Trang

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Dụ ngôn con đường hay làm thế nào để tôn trọng tất cả các tôn giáo?

Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon
Chúng tôi đang ở ngày 15 tháng 8 – 1999. Tôi rời Lộ Đức và đi bộ về hướng trung tâm hành hương Thánh Giacôbê-Compostelle, nơi hành hương nổi tiếng của Tây Ban Nha. Tôi dự trù sẽ đến đó ngày 14 tháng 9, ngày lễ Thập giá Vinh quang. Năm nay đặc biệt ngày 25 tháng 7 lễ Thánh Giacôbê nhằm vào ngày chúa nhật. Và Giáo hội tuyên bố các năm này là “những năm thánh-compostelle”: khách hành hương được hưởng ân xá đặc biệt khi họ đi bộ về trung tâm Thánh Giacôbê-Compostelle.
Từ khắp Âu châu, khách hành hương càng lúc càng tấp nập đổ về đông, họ hướng về mộ thánh tông đồ ở Tây Ban Nha. Tất cả đều có thể đi riêng từ nhà mình, nhưng theo truyền thống ở Pháp, khách hành hương thường quy về một trong bốn con đường chính để cùng đi. Đường đầu tiên từ Pháp đi ngang qua thành phố Tours, đây là “đường Tours hay đường Turonensis”. Đường thứ nhì đi từ Vézelay ngang qua Bergerac, đó là “đường Vézelay hay đường Lemovicensis ”. Đường thứ ba được biết đến nhiều nhất, khởi đi từ Puy-en-Velay và ngang qua Conques và Rocamadour, đó là “đường Puy hay đường Podiensis”. Ba con đường này gặp nhau ở biên giới Pháp và Tây Ban Nha ở trạm Saint-Jean-Pied-de-Port để băng qua rặng núi Pyrénées. Đường thứ tư là con đường tôi đi, khởi từ Arles đi ngang qua Saint-Guilhem, Montpellier, Toulouse rồi đến rặng núi Pyrénées ở đèo Somport, đó là “đường Arles hay đường Tolosana”. Bốn con đường này gặp nhau bên kia rặng Pyrénées phía Tây Ban Nha ở Puente la Reina, và từ đó khách hành hương đi con đường duy nhất là đường Camino Francés” để đến trung tâm.
Tôi muốn sống tháng hành hương này là tháng tĩnh tâm dài hạn. Tôi đã làm linh mục được năm năm và bây giờ tôi muốn dùng thì giờ để nghĩ về sứ vụ của mình. Nhưng tôi cũng muốn đem những người tôi yêu thương cùng đi trên con đường này. Mỗi ngày tôi dâng ngày đi của mình cho một người. Tôi khắc tên họ trên chiếc gậy đi đường, chiếc gậy truyền thống của người đi hành hương.
Trên đường đi tôi gặp rất nhiều khách hành hương. Tất cả đều khác nhau và mục đích của họ cũng khác nhau. Một vài người xem đây như một sinh hoạt thể thao, nhưng đa số họ đi tìm một con đường thiêng liêng. Phần lớn khách hành hương ở Lộ Đức là tín hữu giữ đạo. Còn trên đường đi này là những người “vừa đi-vừa tìm”. Họ đi tìm nhưng không nhất thiết họ giữ đạo. Một ngày nọ, khi thấy tôi vừa đi vừa lần chuỗi, một bà mẹ Tây Ban Nha ngồi trước cửa nhà gọi tôi đến nói: “A, thật là vui khi thấy có người đi hành hương lần chuỗi!” Bà tín hữu này vui ra mặt khi thấy “khách hành hương có đạo!”
Dù đi một mình, nhưng tôi nhận ra ngay cả một thành phố nhỏ cũng trên đường đi. Mọi người đều ngừng gần như cùng chỗ trọ dù họ đi nhanh chậm khác nhau, rồi thì sau vài ngày, chúng tôi cũng bắt gặp những người đi trước chúng tôi. Thường thường từng nhóm hợp nhau đi với nhau.
Ngày 25 tháng 8 tôi đến San Juan ở Ortega, tôi gặp một nhóm ba người trẻ: cô Marie người Pháp đi từ Toulouse; anh Ben người Úc đi từ Puy, và anh Neal người Anh gốc hinđu ở Luân Đôn. Sau khi nghỉ chân một chút, họ quyết định lên đường ban đêm. Chiều hôm sau, tôi gặp họ khi họ nghỉ trưa sau một đêm thức trắng. Chúng tôi có giờ trao đổi lâu dài với nhau và tôi tiếp tục con đường của tôi.
Sau đó tôi biết cô Maria Sole, một vũ công flamenco ở Mêhicô và anh Antonio, người cha gia đình giáo sư pháp văn. Chúng tôi đến Burgos vào buổi chiều. Tiếc là nhà thờ chính tòa đóng cửa.
Ngày hôm sau tôi đi bộ cả ngày với cô Maria Sole và anh Antonio. Cô Maria Sole rất giận Giáo hội Tây Ban Nha vì họ liên kết với nhà độc tài Franco. Tôi để nhiều thì giờ để nghe cô và một ít thì giờ để giải thích cho cô hiểu “quá khứ đã qua”, phải lật qua trang khác để sống với Giáo hội hiện tại. Buổi chiều chúng tôi đến quán cà-phê ngoài trời ở Hornillos del Camino. Cô Maria Solesay mê nói về nghề của cô và anh Antonio lấy làm tiếc là không được xem cô nhảy. Nhảy mà không có nhạc là không được! Và kìa, một chiếc xe ngừng ngay chỗ chúng tôi ngồi, nhạc mở ầm ỉ, loại nhạc Tây Ban Nha sevilla. Cô Maria Sole xin họ khoan đi và trước bao cặp mắt người qua lại nhìn, cô nhảy theo điệu nhạc. Và đó là niềm vui đường dài! Buổi tối tôi mời họ dự thánh lễ tôi dâng ở nhà trọ. Họ nhận lời ngay. Tôi chia sẻ một vài chuyện của đời tôi với họ, họ chia sẻ một vài chuyện của đời họ với tôi.
Tôi không muốn cố định đi với ai, vì thế ngày hôm sau tôi ra đi sớm để có thì giờ cầu nguyện một mình và để gặp thêm người mới.
Giữa  Hontanas và Itero del Castillo, tôi gặp một người Pháp đi ngược đường, anh hỏi tôi:
– Có vẻ như có một linh mục đang đi hành hương, bạn có gặp không?
– Tôi đây.
– Alleluia! Tôi nghe người ta nói về cha nhiều. Tôi từ trung tâm Thánh Giacôbê về, tôi sẽ đi Rôma và đi Giêrusalem. Cha giải tội cho tôi được không?
Tôi quá ngạc nhiên về đức tin và lòng can đảm của người hành hương này.
Ngày 28 tháng 8, tôi đến một nơi trọ rất nhỏ, rất đặc biệt, nơi trọ của nhà nguyện San Nicolas do người Ý chăm lo. Có khoảng mười mấy chỗ trống. Tôi gặp lại anh Neal, người Anh tin lành. Một lát sau anh Ben, người Úc công giáo đến. Buổi chiều tôi dâng thánh lễ bằng tiếng Ý, đọc bài đọc một bằng tiếng Đức và tôi giảng bằng tiếng Anh. Sau thánh lễ, một người tiếp khách rửa chân cho chúng tôi và hôn chúng tôi. Người thứ nhì cầm nến, người thứ ba đọc kinh cầu nguyện khi rửa chân. Một nghi thức thật cảm động. Rồi họ mời chúng tôi ăn tối, một nơi trọ nhớ mãi trên đường đi.
Ngày hôm sau tôi nghĩ mình sẽ đi một mình nhưng Ben và Neal xin tôi cho họ đi theo vì họ muốn đặt nhiều câu hỏi về đức tin. Tôi đồng ý. Chúng tôi lên đường. Câu hỏi của anh Ben thì đơn giản: vì sao kitô giáo cho mình có được sự thật và tốt hơn các tôn giáo khác? Câu hỏi quan trọng với họ vì anh Ben là người Úc gốc Ai Len và anh là người công giáo, còn anh Neal là người Anh tin lành nhưng gốc là người hinđu. Thay vì so sánh kitô giáo với các tôn giáo khác, tôi trình bày cho họ các nền tảng đức tin của tôi. Tôi giải thích về Sách Thánh cho họ nghe: lịch sử ông Abraham, ông Giuse ở Ai Cập, ông Môsê, vua Đavít, lịch sử các tiên tri cho đến sự giáng sinh kỳ lạ của Chúa Giêsu, sứ mạng rao giảng của Ngài, các dấu chỉ ngài đã hoàn tựu, cái chết và sự sống lại của Ngài. Thì giờ trôi đi theo bước chân của chúng tôi, họ chăm chú nghe, họ khao khát biết. Vào cuối buổi chiều, tôi kể cho họ nghe đoạn cảm động của hai môn đệ trên đường Ê-mau (Luca 24). Sáng chúa nhật Phục Sinh, Maria-Mađalêna thấy Chúa Giêsu sống lại. Bà nói với các tông đồ đến ngôi mộ nhưng họ không thấy Chúa Giêsu. Khi đó hai người môn đệ buồn bã rời Giêrusalem vì họ không tin vào lời loan báo Chúa sống lại. Trên đường đi họ gặp Chúa Giêsu mà họ không biết. Chúa Giêsu kể cho họ nghe về Sách Thánh, tâm hồn họ được sưởi ấm và họ biết đó đúng là Ngài, Ngài đã sống lại và đang sống!
Lúc tôi kể đến đó, mặt trời đàng sau lưng chúng tôi. Anh Neal ở bên mặt, anh Ben ở bên trái tôi. Ba chiếc bóng chúng tôi phản chiếu trên đường như tấm khắc của một quyển sách. Ben nhìn tôi và kêu lên:
– René-Luc nhìn kìa, chúng ta đang sống con đường Ê-mau!
Lúc đó Ben và Neal đã sống một kinh nghiệm thiêng liêng củng cố cho đức tin của họ.
Dụ ngôn con đường
Khi Ben và Neal đặt câu hỏi cho tôi, vấn đề họ muốn biết là sự khác biệt giữa các tôn giáo. Dần dần, chủ đề trở thành sự gặp gỡ của Chúa Kitô trên con đường Ê-mau. Kinh nghiệm này làm cho tôi nghĩ đến dụ ngôn con đường để giải thích với các bạn chúng ta phải tôn trọng tất cả các tôn giáo.
Rõ ràng là việc giữ đạo tùy thuộc rất nhiều nơi chúng ta sinh ra: chúng ta theo đạo do thái, hồi giáo, kitô giáo, phật giáo, ấn giáo phần lớn là do gốc rễ gia đình.
Vô thần hay cuồng tín
Một số người tóm gọn các tôn giáo đều bằng nhau. Không có tôn giáo nào hơn tôn giáo nào, khác biệt giữa các tôn giáo đơn thuần do giáo dục. Nếu tất cả tôn giáo bằng nhau thì không có tôn giáo nào nắm giữ Chân lý. Nếu không có tôn giáo nào nắm giữ chân lý thì không chắc Chúa tồn tại. Đúng hơn, tôn giáo là sản phẩm của trí tưởng tượng loài người mà trong tất cả các nền văn hóa, nền văn minh người dân cần phải tạo ra các vị thần khi họ đứng trước lo lắng, thất vọng của đời sống trần thế này. Đó là quan điểm của người vô thần.
Nhưng ngược lại, nếu chúng ta xác tín tôn giáo chúng ta là tốt và nắm giữ chân lý thì như thế các tôn giáo khác là sai lầm. Từ đó mới không dung thứ nhau và có chiến tranh tôn giáo. Đó là nguy hiểm của chủ nghĩa cuồng tín.
Một tia chân lý
Vì vậy phải tránh hai mối nguy này. Chúng ta lấy ví dụ con đường. Có nhiều con đường để đến trung tâm Thánh Giacôbê-Compostelle. Có đủ loại đường và đủ mong chờ khác nhau của người đi hành hương. Cũng như có bốn con đường khác nhau ở Pháp thì cũng có bốn tôn giáo lớn không phải là kitô giáo trên thế giới: đạo hinđu, phật giáo, do thái giáo và hồi giáo.
Trong lần họp Công đồng Vatican II năm 1965, Giáo hội công giáo giải thích rõ ràng về bốn tôn giáo này:
“Giáo hội công giáo không loại bỏ cái gì là đúng, là thánh trong bốn tôn giáo này. Giáo hội chân thành tôn trọng cách hành động và cách sống, các luật lệ và giáo luật này, dù các tôn giáo này khác nhau trên nhiều điểm mà chính họ  nắm giữ và đề nghị nhưng nó đều mang đến một tia chân lý làm rọi sáng cho mọi người.”
Như thế tất cả các tôn giáo đều có “một tia chân lý” làm rọi sáng cho mọi người.
Đức Gioan-Phaolô II đã làm việc rất nhiều để có sự tôn trọng này giữa các tôn giáo. Ngài thường tổ chức các ngày quốc tế cho hòa bình ở Axixi, ngài mời các nhà lãnh đạo tôn giáo đến tham dự. Ngài mời gọi chúng ta nhận biết “các hạt giống của Lời” có mặt trong hành động của các tôn giáo khác nhau:
“Các ‘hạt giống của Lời’ là phản ảnh duy nhất Lời của Thiên Chúa, Đấng mặc xác phàm nơi Chúa Giêsu Kitô. Là phản ảnh của Thần Khí, Đấng “thổi nơi nào Ngài muốn” (Ga 3, 8). Chính qua việc giữ những gì là tốt trong truyền thống tôn giáo riêng và khi theo mệnh lệnh của lương tâm mà các người ở các tôn giáo khác đáp ứng một cách tích cực lời mời gọi của Chúa và nhận được ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, dù họ không nhận biết Ngài là Đấng Cứu Chuộc. Qua việc áp dụng các nguyên lý và giữ đạo theo luật đạo đức và theo ý nghĩa đích thực của tôn giáo mà tia sáng Khôn ngoan thần thánh được thể hiện. Chính xác theo sự hiện diện và hành động của Thần Khí, các yếu tố của sự thiện bên trong các tôn giáo khác nhau đã xếp đặt một cách huyền bí cho tâm hồn đón nhận trọn vẹn sự mạc khải của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô.”
Trong nhiều lần đi Đất Thánh, tôi luôn xúc động khi cầu nguyện với các bạn do thái ở Bức tường Than Khóc. Nhân tiện tôi phải nói chính xác ở đây, có một mối dây liên kết chặt chẽ giữa do thái giáo và kitô giáo, đó là sợ dây nối kết người anh cả và người em út. Thánh Phaolô đã nói rất hay trong thư gởi tín hữu Rôma ở các chương 9-10-11. Làm thế nào chúng ta không thấy được sự sốt sắng của anh em do thái giáo của mình trước Bức tường Than Khóc, trong niềm vui của họ, một hành động của “Thần Khí” Rouah Hakodesh?
Tôi cũng có dịp đi bộ nhiều lần trong sa mạc Sinai. Mỗi lần vậy chúng tôi được một bộ lạc người Ả rập du cư Bedouin hướng dẫn. Buổi sáng và buổi chiều khi chúng tôi dâng thánh lễ hay đọc các giờ kinh, các người lớn tuổi nhất cũng cầu nguyện, họ trải tấm thảm ngay giữa sa mạc và hướng về La Mecque để cầu nguyện. Cả một bình an, một lòng nhân từ nơi họ, họ không dính gì với mọi kiểu cuồng tín tôn giáo. Làm thế nào mà không thấy đây là hạt giống tình yêu Chúa Giêsu trong tiến trình cầu nguyện của họ?
Chính Chúa Giêsu cũng nói về những người không biết Ngài: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16).
Hội tụ
Như bốn con đường về trung tâm Thánh Giacôbê-Compostelle gặp nhau ở Puente la Reina trong một con đường “Camino Francés” duy nhất, thì cách này cách kia, chúng ta tin những người hành hương của bốn tôn giáo không phải là kitô giáo này sẽ gặp nhau trên con đường của kitô giáo: Chúa Giêsu là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6).
Đúng, Chúa Giêsu xuống thế làm người để đem mọi người trên hành tinh này về với Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai mà người do thái chờ từ thời ông Abraham và ngày nay họ vẫn còn chờ. Chúa Giêsu là đường, là chân lý, là sự sống của người hồi giáo, sáu trăm năm sau khi Chúa Giêsu qua đời, họ đã thành lập một tôn giáo mới. Ngài là Đấng cứu mọi người không phân biệt màu da, chúng tộc. Không có một Thiên Chúa nào khác ngoài Ngài và Ngài là con đường duy nhất để đi đến Chúa Cha: “Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu” (1 Tm 2, 5).
Xác tín này tránh cho chúng ta khỏi mọi chủ nghĩa tương đối hóa. Không thể có nhiều chân lý. Người tín hữu kitô phải yên lòng đặt hết đức tin của mình vào nơi Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại cho mọi người.
Xác tín, tôn trọng, yêu thương
Tuy nhiên trong bất cứ trường hợp nào, xác tín này không được rơi vào hình thức của một chủ nghĩa toàn thủ. Mỗi người có thể xác quyết vào tôn giáo của mình nhưng vẫn tôn trọng sâu xa tôn giáo của người khác. Bởi vì chúng ta phải vui mừng cùng đi chung với nhau trên con đường đức tin.
Nhưng tiếc thay, một số người “nhân danh Chúa” họ đi gieo hận thù và bạo lực. Ở thế kỷ 21 vẫn còn chiến tranh tôn giáo là điều không thể chấp nhận được và  cũng không thể hình dung được, tôn giáo này lại đi bách hại tôn giáo kia hay người khác phải cải đạo. Tự do tôn giáo đòi hỏi mọi người trên mọi nước có tự do chọn đạo cho mình, dù đạo này không phải là đạo gốc rễ của nước họ. Chẳng hạn nếu một tín hữu hồi giáo có thể tự do giữ đạo của mình trên đất kitô giáo thì cũng phải để cho tín hữu kitô được giữ đạo của họ trên đất nước hồi giáo. Gần như ngày càng có nhiều nước tiến triển theo chiều hướng này, ngược lại có những nước ngày càng tỏ ra gay gắt hơn; như thế con đường tự do tôn giáo còn nhiều chặng phải vượt qua.
Làm thế nào để phân định cái gì là chấp nhận được, cái gì là không chấp nhận được trong một tôn giáo? Đó là điều thật đơn giản, Chúa là tình yêu. Nếu chúng ta lấy hình ảnh là con đường thì mọi con đường chỉ có thể là con đường của tình yêu. Nếu tất cả mọi tôn giáo sống trong tình yêu, thì sẽ không có một bạo lực nào nhân danh Chúa và tự do tôn giáo sẽ được bảo đảm trong mọi nước. Chỉ còn xác tín và các đề nghị được tôn trọng.
Nếu chúng ta giữ thái độ tôn trọng và khoan dung, trong bầu khí yêu thương này, lẽ tự nhiên là bình thường khi tín hữu kitô nói về Chúa Giêsu cho người anh em tôn giáo khác nghe. Và cũng lẽ tự nhiên khi giới thiệu cho người khác Đấng là đường dẫn đến Chúa Cha. Sẽ là một sai lầm khi không nói về đức tin của mình cho người tôn giáo khác nghe lấy lý do là tôn trọng, tình yêu cho Chúa Giêsu sẽ thúc đẩy chúng ta nói về Chúa, nhưng chỉ được giới thiệu Chúa, không bao giờ được áp đặt!
Trong thời gian có nhiều rối ren ở đất nước, người ta dễ dàng đem các tôn giáo ra làm dê tế thần. Và đây đúng là một dịp may mới, đơn thuần làm cho người dân quay lưng với Chúa. Thế mà hơn bao giờ hết, chính trong những lúc rối ren, con người phải quay về với con đường đức tin. Đức tin cảm hứng cho tình yêu, tôn trọng và khoan dung. Hơn bao giờ hết, thế giới thật sự cần lắng nghe sứ điệp hòa bình của Tin Mừng. Chúng ta đừng bị lừa trong cuộc chiến đấu này!
Marta An Nguyễn dịch
http://phanxico.vn/2019/01/24/du-ngon-con-duong-hay-lam-the-nao-de-ton-trong-tat-ca-cac-ton-giao/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét