GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐOÀN NHỎ VỚI VIỆC CỬ HÀNH LỜI CHÚA
GM. Lu-y Nguyễn Anh Tuấn
1. Thiên Chúa là GIA ĐÌNH
Con người ở một mình không tốt, vì một mình con người không thể hoàn tất mục đích của mình trong tạo thành. Thiên Chúa không đơn độc, bởi thế con người cũng không thể sống một mình. Con người cá thể đơn độc không thể mang hình ảnh giống như Thiên Chúa được.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong lần viếng thăm đầu tiên các nước châu Mỹ, đã nói: “Thiên Chúa trong mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Ngài không đơn độc nhưng là một gia đình vì lẽ Thiên Chúa trong Ngài có Cha, có Con và có Yếu tính của gia đình, tức là Tình Yêu”[1]. Hiển nhiên, Tình Yêu này không phải là một sự gì mà chính là Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Và dĩ nhiên, Cha, Con, và Thánh Thần không phải là những từ ngữ mang sắc thái “giới tính”, nhưng là những thuật ngữ có “tính tương quan”. Diễn ngữ “gia đình Thiên Chúa” mang tính thần học, chứ không có tính sinh học, diễn tả các mối quan hệ vĩnh cửu giữa Ba ngôi Thiên Chúa sống trong tình Hiệp thông.
Đức Giáo hoàng không nói Thiên Chúa như một gia đình, nhưng nói Thiên Chúa là gia đình. Từ thuở đời đời Thiên Chúa có những thuộc tính nền tảng của một gia đình (kẻ làm cha, người làm con và tình thương yêu) và những thuộc tính ấy hoàn mỹ nhất. Các gia đình người ta có lẽ phải nói là “như” một gia đình thì đúng hơn, vì các nhân vật và các tương quan gia đình không toàn hảo. Chúng ta vẫn luôn còn đó những vết rạn hỏng hóc, không có những thuộc tính gia đình hoàn thiện. Chỉ Thiên Chúa mới có, vì Ngài là Chân, Thiện, Mỹ. Thiên Chúa là gia đình. Chúng ta chỉ là họa ảnh của Ngài.
Không một gia đình nhân loại nào giống sát sao Ba Ngôi diễm phúc như Thánh Gia của Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Quả thật, điều rất ý nghĩa, là chính Thiên Chúa đã chọn sinh ra làm người trong một gia đình nhân loại. Ngài đã có thể bước vào lịch sử nhân loại bằng muôn vàn cách thức khác nhau; vì Ngài toàn năng. Nhưng rốt cuộc, Ngài đã đã chọn sinh ra bởi một người phụ nữ mà không có kết hợp thân xác với một người nam theo lẽ tự nhiên thông thường. Trong Thánh Gia Đức Giêsu đã sống một đời như hình ảnh thế trần của Ba Ngôi vĩnh phúc.
“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”. Chính trong Gia đình Thánh - Giêsu, Maria và Giuse - Lời được sống, được cử hành, lắng nghe và chiêm ngưỡng. Thánh Gia phản chiếu Gia đình Thiên Chúa.
2. Một Hội thánh Gia đình
Trong khi thi hành sứ vụ và rao giảng, Chúa Giêsu mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là một Gia đình. Người còn đi xa hơn: khi kêu gọi người ta đi theo Người, Chúa Giêsu kêu gọi họ bước vào một gia đình vượt trên cả gia đình huyết tộc, bộ tộc: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người đó là anh em, và chị em, và là mẹ tôi” (Mc 3,31-35). Và thậm chí Người còn nói mạnh hơn: “Ai đến với tôi mà không ghét cha, mẹ, vợ, con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26).
Khi lập Giao ước mới, Đức Kitô đã xây dựng một Gia đình phổ quát của Thiên Chúa, tức Hội Thánh.
Hội Thánh là gia đình của Thiên Chúa vì là Thân Mình của Đức Kitô, một Đức Kitô nhập thể tiếp tục trương rộng và xa, và như thế chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi triển nở sinh sôi. Vinh quang của Thiên Chúa là ở chỗ Ngài làm Cha một Gia đình chung, phát triển và giữ cho gia đình ấy sống yêu thương hiệp nhất. Con cái thuộc gia đình này, những người con “trong” Người Con Duy Nhất, gồm những ai tin, tức là kẻ thi hành thánh ý của Cha, qua nghe và tuân giữ những gì Đức Kitô truyền dạy. Ơn cứu độ chính là một lời mời gọi tham dự vào đời sống gia đình riêng này của Chúa. Khi đi xuyên qua Ngôi Nhà của Thiên Chúa, hiểu sự thống nhất bên trong, những mối kết nối nội tại – mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh, Người Mẹ thiêng liêng Đức Maria, các vị thánh khác nhau, sức mạnh của các bí tích – ta mới hiểu tại sao Hội Thánh là một gia đình. Trong truyền thống của Hội Thánh Công Giáo, người ta thường gọi các linh mục là “cha” (father), các nữ tu là “chị/em” (sister), các nữ tu viện trưởng là “Mẹ Bề Trên”. Tất cả phản ánh một cái nhìn gia đình về Giáo hội. Gia đình này thực là gia đình hơn cả gia đình tự nhiên, bởi vì chính mối dây bí tích Ba Ngôi liên kết chúng ta lại với nhau. Đó là một gia đình được rèn được luyện bởi một ràng buộc mà các thứ ràng buộc gia đình khác chỉ là hình ảnh của nó.
Tính Gia đình của Hội Thánh xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi là Gia đình, gia đình ở đây không có nghĩa nào khác hơn chính là diễn tả tình Hiệp Thông.
Hội Thánh như là sự Hiệp thông
Xem Cv 2,42-46; Cv 4,32-35.
Tông huấn Ecclesia in Asia của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy: “Ở tâm điểm của mầu nhiệm Hội Thánh là mối dây hiệp thông kết hợp Đức Kitô là Tân lang với tất cả những người đã chịu Phép Rửa. Qua mối hiệp thông sinh động và ban sự sống này, các Kitô hữu không còn thuộc về chính mình nữa nhưng thuộc về Chúa. Được kết hợp với Chúa Con trong mối dây yêu thương của Thánh Thần, các Kitô hữu được kết hợp với Chúa Cha, và từ sự hiệp thông này, tuôn chảy sự hiệp thông mà các Kitô hữu chia sẻ với nhau nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần. Do đó, mục đích đầu tiên của Hội Thánh là trở nên bí tích của sự kết hợp sâu xa con người với Thiên Chúa, và vì sự hiệp thông giữa con người với nhau được đâm rễ nơi sự kết hợp với Thiên Chúa, nên Hội Thánh cũng là bí tích của sự hiệp nhất nhân loại. Nơi Hội Thánh sự hiệp nhất này đã bắt đầu rồi, đồng thời Hội Thánh cũng là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất trọn vẹn trong tương lai” (EA 24).
Hội Thánh như là sự hiệp thông được cụ thể hóa trong đời sống hằng ngày của mỗi Hội Thánh địa phương: “Mỗi Hội Thánh địa phương phải được xây nền trên chứng tá về sự hiệp thông vốn làm nên chính bản chất của Hội Thánh. Các nghị phụ muốn mô tả giáo phận như là sự hiệp thông của các cộng đoàn, qui tụ chung quanh Mục tử, ở đó hàng giáo sĩ, những người sống đời thánh hiến, và giáo dân, dấn thân vào ‘cuộc đối thoại của con tim và đời sống’, được ân sủng Thánh Thần nâng đỡ. Chủ yếu là nơi giáo phận mà tầm nhìn về sự hiệp thông của các cộng đoàn được hiện thực hóa, giữa những thực tại phức tạp của châu Á về xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hóa và kinh tế” (EA 25).
Xây dựng Hội Thánh tham gia
Từ suy tư về Hội Thánh như là Hiệp Thông, ta có định hướng mục vụ là xây dựng một Hội Thánh tham gia: “là Hội Thánh mà trong đó mọi người sống ơn gọi riêng của mình và thi hành vai trò riêng của mình… Cách riêng, cần phải cổ võ sự tham gia nhiều hơn của giáo dân và những người sống đời thánh hiến trong việc lên kế hoạch mục vụ và tiến trình quyết định, qua những cấu trúc mang tính tham gia như Hội đồng mục vụ hoặc Hội đồng giáo xứ” (EA 25).
Trong tông huấn Người Kitô hữu Giáo dân, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến nhu cầu của con người hôm nay muốn được tham gia vào tiến trình của xã hội mà trong đó họ là thành viên. Ngài coi đó là “một trong những nét đặc thù nhất của nhân loại hôm nay, một dấu chỉ thời đại đang phát triển trong nhiều lãnh vực và bằng nhiều cách khác nhau.” Kế đến, ngài bàn về sự tham gia của người giáo dân vào đời sống của giáo xứ, nhấn mạnh đến vai trò hết sức cần thiết của người giáo dân trong mọi sinh hoạt của cộng đoàn Giáo Hội. Quan điểm của Đức Thánh Cha được minh họa rõ nét nhất qua cách ngài khai triển dụ ngôn những người thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16) trong phần đầu của Tông Huấn. Tất cả mọi người đều được gọi đi làm việc trong vườn nho của Chúa. Không có chuyện thất nghiệp ở đây và cũng không được phép để cho ai thất nghiệp! Nếu hiểu vườn nho ở đây là Hội Thánh thì Hội Thánh phải trở thành một “Hội Thánh Tham Gia”, trong đó mọi người đều tham gia và đồng trách nhiệm, mọi người đều bình đẳng và đều cảm thấy mình thực sự là thành viên.
Thế nào là một Hội Thánh tham gia? Hội Thánh tham gia có những nét nổi bật sau đây:
- 1. Tập trung vào Chúa Kitô;
- 2. Cộng đoàn bình đẳng;
- 3. Cộng đoàn đồng trách nhiệm;
- 4. Cộng đoàn mà mỗi người cảm nhận mình thuộc về Hội Thánh;
- 5. Cộng đoàn mà mỗi người đều góp phần vào sứ mạng chung;
- 6. Cộng đoàn với tầm nhìn vượt xa hơn bức tường của Giáo hội.
Cộng Đoàn Kitô Nhỏ (Small Christian Community)
Nếu nhìn Hội Thánh như là sự Hiệp thông với định hướng mục vụ xây dựng Hội Thánh tham gia, thì mô hình thể hiện hợp lí nhất là các Cộng đoàn Kitô nhỏ (SCC) hay cộng đoàn Giáo hội cơ bản (Basic Ecclesial Communities: BEC).
Tông huấn Ecclesia in Asia vẫn đề cao tầm quan trọng của giáo xứ: “Trong mọi Giáo phận, giáo xứ vẫn là nơi thông thường để các tín hữu qui tụ và lớn lên trong đức tin, để sống mầu nhiệm hiệp thông Hội Thánh và tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh” (EC 25). Thế nhưng, các giám mục Á châu xem các Cộng đoàn nhỏ là phương thế hữu hiệu để thể hiện hình ảnh Hội Thánh hiệp thông và tham gia. “Giáo hội học về hiệp thông là ý tưởng trung tâm và nền tảng của các văn kiện Công đồng”, đồng thời các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản (CĐGHCB) là “sự diễn tả chân thật về hiệp thông và là phương tiện cho việc xây dựng sự hiệp thông sâu xa hơn”[2].
Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ là gì?
- Cộng đoàn nhỏ: vì là nhóm nhỏ nên các thành viên có thể có tương quan liên vị với mọi người trong nhóm và cảm nhận mình thuộc về một cộng đoàn. Trong cộng đoàn nhỏ, mỗi người có thể dễ dàng gặp gỡ người khác và hình thành tương quan thân tình, nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin.
- Các thành viên trong cộng đoàn sống cùng khu vực, nhờ đó có thể đến với nhau dễ dàng và thường xuyên hơn. Các Cộng đoàn Kitô hữu nhỏ (CĐKN) không nhấn mạnh đến công việc phải làm cho bằng mối tương quan, sự gặp gỡ, chia sẻ, nâng đỡ, hiệp nhất với nhau. Theo đó, nhóm nhỏ này không giống các hội đoàn hay phong trào tông đồ thường thấy trong các giáo xứ (Legio Mariae, Cursillo, …).
- Cộng đoàn tập trung vào Chúa Kitô và Lời Chúa.Hoạt động quan trọng nhất là Chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ kinh nghiệm đức tin và cùng nhau đem Lời Chúa vào cuộc sống.
- Cộng đoàn dấn thân cho sứ vụ yêu thương và phục vụ của Đức Kitô. Nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin, cùng nhau thực hiện những việc làm của lòng thương xót, sự công bằng, hòa giải và bình an. Có thể cùng nhau suy nghĩ về các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế.
- Cộng đoàn phải hợp nhất với Hội Thánh, địa phương cũng như phổ quát. Mỗi cộng đoàn nhỏ có đại diện tham gia Hội đồng giáo xứ và những người lãnh đạo cộng đoàn phải thường xuyên được linh mục giáo xứ đồng hành, hướng dẫn.
Thánh Gioan Phaolô II tóm kết cùng nội dung trong Ecclesia in Asia: “Khởi đi từ kinh nghiệm mục vụ của mình, các nghị phụ nhấn mạnh giá trị của CĐGHCB như phương thế hữu hiệu thúc đẩy sự hiệp thông và tham gia trong các giáo xứ và giáo phận, và như sức mạnh đích thực của việc Phúc-âm-hóa. Các nhóm nhỏ này giúp các tín hữu sống như những cộng đoàn tin, cầu nguyện và yêu thương như các Kitô hữu đầu tiên (x. Cv 2,44-47; 4,32-35). Các nhóm đó có mục đích giúp các thành viên sống Phúc âm trong tình thương huynh đệ và phục vụ, do đó là khởi điểm vững chắc cho việc xây dựng một xã hội mới, diễn tả văn minh tình thương. Cùng với THĐGM, tôi khuyến khích Hội Thánh tại Á châu, nơi nào có thể, hãy xem những cộng đoàn cơ bản này như đặc điểm tích cực trong hoạt động Phúc-âm-hóa của Hội Thánh”[3].
3. Chia sẻ Lời Chúa trong CĐKN
X. Lc 24,13-35.
Chia sẻ Lời Chúa là hoạt động quan trọng trong sinh hoạt của các CĐKN. Đọc thuật trình Hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35) ta khám phá những nét căn bản trong việc chia sẻ Lời Chúa sau đây:
- 1. Nhóm nhỏ: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20).
Nhóm nhỏ, cộng đoàn nhỏ là môi trường thuận lợi cho việc gặp gỡ Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và nghe nhau.
- 2. Đối thoại. Lắng nghe.
Chúa không chỉ nói nhưng Ngài trước hết còn lắng nghe tâm tư, nỗi lòng của con người. Tin vào vị TC biết lắng nghe và quan tâm đến nhu cầu của con cái chính là nền tảng của việc cầu nguyện. Ta lắng nghe tiếng Chúa trong nhóm có nghĩa là chia sẻ Lời Chúa trong bầu khí cầu nguyện, tin rằng Chúa hiện diện và lắng nghe tâm tư của con cái. Nếu không việc chia sẻ có nguy cơ trở thành một cuộc thảo luận. Chia sẻ Lời Chúa không phải là giảng dạy Kinh thánh.
- 3. Lời Chúa và cuộc sống.
Chia sẻ trong nhóm nhỏ gắn liền với thực tế đời sống, với những gì đang diễn ra trong đời thực và những tâm tư, nỗi niềm của con người trước những biến cố đó, rồi xin Chúa soi sáng. Vì thế, nhóm nhỏ thường qui tụ những người sống trong cùng một khu vực, với những vấn đề đang xảy ra trong đời sống thường ngày đang tác động đến mọi người.
- 4. Tính toàn thể của Lời Chúa.
“Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các tiên tri…” (Lc 24,27).
Phải đọc Lời Chúa trong văn mạch, và trong mối liên kết với toàn bộ Kinh Thánh. Không nên giải thích Lời Chúa theo sở thích chủ quan, hoặc quan điểm, lập trường riêng của mình.
Phải đọc Lời Chúa trong văn mạch, và trong mối liên kết với toàn bộ Kinh Thánh. Không nên giải thích Lời Chúa theo sở thích chủ quan, hoặc quan điểm, lập trường riêng của mình.
- 5. Những hoa trái của chia sẻ Lời Chúa.
- 6. Một tầm nhìn mới về cùng một sự kiện. “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người hay sao?” (24,26). Chia sẻ Lời Chúa giúp các thành viên trong CĐKN nhìn vào cuộc sống và những biến cố bằng cặp mắt mới để khám phá ý nghĩa mới.
Một trái tim mới: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên khi dọc đường Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” (24,32). Lòng bừng cháy vì trước đó bị nhận chìm trong nỗi thất vọng ê chề nay hi vọng lại được thắp lên, sưởi ấm tâm hồn và ban tặng niềm vui.
Một lối sống mới: “Ngay lúc ấy họ đứng dậy, quay trở lãi Giêrusalem…” (24,33-34). Hành động cụ thể phát xuất từ xác tín vào Đức Kitô Phục Sinh. Không còn những bước chân rã rời vì thất vọng, nhưng là những bước đi mạnh mẽ, mau mắn, đi làm chứng loan váo Tin Mừng Phục Sinh.
4. Gia đình Hội Thánh tại gia cử hành Lời Chúa
Gia đình, Hội Thánh thu nhỏ, là Cộng đoàn Giáo hội “cơ bản” nhất.
Đã từ hai ngàn năm, các gia đình Kitô hữu bởi chứng từ cuộc sống hằng ngày đã giúp bao nhiêu người trở lại với đức tin. Bằng cách sống “yêu thương trong những việc nhỏ” – cách mà các đôi vợ chồng chăm sóc cho nhau, nuôi dạy con cái, làm các việc thường ngày, và tỏ lòng nhân ái tử tế đối với mọi người xung quanh – các gia đình này đã chứng thực cho quyền năng biến đổi của ân sủng và vẻ đẹp của đời sống Kitô hữu.
Hiệu quả của cách thức làm chứng đặc thù đó không phải là điều gì ngẫu nhiên. Bởi từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã có ý kết hợp người nam và người nữ nên “một xương một thịt” để thành dấu chỉ của Ngài và cách Ngài yêu mến. Thiên Chúa, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đã nói, không đơn độc nhưng là một gia đình, mối hiệp thông đời đời giữa Cha, Con và Thánh Thần. Bởi Phép Rửa chúng ta trở thành thành phần của gia đình ấy, được nhận làm con và có sự sống riêng của Thiên Chúa trong chúng ta. Chúng ta cũng trở thành thành phần của Hội Thánh, hiền thê của Đức Lang Quân, người yêu của Người Yêu vĩ đại nhất, Đấng đã hiến thân mình cho hiền thê mình để “nàng trở nên thánh thiện và vô tì tích” (Ep 5,25-27). Vì thế, thánh Phaolô có thể gọi hôn nhân là một mầu nhiệm cao vời sâu thẳm (Ep 5,32). Nhờ sự kết hợp của người nam và người nữ ấy, nhờ sự phong nhiêu của tình yêu họ, những hi sinh họ làm vì tình yêu, và ân sủng qua những hi sinh ấy, mà hôn nhân “tỏ lộ” Thiên Chúa Tình Yêu. Hôn nhân làm nhập thể một thực tại quá cao vời chúng ta không đủ sức để hiểu: Thiên Chúa là Tình yêu trung thành, phong nhiêu, có sức biến đổi.
Thách đố của các cặp Công giáo không chỉ là để cho hôn nhân của họ được biến đổi bởi ân sủng đức tin mà còn làm sao biến hôn nhân của họ thành một khí cụ bí tích thông truyền ân sủng và chân lí cho người khác. Các gia đình không chỉ là đối tượng của chăm sóc mục vụ nhưng còn là chủ thể loan báo Tin mừng cách mới mẻ. Gia đình nhờ thực hành sống Lời Chúa hằng ngày mới trở thành thực sự là Gia đình của Thiên Chúa: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người đó là anh em, và chị em, và là mẹ tôi” (Mc 3,31-35). Gia đình tự nguyện sống Lời Chúa hằng ngày trong đau khổ, u sầu và lo lắng, cũng như trong vui mừng và hi vọng, là đã hiện thực hóa Mầu nhiệm Thập giá cứu độ. Trong thời đại ngày nay, Kitô hữu phải sống lại tầm nhìn Gia đình như là một Hội thánh tại gia. Nhìn gia đình là nơi chốn để Tình yêu Thiên Chúa trở nên hữu hình và sống động, để tình yêu thành hiện thực, và đức tin được lưu truyền cho thế hệ tương lai. Gia đình phải là nơi đặc biệt cho chứng từ của cộng đoàn, một dấu chỉ giữa xóm phường và sống yêu thương.
Kết
Việc thiết lập Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản trong nhiều Giáo phận đặt trên cơ sở các gia đình sống trong cùng một khu vực hay vùng địa lí tương đối gần nhau. Sự liên đới của làng xóm láng giềng nhất là khi ‘tối lửa tắt đèn’ rất được quí trọng ở miền quê cũng như thành thị Việt Nam. Tục ngữ Việt Nam có câu “bán bà con xa mua láng giềng gần”. Các gia đình lân cận được qui tụ lại với nhau thành các Nhóm được gọi là Cộng Đoàn Kitô Nhỏ như Xóm Đạo Nhỏ. Các CĐKN này làm thành một nhóm các gia đình (liên gia) sống trong cùng một địa phương, nơi đó họ có thể gặp gỡ nhau đều đặn cũng như tương tác với nhau thường xuyên hoặc hằng ngày. Họ có chung những vấn đề, niềm vui nỗi buồn thường nhật và sống kinh nghiệm Hội Thánh tại địa phương với Chúa Kitô là trung tâm.
Gia đình, và Cộng đoàn nhỏ cầu nguyện thường xuyên với Lời Chúa lá cách thức sống lấy Đức Kitô làm trung tâm. Nếu quyết tâm tập trung vào Đức Kitô và Cộng đoàn, để cùng nhau thực hiện Sứ mạng xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa, trong Chúa Thánh Thần, trên quê hương, chúng ta có thể mong đợi những hoa trái sau đây :
Cộng Đoàn Kitô hữu Nhỏ sẽ là tác nhân:
1. Chuyển Giáo hội họp tại Nhà thờ tiếp tục hiện diện ở các vùng biên, trong các nhà riêng, như thời Giáo hội của 3 thế kỷ đầu, khi chưa có nhà thờ hay ở những nơi còn bách hại tôn giáo (x. Cv 2,42-47). Giáo hội Chúa Kitô sẽ có mặt ở mọi nơi có người Kitô hữu sống (xem Mt 28,19-20; Mc 16,15-21);
2. Qui tụ các nhóm giáo dân và gia đình họp nhau quanh Chúa Phục Sinh và Lời của Ngài, để cầu nguyện trong Thần Khí và sự Thật (x. Ga 4,23), làm cho Chúa Giêsu hiện diện và cắm lều tại nơi mình ở (x. Mt 18,19-20; Ga 1,14), từng bước hình thành một cộng đoàn huynh đệ, “một lòng một trí” (Cv2,46);
3. Giúp mọi thành phần Dân Chúa: giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân hiệp thông và hợp tác với nhau, theo các đoàn sủng Thánh Thần ban cho mỗi người, cùng nhau xây dựng Thân Mình Chúa Kitô đến mức trưởng thành (x. Ep 4,1-16) và thực hiện Kế hoạch Cứu độ muôn dân trong Chúa Kitô (x. Ep 1,10).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét