CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN C
Is 62,1-5 ; 1 Cr 12,4-11 ; Ga 2,1-11

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 2,1-11

(1) Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới, có thân mẫu Đức Giê-su. (2) Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. (3) Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : “Họ hết rượu rồi”. (4) Đức Giê-su đáp : “Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và Con? Giờ của Con chưa đến. (5) Thân mẫu Người nói với gia nhân : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. (6) Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. (7) Đức Giê-su bảo họ : “Các anh đổ đầy nước vào chum đi !” và họ đổ đầy tới miệng. (8) Rồi Người nói với họ : “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”. Họ liền đem cho ông. (9) Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại (10) và nói : “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ”. (11) Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê, và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.

2. Ý CHÍNH:

Đức Giê-su và các môn đệ đã cùng với Mẹ Ma-ri-a đến tham dự một bữa tiệc cưới tại thành Ca-na miền Ga-li-lê. Bữa tiệc mới được nửa chừng thì rượu sắp hết. Mặc dù chưa tới Giờ hành động, nhưng do lời Mẹ Ma-ri-a cầu bầu mà Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên biến nước lã thành rượu ngon. Qua dấu lạ cảm thông và giàu lòng thương xót này mà các môn đệ của Đức Giê-su đã tin Người thực là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa.

3. CHÚ THÍCH: 

-C 1-2: +Có thân mẫu Đức Giê-su: Tin mừng Gioan 2 lần nhắc đến sự hiện diện của Mẹ Ma-ri-a trong thời gian Đức Giê-su ra giảng đạo: Lần đầu khi Đức Giê-su bắt đầu đi thi hành sứ mệnh Thiên Sai, Mẹ Ma-ri-a đã hiện diện trong bữa tiệc cưới tại thành Ca-na và đã can thiệp xin Đức Giê-su làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon, dù chưa đến Giờ của Người. Lần hai nhắc đến việc Mẹ Ma-ri-a đứng dưới chân thập giá trong cuộc tử nạn của Đức Giê-su, để hiệp công với Người cứu độ loài người. 

-C 3-5: +Thiếu rượu: Người Do thái vẫn thường ăn uống tiết độ. Nhưng trong dịp cưới xin, họ lại hay uống quá chén. Vì thế bữa tiệc cưới này mới nửa chừng đã bị hết rượu. +Thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi”: Mẹ Ma-ri-a tỏ ra nhạy cảm trước nhu cầu của đôi tân hôn, nên đã nói nhỏ với Đức Giê-su rằng: “Họ hết rượu rồi” với hy vọng Người sẽ giúp đôi tân hôn. +Thưa Bà: Ở đây và trên cây thập giá (x Ga 19,26), Đức Giê-su đều dùng từ “Bà” (gune) để gọi thân mẫu của Người, giống như bà E-và xưa cũng đã được gọi là “Bà” (x. St 3,15.20). Điều này ngầm ám chỉ Mẹ Ma-ri-a là “E-và Mới” thời Tân ước, là Mẹ của “nhân loại mới” được cứu độ. +Chuyện đó can gì đến Bà và Con?: Đây là một kiểu nói Do thái nhằm từ chối một sự can thiệp không đúng lúc (x. 2 Sm 16,10). +Giờ của Con chưa đến: Đức Giê-su không làm gì trước Giờ của Người (x. Ga 7,30). Ở đây có ý nói rằng: tuy Giờ được tôn vinh chưa đến, vì Người chưa trải qua cuộc tử nạn và phục sinh, nhưng ngay bây giờ Người muốn biểu lộ Giờ ấy cho các môn đệ thấy hầu họ tin vào Người, khi họ thấy dấu lạ Người sắp thực hiện. +“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”: Trực giác khiến Mẹ Ma-ri-a tin chắc Đức Giê-su sẽ can thiệp, nên đã căn dặn gia nhân hãy làm theo lệnh Người truyền. Câu này nhắc lại lời Pha-ra-on vua Ai Cập thời tổ phụ Gia-cóp và Giu-se xưa: “Cứ đến với Giu-se. Ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo” (St 41,55). 

-C 6-8: +Sáu cái chum đá dùng vào việc thanh tẩy: Theo phong tục Do thái, người ta thường để những cái chum đựng nước trong sân trước hay sân sau nhà mỗi khi có đám tiệc, để khách mới đến có thể rửa tay rửa mặt theo tục lệ rửa tay trước khi dùng bữa (x. Mt 15,2). Ở đây có 6 chum đá, mỗi chum chứa được hai hay ba thùng 40 lít, tức vào khỏang từ 80 đến 120 lít nước ! +“Các anh đổ đầy nước vào chum đi !” và họ đổ đầy tới miệng: Đức Giê-su ra lệnh cho gia nhân đổ đầy nước vào sáu cái chum đá. “Đổ đầy tới miệng” cho thấy ơn Chúa được ban cho đôi tân hôn cách dư đầy. Với khoảng 600 lít rượu thì cả làng sẽ được uống rượu thỏa thích!

-C 9-11: +Dấu lạ đầu tiên: Dấu lạ là một việc làm khác thường, diễn tả một điều thiêng liêng đang ẩn dấu. Dấu lạ đầu tiên tại tiệc cưới Ca-na này để tỏ bày vinh quang và quyền năng của Đức Giê-su trước nặt các môn đệ (c 11b), giúp các ông vững tin vào Người là Đấng Thiên Sai (x. Ga 2,11c).

4.CÂU HỎI: 

1) Qua việc nhắc đến Mẹ Ma-ri-a vào lúc đầu và cuối thời gian rao giảng Tin mừng của Đức Giê-su, thánh Gio-an muốn nói gì về vai trò của Đức Giê-su và thân mẫu Người trong công trình cứu độ? 

2) Tại sao Đức Giê-su lại dùng tiếng “Bà” khi thưa chuyện với Mẹ Ma-ri-a? 

3) Qua câu “Giờ Con chưa đến”, Đức Giê-su muốn nói gì về sứ mệnh Thiên Sai của Người?

4) Tại sao Mẹ Ma-ri-a lại dạy gia nhân làm theo lệnh truyền của Đức Giê-su? 

5) Đức Giê-su làm phép lạ đầu tiên này tại tiệc cưới Ca-na nhằm mục đích gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1 .LỜI CHÚA: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5)

2. CÂU CHUYỆN: 

1) SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA THÁNH HÓA GIA ĐÌNH:

Cách đây ít lâu, có một phụ nữ đã kể lại câu chuyện xảy ra trong gia đình bà như sau :

“Từ trước đến nay hai vợ chồng tôi luôn nhất trí trong việc mua sắm và trang trí nhà cửa. Tuy nhiên, gần đây, chồng tôi tự nhiên mang về một khung ảnh Thánh Tâm Chúa Giê-su bằng kiếng, có kích thước 40x50 cm, bên trong có thiết kế ánh sáng đèn điện. Mỗi khi đèn sáng thì hình Thánh Tâm Chúa lại sáng lên trông rất đẹp mắt. Ông chồng tôi đòi treo bức ảnh này ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách. Theo ý tôi thì không nên treo tại phòng khách vì nhà chúng tôi có nhiều khách lạ thường hay lui tới. Nhưng lần này chồng tôi quyết tâm bảo thủ ý muốn của mình. Trong lúc tranh cãi, tự nhiên lời Chúa xuất hiện trong tâm trí tôi : “Ai nhìn nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32). Cuối cùng tôi đã thuận theo ý của chồng tôi. Giờ đây sau thời gian mấy năm, tôi thực sự không hối tiếc gì về việc đã chiều theo ý muốn của chồng. Vì bức ảnh Thánh Tâm Chúa đã phát sinh hiệu quả tốt trên gia đình chúng tôi và các khách đến thăm nhà chúng tôi. Ngày nọ, có một ông khách, sau khi chăm chú nhìn vào bức hình, đã phát biểu suy nghĩ của ông như sau: “Bà biết không? Khi nhìn vào khuôn mặt Đức Giê-su trên bức hình này, tôi có cảm tưởng như Người đang nhìn thấu qua tâm hồn tôi !”. Rồi vào một buổi tối kia, một bà bạn sau khi ngắm bức hình khá lâu cũng đã thốt lên : “Mỗi lần đến đây, tôi luôn cảm thấy trong nhà chị chan chứa bình an”... Nói chung, khi nhìn vào hình Chúa Giê-su, thì tâm hồn của khách dến chơi đều được nâng cao ! Có thể mọi người sẽ cười nhạo những nhận xét này của tôi, nhưng tôi không quan tâm. Theo thiển ý của tôi: Một khi bạn mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được ơn biến đổi nên tốt hơn, không giống như lúc trước nữa !”.

2) GIÁ TRỊ LỜI CẦU BẦU CỦA MỘT BÀ MẸ:

Linh mục Syl-va-no và mục sư Tin lành Hen-ri cùng nhau đến lâu đài Pa-xi-an để xin hoàng tử trợ giúp tài chính cho dự án của mình. Linh mục Syl-va-no có ý định xin tiền để xây nhà thờ. Còn mục sư Hen-ri thì xin tiền để xây trường học.

Đến nơi, họ được hoàng tử Au-gus-te tiếp kiến riêng từng người một. Người được vào trước là mục sư Hen-ri. Nhưng chỉ vài phút sau người ta thấy mục sự bước ra với vẻ mặt buồn thiu, vì dự án đã không được hoàng tử chấp nhận.
Mục sư ngồi lại chờ linh mục Syl-va-no cùng về chung. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy linh mục bước ra khỏi phòng tiếp kiến của hoàng tử, vẻ mặt hớn hở, tay xách một túi tiền khá nặng. Mục sự Hen-ri liền thắc mắc hỏi :

- Tại sao linh mục lại được tài trợ như thế ?

Linh mục Syl-va-no trả lời :

- Dĩ nhiên là như vậy. Thoạt đầu hoàng tử chối từ lời xin của tôi. Nhưng khi nhìn sang bên cạnh thấy có hoàng thái hậu, tôi liền đến trước hoàng thái hậu để xin ngài bầu cử cho. Và hoàng tử đã đổi ý kiến, khi nghe lời khẩn cầu của hoàng thái hậu nên đã đồng ý tài trợ cho dự án của tôi. Hoàng tử đã thưa với mẹ: ”Nếu mẹ đã đồng ý thì con cũng đồng ý thôi”
(D. Wahrheit, Món quà giáng sinh, 79-80).

3) MỘT BỆNH NHÂN ĐƯỢC ĐỨC MẸ GIÚP ĐÓN NHẬN ĐỨC TIN:

Cha J.B BONSOLI người nước Ý đã đi truyền giáo bên Ấn độ. Suốt 20 năm Ngài đã rửa tội cho 20.000 người. Ngài đã kể lại câu chuyện như sau: 

“Hôm đó tôi rời địa điểm truyền giáo Đam-ma để đi một vòng bằng xe đạp. Khi đi được khoảng 30 Km thì tôi bị lạc vào một khu rừng. Càng đi vô thì cây cối càng rậm rạp.Tôi vừa đi vừa sợ khi nghe thấy những tiếng hú của những con báo trong đó.

Trời đã gần tối tôi thầm cần nguyện xin Đức Mẹ giúp tôi. Đi thêm khoảng 5 cây số nữa thì tôi rẽ vào con đường nhỏ và tôi thấy một ngôi nhà lụp xụp, tồi tàn. Tôi dừng xe lại, dựng bên cạnh một gốc cây rồi lên tiếng hỏi: "Có ai trong nhà không? "

Có tiếng nói từ trong nhà vọng ra: "Có. Nhưng xin ông đừng vào nhà vì tôi bị cùi".

Dù biết như vậy nhưng tôi vẫn mở cửa bước vào trong nhà. Trước mặt tôi là một người đàn ông đang nằm co quắp vì đau đớn trên giường. Hỏi ra mới biết trước kia người này là một ông thầy cúng. Rồi trong cuộc nói chuyện sau đó, ông ta nói: "Con biết là con sẽ được Rửa tội."

- Làm sao ông biết điều đó? Ai đã nói với ông? Có phải là một giáo lý viên không?" Tôi hỏi lại.

Ông đáp :"Cách đây hai tháng có một bà mặc áo đẹp lắm vào căn nhà này và nói với con: “Con chịu đau khổ nhiều nhưng con đừng nản lòng. Ta sẽ sai một linh mục đến thăm viếng và đổ nước thanh tẩy tâm hồn con, rồi ta sẽ đến đưa con lên thiên đàng".

Tôi đưa tay vào túi áo lấy ra mẫu ảnh “Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu” và đưa cho ông ta xem. Vừa thấy bức ảnh ông đã kêu lên: "Đúng rồi. Đúng là bà này. Chính bà đã đến thăm con khoảng hai tháng trước". Sau đó tôi đã dạy ông các điều căn bản về đức tin trước khi ban phép rửa tội theo ý nguyện của ông.

Mỗi người chúng ta hãy dành cho Mẹ Ma-ri-a một vị trí quan trọng trong cuộc đời chúng ta:

Trong niềm vui ngày cưới hay lễ kỷ niệm của gia đình: Hãy mời Mẹ đến chung vui với chúng ta.

Khi bị sầu buồn vì mất người thân. Nếu được Mẹ an ủi, chắc chắn nỗi buồn sẽ qua mau. 

Chúng ta sẽ không còn cô đơn, nếu có Mẹ ở bên.
Khi có Mẹ dẫn đường, chắc chúng ta sẽ không bị lạc lối.
Nếu được Mẹ trợ giúp, mọi việc sẽ thành công.

3. THẢO LUẬN: 

Một người kia có dịp nghỉ hè tại nhà một anh bạn thân. Sau kỳ nghỉ anh ta đã viết thư cám ơn bạn ấy. Trong thư anh nhận xét về gia đình của bạn như sau: “Tôi cảm thấy gia đình bạn là một gia đình công giáo đạo đức thực sự: Cách bài trí trong nhà của bạn thật ấn tượng với những tranh ảnh đạo, được treo trên tường thay vì những tranh lịch người mẫu ăn mặc hở hang. Tôi không quên được những lời cầu nguyện sốt sắng của các thành viên trong gia đình bạn trước các bữa ăn. Tôi cảm thấy một bầu khí đầm ấm yêu thương và bình an chan hòa trong ngôi nhà của bạn: Mọi người đều quan tâm săn sóc nhau. Tôi chưa bao giờ nghe thấy có tiếng tranh cãi to tiếng, những lời tục tĩu, hay những lời chỉ trích người vắng mặt trong ngôi nhà của bạn”... Còn gia đình của mỗi người chúng ta hiện nay ra sao? Gia đình chúng ta có những phẩm chất đạo đức giống như gia đình trong câu chuyện nói trên hay không?

4. SUY NIỆM: 

1) VỮNG TIN VÀO CHÚA:

Khi biết tiệc cưới nửa chừng sắp hết rượu, Mẹ Ma-ri-a đã nói với Chúa Giê-su: “Họ hết rượu rồi”. Dù nghe Chúa trả lời: “Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và Con ? Giờ Con chưa đến”, nhưng Mẹ vẫn vững tin vào tình thương cứu độ của Chúa nên đã mạnh dạn nói với những người giúp việc: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. 

Ngày nay, Mẹ cũng nói với Chúa: “Họ hết rượu rồi” để bao tình yêu vợ chồng đã nhạt phai được nồng thắm lại; Để bao gia đình đang thiếu vắng tình yêu được trên thuận dưới hòa; Để bao tâm hồn đang chao đảo lấy lại được niềm tin yêu.

Người ta tính trung bình hiện nay trên thế giới, cứ mỗi tiếng đồng hồ lại có cả trăm đôi vợ chồng đưa nhau ra tòa xin ly hôn. Con số các đôi vợ chồng ly hôn lại còn tăng mạnh hơn tới 50% tại các nước phương Tây, nghĩa là cứ hai cặp vợ chồng kết hôn, thì có một cặp bị thất bại chỉ sau một thời gian chung sống. 

Nếu ngày xưa Chúa Giê-su đã biến Luật Mô-sê đã bị nhạt như nước lã, trở thành Tin Mừng yêu thương thắm đỏ như rượu nồng; thì ngày nay, Người cũng muốn các gia đình chúng ta biến đổi cuộc đời lạt lẽo vô vị trở nên hạnh phúc chứa chan tình “mến Chúa, yêu người”.

2) HỌC SỐNG LỜI CHÚA: 

Cuộc sống của mỗi gia đình chúng ta hôm nay cũng không thiếu những sự cố bất ngờ. Tuy nhiên, nếu biết tin vào tình thương cầu bầu của Mẹ Ma-ri-a thì chắc chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, với điều kiện theo lời Mẹ dạy: “Giê-su bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). 

Mỗi gia đình tín hữu hãy mời Chúa và Mẹ đến nhà bằng việc lập bàn thờ Chúa tại phòng khách và tổ chức đọc kinh tối gia đình hằng ngày hay ít là hằng tuần. Trong giờ kinh tối, các thành viên cùng nghe Lời Chúa và cầu nguyện cho nhau, luôn ứng xử với nhau cách lịch sự tế nhị và sẵn sàng cảm thông tha thứ lỗi lầm cho nhau như lời thánh Phao-lô: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Col 3,12-13). 

3) MỜI CHÚA ĐẾN NHÀ: 

Trong Tin mừng, những ai đón Đức Giê-su đến nhà đều được Người ban ơn lành. Chẳng hạn: 

- Si-mon đón Đức Giê-su đến nhà và Người đã cho nhạc mẫu ông khỏi bệnh (x. Mt 1,29.31); 
- Người cũng đến nhà ông Giai-a để phục sinh con gái ông mới chết (x. Mc 5,22.38-43); 
- Người đến nhà viên thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu dự tiệc và chữa lành một bệnh nhân phù thũng (x. Lc 14,1-4); 
- Người đến ở trọ nhà viên trưởng thu thuế Gia-kêu và biến ông từ một kẻ tham lam thành người lương thiện, trở lại làm con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham (x. Lc 19,8-10); 
- Người vào ở trọ nhà hai môn đệ làng Em-mau để giúp hai ông nhận ra Người đã từ cõi chết sống lại qua nghi thức “bẻ bánh” khi đồng bàn với các ông (x. Lc 24,13-32)...

Tin mừng hôm nay cũng cho thấy đôi tân hôn đã mời Đức Giê-su và Mẹ Ma-ri-a đến nhà dự tiệc cưới và nhờ lời Mẹ cầu bầu, Đức Giê-su đã làm phép lạ đầu tiên biến nước lã thành rượu ngon giúp cho đôi tân hôn. Nhờ đó, các môn đệ đã tin Người là Đấng Thiên Sai. 

4) “NÀY, TA ĐỨNG NGOÀI CỬA MÀ GÕ”: 

Ðức Giê-su đã đến dự tiệc cưới ở thành Ca-na để chia sẻ niềm vui với đôi tân hôn. Đừng để Người đứng ngoài hạnh phúc của chúng ta. Nếu chúng ta nghe lời Người dạy để đổ nước tin yêu vào các chum rỗng tâm hồn, thì chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa ban tràn đầy niềm vui ơn cứu độ.

Ngày nay Đức Giê-su vẫn đang đứng ngòai cửa linh hồn chúng ta và gõ. Những ai mở cửa đón Người vào nhà, Người sẽ vào và dùng bữa tối với kẻ ấy, và kẻ ấy sẽ dùng bữa với Người (x Kh 3,20). Vậy chúng ta có sẵn sàng mở cửa lòng đón Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a vào nhà linh hồn mình, hầu nhận được ơn cứu độ Người ban hay không? Chúng ta có sẵn lòng cảm thông với những nỗi đau của các gia đình bất hạnh và giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn không? 

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin hãy đến chúc phúc cho gia đình chúng con. Ước chi cánh cửa nhà chúng con luôn rộng mở để tiếp đón những kẻ không nhà. Xin chúc lành cho ngôi nhà của chúng con được luôn có Chúa hiện diện, qua việc trưng bày tượng ảnh trên bàn thờ gia đình, nhất là qua cách ứng xử lịch sự yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Xin cho chúng con biết hiệp cùng Mẹ Ma-ri-a mở tai lắng nghe Lời Chúa trong giờ kinh gia đình và quyết tâm thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

- LẠY CHÚA. Xin cho đôi tay chúng con luôn rộng mở để chia sẻ cơm áo cho những kẻ nghèo đói bệnh tật và bất hạnh. Xin cho trái tim chúng con luôn hướng về Chúa là nguồn sống và là hạnh phúc của chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa giữa lòng xã hội chúng con đang sống hôm nay.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM. ĐAN VINH