Thánh Phaolô : Một Cuộc Đời Mang Dấu Ấn Linh Đạo

Khoá trình “Linh đạo cơ bản tt)

Dẫn nhập :

Nếu các sách Tin Mừng chính là những “hòn đá tảng” thiết dựng “ngôi đền tâm linh Kitô giáo” và là điểm quy chiếu cho mọi con đường nên thánh trong dân Chúa muôn nơi và muôn thuở, thì việc đào sâu, khám phá, kiện toàn và áp dụng “linh đạo Tin Mừng”…phải dành cho một “nhân vật lừng danh của thời khai sinh Kitô giáo”, đó chính là Thánh Phaolô, thường được mệnh danh là “Tông Đồ Dân ngoại”.

Thật vậy, nếu trọng tâm của Kitô giáo chính là Đức Giêsu, thì như cách diễn tả của Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô trong bài giáo lý về Thánh Phaolô, “người được biết nhiều nhất sau Đức Giêsu chính là Thánh Phaolô” :

“Người đầu tiên đã được Chính Chúa, là Đấng Phục Sinh, gọi làm một Tông Đồ thật, chính là Thánh Phaolô thành Tarsus. Ngài nổi bật như một ngôi sao sáng nhất trong lịch sử Giáo Hội, nếu không nói là trong việc thành lập Giáo Hội. Thánh Gioan Kim Khẩu ca tụng ngài như một người cao trọng hơn nhiều thiên thần và tổng lãnh thiên thần (x. Panegirico, 7, 3). Dante Aligheiri trong Hài kịch của Thiên Chúa (Divine Comedy), cảm hứng bởi câu truyện Thánh Luca kể trong Công vụ Tông đồ (x. 9,15), đã diễn tả ngài cách đơn giản là “cái bình được chọn” (inf. 2,28), có nghĩa là một dụng cụ được Thiên Chúa chọn. Những người khác gọi ngài là “Vị Tông Đồ Thứ 13”, hay cách trực tiếp, “vị trước nhất sau vị Duy Nhất”.

Chắc chắn rằng sau Chúa Giêsu, ngài là một trong những vị tiên khởi mà chúng ta biết nhiều nhất. Thực ra, chúng ta không những chỉ có câu truyện mà Thánh Luca viết trong sách Công vụ Tông đồ, mà còn cả một số thư mà chính tay ngài viết, là những văn kiện trực tiếp tỏ lộ cá tính và tư tưởng của ngài mà không qua trung gian.”[1]

Nhận xét trên về Thánh Phaolô của ĐGH Bênêđictô cũng chính là điều mà nhà sử học lừng danh Daniels Rops đã khẳng định và đã được Đức Hồng Y Michael Saltarelli nhắc lại trong Thư mục vụ gởi cho dân Chúa giáo phận Wilmington, nhân dịp Năm Thánh Phaolô :

“Thánh nhân gần gũi với chúng ta làm sao, con người mà ánh sáng của Thiên Chúa quật ngã trên đường Đamascô này đã chịu thua, nhưng chính nhờ chịu thua, bị đè bẹp bởi một sự thúc đẩy mạnh mẽ của ân sủng - bởi vì, rốt cuộc, chính chúng ta cũng đang bước đi trên đường Đamascô hôm nay! Sau Chúa Giêsu, Thánh Phaolô là một nhân vật sống động và đầy đủ nhất trong tất cả các gương mặt của Tân Ước, một con người mà người ta có thể hình dung ra diện mạo cách rõ ràng nhất... Và mỗi khi chúng ta lắng nghe những lời ít quan trọng nhất của ngài, chúng ta nhận ra một giọng tin tưởng không thể quên được, chỉ có thể đạt được bởi những người đã đánh đổi tất cả những gì mình có”[2]

Sự trỗi vượt và vị trí quan trọng của Thánh Phaolô trong lịch sử Kitô giáo, đặc biệt, trong lãnh vực “thần học tâm linh”, phải chăng vì nơi ngài đã hội tụ hai yếu tố nền tảng : giáo thuyết và kinh nghiệm. Về giáo thuyết : đó là một sự hiểu biết thâm sâu về mầu nhiệm Chúa Giêsu; về kinh nghiệm : một trải nghiệm phong phú, sống động về mối “tương quan nội tâm” giữa thánh nhân và Đức Kitô và qua đời sống đức tin của các cộng đoàn Giáo Hội sơ khai nhất là về công cuộc truyền giáo vĩ đại của ngài.[3]

Chính vì thế, để đi vào học thuyết linh đạo của Thánh Phaolô, chúng ta có thể tiếp cận theo ba hướng : 

- Cảm nghiệm tâm linh dưới cái nhìn của một cuộc đời.

- Học thuyết linh đạo được khai triển qua các Thư.

- Thực hành linh đạo được thể hiện nơi các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai tiêu biểu.

Và đây là cuộc “tiếp cận đầu tiên” :

MỘT CUỘC ĐỜI MANG “DẤU ẤN LINH ĐẠO”

1. Hơn ai hết, Phaolô tự hiểu mình : Hoàn toàn thuộc về Đức Kitô :

Cho dầu là một nhân vật vĩ đại, được biết nhiều nhất sau Chúa Giêsu, tuy nhiên, lý lịch nhân thân của Thánh Phaolô lại là một “nan đề” đối với các nhà viết sử[4]; hầu hết dựa trên hai nguồn chính : lời chứng về mình của chính thánh nhân (qua các bức thư) và lời chứng của người đồ đệ : Thánh sử Luca (qua sách Công vụ Tông Đồ).

Thánh nhân đã khẳng định về mình như sau :

- Một “đứa trẻ sinh non” : “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.” (1 Cr 15,3-8)

- Một “Tông Đồ mạt hạng” : “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.” (1 Cr 15,9-10).

- Là người “tôi tớ của Đức Kitô” : “Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.” (Rm 1,1-3)

- Một “Tông Đồ bởi chính Đức Giêsu-Kitô” : “Tôi là Phao-lô, Tông Đồ không phải do loài người, cũng không phải nhờ một người nào, nhưng bởi Đức Giê-su Ki-tô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người từ cõi chết trỗi dậy…” (Gl 1,1).

- Một “người phục vụ Tin mừng” : “Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi, khi Người thi thố quyền năng của Người. Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.” (Ep 3,7-10).

- Một người được Đức Kitô trực tiếp trao Tin Mừng (mà không hề được “chuẩn bị” trước) : “Thật vậy, thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giê-su Ki-tô đã mặc khải. Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.” (Gl 1,11-14)

- Một người mang “ơn gọi (ngôn sứ) tiền định” : “Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại.” (Gl 1,15-16)

- Một kẻ được “Đức Kitô tín nhiệm và thương xót” : “Tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời.” (1 Tm 1,12-16)

- Một người tôi tớ xây dựng đức tin cho anh em : “Vậy A-pô-lô là gì? Phao-lô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình. Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên.” (1 Cr 3,5-9; Cl 1,23)

- Một kẻ “bị tù vì Đức Kitô Giêsu” : “Phao-lô, kẻ bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su, cùng với người anh em là Ti-mô-thê, gửi anh Phi-lê-môn, cộng sự viên thân mến của chúng tôi,2 cùng chị Áp-phi-a và anh Ác-khíp-pô, chiến hữu của chúng tôi, đồng thời kính gửi Hội Thánh họp tại nhà anh.3 Chúc anh chị em được đầy tràn ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giê-su Ki-tô.” (Plm 1-3)…

Dĩ nhiên, còn nhiều danh xưng khác không thể nêu hết ở đây. Chung quy, điều mà thánh nhân muốn khẳng định hơn cả về bản chất, căn tính, ơn gọi, sứ mệnh…đó là là một kẻ “thuộc về Đức Kitô”. Chỉ trong khía cạnh nầy mà thôi, chúng ta có thể tìm được cả một “hệ thống linh đạo” phong phú.

2. Cuộc đời không thuộc về mình : Thiên Chúa can thiệp và dẫn dắt :

Trong khi đó, đồ đệ Luca, tác giả của Tin Mừng thứ ba và sách Công Vụ Tông Đồ, đã ghi lại những chi tiết liên quan đến thân thế của Thánh Phaolô qua những “chuổi thăng trầm” đầy kịch tính, mang dáng dấp cuộc đời của những kẻ được chọn trong lịch sử cứu rỗi; cuộc đời đó đã đi qua những “cột mốc” chính như sau :

- Là người Do Thái, sinh tại Tarso miền Kilikia.

- Đã từng theo học với rabbi Gamalien, trung thành với luật cũ, bách hại Kitô hữu.

- Được Chúa Giêsu kêu gọi đặc biệt từ “biến cố Đamát” và trở thành “Tông đồ dân ngoại”.

Các nội dung trên đã được thánh sử Luca tường thuật qua các trích đoạn sau đây của sách Công Vụ Tông Đồ : (Cv 9:1-19; 26: 12 -18 ): 

Ông Phao-lô nói với người Do-thái ở Giê-ru-sa-lem : "Thưa quý vị là những bậc cha anh, xin nghe những lời biện bạch tôi nói với quý vị bây giờ đây." Khi nghe thấy ông nói với họ bằng tiếng Híp-ri, họ càng yên lặng hơn. Ông nói tiếp: "Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị.

"Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: "Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: "Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ. Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. Tôi nói: "Lạy Chúa, con phải làm gì? Chúa bảo tôi: "Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm. Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát.

"Ở đó, có ông Kha-na-ni-a, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là tốt. Ông đến, đứng bên tôi và nói: "Anh Sa-un, anh thấy lại đi! Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông. Ông nói: "Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra. Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe. Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.

"Khi trở về Giê-ru-sa-lem, đang lúc tôi cầu nguyện trong Đền Thờ, thì tôi xuất thần và thấy Chúa bảo tôi: "Mau lên, hãy rời khỏi Giê-ru-sa-lem gấp, vì chúng sẽ không nhận lời anh làm chứng về Thầy đâu. Tôi thưa: "Lạy Chúa, chính họ biết rõ con đây đã đến từng hội đường bắt giam và đánh đòn những kẻ tin Chúa. Khi người ta đổ máu ông Tê-pha-nô, chứng nhân của Chúa, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy. Chúa bảo tôi: "Hãy đi, vì Thầy sẽ sai anh đến với các dân ngoại ở phương xa.” (Cv 22,1-21).

Chúng ta có thể đọc thêm “bảng lý lịch” của Phaolô dưới 3 góc nhìn sau : “GÓC THÁNH KINH” mà Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô đã toát lượt trong bài giáo lý thứ I “PHAOLÔ THÀNH TARSÔ”[5], “GÓC NIÊN BIỂU” theo khảo luận “PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ CỦA ĐỨC KITÔ” của Đức Giám Mục Giuse Võ Đức Mình[6] và “GÓC NHÂN BẢN” của tác giả Alain Decaux trong tác phẩm TRẺ SINH NON CỦA THIÊN CHÚA.[7]

3. Một cuộc đời mang “dấu ấn linh đạo” :

Với những “ghi nhận” liên quan đến cuộc đời của thánh nhân, khởi đi từ những khía cạnh nhân bản tự nhiên cho tới những dấu ấn ghi đậm những can thiệp siêu nhiên cùng những trải nghiệm trong cuộc hành trình của sứ vụ Tông Đồ, chúng ta có thể rút ra một số “điểm nhấn linh đạo” (đằng sau con người bằng xương bằng thịt đó) như sau :

a/. Phaolô : một cuộc đời “trở lại hoàn toàn” với Đức Kitô.

Chúng ta dùng khái niệm “trở lại hoàn toàn” vì quả thật, thánh Phaolô không phải là một người “hoán cải” theo nghĩa “metanoia” mà Kinh Thánh thường sử dụng (Mc 1,15 : “Anh em hãy hoán cải (Hy Lạp : metanoiete) và tin vào Tin Mừng”); bởi vì trước khi “trở lại với Đức Kitô”, thánh nhân không hề là một người vô tín, bại hoại, tội lỗi…mà là một tín hữu Do Thái thuần thành, đạo đức, tuân giữ Lề Luật cách trọn hảo : “tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu;6 nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi.” (Pl 3,5-6).[8]

Vì thế, con đường “trở lại” của thánh Phaolô chính là một cuộc “giác ngộ Tin Mừng”, một cảm nhận sâu sắc và ý thức mạnh mẽ về sự “chọn gọi” của Thiên Chúa, sự “mặc khải đầy yêu thương của Thiên Chúa”[9] : “Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên…” (Gl 1,15-16).

Và trọng tâm của sự “chọn gọi” đó, sự “mặc khải” đó chính là cuộc “gặp gỡ Đức Kitô phục sinh” mà biến cố “ngã ngựa trên đường Đamát” chính là một dấu ấn quan trọng nhất trong cuộc “trở lại” của Phaolô. Từ đây, cuộc đời Phaolô đã rẽ sang một bước ngoặc mới, một hướng đi mới trọn hảo hơn, tuyệt vời hơn : 

“Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt. (Pl 3,7-12).

Kinh nghiệm tâm linh “trở lại với Đức Kitô”, gặp gỡ Đức Kitô phục sinh luôn là điểm quy chiếu thiết thân cho người Kitô hữu, đặc biệt, cho những ai sống đời thánh hiến, như văn kiện “Xuất phát lại từ Đức Kitô” đã nêu bật :

“Thế giới hôm nay đang chờ mong các người thánh hiến phản ánh cụ thể cách thức hành động của Đức Giê-su, tình yêu Người dành cho mỗi người không phân biệt và hạn chế. Thế giới muốn kinh nghiệm điều mà ta có thể nói như thánh Phao-lô: “Hiện nay tôi còn sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).[10]

b/. Phaolô : Một cuộc đời “thuộc trọn về Chúa Kitô” trong tình yêu :

Kể từ khi bị “tiếng sét ái tình” quật ngã trên đường Đamát đó[11], cuộc đời Thánh Phaolô, trong cảm nhận và niềm xác tín của ngài, đó là cuộc đời hoàn toàn bị Đức Kitô chiếm đoạt : “bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt” (Pl 3,12); một sự “chiếm đoạt toàn diện, sâu xa” đến độ như ngài chia sẻ : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi “ (Gl 2,20).

Dĩ nhiên, đây không là một tình trạng “đánh mất nhân cách”, chỉ còn là “một hình nộm cho Chúa giật dây”; nhưng là một trạng thái kết hiệp tâm linh mà ở đó, Đức Kitô trở thành lẽ sống, trở thành nguyên uỷ, động lực và mục tiêu để Phaolô quy hướng mọi hoạt động của đời mình. (Xem thêm : Linh mục Phan Tấn Thành)[12]

Và cái mối tương quan sâu đậm đó được Thánh Phaolô diễn tả bằng thuật ngữ “Trong Đức Kitô” (in Christo) mà người ta đếm được khoảng 160 lần trong các bức thư của ngài; đó là mối tương quan mang chiều kích “thần bí”[13]; hay đúng nhất đó chính là mối tương quan của tình yêu[14] như thánh nhân xác nhận trong thư Rôma và nhiều nơi khác :

“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8,35-39).

Cũng cần ghi nhận thêm rằng : việc “thuộc trọn về Đức Kitô trong tình yêu” trong kinh nghiệm tâm linh của thánh Phaolô luôn mang chiều kích “Vượt Qua” : gắn liền với cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô :

“Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (2 Cr 1,5) ; Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. (4,10) ; Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian (Gl 6,14) ; Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi. Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta.” (Rm 6,5-8)

Kết luận :

Những gì vừa nói ở trên, thật ra, chỉ là một “nét đan thanh” cho một cuộc đời vĩ đại. Chúng ta đừng quên, Hội Thánh đã từng mở ra một “Năm Thánh đặc biệt” từ ngày 29-6-2008 đến hết ngày 29-6-2009, nhân dịp kỷ niệm 2.000 năm sinh nhật Thánh Phaolô Tông đồ.[15]

Sự kiện đặc biệt trên muốn nói lên điều gì ? Phải chăng là Hội Thánh muốn truy nhận và tái khẳng định rằng : cuộc đời và gia tài giáo lý đức tin mà Thánh Phaolô để lại thật là cao quý và vĩ đại; hay còn hơn thế nữa, để gọi mời con cái của Giáo Hội trở lại tiếp cận, khai thác cái gia tài thiêng liêng liêng cao quý và cần thiết đó để vận dụng vào con đường sống đạo, nên thánh và loan báo Tin Mừng hôm nay.

Chúng ta có thể ghi tâm những lời sau đây của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong “Bài giáo lý thứ 2 của Ngài về Thánh Phaolô”[16], để kết luận cho câu chuyện trên, câu chuyện về “MỘT CUỘC ĐỜI MANG DẤU ẤN LINH ĐẠO”; hay nói cách khác, để cùng với ngài bước đi trên con đường linh đạo thuộc về Chúa Kitô :

“Chúng ta phải thích ứng tất cả những điều này vào đời sống thường nhật của mình theo gương Thánh Phaolô, là người luôn sống linh đạo này với một cấp độ cao. Ngoài ra, Đức tin phải luôn bày tỏ đức khiêm nhường trước Nhan Thiên Chúa, thật sự là thờ phượng và ngợi khen Ngài.

Quả thật, chính nhờ Thiên Chúa và chỉ nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta được làm Kitô hữu. Vì không có gì và không có ai có thể thay thế được Ngài, cho nên điều cần thiết là chúng ta không được tôn thờ bất cứ điều gì hay bất cứ ai ngoài Ngài. Không được để cho ngẫu tượng nào làm ô uế vũ trụ tinh thần của chúng ta, nếu không, thì thay vì vui hưởng sự tự do đã dành được, chúng ta sẽ lại rơi vào một hình thức nô lệ nhục nhã. 

Hơn nữa, sự lệ thuộc triệt để của chúng ta vào Đức Kitô và sự kiện “chúng ta ở trong Người” phải làm thấm nhuần trong chúng ta một thái độ hoàn toàn tín thác và niềm vui cao cả. Tóm lại, thực ra chúng ta phải kêu lên cùng với Thánh Phaolô: “Nếu Thiên Chúa về phe chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta được?” (Rm 8,31). Câu trả lời là không có gì và không ai “sẽ có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,39). Do đó, đời sống Kitô hữu chúng ta được đặt trên tảng đá vững chắc và an toàn nhất mà sức người có thể tưởng tượng được. Và từ đó, chúng ta rút ra tất cả nghị lực của mình, hoàn toàn đúng như Thánh Tông Đồ đã viết: “Tôi có thể làm được tất cả mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13).

Lm. Giuse Trương Đình Hiền

[1] ĐGH Bênêđictô XVI, Bài Giáo lý I về Thánh Phaolô : THÁNH PHAOLÔ THÀNH TARSÔ, Trong buổi Triều yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 25-10-2006. Phạm Xuân Khôi chuển dịch.

Nguồn : http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/NamThanhPhaolo/GiaoLy01.htm

[2] ĐHY Michael Saltarelli, Giám mục Wilmington, Thư mục vụ vào ngày 25-1-2008 : HỌC VÀ SỐNG TINH THẦN THÁNH PHAOLÔ trong Năm Thánh Phaolô từ 28/6/2008 đến 29/06/2009. Nguồn : 

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/NamThanhPhaolo/02HocHoiTinhThanPhaolo.htm

[3] LECTIO DIVINA, Thánh Phaolô Tông Đồ Dân ngoại theo cha Jean Beyer sj, Soeur Marie Immaculé Tịnh SPC chuyển dịch, Suy niệm cha Antôn Ngô Văn Vững, Tủ sách Tỉnh Dòng Phaolô Đà Nẵng, tr. 37 : “Ngài chỉ có thể xây dựng một giáo thuyết cách sâu đậm và rộng rãi bởi vì Ngài có được một sự hiểu biết thâm sâu về mầu nhiệm Đức Kitô, chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và sự hiểu biết này không ngừng được tăng trưởng, phong phú hoá thêm bởi những kinh nghiệm đời sống truyền giáo của Ngài” (Cha Antôn Ngô Văn Vững sj : DẪN NHẬP VÀO CÁC THƯ PHAOLÔ) 

[4] Alain Decaux – Viện sĩ Hàn lâm Pháp : TRẺ SINH NON CỦA THIÊN CHÚA, Một tiểu sử về Thánh Phaolô, nxb Perrin-Desclée de Brouwer, bản dịch của Phạm Minh Thiện, Lưu hành nội bộ Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng, tr. 7 : “Ở mỗi trang lịch sử đời của Phaolô, khi người ta nghĩ nắm bắt được một xác tín, thì người ta lại tìm thấy một ý niệm ngược lại. Người có vẽ thích thú chính tự mình xoá đi những dấu vết mà người đã để lại sau lưng người. Người đã làm các nhà viết sử về người phải lao đao, và đôi khi phải bực tức. Nhưng họ tha thứ cho người vì người là loại người độc nhất vô nhị”.

[5] SĐD (ĐGH Bênêđictô) : “Người đầu tiên đã được Chính Chúa, là Đấng Phục Sinh, gọi làm một Tông Đồ thật, chính là Thánh Phaolô thành Tarsus. Ngài nổi bật như một ngôi sao sáng nhất trong lịch sử Giáo Hội, nếu không nói là trong việc thành lập Giáo Hội. Thánh Gioan Kim Khẩu ca tụng ngài như một người cao trọng hơn nhiều thiên thần và tổng lãnh thiên thần (x. Panegirico, 7, 3). Dante Aligheiri trong Hài kịch của Thiên Chúa (Divine Comedy), cảm hứng bởi câu truyện Thánh Luca kể trong Công vụ Tông đồ (x. 9,15), đã diễn tả ngài cách đơn giản là “cái bình được chọn” (inf. 2,28), có nghĩa là một dụng cụ được Thiên Chúa chọn. Những người khác gọi ngài là “Vị Tông Đồ Thứ 13”, hay cách trực tiếp, “vị trước nhất sau vị Duy Nhất”.

Chắc chắn rằng sau Chúa Giêsu, ngài là một trong những vị tiên khởi mà chúng ta biết nhiều nhất. Thực ra, chúng ta không những chỉ có câu truyện mà Thánh Luca viết trong sách Công vụ Tông đồ, mà còn cả một số thư mà chính tay ngài viết, là những văn kiện trực tiếp tỏ lộ cá tính và tư tưởng của ngài mà không qua trung gian.

Thánh Luca cho chúng ta biết tên ngài trước kia là Saulô (x. Cv 7,58; 8,1), cũng là Saulê trong tiếng Hipri (x. Cv 9,14, 17; 22,7, 13; 26,14), như vua Saulê (x. Cv 13,21), và ngài là người Do Thái lưu vong, vì thành Tarsus toạ lạc giữa Anatolia và Syria.

Ngài xuống Giêrusalem rất sớm để học tận gốc Luật Môsê theo chân vị thầy nổi danh là Gamalielê (x. Cv 22,3). Ngài cũng học một nghề thủ công và phổ thông, là đan lều (x. Cv 18,3), mà sau này giúp ngài tự cung cấp cho mình để không trở thành gánh nặng cho Giáo Hội (x. Cv 20,34; 1 Cr 4,12; 2 Cr 12,13).

Thật là một bước quyết định cho ngài khi biết có một cộng đoàn của những người tự nhận là môn đệ của Chúa Giêsu. Ngài biết về Đức tin nhờ họ - được gọi là một “đạo” mới - không đặt Lề luật của Thiên Chúa ở trọng tâm mà lại đặt con người Giêsu, Chịu Đóng Đinh và đã Sống Lại, mà họ còn nối kết người ấy với việc tha tội. Là một người Do Thái cuồng tín, ngài cho rằng sứ điệp này không những không thể chấp nhận được, mà còn gây gương mù, nên ngài thấy có nhiệm vụ phải bắt bớ những người theo Đức Kitô ngay cả ở ngoài Giêrusalem.

Chính trên đường đi Đamascô vào đầu thập niên 30 mà theo lời ngài thì “Đức Kitô đã làm cho tôi thuộc về Người” (Pl 3,12). Trong khi Thánh Luca kể lại sự kiện với nhiều chi tiết - như ánh sáng của Chúa Phục Sinh đã chạm đến ngài và biến đổi đời ngài tận căn thế nào - trong các thư ngài đi thẳng vào điểm căn bản mà không chỉ nói về thị kiến (x. 1 Cr 9,1), mà còn về một sự soi sáng (x. 2 Cr 4,6), và trên hết, về một mạc khải và một ơn gọi trong cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh (x. Gl 1,15-16).

Thực ra, ngài sẽ định nghĩa cách dứt khoát mình là “một Tông đồ bởi ơn gọi” (x. Rm 1,1; 1 Cr 1,1) hay “Tông đồ do Thánh Ý Thiên Chúa” (2 Cr 1,1; Ep 1,1; Cl 1,1), để nhấn mạnh rằng cuộc trở lại của ngài không phải là kết quả của một sự mở mang tư tưởng hay suy tư, nhưng là kết quả của sự can thiệp của Thiên Chúa, một ân sủng không thể lường được của ngài. Từ đó trở đi, tất cả những gì đối với ngài là có giá trị đều bị đảo lộn trở thành thua thiệt và phân bón (x. Pl 3,7-10). Và từ giây phút ấy, ngài dồn toàn lực vào việc phục vụ một mình Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người mà thôi. Sự hiện hữu của ngài phải trở nên sự hiện hữu của một vị Tông Đồ muốn “trở nên mọi sự cho mọi người” (1 Cr 9,22) mà không giữ lại điều gì cho mình. Từ đó, chúng ta rút ra một bài học rất quan trọng: điều chính yếu là đặt Đức Kitô ở trọng tâm của đời sống mình, để căn tính của mình được đánh dấu cách rõ ràng bằng cuộc gặp gỡ [Đức Kitô], qua việc kết hiệp với Đức Kitô và với Lời của Người. Trong ánh sáng của Người, các giá trị khác được phục hồi và được thanh luyện khỏi mọi cặn bã.

Một bài học căn bản khác mà Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta là chiều rộng phổ quát đánh dấu việc tông đồ của ngài. Vì cảm nhận cách sâu sắc vấn đề khó khăn của dân ngoại trong việc nhận biết Thiên Chúa, là Đấng ban ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, Chịu Đóng Đinh và Sống Lại, cho mọi người không trừ ai, nên ngài hiến toàn thân để làm cho Tin Mừng này được nhận biết, để công bố ân sủng được tiền định để hoà giải con người với Thiên Chúa, với chính mình và với tha nhân. Ngay từ giây phút đầu tiên, ngài đã hiểu rằng điều này là một thực thể không những chỉ liên hệ với dân Do Thái hay một nhóm người nào đó, nhưng là một thực thể có giá trị phổ quát và liên hệ với mọi người, vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi người.

Điểm khởi hành của các cuộc hành trình truyền giáo của ngài là Giáo Hội ở Antiôkia nước Syria, nơi mà lần đầu tiên Tin Mừng được rao giảng cho người Hy Lạp và danh xưng “Kitô hữu” được đặt cho những người tin vào Đức Kitô (x. Cv 11,20,26). Từ đó, trước hết, ngài đi Cyprus, rồi vào dịp khác, đến các miền của Tiểu Á (Pisidia, Laconia, Galatia), và sau đó, đến các vùng ở Âu Châu (Maceđonia, Hy Lạp). Các thành phố thời danh nhất là Êphêsus, Phillipphê, Thessalônica, Côrinthô, mà không quên Berêa, Athens và Milêtus.

Trong việc tông đồ của Thánh Phaolô cũng không thiếu gì những khó khăn mà ngài đã can đảm đương đầu vì yêu mến Đức Kitô. Chính ngài đã nhắc lại phải chịu đựng “vất vả… tù đày… đánh đập… nhiều lần chạm trán với tử thần… Ba lần bị đánh đòn bằng roi, 1 lần bị ném đá, 3 lần đắm tàu, trải qua một đêm và một ngày trên biển cả; phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Và không kể các điều khác, còn có những áp lực hằng ngày đè nặng trên tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các giáo hội! (2 Cr 11,23-28).

Từ một đoạn trong thư gửi tín hữu Rôma (x. Rm 15,24.28) xuất hiện một đề nghị của ngài là đi đến cả Tây Ban Nha, đến Phương Tây, để loan báo Tin Mừng khắp nơi, ngay cả đến tận chân trời mà người ta biết đến [vào thời đó]. Làm sao mà chúng ta không thán phục một con người như thế? Làm sao mà chúng ta không cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một vị Tông Đồ có một tầm vóc như vậy?

Chắc chắn rằng ngài đã không thể đương đầu với những khó khăn như thế và đôi khi trong hoàn cảnh tuyệt vọng nếu ngài đã không có một lý do để tin vào một giá trị tuyệt đối, mà trước giá trị ấy, không một ngăn cách nào có thể được coi là không thể vượt qua được. Như chúng ta đã biết, đối với Thánh Phaolô, lý do này là Đức Giêsu Kitô, mà ngài đã viết về Người như sau: “Tình yêu của Đức Kitô thúc đẩy chúng tôi… để những người đang sống không còn sống cho mình nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ” (2 Cr 5,14-15), vì chúng ta và vì tất cả mọi người.

Thực ra, Thánh Tông Đồ đã làm chứng hùng hồn bằng máu của ngài dưới thời Hoàng đế Nêrô ở đây, tại Rôma, là nơi mà chúng ta đang giữ và tôn kính hài cốt của ngài. Thánh Clêmentê thành Rôma, vị tiền nhiệm của tôi ở Toà Thánh này, đã viết về ngài trong năm cuối cùng của thế kỷ thứ nhất: “Bởi vì lòng ghen tương và sự bất hoà mà Thánh Phaolô đã bắt buộc phải chỉ cho chúng ta làm thế nào để đạt được phần thưởng kiên nhẫn… Sau khi rao giảng công lý cho toàn thế giới, và sau khi đã đến tận biên cương của Phương Tây, ngài chịu tử vỉ đạo trước các nhà cầm quyền chính trị; bằng cách ấy ngài từ bỏ cõi đời này và về đến nơi thánh, để trở thành mẫu gương cao quý về kiên trì” (Thư gửi tín hữu Côrinthô, 5).

[6] SĐD (ĐGM Giuse Võ Đức Minh, Thánh Phaolô, Tông Đồ dân ngoại) : Sự nghiệp “Tông đồ Dân ngoại” của Phaolô không chấm dứt với cuộc tử tạo của Phaolô; nhưng được tiếp nối một cách đầy xác tín và phong phú bởi các thế hệ “tôi tớ của Đức Chúa”, ở mọi nơi và mọi thời.

- Vào năm 67, tại địa điểm Tre Fontane ở Roma, Italia, Phaolô đã bị kết án tử hình bằng hình phạt chém đầu, với tội danh là tín hữu Kitô, Giáo trưởng trong Đạo Kitô. Ngài hưởng thọ 60 tuổi.

- Sinh tại Tarsô vào năm 7, ở vùng Tiểu Á, trong một gia đình gốc Do Thái. Ngoài gốc gác là Do Thái, ngài còn mang quốc tịch Roma.

- Năm 15 tuổi đến 25 tuổi (năm 22 đến 32), Phaolô theo học về Kinh Thánh và truyền thống của Tổ tiên tại Giêrusalem, đặc biệt với vị Rabbi danh tiếng thời bấy giờ là Gamaliel. Trong thời gian nầy, tại Giêrusalem, có xảy ra 2 biến cố lớn : vụ án đóng đinh Đức Giêsu người Nadarét vào năm 30 và vụ án ném đá Phó tế Stêphanô vào năm 31.

- Năm 25 tuổi (năm 32), Phaolô thị kiến gặp Đức Giêsu Nadarét trên đường đi Đamas.

- Năm 25 tuổi đến 39 tuổi (năm 32 đến 46), Phaolô trải qua thời gian “sa mạc” trong cuộc đời mình : ở Đamas, ở hoang địa Arabia, ở Giêrusalem và đặc biệt ở quê nhà tại Tarsô. Chắc chắn đây là khoảng thời gian Phaolô có dịp “đọc lại” toàn bộ Kinh Thánh, truyền thống của các Tổ tiên dưới ánh sáng của nhân vật Giêsu Nadarét trong sự kiện tử nạn và phục sinh

- Năm 39 tuổi, nhờ sự giới thiệu của Barnaba, Phaolô đã ra khỏi tình trạng ẩn dật ở Tarsô, để xuất hiện và rao giảng công khai về Đức Giêsu Kitô tại Antiokia. Chính trong thời gian nầy, xuất hiện tại Antiokia hai sự kiện lịch sử : danh xưng “Kitô hữu” (Cv 11, 26) cũng như dấu hiệu “Thiên Chúa đã mở cửa đức tin (porta fidei) cho các dân ngoại “ (Cv 14, 27).

- Năm 42 tuổi (năm 49), Phaolô cùng Barnaba lên Giêrusalem tham dự hội nghị với các Tông đồ và môn đệ (= Công đồng Giêrusalem). Hội nghị quyết định mở rộng cánh cửa đức tin (porta fidei) cho muôn dân, chỉ định Phaolô và Barnaba chuyên việc rao giảng Tin mừng cho Dân ngoại.

- Năm 42 đến 45 tuổi (năm 49 đến năm 52), Phaolô hăng say rao giảng Tin mừng và thiết lập các Giáo đoàn mới (1+2 Thes.; Gal.).

- Năm 46 đến 51 tuổi (năm 53 đến năm 58), Phaolô đẩy mạnh cuộc hành trình đến với Dân ngoại (1+2 Cor.).

- Năm 52 tuổi (năm 59), Phaolô bị bắt và bị giam giữ tại Giêrusalem đến năm 53 tuổi(Rom.)

- Năm 54 tuổi (năm 61), với tư cách là công dân Roma và vì nại đến Hoàng đế, nên tù nhân Phaolô được chuyển đến Roma. Cuộc hành trình trên biển Địa Trung Hải kéo dài hơn 1 năm.

- Tới Roma lúc đã được 55 tuổi, Phaolô bị giam đến năm 56 tuổi (năm 62-năm 63) (Col.; Phm.; Ep.; Phi.; 1 Tm.; Tit.; Hr. ).

- Trong vòng 3 năm, ở tuổi 56 đến 59 (năm 63 đến 66), Phaolô được tự do ở Roma. Ý hướng đem Tin mừng cho Dân ngoại đến tận cùng trái đất đã thúc đẩy Phaolô làm cuộc hành trình truyền giáo đến Tây Ban Nha, phần đất tận cùng của Roma thời bấy giờ.

- Vào năm 67, khi được 60 tuổi, Phaolô đã lãnh án tử hình vì Danh Chúa Giêsu Kitô (2 Tm.). Phaolô được phúc tử vì đạo tại Roma.

[7] SĐD (Alain Decaux) : TRẺ SINH NON CỦA THIÊN CHÚA, Một tiểu sử về Thánh Phaolô, nxb Perrin-Desclée de Brouwer, bản dịch của Phạm Minh Thiện, tr. 7 : “Saolô là một con người vĩ đại. Là Người điên của Đức Kitô : apostolus furiosus. Lòng tin nóng sốt như lửa của người làm ta đảo lộn. Nhưng sự mâu thuẩn của người làm ta ngỡ ngàng. Là người bắt bớ không thương xót các kitô hữu – phương pháp người áp dụng biểu hiện trước những phương pháp các cảnh sát an ninh sử dụng trong thế kỷ XX – và đã nhìn nhận Con Thiên Chúa, khi Đức Giêsu đã nói với người, trên đường tới Đamát. Phaolô là người tự tuyên bố mình là Tông Đồ. Một nhà thần bí và là một nhà chiến lược. Là người có bản lĩnh. Là người cảm nhận nghìn lần cái chết, khi những xác tín của người biến thành hồ nghi, thế nhưng, từ chối không bao giờ chịu từ bỏ một xác tín nào đã có. Là người duy nhất đã hiểu rằng Kitô giáo chỉ có một tương lai khi được trình bày cho dân ngoại. Là nhà thư văn hùng vĩ. Là người thần kỳ làm kẻ khác hoán cải. Là kiến trúc sư của Kitô giáo – là người sáng tạo, như Rêmarút (Remarus) đã nói thế vào thế kỷ XVIII, và người vô thần Nit-sơ (Nietzsche) lặp lại vào thế kỷ XIX -, người đã áp đặt cái nhìn của mình về Đức Kitô và đã hun đúc những luật pháp sẽ chi phối Giáo Hội, khá lâu trước khi các sách Tin Mừng được soạn ra.

Ở mỗi trang lịch sử đời của Phaolô, khi người ta nghĩ nắm bắt được một xác tín, thì người ta lại tìm thấy một ý niệm ngược lại. Người có vẽ thích thú chính tự mình xoá đi những dấu vết mà người đã để lại sau lưng người. Người đã làm các nhà viết sử về người phải lao đao, và đôi khi phải bực tức. Nhưng họ tha thứ cho người vì người là loại người độc nhất vô nhị”.

[8] LECTIO DIVINA, Thánh Phaolô Tông Đồ Dân ngoại theo cha Jean Beyer sj, Soeur Marie Immaculé Tịnh SPC chuyển dịch, Suy niệm cha Antôn Ngô Văn Vững, Tủ sách Tỉnh Dòng Phaolô Đà Nẵng, tr. 49-50 :”Thánh Phaolô không dùng từ”hoán cải” theo nghĩa Kinh Thánh (metanoia) (…). Thánh Phaolô không từ Do Thái trở lại Kitô giáo, vì Ngài là một người Do Thái tuân giữ Lề Luật cách trọn hảo (Pl 3,4-6). Ngài không bỏ Do Thái giáo để trở thành Kitô hữu. Nhưng ngài tiến lên một bậc, theo nghĩa : chu toàn những đòi buộc của Do Thái giáo một cách hoàn hảo hơn và tin vào Thiên Chúa cách đầy đủ hơn bằng cách tin theo Chúa Giêsu. Vậy ta phải hiểu thuật ngữ “trở lại” trong trường hợp Phaolô theo nghĩa rộng hơn, sâu hơn ý nghĩa thông thường”.

[9] Ibid. Tr. 50 : “Sự trở lại của Ngài là một “tiếng gọi” từ Thiên Chúa, một sự “mặc khải” của Thiên Chúa; giống như Môsê, Isaia, Giêrêmia, được Thiên Chúa trực tiếp chọn gọi không qua trung gian loài gười, Phaolô được tuyển chọn từ chính Thiên Chúa”.

[10] SĐD (Xuất phát lại từ Đức Kitô), số 2

[11] Phan Tấn Thánh, ĐỜI SỐNG TÂM LINH IV, CHIỀU KÍCH HUYỀN BÍ TRONG CÁC TÔN GIÁO, NXB. Phương Đông 2015. Tr. 201: “Mối liên hệ với Đức Kitô bắt đầu do chính Chúa chứ không phải do sáng kiến của Phaolô. Theo một kiểu nói văn chương, Phaolô đã bị “tiếng sét ái tình” trên đường đi Đamascô, khi ông truy nã các tín đồ của Đạo mới. Đức Kitô đã đến gặp Phaolô, đã tự mặc khải cho ông (Gl 1,14-15). Biến cố này ghi sâu vào tâm khảm của ông, khiến ông tài nào quên được, và hễ có dịp là ông kể lại hồng ân cho người khác nghe (xc. 1 Cr 9,1; 15,8; 2 Cr 4,6; Pl 3,7; Ep 3,8; 1 Tm 1,16).

[12] Ibid. Tr. 202 : “Một điều chắc chắn là ông không quả quyết rằng mình đã mất nhân cách đến độ chỉ còn là “robot”, hình nộm để cho Chúa giật dây ! Có lẽ ông cũng không muốn diễn tả một cảm giác lâng lâng vui thú của các cặp tình nhân (được kề bên nhau và sống chết có nhau), bởi vì trước đó (câu 19) ông đã viết rằng : “Tôi cùng chịu đóng đinh với Chúa Kitô vào thập giá”. Sự kết hiệp nầy nên được hiểu theo nghĩa tinh thần, đó là Đức Kitô trở thành lẽ sống cho Phaolô : vì yêu mến Chúa, ông sẵn sàng chịu đựng hết mọi gia lao để bày tỏ lòng quý mến Người, đặc biệt bằng cách cọng tác vào việc rao giảng Tin Mừng, ngõ hầu Chúa Kitô được mọi người hiểu biết và yêu mến. Mối tình dành cho Chúa Đức Kitô cũng bao hàm mối tình dành cho Hội Thánh của Người” (1 Cr 12,12).

[13] Ibid. Tr. 203-204 : “Trong Đức Kitô”. Thuật ngữ nầy (in Christo) xuất hiện khoảng 160 lần trong các thư của thánh Phaolô, tuy không chỉ dành riêng cho cảm nghiệm cá nhân, nhưng còn cho tất cả mọi tín hữu. “Trong Đức Kitô” có nghĩa là gì ? Hẵn là giới từ “trong” không ám chỉ một khoảng không gian, địa lý (như khi nói : “trong nhà”, “trong mình”). Có lẽ nên hiểu theo nghĩa tinh thần : Đức Kitô trở nên một lý tưởng cho cuộc sống, có khả năng thu hút tất cả mọi tài năng, nghị lực của ta. Đức Kitô đã yêu ta và đã hiến mạng vì ta (Gl 2,20). Đáp lại, ta cũng muốn yêu mến Người và để cho Người chiếm đoạt”.

[14] Phan Tấn Thành, ĐỜI SỐNG TÂM LINH II, NHỮNG ĐƯỜNG HƯỚNG LINH ĐẠO NỖI BẬT TRONG LỊCH SỬ KITÔ GIÁO, NXB. Phương Đông 2015. Tr. 56 : “Trong bối cảnh nầy, mối tương quan với Đức Kitô không gì khác hơn là tình yêu, dĩ nhiên tình yêu hai chiều nhưng mạnh nhất là về phía Đức Kitô”.

[15] Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả : KÍNH NHỚ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ - "NĂM THÁNH PHAOLÔ" (Viết theo bài Phỏng vấn của Đức Hồng Y Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, Giáo sĩ Trưởng coi sóc Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành Roma, và các tài liệu khác, trong báo L’Osservatore Romano, thứ tư, ngày 19-12-2007, tr. 8). “Ngày 28-6-2007, trong buổi hát Kinh Chiều I, tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành Rôma, Đức Thánh Cha Beneđictô XVI đã loan báo dành một năm để kính nhớ Thánh Phaolô Tông đồ, bắt đầu từ ngày 29-6-2008 đến hết ngày 29-6-2009, nhân dịp kỷ niệm 2.000 năm sinh nhật Thánh Phaolô Tông đồ. (…).Vậy Năm Thánh Phaolô là gì? Đây là một năm đặc biệt dành kính Thánh Phaolô Tông Đồ, để kỷ niệm ngày sinh của Thánh nhân cách đây 2.000 năm. Cho dù chúng ta không biết rõ ngày sinh của ngài là ngày nào, nhưng các nhà chuyên môn đã dự đoán là Thánh nhân sinh ra vào khoảng giữa năm 7 và năm 10 sau Chúa Kitô…”. Nguồn : 

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/NamThanhPhaolo/01NamThanhPhaolo.htm

[16] ĐGH Bênêđictô XVI : BÀI GIÁO LÝ II CỦA ĐTC BÊNÊĐICTÔ VỀ THÁNH PHAOLÔ: NHÃN QUAN MỚI CỦA THÁNH PHAOLÔ. Phạm Xuân Khôi chuyển dịch. Nguồn :

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/NamThanhPhaolo/GiaoLy04.htm