Giáo kia biết rằng đạo Công Giáo, đức tin Công Giáo là như thế nào, và nếu sẵn sàng, họ cũng được đón nhận vào Hội Thánh, và trở thành những Kitô hữu.

Riêng đối với con cái, người cha hay mẹ Công Giáo phải ý thức rằng Đức Tin là món quà vô cùng quí giá mà mình có thể trao cho con cái, nên nhiệm vụ của họ là phải trao món quà đức tin này cho con cái. Người không phải là Công Giáo thì giúp đỡ và cộng tác, còn người Công Giáo thì phải ý thức và có trách nhiệm trao ban món quà ấy.

Khi bước vào hôn nhân khác tôn giáo, cả hai đều phải ý thức rằng những khác biệt về niềm tin, về tôn giáo và những hình thức thực hành tôn giáo thông thường sẽ gây ra nhiều ngộ nhận, và tạo nhiều bất đồng trong đời sống tâm linh, và ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân. Vì thế thông thường đòi hỏi cả hai phải qua những lớp tiền hôn nhân để học hỏi cách thức sống hòa hợp và chấp nhận niềm tin khác đạo. Dĩ nhiên, không được bỏ Lớp Dự Bị Hôn Nhân là một đòi hỏi của Giáo Hội cho bất ai muốn kết hôn theo lễ nghi Công Giáo. Để hiểu biết thêm, tôi khuyên cô và người ấy đến tìm gặp một vị linh mục và xin ngài hướng dẫn thêm về giáo luật, về giáo lý hôn nhân Công Giáo, và về những ràng buộc của bí tích hôn nhân Công Giáo.

Trần Mỹ Duyệt
Mời vào thăm trang nhà www.giadinhnazareth.org mục Hỏi-Đáp để tham khảo thêm.
 

1 nhận xét:

  1. Cám ơn anh Hùng, theo mình được biết bên công giáo lấy người ngoài công giáo, nhưng đã li dị vợ pháp luật đã cho phép...thì hôn nhân này không được làm phép chuẩn đúng không anh?

    Trả lờiXóa