Trang

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Dụ ngôn các ngôi sao hay làm thế nào nhận biết dấu chỉ của Chúa?


Sao băng ở kính viễn vọng Lamost, Trung Quốc ngày 14 tháng 12-2018
Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon
Một số trường hợp trùng hợp thật khó hiểu. Khi các người hoài nghi cho đó chỉ là một chuỗi các sự việc kế tiếp nhau thì người có lòng tin thấy đây là việc Chúa quan phòng, là dấu ấn của Chúa. Tình cờ có phải là phương tiện Chúa dùng để hành động trong bí mật không?
Đây không phải là chuyện thấy dấu chỉ của Chúa mọi nơi, nhưng theo tôi, nếu mình càng trông cậy vào Chúa thì mình càng để cho Chúa hành động. Như Thánh Tông đồ Giacôbê đã nói: “Hãy đến gần Chúa, Ngài sẽ đến gần anh em” (Gc 4, 8).
Trong đời tôi, có nhiều lần tôi xác tín Chúa đã hành động trong trường hợp nọ, trường hợp kia. Đặc biệt tôi có nhiều dấu chỉ lạ lùng trong việc tôi gặp cha tôi, người cha tôi không biết và tôi chỉ gặp lần đầu khi tôi 19 tuổi.
Tôi đã giải thích nhiều chi tiết hơn trong quyển sách trước, trong nhiều năm, tôi nghĩ tôi có cùng một cha với hai em gái của tôi. Chỉ đến năm 13 tuổi, tôi mới biết sự thật câu chuyện đời tôi.
Cha tôi người Đức. Rất trẻ, ông vào Binh đoàn đi tác chiến nước ngoài. Sau khi ra khỏi quân đội, ông thường hay về trại Marseille ở Pháp để thăm các bạn cũ trong quân đội. Một trong các lần về miền Nam nước Pháp, ông gặp mẹ tôi ở nông trại Camargue. Mẹ tôi đã ly dị, sống một mình với hai anh lớn của tôi. Mẹ tôi 22 tuổi, Gunter 32 tuổi. Cao to, tóc vàng, người ngăm ngăm, có vẻ ông không khó khăn khi làm quen với mẹ tôi. Trong vòng ba tháng, hai người quyết định đi Đức, mẹ tôi muốn lật qua một trang khác, làm lại cuộc đời với người đàn ông phiêu lưu này. Nhưng về Đức, Gunter đối diện với tệ nạn cũ: nghiện rượu. Tình huống trở nên khó khăn và hai người quyết định chia tay nhau. Khi về lại Pháp, vài tuần sau mẹ tôi biết mình có thai. Bà báo cho Gunter biết, nhưng ông không làm gì đặc biệt, ông không đủ sức để đảm đương.
Năm tôi 13 tuổi, mẹ tôi mới nói cho tôi biết nguồn gốc của tôi, một năm sau, tôi gặp Chúa Kitô, người đã làm cho cuộc đời tôi thay đổi. Tháng 6 năm 1980, tôi đi hành hương lần đầu tiên ở Lộ Đức. Một buổi chiều tôi quỳ gối ở hang đá trước một núi ngọn nến, tôi dâng đời tôi cho Chúa. Trong tâm tư, tôi trình lên cho Chúa tờ giấy trắng, tôi ký ở dưới. Tôi nói với Ngài:
– Chúa Giêsu, đây là đời con, xin Chúa lấp đầy như Chúa muốn.
Lúc đó tôi không nghĩ mình sẽ là linh mục, Ơn gọi này đến sau. Nhưng quan trọng là tôi phải nói với Chúa:
– Chúa đã cho con tất cả, bây giờ đến lượt con, con phải cho Chúa lại tất cả. Đây là đời con, con giao cho Chúa, con hoàn toàn tin tưởng ở Chúa!
Năm tháng trôi qua, lúc đó là ngày 25 tháng 5 năm 1985, tôi 19 tuổi, tôi học lớp cuối trung học ở Dinan, gần Saint-Malo, vùng Bretagne. Tôi nhận một cú điện thoại, giọng nói lạ:
– Allô, tôi muốn nói chuyện với René-Luc…
– Tôi đây.
– Cha là cha của con, cha có thể nói chuyện với con được không?
Tôi không tin vào tai mình, thật là khó tin. Nhưng đúng là ông, Gunter, cha tôi! Ngày hôm sau, tôi gặp ông lần đầu tiên và ông kể làm sao ông đã tìm ra tôi.
 Vài năm trước đó, năm 1980, ông yêu bà Siegrid. Khi đó ông sống ở thủ đô Berlin. Người phụ nữ này đã giúp ông ra khỏi tình trạng nghiệu rượu. Bỗng chốc ông tìm lại được nhân phẩm và ông quyết định đảm nhận vai trò phụ tử, ông đi tìm tôi. Ông đi xe đến vùng nông trại Camargue. Từ lâu mẹ tôi ra đi không để lại địa chỉ. Ông biết, phải có phép lạ mới tìm được tôi. Khi đó ông nhớ lúc còn ở Binh đoàn, người ta thường hay nói với ông về Lộ Đức. Ông quyết định đến đó thắp ngọn nến xin tìm được tôi. Rồi ông trở về Berlin.
Nhiều năm sau, tháng 5 năm 1985, ông cố gắng thêm một lần nữa. Ông đến nông trại nhưng không có tin tức. Khi đó ông đến Nîmes, vì ông biết tôi sinh ra ở đó. Gunter thấy có một ngôi nhà thờ mở cửa, ông đi vào và sốt sắng cầu nguyện:
– Lạy Chúa, xin Chúa giúp còn tìm ra con trai của con.
Lúc đó tôi sống ở Bretagne, cách Nîmes tám trăm cây số! Ông ra khỏi nhà thờ và đi bộ trên các đường phố. Bỗng ông ngừng trước một cánh cửa. Ông biết nhà này vì đây là nhà ông ngoại tôi. Hai mươi năm trước đó, ông có đến thăm hai, ba lần trong thời gian ba tháng ông ở với mẹ tôi. Ông bấm chuông. Người ở đó cho ông số điện thoại của chú tôi, và từ đó ông lần ra dấu vết của tôi.
Khi cha tôi kể đến đó, tôi tò mò hỏi ngay:
– Lần đầu tiên cha đến Lộ Đức là khi nào?
– Tháng 6 năm 1980.
– Thật không thể tưởng tượng được!
– Vì sao?
– Vì cũng tháng 6 năm 1980, con đến Lộ Đức lần đầu tiên!
Tôi không tin được. Sự trùng hợp thật kỳ lạ. Cùng nơi, cùng năm, cùng tháng. Lần hành hương đó tôi đã khoán trắng đời tôi cho Chúa. Bây giờ đã có webcam cài đặt ở hang đá và chúng ta có thể thấy trên Internet khách hành hương đến cầu nguyện 24/24. Nếu thời đó đã cài đặt camera thì tôi sẽ xin đền thánh cho tôi xem hình ảnh tháng 6 năm 1980. Có thể tôi sẽ thấy một trẻ vị thành niên đang khoán trắng đời mình cho Chúa, bên cạnh là người đàn ông đang xin Chúa cho ông tìm được con trai mình. Khi lên trời, tôi sẽ biết chúng tôi có ở hang đá cùng một lúc không, nhưng bây giờ tôi cũng đã xúc động khi biết chúng tôi đã ở đó cùng thời gian.
Vài năm sau, sự trùng hợp quan phòng này lại còn xảy ra một cách lạ lùng thêm một lần nữa. Ngày 8 tháng 9 năm 2009, ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ. Giám mục của tôi cử tôi về một giáo xứ mới. Cha của tôi ở Berlin qua xem tôi về xứ mới như thế nào. Tôi không có thì giờ cho ông vì tôi phải đến nhà thờ Đức Mẹ ở Buglose, giáo phận Aire và phải đến Dax ngày 10 tháng 9, tôi có buổi diễn thuyết ở đó. Lộ Đức nằm trên đường đi và tôi đề nghị cha cùng đi theo tôi để cám ơn Đức Mẹ đã cho hai cha con gặp nhau hai mươi chín năm trước. Kể từ tháng 6 năm 1980, chúng tôi chưa bao giờ đi chung với nhau đến Lộ Đức.
Chúng tôi đến đó vào buổi chiều và trọ ở nhà các nữ tu Dòng Đức Mẹ Lên Trời, họ có hai phòng trống có cửa sổ nhìn ra hang đá. Chúng tôi xuống hang đá đi rước đuốc từ 9 giờ tối đến 10 giờ tối. Tôi sẽ dâng thánh lễ ở đó lúc 23 giờ. Trong lúc chờ đợi tôi đề nghị hai cha con cùng lần chuỗi. Chúng tôi cùng cầu nguyện chung với nhau ở hang đá, hang đá sáng rực với đèn cầy. Nhưng chỉ chừng mười phút, cha tôi cảm thấy mệt. Đông đảo người và chuyến đi dài với người 76 tuổi thì cũng quá sức của ông.
– Con của cha, cha muốn ở lại dự thánh lễ con làm nhưng cha không đủ sức. Cha về phòng nghỉ trước.
– Không sao cha, sáng mai mình trở lại hang đá trước khi lên đường. Con chúc cha ngủ ngon.
Gunter về phòng, tôi ở lại để dâng thánh lễ.
Sáng hôm sau khi ăn, cha tôi lấy làm tiếc đã không dự thánh lễ tôi làm.
– Cha rất muốn cùng với con cám ơn Đức Mẹ trong thánh lễ con dâng!
Tôi cố gắng an ủi cha nhưng vô ích, tôi nói không sao, Đức Mẹ hiểu tất cả cố gắng của mình. Nhưng tôi thấy cha tôi rất buồn. Sau đó chúng tôi đi đến Dax. Trước khi đi tôi phải dâng thánh lễ. Tuy không có trong chương trình chính thức ở hang đá, nhưng lúc 10 giờ sáng có thánh lễ ở đền thánh Mân Côi. Khi đi đến đó, chúng tôi đi ngang qua hang đá, tôi thấy người phụ trách hang đá đang chuẩn bị bàn thờ. Tôi nói với cha tôi:
– Có một thánh lễ đang chuẩn bị ở hang đá. Với ngôn ngữ nào cũng không sao, cha con mình sẽ dự thánh lễ này để cha khỏi buồn vì hụt thánh lễ tối hôm qua.
Tôi vào phòng thánh, linh mục đã sẵn sàng. Tôi xin phép được đồng tế và hỏi cha:
– Xin cha cho con biết, cha dâng thánh lễ này trong ngôn ngữ nào?
Nếu cha trả lời “tiếng Đức” thì đã là thiện cảm. Nhưng còn hơn thế nữa, cha e dè trả lời:
– Cũng hơi đặc biệt. Tôi là linh mục người Luxembourg, nhưng tôi sẽ dâng thánh lễ với hai sách lễ và với hai ngôn ngữ: Pháp và Đức. Như vậy có cản trở gì cho cha không?
Thật không tưởng tượng được, thêm một lần nữa, tôi choáng váng vì sự tế nhị của Đức Mẹ. Cảm động, tôi nói với linh mục tôi xúc động biết chừng nào vì tôi là người Pháp, cha tôi người Đức và đây là lần đầu tiên chúng tôi đi hành hương ở đây. Dĩ nhiên tôi không có thì giờ để kể cho cha nghe câu chuyện của tôi. Người phụ trách phòng thánh nghe câu chuyện, ông hỏi tôi:
– Cha của cha ở đâu?
 Tôi chỉ cha tôi đang ở giữa khách hành hương. Ngay lập tức, ông đi tìm cha tôi và đưa cha tôi lên hang đá ở bên cạnh những người đọc sách thánh. Cha tôi rất cảm động, ông ở dưới chân Đức Mẹ và sốt sắng dự thánh lễ con mình dâng, thánh lễ với hai ngôn ngữ Pháp-Đức.
Thánh lễ với hai ngôn ngữ do Chúa sắp đặt trong ngày chúng tôi gặp nhau là dấu chỉ của Chúa. Như thử đây là lời xác nhận của Đức Mẹ, cũng nơi này, Mẹ đã nghe tôi khoán trắng đời tôi cho Chúa, Mẹ đã nghe lời cầu nguyện tìm đứa con trai của mình của cha tôi, cùng nơi, cùng ngày.
Tôi muốn chia sẻ với quý độc giả thêm một dấu chỉ lạ lùng về cha tôi.  Vài tháng sau khi chúng tôi gặp nhau, tháng 2 năm 1986, lần đầu tiên tôi đến thăm cha tôi ở Berlin. Ông 52 tuổi, tôi 20 tuổi. Tôi tặng ông món quà đầu tiên, ảnh tượng bằng bạc Thánh Nhan: gương mặt Chúa Kitô in từ khăn thánh Turin. Rất hãnh diện ông đeo ở cổ, bằng chứng ông gắn kết với Chúa Kitô và với con mình.
Năm 2008, 22 năm sau, như thông lệ hàng năm ông về quê ngoại Stettin, ở  Poméranie, thành phố của tuổi thơ, của bà nội tôi. Stettin cách Berlin 150 cây số về hướng đông-bắc. Phần đất này thuộc nước Đức cũ, sau Thế Chiến Thứ Hai bị sát nhập vào Ba Lan để bù cho phần đất Ba Lan bị sát nhập vào nước Nga. Cha tôi sinh ra ở đó, suốt tuổi thơ của ông ở đó trước khi bị cưỡng bức trốn về Hambourg, khi cuối chiến tranh người Nga đuổi gia đình đi. Khi đó cha tôi 13 tuổi.
Ít nhất mỗi năm một lần cha tôi về Poméranie để “tìm về nguồn”. Năm đó cha tôi quyết định đi vào ngày 13 tháng 6 để kỷ niệm ngày sinh nhật của mình. Cha tôi ở khách sạn và ăn ở tiệm ăn. Cha tôi giữ phòng khách sạn. Như thói quen của cựu quân nhân đánh thuê, bữa ăn của ông vui nhộn. Không biết ông có bị phát hiện qua bữa ăn vui nhộn này không? Vào đêm khuya, ông ra tìm xe. Con hẻm tối. Ông bị một cú đấm như trời giáng vào gáy, ông ngất xỉu. Vài giờ sau tỉnh dậy, đầu ông đầy máu. Họ giựt dây chuyền và ăn cắp ví của ông. Ảnh tượng con mình cho. Ông quá buồn vì ông rất quý ảnh tượng này.
Sau khi ra đồn cảnh sát khai báo, ông buồn bã về lại Berlin. Ông đậu xe trước chung cư, bước vào cầu thang và như thường lệ, ông mở hộp thư lấy thư. Ông thấy một gói nhỏ của con trai mình gởi.
– Ồ, René-Luc nghĩ đến sinh nhật mình!
Phải nói là tôi không phải týp người gởi quà sinh nhật qua bưu điện. Tôi biết cha tôi thích các ngày sinh nhật. Chúng tôi có truyền thống và cố giữ hết sức có thể, tôi qua Berlin tháng 6 dịp sinh nhật cha tôi và cha tôi qua Pháp tháng 4 dịp sinh nhật tôi. Nếu không được thì tôi gọi điện thoại. Nhưng năm đó tôi gởi quà sinh nhật qua bưu điện.
Còn ở dưới cầu thang, ông mở gói quà ra ngay và ông lấy ra tượng Nhan Thánh giống như tượng ông bị giựt, nhưng tượng này bằng vàng!
Tôi “tình cờ” thấy tượng này, tôi nghĩ tượng của ông đã cũ lại bằng bạc, vậy mình cho cha cái mới.
Trùng hợp? Nhưng không phải với cha tôi, ông mừng đến khóc vì vui và hạnh phúc!
Một “nháy mắt khác của Chúa” về cái chết của cha tôi. Cha tôi chết ở Berlin ngày 1 tháng 8 năm 2018 vì tim ngừng đập khi tôi đang viết xong quyển sách này. Tôi đến bên đầu giường cha tôi ngay. Và tôi ngạc nhiên khám phá thời gian chờ làm tang lễ ở Đức rất lâu. Trong khi ở Pháp thì chúng tôi chôn chỉ một đến bốn ngày sau khi người thân qua đời, ở Đức, đôi khi phải chờ nhiều tuần vì các thủ tục giấy tờ. Chúng tôi phải kiên nhẫn chờ giấy chứng tử, sau đó quyết định với nhà quàn ngày chôn cất. Tang lễ của cha tôi được ấn định vào ngày 14 tháng 8.  Trong khi chờ đợi, tôi không cảm thấy cần về nhà. Nhưng tôi cũng về Pháp, ở nơi yên lặng để cầu nguyện trong khi chờ  tang lễ. Tôi đến tu viện Sénanque, nơi tôi thường hay đến cầu nguyện. 
Trong thời gian tĩnh tâm và tang chế này có một buổi lễ diễn ra ở tu viện khá đặc biệt. Ngày thứ ba 7 tháng 8, các quân nhân của binh đoàn Castelnau đến làm lễ tuyên thệ của bốn mươi hai quân nhân qua lễ trao mũ kê-pi trắng. Đây là lần đầu tiên có buổi lễ như thế này ở tu viện, trước đây chưa bao gìờ có và sau này cũng có thể chẳng bao giờ có. Rất nhiều sĩ quan cao cấp có mặt. Trong số này có một đại tướng và một trung tá, cũng ít nhiều bằng tuổi cha tôi và họ cũng đã từng chiến đấu ở Algeria. Tôi cho họ xem các huy chương của cha tôi mà tôi mang về từ Berlin về. Họ thật sự ngưỡng mộ quá trình của cha tôi: bảy năm trong Binh đoàn lính đánh thuê, bảy năm ở mặt trận! Họ cho tôi biết họ sẽ cầu nguyện đặc biệt cho cha tôi. Ký ức của cha tôi đã thật sự có mặt nơi này, trong tâm tư của tất cả những người tham dự buổi lễ, như một vinh danh cuối cùng của Binh đoàn cho cha tôi. Một dấu chỉ khác của Chúa Quan Phòng trong câu chuyện đặc biệt của cha tôi.
Dụ ngôn các ngôi sao
Các biểu hiện hành động của Chúa trong đời sống chắc chắn là để khuyến khích chúng ta trong đời sống đức tin. Tôi muốn khuyến khích các bạn tìm lại các dấu chỉ này và đặt nó vào đúng chỗ của nó. Để làm việc này, tôi xin đề nghị với các bạn dụ ngôn: dụ ngôn các ngôi sao hay làm thế nào biết dấu chỉ của Chúa?
Trong nhiều năm qua, tôi có dịp đưa khoảng hơn bốn mươi bạn trẻ đi sa mạc núi Si-nai để mừng Ngày đầu năm. Một chuyến đi trong sa mạc, cùng đi có các bạn người Ả rập du cư (bédouin) và các con lạc đà của họ. Không dựng lều, chúng tôi ngủ ở khách sạn đẹp nhất trong tất cả các khách sạn trên thế giới, khách sạn ngàn sao!
Ngay buổi tối đầu tiên, tôi mời các bạn trẻ thinh lặng nằm dài xuống đất, mắt hướng về bầu trời đầy sao. Chỉ không đầy hai phút thì có tiếng nói cắt bầu khí thinh lặng:
– Ồ, các bạn có thấy gì không? Một ngôi sao băng!
Và tiếp đó là một bạn khác kêu lên:
– Ồ, có một ngôi sao băng khác nữa! Dần dần mọi người im lặng, vì có quá nhiều sao băng nên họ thinh lặng chiêm ngắm chứ không còn ngạc nhiên nữa. Và các ngôi sao tiếp tục băng!
Tôi xin so sánh các ngôi sao băng này với dấu chỉ của Chúa.
Làm sao nhận biết hành động của Chúa trong đời sống chúng ta?
Tách về một nơi riêng
Đầu tiên hết chúng ta tự hỏi vì sao trong sa mạc mình mới thấy sao băng? Không có sao băng trên bầu trời Paris sao? Có, đương nhiên có, nhưng ánh đèn điện đã ngăn không cho chúng ta thấy ngôi sao. Để thấy ngôi sao thì phải về những nơi thích hợp. Như vậy muốn thấy dấu chỉ của Chúa trong đời sống chúng ta thì phải về một nơi riêng, tạm dừng các sinh hoạt của mình, xa cái ồn ào của môi trường chung quanh, rút về nơi thanh vắng: đi hành hương, đi tĩnh tâm ở một tu viện…
Muốn thấy
Nhưng tách ra một nơi thì chưa đủ! Chúng ta có thể vào sa mạc rồi ở trong lều và không thấy gì. Tôi không chắc các du khách đi săn bằng xe 4×4 ở Phi châu, tối về ngủ khách sạn, họ đã có dịp nhìn lên bầu trời đầy sao.
Để nhận định biết có sự can thiệp của Chúa trong đời sống, thì không những chúng ta phải lui về nơi thinh lặng mà còn phải “muốn thấy”! Phải cố gắng đưa mắt hướng về Ngài, và dò tìm bầu trời.
Như thế chúng ta có thể rút ra một kết luận đầu tiên: không phải vì chúng ta không thấy dấu chỉ của Chúa mà những dấu chỉ này không có! Kết luận thứ nhì, để có thể thấy các dấu chỉ thì phải thay đổi thói quen và dùng phương tiện để đưa mắt nhìn Trời. Chúng ta có thể nói thêm, khám phá hành động của Chúa trong đời sống cho chúng ta một niềm vui rất lớn, lớn hơn cả niềm vui nhìn sao băng.
Đi từ tìm kiếm các dấu chỉ qua áp dụng các phương tiện thiêng liêng
Sau khi ngắm sao băng ở sa mạc Si-nai, tôi xin các bạn trẻ nhìn kỹ bầu trờ để tìm các ngôi sao cố định: sao Bắc Cực, sao Orion, sao Bắc Đẩu… các ngôi sao cố định cho điểm chuẩn, cho định hướng. Từ bao nhiêu thế kỷ nay, các ngôi sao là la bàn duy nhất các thủy thủ dùng để vượt đại dương.
Chúng ta đã so sánh các sao băng với dấu chỉ của Chúa, bây giờ chúng ta so sánh các ngôi sao cố định với các phương tiện Chúa thường dùng để cho chúng ta sống trong sự hiện diện của Ngài: cầu nguyện mỗi ngày, đọc Thánh Kinh, đi xem lễ, thường xuyên đi xưng tội, ở trong nhóm sống đạo, quan tâm đến người nghèo, người yếu đuối và sống trong “tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết” như thơ Thánh Phaolô gởi tín hữu Thêxalônica (1 Th 3,12). Người chăm chỉ sống theo tất cả phương tiện Giáo hội ấn định chắc chắn sẽ tiến bước trên con đường đức tin, dù họ không có các dấu chỉ gì là phi thường.
Khi bắt đầu hành trình đức tin của Chúa, Chúa thường cho chúng ta các dachỉ nhỏ tuyệt vời như dấu chỉ của các ngôi sao băng, phấn khich chúng ta biết Chúa và yêu Chúa. Nhưng dần dần Ngài để chúng ta tiến bước qua các phương tiện bình thường hơn như ngôi sao cố định. Khi lớn lên trên hành trình đức tin, chúng ta ít cần dấu chỉ phi thường vì chúng ta biết Chúa luôn hiện diện thường xuyên.
Chúng ta hãy để mình ngạc nhiên trước các dấu chỉ của Chúa và quyết tâm trung thành đi theo Ngài. cuộc đời chúng ta sẽ thành chòm sao.
Marta An Nguyễn dịch
http://phanxico.vn/?p=39350

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét