Thập tự giá dưới góc nhìn thần học
Trong sách Phúc Âm, Chúa Giê-su từng phán, “Ai muốn theo ta thì phải từ bỏ mình và vác thập giá hàng ngày” . Vậy thập tự giá có nghĩa là gì? Có nhiều quan điểm về thập tự giá, mỗi tình trạng linh hồn sẽ có cách hiểu khác nhau chẳng hạn như người giáo dân khác, người sống dấn thân loan tin mừng hay bậc tu sĩ cũng khác. Ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ thập tự giá dưới nhãn quan thần học.
Dưới góc nhìn thần học thì thập tự giá là hình thức từ bỏ bản thân dần dần, ở đó ý riêng của chúng ta dần bị thay thế và loại bỏ và thánh ý Chúa dần trở nên ý muốn của chúng ta. Thật vậy chúng ta hãy hình dung bối cảnh Chúa Giê-su từ dinh tổng trấn Phi-la-tô vác thánh giá lên đồi Calvario – Trong chặng đường thánh giá này Chúa Giê-su vác thánh giá từ từ tiến lên núi sọ và cao điểm là cái chết của người trên thập tự giá. Cái chết của Người là hình ảnh ý riêng của chúng ta chết để thánh ý Chúa thể hiện trong đời sống chúng ta.
Thập tự giá theo khía cạnh nào đó chẳng hạn với người bình dân quan niệm gắn liền với sự đau khổ mang chiều kích vật lý… Với nhãn quan thần học thập tự giá mang chiều kích tinh thần nội tại, ở đó con người tìm kiếm thánh ý Chúa và vui mừng khi sống theo ý muốn Chúa thể hiện nơi bản thân.
Lời nguyện: Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Chiên Thiên Chúa và là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người! Nơi Chúa là hội tụ của mọi gương mẫu trong thực hành đời sống đức tin của chúng con. Lạy Chúa Giê-su! Chúa đã bằng lòng vâng lời Chúa Cha gánh lấy thánh giá nặng mang tầm vóc của toàn thể nhân loại và bằng lòng chịu chết trên thánh giá để cứu độ nhân loại chúng con là những kẻ tội lỗi. Xin cho chúng con biết đón nhận thập tự giá riêng Chúa trao ứng với tình trạng linh hồn của chúng con. Và xin cho chúng con biết nhìn lên thập tự giá của chúng con như là một sự hoan hỉ sẻ chia và đồng công với Chúa trong đau khổ để rồi cuối cùng chúng con được vinh hiển với Chúa với triều thiên cứu rỗi. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con biết chu toàn bổn phận là vác thập giá hàng ngày và cho đến hết cuộc đời là một chặng đường dài đến “đồi Calvario” của mỗi chúng con như một sự trung tín vâng phục thánh ý Chúa trọn đời chúng con. Amen.
(Vũ Thắng)
http://www.thanhlinh.net/node/83574
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét