VIỆC HỌC THEO KHỔNG TỬ TRONG TÁC PHẨM LUẬN NGỮ
Môn học: Triết Học Trung Hoa
Giáo sư: Vũ Minh Trí, S.J
Học viên: Bùi Đức Thiện, S.J
Dẫn nhập
Tư tưởng giáo dục Phương Tây đề cao sự phê bình, nhấn mạnh đến sự sáng tạo của người học, không phải lối học vẹt, bóp chết sáng tạo.[i] Liệu giáo dục Á Đông dưới ảnh hưởng cách dạy và học kiểu Khổng có những giá trị đó không? Khổng Tử thực chất quan niệm việc học như thế nào? Phải chăng học hành theo lối Khổng Tử là để có bằng cấp, “đỗ cụ, đỗ quan”, trở thành “ông Nghè, ông Cử”? Những hiểu biết đúng đắn về việc học trong sách Luận Ngữ có lẽ phần nào làm rõ thực chất cách giáo dục theo kiểu Khổng, từ đó giúp hiểu biết hơn ý nghĩa và mục đích của việc học trong cuộc đời mỗi người. Bài viết này sẽ nỗ lực trình bày những nét chính yếu của việc học trong tác phẩm Luận Ngữvới bốn phần chính. Phần đầu tiên đề cập đến khái niệm việc học nhằm làm rõ quan điểm của Khổng Tử về việc học trong sách Luận Ngữ. Phần thứ hai sẽ chỉ ra thái độ cần có của người học đối với việc học. Phần thứ ba trình bày mức độ của người học và phương pháp học theo Khổng Tử trong Luận Ngữ. Cuối cùng là một vài nhận định cá nhân đối với những vấn đề giáo dục của Việt Nam trong tình hình hiện nay dưới cái nhìn vận dụng sự hiểu biết đúng đắn việc học theo Khổng Tử.
I. Khái niệm về việc học trong Luận Ngữ
Thời cổ đại, ở Trung Quốc, học hành là quyền lợi của giai cấp quý tộc. Người bình dân không có cơ hội để tiếp thu giáo dục nên dân trí thấp. Vì vậy, đối với họ, khái niệm về việc học có lẽ còn xa vời. Họ có thể tiếp thu những kỹ năng như trồng trọt, buôn bán, … chứ chưa thể khẳng định xác đáng thế nào là việc học.[ii] Với hoàn cảnh đó, Khổng Tử đã nỗ lực học tập và cố gắng giúp đỡ người khác học tập, nâng cao dân trí, dạy dỗ không kể bất cứ loại người nào (15,38)[iii]. Có lẽ bắt đầu từ thời của Khổng Tử, khái niệm về việc học trở nên rõ ràng hơn. Từ đây, một số yếu tố sẽ được xem xét gồm: việc học xét về mặt từ ngữ, yếu tính của việc học trong Luận Ngữ, và mục đích của việc học.
1. Việc học xét về mặt từ ngữ
Chữ Học[iv] (xue) được nhắc đến 66 lần trong sách luận ngữ. Theo chữ Hán, xét chức năng như một động từ, Học biểu thị trạng thái của một hành động mà một người phải đảm nhận. Với nghĩa này, Học có thuộc tính của một hành động có khuynh hướng, khác với một tình trạng cụ thể có sẵn của người đó. Nói cách khác, Học có thể xem như sức lực giúp con người có được kỹ năng, sự hiểu biết, tạo nên sự phát triển của một con người trong mối liên hệ với thế giới tự nhiên, nhờ đó người này đạt được một khả năng mới trong đời sống.[v]
Như vậy, Học đem đến một tình trạng mới. Khi xét chức năng như một động từ, Học có nghĩa như một tiến trình không ngừng, biểu thị một trạng thái của một hành động hơn là chính hành động. Vậy những yếu tố nào góp phần tạo nên trạng-thái-theo-hướng-hành-động mà chữ Học biểu thị?
2. Yếu tính của việc học
Ngay từ đầu, Luận ngữ đã đề cập đến tinh thần của việc học. Đó là học tùy thời ôn tập đem lại cho người học niềm vui (1,1). Khổng Tử tuy không nói đến những yếu tố cấu thành nên việc học cách trực tiếp, nhưng dựa vào đó có thể rút ra được ba yếu tố gồm: cố gắng giành lấy cái hay và cái tốt, ôn tập tri thức có được và niềm vui. Trước hết, việc học là việc giành lấy cái hay và cái tốt có được từ sách vở, từ những người lận cận, từ quá khứ… Theo Chu Hy chú giải, việc học gắn liền với người dạy và người học. Bản tính của con người vốn tốt lành, vì vậy để trở nên tốt, người học cần giành lấy cái hay và cái tốt từ người dạy. Nói rộng ra, bất cứ chỗ nào có cái hay, cái tốt cũng cần giành lấy để trang bị cho bản thân. Đây chính là việc học thực sự.[vi]
Thứ hai, sau khi đã có được vốn tri thức, người học cần phải ôn tập lại. Việc ôn tập một mặt để củng cố những gì đã học, mặt khác đào sâu tri thức đó. Nếu thiếu sự ôn tập, những thứ thu lượm được sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng, người ta không đạt được một tình trạng mới, không thu góp được những cái tốt. Việc giành lấy cái hay thành ra vô ích phí phạm. Thứ ba, yếu tố làm nên việc học là niềm vui. Sau khi giành lấy cái hay, cái tốt, người học trò có được niềm vui vì có thêm tri thức. Ôn tập lại, một mặt, họ được gợi lại những cảm xúc vui tươi đã từng có, mặt khác họ đào sâu những gì mình đã học, không những vậy gặp được người bạn hiền, cùng đàm đạo những cái hay, cái tốt đẹp, niềm vui nhờ đó mà thêm sâu đậm hơn. Vì thế, thiếu niềm vui, dường như sự học không còn có ý nghĩa.[vii]
Như vậy, những yếu tố cấu thành nên việc học xác định một tiến trình, trong đó, người học giành lấy cái hay và cái tốt, ôn tập lại những gì thu lượm được, tạo nên niềm vui sâu đậm trong tâm hồn. Tiến trình này vừa xác định bản chất của tri thức con người có được là hay và tốt đẹp, đồng thời nhấn mạnh đến kết quả việc học gắn liền với niềm vui.
3. Mục đích của việc học
Cốt lõi của việc học đối với Khổng Tử là để trở thành quân tử, rồi thành thánh nhân là những người hiểu biết đạo lý và là khuôn mẫu lý tưởng cho muôn người (19,7). Để có thể đạt được mẫu hình này, trước hết cần phải có chí, tức là có khát khao trở thành quân tử, sau đó người ta cần phải học.[viii]
Học để trở nên những con người lý tưởng ấy không thể giống như học một cái nghề hay học một kỹ năng. Đành rằng quân tử cũng có thể là nhà lãnh đạo cũng cần có kỹ năng để làm công việc bản thân đảm trách, nhưng thực sự, kỹ năng chỉ là phương tiện đối với người quân tử, trong khi đó, người quân tử không phải là khí cụ, không phải là chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào (2,12). Điều đòi hỏi trong việc học để trở nên quân tử hay thánh nhân là việc biến đổi con người để có được những đức tính cần thiết, tức là học để có được những đức hạnh.
Người quân tử cần phải có các đức hạnh: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung và hiếu. Trong các đức hạnh này, Khổng Tử cho rằng, đức nhân là nguồn của mọi nhân đức. Nếu thiếu đức nhân, dù hiểu biết thấu đáo kiến thức mấy rồi cũng sẽ mất (15,32). Đức nhân là đạo[ix] phụ thuộc vào thiên mệnh (14,36), nhưng đồng thời cũng ở trong chính mỗi người (7,29). Người có đức nhân khao khát bản thân tự lực tự cường thế nào thì cũng làm cho tha nhân như vậy (6,28), không bao giờ làm cho người khác điều mà bản thân không muốn (12,2).
Nguồn gốc của đức nhân ở đâu? Trong Trung Dung, có thể thấy, Chân Thành là khởi đầu và cùng đích của mọi vật. Không Chân Thành, không có vật nào hết. Vậy, muốn có Nhân cần có Thành. Sống nguyên lý của Chân Thành nghĩa là không chỉ thành tựu cho bản thân đạt được đức nhân, còn để tác thành vạn vật, đạt được đức trí.[x] Như thế, nếu một người sống không có Thành, người đó không đạt được đức nhân. Trái lại, nếu sống có Thành, người đó được thêm thông sáng. Càng thông sáng lại càng nhận ra Thành, nhờ đó đi trong thiên đạo, sống trọn vẹn thiên mệnh của chính mình.[xi]
Làm thế nào để có Thành? Mạnh Tử đã nhấn mạnh để có Thành cần phản thân nhi thành, trở về mà thành thực với chính mình.[xii] Người muốn có Thành cần phải trở về với cõi nội của bản thân, nhận ra những trở ngại, dẹp bỏ những nhơ bẩn trong tâm hồn, trở về với bản nhiên.[xiii] Càng thành thực với chính mình, càng có đường lối, những mâu thuẫn được sáng tỏ, hướng đến những giá trị sống, tương quan giữa bản thân với người khác ngày càng thêm thuận thảo.[xiv]
Như vậy, dường như cốt lõi trong việc học của Khổng Tử không nhắm đến những tri thức sâu xa về một ngành nghề cụ thể cho bằng là hướng đến cái nền tảng là các đức hạnh của con người, trước khi trang bị cho bản thân những tri thức thuộc ngành nghề nào đó. Trong các đức hạnh, Khổng Tử luôn đặt để đức nhân lên hàng đầu như là nguồn của mọi đức hạnh khác. Để đạt được đức hạnh này, mỗi người được mời gọi quay trở về với bản thân, nhận ra những trở ngại trong tâm hồn, từ đó, hướng ra ngoại tại, tạo lập cho bản thân giá trị sống trong tương quan với mọi người dưới cái nhìn toàn thể của Thành. Nói cách khác, việc học trong Luận Ngữ không dừng lại ở việc tiếp thu tri thức, nhưng là một tiến trình để con người đạt đến đức nhân, từ đó có các đức hạnh khác. Việc học như chiếc cầu nối các đức hạnh và con người trong sự thành tựu không chỉ cho mình, nhưng còn cho tha nhân. Vậy việc học đối với Khổng Tử cần có thái độ như thế nào?
II. Thái độ đối với việc học
Học dường như trở nên rất cần thiết đối với Khổng Tử để có được các đức hạnh. Trong tiến trình thành quân tử hay thánh nhân, việc học cần có hai thái độ chính yếu: học vì mình hơn là vì người (14,24) và hiếu học.
1. Học vì mình hơn là vì người
Trước hết, thái độ đầu tiên đối với việc học là hướng đến bản thân mình hơn là người khác vì hai lẽ. Thứ nhất, học vì mình giúp biết rõ chính mình, không bị hòa tan trong đám đông. Đối với Khổng Tử, mỗi cá nhân độc lập là đặc tính hiện hữu của con người. Trong sự hiện hữu này, mỗi cá nhân được hình thành, lớn lên, biến đổi, canh tân trong mối liên hệ với cộng đồng. Nếu học vì người khác sẽ dẫn đến đánh mất chính mình.[xv] Thứ hai, học vì mình thực ra là học vì tha nhân, bởi lẽ học để có đức hạnh trên hết là đức nhân, phàm là người nhân thì không những nên cho mình, nhưng còn là muốn thành tựu cho người (6,24). Việc học khởi đi là hoàn thiện chính mình, sau đó hướng đến cho người khác. Học vì mình nhưng thực sự cho người. Vì vậy, việc học vì mình không loại bỏ người khác, không mang ý nghĩa vị kỷ, nhưng vị tha.
2. Hiếu học
Thái độ thứ hai cần có đối với việc học trong Luận Ngữ là hiếu học. Hiếu trong hiếu học mang nghĩa yêu mến nhiều hơn là ưa thích dựa trên hai điểm chính yếu. Trước hết, dựa trên chữ hiếu trong hiếu nhân, có thể thấy rằng, khi Khổng Tử chưa thấy người hiếu nhân, nghĩa là chưa thấy người yêu mến đức nhân, vì ít ra ông có thể đã thấy người ưa thích đức nhân rồi (4,6), nên chữ hiếu là yêu mến. Mặt khác, Khổng Tử và Nhan Hồi được kể là người hiếu học[xvi]. Hai người này không thể xem là ưa thích việc học, vì ưa thích chỉ dừng lại ở sự biết, mà yêu mến và có niềm vui ở mức độ cao hơn biết (6,18).
Yêu mến việc học là thái độ cần phải có đối với người học vì hai lý do chính yếu. Thứ nhất, hiếu học giúp đức hạnh đi đúng hướng. Nếu không có hiếu học, đức nhân trở thành ngu muội, đức trí ra phóng túng, đức tín ra tổn hại, đức trực ra sỗ sàng, đức dũng ra phá rối, đức cương ra ngông cuồng (17,8). Với ý hướng hiếu học, người học có được cái nhìn đúng đắn, hướng đi rõ ràng để không bị hư hại bởi những điều che lấp sau đó, tránh được những hậu quả đáng tiếc. Kế đến, hiếu học giúp cho người học vượt lên trên nghịch cảnh, tiến bước trên con đường học vấn nhiều khó khăn, duy trì ý chí nghị lực để đạt được đích đến trong việc học. Người hiếu học thực sự luôn đặt việc học lên trên hết, không chú trọng đến những cái bên ngoài như của ăn, áo mặc, không đòi hỏi tiện nghi, nỗ lực hết sức trong việc học của bản thân, thận trọng trong lời nói, luôn mong muốn tiếp thu những cái hay từ mọi người, nhờ đó mà có suy nghĩ sáng suốt (1,14).
Hai thái độ chính yếu đối với việc học dựa trên nền tảng các đức hạnh, thúc đẩy người học dấn thân và nỗ lực hết mình trong việc học. Vậy người học cần có phương pháp học như thế nào?
III. Mức độ người học và phương pháp học
Xét cho cùng, tri thức được tiếp thu đối với Khổng Tử không chỉ dừng ở học đạo lý, nhưng đẩy đưa đến việc tiếp cận những tri thức thuộc các lĩnh vực khác nhau trong đời sống con người bằng phương pháp cụ thể. Trước khi đề cập đến phương pháp học của Khổng Tử, thiết nghĩ, việc xem xét sự phân chia mức độ của người học thì cần thiết để có được cái nhìn bao quát về cách nhìn người của Khổng Tử dưới khía cạnh việc học, từ đó định hình phương pháp học.
1. Mức độ người học
Khổng Tử chia làm bốn loại người đối với việc học. Người sinh ra đã biết là bậc trên. Người học mà biết là bậc thứ. Người khốn khổ mà học là bậc thấp hơn. Người khốn khổ mà chẳng học là hạng chót. (16,9) Từ đây, có thể thấy rằng, việc học tập cũng có bốn mức độ.
Mức độ thứ nhất, người học được phú bẩm, có thể lãnh hội tri thức một cách dễ dàng, không phải vất vả, nhọc công để suy nghĩ. Dù được phú bẩm như thế, nhưng người thuộc mức độ này cũng cần phải học, một mặt để rèn luyện khả năng, mặt khác để mở mang và làm giàu những điều đã biết. Một người có năng khiếu nếu không chịu học thì những năng khiếu ấy dần cũng mất vì không được nuôi dưỡng. Những người thuộc mức độ này có thể gọi là những thiên tài.
Mức độ thứ hai, người học không được phú bẩm, nhưng có được tri thức nhờ quá trình rèn luyện. Những người thuộc mức độ học này có được tri thức nhờ trải qua một tiến trình dài giành lấy những cái hay của người đi trước. So với người ở mức trên, những người thuộc mức này cần phải nỗ lực nhiều hơn.
Mức độ thứ ba, người rất vất vả để học. Những người thuộc mức độ này dù có thể tiếp nhận được tri thức, nhưng khả năng tiếp nhận rất hạn chế. Một phần do không có năng khiếu phú bẩm, một phần vì khả năng suy nghĩ giới hạn, dù vất vả rất nhiều, nhưng cũng chỉ đạt được mức hạn chế.
Mức độ thứ tư, người không có khả năng học. Những người này dù có nỗ lực học hành nhưng cũng không thể tiếp nhận được trí thức vì không có khả năng. Những người này có thể do vấn đề bệnh lý, không thể học được.
Bốn mức độ trên dựa trên khả năng tiếp nhận tri thức của người học. Mỗi người có khả năng khác nhau, có người tiếp nhận mau chóng, có người khó khăn hoặc không thể tiếp nhận được. Mỗi mức độ diễn tả những đặc điểm khác nhau của mỗi người đối với việc học. Tùy từng mức độ của từng người mà có những bước tiến khác nhau đối với việc học.
2. Phương pháp học
Cả cuộc đời của Khổng Tử dấn thân nỗ lực trong việc học (2,4). Nỗ lực này hiện thực hóa một phương pháp học với ba giai đoạn chính yếu: thu thập chất liệu, phản tỉnh về những điều có được và nội tâm hóa.
Thu thập chất liệu là bước đầu tiên trong việc học. Khổng Tử không sáng tác điều gì mới, chỉ tập hợp cái xưa, truyền lại cho học trò (7,1). Ông không phải là người sinh ra đã biết, nhưng thu thập những cái đã có nhờ nghe nhiều, xem nhiều, chọn lọc và ghi nhớ lấy (7,27). Những điều này cho thấy, giai đoạn đầu tiên trong việc học không phải sáng tạo những cái mới, nhưng thu thập chất liệu đã có từ các nguồn có thể tiếp cận.
Giai đoạn thứ hai là suy nghĩ về những điều thu thập được, nói cách khác phản tỉnh dựa trên những chất liệu đã có. Khổng Tử luôn mong muốn học trò không ngừng hỏi (15,15), có lòng khao khát tìm hiểu không chỉ trong lòng mà còn tỏ bày ra bên ngoài qua lời nói (7,8). Đối với Khổng Tử, người thầy chỉ đóng vai trò như một người khơi gợi, phần còn lại người học trò phải tự mày mò tìm hiểu thêm (7,8). Khổng Tử cho rằng, học hành cần phải có suy nghĩ để việc học không bị rối rắm, biết cách phê bình (2,15), biết chọn lấy những điều chính yếu để có thể thông suốt những điều khác (15,2). Trong giai đoạn này, người học dựa vào những cái có được, suy nghĩ và mở rộng vấn đề, đồng thời tóm kết các vấn đề khác nhau về một mối để có cái nhìn bao quát hơn.
Giai đoạn thứ ba của việc học là nội tâm hóa sau khi phản tỉnh. Người nội tâm hóa có thể xem là người nhận biết được chính mình sau khi đã suy nghĩ, mở rộng và đào sâu những kiến thức thu thập được. Đối với Khổng Tử, những người này biết thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết, như vậy mới thật là biết (2,17). Giai đoạn học này đòi hỏi người học phải hiểu thật rõ những cái đã lĩnh hội, khiêm tốn thừa nhận giới hạn của bản thân, tự tin khẳng định những điều có thể biết được, làm nên nét riêng của chính mình.
Một phương pháp học với ba giai đoạn trên cho thấy phương pháp học của Khổng Tử không chỉ chú trọng đến việc lĩnh hội những cái xưa mà còn thôi thúc người học làm nên những cái mới từ những cái xưa, hình thành nên nét cá vị của bản thân trong việc lĩnh hội tri thức, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo, tạo nên sự phong phú có được nhờ việc suy nghĩ để mở rộng và đào sâu vấn đề. Vậy một phương pháp học như thế sẽ định hướng cho việc giáo dục trong xã hội Việt Nam như thế nào?
IV. Nhận định cá nhân
Việc học trong Luận Ngữ dường như quá lý tưởng khi đề cao các đức hạnh là nền tảng cho việc học. Nếu chỉ lo trau dồi các đức hạnh, không chú trọng đến khía cạnh thực tiễn thì liệu có đủ khả năng để đáp ứng với nhu cầu cơm, áo, gạo, tiền của kiếp nhân sinh? Mặt khác, đã học hành thì đòi phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, lao tâm khổ tứ mới có được thành quả mong đợi chứ nói gì đến niềm vui. Bên cạnh đó, nếu ưu tiên học vì mình mà không đặt tha nhân lên trên hết thì dù học vì-mình-cho-người thì việc học cuối cùng chỉ là phục vụ cho bản thân mình, thậm chí có lúc hủy hoại tha nhân mà không hay biết.
Tuy nhiên, việc học trong sách luận ngữ vẫn còn những nét tích cực khi không chỉ định hướng cho người học con đường học vấn, nhưng còn đem lại cho người học có được cái nhìn thiện cảm với việc học. Vì vậy, thiết nghĩ, một vài nhận định về việc học gồm: học không phải để có bằng cấp nhưng không loại bỏ giá trị của bằng cấp, việc học tập là chuyện cả đời và việc học cần mang tính thích nghi như một trong những đóng góp nhằm thoát cái nhìn ác cảm về vấn đề học hành hiện nay.
1. Học không phải để có bằng cấp nhưng không loại bỏ giá trị bằng cấp
Học để có bằng cấp hay vượt qua một kỳ thi không phải là học thực sự nhưng giống như một tiến trình đối phó với tình huống hoặc hoàn cảnh bắt buộc. Mặc dù bằng cấp thực sự quan trọng và việc phải trải qua một kỳ thi đánh dấu sự hoàn thành một giai đoạn trên đường học vấn, nhưng học không phải để có bằng cấp. Những yếu tố hình thành nên việc học trong luận ngữ gồm: giành lấy cái hay, ôn tập những cái hay và niềm vui, chứ không phải việc đọc, chép, ghi nhớ, giải các bài thi minh họa để vượt qua các kỳ thi nhằm có được bằng cấp. Mặt khác, đối với Khổng Tử, cùng đích của việc học là trang bị cho bản thân những đức hạnh, trên hết là đức nhân, để từ nền tảng những đức hạnh này, người ta tiếp nhận những tri thức trong những ngành nghề khác nhau, nhằm đem lại lợi ích cho mọi người, giúp ích cho xã hội. Hơn nữa, nếu học để có bằng cấp, người ta chỉ chú ý đến việc trang bị một mớ kiến thức cho học sinh khiến việc học trở thành nỗi ám ảnh của người học sinh[xvii], đồng thời, nếu để bằng cấp trở thành cùng đích cho việc học dẫn đến lối học hành theo kiểu lối học khoa bảng chỉ tập trung vào giáo viên, khuyến khích học vẹt, bóp chết sự sáng tạo, gây ra bệnh thành tích[xviii].
Tuy nhiên, thiết tưởng, người học không nên loại bỏ mọi giá trị của bằng cấp. Ngày nay, người ta ít nhiều cũng dựa trên bằng cấp để đánh giá con người, nên sẽ vô lý khi phủ nhận giá trị bằng cấp. Vì vậy, để có thể hoàn thiện việc học, người học dường như không nên xem bằng cấp là cùng đích của việc học, nhưng cần xem bằng cấp như một phương tiện phản ánh khả năng và thực lực của người học. Điều này nhắm đến việc xây dựng một nền giáo dục có chất lượng hơn là số lượng.
2. Học là chuyện cả đời
Kế đến, việc học là chuyện cả đời vì học là sống và sống là học. Trong sách Luận Ngữ,việc học như phương tiện để tạo điều kiện cho tiến trình biến đổi từ cái-được-nhận-biết đến cái-nên-được-nhận-biết, từ đặc điểm giống như động vật đến trở thành một con người thực sự, từ sự hoang sơ trở nên văn minh. Trong tiến trình biến đổi này, việc học xuyên suốt trong mọi giai đoạn, nên có thể nói, học là sống.[xix]
Đối với Khổng Tử, mỗi giai đoạn trong đời người, việc học có một đích nhắm xác định. Mười lăm tuổi cần bắt đầu chuyên chú vào việc học, ba mươi tuổi cần vững vàng để không nghi ngờ với tri thức bản thân có được, bốn mươi tuổi chắc chắn với tri thức được trang bị, năm mươi tuổi biết được hướng đi rõ ràng của đời mình, sáu mươi tuổi không còn cưỡng lại với thiên mệnh, bảy mươi tuổi trở nên thanh thoát và tự do trong đời sống (2,4). Những con số tuổi tác Khổng Tử đề cập có lẽ không phải là những con số xác định cụ thể người ta phải đạt được khi bằng tuổi đó. Những con số này cùng với kết quả kèm theo định ra những mục tiêu cụ thể người học cần ý thức trong mỗi giai đoạn của đời người theo quy luật: sinh, lão, bệnh, tử. Như vậy, đời người luôn gắn liền với việc học. Không chỉ học trong một giai đoạn, nhưng là cả tiến trình sống, cả cuộc đời dấn thân cho việc học, đồng nghĩa với sống là học.
Vì học là chuyện cả đời nên việc giáo dục cần chú trọng đến mọi đối tượng trong các độ tuổi khác nhau, nhờ đó mọi người có được tri thức hữu ích và cuộc sống nên phong phú hơn.
3. Việc học phải mang tính thích nghi
Cuối cùng việc học phải mang tính thích nghi về thời gian và khả năng của người học. Thứ nhất, thời gian cần được xem xét trong việc học hành. Phương pháp học của Khổng Tử đi từ việc thu thập chất liệu, phản tỉnh và nội tâm hóa. Vì thế việc học không phải chuyện một sớm một chiều. Người học cần có sự kiên nhẫn để có thể thu thập chất liệu, dành thời gian cho phản tỉnh và cuối cùng nội tâm hóa, biến kiến thức thành của mình.
Thứ hai, việc học phải tùy người. Mỗi người có mức độ và khả năng khác nhau trong việc học. Có người được phú bẩm, có người cần từ từ rèn luyện mỗi ngày, có người vất vả để học và có cả những người dù cố gắng mấy cũng không thể học được. Điều này đặt ra cho người dạy nhận diện người học để có một phương pháp dạy học phù hợp, đồng thời người học cố gắng nhận biết khả năng của bản thân trong mức có thể, từ đó định ra hướng đi phù hợp cho bản thân trên con đường học vấn.
Như vậy, việc hiểu bản chất của việc học, thái độ cần có đối với việc học, mức độ học và phương pháp học cho thấy một hướng đi mới trong việc xây dựng một tầm nhìn mới cho giáo dục. Tầm nhìn này không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nên những con người có đức hạnh vững chắc, biểu thị sự trưởng thành trong đời sống đạo đức, nhưng còn là những con người toàn diện, đóng góp cho xã hội trong mọi lãnh vực khoa học tự nhiên cũng như xã hội tùy theo khả năng của mỗi người, tạo nên những con người có đủ đức và tài phục vụ cho xã hội.
Kết Luận
Mặc dù việc học theo Khổng Tử trong sách Luận Ngữ có vẻ quá lý tưởng khi nhấn mạnh nền tảng việc học là các đức hạnh, nhưng việc hiểu biết bản chất của việc học như một sợi chỉ nối liền với các yếu tố giành lấy cái hay, ôn tập và niềm vui, cho thấy rằng việc học không thể được xem như một sự tra tấn, nhưng đem lại cho con người một cuộc sinh hạ mới trong từng giai đoạn của đời người. Để đạt được những điều ấy, việc học theo kiểu Khổng không chỉ dừng lại ở việc đọc chép, nghe, ghi nhớ, nhưng đòi hỏi người học phải cố gắng nỗ lực phản tỉnh những điều thu thập được bằng việc suy nghĩ, phân tích, giải thích và đào sâu vấn đề, sáng tạo những cái mới, cuối cùng là biến tri thức ấy thành nét riêng của bản thân qua việc nội tâm hóa. Phương pháp học hành này được xây dựng trên nền tảng vững chắc là các đức hạnh với thái độ học vì mình và tình yêu không bao giờ mỏi mệt với việc học. Từ đó, có thể thấy rằng, bằng cấp không phải là tất cả đối với việc học, nhưng không nên phủ nhận mọi giá trị của bằng cấp. Việc học cần được nhìn đến như một tiến trình diễn ra cả cuộc đời và để có thể đạt được hiệu quả, việc học cần mang tính thích nghi về thời gian và tùy khả năng của người học để có phương pháp dạy học cho phù hợp.
Ghi Chú
- Jin Li, Cultural Foudation of Learning – East and West, (New York: Cambridge University Press, 2012), 21-22.
- Vô danh, Luận ngữ – Thánh Kinh của người Trung Hoa, Hồ Sĩ Hiệp chuyển ngữ, (Đồng Nai: Nhà xuất bản Đồng Nai, 1995), 52.
- Bài viết sử dụng bản dịch Tứ Thư của Lý Minh Tuấn trong tác phẩm Tứ Thư Bình Giải, (HCM: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2010). Để thuận tiện trong việc trình bày, những phần trích dẫn trong sách Luận Ngữ được trích dẫn bằng hai con số. Số đầu tiên là thứ tự chương sách, số thứ hai là thứ tự đoạn trong chương đó.
- 學
- Chung-ying Cheng, “A Theory of Learning in Confucian Perspective”, Educational Philosophy and Theory, 48:1 (2016): 52.
- Daniel K.Gardner, Zhu Xi’s Reading of the Analects – Canon, Commentary, and the Classical Tradition (New York: Columbia University Press, 2003), 31.
- Gardner, Zhu Xi’s Reading of the Analects, 29.
- Chung-ying Cheng, “A Theory of Learning in Confucian Perspective”, 59.
- Trương Lập Văn, Thiên, (HCM: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 2003,), 100 – 105.
- Trung Dung, 25.
- Trung Dung, 21.
- Mạnh Tử 13,4.
- Mạnh Tử 3,2.
- Trung dung 20.
- Kyung Hi Kim, “An Attempt to Elucidate Notions of Lifelong Learning: Analects-Based Analysis of Confucius’ Ideas about Learning”, Journal of Philosophy of Education, Vol.5, No.2, (2004), 120.
- 5,27; 6,2; 11,6.
- Http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/chau-kiet-suc-chan-nan-va-tuyet-vong-khi-nghe-chu-hoc-328918.html, truy cập ngày 09/08/2017.
- Jin Li, Cultural Foudation of Learning – East and West, 63-69.
- Xinzhong Yao, An Introduction to Confucianism, (New York: Cambridge University Press, 2000), 210.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
CHUNG-ying Cheng, “A Theory of Learning in Confucian Perspective”, Educational Philosophy and Theory, 48:1 (2016): 52-63.
- GARDNER, Daniel K., Zhu Xi’s Reading of the Analects – Canon, Commentary, and the Classical Tradition, New York: Columbia University Press, 2003.
- JIN Li, Cultural Foudation of Learning – East and West, New York: Cambridge University Press, 2012.
- KYUNG Hi Kim, “An Attempt to Elucidate Notions of Lifelong Learning: Analects-Based Analysis of Confucius’ Ideas about Learning”, Journal of Philosophy of Education, Vol. 5, No. 2, (2004), 117-126.
- LÝ Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2010.
- TRƯƠNG Lập Văn, Thiên, Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 2003,), 100 – 105.
- VÔ danh, Luận ngữ – Thánh Kinh của người Trung Hoa, Hồ Sĩ Hiệp chuyển ngữ, Đồng Nai: Nhà xuất bản Đồng Nai, 1995.
- XINZHONG Yao, An Introduction to Confucianism, (New York: Cambridge University Press, 2000).
- Http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/chau-kiet-suc-chan-nan-va-tuyet-vong-khi-nghe-chu-hoc-328918.html, truy cập ngày 09/08/2017.
[i] X.Jin Li, Cultural Foudation of Learning – East and West, (New York: Cambridge University Press, 2012), 21-22.
[ii] Vô danh, Luận ngữ – Thánh Kinh của người Trung Hoa, Hồ Sĩ Hiệp chuyển ngữ, (Đồng Nai: Nhà xuất bản Đồng Nai, 1995), 52.
[iii] Bài viết sử dụng bản dịch Tứ Thư của Lý Minh Tuấn trong tác phẩm Tứ Thư Bình Giải, (HCM: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2010). Để thuận tiện trong việc trình bày, những phần trích dẫn trong sách Luận Ngữ được trích dẫn với hai con số. Số đầu tiên là thứ tự chương sách, số thứ hai là thứ tự đoạn trong chương đó.
[iv] 學
[v] Chung-ying Cheng, “A Theory of Learning in Confucian Perspective”, Educational Philosophy and Theory, 48:1 (2016): 52
[vi] Daniel K.Gardner, Zhu Xi’s Reading of the Analects – Canon, Commentary, and the Classical Tradition, (New York: Columbia University Press, 2003), 31.
[vii] Gardner, Zhu Xi’s Reading of the Analects, 29.
[viii] Chung-ying Cheng, “A Theory of Learning in Confucian Perspective”, 59.
[ix] Cf. Trương Lập Văn, Thiên, (HCM: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 2003,), 100 – 105.
[x] Trung Dung, 25.
[xi] Trung Dung, 21.
[xii] Mạnh Tử 13,4.
[xiii] Mạnh Tử 3,2.
[xiv] Trung dung 20.
[xv] Kyung Hi Kim, “An Attempt to Elucidate Notions of Lifelong Learning: Analects-Based Analysis of Confucius’ Ideas about Learning”, Journal of Philosophy of Education, Vol.5, No.2, (2004), 120.
[xvi] 5,27; 6,2; 11,6.
[xvii] Http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/guong-mat-tre/chau-kiet-suc-chan-nan-va-tuyet-vong-khi-nghe-chu-hoc-328918.html, truy cập ngày 09/08/2017.
[xviii] Jin Li, Cultural Foudation of Learning – East and West, (New York: Cambridge University Press, 2012),63-69.
[xix] Xinzhong Yao, An Introduction to Confucianism, (New York: Cambridge University Press, 2000), 210.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét