Trang

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Chay năm C này tập trung vào một chủ đề: Đức Tin.


Đnl 26: 4-10
Sách Đệ Nhị Luật mời gọi dân Do thái khi dâng của lễ đầu mùa lên cho Đức Chúa phải kèm theo lời tuyên xưng đức tin ngỏ hầu họ biết nhận ra rằng Đức Chúa không chỉ là Chủ Tể Lịch Sử, Đấng đã hướng dẫn vận mệnh của họ và đã dẫn dắt họ đến tận miền đất phì nhiêu này; nhưng cũng chính một mình Người chứ không một vị thần Ba-an nào, đã ban cho họ sản phẩm thiên nhiên một cách quảng đại.

Rm 10: 8-13
Trong thư gởi cho các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô công bố rằng người ta không thể tin vào Thiên Chúa mà không tin vào Đức Ki-tô, bởi vì Thiên Chúa là tác giả ơn cứu độ được thực hiện ở nơi Đức Giê-su Ki-tô. Kinh Thánh đã loan báo ơn cứu độ phổ quát này: mọi người, người Do thái cũng như lương dân, đều được mời gọi dự phần vào ơn cứu độ này.

Lc 4: 1-13

Tin Mừng Lu-ca thuật lại câu chuyện Chúa Giê-su chịu các chước cám dỗ trong hoang địa. Chúa Giê-su, trung thành với kế hoạch của Chúa Cha, đã đẩy lùi Tên Cám Dỗ, bằng cách trích dẫn Kinh Thánh: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

BÀI ĐỌC I (Đnl 26: 4-10)

Sách Đệ Nhị Luật là cuốn sách thứ năm và cuốn sách sau cùng của bộ Ngũ Thư. Nhan đề sách có nghĩa “luật thứ hai” (từ ngữ căn Hy ngữ: “deuteros”: thứ hai, và “nomos”: luật). Quả thật, sách này lập lại luật Mô-sê, nhưng được thích ứng vào hoàn cảnh dân chúng định cư lập nghiệp ở đất Ca-na-an. Về phương diện văn chương cũng như thần học, qua hư cấu, tác giả để cho ông Mô-sê nói thay cho mình.

1.Của lễ đầu mùa:

Của lễ đầu mùa là một nghĩa vụ được ghi nhận nhiều lần trong luật Mô-sê: “Của đầu mùa tốt nhất của đất đai ngươi, ngươi phải đem đến nhà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Xh 23: 19; 34: 22-26) hay“Khi các ngươi vào đất Ta ban cho các ngươi, và gặt lúa ở đó, thì phải đem đến cho tư tế một bó lúa, sản phẩm đầu mùa gặt hái của các ngươi” (Lv 23: 10).

2.Những thử thách dân Do thái đã kinh qua:

Ấy vậy, dân Ít-ra-en bị thử thách khi bắt chước dân bản địa, dân Ca-na-an, bằng cách tiến dâng của lễ của mình lên thần Ba-an, vị thần ban phì nhiều của dân bản địa, trên những nơi cao, và ca ngợi tấm lòng quảng đại của thần.

Ngôn sứ Hô-sê (thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên) lên án những thực hành này mà ngôn sứ sánh ví với tội ngoại tình của dân Chúa chọn: “Mẹ chúng quả thật đã làm điếm, kẻ mang thai chúng đã thất tiết rồi, vì nó đã nói: ‘Tôi đi theo các tình nhân của tôi, chính họ cho tôi bánh và nước, cho len, cho vải, cho dầu ăn, cho thức uống” (Hs 2: 7). Và vị ngôn sứ để cho Đức Chúa nói lên những lời trách cứ:“Nó đâu biết rằng chính Ta đã ban cho nó lúa mì, rượu mới và dầu tươi, cũng chính Ta đã tặng cho nó bạc vàng nhiều vô kể, vậy mà chúng đem chế tạo đồ dâng cúng thần Ba-an” (Hs 2: 10).

3.Lời tuyên tín:

Sách Đệ Nhị Luật thường vang dội giáo huấn của các ngôn sứ, nhất là các ngôn sứ đã chiến đấu chống lại những tội bội giáo của vương quốc Miền Bắc chẳng hạn như ngôn sứ Hô-sê. Vì thế, tác giả đòi hỏi dân Ít-ra-en phải đưa vào trong nghi lễ dâng của đầu mùa của mình lời tuyên xưng đức tin. Dân phải biết nhận ra rằng Đức Chúa không chỉ là Chủ Tể Lịch Sử, Ngài đã biến đổi số phận của họ; nhưng cũng chính Ngài, Chúa của thiên nhiên, đã ban tặng cho dân nguồn phú túc.

BÀI ĐỌC II (Rm 10: 8-13)

Thánh Phao-lô viết thư này gởi cho các tín hữu Rô-ma vào những ngày sau cùng của thánh nhân ở thành Cô-rin-tô vào mùa đông năm 56-57; vào lúc đó, thánh nhân nghĩ đến cuộc hành trình đến thành đô Rô-ma để viếng thăm cộng đoàn Ki-tô hữu Rô-ma trước khi đi loan báo Tin Mừng ở Tây Ban Nha. Dự định của ngài sẽ được thực hiện ngoài dự liệu của thánh nhân: ngài sẽ đến Rô-ma trong cảnh tù đày.

1.Tầm quan trọng của thư Rô-ma:

Thư gởi tín hữu Rô-ma là bức thư dài nhất trong các thư của thánh Phao-lô và quan trọng nhất về phương diện đạo lý. Chủ đề trọng tâm là vai trò đức tin trong đời sống người Ki-tô hữu. Đoạn văn mà chúng ta đọc được trích từ phân đoạn thống thiết ở đó thánh Phao-lô buồn bã gợi lên sự cứng tin của dân Ít-ra-en, đồng bào của ngài (từ ch. 9 đến ch. 11).

Làm thế nào dẫn đưa đồng bào huyết thống của mình đến đức tin, ngoài việc chỉ cho họ thấy rằng sứ điệp Tin Mừng đã được Kinh Thánh loan báo? Vì thế, thánh nhân sẽ dựa lời kêu gọi của mình trên một loạt những lời trích dẫn Kinh Thánh.

2.Ngôi vị hóa Lời Thiên Chúa:

Trước hết thánh Phao-lô trích dẫn một bản văn Đệ Nhị Luật: “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (Đnl 30: 14). Bản văn này nhằm chứng thực rằng bổn phận của người tín hữu là phải “yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết tâm hồn của mình” và thực thi mọi huấn lệnh Lề Luật. Lề Luật này không vượt quá sức mình; chính Thiên Chúa đến trợ giúp bằng cách nội tâm hóa Lời của Người, tức là, ghi khắc Lời Người vào trong tâm khảm của người tín hữu.

Đối với thánh Phao-lô, việc ngôi vị hóa Lời này xem ra như một linh cảm về Ngôi Lời nhập thể. Bản văn này thực sự sẽ cấu thành một trong những điểm tựa thần học về Ngôi Lời, cùng với vài đoạn văn của các sách minh triết Cựu Ước. Lời Thiên Chúa này được tiếp tục ở nơi sứ điệp Tin Mừng; đó cũng là một Lời; Lời hiện diện trong “lòng” người Ki-tô hữu, được bày tỏ ở nơi toàn bộ tâm tư tình cảm và luân lý. Người Ki-tô hữu phải công bố Lời hết sức mình, bằng cách tuyên xưng trên môi miệng mình Đức Giê-su là Chúa, cùng chung một tước hiệu với Đức Chúa, và quyền tối thượng của Ngài được bày tỏ một cách rực rỡ qua cuộc Phục Sinh của Ngài. Đó là niềm tin vào sự sống lại, đó là lời tuyên tín cốt yếu.

3.Đặt trọn niềm tin vào chỉ một mình Thiên Chúa:

Thánh Phao-lô tiếp tục chứng minh bằng cách trích dẫn một bản văn I-sai-a: “Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng” (Is 9: 33); vị ngôn sứ ngỏ lời với các vị thủ lãnh vương quốc Giu-đa, vào thời điểm Giê-ru-sa-lem lâm vào cơn nguy khốn cùng cực nhất. Những vị lãnh tụ này chỉ biết nghĩ đến việc tìm kiếm sự trợ giúp từ phía quyền lực dân ngoại. Ngôn sứ I-sai-a cho họ hiểu rằng họ phải đặt trọn niềm tin vào chỉ một mình Đức Chúa.

4.Ơn cứu độ được ban cho hết mọi người:

 Không có bất kỳ một khác biệt nào giữa người Do thái và lương dân: ơn cứu độ được ban cho hết mọi người. Dân Ít-ra-en phải biết chấp nhận tính phổ quát của ơn cứu độ này, vốn đã được Kinh Thánh loan báo rồi. Thánh Phao-lô tiếp tục trích dẫn lời ngôn sứ Giô-en: “Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát” (Ge 2: 32). Bản văn này gần với viễn cảnh cánh chung. Viễn cảnh này xem ra chỉ liên quan đến các tín hữu Ít-ra-en, nhưng nó toan tính ban cho những câu này một tầm mức phổ quát. Thánh Phao-lô không là người duy nhất bày tỏ điều này. Thánh Lu-ca trong sách Công vụ Tông Đồ đặt trên môi miệng thánh Phê-rô cùng một sấm ngôn này, ngay từ ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2: 17-21).

Chúng ta ghi nhận rằng thánh Phao-lô bắt đầu thời đại của mình khi gợi lên tước hiệu “Chúa”(“Kurios”) được ban cho Đức Giê-su: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (10: 9) và thánh nhân kết thúc thời đại này với cùng một tước hiệu xưa kia được dành riêng cho một mình Đức Chúa: “Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát” (10: 13). Đây là phương pháp văn chương “đóng khung” hay “bao hàm” rất quen thuộc đối với thánh Phao-lô, qua phương pháp này thánh nhân công bố rằng người ta không còn có thể tin vào Thiên Chúa mà không tin vào Đức Ki-tô. Nét đặc trưng của Ki-tô giáo là liên kết mật thiết với con người của Chúa Ki-tô khi tuyên xưng Thần Tính của Ngài.

Lời tuyên tín này chắc chắn gây khó khăn cho những anh em đồng đạo của thánh nhân, thánh Phao-lô biết rất rõ điều này. Nhưng Kinh Thánh loan báo điều này rất rõ đến mức dân Ít-ra-en phải sáng suốt mà nhận ra. Đây là tất cả niềm hy vọng của thánh nhân.

TIN MỪNG (Lc 4: 1-13)

Câu chuyện Chúa Giê-su chịu cám dỗ trong hoang địa được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại, thánh Mác-cô tường thuật ngắn nhất, trong khi thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca tường thuật dài hơn bằng cách kể ra những chước cám dỗ mà Chúa Giê-su kinh qua. Hai bài tường thuật của Mát-thêu và Lu-ca có thể được đặt đối xứng với nhau, nhờ đó nêu bật vài điểm khác biệt. Vào năm phụng vụ này, Năm C, chúng ta đọc câu chuyện theo Tin Mừng Lu-ca.

Câu chuyện Chúa Giê-su chịu cám dỗ được liên kết với câu chuyện Chúa Giê-su rút lui vào hoang địa, biến cố mà chúng ta phải khảo sát trước tiên.

1.Chúa Giê-su rút lui vào hoang địa (4: 1-2)

Sau khi Chúa Giê-su đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả, Ngài rời bỏ bờ sông Gio-đan để đi sâu vào hoang địa, đây là hoang địa Giu-đê, gần Biển Chết, nơi dòng sông Gio-đan đổ vào. Đây cốt yếu là tác động của Chúa Thánh Thần: “Đức Giê-su được đầy Thánh Thần”. Thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô cũng nhận ra Chúa Thánh Thần là tác nhân tích cực của quyết định này, tuy nhiên thánh Lu-ca còn tinh tế hơn khi nói thêm: “Người được Chúa Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa”, tức là, Đức Giê-su tuân theo ý muốn của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng ở trong Ngài. Chúng ta biết rằng thánh Lu-ca là thánh ký quan tâm nhất đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, cả trong sách Tin Mừng của mình lẫn trong sách Công Vụ Tông Đồ; ở đây thánh ký biết nêu lên mối bận lòng của mình một cách tinh tế.

A-A-đam mới: 

Một nét đặc trưng khác của Tin Mừng Lu-ca, đó là thánh ký đặt câu chuyện Chúa Giê-su chịu cám dỗ ngay sau gia phả của Chúa Ki-tô trong đó thánh nhân không chỉ lên đến tổ phụ Áp-ra-ham như thánh Mát-thêu, nhưng đến tận nguyên tổ “A-đam là con Thiên Chúa” (Lc 3: 38). Như vậy, ngay sau khi nêu lên nguyên tổ A-đam, câu chuyện cám dỗ mới bắt đầu. Điều này muốn nói rằng Chúa Giê-su là A-đam mới; khi chiến thắng Ác Thần, Ngài trở thành thủ lãnh của nhân loại tái sinh.

B-Mô-sê mới:

Chúa Giê-su chuẩn bị sứ mạng của mình trong chiêm niệm, cầu nguyện và chay tịnh, những phương tiện mà những ai mong ước được kết hiệp với Thiên Chúa luôn luôn sử dụng. Ngài chuẩn bị suốt bốn mươi ngày đêm, như ông Mô-sê trong sa mạc Xi-nai, trước khi đón nhận hai bảng Thập Giới (Xh 24: 18 và Đnl 9: 9), cũng như ngôn sứ Ê-li-a, sau khi đã được thần lương bồi dưỡng, đi suốt bốn mươi ngày đêm tới núi Khô-rếp để gặp gỡ Thiên Chúa (1V 19: 8). Quả thật, trong tình tiết này Đức Giê-su xuất hiện như một Mô-sê mới. Như xưa kia, ông Mô-sê xuống núi với những lời Giao Ước, nền tảng của dân Ít-ra-en là dân Chúa chọn, Chúa Giê-su sẽ rời hoang địa để thiết lập một Giao Ước mới và hình thành nên một dân Thiên Chúa mới. 

C-Dân Ít-ra-en mới:

Con số “bốn mươi” cũng gợi lên bốn mươi năm dân Do thái lữ hành trong hoang địa. Trong suốt những năm tháng đó họ đã kinh qua những chước cám dỗ, điều này gợi nhớ những chước cám dỗ của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, trong khi dân Ít-ra-en thất bại, thì Chúa Giê-su lại chiến thắng. Vì thế, những cám dỗ mà Chúa Giê-su trải qua suốt bốn mươi ngày đêm trong hoang địa là một cách thức khẳng định sự liên đới của Ngài với dân Ngài. Chúa Giê-su tóm gọn ở nơi con người của Ngài lịch sử của dân tộc Ngài. Từ nay, Đức Giê-su hiện thân dân Ít-ra-en mới, dân được cung cấp mọi phương thế để chiến thắng mọi thế lực của sự dữ.

2.Ý nghĩa của những chước cám dỗ (4: 3-12)

Sự kiện Chúa Giê-su chịu cám dỗ được truyền thống chứng thực rất mạnh mẽ; tuy nhiên, không có ai được diễm phúc chứng kiến biến cố này. Vì thế, người ta phải giả sử rằng Chúa Giê-su đã kể lại sự kiện này cho các môn đệ Ngài. Người ta muốn định vị lời tâm sự này sau lời tuyên tín của thánh Phê-rô ở Xê-da-rê, khi Chúa Giê-su nhận ra rằng các Tông Đồ, thánh Phê-rô là người đầu tiên, vẫn cứ bám chặc vào một quan niệm sai lạc về Đấng Mê-si-a toàn thắng mà không kinh qua cuộc Thương Khó và Tử Nạn. Vì thế, Ngài trách cứ nặng lời với thánh Phê-rô mà chúng ta nghe như âm vang câu chuyện cám dỗ này: “Xa-tan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8: 33).

Bài học đầu tiên của việc Chúa Giê-su chịu các chước cám dỗ chắc chắn là bài học về sự liên đới của Ngài với nhân loại. Khi chấp nhận sống kiếp người, Chúa Giê-su đã muốn đảm nhận ở nơi bản thân mình những cảnh đời nô lệ, yếu đuối, đau khổ về phương diện luân lý cũng như thể chất. Vào lúc chịu phép rửa, tiếng phán từ trời đã nhắc nhở Ngài, không chỉ địa vị Con Thiên Chúa, nhưng còn ơn gọi làm Người Tôi Trung của Ngài. Chúa Giê-su biết Kinh Thánh đã loan báo những gì liên quan đến dung mạo người tôi trung này; Ngài biết con đường nào Ngài phải đi qua; Ngài chấp nhận, nhưng về phương diện phàm nhân, Ngài cảm thấy xao xuyến.

Trước khi bắt đầu sứ mạng của mình, Đức Giê-su bị tác động mạnh bởi nỗi sợ hãi và xao xuyến, và xuất hiện trước mắt Ngài những hình ảnh quyến rủ hơn, đó là chuyện thường tình. Tình tiết hoang địa đối xứng với tình tiết vườn Ô-liu. Nỗi cô độc của hoang địa tương ứng với nỗi cô độc của vườn Ô-liu; viễn cảnh về một sứ mạng gian nan tương ứng với viễn cảnh bi thảm hơn của cuộc Tử Nạn gần kề. Cơn cám dỗ đã có thể mặc lấy hình thức của cuộc tranh luận nội tâm, diễn ra suốt cuộc rút lui vào hoang địa này, như thánh Mác-cô và thánh Lu-ca gợi lên – điều này không có gì là không thật cả - đoạn đạt đến cực điểm, vì thể chất yếu nhược của Đức Giê-su sau khi đã chay tịnh lâu ngày.

Chính cực điểm này mà các thánh Lu-ca muốn mô tả, khi trình bày cuộc đối đầu mầu nhiệm của Đức Giê-su với những chước cám dỗ. Hình thức văn chương của bài tường thuật rất gần với loại chú giải kinh sư (“midrash”) và văn chương khải huyền Do thái. Ba chước cám dỗ nêu bật những thái độ mà Chúa Giê-su đã từ chối và đồng thời cũng là những chọn lựa mà Ngài đã tự nguyện thực hiện trong sự vâng phục ý định của Chúa Cha.

A-Đấng Cứu Thế liên đới với con người (4: 3-4):

Sau những ngày chay tịnh, Chúa Giê-su cảm thấy đói. Chính vào lúc đó, quỷ gợi lên cho Ngài biến đá hoang địa thành bánh để thử thách quyền năng của Đấng được gọi là “Con Thiên Chúa”, tước hiệu đã được công bố vào lúc Ngài chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả. Quỷ muốn hướng quyền năng này về những của cải thuộc trật tự vật chất. Trong cảnh thiếu thốn của hoang địa, tư tưởng đã có thể đến với Chúa Giê-su là sử dụng quyền năng của mình trên những sự vật vào những mục đích vị kỷ. Ngài đã bác bỏ điều đó. Đức Giê-su sẽ không bao giờ sử dụng quyền năng này vì mình nhưng vì tha nhân. Các phép lạ Ngài thực hiện sẽ là những dấu chỉ vén mở những của cải tinh thần mà Ngài đem đến cho con người một cách phong phú.

Xưa kia khi dân Do thái lâm vào hoàn cảnh đói trong hoang địa, họ đã nhận được ân ban bánh man-na. Khi đó ông Mô-sê đã cảnh giác họ coi chừng thói tham lam của cải vật chất: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Đnl 8: 3). Cũng chính lời này, Chúa Giê-su đáp trả Xa-tan. Chúng ta lưu ý rằng trong câu trả lời này, Chúa Giê-su tự đồng hóa mình với loài người. Một ngày kia, Ngài cũng lâm vào cảnh đói. Các môn đệ đem thức ăn đến cho Ngài. Ngài sẽ trả lời: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết… Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4: 32-33).

B-Đấng Cứu Thế thống trị (4: 5-8)

Quỷ đưa Ngài “lên cao”, chắc chắn đây là một trong những nơi siêu phàm, như trong các thị kiến của các sách khải huyền. Theo bước phát triển của những chước cám dỗ, quỷ không còn cám dỗ về của cải vật chất, nhưng về quyền lực thống trị: “Tôi sẽ cho ông quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này…”.

Chúa Giê-su biết rõ rằng dân Ngài đang sống trong niềm hy vọng về một Đấng Cứu Thế, Đấng ấy sẽ dành lại nền độc lập chính trị cho họ, phục hưng vị thế và quyền lực của họ. Trong những lúc trầm tư một mình, Chúa Giê-su đã có thể ước tính những lợi ích mà Đấng Mê-si-a giải phóng có thể đem đến cho dân Ngài, đáp ứng những ước vọng của họ. Như vậy, việc mở rộng triều đại Thiên Chúa thật là thuận lợi biết bao! Tuy nhiên, chủ nghĩa cứu thế này, Chúa Giê-su đã luôn luôn từ chối, Ngài lẫn tránh những ước mong của đám đông, khi giải thích rằng vương quốc của Ngài thuộc trật tự tinh thần. Việc Xa-tan đề nghị quyền thống trị thế giới phù hợp với não trạng của thời đại. Việc đồng hóa những quyền lực chính trị với những thế lực Ác Thần càng dễ dàng hơn, vì những quốc gia thống trị là những quốc gia thuộc thế giới ngoại giáo.

Trước lời đề nghị của quỷ: “Nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”, Chúa Giê-su đáp trả bằng những lời mà ông Mô-sê đã nhắc nhở dân Do thái trong bối cảnh dân bị thử thách cúng tế thần Ba-an của dân Ca-na-an: “Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ” (Đnl 6: 13). Chỉ sau khi đã trải qua Tử Nạn và Phục Sinh, Chúa Giê-su sẽ lãnh nhận quyền Chủ Tể hoàn vũ, Ngài sẽ nắm trọn chủ quyền này từ Cha Ngài chứ không từ ai khác.

C-Đấng Cứu Thế siêu phàm (4: 9-12)

Theo nhịp độ tăng dần của thánh Lu-ca, chước cám dỗ mạnh nhất mà Chúa Giê-su phải đương đầu và chế ngự, đó là muốn nâng đỡ công việc cứu thế của Ngài bằng những công việc phi thường.

Quỷ đặt Chúa Giê-su trên nóc Đền Thờ. Từ nóc Đền Thờ đến bức tường thành xung quanh khoảng bốn mươi mét. Quỷ nói với Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi”. Để thuyết phục Ngài, quỷ khôn khéo trích dẫn Tv 91: 11-12, theo đó người công chính được Đức Chúa cho các thiên sứ đến phù trợ. Khi trích dẫn Thánh Vịnh này, quỷ đề nghị với Chúa Giê-su một hành động khêu khích buộc Thiên Chúa phải can thiệp. Chúa Giê-su đáp lại rằng Ngài sẽ không xin Thiên Chúa bảo vệ che chở Ngài một cách ngông cuồng đến mức làm cho Ngài khác với mọi người. Kể từ lúc đó, Ngài làm cho hiểu rằng Ngài sẽ không tìm cách thoát khỏi cái chết.

Ở nơi cơn cám dỗ cuối cùng, chúng ta nhận ra lỗi phạm của Ít-ra-en trong hoang địa, khi họ đòi hỏi Thiên Chúa can thiệp bằng những lời này: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?” (Xh 17: 7). Còn Chúa Giê-su, Ngài mô phỏng lời trách cứ của ông Mô-sê trong sách Đệ Nhị Luật: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (x. Đnl 6: 16) để từ chối bắt Thiên Chúa phải can thiệp. Ở đây Ngài không đòi Thiên Chúa dùng phép lạ để cứu mạng mình và cũng sẽ là như vậy khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá khi mà những kẻ ác tâm thách đố Ngài: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn" (Lc 23: 35). Như vậy, cả ba lần, Chúa Giê-su bày tỏ sự vâng phục tuyệt đối với chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Khi so sánh bài trình thuật của thánh Lu-ca với bài trình thuật của thánh Mát-thêu, chúng ta nhận ra thánh Lu-ca đã đảo lộn trật tự giữa cơn cám dỗ thứ hai và cơn cám dỗ thứ ba của thánh Mát-thêu. Với trật tự đảo lộn này, thánh Lu-ca mới có thể kết thúc bài trình thuật của mình với việc kể ra Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, đây là một trong những đề tài chủ đạo của Tin Mừng Lu-ca. Quả thật, Tin Mừng Lu-ca bắt đầu với biến cố truyền tin loan báo cuộc sinh hạ của Gioan Tẩy Giả ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và kết thúc với ghi nhận: “Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24: 52-53). Trong Tin Mừng của mình, thánh Lu-ca nhắc đi nhắc lại nhiều lần Đức Giê-su lên đường tiến về Giê-ru-sa-lem (Lc 9: 41-53; 17: 11; 19: 28), nhằm thiết lập một cuộc hành trình dài lên Thành Thánh, ở đó Chúa Giê-su sẽ hoàn tất chương trình cứu độ của mình. Thánh Lu-ca là thánh ký duy nhất bỏ qua những lần Đức Giê-su Phục Sinh xuất hiện ở Ga-li-lê để chỉ tập trung vào những lần Chúa Giê-su Phục Sinh xuất hiện ở Giê-ru-sa-lem. 

3-Kết (4: 13)

Trái với “kết cục có hậu” của Mc 1: 13 và Mt 4: 11: “Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người”, thánh ký Lu-ca hướng sự chú ý đến Tên Cám Dỗ: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ”. Sau khi đã tìm đủ mọi cách vô ích chống lại sứ mạng cứu thế của Chúa Giê-su, quỷ đã thua một trận, nhưng không phải là toàn bộ cuộc chiến, vì thế quỷ chờ đợi thời cơ. Quả thật, quỷ thường xuất hiện trong suốt cuộc đời công khai của Chúa chúng ta (x. ví dụ như Mc 12: 28), nhưng thời cơ thuận tiện nhất là cuộc Khổ Nạn: “Đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22: 53), giờ mà quỷ sẽ lộ nguyên hình trong vai trò của Tên Cám Dỗ. Đức Giê-su sẽ báo trước điều này cho các môn đệ Ngài và nhiều lần đảm bảo với họ là Ngài sẽ chiến thắng (x. Ga 12: 31; 14: 30). Ở nơi cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô, quỷ sẽ dốc toàn lực một lần sau cùng.

Đức Ki-tô, Thiên Chúa thật và con người thật, tự nguyện nên giống chúng ta trong mọi sự ngoài trừ tội lỗi (x. Pl 2: 7; Dt 2: 7; 4: 15), vì thế Ngài chấp nhận chịu cám dỗ. Với tư cách là một con người, Ngài bị cám dỗ, và cũng với tư cách một con người, Ngài kháng cự như lời nhận định của thánh Giáo Phụ Am-rô-xi-ô: “Ngài đã không hành xử như Thiên Chúa, khi phát huy quyền năng của Ngài; giả như Ngài đã làm như vậy, làm thế nào chúng ta có thể noi gương Ngài được? Đúng hơn, như một con người, Ngài đã tận dụng những nguồn lực mà Ngài có chung với chúng ta” (Expositio Evangelii sec. Lucam, in loc.). Qua việc chiến thắng mọi chước cám dỗ, Đức Giê-su chỉ cho chúng ta phương thế đối phó với những mưu mô xảo quyệt của quỷ dữ. 


http://www.kinhthanhvn.net/suy-niem-chu-giai-loi-chua-thu-tu-le-tro-lm-inhaxio-ho-thong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét