Trang

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2019

Nếu tôi là ông Simôn Kyrênê, tôi có mang thập giá không?





fr.aleteia.org, Agnès Pinard Legry, 2018-03-30
Trong quyển sách Người Samaritanô của Chúa (Le Samaritain de Dieu), tác giả Jean-Michel Thouvenin có một cái nhìn đặc biệt sáng rõ về ông Simôn Kyrênê. Một lời suy niệm về người duy nhất đã vác đỡ thánh giá cho Đức Giêsu, nhân ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta cùng suy niệm lại đoạn này.
Ba Phúc Âm nhất lãm chỉ có một dòng nói về ông Simôn Kyrênê. Phúc Âm Thánh Gioan không nhắc đến. Chúng ta không biết gì nhiều về ông: tên ông, Simôn Kyrênê, công việc của ông, vừa đi từ đồng về được giao cho nhiệm vụ vác thánh giá theo sau chân Chúa Giêsu, tình trạng gia đình của ông, cha của hai người con, Alêxanđê và Ruphô, ông là người duy nhất thật sự vác thánh giá của Chúa Giêsu. Ông Simôn Kyrênê cộng tác để chương trình hoạch định của Chúa Cha được hoàn tựu. Nhà văn Jean-Michel Thouvenin nhấn mạnh: “Ông giúp Con Thiên Chúa để là con người cho đến cùng, dù sự giúp đỡ này đưa Chúa Giêsu đến cái chết nhanh hơn”. Trong quyển sách Người Samaritanô của Chúa, tác giả tế nhị và xúc động mô tả người đàn ông ở chặng thứ năm này.
Aleteia: Vì sao ông viết một quyển sách về ông Simôn Kyrênê? 
Jean-Michel Thouvenin: Năm tôi lên 14 tuổi, khi tôi nghe kinh “Kính mừng Maria” của Francis Jammes lần đầu tiên, tôi để ý đến ông Simôn Kyrênê. “Vì bà cụ vấp ngã dưới sức nặng đã phải kêu lên: ‘Chúa ôi!’, vì người bất hạnh mà đôi tay không thể dựa trên tình yêu con người, như Thập giá Con Thiên Chúa trên Simôn Kyrênê, vì con ngựa té dưới xe đẩy nó đang kéo, Kính mừng Maria”… Đoạn này đã làm tôi xúc động. Sau này khi tôi về lại với đạo, tôi suy nghĩ và suy niệm nhiều về ông Simôn Kyrênê. Tôi thấy các thánh sử không viết đủ về ông, Thánh Gioan còn không nhắc đến, trong khi các thánh khác chỉ nói một đoạn lúc đó. Chúng ta không biết gì về ông, cả trước lẫn sau khi ông “gặp” Chúa Giêsu. Ông vẫn là một hình ảnh ít được nói đến, dù cả thế giới biết nhiều về ông: hàng ngàn nghệ sĩ đã cho thấy các đặc điểm của ông! Người xa lạ này, người vừa từ ngoài đồng về, ông Simôn Kyrênê gánh giùm thập giá Đức Giêsu vài phút, Ngài không còn nhấc lên nổi. Giây phút này chắc chắn không kéo dài lâu, nhưng là giây phút quyết định cho nhân loại. Mấy giây phút đau đớn của ông Simôn Kyrênê chỉ có vài hàng trong các Phúc Âm, nhưng những giây phút này vẫn là giây phút quyết định ở mãi trong ký ức ông cho đến già. Ông Simôn chỉ có thể kể sau đó. Ông kể “đồi Gôngôta” của ông. Đâu là lời chứng từ ông? Và nếu có ngày, ông nhận ra mình đã vác thập giá cho Con Thiên Chúa, làm thế nào để ông sống với sự thật này? Quyển sách này, một cách khiêm tốn muốn sửa lại sự bất công này.
Không một thánh sử nào nói đến có một đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông… Vì sao có sự im lặng này?
Trong Phúc Âm Thánh Luca, trên con đường đến Gôngôta, Chúa Giêsu còn nói với các phụ nữ Giêrusalem đi theo Ngài, trên thập giá Chúa Giêsu nói với người trộm lành… Nhưng Chúa Giêsu không nói một lời với ông Simôn Kyrênê. Theo tôi, hành vi mà ông Simôn đối với Chúa Giêsu thì quá sâu đậm, không một lời nào có thể thay thế được. Tôi thử để đặt tôi vào địa vị của ông Simôn: thập giá mà Chúa Giêsu vác thì dính máu và mồ hôi của Chúa Giêsu. Trao đổi giữa hai người là vô nghĩa vì nó nằm trong sự thật của hành vi. Có một cái gì là thịt da, là hòa lẫn giữa hai người. Chúa Giêsu có thể nói gì lúc đó? Sự thật thắng thế khi giữ thinh lặng, khi hành vi nói thay lời.
Ông Simôn Kyrênê là khuôn mẫu cho chúng ta ở điểm nào?
Ông Simôn Kyrênê làm cho chúng ta nhìn lại sự gắn bó của mình đối với Chúa Kitô. Đời sống của ông Simôn Kyrênê có một ý nghĩa. Đó là nhân vật mang tinh thần kitô tiêu biểu của ơn nhưng không, của quên mình và của đức khiêm tốn. Ông giúp Chúa Kitô vì quân lính La Mã kêu ông khi ông trên đường từ đồng về. Trong khiêm tốn, ông nghe lời. Sự hoàn tựu chương trình hoạch định của Chúa chỉ chiếm một chỗ rất nhỏ trong cuộc hiện sinh của ông, nhưng được góp phần vào việc Cứu rỗi chúng ta, Cứu rỗi toàn nhân loại. Ông Simôn là người đầu tiên tham dự vào sự hy sinh của Chúa Kitô, vì ông Phêrô đã chối Chúa, Thánh Gioan chỉ theo Ngài ở xa xa và chúng ta không biết các tông đồ khác ở đâu. Ông Simôn dạy cho chúng ta, chấp nhận thử thách và khó khăn sẽ làm chúng ta lớn lên, sẽ làm cho lòng chúng ta được mở ra. Chúng ta tất cả đều là Simôn Kyrênê, cũng giống như người mang thập giá người khác. Người thua cuộc là chúng ta, khi chúng ta phải oằn gối trước khó khăn, nhưng sau đó chúng ta thành người thắng cuộc, khi bài học phong phú này dạy chúng ta! Qua ơn nhưng không này, ông Simôn Kyrênê, ngoài ý muốn của mình, lại là người thắng vô cùng. Chúng ta dễ dàng hình dung, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã làm biến đổi đời sống của ông Simôn Kyrênê, và cũng thế, thập giá của Chúa Kitô biến đổi đời sống chúng ta đôi khi một cách bất ngờ.
Như thế Thiên Chúa có cần con người để Kinh Thánh được hoàn tựu không?
Đó là ý tưởng mà tôi triển khai trong tựa quyển sách của tôi, Người Samaritanô của Chúa. Thiên Chúa cần ông Simôn Kyrênê để Giêsu hoàn tựu chương trình hoạch định của Cha mình. Trên con đường đến đồi Gôngôta, Giêsu không còn một chút sức lực nào. Thiên Chúa đặt ông Simôn trên con đường của Giêsu để hoàn tựu lời Thánh Kinh. Không phải vì tình cờ mà ông Simôn Kyrênê ở đây. Thiên Chúa đặt ông ở đây để giúp Giêsu đi đến chén đắng của mình, để góp phần vào việc cứu nhân loại. Ông Simôn là khí cụ của Chúa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
http://phanxico.vn/2018/03/30/neu-toi-la-ong-simon-kyrene-toi-co-mang-thap-gia-khong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét