Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

Ngày thứ hai trong chuyến thăm Panama của Đức Phanxicô: 11 thiếu niên phạm pháp đã được trả tự do sau khi gặp ngài

Ngày thứ hai trong chuyến thăm Panama của Đức Phanxicô: 11 thiếu niên phạm pháp đã được trả tự do sau khi gặp ngài
Vũ Văn An
 
Sau đây là bản tin tóm tắt ngày 25 tháng 1 của A.P. về chuyến thăm Panama của Đức Phanxicô, theo giờ địa phương: 

2:00 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang đem Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới các thiếu niên phạm pháp của Panama. Họ là những người không thể tham dự lễ hội đức tin lớn nhất của tuổi trẻ Công Giáo. 

Vào hôm thứ Sáu, Đức Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ thống hối đặc biệt bên trong trung tâm giam giữ Las Garzas de Pacora, vốn là nơi giam giữ thiếu niên chính của Panama. Ngài cũng sẽ nghe các tù nhân trẻ xưng tội bên trong các tòa giải tội do chính các tù nhân chế tạo. 

Đó là một phần trong niềm tin của Đức Phanxicô. Ngài cho rằng các tù nhân phải được hưởng cùng một phẩm giá như mọi người khác, và cả hy vọng nữa. 

Đức Phanxicô đã bắt đầu ngày đầy đủ đầu tiên ở Panama của ngài với sứ điệp hy vọng ấy hôm thứ Năm, chính thức chào đón hàng chục ngàn khách hành hương tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới trong một cuộc tụ tập ca hát lúc chạng vạng tại một công viên ở bờ biển. 

Ngài thúc giục họ trở thành những người bắc cầu gặp gỡ, chứ không phải “xây những bức tường gieo rắc sợ hãi và nhằm chia rẽ và giam hãm người ta”, rõ ràng có ý nói đến bức tường biên giới Mỹ-Mễ tây cơ do Mỹ khởi xướng. 

10:50 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang tố cáo việc xã hội đang đẩy qua bên lề và dán nhãn hiệu tội nhân và tội phạm cho các thanh thiếu niên, trong khi thay vào đó, đáng lẽ nó nên tạo cơ hội để họ thay đổi. 

Đức Phanxicô đưa ra các nhận định trên trong một phụng vụ thống hối hết sức xúc động tại trung tâm giam giữ thanh thiếu niên chính của Panama, nơi hơn 150 thanh thiếu niên đang bị giam vì tội sát nhân, trộm cướp và các tội ác khác.

Đức Phanxicộ đã đem Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới trung tâm giam giữ Las Garzas de Pacora để các tù nhân ở đây, dù đàng sau dây kẽm gai, cũng có thể tham dự lễ hội đức tin lớn lao của Giáo Hội Công Giáo. 

Trong bài giảng của ngài, Đức Phanxicô nhắc nhở rằng xã hội có khuynh hướng dán nhãn hiệu cả người tốt lẫn người xấu, cả người chính trực lẫn tội nhân. Lời ngài:

"Thái độ này làm hư mọi chuyện, vì nó dựng lên một bức tường vô hình khiến người ta nghĩ rằng, nếu chúng ta đẩy qua bên lề, phân rẽ và cô lập người khác, mọi vấn đề của chúng ta sẽ được giải quyết một cách ma thuật. Khi một xã hội hay một cộng đồng cho phép điều này, và không làm gì hơn là khiếu nại hay ‘cắn lại’ (backbite), họ sẽ bước vào vòng lẩn quẩn chia rẽ, đổ lỗi và lên án”.

Đức Phanxicô có thói quen viếng thăm các nhà tù khi tông du ngoại quốc, và từ lâu vốn biến thừa tác vụ nhà tù thành một phần trong ơn gọi linh mục của ngài để giảng dạy những người ở bên lề hơn cả trong xã hội. Mới năm ngoái, ngài đã thay đổi giáo lý của Giáo Hội về án tử hình, nói rằng nó không thể nào được chấp nhận trong mọi trường hợp.

11:15 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang lắng nghe câu chuyện của một tù nhân trẻ trong một buổi găp gở để cầu nguyện và xưng tội tại trung tâm giam giữ tuổi trẻ chính của Panama. 

Luis Oscar Martinez là một thanh niên 21 tuổi, ngồi tù từ năm 2016. Anh nói rằng anh thiếu bàn tay hướng dẫn của một người cha khi lớn lên. Anh nói với Đức Giáo Hoàng rằng anh mất hướng và “gây ra cơn đau sâu đậm cho người thân và cho chính con”.

Martinez nghĩ đời anh đã hết khi bị bắt, nhưng sau đó, anh hiểu ra rằng “Thiên Chúa cha con ở bên con”.

Hôm thứ Sáu, Martinez nói rằng anh hoàn tất trung học tại nhà tù. Giờ đây, anh hy vọng sẽ làm vui lòng má anh bằng cách trở thành một đầu bếp quốc tế và chuyên viên điện lạnh, một giấc mơ khiến Đức Phanxicô mỉm cười. 

Đức Giáo Hoàng trả lời: “Cha thích lời xưng tội của con. Chúng ta có một người cha luôn yêu thương chúng ta”.

Hơn một trăm bạn trẻ bị giam tại trung tâm và được đưa từ các trung tâm khác đã tham dự cuộc gặp gỡ tại một nhà nguyện nhỏ. 

3:00 giờ chiều

Mười một phạm nhân trẻ đã được trả tự do ở Panama sau cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại trung tâm giam giữ tuổi trẻ chính ở đây.

Viên chức chính phủ Emma Alba cho biết một trong số đó là Luis Oscar Martinez, 21 tuổi, người nói với Đức Giáo Hoàng trước đó rằng anh đã thay đổi cuộc sống kể từ khi bị bắt năm 2016. 

Martinez nói với đài truyền hình địa phương rằng anh mong được đoàn tụ với gia đình, “anh chị em trong giáo hội” và “những người tôi biết yêu tôi đằm thắm”.

Tại trung tâm giam giữ, Đức Phanxicô khuyên bảo hơn 100 tù nhân tụ tập tại trung tâm đừng để mất hy vọng và ngài lên án việc đẩy qua bên lề và dán nhãn hiệu các em. 

Alba không cho biết tên mọi người được thả, cũng không nói họ phạm tội ác gì.
 
Lời nguyện của Đức Thánh Cha trong buổi đi đàng thánh giá tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama
J.B. Đặng Minh An dịch
22:20 25/01/2019


Xem hình

Sáng thứ Sáu 25 tháng Giêng, lúc 10 giờ 30, Đức Thánh Cha đã chủ sự phụng vụ thống hối với các bạn trẻ tù nhân tại Trung Tâm cải huấn trẻ vị thành niên Las Garzas de Pacora.

Sau cuộc gặp gỡ tại đây, lúc 11 giờ 50 Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng về tòa Sứ Thần cách đó 46 cây số.

Hoạt động tiếp theo và cũng là hoạt động nổi bật nhất trong ngày là buổi đi đàng thánh giá diễn ra tại Juan Pablo II.

Năm 1997, tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Paris, người Pháp đã ghi thêm buổi đi đàng thánh giá vào chương trình Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Đây là những đóng góp quan trọng. Nhiều bạn trẻ tìm được ơn hoán cải khi theo chân Chúa Giêsu qua các chặng đàng thánh giá. 

Từ đó, chặng đàng thánh giá thường kéo dài đến 3 tiếng đồng hồ là một trong những biến cố chính tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Trong lời nguyện sau các chặng đàng thánh giá với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói:


Lạy Chúa, là Cha của lòng thương xót, ở Vành đai duyên hải này, cùng với rất nhiều người trẻ từ khắp nơi trên thế giới, chúng con đã đồng hành cùng Con Cha trên Con đường Thánh giá của Ngài: đó là con đường mà Ngài muốn đi để cho chúng con thấy Chúa yêu thương chúng con biết là ngần nào và Chúa quan tâm đến cuộc sống của chúng con ra sao.

Con đường của Chúa Giêsu dẫn đến Núi Sọ là một con đường khổ đau và cô độc; con đường đó vẫn đang tiếp diễn trong thời đại của chúng con. Chúa bước đi và chịu đựng trong tất cả những khuôn mặt bị tổn thương bởi sự thờ ơ tự mãn và tê dại của xã hội chúng con, một xã hội tiêu thụ và bị tiêu thụ, phớt lờ và thờ ơ, mù quáng trước nỗi đau của anh chị em chúng con.

Lạy Chúa, chúng con, những bằng hữu của Chúa, cũng vậy. Chúng con cũng chiều theo sự vô cảm và bất động. Quá thường là chúng con cuối cùng cũng chạy theo đám đông, và điều này đã làm tê liệt chúng con. Thật khó để nhìn thấy Chúa trong những anh chị em đau khổ của chúng con. Chúng con đã nhìn đi chỗ khác để không nhìn thấy; chúng con đã ẩn mình trong tiếng ồn để không nghe thấy; chúng con đã che miệng để đừng khóc.

Cám dỗ ấy luôn luôn là như thế. Nó dễ dàng hơn và “đáng đồng tiền bát gạo hơn” để trở thành bạn bè trong chiến thắng và vinh quang, trong thành công và vỗ tay ca tụng; thật dễ hơn để xun xoe xung quanh một người được xem là có nhiều người mến mộ và là kẻ chiến thắng.

Thật dễ dàng để rơi vào một nền văn hóa bắt nạt, quấy rầy và đe dọa người khác. Chúa không như thế: trên thập giá, Chúa đã đồng hóa mình với tất cả những người đau khổ, với tất cả những người cảm thấy bị lãng quên.

Chúa không như thế: bởi vì Chúa muốn ôm lấy tất cả những người mà chúng con thường coi là không xứng đáng để ôm vào lòng, để vuốt ve, chúc phúc; hoặc, tệ hơn nữa, thậm chí chúng con không nhận ra rằng họ cần những điều đó.

Chúa không như thế: trên thập tự giá, Chúa đồng hành với con đường thập giá của mọi người trẻ, trong mọi tình huống, để biến nó thành con đường phục sinh.

Lạy Cha, hôm nay con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn: trong tiếng khóc nghẹn ngào của những đứa trẻ không được sinh ra và cơ man những trẻ thơ bị từ khước quyền được sống thời thơ ấu, quyền được có mái ấm gia đình, được giáo dục, được vui chơi, ca hát hay mơ ước.. . Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn nơi những phụ nữ bị ngược đãi, bóc lột và bị bỏ rơi, bị tước đi phẩm giá và bị đối xử như chẳng là gì. Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn trong đôi mắt buồn vời vợi của những người trẻ tuổi, những người nhìn thấy hy vọng của họ về tương lai đang bị cướp đi vì thiếu giáo dục và công ăn việc làm xứng đáng. Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn trong nỗi thống khổ của những gương mặt trẻ, những người bạn của chúng con, những người rơi vào bẫy của những kẻ vô đạo đức - bao gồm cả những người tuyên bố sẽ phục vụ Chúa - những kẻ bóc lột, bọn tội phạm, và những kẻ lạm dụng cuộc sống của họ.

Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn nơi tất cả những người trẻ và những gia đình đang bị cuốn vào vòng xoáy của cái chết vì ma túy, rượu chè, mại dâm và nạn buôn bán người, những người không chỉ bị tước đoạt tương lai mà ngay cả hiện tại cũng không còn. Như áo xống của Chúa từng bị xâu xé thế nào, nhân phẩm của họ bị chia năm xẻ bảy và ngược đãi.

Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn nơi những người trẻ tuổi với khuôn mặt thẫn thờ, những người đã mất khả năng mơ ước, sáng tạo và định hình tương lai của họ, và đã chọn để “về hưu”, trong sự trùm chăn hay tự mãn, là một trong những chất gây nghiện nhất trong thời đại của chúng con.

Con đường ấy vẫn tiếp diễn trong nỗi đau thầm lặng và đầy giận dữ của những ai, thay vì nhận được tình liên đới của một xã hội phồn vinh, lại gặp phải sự từ chối, nỗi buồn và sự khốn khổ, và bị đối xử như căn nguyên gây ra các tệ nạn xã hội.

Con đường ấy vẫn tiếp diễn trong sự cô độc tuyệt vọng của người già bị quên lãng và bỏ rơi. Nó tiếp diễn nơi các dân tộc bản địa mà những người khác đã cướp đi đất đai, cội nguồn và văn hóa của họ, phớt lờ và làm câm nín trí tuệ vĩ đại mà họ có thể mang lại.

Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn trong lời cầu xin của Mẹ đất chúng con, bị tổn thương sâu sắc bởi sự ô nhiễm của bầu trời, sự cằn cỗi của những cánh đồng, sự ô nhiễm nguồn nước, bị giẫm đạp dưới chân bởi sự coi thường và ngạo mạn của sự tiêu dùng phi lý.

Con đường ấy vẫn tiếp diễn trong một xã hội đã mất khả năng rơi lệ và xúc động trước khổ đau. Vâng, Lạy Cha, Chúa Giêsu Con Cha tiếp tục bước đi, tiếp tục vác thập giá và đau khổ trong tất cả những khuôn mặt này, trong khi cái thế giới không được chăm sóc này đang bị cuốn hút vào bi kịch về sự phù phiếm của chính nó.

Lạy Chúa, chúng con phải làm gì đây? Chúng con phải phản ứng thế nào trước Chúa Giêsu khi Ngài đau khổ, lang thang, di cư nơi khuôn mặt của cơ man những bạn hữu của chúng con, hay nơi dung nhan của tất cả những người xa lạ mà chúng con đã học cách làm cho họ ra vô hình?

Và lạy Cha của lòng xót thương, chúng con có an ủi và đồng hành với Chúa, đang bất lực và đau khổ nơi những anh chị em nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất không? Chúng con có vác đỡ gánh nặng của thập tự giá, như ông Simon thành Kyrênê, bằng cách là những người hòa giải, xây dựng những nhịp cầu, hay là men của tình huynh đệ không? Liệu chúng con có vẫn tiếp tục đứng dưới chân thập giá như Đức Maria không? Xin cho chúng con biết nhìn vào Đức Maria, người phụ nữ của sức mạnh. Từ Mẹ, xin cho chúng con biết học cách đứng dưới thập giá với cùng quyết tâm và lòng can đảm của Mẹ, không trốn tránh hay ảo tưởng. Mẹ đồng hành với nỗi khổ của con Mẹ, là Con Cha; Mẹ nâng đỡ Ngài bằng ánh mắt và bảo vệ Ngài bằng trái tim. Mẹ chia sẻ nỗi thống khổ của Chúa Giêsu con Mẹ, nhưng không bị nỗi thống khổ ấy áp đảo. Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ đã thốt lên tiếng Xin Vâng, là người hỗ trợ và đồng hành, bảo vệ và ôm ấp. Mẹ là người bảo vệ tuyệt vời cho niềm hy vọng.

Chúng con cũng muốn trở thành một Giáo Hội hỗ trợ và đồng hành, nghiã là có thể nói: “Này tôi đây!” trong cuộc sống và giữa thập giá của tất cả những Kitô hữu đi bên cạnh chúng con.

Từ Đức Maria, chúng con học cách nói tiếng Xin Vâng trước sự kiên nhẫn và bền đỗ của nhiều người mẹ, người cha, người ông, người bà không bao giờ ngừng ủng hộ và đồng hành cùng con cháu trong gian truân.

Từ Mẹ, chúng con học được cách nói tiếng Xin Vâng trước sự bền bỉ và sáng tạo của những người không chịu khuất phục trước khó khăn và nghịch cảnh, sẵn sàng làm lại từ đầu trong tình huống mọi thứ dường như đã mất, nhằm tạo ra những không gian, nhà cửa và các trung tâm chăm sóc, để có thể là một bàn tay chìa ra cho tất cả những người gặp khó khăn.

Nơi Đức Maria, chúng con học được sức mạnh để có thể nói tiếng Xin Vâng trước những người đã từ chối giữ im lặng trước thứ văn hóa ngược đãi và lạm dụng, chê bai và gây hấn, và trước những người dấn thân để cung cấp cơ hội và tạo ra bầu không khí an toàn và bảo vệ.

Nơi Đức Maria, chúng con học được cách chào đón và tiếp nhận tất cả những người bị bỏ rơi, và buộc phải rời khỏi quê cha đất tổ, cội nguồn, gia đình và công ăn việc làm của họ.

Như Đức Maria, chúng con muốn trở thành một Giáo Hội nuôi dưỡng một nền văn hóa chào đón, bảo vệ, thúc đẩy và hòa nhập; một nền văn hóa không kỳ thị, không đắm chìm trong sự lên án vô nghĩa và vô trách nhiệm những người nhập cư như một mối đe dọa cho xã hội.

Từ Mẹ, chúng con muốn học cách đứng dưới thập giá, không phải với trái tim đóng kín, mà với trái tim có thể đồng hành, dịu dàng và tận tụy, một trái tim thể hiện lòng thương xót và đối xử với người khác bằng sự tôn trọng, nhạy cảm và hiểu biết. Chúng con muốn trở thành một Giáo Hội của ký ức, nơi đánh giá cao và tôn trọng người già và trao lại cho họ vị trí xứng đáng của họ.

Như Đức Maria, chúng con muốn tìm hiểu ý nghĩa của từ “đứng”. Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết đứng, dưới chân thập giá, dưới chân mọi thập giá. Xin Chúa mở mắt và trái tim của chúng con đêm nay, và giải cứu chúng con khỏi sự tê liệt và bất định, khỏi sự sợ hãi và tuyệt vọng. Xin hãy dạy chúng con nói: “Này tôi đây”, bên cạnh Con Chúa, bên cạnh Đức Maria và tất cả những môn đệ yêu dấu, những người mong muốn chào đón Nước Chúa trong tâm hồn của họ.

Source: Vatican News WYD Panama: Pope's homily at Way of the Cross – full text
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét