Cứ theo chương trình đã công bố thì ngày 22 tháng 1 là ngày khai mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama 2019, dù Đức Phanxicô chỉ tới đó vào ngày hôm sau. 

Ngày giáo phận: ấm áp, tông đồ

Tính đến hôm 22 tháng 1, đã có 30,000 khách hành hương trẻ tới Panama từ khắp thế giới. Phần lớn họ thuộc các nước Colombia, Poland, Brazil, Hoa Kỳ, Mexico và Guatemala.

Nhiều nhóm đã tham dự “các ngày tại các giáo phận” tổ chức tại 8 giáo phận Panama và cả ở nhiều giáo phận Costa Rica nữa trong các ngày 16 đến 20 tháng 1, nhằm đem lại cho khách hành hương một bầu khí “ấm áp và thân mật” và “dẫn nhập họ vào sự phong phú của nền văn hóa địa phương” đồng thời “hướng dẫn người trẻ vào việc làm môn đệ truyền giáo, một di sản cho các Ngày Giới Trẻ Thế Giới tương lai”. 

Tóm lược trải nghiệm trên, một khách hành hương, anh Emmanuel Sandoval, cho rằng “chúng tôi tới đây tìm nhiều câu trả lời, và tôi tin chúng tôi đã tìm được khá nhiều, chúng tôi cầu xin để điều gì Thiên Chúa muốn đều được thực hiện, để chúng tôi được thấy Người muốn chỉ cho chúng tôi những gì, và chúng tôi mong chờ nhiều niềm vui, cầu nguyện và tình huynh đệ nơi người trẻ của thế giới”.

Các cộng đồng Do Thái Giáo và Hồi Giáo cũng chào đón khách hành hương tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, thành quả của một sự hợp tác huynh đệ lâu dài. Hội đường ở Panama đã nghinh đón các bạn trẻ Ba Lan, trong khi đền Hồi Giáo ở Colón chứa 400 bạn trẻ Chile, Brazil và Argentina. 

Một triệu rưỡi cỗ tràng hạt: một sáng kiến với tác dụng kép

Trong khi đó, một triệu rưỡi cỗ tràng hạt Mân Côi từ Bêlem cũng đã tới Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama 2019 do sự sắp xếp của Tổ Chức Giúp Đỡ Các Giáo Hội Túng Thiếu. Theo Đức Cha José Domingo Ulloa Mendieta, Tổng Giám Mục Panama, “Sáng kiến này là điều chủ yếu vì một đàng nó khuyến khích việc cầu nguyện, và đàng khác, nó giúp đỡ việc hỗ trợ anh chị em chúng ta ở Đất Thánh”. 

Tổ chức trên đã tài trợ sáng kiến này 100,000 euros. Dĩ nhiên, ngân khoản này là một khích lệ để Kitô hữu tiếp tục “bám trụ” quê hương của họ và cũng là quê hương của Chúa Giêsu. Vì kể từ khi thiết lập nhà nước Israel năm 1948, 350 ngàn Kitô hữu đã rời bỏ Bêlem vì kinh tế khó khăn, nạn thất nghiệp cứ thế gia tăng...

Gần 200 gia đình ở Bêlem đã làm việc nhiều tháng để làm những cỗ tràng hạt này từ gỗ Ôliu. Một người trong số họ cho hay: “tôi biết ơn về sự hỗ trợ nhận được, nhưng tôi hạnh phúc nhất khi biết rằng hằng trăm ngàn bạn trẻ ở Panama sẽ cầu nguyện cho hoà bình, bằng cách đọc kinh mân côi bằng các cỗ tràng hạt này”.

Đức Tổng Giám Mục Panama: Biểu lộ bộ mặt thực của Panama

Trước thềm Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2019, Đức Cha José Domingo Ulloa, Tổng Giám Mục Panama, nói rằng “khi một người ngoại quốc tới Panama, ông ta dám nghĩ mình đang ở Dubai, nhưng đó chỉ là mặt ngoài”. 

Thực vậy, theo Ngân Hàng Thế Giới, Panama là một trong sáu quốc gia có mức bất bình đẳng cao nhất ở Châu Mỹ La Tinh và là một trong mười quốc gia có mức bất bình đẳng cao nhất thế giới. Đức Tổng Giám Mục cho hay: “Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2019 sẽ là dịp để khám phá ra bộ mặt thực của xứ sở”.

Bên cạnh những đại lộ rộng lớn và sạch sẽ của thủ đô, với những cửa tiệm sang trọng, nhà chọc trời cửa kính, các chi nhánh ngân hàng, và công ty cung cấp dịch vụ, chưa kể kinh đào nổi tiếng, Panama chỉ dành sự giầu có của nó cho người giầu. 

“Panama có hai khuôn mặt. Tới năm 2015, trên đất nước này, 10 phần trăm các gia hộ giầu nhất có thu nhập 37 lần cao hơn 10 phần trăm nghèo khổ nhất". Đức Tổng Giám Mục nói thế.


Đặc biệt là số phận những người gốc Phi Châu. Tổ tiên họ là các nô lệ bị đem đến Panama trong các thế kỷ 15 và 16 hay người từ vùng Antilles tới đây xây kênh đào trong thế kỷ 20. Những người này hiện là nạn nhân trực tiếp của nghèo khó và hắt hủi. Họ sống trong các khu nghèo nàn như Colon, Darien, và Panama. 

Thêm vào đó, Panama có 7 nhóm sắc tộc bản địa, đại diện cho khoảng 10 tới 12 phần trăm dân số hay nửa triệu người. Họ cũng bị hắt hủi trầm trọng và bị loại trừ về xã hội: sức khỏe mong manh, tử suất sơ sinh 3 lần cao hơn các nhóm khác, thấp kém về giáo dục và tới trường. Nên ít có cơ hội có việc làm với đồng lương cao, vì đa số việc làm ở Panama là thuộc lãnh vực phục vụ. 

Đức Tổng Giám Mục cũng cho rằng nhìn bề ngoài, ai cũng tưởng Panama là Thụy Sĩ ở Trung Mỹ, nhưng thực ra, 40 phần trăm làm việc trong nền kinh tế “không tuyên bố”. Có một “Panama sâu” đến nỗi “phát triển không tới được”. Khôi hài ở chỗ hợp tác quốc tế giảm trợ giúp vì tưởng Panama đã phát triển! Đây là nhận định của Maribel Jaen, thuộc Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình.

Nhưng Đức Cha Ochogavia, giám mục Colon-Kuna Yala, dù cũng có những cái nhìn tiêu cực về sự khác biệt giữa các vùng trong nước, tỏ hy vọng nơi người giáo dân: sức mạnh của Giáo Hội Panama là ở nơi họ, biểu lộ cụ thể qua Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Nhiều người trẻ tham gia tích cực vào việc tổ chức, không hẳn chỉ người Công Giáo mà thôi; có cả những người không tin nữa cũng tham gia Ngày Giới Trẻ Thế Giới! Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một phước lành cho thừa tác vụ tuổi trẻ, nhưng cũng là một cơ hội có việc làm cho nhiều người trẻ”.


Thành thử Đức Tổng Giám Mục Ulloa hy vọng rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần này, trong đó, 400,000 người trẻ có thể tham dự, sẽ tạo cơ hội để tái phát động và thâm hậu hóa Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội, vì, theo ý kiến ngài, Giáo hội nhỏ bé ở Panama, với 6 giáo phận, một phủ doãn tông toà và một đại diện tông toà, cần một cuộc canh tân sâu đậm. 

Ngài cho hay áp dụng kỹ thuật số Docat, do Quỹ YOUCAT cung cấp sẽ giúp người trẻ hiểu giáo huấn này bằng chính ngôn ngữ của họ.