Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon
Để mở đầu dụ ngôn này, tôi xin kể lại câu chuyện cuộc gặp không thể tưởng tượng tôi gặp ngoài đường và tôi đã kể trong quyển sách Chúa ở trọn tâm hồn. Câu chuyện cho chúng ta thấy Chúa đã dùng bí tích hòa giải để đưa người phạm tội về với Ngài quan trọng như thế nào.
Tháng 5 năm 2003, chúng tôi ở Sanarydr tham dự vào sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Đức Giám mục Rey, giáo phận Toulon ban phép lành cho chúng tôi và gởi chúng tôi từng hai người một đi gặp người dân và xin họ đọc kinh chiều với chúng tôi. Olivier Bonnassies người thành lập tổ chức quốc tế Maria-Nadarét đi với tôi. Các cuộc gặp của chúng tôi xảy ra tốt đẹp. Người dân cởi mở tiếp thu. Khi đang trên đường về thì có một người ăn nói cộc lốc kêu chúng tôi lại:
– Ê, quý vị là cha xứ hả! Tới đây xem chút nào!
Tôi quay lại. Ông khoảng ngoài năm mươi, tóc dài quá vai, dáng vẻ nghệ sĩ. Bên cạnh ông là một người trẻ hơn, tóc ngắn màu vàng. Týp người Ba Lan.
– Ê, cha xứ hả, tới đây chơi!
Người đàn ông này cho tôi có cảm tưởng họ đang muốn khai vị gì đây. Đây đúng là dịp để nói về Chúa. Tôi đến gần và tôi đoán không sai. Ông bắt đầu mở ngòi về các cha xứ và dĩ nhiên là với ít nhiều nghi ngờ. Tôi ráng chịu. Đó là một phần trong công việc của tôi. Tuy nhiên tôi cố gắng nâng cao thảo luận một chút. Dần dần, chúng tôi có được bầu khí tin tưởng và tôi cảm thấy câu chuyện sẽ có thể xoay về hướng xấu, vậy phải rất kiên nhẫn. Ông tên là Léopold và vừa mất một người rất thân sáng nay. Ông rất buồn. Tôi đề nghị ông cầu nguyện nhưng ông tránh. Tôi trở lại nhiệm vụ của mình. Có phải ông kêu mình lại vì mình là cha xứ đó không?
– Bạn có tin chắc là bạn không muốn chúng tôi cầu nguyện cho bạn không?
– Không, ông trả lời thẳng. Chính tôi sẽ là người cầu nguyện cho quý vị!
Tôi quá ngạc nhiên, Léopold đứng giữa chúng tôi, đặt tay lên vai mỗi người và cầu nguyện như sau:
– Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết con là kẻ hèn mọn. Nhưng con cầu nguyện xin Chúa cho hai tên này có can đảm đi ra ngoài đường nói về Chúa cho người dân, đó là những tên rất tốt, vậy Chúa hãy nghĩ đến họ, amen.
Vậy là tôi bị lừa! Người này cũng ở trong một nhóm cầu nguyện nào đó. Rất xúc động, tôi ôm ông vào lòng, chân thành vỗ vai ông và cám ơn ông hết lòng. Ông không chờ được như vậy, bây giờ đến lượt ông xúc động! Ông đi lui một mét, đặt hai tay ông trên vai tôi, vòng tay giang rộng ra:
– Bạn nhìn thẳng vào mắt tôi! (Ngạc nhiên, tôi nhìn ông.) Bạn là linh mục à?
– Đúng.
– Vậy thì bạn giải tội cho tôi được không?
– Được chứ!
– Vậy thì giải tội cho tôi ngay!
Chúng tôi tách ra một bên và ông quỳ xuống ngay giữa bãi đậu xe. Tôi quỳ gối bên cạnh ông. Xe nhích qua nhích lại giữa chúng tôi.
– Bạn có tin chắc là Chúa tha tội cho tôi không?
– Chắc chứ! Tôi, trong cương vị là người, tôi không có quyền lực nào, nhưng trong cương vị linh mục, tôi có thể ban cho bạn lời tha thứ của Chúa Giêsu. Ngài đã nói trong Phúc Âm: “Sự gì chúng con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc.”
Léopold xưng tội. Hôm đó tôi không câu một con cá thường mà câu một con cá voi. Sau khi được tha tội, ông yên lòng thư thái. Ông muốn chúng tôi ngồi lại đó để nói chuyện nhưng tôi còn phải đi các mục vụ khác. Tôi từ giã ông, lòng rất xúc động.
Tôi nghĩ là câu chuyện của tôi chấm dứt ở đây, nhưng nó lại xảy lại ngoài mong chờ.
Bây giờ là tháng 12 năm 2003. Chúng tôi có công tác mục vụ giống như vậy ở thành phố Avignon. Đức Giám mục Cattenoz cũng xuống đường, Ngài khuyến khích các linh mục khác theo Ngài.
Làm công việc mục vụ xong, một cô gái trẻ trong nhóm truyền giáo đến gặp tôi:
– René-Luc, gặp bạn ở đây thật đúng lúc, chúng tôi gặp một ông ngoài đường, ông muốn xưng tội, bạn có thể giải tội chứ?
– Đương nhiên là được, ông ấy ở đâu?
– Ở kia kìa.
Theo ngón tay chỉ, tôi thấy một người ở gần bàn thờ, đó là ông Léopold! Chính ông rồi, tôi biết ông. Tôi quá ngạc nhiên. Chúng tôi ở xa nhau 300 cây số và 8 tháng cách lần gặp đầu, chúng tôi chỉ gặp ông một lần một giờ ở ngoài đường! Trong khi tôi đang nhớ lại sự việc thì một linh mục khác đến giải tội cho ông. Sau khi xưng xong, cô gái đưa ông đến gặp tôi, cô không biết gì câu chuyện giữa chúng tôi, cô nói:
– René-Luc, bạn biết đó, tôi gặp ông này ngoài đường, ông xin xưng tội, bạn biết ông là ai không?
– Có, tôi biết chứ.
– Đúng là thật tuyệt, chúng tôi gặp ông. Ông kể cách đây ít lâu ông có xưng tội, nhưng ông không chắc là Chúa có tha tội cho ông hay không. Nhưng bây giờ thì ông yên lòng! Tuyệt vời không?
Tôi không nói gì với cô lần tôi gặp Léopold mấy tháng trước đây.
Đúng thật, có thể nói Chúa nhân lành luôn tiếp tục công việc của mình!…
Dụ ngôn keo dính
Câu chuyện của Léopold chứng tỏ Chúa nhân lành có đủ mọi cách để mang con người về với Ngài. Xưng tội là phương tiện hàng đầu để tái lập lại gắn kết với Chúa mà con người đã đánh mất. Nhưng rất nhiều người không bước qua được bước này, họ không thấy có chút lợi ích nào.
– Cha biết đó, tôi, tôi không cần xưng tội. Vì tôi có thể trực tiếp xin Ngài tha tội cho tôi. Và tôi thấy như vậy lại tốt cho tôi!
Xưng tội cần một thái độ khiêm tốn và đó là quan trọng, tôi hiểu nhiều người thà tránh đi thì tốt hơn. Tuy vậy bí tích này rất quan trọng. Như tôi đã nói với Léopold, chính Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ của mình: “Sự gì chúng con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc.” Ngài muốn các tông đồ của ngài có quyền lực này. Tôi xin giải thích trong dụ ngôn keo dính.
Keo dính
Ai trong đời cũng có lần dùng đến keo dính này. Để ráp một bản vẽ, để dán lại cái bình bị nứt, chúng ta dùng ống keo dán có sức dính cực mạnh này. Nếu chẳng may bạn làm rơi keo dính vào ngón tay và bạn kẹp hai ngón tay lại, bạn sẽ sợ chúng dính vào nhau mãi!
Bạn bị dính, bạn bị tê liệt. Tội trong đời chúng ta cũng vậy, cũng như keo dính, nó làm cho chúng ta bị tê liệt. Tội làm cho chúng ta không còn tự do! Và nếu tôi đến gần ai với ngón tay dính keo, tôi sẽ có thể làm người kia bị tê liệt. Các ngăn chận cá nhân riêng của mình sẽ ngăn chận quan hệ của mình với người khác và cứ thế mà kéo theo, kéo nhau theo dây chuyền!
Nước
Phải tìm một cách để thoát ra. Trong trường hợp này phản xạ tự nhiên là đi kiếm vòi nước để rửa tay. Nhưng không được. Các ngón tay vẫn còn dính với nhau. Nước không gỡ ra được! Cũng vậy, những ai nghĩ rằng sau khi phạm tội họ trực tiếp xin Chúa tha tội. Đó là phản xạ rất tốt, rất quan trọng là ăn năn ngay sau khi ý thức mình đã phạm lỗi. Dù tự mình quay về với Chúa, nhưng nó vẫn còn thiếu một cái gì.
“Nước thánh”
Để gỡ tay đã bị dính keo thì phải cần một dung môi đặc biệt, dung môi này như ‘nước thánh’. Cũng vậy, để tâm hồn không bị tê liệt vì tội, chúng ta cần một dung môi đặc biệt, đó là ‘Nước thánh’, là bí tích giải tội. Nước thánh này không đến từ linh mục, vì linh mục cũng là người phạm tội và cũng cần xưng tội thường xuyên như chúng ta. Quyền lực này không đến từ con người, nhưng đến từ Chúa, Đấng đã chọn những kẻ đơn sơ, phạm tội này để hành động qua họ. Linh mục chỉ là bình đựng ‘nước thánh’, Chúa mới có quyền năng giải thoát.
Thiên Chúa cho con người ơn sủng đặc biệt này. Linh mục chỉ là người thừa tác. Và khắp nơi trên thế giới các linh mục chờ bạn. Đôi khi họ ở trong tòa giải tội mà không có một ai đến, theo hình ảnh của Chúa, Đấng chờ con cái trở về với Ngài.
Các bạn đừng chờ gì nữa, như Thánh Phaolô đã căn dặn “xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cr 5, 20)!
Marta An Nguyễn dịch
Dụ ngôn keo dính hay tại sao phải xưng tội với một linh mục?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét