Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Như chúng tôi đã tường trình, lúc 9 giờ 45 sáng thứ Năm 24 tháng Giêng đã diễn ra nghi thức chào đón chính thức Đức Thánh Cha tại Phủ Tổng Thống Palacio de las Garzas.

Sau các nghi thức lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha đã hội kiến với Tổng thống Juan Carlos Varela. và sau đó ngài đã gặp chính quyền dân sự và đại diện các tầng lớp văn hóa xã hội Panama và ngoại giao đoàn tại dinh Bolivar.

Hoạt động tiếp theo của Đức Thánh Cha là cuộc gặp gỡ với các Giám Mục Panama và cả các Giám Mục trong vùng Trung Mỹ tại nhà thờ Thánh Phanxicô thành Assisi vào lúc 11 giờ 15.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nhân đây, Mai Hương xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một vài nét về hàng giáo phẩm của Panama.

Hàng giáo phẩm hiện nay của Panama gồm có một vị Hồng Y và 2 Tổng Giám Mục và 9 Giám Mục.

Đức Hồng Y José Luis Lacunza Maestrojuán sinh năm 1944, năm nay 74 tuổi, được tấn phong Giám Mục vào năm 1985. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào ngày 14 tháng Hai năm 2015. Diễn biến này gây sửng sốt cho nhiều người vì Đức Hồng Y cai quản một giáo phận tương đối nhỏ là giáo phận David với dân số chỉ có 415,500 người so với 1,729,000 người Công Giáo tại tổng giáo phận thủ đô Panama.

Theo niên giám 2017 của Tòa Thánh, giáo phận David có 26 giáo xứ, 47 linh mục trong đó có 13 linh mục triều và 33 linh mục dòng, 6 phó tế vĩnh viễn, 37 nam tu sĩ không có chức linh mục, 53 nữ tu và 8 chủng sinh.

2 vị Tổng Giám Mục của Panama là Đức Tổng Giám Mục José Dimas Cedeño Delgado và Đức Tổng Giám Mục José Domingo Ulloa Mendieta.

Đức Tổng Giám Mục José Dimas Cedeño Delgado, 85 tuổi, là Tổng Giám Mục Hiệu tòa của tổng giáo phận thủ đô Panama, và Đức Tổng Giám Mục José Domingo Ulloa Mendieta, 62 tuổi, là Tổng Giám Mục đương chức của tổng giáo phận này, và cũng là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Panama.

Theo niên giám 2017 của Tòa Thánh, tổng giáo phận thủ đô Panama có 1,729,000 tín hữu, 96 giáo xứ, 205 linh mục trong đó có 84 linh mục triều và 121 linh mục dòng, 68 phó tế vĩnh viễn, 236 nam tu sĩ không có chức linh mục, 256 nữ tu và 67 chủng sinh.

Tổng giáo phận thủ đô Panama có hai vị Giám Mục Phụ Tá là Đức Cha Pablo Varela Server, 76 tuổi và Đức Cha Uriah Ashley, 74 tuổi.

Bên cạnh các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục đang làm mục vụ tại Panama, tưởng cũng nên kể thêm hai vị Giám Mục là người gốc Panama đang ở nước ngoài là Đức Tổng Giám Mục Mario Alberto Molina Palma cai quản tổng giáo phận Los Altos, của Guatemala và Đức Cha Julio César Terán Dutari hiện nghỉ hưu sau khi coi sóc miền Phủ Doãn Tông Tòa Santo Domingo của Ecuador trong 3 năm. Trước đó, ngài từng là Giám Mục Phụ Tá của thủ đô Quito trong 9 năm và Giám Mục Ibara trong 7 năm.

Trong diễn từ trước các Giám Mục Trung Mỹ, Đức Thánh Cha nói:

Các hiền huynh thân mến,

Tôi xin cám ơn Đức Tổng Giám Mục José Luis Escobar Alas của San Salvador về những lời nghinh đón nhân danh mọi người. Tôi rất vui khi được ở bên các hiền huynh và chia sẻ một cách gần gũi và trực tiếp hơn những hy vọng, dự án và ước mơ của các hiền huynh trong tư cách các mục tử mà Chúa đã giao phó sự chăm sóc cho dân thánh của Người. Cảm ơn các hiền huynh đã chào đón tôi trong tình huynh đệ.

Gặp gỡ các hiền huynh cũng cho tôi cơ hội để ôm hôn các dân tộc của các hiền huynh và cảm thấy gần gũi hơn với họ, để thực hiện các khát vọng của riêng tôi, nhưng cũng là sự thất vọng của họ, và trên hết là đức tin không thể lay chuyển, vốn luôn khôi phục hy vọng và khuyến khích bác ái. Cảm ơn các hiền huynh đã cho tôi gần gũi với đức tin đơn giản nhưng được thử nghiệm đó, được nhận rõ trên các khuôn mặt của người dân các hiền huynh, những người, dù nghèo, nhưng biết rằng “Thiên Chúa đang ở đây; Người không ngủ, Người hoạt động, Người trông chừng và giúp đỡ (Thánh OSCAR ROMERO, Bài giảng, 16 tháng 12 năm 1979).

Cuộc gặp gỡ này nhắc chúng ta nhớ đến một biến cố giáo hội quan trọng. Các giám mục của khu vực này là những người đầu tiên ở Mỹ Châu đã tạo ra một phương tiện hiệp thông và tham gia, vẫn đang tiếp tục sinh hoa kết trái: Văn Phòng Thư ký Các Giám Mục Trung Mỹ (SEDAC). Nó đã cung cấp một diễn đàn để chia sẻ, biện phân và thỏa thuận nhằm nuôi dưỡng, tái lên sinh lực và làm phong phú các Giáo hội của các hiền huynh. Các giám mục biết nhìn xa đã đưa ra một dấu hiệu cho thấy, không phải chỉ có tính lập trình, mà là tương lai của Trung Mỹ - hoặc của bất cứ khu vực nào trên thế giới - nhất thiết phải phụ thuộc vào suy nghĩ rõ ràng và khả năng mở rộng các chân trời và cùng nhau tham gia vào một nỗ lực kiên nhẫn và quảng đại để lắng nghe, hiểu biết, dấn thân và can dự. Và, như một kết quả, để biện phân các chân trời mới mà Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt chúng ta đi tới (xem Evangelii Gaudium, 235).

Trong bảy mươi lăm năm qua kể từ khi thành lập, Văn Phòng Thư ký Các Giám Mục Trung Mỹ đã tìm cách chia sẻ trong vui buồn, những cuộc đấu tranh và giấc mơ của các dân tộc Trung Mỹ, nơi có lịch sử đan xen và đào luyện bởi một lịch sử đức tin của mình. Nhiều người nam nữ, các linh mục, người thánh hiến và giáo dân, đã tận hiến đời mình, thậm chí đổ máu mình để giữ cho tiếng nói tiên tri được sống động trước các bất công, nghèo đói lan tràn và lạm quyền. Họ nhắc nhở chúng ta rằng “những người thực sự muốn dành vinh quang cho Thiên Chúa bằng cuộc sống của họ, những người thực sự mong muốn lớn lên trong sự thánh thiện, được kêu gọi phải cùng một tâm trí và ngoan cường trong việc thực hành các công việc của lòng thương xót (Gaudete et Exsultate, 107 ). Và điều này, không chỉ đơn giản là bố thí, mà là một ơn gọi thực sự.

Trong số những thành quả tiên tri này của Giáo hội ở Trung Mỹ, tôi rất vui được đề cập đến Thánh Oscar Romero, người mà gần đây tôi có đặc ân được phong thánh trong thời gian có Thượng hội đồng về giới trẻ. Cuộc đời và những lời dạy của ngài vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho các Giáo hội của chúng ta và, một cách đặc biệt, cho chúng ta là các giám mục. Phương châm giám mục của ngài, được ghi trên bia mộ của ngài, thể hiện rõ ràng nguyên tắc hướng dẫn cuộc đời ngài như một mục tử: suy nghĩ với Giáo hội. Đó là la bàn cho cuộc sống và lòng trung thành của ngài, cả trong thời kỳ có những biến động lớn.

Di sản của ngài có thể trở thành một nhân chứng tích cực và mang lại sự sống cho chúng ta, những người cũng được kêu gọi tử đạo hàng ngày trong việc phục vụ dân chúng của chúng ta, và trên căn bản đó, tôi muốn đặt sự suy niệm mà tôi sắp chia sẻ với các hiền huynh. Tôi biết rằng một số người trong chúng ta đích thân biết Đức Tổng Giám Mục Romero, như Đức Hồng Y Rosa Chávez. Thưa Đức Hồng Y, nếu Đức Hồng Y nghĩ rằng tôi nhầm lẫn trong bất cứ đánh giá nào của tôi, Đức Hồng Y có thể sửa chữa giùm! Nại tới nhân vật Romero là nại tới sự thánh thiện và đặc tính tiên tri hiện hữu trong DNA của các Giáo hội đặc thù của các hiền huynh. 

Suy nghĩ với Giáo hội

1. Nhìn nhận và biết ơn

Khi Thánh Inhaxiô đặt ra các quy tắc để suy nghĩ với Giáo hội, ngài cố gắng giúp người dự tĩnh tâm vượt qua bất cứ loại lưỡng phân giả tạo nào hoặc đối kháng nào có thể giản lược sự sống của Chúa Thánh Thần thành cơn cám dỗ thường xuyên muốn biến lời Chúa thành dụng cụ phục vụ lợi ích của chúng ta. Điều này có thể mang lại cho người dự tĩnh tâm ơn thánh để nhìn nhận rằng họ là một phần của cơ thể tông đồ lớn hơn chính họ, đồng thời ý thức được các điểm mạnh và khả năng của họ: một ý thức không yếu đuối cũng không lựa lọc hay hấp tấp. Cảm nhận một phần của một toàn bộ vốn luôn lớn hơn tổng số các phần của nó (xem Evangelii Gaudium, 235), và được liên kết với một Thánh Nhan luôn vượt quá họ (x. Gaudete et Exsultate, 8).

Vì vậy, tôi muốn tập trung suy nghĩ sơ khởi này với Giáo hội, cùng với Thánh Oscar, vào việc tạ ơn và lòng biết ơn đối với mọi phước lành nhưng không mà chúng ta đã nhận được. Thánh Romero, như do bản năng, biết cách hiểu và đánh giá cao Giáo hội, vì đối với ngài, Giáo Hội sâu đậm như nguồn suối đức tin của ngài. Nếu không có tình yêu sâu đậm này, sẽ rất khó hiểu được câu chuyện ngài hồi hướng. Chính tình yêu đó đã dẫn ngài đến phúc tử đạo: một tình yêu phát sinh từ việc tiếp nhận một ơn phúc hoàn toàn nhưng không, một ơn phúc không thuộc về chúng ta mà thay vào đó giải phóng chúng ta khỏi mọi sự cao ngạo hoặc cơn cám dỗ muốn nghĩ rằng chúng ta là chủ sở hữu hoặc người giải thích duy nhất của nó. Chúng ta đã không phát minh ra Giáo hội; Giáo Hội không sinh ra với chúng ta và Giáo hội sẽ tiếp tục hoạt động mà không có chúng ta. Thái độ này, không hề khuyến khích sự lười biếng, nhưng đánh thức và nâng đỡ lòng biết ơn vô biên và không thể tưởng tượng được. Phúc tử đạo không liên quan gì đến sự yếu lòng hay thái độ của những người không yêu cuộc sống và không thể nhận ra giá trị của nó. Trái lại, vị tử đạo là một người có khả năng hiện thân cho và sống trọn vẹn hành động tạ ơn này.

Thánh Romero đã “suy nghĩ với Giáo hội”, vì trước mọi điều khác, ngài yêu Giáo hội như một bà mẹ đã sinh hạ ngài trong đức tin. Ngài cảm thấy mình như một thành viên và một phần của Giáo Hội.

2. Một tình yêu lên hương vị bởi người ta

Tình yêu, lòng trung thành và lòng biết ơn này đã khiến ngài chấp nhận một cách say mê nhưng cũng với sự chăm chỉ và học tập, các luồng tư duy đổi mới do Công đồng Vatican II đề xuất một cách đầy thẩm quyền. Ở đó, ngài tìm được một hướng dẫn vững chắc cho việc làm môn đệ Kitô giáo. Ngài không phải là một người ý thức hệ cũng không có ý thức hệ; hành động của ngài được phát sinh từ sự thân quen triệt để với các văn kiện của Công đồng. Đối với Thánh Romero, trước chân trời giáo hội này, suy nghĩ với Giáo hội có nghĩa là chiêm ngưỡng Giáo hội như dân Chúa. Vì Chúa không muốn cứu chúng ta một mình và tách biệt với những người khác, nhưng thiết lập một dân tộc biết tuyên xưng Người trong sự thật và phục vụ Người trong sự thánh thiêng (x. Lumen Gentium, 9). Một dân tộc, như một toàn thể, sở hữu, bảo vệ và cử hành “lễ xức dầu của Đấng Thánh” (sđd., 12), và là Đấng mà thánh Romero hằng lắng nghe cẩn thận, để không bị tước mất cảm hứng của Thần Khí (x. THÁNH OSCAR ROMERO, Bài giảng, ngày 16 tháng 7 năm 1978). Bằng cách này, Thánh Romero cho chúng ta thấy: để tìm kiếm và khám phá Chúa, mục tử phải học cách lắng nghe nhịp tim đập của dân mình. Ngài phải ngửi “Mùi” của chiên, tức những người đàn ông và đàn bà ngày nay, cho đến khi ngài chìm đắm trong niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và sự lo lắng của họ (x. Gaudium et Spes, 1), và khi làm thế, suy ngẫm lời của Thiên Chúa (x. Dei Verbum, 13). Ngài phải là một phương thức sẵn sàng lắng nghe những người đã được giao phó cho sự chăm sóc của mình, đến mức đồng nhất với họ và từ họ khám phá ra ý muốn của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta (xem Diễn văn tại Cuộc họp các Gia đình, ngày 4 tháng 10 năm 2014). Một phương thức không có sự lưỡng phân hoặc đối kháng sai lầm, vì chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới có khả năng tích hợp mọi tình yêu của chúng ta trong một tâm tư và ánh mắt duy nhất.

Tóm một lời, đối với Thánh Romero, suy nghĩ với Giáo hội có nghĩa tham gia vào vinh quang của Giáo hội, đó là sống, bằng cả trái tim lẫn linh hồn, kenosis (tức việc tự hủy) của Chúa Kitô. Trong Giáo hội, Chúa Kitô sống giữa chúng ta, và vì thế Giáo hội phải khiêm nhường và nghèo khó, vì một Giáo hội xa cách, kiêu căng và tự mãn không phải là Giáo hội của kenosis (x. THÁNH OSCAR ROMERO, Bài giảng, 1 tháng 10 năm 1978).

3. Sống, bằng cả trái tim lẫn linh hồn, kenosis (sự tự hủy) của Chúa Kitô

Đây không phải chỉ là vinh quang của Giáo hội, mà còn là một ơn gọi, một lệnh triệu tập để biến nó thành vinh quang bản thân và con đường thánh thiện của chúng ta. Kenosiscủa Chúa Kitô không phải là một điều của quá khứ, mà là một cam kết hiện tại mà chúng ta có thể cảm nhận và khám phá sự hiện diện của Người đang làm việc trong lịch sử. Một sự hiện diện mà chúng ta không thể và không muốn dập tắt, vì chúng ta biết bằng kinh nghiệm rằng một mình Người là “Đường, là Sự thật và là Sự sống”. Kenosis của Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa cứu rỗi trong lịch sử, trong cuộc sống của mỗi người, và đây cũng là lịch sử của riêng Người, mà từ đó Người đã đến để gặp gỡ chúng ta (x. Thánh OSCAR ROMERO, Bài giảng, 7/12/1978). Thưa các hiền huynh, điều quan trọng là chúng ta đừng sợ đến gần và chạm vào các vết thương của người dân chúng ta, những vết thương đó cũng là những vết thương của chúng ta, và làm điều này giống như cách chính Chúa đã làm. Một mục tử không thể đứng cách xa các đau khổ của dân mình; chúng ta còn có thể nói rằng trái tim của một mục tử được đo bằng khả năng của ngài bị cảm kích bởi nhiều cuộc sống đang bị tổn thương hoặc bị đe dọa. Làm điều này như Chúa làm, có nghĩa là cho phép sự đau khổ này có một tác động đến các ưu tiên và sở thích của chúng ta, trong việc sử dụng thời gian và tiền bạc của chúng ta, và thậm chí cả cách cầu nguyện của chúng ta. Nhờ cách này, chúng ta sẽ có thể xức dầu cho mọi sự và mọi người bằng tình bạn an ủi của Chúa Giêsu Kitô bên trong cộng đồng đức tin biết chứa đựng và không ngừng mở rộng một chân trời mới mang lại ý nghĩa và hy vọng cho đời sống (x. Evangelii Gaudium, 49). Kenosis của Chúa Kitô liên quan đến việc từ bỏ cách sống và nói “ảo”, để lắng nghe các âm thanh và tiếng khóc lặp đi lặp lại của những con người thực đang thách thức chúng ta xây dựng các mối liên hệ. Xin cho phép tôi nói điều này: các mạng lưới có giúp xây dựng các mối liên hệ, nhưng không xây dựng các gốc rễ; chúng không có khả năng đem lại cho chúng ta cảm thức thuộc về, khiến chúng ta cảm thấy mình như một phần của một dân tộc đơn nhất. Không có cảm thức này, mọi lời nói, mọi cuộc gặp gỡ, mọi cuộc tụ họp và viết lách của chúng ta sẽ là dấu hiệu của một đức tin không đồng hành với kenosis của Chúa, một đức tin dừng lại ở giữa đường.

Kenosis của Chúa Kitô có tính trẻ trung



Ngày Giới trẻ Thế giới này là cơ hội duy nhất để ra đi gặp gỡ và tiếp cận gần hơn với những trải nghiệm của người trẻ chúng ta, lòng đầy hy vọng và mong muốn, nhưng cũng có nhiều tổn thương và vết sẹo. Với họ, chúng ta có thể diễn giải thế giới của mình theo một cách mới và nhận ra các dấu chỉ thời đại. Vì như các nghị phụ Thượng hội đồng đã khẳng định, người trẻ là người của “các nguồn thần học”, trong đó Chúa làm chúng ta biết một số kỳ vọng và thách thức của Người trong việc lên khuôn tương lai (x. Thượng Hội Đồng về Giới Trẻ, Tài liệu cuối cùng, 64). Với họ, chúng ta sẽ có thể tạo viễn kiến làm sao cho Tin Mừng trở nên hiển thị và đáng tin cậy hơn trong thế giới chúng ta đang sống. Họ giống như một hàn thử biểu để biết chúng ta đang đứng ở đâu như một cộng đồng và một xã hội.

Người trẻ mang theo với họ sự bồn chồn mà chúng ta cần đánh giá cao, tôn trọng và đồng hành. Điều này tốt cho chúng ta, vì nó làm chúng ta bất an và nhắc nhở chúng ta rằng một mục tử không bao giờ ngừng làm một môn đệ và một kẻ lên đường. Sự bồn chồn lành mạnh này vừa thúc đẩy vừa đi trước chúng ta. Các nghị phụ Thượng hội đồng đã nhận ra điều này: “Người trẻ, trong một số khía cạnh, đi trước các mục tử của họ (ibid., 66). Chúng ta nên vui mừng khi thấy hạt giống gieo không rơi vào những lỗ tai điếc. Nhiều mối quan tâm và hiểu biết của họ bắt nguồn từ gia đình, được khuyến khích bởi một người bà hoặc một giáo lý viên, hoặc trong giáo xứ, trong các chương trình giáo dục hoặc các chương trình thanh thiếu niên. Sau đó, họ đã lớn lên nhờ việc nghe Tin Mừng bên trong các cộng đồng đức tin sống động và nhiệt thành, nơi cung cấp đất đai phong phú để họ có thể triển nở. Làm sao chúng ta không biết ơn khi có những người trẻ quan tâm đến Tin Mừng! Nó kích thích mong muốn của chúng ta được giúp đỡ họ lớn lên bằng cách cung cấp cho họ nhiều cơ hội hơn và tốt hơn để trở thành một phần trong giấc mơ của Thiên Chúa. Giáo hội tự nhiên là một Người mẹ, và trong tư cách ấy, Giáo hội đã hạ sinh sự sống, mang nó trong dạ và che chở nó khỏi tất cả những gì đe dọa sự phát triển của nó: một “việc mang thai” diễn ra trong tự do và vì tự do. Vì vậy, tôi thúc giục các hiền huynh cổ vũ các chương trình và trung tâm giáo dục nhằm có thể đồng hành, hỗ trợ và tăng lực cho người trẻ của các hiền huynh. Chộp lấy họ từ các đường phố trước khi văn hóa chết chóc có thể lôi kéo tâm trí người trẻ của chúng và bán họ cho khói thuốc và gương soi, hoặc cung ứng các “giải pháp” hư ảo của nó cho mọi vấn đề của họ. Hãy làm như vậy không phải theo cung cách cha chú, nhìn từ trên cao nhìn xuống, vì đó không phải là điều Chúa yêu cầu nơi chúng ta, nhưng như những người cha và người anh em thực sự đối với mọi người. Giới trẻ là khuôn mặt của Chúa Kitô đối với chúng ta và chúng ta không thể đến với Chúa Kitô bằng cách đi xuống từ trên cao, nhưng bằng cách vươn lên từ bên dưới (x. Thánh OSCAR ROMERO, Bài giảng, ngày 2 tháng 9 năm 1979).

Đáng buồn thay, nhiều người trẻ đã được dẫn khởi bởi những câu trả lời dễ dàng mà cuối cùng họ phải trả giá cao. Như các Nghị phụ Thượng hội đồng đã ghi nhận, họ thấy mình bị đóng khung và thiếu cơ hội, giữa các tình huống xung đột cao không có giải pháp nhanh chóng: bạo lực gia đình, giết phụ nữ - lục địa của chúng ta đang gặp phải một tai họa về vấn đề này - các băng đảng vũ trang và tội phạm, buôn bán ma túy, bóc lột tình dục trẻ vị thành niên và những người trẻ, v.v. Thật đau đớn khi quan sát thấy tận gốc rễ của nhiều tình huống này là kinh nghiệm “trở thành mồ côi”, thành quả của một nền văn hóa và một xã hội vận hành điên cuồng. Thông thường các gia đình bị tan vỡ bởi một hệ thống kinh tế vốn không dành ưu tiên cho con người và lợi ích chung, nhưng biến đầu cơ thành “thiên đường” của nó, mà không hề lo lắng chi về việc cuối cùng ai sẽ phải trả giá. Và vì vậy, chúng ta thấy người trẻ của chúng ta không có nhà, không có gia đình, không có cộng đồng, không có cảm thức thuộc về, dễ dàng trở thành con mồi cho các lang băm đầu tiên xuất hiện với họ.

Chúng ta đừng quên rằng “nỗi đau thực sự của con người trước nhất thuộc Thiên Chúa” (George Bernanos, Nhật ký của một linh mục đồng quê). Chúng ta đừng phân rẽ những gì Người muốn hợp nhất trong Con của Người.

Tương lai đòi hỏi chúng ta tôn trọng hiện tại, bằng cách làm nó nên cao thượng và chịu làm việc để coi trọng và bảo tồn văn hóa của các dân tộc các hiền huynh. Ở đây cũng vậy, nhân phẩm đang bị đe dọa: trong việc tự trọng về văn hóa. Dân tộc của các hiền huynh không phải là “sân sau” của xã hội hay của bất cứ ai. Nó có một lịch sử phong phú cần được sở hữu, trân trọng và khuyến khích. Hạt giống Nước Trời đã được gieo ở những vùng đất này. Chúng ta phải nhận ra chúng, quan tâm đến chúng và trông chừng chúng, để không một điều tốt đẹp nào mà Chúa đã gieo trồng sẽ mòn mỏi, làm mồi cho những lợi ích giả tạo gieo rắc thối nát và làm người giàu lớn mạnh bằng cách cướp bóc người nghèo. Chăm sóc những gốc rễ này có nghĩa là chăm sóc các di sản lịch sử, văn hóa và tinh thần phong phú mà vùng đất này trong nhiều thế kỷ đã hòa hợp. Hãy tiếp tục lên tiếng chống lại việc hoang địa hóa văn hóa và tinh thần nơi các thị trấn của các hiền huynh từng gây ra cảnh nghèo đói triệt để, vì nó làm suy yếu sức đề kháng của họ, khả năng miễn dịch cần thiết và quan trọng từng giúp bảo vệ phẩm giá của họ trong những thời điểm khó khăn lớn lao.

Trong Thư Mục vụ gần đây nhất của mình, các hiền huynh đã chỉ ra rằng, “khu vực của chúng ta gần đây đã bị ảnh hưởng bởi một loại di dân mới, đồ sộ và có tổ chức. Điều này đã gợi sự chú ý tới các lý do buộc người ta phải di dân và những nguy hiểm mà nó mang theo đối với phẩm giá con người. (SEDAC, Thông điệp gửi dân Chúa và Mọi người có thiện chí, ngày 30 tháng 11 năm 2018).

Nhiều di dân có khuôn mặt trẻ; họ đang tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn cho gia đình họ. Họ cũng không sợ mạo hiểm và bỏ lại mọi thứ ở phía sau để cung cấp cho họ những điều kiện tối thiểu cho một tương lai tốt đẹp hơn. Nhận ra điều này không đủ; chúng ta cần phải công bố rõ ràng một thông điệp nói rằng đó là “tin mừng”. Giáo hội, nhờ vào tính phổ quát của mình, có thể cung cấp sự hiếu khách và chấp nhận huynh đệ có thể cho phép các cộng đồng gốc và cộng đồng đến đối thoại với nhau và giúp vượt qua nỗi sợ hãi và nghi ngờ, và do đó củng cố các mối liên kết mà di dân - trong trí tưởng tượng tập thể - có nguy cơ bị phá vỡ. “Nghinh đón, bảo vệ, cổ vũ và tích hợp”, có thể là bốn từ ngữ mà Giáo hội, trong tình huống di cư hàng loạt này, phát biểu tình mẫu tử của mình trong lịch sử thời đại chúng ta (x. Thượng Hội Đồng về Giới Trẻ, Tài liệu cuối cùng, 147).

Mọi nỗ lực đưa ra để xây dựng các cây cầu giữa các cộng đồng giáo hội, giáo xứ và giáo phận, và giữa các hội đồng giám mục của các hiền huynh, sẽ là một cử chỉ tiên tri về phía Giáo hội, một cử chỉ, trong Chúa Kitô, là “một dấu hiệu và công cụ của cả sự hiệp thông với Thiên Chúa lẫn sự thống nhất của toàn bộ nhân loại” (Lumen Gentium, 1). Điều này sẽ giúp loại bỏ cám dỗ chỉ muốn đơn giản kêu gọi sự chú ý đến vấn đề, và thay vào đó trở thành một lời tuyên xưng sự sống mới mà Chúa đã ban cho chúng ta.

Chúng ta hãy nhớ lại những lời của Thánh Gioan: “Nếu có ai có của cải trên thế giới và thấy người anh em mình cần, nhưng lại khép kín trái tim mình đối với họ, làm thế nào Tình yêu Thiên Chúa ở trong họ được? Hỡi các con, chúng ta đừng yêu bằng lời nói hay diễn từ mà bằng việc làm và sự thật” (1 Ga 3: 17-18).

Tất cả những tình huống này đặt ra nhiều câu hỏi; chúng là những tình huống mời gọi chúng ta cải đổi, liên đới và cương quyết nỗ lực trong việc giáo dục các cộng đồng của chúng ta. Chúng ta không thể mãi thờ ơ được (xem Thượng Hội Đồng về Giới Trẻ, Tài liệu cuối cùng, 41-44). Trong khi thế giới loại bỏ con người, như chúng ta vốn ý thức một cách đau lòng, thì Kenosis của Chúa Kitô không như vậy. Chúng ta đã trải nghiệm điều này, và chúng ta tiếp tục trải nghiệm nó bằng chính xác thịt của mình thông qua sự tha thứ và cải đổi. Sự căng thẳng này đòi hỏi chúng ta phải liên tục tự hỏi mình, “chúng ta muốn đứng ở đâu?”

Kenosis của Chúa Kitô có tính linh mục

Tất cả chúng ta đều biết về tình bạn của Đức Tổng Giám Mục Romero, với Cha Rutilio Grande, và vị này đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi vụ ngài bị ám sát. Nó làm đau lòng vị này như một con người, như một linh mục và một mục tử. Thánh Romero không phải là người quản lý các tài nguyên nhân bản; đó không phải là cách ngài đối phó với các cá nhân hay tổ chức, mà như một người cha, một người bạn và một người anh em. Tuy nhiên, ngài có thể phục vụ như một thước đo, bất cứ khiến người ta nản chí ra sao, giúp chúng ta đo lường chính trái tim của mình như các giám mục và tự hỏi, “Cuộc sống của các linh mục của tôi ảnh hưởng đến tôi như thế nào? Tôi đã tự để mình bị ảnh hưởng đến bao nhiêu bởi những gì họ trải qua, đau buồn khi họ đau khổ và cử hành niềm vui của họ? Phạm vi của chủ nghĩa duy chức năng và giáo sĩ trị trong Giáo Hội- những thứ đại diện cho một biếm họa và đồi trụy về thừa tác vụ - có thể bắt đầu được đo lường bằng những câu hỏi này. Điều này không liên quan tới các thay đổi về phong cách, thói quen hay ngôn ngữ - tất cả chắc chắn đều rất quan trọng - nhưng trên hết là với thời gian mà các giám mục chúng ta dành cho việc tiếp đón, đồng hành và nâng đỡ các linh mục của chúng ta, “thời gian có thực chất” để chăm sóc họ. Đó là điều làm chúng ta thành những người cha tốt.

Các linh mục của chúng ta thường là những người có tinh thần trách nhiệm trong việc làm cho đàn chiên của họ trở thành dân Chúa. Họ đứng ở tiền tuyến. Họ vác gánh nặng và sức nóng trong ngày (x. Mt 20,12), bị đối diện với vô số tình huống hàng ngày có thể làm họ suy sụp. Vì vậy, họ cần sự gần gũi, sự hiểu biết và khuyến khích của chúng ta, tình phụ tử của chúng ta. Kết quả của công việc mục vụ, truyền giảng Tin Mừng và truyền giáo của chúng ta không phụ thuộc vào các phương tiện và tài nguyên vật chất tùy ý chúng ta sử dụng, hoặc vào số lượng các biến cố và hoạt động của chúng ta, nhưng vào tính trung tâm của lòng cảm thương: đây là một trong những điều độc đáo mà chúng ta như một Giáo hội có thể cung cấp cho anh chị em của chúng ta. 

Kenosis của Chúa Kitô là biểu hiện tối cao của lòng từ bi Chúa Cha. Giáo hội của Chúa Kitô là Giáo hội của lòng cảm thương, và điều này bắt đầu từ trong nhà. Điều luôn luôn tốt là tự hỏi mình như các mục tử, “cuộc sống của các linh mục của tôi ảnh hưởng đến tôi như thế nào? Tôi có thể trở thành một người cha, hay tôi tự hài lòng với việc chỉ là một giám đốc điều hành? Tôi có để mình bị làm phiền không? Tôi nghĩ lại điều Đức Bênêđictô XVI đã nói với các đồng bào của ngài khi bắt đầu triều giáo hoàng của ngài: “Chúa Kitô không hứa với chúng ta một cuộc sống dễ dãi. Những người tìm kiếm sự thoải mái đã quay số sai. Thay vào đó, Người chỉ cho chúng ta con đường đến những điều tuyệt vời, đến với sự tốt lành, đến một cuộc sống đích thực của con người. (Đức Bênêđictô XVI, Diễn văn cho những người hành hương Đức, 25 tháng 4 năm 2005).

Chúng ta biết rằng công việc của chúng ta, các chuyến viếng thăm và các cuộc hội họp của chúng ta - đặc biệt tại các giáo xứ - có một thành tố nhất thiết có tính hành chính. Đây là một phần trách nhiệm của chúng ta, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên dành tất cả thời gian giới hạn cho các nhiệm vụ hành chính. Khi đi thăm, điều quan trọng nhất - điều duy nhất chúng ta không thể ủy nhiệm - là “lắng nghe”. Nhiều nhiệm vụ hàng ngày của chúng ta nên ủy thác cho người khác. Tuy nhiên, điều chúng ta không thể ủy thác là khả năng lắng nghe, khả năng theo dõi sức khỏe tốt và cuộc sống của các linh mục. Chúng ta không thể ủy thác cho người khác cánh cửa mở rộng cho họ. Một cánh cửa mở rộng mời gọi sự tín thác hơn là sự sợ hãi, sự chân thành hơn là đạo đức giả, một cuộc trao đổi thẳng thắn và tôn trọng hơn là một lời độc thoại nghiêm khắc.

Tôi nhớ lại những lời của Rosmini: “Không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ có những người vĩ đại mới có thể đào tạo những người vĩ đại khác... Trong những thế kỷ đầu, nhà giám mục là chủng viện đào tạo các linh mục và phó tế. Sự hiện diện và cuộc sống thánh thiện của vị giám mục của họ trở thành một bài học rạng rỡ, liên tục và cao siêu, trong đó, người ta học lý thuyết từ những lời lẽ thâm thúy và thực hành của ngài nhờ việc tiếp cận mục vụ cần mẫn của ngài. Athanaius trẻ tuổi đã học được từ Alexander như thế, và rất nhiều người khác theo cách thức tương tự”(ANTONIO ROSMINI, Năm vết thương của Thánh Giáo Hội).

Điều quan trọng là linh mục chánh xứ gặp được một người cha, một người chủ chăn mà nơi vị này ngài có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình, không phải là một quản trị viên quan tâm đến việc “duyệt đoàn quân”. Điều quan trọng là, bất chấp các quan điểm khác nhau và cả những bất đồng và tranh luận gây sóng gió (là điều bình thường và được mong chờ), các linh mục nên coi giám mục của mình là một người không sợ phải liên lụy, đối đầu với họ, khuyến khích họ và là một bàn tay giang rộng khi họ bị sa lầy. Một người biết biện phân có thể hướng dẫn và tìm ra những cách thực tiễn và khả thi để tiến về phía trước trong những thời kỳ khó khăn trong cuộc sống của mỗi người.

Chữ “thẩm quyền” có nguồn gốc từ chữ Latinh augere: “tăng gia, phát huy, tiến triển”. Thẩm quyền của một mục tử dựa trên khả năng của ngài trong việc giúp đỡ người khác phát triển, dành ưu tiên cho các linh mục của ngài hơn là chính mình (vì điều đó đơn giản làm ngài trở thành một người độc thân được xác nhận). Niềm vui của một người cha và mục tử nằm ở chỗ được nhìn thấy con cái mình lớn lên và sinh hoa kết trái. Thưa các hiền huynh, Anh em hãy để điều đó trở thành thẩm quyền của chúng ta và là dấu hiệu của sự hữu hiệu của chúng ta.

Kenosis của Chúa Kitô có tính nghèo khó

Thưa các hiền huynh, suy nghĩ với Giáo hội có nghĩa là suy nghĩ với các tín hữu giáo dân của chúng ta, dân đau khổ và đầy hy vọng của Thiên Chúa. Nó có nghĩa nhận ra rằng bản sắc thừa tác vụ của chúng ta phát sinh và được hiểu dưới ánh sáng của cảm thức độc đáo và cấu thành này của bản sắc chúng ta. Ở đây tôi xin nhắc lại với các hiền huynh các lời lẽ Thánh Inhaxiô đã viết cho các tu sĩ Dòng Tên: “Khó Nghèo là một người mẹ và là một bức tường”; nó sinh con và nó bao bọc con. Một người mẹ, vì nó đòi hỏi chúng ta phải sinh hoa trái, cho đi sự sống, có khả năng tự hiến mình theo cách mà những cõi lòng ích kỷ hay tham lam không thể làm được. Một bức tường vì nó che chắn chúng ta khỏi một trong những cám dỗ tinh tế nhất mà chúng ta có thể đươung đầu trong tư cách những người đã được thánh hiến. Đó là tính thế gian tâm linh, là tính đặt một lớp sơn tôn giáo và “đạo đức” lên lòng khao khát quyền lực, phù phiếm và cả lòng kiêu căng và ngạo mạn. Một bức tường và một người mẹ có thể giúp chúng ta trở thành một Giáo hội ngày càng tự do vì tập trung vào kenosis của Chúa mình.

Một Giáo hội không muốn sức mạnh của mình trở thành - như Đức Tổng Giám Mục Romero từng nói – người ủng hộ các nhà lãnh đạo quyền lực hoặc chính trị - nhưng tiến lên với sự dứt bỏ cao quý, chỉ dựa vào sức mạnh đích thực phát sinh từ việc ôm lấy Chúa Giêsu bị đóng đinh. Điều này chuyển dịch thành các dấu hiệu rõ ràng và thực tế, nó thách thức chúng ta và kêu gọi chúng ta xét lương tâm của chúng ta về các quyết định và ưu tiên của chúng ta trong việc sử dụng các tài nguyên, ảnh hưởng và chứ vụ của chúng ta. Nghèo đói là một người mẹ và một bức tường vì nó giữ cho trái tim của chúng ta không rơi vào những nhượng bộ và thỏa hiệp rút hết sự tự do và lòng can đảm mà Chúa vốn đòi hỏi nơi chúng ta.

Thưa các hiền huynh, nay, lúc chúng ta sắp kết thúc, chúng ta hãy đặt mình dưới tà áo của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc. Cùng nhau chúng ta hãy xin ngài trông chừng trái tim của chúng ta như các mục tử. Xin ngài giúp chúng ta trở thành những người phục vụ càng ngày càng tốt hơn cho nhiệm thể của Con mình, dân thánh thiện và trung tín của Thiên Chúa đang hành trình, sống và cầu nguyện ở đây, ở Trung Mỹ này.

Xin Chúa Giêsu ban phước lành cho các hiền huynh và xin Đức Mẹ che chở cac hiền huynh. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Cảm ơn các hiền huynh rất nhiều.