Trang

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

Tuần Thánh: Vì sao thánh giá và tượng trong nhà thờ được che lại?



Tuần Thánh: Vì sao thánh giá và tượng trong nhà thờ được che lại?

fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2018-03-26
Như các bạn thấy, trong những ngày này thánh giá, tượng và hình ảnh các thánh ngoại trừ các tượng của đàng thánh giá, tất cả đều được phủ bằng khăn màu tím. Nhiều nhà thờ phủ từ chúa nhật thứ 3 hoặc thứ 5 Mùa Chay. Có nhà thờ chờ đến ngày Thứ Năm Tuần Thánh để làm cùng một lúc khi chuyển Thánh Thể vào nhà tạm. Hình thức che khăn là dấu chỉ Giáo hội sẽ sống lại biến cố Thương Khó của Chúa Giêsu từng ngày, từng giờ cho đến khi Chúa chịu đóng đinh vào Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày khăn che được long trọng tháo ra.
Đặt trọng tâm vào sự Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô
Tượng Đức Mẹ cũng được che và không được thắp nến. Mục đích là để ngưng việc kính các thánh, chỉ tập trung vào Chúa Giêsu đang đi trên con đường khổ nạn. Bàn thờ cũng không chưng hoa. Trong Mùa Chay, chủ đề Thương Khó là trọng tâm. Chúng ta không nên để chuyện gì làm mình chia trí khi nguyện ngắm về sự khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô. Mùa Chay là mùa ăn năn trở lại, mùa làm mới lại đức tin, mùa đặc biệt nhớ lại sự Thương Khó của Chúa Giêsu.
Cho đến Thứ Sáu Tuần Thánh
Trong một vài nhà thờ, màu khăn che trùng với màu của áo lễ phụng vụ. Với màu đỏ ngày Lễ Lá, màu trắng từ ngày Thứ Năm Tuần Thánh đến ngày vọng Phục Sinh hay thánh lễ In Coena Domini. Có nơi chờ đến Thứ Năm Tuần Thánh mới che thánh giá và các tượng, nhưng làm như thế, thời gian quá ngắn để sống “sự Thương Khó” với Chúa Kitô và nắm hết ý nghĩa của tinh thần này. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thánh giá được long trọng mở ra, linh mục hát ba lần “Ecce lignum Crucis in quo salus mundi pependit”  – “Đây là cây thánh giá, nơi đã treo Đấng Cứu độ trần gian” và giáo dân đáp lại “Venite adoremus” – “Chúng ta hãy đến bái thờ”. Trong ngày canh thức Phục Sinh, khi hát kinh Gloria đánh dấu đã bước qua giai đoạn ăn năn đến giai đoạn phục sinh, khăn che trên các ảnh tượng sẽ được lấy đi.
Ở nhà
Đó là ở nhà thờ, còn ở nhà thì chúng ta sẽ làm gì? Không một chi tiết chính xác nào nói về điểm này… nhưng ít nhất chúng ta có một “góc cầu nguyện” hay một phòng cầu nguyện trong nhà… bình thường một cành ô-liu được làm phép trong ngày Lễ Lá đặt bên cạnh cây thánh giá trong nhà nhắc chúng ta cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
http://phanxico.vn/2019/03/07/tuan-thanh-vi-sao-thanh-gia-va-tuong-trong-nha-tho-duoc-che-lai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét